Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 11/2012/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Yên Bái Người ký: Dương Văn Thống
Ngày ban hành: 20/07/2012 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/2012/NQ-HĐND

Yên Bái, ngày 20 tháng 7 năm 2012

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ GIAO RỪNG, CHO THUÊ RỪNG GẮN LIỀN VỚI GIAO ĐẤT, CHO THUÊ ĐẤT, CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT SẢN XUẤT LÂM NGHIỆP TỈNH YÊN BÁI GIAI ĐOẠN 2012 - 2015

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI
KHÓA XVII - KỲ HỌP THỨ 5

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng;

Căn cứ Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý rừng;

Căn cứ Thông tư số 38/2007/TT-BNN ngày 25 tháng 4 năm 2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn trình tự, thủ tục giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn;

Căn cứ Thông tư số 24/2009/TT-BNN&PTNT ngày 05 tháng 5 năm 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chuyển đổi rừng phòng hộ, rừng đặc dụng được quy hoạch sang rừng sản xuất và ngược lại từ rừng sản xuất được quy hoạch thành rừng phòng hộ, đặc dụng sau rà soát quy hoạch lại;

Căn cứ Thông tư số 07/2011/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 29 tháng 01 năm 2011 của liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn một số nội dung về giao rừng, cho thuê rừng gắn liền với giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp.

Sau khi xem xét Tờ trình số 122/TTr-UBND ngày 13 tháng 7 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề án giao rừng, cho thuê rừng gắn liền với giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất lâm nghiệp tỉnh Yên Bái giai đoạn 2012 - 2015; báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Đề án giao rừng, cho thuê rừng gắn liền với giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất lâm nghiệp tỉnh Yên Bái giai đoạn 2012 – 2015 (gọi tắt là Đề án), như sau:

1. Mục tiêu

Phấn đấu đến năm 2015 về cơ bản hoàn thành việc giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 88.574 ha đất rừng được chuyển từ rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất và diện tích đất lâm nghiệp của các lâm trường quốc doanh (sau chuyển đổi) cho hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, cộng đồng dân cư thôn bản để tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng. Đảm bảo sau khi giao rừng, cho thuê rừng cơ bản người dân có đất sản xuất; các chủ rừng yên tâm đầu tư vào phát triển sản xuất, nâng cao mức thu nhập từ rừng góp phần cải thiện đời sống, xóa đói, giảm nghèo.

2. Yêu cầu

a) Giao rừng, cho thuê rừng; giao đất, cho thuê đất phải gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Giao đất, giao rừng phải căn cứ điều kiện cụ thể của từng địa phương; đảm bảo được sự bình đẳng đối với mọi thành phần kinh tế tham gia công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, giảm thiểu mâu thuẫn có thể nảy sinh. Ưu tiên giao rừng, cho thuê rừng đối với các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, tổ chức thường trú tại địa phương, cộng đồng dân cư theo tập quán đã quản lý rừng trên thực tế. Đảm bảo giữ vững ổn định an ninh chính trị, không làm xáo trộn đời sống của nhân dân tại các địa phương.

b) Phải căn cứ vào kết quả điều chỉnh quy hoạch 03 loại rừng; phương án chuyển đổi rừng phòng hộ sang rừng đặc dụng, rừng sản xuất và ngược lại; diện tích đất lâm nghiệp thực tế được chuyển đổi từ các lâm trường quốc doanh sang địa phương quản lý.

c) Kế thừa kết quả giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp theo Quyết định số 672/QĐ-TTg ngày 28 tháng 4 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án thành lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp và phải căn cứ vào nhu cầu sử dụng và quỹ đất rừng tại địa phương.

3. Nhiệm vụ

a) Rà soát, thống kê, phân loại và xác định diện tích rừng đã giao, khoán qua các thời kỳ để quản lý bảo vệ theo quy định. Diện tích và loại rừng hiện chưa giao tiến hành rà soát làm cơ sở lập phương án giao rừng, cho thuê rừng, cân đối nhu cầu giao rừng, cho thuê rừng đến các chủ quản lý, bảo vệ sử dụng rừng.

b) Xác định cụ thể các khu vực ưu tiên, các đối tượng ưu tiên nhận đất lâm nghiệp, nhận rừng để tiến hành giao rừng, cho thuê rừng.

c) Xây dựng khung giá cho từng loại rừng trên địa bàn tỉnh làm cơ sở cho việc thực hiện Đề án.

d) Tổ chức thực hiện giao rừng, cho thuê rừng gắn liền với giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ quản lý.

