ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 256/KH-UBND
|
Vĩnh Phúc, ngày 22 tháng 6 năm 2018
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN DỒN THỬA ĐỔI RUỘNG (DỒN ĐIỀN ĐỔI THỬA)
TRONG
NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC
Căn cứ Nghị quyết số 03-NQ/TU
ngày 27/12/2006 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp,
nông thôn, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm
2020;
Căn cứ Nghị quyết số 201/2015/NQ-HĐND
ngày 22/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc về một số cơ chế, chính
sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2020;
Căn cứ Đề án tái cơ cấu ngành nông
nghiệp gắn với chuyển đổi lao động nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020 và định
hướng đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3216/QĐ-UBND ngày
10/11/2015;
Căn cứ Nghị định số 64/CP ngày
27/9/1993 của Chính phủ và Quyết định số 450/QĐ-UB ngày 19/5/1992 và Quyết định
số 159/QĐ-UB ngày 08/02/1994 của UBND tỉnh Vĩnh Phú (cũ) về việc giao đất nông
nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích sản xuất
nông nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 43/2014/NĐ-CP
ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất
đai;
Căn cứ Chỉ thị số 11-CT/TU ngày
11/11/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện công tác dồn thửa đổi
ruộng trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh;
Căn cứ nhiệm vụ và quyền hạn của
Ban chỉ đạo công tác dồn thửa đổi ruộng và giải quyết đất dịch vụ trên địa bàn
tỉnh theo Quyết định số 175-QĐ/TU ngày 11/7/2016 và Quyết định số 03-QĐ/BCĐ
ngày 03/11/2016 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc;
Sau kết quả thí điểm tại xã Ngũ
Kiên và xã Cao Đại (huyện Vĩnh Tường) UBND tỉnh ban hành Kế hoạch sửa đổi kế hoạch
số 9487/KH-UBND về thực hiện dồn thửa đổi ruộng trong nông nghiệp trên địa bàn
tỉnh Vĩnh Phúc như sau:
I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU
1- Mục đích:
1- Tạo ra các cánh đồng lớn, thửa ruộng
lớn bằng phẳng, đồng nhất, có hệ thống bờ vùng, bờ thửa, hệ
thống tưới, tiêu khoa học, hợp lý, thuận tiện, nâng cao hiệu quả sản xuất nông
nghiệp. Tạo thuận lợi để đưa cơ giới hóa, giải phóng sức
lao động, giảm chi phí, sản xuất hàng hóa tập trung theo chuỗi và tăng thu nhập
cho người nông dân trên 1 đơn vị diện tích; góp phần tích cực vào chuyển dịch,
tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu trong lao động nông nghiệp.
2- Dồn thửa đổi ruộng (DTĐR) nhằm đưa
tổng diện tích nhiều thửa đất của một hộ gia đình, cá nhân được giao trước đây
và nhận quyền sử dụng hợp pháp về còn 1-2 thửa lớn thông qua việc nhận đất theo
kết quả lấy phiếu ngẫu nhiên.
3- Kết hợp dồn thửa đổi ruộng với sắp
xếp lại quỹ đất để đảm bảo giữ tiêu chuẩn đất được giao, nhận quyền sử dụng đất
hợp pháp của các hộ gia đình, cá nhân; đồng thời, giải quyết đất dịch vụ, bố
trí đất khu sản xuất chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, chuyển mục đích sử dụng
theo quy hoạch.
4- Tạo điều kiện thuận lợi cho các
doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thông qua việc tích tụ,
thực hiện các quyền của người sử dụng đất góp phần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu
ngành Nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2016-2020 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết
định số 3216/QĐ-UBND ngày 10/11/2015.
5- Đảm bảo quản lý nhà nước về đất
đai trong nông nghiệp tránh lấn, chiếm, sử dụng đất không đúng mục đích, lập và
quản lý hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận để người sử dụng đất thực hiện các
quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.
