ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3042/CTr-UBND
|
Đắk Nông, ngày 22 tháng 6 năm 2020
|
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG
THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 22/NQ-CP NGÀY 01/3/2020 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ ỔN ĐỊNH
DÂN DI CƯ TỰ DO VÀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT CÓ NGUỒN GỐC TỪ NÔNG, LÂM TRƯỜNG
Thực hiện Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày
01/3/2020 của Chính phủ về ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có
nguồn gốc từ nông, lâm trường; Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông ban hành Chương
trình hành động thực hiện Nghị quyết, với các nội dung sau:
I. THỰC TRẠNG DÂN
DI CƯ TỰ DO VÀ QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI CÓ NGUỒN GỐC TỪ NÔNG, LÂM TRƯỜNG
Theo số liệu thống kê từ năm 1976 đến
ngày 31/12/2019, trên địa bàn tỉnh có 38.191 hộ/173.973 nhân khẩu; trong đó, đa
số các hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số từ các tỉnh phía Bắc đến sinh sống,
đến nay số hộ đã ổn định là 30.260 hộ/138.306 nhân khẩu, hiện còn khoảng 7.931
hộ chưa ổn định; trong đó còn một số điểm nóng về di cư tự do như tại xã Đắk
Ngo, xã Quảng Trực thuộc huyện Tuy Đức; xã Quảng Hòa, xã Đắk R’Măng thuộc huyện
Đắk Giong; xã Quảng Phú, huyện Krông Nô; xã Đắk Môl, huyện Đắk Song. Thời gian
qua, với số lượng lớn dân di cư tự do đến tỉnh đã xảy ra những khó khăn, hệ lụy
như: Việc quản lý dân cư, quản lý bảo vệ rừng, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất
rừng trái phép để lấy đất sản xuất; tình trạng tranh chấp đất đai giữa người
dân di cư tự do và dân tại chỗ; giữa người dân và các công ty nông, lâm nghiệp...
đã ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn và tình hình phát
triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Để ổn định đời sống cho các hộ dân di
cư tự do, từ năm 2005 đến nay tỉnh Đắk Nông đã lập và triển khai 12 dự án, với
tổng vốn đầu tư là 849,795 tỷ đồng; số vốn đã bố trí 493,291 tỷ đồng; còn thiếu
340,937 tỷ đồng; trong đó 04 dự án đã hoàn thành; còn 08 dự án đang dở dang.
Việc sắp xếp, đổi mới các công ty
nông, lâm nghiệp theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ:
Đến nay, tỉnh Đắk Nông đã sắp xếp 10 công ty nông, lâm nghiệp với tổng diện
tích đất giữ lại sau sắp xếp, đổi mới là 104.525,95 ha, đất bàn giao về địa
phương quản lý là 15.319 ha, trong đó đất nông nghiệp là 14.772,22 ha, đất phi
nông nghiệp là 168,44 ha, đất chưa sử dụng là 340,08 ha; giải thể 06 công ty
lâm nghiệp, diện tích đất giao về địa phương quản lý là 41.995 ha, trong đó diện
tích đất có rừng là 11.752,55 ha, diện tích đất không có rừng là 30.242,45 ha.
* Một số tồn tại, hạn chế:
- Hiện vẫn còn một lượng lớn dân di
cư tự do sống trong rừng và các khu vực khó khăn, cách xa trung tâm, kết cấu hạ
tầng nông thôn thiếu, nhất là đường giao thông nên sản xuất chưa phát triển và
còn tự cung tự cấp, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn cần
phải được sắp xếp ổn định; tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân di cư tự do
còn cao.
- Việc tuyên truyền các chủ trương,
đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước chưa được các cấp, các
ngành ở một số địa phương quan tâm đúng mức; nội dung, phương pháp vận động
chưa cụ thể, chưa phù hợp và còn thiếu tính sáng tạo với từng dân tộc, từng đối
tượng; chưa huy động được sức mạnh của các tổ chức đoàn thể quần chúng trong việc
phối hợp với các cấp chính quyền để tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân.