4. Diện tích đất rừng dự kiến giao, cho thuê trong giai đoạn 2012 - 2015

Tổng diện tích đất lâm nghiệp dự kiến giao, cho thuê gắn với giao đất, cho thuê đất cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất lâm nghiệp tỉnh Yên Bái giai đoạn 2012 - 2015 là: 88.574,0 ha, trong đó: Diện tích giao cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư là: 54.329,2 ha; diện tích cho thuê là: 34.244,8 ha (Đất có rừng: 17.935,4 ha; đất trống: 16.309,4 ha).

5. Hạn mức giao rừng, cho thuê rừng

a) Đối với hộ gia đình, cá nhân

Căn cứ quỹ đất hiện có của địa phương, Ủy ban nhân dân xã xây dựng phương án (nằm trong diện tích dự kiến giao của Đề án), trình Hội đồng nhân dân xã thông qua, báo cáo Ủy ban nhân dân huyện tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, theo quy định tại khoản 3 Mục II Thông tư số 38/2007/TT-BNN ngày 25 tháng 4 năm 2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

b) Đối với các chủ rừng khác

Căn cứ vào quỹ rừng thực tế của địa phương và nhu cầu của chủ rừng, Uỷ ban nhân dân cấp huyện xem xét năng lực của chủ rừng đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

6. Đối tượng được giao, cho thuê rừng

a) Đối tượng được ưu tiên giao rừng

- Hộ gia đình, cá nhân thường trú tại các xã, phường, thị trấn thuộc diện nghèo, cận nghèo trực tiếp sản xuất nông, lâm nghiệp đang thiếu đất sản xuất hoặc không có đất sản xuất.

- Hộ gia đình, cá nhân là thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng có hộ khẩu thường trú tại các xã, phường, thị trấn có đủ sức khoẻ và tâm huyết với nghề rừng đang thiếu đất sản xuất.

- Hộ gia đình cán bộ công nhân viên lâm trường đã nghỉ việc, mất việc có hộ khẩu thường trú tại các xã, phường, thị trấn có sức khoẻ và không có thu nhập gì khác đang thiếu đất hoặc không có đất sản xuất.

- Bộ đội, công an đã hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương đã lập gia đình hoặc đã tách hộ không có nghề nghiệp gì khác và có nhu cầu sử dụng đất lâm nghiệp đang thiếu đất hoặc không có đất sản xuất.

- Hộ gia đình, cá nhân đã gắn bó nhiều năm với những khu rừng cụ thể ở địa phương, được cộng đồng dân cư và chính quyền địa phương ở đó thừa nhận.

- Cộng đồng dân cư thôn, bản được giao những khu rừng thiêng, rừng bảo vệ nguồn nước hoặc những khu rừng đã gắn bó nhiều năm với cộng đồng.

b) Đối tượng được thuê rừng

- Hộ gia đình, cá nhân có diện tích rừng vượt quá hạn mức quy định do Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt cụ thể cho từng địa phương và những diện tích không thể tiến hành giao cho hộ gia đình, cá nhân khác được.

- Các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế của Việt Nam và hộ gia đình, cá nhân thường trú tại địa phương, có nhu cầu thuê đất rừng phải có đủ các điều kiện sau:

+ Có trụ sở và nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh Yên Bái, có nhu cầu chế biến lâm sản, hoặc có phương án liên doanh, liên kết với các nhà máy chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh. Có năng lực tài chính được cơ quan có thẩm quyền thẩm định.

+ Có dự án đầu tư trồng rừng sản xuất, chế biến gỗ rừng trồng được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

+ Khi được thông báo cho thuê đất, thuê rừng, phải nộp tiền đặt cọc 30% giá trị tài sản trên đất và tiền thuê đất vào Kho bạc nhà nước hoặc ký quỹ vào Ngân hàng tại Yên Bái với số diện tích đất rừng được thuê.

+ Đối với diện tích đất trống, khi thuê phải có trách nhiệm với các nguồn vốn đã đầu tư trước đây theo quy định của pháp luật hiện hành.

7. Quyền lợi chung của đối tượng được giao rừng, cho thuê rừng gắn liền với giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất lâm nghiệp

a) Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng

- Được sử dụng rừng ổn định, lâu dài phù hợp với thời hạn giao rừng, cho thuê rừng và thời hạn giao đất, cho thuê đất.