2- Yêu cầu:
1. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn
thể tập trung chỉ đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân thấy rõ lợi ích, hiệu quả
và sự cần thiết phải dồn thửa đổi ruộng để tự giác thực hiện với phương châm
kiên quyết, kiên trì, chặt chẽ, từng bước, nhất quán đảm bảo lợi ích chung của
đa số người dân, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và đoàn kết
trong nông thôn.
2. Công khai, dân chủ, công bằng, mọi
công việc liên quan đến DTĐR người dân đều được biết và tham gia bàn bạc, thống
nhất. UBND các cấp chủ yếu đóng vai trò kiến tạo, phục vụ và hỗ trợ người dân
thực hiện.
3. DTĐR phải được gắn liền với việc
quy hoạch lại đồng ruộng, quy hoạch vùng sản xuất chuyển đổi cơ cấu cây trồng
khoa học, hợp lý và phù hợp với các quy hoạch khác đặc biệt là quy hoạch hệ thống
bờ vùng, bờ thửa, hệ thống tưới, tiêu, quy hoạch khu chăn nuôi tập trung, khu đất
dịch vụ.
4. Việc DTĐR, không được làm ảnh hưởng
đến thời vụ sản xuất của nông dân, không làm mất quyền và nghĩa vụ của người sử
dụng đất.
5. Trong quá trình DTĐR, UBND cấp xã
phải rà soát, tổng hợp lập và hoàn thiện phương án chuyển đổi quyền sử dụng đất
nông nghiệp chung cho toàn xã trình UBND cấp huyện phê duyệt theo khoản 2, 3 Điều
78 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP. Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện
ngay việc đo đạc chỉnh lý bản đồ, cập nhật hồ sơ địa chính và cấp đổi Giấy chứng
nhận cho các hộ theo quy định tại khoản 4, 6 Điều 78 Nghị định số
43/2014/NĐ-CP.
6. Trong quá trình thực hiện từng nhiệm
vụ phải kịp thời xử lý, giải quyết triệt để các vướng mắc phát sinh thông qua
việc thương lượng, hòa giải. Không để phát sinh tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về
sau.
II. NGUYÊN TẮC THỰC
HIỆN
1. Đảm bảo quyền và nghĩa vụ của người
sử dụng đất đã được giao theo Nghị định 64/CP của Chính phủ và Quyết định số
450/QĐ-UB ngày 19/5/1992, Quyết định số 159/QĐ-UB ngày 08/02/1994 của UBND tỉnh
Vĩnh Phú (cũ) và người nhận quyền sử dụng hợp pháp, đồng thời không để xảy ra
các sai phạm trong việc quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương khi thực hiện
DTĐR.
2. Lấy số khẩu và diện tích giao cho
mỗi khẩu ở thời điểm 15/10/1993 khi thực hiện Nghị định 64/CP của Chính phủ và
các Quyết định số 450/QĐ-UB ngày 19/5/1992, Quyết định số 159/QĐ-UB ngày 08/02/1994 của UBND tỉnh Vĩnh Phú (cũ) và diện tích nhận quyền sử
dụng đất hợp pháp làm cơ sở xác định diện tích tiêu chuẩn; phần diện tích các hộ
đã được Nhà nước thu hồi hoặc đã chuyển nhượng thì không được tính DTĐR, chỉ thực
hiện DTĐR với diện tích hiện trạng còn lại đang sử dụng.
3. Lấy thôn (đội, khu hành chính,..)
làm đơn vị dồn thửa đổi ruộng. Người sử dụng đất ở thôn nào thì nhận dồn thửa đổi
ruộng ở thôn đó.
4. Trong quá trình thực hiện nếu có
thỏa thuận khác của những người sử dụng liên quan mà không ảnh hưởng đến lợi
ích chung thì tạo điều kiện để thực hiện thỏa thuận đó. Nhân dân bàn và quyết định
tập thể về các nội dung: quy hoạch đồng ruộng, phương pháp thực hiện, khu đất
nào dồn đổi và những khu đất không dồn đổi, hệ số K dồn đổi, xử lý diện tích đất
tăng hoặc giảm do mở rộng đường, mương sử dụng chung.