- Công tác nắm tình hình dân di cư tự
do, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu tại một số địa bàn còn chưa kịp thời, chặt chẽ,
dẫn đến việc phát hiện, xử lý không kịp thời; việc thống kê nhu cầu sử dụng đất
(đất ở, đất sản xuất) chưa đầy đủ, kịp thời.
- Quỹ đất bố trí đất ở, đất sản xuất
cho dân di cư tự do còn hạn chế, nhu cầu chuyển đổi đất rừng để bố trí đất cho
hộ dân di cư tự do khoảng 8.300 ha, trong khi việc chuyển mục đích sử dụng đất từ
đất rừng ra ngoài quy hoạch ba loại rừng rất khó khăn.
- Việc quản lý, sử dụng đất của các
công ty nông, lâm nghiệp sau khi sắp xếp, đổi mới và các diện tích đất bàn giao
về cho địa phương quản lý còn nhiều bất cập; một số công ty nông, lâm nghiệp vẫn
chưa cắm được mốc ranh giới ngoài thực địa, việc quản lý, sử dụng đất còn để xảy
ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất đai, chuyển nhượng đất trái pháp luật.
- Nguồn kinh phí bố trí đầu tư cho
các dự án bố trí, sắp xếp dân cư mới đáp ứng khoảng 58% so với tổng số vốn được
phê duyệt, dẫn đến nhiều dự án ổn định dân di cư tự do đầu tư dở dang, kéo dài
nhiều năm; kinh phí để thực hiện công tác lập bản đồ địa chính, xây dựng và thực
hiện phương án sử dụng đất đối với diện tích đã thu hồi sau sắp xếp, giải thể hết
sức khó khăn.
II. QUAN ĐIỂM CHỈ
ĐẠO
1. Chính quyền các cấp phải nâng cao
nhận thức về tầm quan trọng của công tác bố trí ổn định dân cư; không khuyến
khích dân di cư tự do và xác định rõ việc giữ dân và ổn định dân là nhiệm vụ
chính trị trước mắt và lâu dài; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đã di cư
tự do có nơi cư trú hợp pháp, có sinh kế bền vững, có đất sản xuất, được tiếp cận
các dịch vụ xã hội cơ bản và bảo đảm an sinh xã hội.
2. Phát huy nguồn lực đất đai trở
thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; giải quyết ổn định
tình hình trật tự, an ninh chính trị thông qua việc đảm bảo quỹ đất sản xuất
cho người dân trong đó có đồng bào di dân tự do; giải quyết căn bản tình trạng
tranh chấp, lấn chiếm đất đai, phá rừng, suy thoái đất đai, nguồn nước và môi
trường; không để đất đai hoang hóa, sa mạc hóa và phát triển nghề rừng.
3. Tập trung nguồn lực, trước mắt ưu
tiên để xử lý dứt điểm cho số hộ dân đã di cư đang sinh sống phân tán vào các dự
án ổn định di cư tự do đã được phê duyệt, các điểm dân cư theo quy hoạch (khoảng
7.931 hộ). Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Gia nghĩa chịu trách nhiệm trước
Chủ tịch UBND tỉnh nếu để người dân của địa phương mình tiếp tục di cư tự do đi
tỉnh khác, huyện khác lấn chiếm đất đai của các công ty nông, lâm nghiệp, doanh
nghiệp, cá nhân và các tổ chức khác.
4. Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu
quả đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; rà soát nhu cầu sử dụng đất,
đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng đất để bố trí đất ở, đất sản xuất cho hộ
dân di cư tự do; giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, khiếu kiện về tranh
chấp đất đai.
III. MỤC TIÊU
1. Về công tác quản lý, sắp xếp ổn
định dân di cư tự do
1.1. Mục tiêu phấn đấu đến hết năm
2020
- Giảm thiểu tối đa tình trạng dân di
cư tự do; hoàn thành các dự án ổn định dân di cư tự do đang thực hiện dở dang
đã được bố trí bổ sung nguồn vốn.
