HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 28/NQ-HĐND
|
Thừa Thiên Huế, ngày 07 tháng 12
năm 2018
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ KẾT QUẢ GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN
CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ THU HỒI ĐẤT, GIAO ĐẤT, BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ, TÁI ĐỊNH CƯ
TẠI CÁC DỰ ÁN LỚN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN
HUẾ
KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ 7
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6
năm 2015;
Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân
dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 09/NQ-HĐND ngày 14 tháng 7
năm 2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Chương trình giám sát của Hội đồng nhân
dân tỉnh năm 2018;
Căn cứ Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2017
của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thành lập Đoàn giám sát “việc thực hiện
chính sách pháp luật về thu hồi đất, giao đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
và giải quyết việc làm tại các dự án lớn trên địa bàn tỉnh”;
Trên cơ sở xem xét Báo cáo số 71/BC-ĐGS ngày 04 tháng 12 năm
2018 của Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả giám sát việc thực
hiện chính sách pháp luật về thu hồi đất, giao đất, bồi thường, hỗ trợ, tái
định cư tại các dự án lớn trên địa bàn tỉnh và ý kiến thảo luận của các đại biểu
Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành
nội dung Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật
về thu hồi đất, giao đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại các dự án lớn trên
địa bàn tỉnh;
đồng thời nhấn mạnh:
Trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước về đất
đai trên địa bàn tỉnh
đạt được những kết quả nhất định, tài nguyên đất được sử dụng cơ bản
đúng quy hoạch, đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển
kinh tế - xã hội của tỉnh. Công tác lập,
điều chỉnh và tổ chức thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được thực hiện
đúng quy trình, đảm bảo tính dân chủ, minh bạch; chất lượng quy hoạch, kế hoạch
sử dụng đất được nâng lên, phù hợp với thực trạng sử dụng đất. Công tác bồi
thường giải phóng mặt bằng có nhiều chuyển biến tích cực; công tác thu hồi đất,
giao đất, cho thuê đất được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế sau:
Quy hoạch sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực còn có
sự chồng chéo, chậm được rà soát điều chỉnh; chất lượng kế hoạch sử dụng đất
hàng năm của các địa phương còn hạn chế, tính khả thi chưa cao; việc lấy ý kiến
của người dân, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở một số nơi còn mang
tính hình thức. Việc tổ chức, triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bồi
thường, hỗ trợ, tái định cư còn chậm, thiếu đồng bộ. Một số cấp ủy Đảng, chính
quyền chỉ đạo, triển khai công tác giải phóng mặt bằng thiếu quyết liệt; trách
nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao. Năng lực thực thi công vụ của một bộ
phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhận thức và ý
thức chấp hành của một số hộ dân có đất bị thu hồi còn chưa tốt. Sự phối hợp giữa các sở, ngành với
địa phương, Ban quản lý Khu vực phát triển đô thị, Ban quản lý Khu kinh tế,
công nghiệp trong việc quản lý, giám sát sử dụng đất chưa thực sự hiệu quả.
Điều 2. Để tiếp tục thực hiện tốt chính
sách, pháp luật về thu hồi đất, giao đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong
thời gian tới, Hội
đồng nhân dân tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung thực hiện một số nội
dung sau:
1. Tăng cường chỉ đạo công tác rà
soát, giám sát tiến độ thực hiện các dự án đầu tư; thống nhất với Thường trực Hội
đồng nhân dân tỉnh bổ sung danh mục dự án cần rà soát thu hồi; danh mục dự án
giám sát đặc biệt tạo sự bình đẳng trong đầu tư, phát huy cao nhất hiệu quả sử
dụng đất.