III. PHƯƠNG PHÁP
THỰC HIỆN
Từ kinh nghiệm thực tế để công tác dồn
thửa đổi ruộng có kết quả cao thì phải tuyên truyền, giải thích để nhân dân thấy
rõ lợi ích, phương pháp, thống nhất, san gạt tạo ra các cánh đồng, vùng đất lớn
đồng đều làm quỹ đất để lấy phiếu, gắp thăm trả lại đủ diện tích đất cho từng hộ
01 hoặc 02 thửa. Cụ thể:
1. Tuyên truyền, vận động kết hợp
thăm quan thực tế đồng ruộng tại các xã đã thực hiện DTĐR đạt hiệu quả tốt ở
trong và ngoài tỉnh. Họp, niêm yết các chủ trương, chính sách, thông báo trên
phương tiện truyền thanh.. để nhân dân thấy rõ lợi ích của
việc dồn thửa đổi ruộng. Sau khi nhân dân đã thống nhất thực hiện (có Nghị quyết,
Biên bản) mới tổ chức thực hiện theo trình tự các bước đã được nhân dân bàn, thống
nhất;
2. Rà soát, định hướng quy hoạch, sơ
bộ thiết kế đường, mương, khoanh định các khu vực tiến hành dồn đổi, các khu
không tiến hành dồn đổi để tiến hành khoanh định các vùng sản xuất, các khu vực
bố trí làm trang trại, các khu vực để làm quỹ đất công ích, các mục đích
khác,.... theo hiện trạng sử dụng đất và trên nền bản đồ hiện trạng sử dụng đất
tỷ lệ 1/5.000.
Việc san gạt, di chuyển cây cối, lều,
nhà tạm, mồ mả, làm đường nội đồng, đường mương để tạo ra các cánh đồng, vùng đất
lớn đồng đều phải dựa trên cơ sở định hướng quy hoạch, thiết kế mẫu nông thôn mới.
3. Người sử dụng đất tự kê khai; Tiểu
ban ở các thôn có trách nhiệm thống kê, rà soát tiêu chuẩn, diện tích đất được
giao, nhận và chuyển quyền sử dụng hợp pháp của từng hộ gia đình, cá nhân để
xác định chính xác diện tích đúng để niêm yết công khai. Trong quá trình công
khai nếu có ý kiến thắc mắc, phản ánh, kiến nghị của người dân thì phải kiểm
tra, làm rõ, xác định lại cho đúng.
4. Tùy theo mức độ thuận lợi, khó
khăn của từng xứ đồng, khu đất để xác định sơ bộ hệ số K đảm bảo sự công bằng
theo hướng đất xa, đất xấu thì hệ số K lớn hơn, đất gần, đất tốt thì hệ số K nhỏ
hơn xung quanh K=1. Thực hiện việc gắp thăm, nhúp phiếu ngẫu nhiên hoặc thỏa
thuận nhận đất của người dân để xác định vị trí nhận ruộng.
5. Các vấn đề kỹ thuật do các tổ thợ
thi công thực hiện bao gồm: xác định hướng tuyến, xác định mốc giới, ranh giới,
diện tích trên thực địa, chia ruộng đến từng hộ,.... trên cơ sở thống nhất của
người dân.
6. Trong quá trình thực hiện cần
tranh thủ thời gian, thực hiện lồng ghép các bước công việc nêu trong kế hoạch
đảm bảo tính thống nhất và hiệu quả.