- Thực hiện việc giao đất ở và hỗ trợ
nhà ở cho các hộ dân phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương (thực hiện lồng
ghép các chương trình, dự án), khả năng hỗ trợ của ngân sách và phù hợp với quy
định của Luật Đất đai.
1.2. Phấn đấu đến năm 2025: Cơ bản
không còn tình trạng dân di cư tự do; hoàn thành công tác bố trí toàn bộ số dân
đã di cư tự do (khoảng 7.931 hộ) vào các dự án tập trung, dự án ổn định tại chỗ
được UBND tỉnh Đắk Nông phê duyệt và các điểm dân cư theo quy hoạch. Hoàn thành
việc nhập hộ khẩu, hộ tịch cho các hộ dân di cư tự do đủ điều kiện theo quy định;
tập trung xây dựng hoàn thiện, phát triển hệ thống các công trình cơ sở hạ tầng
và phát triển sản xuất bền vững tại vùng dự án bố trí ổn định dân di cư tự do.
1.3. Phấn đấu đến năm 2030: Đảm bảo ổn
định cuộc sống và phát triển sản xuất bền vững cho các hộ dân di cư tự do.
2. Công tác quản lý đất đai có nguồn
gốc từ các nông, lâm trường giai đoạn 2020 - 2025
- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản
lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường, đảm bảo đất phải có
chủ; tiến hành đo đạc, lập bản đồ địa chính làm cơ sở quản lý chặt chẽ.
- Giám sát, thanh tra, kiểm tra việc
tuân thủ pháp luật, xử lý kịp thời những vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai.
- Giải quyết căn bản tình hình thiếu
đất ở, đất sản xuất, kiểm soát tình hình dân di cư tự do.
- Ổn định tình hình trật tự an ninh -
xã hội, bảo đảm quyền lợi của người dân; đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội.
- Giảm thiểu và chấm dứt tình trạng
tranh chấp, lấn chiếm đất đai; phá rừng lấy đất sản xuất, dẫn tới mất rừng, suy
thoái rừng. Đất và rừng phải có chủ.
IV. GIẢI PHÁP THỰC
HIỆN
1. Công tác thông tin, tuyên truyền,
nâng cao nhận thức
- Quán triệt sâu sắc, nắm bắt kịp thời
tâm tư, nguyện vọng của người dân di cư tự do để có kế hoạch, chương trình
thông tin tuyên truyền cụ thể về công tác bố trí, sắp xếp ổn định dân cư và quản
lý sử dụng đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường, đặc biệt với đội ngũ cán bộ
chính quyền cơ sở, các công ty nông, lâm nghiệp, Ban quản lý rừng và trực tiếp
đến từng hộ dân.
- Các địa phương xây dựng chương
trình thông tin tuyên truyền, thành lập đoàn công tác, cử cán bộ trực tiếp đến
cơ sở để vận động, tuyên truyền, hướng dẫn người dân, đặc biệt là đồng bào dân
tộc thiểu số về chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về
công tác bố trí dân di cư tự do và quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, đất đai của
các công ty nông, lâm nghiệp để đồng bào hiểu, thực hiện và giám sát các cơ
quan, chính quyền cơ sở trong triển khai thực hiện.
2. Rà soát, hoàn thiện cơ chế,
chính sách
- Chủ động rà soát, điều chỉnh các
quy hoạch về đất đai, quy hoạch ba loại rừng theo hướng dẫn của Bộ, ngành Trung
ương; đề xuất cấp có thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng diện tích đất quy
hoạch là đất rừng nhưng thực tế không còn rừng trong vùng quy hoạch bố trí dân
di cư tự do nhằm tạo thêm quỹ đất để bố trí đất (đất ở, đất sản xuất), cấp giấy
chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ dân di cư tự do đủ điều kiện, sử dụng và
phát triển rừng lồng ghép với Chương trình bố trí dân cư.
- Rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung
các chính sách đặc thù về dân tộc của địa phương cho phù hợp với điều kiện thực
tế.
3. Phát triển sản xuất, nâng cao đời
sống và thực hiện an sinh xã hội
- Tổ chức lại sản xuất, phát triển
kinh tế hộ, trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã; kêu gọi, khuyến khích và thu hút
các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước liên kết với người
dân tại các vùng khó khăn, trong đó có vùng di cư tự do trong lĩnh vực sản xuất,
chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và đầu tư cơ sở hạ tầng vùng bố trí dân
di cư tự do.
- Xây dựng các mô hình hỗ trợ phát
triển sản xuất, thực hiện công tác khuyến nông, khuyến lâm; chuyển giao tiến bộ
khoa học, kỹ thuật, các biện pháp canh tác bền vững; tổ chức đào tạo nghề để
nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống trước mắt và lâu dài cho các hộ dân di
cư tự do.
- Mở rộng đối tượng nhận khoán bảo vệ
và phát triển rừng đến các hộ dân di cư tự do tại những khu vực đã được bố trí
dân cư, quy hoạch ổn định.
- Vận dụng các cơ chế, chính sách hiện
có để thực hiện đầu tư (như: xây dựng các nhà máy chế biến nông sản, chế biến gỗ,
các khu công nghiệp...), hỗ trợ vùng bố trí dân di cư tự do phát triển, góp phần
phát triển sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống lâu dài
cho người dân.
- Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa
truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số và chăm lo sự nghiệp
giáo dục đào tạo cho người dân tại các điểm bố trí ổn định dân di cư tự do.
- Tăng cường công tác quản lý đất đai
có nguồn gốc từ các nông, lâm trường trả lại địa phương sau khi sắp xếp theo Nghị
định số 118/2014/NĐ-CP ; tập trung rà soát, đánh giá đúng thực trạng sử dụng đất,
xử lý vi phạm (đặc biệt là hành vi lấn chiếm đất trái phép) và điều chỉnh diện
tích đất sử dụng không hiệu quả; đồng thời, rà soát diện tích các loại đất rừng
(nhưng thực tế không có rừng) để đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng tại những
nơi không còn phù hợp với phát triển lâm nghiệp.
4. Sắp xếp đổi mới các công ty
nông, lâm nghiệp
Khẩn trương hoàn thành việc giải thể
các công ty nông, lâm nghiệp sau sắp xếp, đổi mới; tiếp tục rà soát và đề xuất
mô hình quản lý các công ty lâm nghiệp đảm bảo hiệu quả hơn và quản lý chặt chẽ,
nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tài nguyên rừng phù hợp với quy hoạch sản xuất
nông, lâm nghiệp bền vững, hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người
dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và trật
tự, an toàn xã hội.
5. Tăng cường công tác thanh tra,
kiểm tra và giám sát thực hiện
Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc
thực hiện dự án ổn định dân di cư tự do, quản lý đất đai có nguồn gốc từ các
nông, lâm trường, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực
hiện; đồng thời, qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiến nghị cơ quan có thẩm
quyền xử lý, giải quyết các tranh chấp, khiếu nại về đất đai giữa các công ty
nông, lâm nghiệp với người dân để giải quyết bức xúc, không để tạo thành điểm
nóng gây mất an ninh chính trị.
6. Trách nhiệm của cấp ủy, chính
quyền địa phương và người đứng đầu; phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc và
các tổ chức đoàn thể
- Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện,
thành phố trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh về triển
khai thực hiện công tác di dân tự do và quản lý, sử dụng đất đai có hiệu quả. Địa
phương nào để xảy ra vi phạm quy định, khiếu nại, khiếu kiện, điểm nóng, thì Bí
thư, Chủ tịch UBND huyện, thành phố đó phải trực tiếp chỉ đạo, xử lý, đối thoại
với dân, tạo sự đồng thuận, không để thành điểm nóng; đồng thời kiểm điểm trách
nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.
- Phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc
và các tổ chức đoàn thể trong công tác giám sát và vận động hội viên, người dân
trong việc tuân thủ pháp luật, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, giảm
nghèo và không nghe theo các luận điệu lôi kéo, kích động làm mất trật tự an
toàn xã hội.
7. Đảm bảo quốc phòng, an ninh và
trật tự an toàn xã hội
- Tham mưu kịp thời với cấp ủy, chính
quyền địa phương chỉ đạo thực hiện tốt chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo;
giải quyết kịp thời các khiếu nại, khiếu kiện của người dân, không để hình
thành các điểm nóng về an ninh trật tự, điểm nóng về tranh chấp đất đai.
- Tăng cường quản lý địa bàn, quản lý
dân cư, đơn giản các thủ tục hành chính đăng ký thường trú, tạm trú cho các hộ
dân di cư tự do đủ điều kiện theo quy định của pháp luật; phát hiện, ngăn chặn
kịp thời các phần tử xấu lợi dụng kích động, lôi kéo đồng bào di cư tự do nhằm
tập hợp lực lượng, kích động ly khai tự trị, hoạt động tôn giáo trái pháp luật,
phá rừng, lấn chiếm đất rừng gây mất an ninh trật tự.
- Xử lý nghiêm và kịp thời các điểm
nóng về tranh chấp đất đai và các đối tượng kích động, phần tử lợi dụng lôi kéo
đồng bào di cư tự do, phá rừng, hoạt động tôn giáo trái pháp luật, gây mất tình
hình an ninh trật tự xã hội tại các địa phương, nhất là khu vực biên giới và địa
bàn trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự. Thường xuyên quan tâm, giải quyết kịp
thời các khiếu nại, khiếu kiện của người dân và giải quyết dứt điểm các vụ khiếu
kiện về tranh chấp đất đai kéo dài nhiều năm, đặc biệt phải giải quyết dứt điểm
các vụ tranh chấp, khiếu nại đất đai giữa người dân với các công ty, các dự án
nông, lâm nghiệp để giải quyết các vấn đề bức xúc xảy ra ở địa phương.
8. Huy động nguồn lực thực hiện
- Rà soát trình tự, thủ tục đầu tư
các dự án bố trí ổn định dân di cư tự do theo quy định, tháo gỡ khó khăn, vướng
mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Ưu tiên bố trí các nguồn vốn (hỗ trợ
từ dự phòng ngân sách Trung ương và vốn hợp pháp khác) để hoàn thành dứt điểm
các dự án đang triển khai dở dang. Đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu
tư.
- Lồng ghép từ các Chương trình, dự
án trên địa bàn (như: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; giảm
nghèo bền vững; khuyến nông; đào tạo nghề; bảo vệ và phát triển rừng,...), đẩy
mạnh công tác xã hội hóa, kêu gọi, khuyến khích và huy động nguồn lực xã hội đầu
tư vào vùng bố trí ổn định dân di cư tự do để phát triển sản xuất, liên kết,
tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao thu nhập và tăng cường quản lý, sử dụng đất đai
có nguồn gốc từ nông, lâm trường.
- Bố trí ngân sách địa phương và đề
nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ để triển khai thực hiện hiệu quả Đề án tăng cường
quản lý đối với đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường hiện do các công ty
nông, lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ,
Ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn
- Là cơ quan thường trực chịu trách
nhiệm quản lý nhà nước về công tác bố trí dân cư, trong đó có dân di cư tự do;
đôn đốc, theo dõi các đơn vị thực hiện, hàng năm tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh để
chỉ đạo.
- Rà soát, đánh giá tổng thể về thực
trạng dân di cư tự do đã đến, xác định hộ đã ổn định, chưa ổn định, phản ánh
đúng thực tế và xây dựng “Đề án bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do trên địa
bàn tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2021- 2025 và định hướng đến năm 2030”.