- Được khai thác gỗ và các thực vật khác của rừng sản xuất:

+ Đối với rừng tự nhiên sản xuất việc khai thác rừng phải theo quy chế quản lý rừng và chấp hành quy phạm, quy trình kỹ thuật bảo vệ và phát triển rừng; sau khi khai thác phải tổ chức bảo vệ, nuôi dưỡng, làm giàu rừng cho đến kỳ khai thác sau. Chỉ được thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng rừng tăng thêm do chủ rừng tự đầu tư so với giá trị quyền sử dụng rừng được xác định tại thời điểm được giao theo quy định của pháp luật.

+ Đối với rừng trồng, chủ rừng phải lập hồ sơ khai thác trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nguồn vốn quyết định, các sản phẩm khai thác từ rừng trồng của chủ rừng được tự do lưu thông trên thị trường; được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng giá trị rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định của pháp luật.

- Được sở hữu cây trồng, vật nuôi và tài sản trên đất trồng rừng.

- Được sản xuất lâm nghiệp - nông nghiệp - ngư nghiệp kết hợp theo quy chế quản lý rừng.

- Được hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên diện tích được giao, được thuê; bán thành quả lao động, kết quả đầu tư cho người khác.

b) Được kết hợp nghiên cứu khoa học, kinh doanh dịch vụ, du lịch theo dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

c) Được bồi thường thành quả lao động, kết quả đầu tư để bảo vệ và phát triển rừng theo quy định của Luật Bảo vệ và phát triển rừng và các quy định khác của pháp luật có liên quan khi Nhà nước có quyết định thu hồi rừng.

d) Được hướng dẫn về kỹ thuật, hỗ trợ về vốn theo chính sách của Nhà nước để bảo vệ và phát triển rừng và được hưởng lợi ích do các công trình công cộng bảo vệ, cải tạo rừng mang lại.

đ) Được Nhà nước bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp đối với rừng được giao, được thuê.

8. Nghĩa vụ chung của đối tượng được giao rừng, cho thuê rừng gắn liền với giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất lâm nghiệp

a) Thực hiện nghĩa vụ tài chính và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

b) Chủ rừng phải có kế hoạch chăm sóc, nuôi dưỡng, trồng rừng mới, bảo vệ rừng, kết hợp kinh doanh lâm nghiệp - nông nghiệp - ngư nghiệp, cảnh quan, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái - môi trường trong khu rừng phù hợp với quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng từng vùng, quy chế quản lý rừng.

c) Trồng lại rừng vào thời vụ trồng rừng ngay sau khi khai thác hoặc thực hiện biện pháp tái sinh tự nhiên trong quá trình khai thác.

d) Bảo toàn vốn rừng và phát triển rừng bền vững; sử dụng rừng đúng mục đích, đúng ranh giới đã quy định trong quyết định giao, cho thuê rừng và theo quy chế quản lý rừng.

đ) Tổ chức bảo vệ và phát triển rừng theo quy hoạch, kế hoạch, dự án, phương án đã được phê duyệt.

e) Giao lại rừng khi Nhà nước có quyết định thu hồi rừng hoặc khi hết thời hạn sử dụng rừng.

g) Đối tượng được giao, cho thuê rừng chỉ được khai thác và sử dụng tài sản trên mặt đất theo quy định; đối với các tài nguyên, khoáng sản dưới lòng đất chỉ được khai thác, sử dụng khi được các cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật.

9. Các giải pháp thực hiện công tác giao rừng, cho thuê rừng

a) Giải pháp về cơ chế chính sách

Thực hiện chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế sử dụng đất, tiền thu giá trị tài sản trên đất cho các vùng sâu, vùng xa, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn; có chính sách hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng... Tổ chức đấu giá rộng rãi quyền sử dụng rừng sản xuất cho hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức có nhu cầu thuê rừng để sản xuất và kinh doanh.

b) Giải pháp khoa học công nghệ

Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để cập nhật và quản lý các thông tin về giao rừng, cho thuê rừng, giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất lâm nghiệp và các đối tượng nhận rừng, thuê rừng. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giao rừng, thuê rừng.

c) Giải pháp về vốn

Hàng năm bố trí đầy đủ kinh phí để triển khai Đề án đảm bảo tiến độ, hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ đề ra.

d) Giải pháp quản lý rừng sau khi giao và cho thuê

Sau khi hoàn tất thủ tục giao rừng, chủ rừng có trách nhiệm đóng cọc mốc ranh giới rừng giữa các chủ rừng trên thực địa. Toàn bộ hồ sơ giao rừng, cho thuê rừng phải được cập nhật vào cơ sở dữ liệu của các cấp theo quy định của pháp luật.