IV. TRÌNH TỰ, NỘI
DUNG CÁC BƯỚC THỰC HIỆN
Việc thực hiện DTĐR được chia thành
02 giai đoạn: Giai đoạn 1 thực hiện xong việc người dân gắp phiếu, nhận ruộng,
hoàn thiện hồ sơ, thanh quyết toán, đóng gói sản phẩm, tổng kết rút kinh nghiệm;
Giai đoạn 2 thực hiện việc đo đạc lập BĐ ĐC và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng
đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Cụ thể như sau:
A. GIAI ĐOẠN 1:
1. Bước 1: Công tác chuẩn bị
a) Lấy ý kiến nhân dân về chủ
trương tiến hành DTĐR
Trên cơ sở các xã, thị trấn đã đăng
ký DTĐR, Đảng ủy, UBND xã tổ chức Hội nghị thống nhất ý kiến cụ thể về việc tiến
hành DTĐR tại thôn, xã, thị trấn của mình. Đối với các xã, thị trấn cần thống
nhất việc triển khai tại các thôn, đội nào? Tại các thôn cần thống nhất dồn đổi
ở các khu vực nào? (các thôn, đội có thể họp xin ý kiến nhân dân trước khi thống
nhất với cấp xã) để làm cơ sở tính toán, xây dựng kế hoạch kinh phí chi tiết của
cấp xã, cấp huyện.
b) Chuẩn bị hệ thống văn bản chỉ đạo,
điều hành đồng bộ từ tỉnh, huyện, xã:
- Trích dẫn, sao gửi các nội dung văn
bản của Đảng và Nhà nước về chủ trương tích tụ, dồn ghép ruộng đất để thực hiện
tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện.
- Các văn bản lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy,
HĐND như: Chỉ thị, Nghị quyết hỗ trợ kinh phí,..;
- Kế hoạch của UBND tỉnh;
- Chỉ thị, Kế hoạch (đề án) chi tiết
của cấp huyện;
- Nghị quyết, Quyết định, kế hoạch của
Đảng ủy, UBND cấp xã;
c) Chuẩn bị về nhân lực:
- Quyết định thành lập Ban chỉ đạo và
Tổ công tác của tỉnh, huyện, xã.
- Việc phân công, phối hợp thực hiện
từng nhiệm vụ của các Ban chỉ đạo và Tổ công tác để làm rõ trách nhiệm của từng
bộ phận, từng người tránh chồng chéo.
d) Chuẩn bị về trang thiết bị, vật
tư, bản đồ, sổ sách các loại và kinh phí:
- Về trang thiết bị, vật tư, bản đồ,
sổ sách, biểu, mẫu biên bản các loại: Do Tổ công tác tại các tiểu ban và Ban chỉ
đạo cấp xã thực hiện chuẩn bị, chuyển về các thôn, đội.
- Về kinh phí: UBND tỉnh hỗ trợ kinh
phí theo từng xã, thị trấn trên cơ sở Kế hoạch, đề án chi tiết của từng huyện
được Sở Tài chính trình trên cơ sở ý kiến tham gia của Sở Nông nghiệp và PTNT,
Sở Giao thông, Sở TNMT, Sở Xây dựng, Sở Tư pháp.
2. Bước 2. Tổ chức họp triển khai
cấp xã
- Thành phần: đại diện các chi bộ,
trưởng thôn, các đoàn thể,.. để thông báo chủ trương, kế
hoạch, khu vực, phương pháp triển khai dồn thửa đổi ruộng.
- Ban chỉ đạo huyện, xã chuẩn bị các
tài liệu để phổ biến, triển khai.
- Thảo luận, nghe, tiếp thu và giải
trình các ý kiến.
- Giao nhiệm vụ cụ thể cho các thôn, đội
theo các bước công việc có quy định về thời gian hoàn thành;
3. Bước 3. Tổ chức cho cán bộ và
nhân dân tham quan thực tế
UBND các xã, huyện tổ chức cho cán bộ
và nhân dân tham quan, học tập kinh nghiệm ở các nơi đã triển khai đạt kết quả
cao trong và ngoài tỉnh.
Bước này có thể triển khai ngay sau
khi thống nhất được các thôn, đội và các khu vực thực hiện DTĐR, trước Bước 2.
Hình thức, số lượng, thời gian, thành
phần, địa điểm tham gia do UBND cấp huyện, UBND cấp xã chủ động bố trí, đảm bảo
tiết kiệm thời gian, kinh phí và tập trung chính vào đối tượng là các tiểu ban
tại các thôn, đội tham gia DTĐR.