- Theo dõi, kiểm tra giám sát hiệu quả
đầu tư của các dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do trên địa bàn tỉnh;
đề xuất các dự án bố trí ổn định dân di cư tự do ưu tiên cấp bách và xử lý kịp
thời các khó khăn, vướng mắc tham mưu UBND tỉnh đề xuất Chính phủ và các Bộ,
ngành Trung ương xem xét, quyết định.
- Chỉ đạo các Ban quản lý rừng, Vườn
quốc gia, Khu bảo tồn, công ty lâm nghiệp và các chủ rừng khác tăng cường công tác
kiểm tra, quản lý, bảo vệ rừng, phối hợp với các lực lượng chức năng kiên quyết
xử lý các vụ vi phạm.
- Xây dựng các mô hình hỗ trợ phát
triển sản xuất, khuyến nông, khuyến lâm; chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật,
các biện pháp canh tác bền vững; đào tạo nghề để nâng cao thu nhập, ổn định cuộc
sống trước mắt và lâu dài cho các hộ dân di cư tự do.
- Rà soát, điều chỉnh quy hoạch ba loại
rừng, xác định những diện tích đất, rừng phòng hộ xung yếu; quy hoạch, đưa diện
tích đất rừng chưa sử dụng hợp lý, chuyển sang rừng sản xuất để phát huy hiệu
quả kinh tế.
- Tiếp tục rà soát và đề xuất mô hình
quản lý tại các công ty lâm nghiệp đảm bảo hiệu quả trong việc thực hiện quản
lý, bảo vệ và phát triển rừng.
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý
sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất rừng, bố trí dân di cư tự do.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Kiểm tra, rà soát, tổng hợp các dự
án bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do giai đoạn 2021-2025 đưa vào kế hoạch
vốn trung hạn, tham mưu UBND tỉnh đề xuất Trung ương hỗ trợ nguồn vốn và khả
năng cân đối vốn, bố trí ngân sách địa phương, lồng ghép các nguồn vốn hợp pháp
khác để đầu tư hoàn thành dứt điểm các dự án đang thực hiện dở dang trong năm
2020.
- Hướng dẫn các đơn vị được giao chủ
đầu tư lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án mở mới gửi về Sở Kế hoạch
và Đầu tư tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh về chủ trương đầu tư và gửi
Bộ, ngành Trung ương thẩm định đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn
2021-2025.
- Tham mưu Ban đổi mới và Phát triển
doanh nghiệp tỉnh chỉ đạo các Hội đồng giải thể khẩn trương hoàn thành việc giải
thể các công ty nông, lâm nghiệp theo phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới được
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Rà soát, xác định nhu cầu sử dụng đất
(thu hồi hoặc chuyển mục đích sử dụng), hiện trạng, loại đất của các dự án ổn định
dân cư; căn cứ theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, 2025, 2030 và kế hoạch
sử dụng đất hàng năm của các huyện, thành phố được duyệt, báo cáo đề xuất cấp
có thẩm quyền xem xét, giải quyết thủ tục về đất đai để các dự án triển khai kịp
thời, sớm bố trí đất ở, đất sản xuất cho các hộ dân thuộc dự án ổn định dân cư.
- Thực hiện việc đo đạc, lập bản đồ địa
chính, bàn giao ranh giới, mốc giới và lập phương án sử dụng đất, lập thủ tục
giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thu hồi đất
cho các công ty nông, lâm nghiệp thực hiện việc sắp xếp, đổi mới theo Nghị định
số 118/2014/NĐ-CP và theo đúng quy định của pháp luật đất đai.
- Khẩn trương hoàn thiện và chủ trì tổ
chức thực hiện Đề án quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường.
- Tham mưu giải quyết tranh chấp, khiếu
nại về đất đai, nhất là giải quyết các điểm nóng dễ xảy ra mất an ninh trật tự.
- Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý
vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai tại các công ty nông, lâm nghiệp,
Ban quản lý rừng và các dự án nông lâm nghiệp.