2. Chỉ đạo các cấp, các ngành thực
hiện việc thu hồi đất, giao đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đảm bảo công
khai, đúng trình tự, thủ tục; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người
dân chấp hành chính sách, pháp luật của nhà nước về đất đai, tổ chức các lớp
tập huấn, hướng dẫn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ trong thực thi pháp luật về
đất đai; việc đăng ký kế hoạch sử dụng đất hằng năm phải được xem xét kỹ lưỡng
trên cơ sở khả năng cân đối nguồn lực thực hiện đối với dự án sử dụng ngân sách
nhà nước. Chỉ đạo rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung chính sách thu hồi đất,
giao đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đảm bảo phù hợp với quy định của pháp
luật và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
3. Thực hiện công khai danh mục các
dự án thu hồi, các dự án chậm triển khai tiến độ, các trường hợp sử dụng đất
sai mục đích, vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn theo quy định của Luật Đất
đai năm 2013.
4. Rà soát, điều chỉnh một số quy
hoạch không có tính khả thi, không còn phù hợp với tình hình thực tế của các
địa phương. Việc lập, điều chỉnh quy hoạch cần ưu tiên quỹ đất quy hoạch dành
cho các thiết chế về văn hóa, giáo dục, y tế, trụ sở cơ quan hành chính của địa
phương; quỹ đất tái định cư, quỹ đất nghĩa trang; một số quy hoạch đô thị cần
có kế hoạch phân kỳ thực hiện cụ thể tạo điều kiện cho người dân được thực hiện
các quyền của người sử dụng đất theo quy định. Chỉ đạo việc thực hiện đầu tư
xây dựng các khu tái định cư, tạo quỹ đất dự trữ để chủ động bố trí tái định
cư.
5. Chỉ đạo rà soát, cắt giảm các quy
trình, thủ tục hành chính, phát huy hơn hiệu quả mô hình một cửa liên thông,
ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục; phát huy sức mạnh của
chính quyền điện tử nhằm hỗ trợ tối đa cho các các nhà đầu tư, các doanh
nghiệp, tạo môi trường để kêu gọi, xúc tiến đầu tư; nghiên cứu, ban hành quy
định cụ thể về thời gian giải quyết công việc của từng cấp, ngành và của Ủy ban
nhân dân tỉnh liên quan đến quy trình thu hồi đất, giao đất, công tác thẩm
định, công tác cấp giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật; xem xét phân
cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc xác định giá đất bồi thường và giá
đất cụ thể để bố trí giao đất tái định cư.
6. Rà soát, trình Hội đồng nhân dân
tỉnh xem xét, điều chỉnh bảng giá đất 5 năm phù hợp với thực tế hiện nay, làm
cơ sở để xác định hệ số điều chỉnh giá đất, hệ số bồi thường giải phóng mặt
bằng.
7. Chỉ đạo xây dựng, ban hành quy
trình thỏa thuận đối với trường hợp thỏa thuận nhận chuyển nhượng, thuê quyền
sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh theo
quy định tại Điều 73 của Luật Đất đai năm 2013.
8. Cân đối, bố trí kinh phí từ ngân
sách tỉnh hoặc vay các tổ chức tài chính theo quy định để thực hiện đền bù,
giải phóng mặt bằng sạch đối với một số dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư.
9. Rà soát, bố trí cán bộ có đủ năng
lực, trình độ chuyên môn thực hiện công tác quản lý nhà nước về đất đai. Nâng
cao tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo và cán bộ, phát huy sức mạnh tổng hợp
của cả hệ thống chính trị trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, hỗ
trợ, tái định cư.
10. Tăng cường công tác thanh tra,
kiểm tra và có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện
chính sách pháp luật về thu hồi đất, giao đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh
tổ chức thực hiện Nghị quyết và chỉ đạo thực hiện những kiến nghị của Đoàn giám sát Hội đồng
nhân dân tỉnh tại Báo cáo số 71/BC-ĐGS ngày 04 tháng 12 năm 2018 về kết
quả giám sát việc
thực hiện chính sách pháp luật về thu hồi đất, giao đất, bồi thường, hỗ trợ,
tái định cư tại các dự án lớn trên địa bàn tỉnh.
2.
Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu và
các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam tỉnh tổ
chức kiểm tra và giám sát việc thực hiện Nghị quyết này theo nhiệm vụ, quyền
hạn đã được pháp luật quy định.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa
Thiên Huế khóa VII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 07 tháng 12 năm 2018./.