4. Bước 4. Triển khai cụ thể tại
các thôn, đội sản xuất
- Họp từng thôn tuyên truyền, vận động,
giải thích thuyết phục về lợi ích, hiệu quả, phương pháp thực hiện để nhân dân
hiểu, tham gia;
- Thành lập, chỉ đạo, hướng dẫn, tập
huấn các tiểu ban tại các thôn tiến hành DTĐR;
- Công bố dự kiến các khu vực thực hiện
DTĐR, sơ bộ các tuyến giao thông, thủy lợi, các vùng sản xuất, khu trang trại,
các khu vực cần san gạt, hạ cốt,..;
- Tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân
về các nội dung trên.
- Tổ chức ký cam kết quyết tâm thực
hiện theo chủ trương, chính sách dồn thửa đổi ruộng.
- Phát đơn, biểu mẫu để người sử dụng
đất tự kê khai từng thửa đất nông nghiệp trước đây được giao đang sử dụng, nhận
quyền sử dụng theo thỏa thuận hợp pháp để xác định tiêu chuẩn, diện tích dồn thửa
đổi ruộng. Không kê khai phần đất, thửa đất đã bị thu hồi, chuyển quyền sử dụng
đất cho người khác.
5. Bước 5. Điều tra, thu thập
thông tin, đánh giá hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn từng thôn
và toàn xã để lập quy hoạch và thiết kế đồng ruộng
a) Tổ chức điều tra, khảo sát kỹ
ngoài thực địa về hiện trạng sử dụng đất, quy hoạch nông thôn mới để dự thảo
quy hoạch đồng ruộng đảm bảo khoa học, hợp lý, phù hợp với điều kiện địa phương
cho từng khu đất, đặc biệt về giao thông nội đồng (5-6 m), hệ thống bờ vùng, bờ
thửa, hệ thống tưới, tiêu, các khu chăn nuôi tập trung, các khu đất dịch vụ, đất
nghĩa trang, nghĩa địa.... để nhân dân bàn và quyết định.
b) Họp lấy ý kiến nhân dân về phương
án quy hoạch đồng ruộng trên cơ sở khảo sát kỹ thực địa và lấy ý kiến sơ bộ tại
Hội nghị triển khai tại các thôn ở Bước 4 để chốt các tuyến giao thông, thủy lợi,
các khu, vùng đất nào thực hiện dồn đổi và khu nào để lại không dồn đổi (do đã
xây dựng, sử dụng theo mô hình trang trại ổn định, hiệu quả hoặc đất có quy hoạch
chi tiết chuẩn bị thu hồi đất...), bờ vùng, bờ thửa, bờ bao, các khu chăn nuôi
tập trung, khu nuôi trồng thủy sản, khu đất dịch vụ, đất tái định cư,…
c) Hoàn thiện hồ sơ quy hoạch theo ý
kiến tham gia của người dân.
d) Niêm yết công khai bản đồ quy hoạch,
thiết kế đồng ruộng trong suốt quá trình dồn thửa đổi ruộng,
tiếp tục bổ sung, chỉnh sửa hoàn thiện theo ý kiến của đa số nhân dân đảm bảo
khoa học, hợp lý, hiệu quả sử dụng.
6. Bước 6. Đo đạc hướng tuyến, cắm
mốc ranh giới, tiến hành thi công các tuyến giao thông, thủy lợi, các vùng sản
xuất, san gạt tạo mặt bằng
Trên cơ sở thiết kế mẫu, thiết kế điển
hình đã được phê duyệt theo nông thôn mới, căn cứ quy hoạch đồng ruộng đã được
công bố công khai, tiến hành việc thi công các tuyến giao thông, thủy lợi, san
gạt, di chuyển mồ mả, hình thành các vùng sản xuất, các khu vực DTĐR.