4. Sở Tài chính
- Phối hợp, tham mưu UBND tỉnh phân bổ
dự toán ngân sách hàng năm để thực hiện các dự án ổn định dân di cư tự do theo
quy định của Luật ngân sách và các văn bản hướng dẫn.
- Trên cơ sở báo cáo của các cơ quan,
đơn vị về nội dung đã kiến nghị với các Bộ, ngành chủ quản về kinh phí đo đạc,
lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai để quản lý, khai thác hiệu
quả đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường trên địa bàn tỉnh, Sở Tài
chính tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Tài chính để được xem xét, xử lý
theo quy định.
- Khẩn trương tham mưu thực hiện việc
cổ phần hóa tại các công ty nông, lâm nghiệp đủ điều kiện theo quy định.
5. Công an tỉnh
- Tập trung thực hiện tốt công tác quản
lý địa bàn, quản lý dân cư, nắm bắt tình hình dân di cư tự do và giải quyết
tình hình an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở, kịp thời phát hiện, đề nghị cơ quan
có thẩm quyền xử lý các trường hợp lấn chiếm, sử dụng đất trái phép; đăng ký
thường trú, tạm trú cho các hộ dân đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
- Phối hợp với các Sở, ngành, UBND
các huyện, thành phố tham mưu Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh xử lý kịp thời các
vụ việc tranh chấp, khiếu kiện kéo dài liên quan đến đất đai, không để trở
thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự. Chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu
tranh, xử lý các đối tượng lợi dụng vấn đề tranh chấp đất đai, di cư tự do để
kích động gây rối, phá rừng, hoạt động tôn giáo trái pháp luật và các hành vi
vi phạm pháp luật khác.
6. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh
Phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công
an, Quân sự, chính quyền địa phương các cấp và các đơn vị có liên quan nắm chắc
tình hình nội biên, tình hình dân di cư tự do ở khu vực biên giới, đấu tranh với
các loại tội phạm lợi dụng vấn đề di cư tự do để chống phá, giữ vững an ninh
chính trị - trật tự an toàn xã hội trên địa bàn khu vực biên giới. Phối hợp với
các đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền, vận động, giúp đỡ các hộ dân di
cư tự do trên địa bàn, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng
các mô hình phát triển kinh tế, ổn định đời sống.
7. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
Phối hợp các địa phương thực hiện việc
bố trí ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông,
lâm trường trong địa bàn quy hoạch xây dựng các khu kinh tế quốc phòng.
8. Ban Dân tộc
Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban,
ngành liên quan hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện tốt chương trình,
chính sách dân tộc cho đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời, tham mưu rà soát,
kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách đặc thù của tỉnh phù hợp với tình hình thực
tế của địa phương.
9. Sở Thông tin và Truyền thông
Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo
chí đa dạng hóa công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các
chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác bố trí dân di cư tự do
và quản lý bảo vệ, phát triển rừng, tăng gia sản xuất, cải thiện thu nhập, ổn định
cuộc sống bền vững.
10. Thanh tra tỉnh
Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành
có liên quan, các địa phương tăng cường thanh tra các dự án ổn định dân di cư tự
do; quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường, kiến nghị xử lý kịp
thời các vi phạm.
11. Sở Giáo dục và Đào tạo
Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành
có liên quan rà soát công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập
giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, hỗ trợ tổ chức các lớp học xóa mù chữ cho
các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, điểm bố trí dân di cư tự do.
12. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh
và các Sở, ngành có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện
bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống của các dân tộc thiểu số tại các điểm
bố trí ổn định dân di cư tự do, gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.
13. Chủ đầu tư các dự án ổn định
dân di cư tự do
Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, giải
ngân hoàn thành kế hoạch vốn được giao, đảm bảo có hiệu quả tại các dự án ổn định
dân di cư tự do; phối hợp với địa phương bám sát mục tiêu của dự án ổn định dân
di cư do đã được UBND tỉnh phê duyệt.