10. Kinh phí thực hiện

a) Tổng kinh phí dự kiến thực hiện Đề án là: 57.690 triệu đồng (Kinh phí được xây dựng tính tại thời điểm mức lương tối thiểu là 1.050.000 đồng). Căn cứ vào tiến độ triển khai thực hiện Đề án, Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm bố trí nguồn kinh phí hàng năm để thực hiện, nhưng không vượt quá tổng mức kinh phí dự kiến trên.

b) Nguồn kinh phí thực hiện Đề án

- Nguồn vốn được cân đối từ nguồn ngân sách hàng năm của địa phương.

- Kinh phí thu được từ giao rừng, cho thuê rừng và giao đất, cho thuê đất sản xuất lâm nghiệp.

- Kinh phí từ các chương trình mục tiêu sự nghiệp lâm nghiệp, mục tiêu khác.

Điều 2. Giao cho Uỷ ban nhân dân tỉnh

1. Thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về thực hiện Đề án giao rừng, cho thuê rừng, gắn liền với giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất lâm nghiệp tỉnh Yên Bái giai đoạn 2012 - 2015, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các cấp, các ngành, tổ chức đang quản lý và sử dụng rừng thực hiện việc giao rừng, cho thuê rừng và thu hồi rừng theo quy định của pháp luật. Thành lập Ban định giá rừng cấp tỉnh xác định khung giá các loại rừng theo quy định, thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và công bố công khai trước khi thực hiện. Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cấp huyện: Xây dựng Đề án giao rừng cấp huyện; chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ Uỷ ban nhân cấp xã xây dựng phương án giao rừng, cho thuê rừng cấp xã và xem xét phê duyệt phương án của cấp xã theo quy định.

2. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các địa phương tiếp tục kiểm tra, rà soát lại toàn bộ số liệu diện tích đất rừng đảm bảo công tác giao, cho thuê rừng chính xác và phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương. Tiếp tục nghiên cứu, quy định rõ những đối tượng được ưu tiên và điều kiện giao rừng, thuê rừng nhằm đảm bảo đúng các quy định của pháp luật và mục tiêu Đề án đặt ra. Nghiên cứu có chính sách miễn, giảm phù hợp khi giao đất, giao rừng đối với hộ nghèo, gia đình chính sách… theo các quy định hiện hành của pháp luật.

3. Chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung của công tác giao rừng, cho thuê rừng gắn liền với giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất lâm nghiệp, nhằm tạo sự đồng thuận của nhân dân, giữ ổn định an ninh chính trị, không làm xáo trộn đời sống của nhân dân trong khi triển khai thực hiện chủ trương của tỉnh.

4. Căn cứ vào các quy định hiện hành để xây dựng tỷ lệ phần trăm (%) phân chia đối với khoản thu được từ công tác thực hiện Đề án giao rừng, cho thuê rừng hàng năm giữa các cấp ngân sách của địa phương cho phù hợp; đồng thời quy định cụ thể nội dung chi từ nguồn thu này để bổ sung vào hệ thống quy định về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách địa phương đảm bảo tập trung, thống nhất và kịp thời. Hàng năm, căn cứ Luật Ngân sách nhà nước, các quy định hiện hành cũng như tình hình thực tế, khả năng ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để bố trí kinh phí thực hiện, trình cấp thẩm quyền phê duyệt nhằm triển khai Đề án đảm bảo tiến độ, hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ đề ra.

5. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nếu có vướng mắc cần phải sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Đề án, Ủy ban nhân dân tỉnh tổng hợp, thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh trước khi thực hiện và báo cáo Hội đồng nhân dân tại kỳ họp gần nhất.

Điều 3. Giao cho Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày thông qua.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái khoá XVII, kỳ họp thứ 5 thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Dương Văn Thống

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị quyết 11/2012/NQ-HĐND ngày 20/07/2012 về giao rừng, cho thuê rừng gắn liền với giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất lâm nghiệp tỉnh Yên Bái giai đoạn 2012 - 2015

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


5.430

DMCA.com Protection Status
IP: 3.149.254.35
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!