7. Bước 7. Điều tra, rà soát, đo đạc
xác định diện tích, đối tượng đang sử dụng đất để xác định tiêu chuẩn diện tích
dồn thửa đổi ruộng
a) Xác định diện tích thực tế sau khi
thi công, san gạt các vùng sản xuất, diện tích còn lại thực hiện DTĐR của người
dân, diện tích chuyển sang giao thông, thủy lợi, diện tích quỹ đất công ích, diện
tích các khu vực trang trại,..;
b) Thu thập các loại đơn, biểu mẫu, tờ
khai để người dân kê khai đất đang sử dụng, sao gửi những giấy tờ liên quan đến
quyền sử dụng đất và nghĩa vụ tài chính (nếu có).
c) Tổ công tác và Ban chỉ đạo cấp xã
đối chiếu đơn, biểu mẫu tự kê khai của hộ gia đình, cá nhân với bản đồ, sổ sách
các loại và hiện trạng đất đai để thống nhất xác định tiêu chuẩn, diện tích
DTĐR tổng cộng.
d) Niêm yết công khai kết quả đối chiếu,
rà soát để người sử dụng đất biết, tham gia ý kiến và tiếp thu, giải trình ý kiến
trong suốt quá trình DTĐR.
8. Bước 8. Họp từng thôn, đội để
người dân bàn, thống nhất các nội dung cụ thể trong dồn thửa, đổi ruộng
a) Trên cơ sở diện tích tổng đã công
khai của từng khu vực, từng xứ đồng, xác định hệ số K cho các khu đất, vùng đất
đảm bảo sự công bằng, hợp lý theo ý kiến thống nhất của đại đa số người dân
tham gia.
b) Thống nhất tỷ lệ % diện tích đất
góp xây dựng đường giao thông, thủy lợi nội đồng dùng chung trong trường hợp
thiếu diện tích để đảm bảo cơ giới hóa sản xuất và thuận tiện tưới, tiêu đến ruộng.
c) Thống nhất các nội dung về quỹ đất
công ích của xã, phường, thị trấn.
d) Thống nhất phương pháp thương thảo
nhóm người có quan hệ gia đình, cùng xóm nhận về từng khu, vùng.
đ) Chuẩn bị các quy định, quy chế,
phương án bốc thăm, hướng thửa ruộng, thứ tự bốc thăm các vùng,...
e) Tổ chức bốc thăm (có thể 1-3 vòng)
và xác nhận kết quả bốc thăm.
g) Xử lý thỏa thuận khác sau bốc thăm
(nếu có) tạo thuận lợi cho người dân.
h) Xử lý các vấn đề khác phát sinh
theo ý kiến của người dân.
9. Bước 9. Xác định tiêu chuẩn, cắm
mốc xác định diện tích cho từng hộ gia đình, cá nhân trên Bản đồ và tại thực địa
a) Trên cơ sở kết quả họp thống nhất
về các nội dung tại Bước 8, tiến hành chia ruộng trên bản đồ đối với từng hộ
gia đình cá nhân;
b) Xác định ranh giới, cắm mốc ngoài
thực địa theo thiết kế quy hoạch thống nhất cho từng khu đất, vùng đất từng hộ
gia đình, cá nhân;
10. Bước 10. Hoàn thiện phương án
dồn điền, đổi thửa theo Điều 78 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ
a) Hộ gia đình, cá nhân xác nhận tiêu
chuẩn, diện tích, mục đích sử dụng đất để thỏa thuận, cam
kết để thực hiện khoản 1 Điều 78 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP.
b) UBND cấp xã lập phương án chuyển đổi
quyền sử dụng đất nông nghiệp chung của toàn xã thực hiện khoản 2 Điều 78 Nghị
định số 43/2014/NĐ-CP.
c) Phòng Tài nguyên và Môi trường thẩm
định phương án trình UBND cấp huyện phê duyệt thực hiện khoản 3 Điều 78 Nghị định
số 43/2014/NĐ-CP.
d) Niêm yết công khai phương án dồn
điền đổi thửa đồng bộ với hồ sơ thiết kế quy hoạch đồng ruộng, tiêu chuẩn đất dồn
đổi của hộ gia đình, cá nhân.
11. Bước 11. Rà soát hoàn thiện và
thực hiện công tác thanh, quyết toán kinh phí
- Hoàn thiện lại toàn bộ hồ sơ, quá
trình thực hiện DTĐR về phương án, về bản đồ, ký xác nhận hồ sơ, tài liệu, các
giấy tờ, hợp đồng, chứng từ, hóa đơn thanh quyết toán theo quy định pháp luật.
- Đóng gói hồ sơ tài liệu để bàn
giao, lưu giữ quản lý, sử dụng.
- Tổng kết, rút kinh nghiệm công tác
tại cấp huyện.
B. GIAI ĐOẠN 2:
Đo đạc, lập Bản đồ địa chính, Hồ
sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
a) Đo đạc, lập Bản đồ địa chính.
b) Hướng dẫn kê khai, đăng ký sử dụng
đất sau dồn thửa, đổi ruộng.
c) Phát đơn, mẫu biểu kê khai đăng
ký.
d) Thu và tiếp nhận đơn, hồ sơ giấy tờ
về quyền sử dụng đất để cấp giấy chứng nhận QSD đất.
e) Lập sổ mục kê, các loại sổ sách.
g) Kiểm tra hồ sơ và thực hiện thủ tục
cấp Giấy chứng nhận QSD đất.
h) Chỉnh lý, thu hồi Giấy chứng nhận
đã cấp trước đây nay cấp đổi lại theo kết quả dồn thửa đổi ruộng.
i) In, viết và trình các cơ quan, cấp
có thẩm quyền ký, vào sổ cấp GCN và trả Giấy chứng nhận.
k) Hoàn tất thủ tục và xử lý giải quyết
các vấn đề vướng mắc.
V. THỜI GIAN THỰC HIỆN
1. Từ tháng 7 năm 2018 đến hết tháng
12 năm 2019: thực hiện 50% số xã, thị trấn của huyện Vĩnh Tường và các xã, thị
trấn tại các huyện, thành phố đăng ký năm 2018.
2. Năm 2020: triển khai trên địa bàn
tỉnh đối với các đơn vị có nhu cầu đăng ký thực hiện.
3. Tổng kết công tác trên địa bàn tỉnh
vào cuối năm 2020.
VI. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ (ngân
sách cấp tỉnh, ngân sách cấp huyện và ngân sách cấp xã); nguồn do nhân dân đóng
góp và các nguồn huy động hợp pháp khác;
2. Ngân sách tỉnh hỗ trợ theo định mức
quy định tại Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh và được tính toán cụ thể
theo Kế hoạch chi tiết của từng huyện, thành phố được thẩm định.
VII. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM
a) Ở cấp tỉnh:
- Tổ giúp việc Ban chỉ đạo DTĐR thực
hiện theo nhiệm vụ do Ban chỉ đạo giao; các thành viên Tổ giúp việc thực hiện
nhiệm vụ do Tổ trưởng, Tổ phó và Lãnh đạo các Sở, ngành điều động phân công cụ
thể.
- Sở Tài nguyên và Môi trường:
+ Tổng hợp những khó khăn, vướng mắc
trong quá trình tổ chức thực hiện về dồn thửa đổi ruộng trên địa bàn tỉnh; tham
mưu, đề xuất các phương án, tháo gỡ, khắc phục; hướng dẫn, phối hợp các địa
phương giải quyết những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong công tác DTĐR trên
địa bàn tỉnh;
+ Chủ trì chỉ đạo và phối hợp các cấp,
các cơ quan liên quan thực hiện Giai đoạn 2 về tổ chức cấp Giấy chứng nhận quyền
sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các hộ gia
đình, cá nhân sau khi DTĐR;
- Sở Tài chính:
Tham mưu, đề xuất các nội dung liên
quan đến cơ chế tài chính thuộc trách nhiệm của ngành; trình UBND tỉnh phê duyệt
kinh phí thực hiện DTĐR trên địa bàn tỉnh.
- Sở Xây dựng:
Thực hiện các nội dung liên quan đến
quy hoạch, hạ tầng đồng ruộng, kết nối hạ tầng khu vực,.. trong quá trình DTĐR.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Tham mưu, đề xuất các nội dung liên
quan đến đầu tư, nguồn vốn đầu tư,.. thuộc trách nhiệm của
ngành để hỗ trợ trong quá trình thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng đồng ruộng và
các nội dung liên quan trong công tác DTĐR.
- Sở Nông nghiệp và PTNT:
+ Chủ trì hướng dẫn, theo dõi nội
dung về quy hoạch lại đồng ruộng, phân vùng sản xuất nông nghiệp phù hợp cho địa
phương trước khi DTĐR;
+ Tham mưu, đề xuất các nội dung liên
quan đến chức năng quản lý nhà nước về Nông nghiệp trong công tác DTĐR; tổng hợp
các vướng mắc, những vấn đề phát sinh và đề xuất biện pháp và cơ chế chính sách
liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp;
+ Chủ trì, phối hợp các Sở, ngành, cơ
quan liên quan thống nhất tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh ban hành thiết kế mẫu,
thiết kế điển hình chung về GT, TL nội đồng, kênh mương.
- Sở Thông tin và Truyền thông, các
cơ quan thông tin đại chúng (Đài phát thanh truyền hình Tỉnh, Báo Vĩnh Phúc) có
trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến để nhân dân hiểu và hưởng ứng việc DTĐR. Viết
bài động viên, cổ vũ kịp thời những điển hình để các địa phương khác trong tỉnh
tham quan và học tập.
- Đề nghị Mặt trận tổ quốc tỉnh và
các tổ chức thành viên, Liên minh HTX tỉnh phối hợp với các cấp, ngành tham gia
tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu rõ và thực hiện tốt công tác DTĐR.
- Các Sở, ngành liên quan khác: căn cứ
vào chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ các địa phương thực
hiện thí điểm các nội dung liên quan đến chức năng của Sở, ngành mình, đảm bảo
thực hiện đúng Kế hoạch, tiến độ DTĐR.
b) Ở cấp huyện
- Huyện ủy, Thành ủy, thị ủy ban hành Nghị quyết của Ban chấp hành chỉ đạo công tác DTĐR trên địa
bàn.
- Thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc
Ban chỉ đạo cấp huyện chỉ đạo công tác DTĐR trên địa bàn.
- UBND cấp huyện ban hành Kế hoạch
chi tiết tại các xã, các thôn, đội; Hướng dẫn cụ thể và giao kế hoạch thực hiện
cụ thể cho cấp xã.
- Chỉ đạo các phòng chuyên môn có
liên quan xây dựng dự toán kinh phí thực hiện DTĐR trên địa bàn, gửi Sở Tài
chính và các Sở, ngành liên quan thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt.
c) Ở cấp xã
- Ban Chấp hành Đảng ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề thực hiện công tác DTĐR trên địa bàn.
- Thành lập Ban Chỉ đạo cấp xã và các
Tiểu ban tại mỗi thôn.
- Ban Chỉ đạo cấp xã cần lập kế hoạch
thực hiện chi tiết ở địa phương mình đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho Ban Chỉ
đạo DTĐR các thôn. Có kế hoạch thực hiện hàng tuần, hàng tháng cụ thể chặt chẽ
trong suốt quá trình thực hiện. Cử cán bộ xã trực tiếp phụ trách từng thôn.
Trên đây là Kế hoạch tiếp tục thực hiện
DTĐR trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện,
thành, thị, Giám đốc các Sở, ngành, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan tập
trung chỉ đạo và thực hiện, thường xuyên báo cáo về UBND tỉnh và Ban chỉ đạo
DTĐR tỉnh Vĩnh Phúc.
Kế hoạch này thay thế Kế hoạch số
9487/KH-UBND ngày ngày 30/12/2016 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về thực hiện dồn thửa
đổi ruộng trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh./.
Nơi nhận:
- TT TU, TT HĐND tỉnh (b/c);
- CPCT; CPVP;
- Các Sở, Ngành, Đoàn thể;
- UBND các huyện, thị;
- Lưu VT, NN3
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Vũ Chí Giang
|