14. UBND các huyện, thành phố
- Đẩy mạnh và đa dạng hóa công tác
tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách của
Đảng và Nhà nước về công tác bố trí dân cư. Thuyết phục, vận động đồng bào tích
cực tăng gia sản xuất, cải thiện thu nhập, tập trung nguồn lực để ổn định cuộc
sống, không di cư tự do đi nơi khác. Bí thư, Chủ tịch UBND huyện, thành phố chịu
trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để người dân của địa phương mình tiếp
tục di cư tự do đến địa phương khác lấn chiếm đất đai của các công ty nông, lâm
nghiệp, các chủ rừng.
- Tổ chức kiểm tra, rà soát địa bàn,
nắm chắc đời sống, sản xuất của đồng bào ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt
khó khăn, nơi dễ xảy ra di cư tự do đi và đến, có kế hoạch hỗ trợ kịp thời những
hộ quá khó khăn; kết hợp tuyên truyền, giải thích để đồng bào ổn định đời sống,
không chặt, phá, đốt rừng làm rẫy, không mua bán sang nhượng đất trái pháp luật.
- Rà soát, thống kê cụ thể và tập
trung nguồn lực thực hiện có hiệu quả công tác bố trí dân cư, hỗ trợ phát triển
sản xuất, ổn định đời sống lâu dài cho người dân di cư tự do; xử lý dứt điểm
các tồn tại, vướng mắc và bố trí sắp xếp số hộ đã di cư tự do đang sống phân
tán rải rác vào các điểm dân cư theo quy hoạch.
- Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn và
các chủ rừng bám sát, quản lý chặt chẽ địa bàn, quản lý dân cư, quản lý rừng; kịp
thời phát hiện dân di cư tự do mới đến địa phương và lâm phần quản lý tiến hành
thống kê, phân loại đối tượng và xác định rõ hình thức chuyển cư (thăm người
thân, tìm việc làm) có hướng xử lý ngay theo thẩm quyền và báo cáo nhanh cấp có
thẩm quyền xem xét, chỉ đạo xử lý; không để các hộ dân sinh sống trong rừng
phòng hộ xung yếu và rừng đặc dụng; không để chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng,
xâm canh, mua bán sang nhượng đất trái pháp luật.
- Đối với các huyện có dự án ổn định
dân di cư tự do, phải triển khai di dời các hộ dân di cư tự do vào vùng quy hoạch
dân cư đã được phê duyệt, gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã được cấp
có thẩm quyền phê duyệt.
- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung diện
tích đất cần chuyển mục đích sử dụng đối với diện tích đất rừng đã canh tác lâu
năm, sử dụng ổn định của các hộ dân di cư tự do (không thuộc quy hoạch ba loại
rừng) trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét
chuyển mục đích sử dụng để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.
- Rà soát, xác định những khu vực có
người dân di cư tự do đã cư trú ổn định mà không ảnh hưởng đến việc quản lý bảo
vệ rừng, không làm mất thêm diện tích rừng, gây nguy hại đến môi trường rừng
thì báo cáo, đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi để giao đất
ở, đất sản xuất cho đồng bào.
- Rà soát lại quỹ đất của các công ty
nông, lâm nghiệp, đề xuất thu hồi các diện tích đất sử dụng không hiệu quả, sai
mục đích, khoán trắng để thực hiện theo quy định của Nghị định số
118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ và xây dựng phương án quản lý sử dụng
tổng thể để thực hiện các dự án bố trí ổn định dân di cư tự do trình cấp có thẩm
quyền xem xét, quyết định.
- Ngoài các nội dung cụ thể nêu trên,
yêu cầu các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm Nghị quyết
số 22/NQ-CP ngày 01/3/2020 của Chính phủ; Thông báo số 14/TB-VPCP ngày
08/01/2019 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn
Xuân Phúc tại Hội nghị “Giải pháp ổn định dân di cư tự do trên địa bàn cả nước
và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc nông, lâm trường tại Tây Nguyên”; Nghị quyết
số 05-NQ/TU ngày 27/7/2016 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong
công tác quản lý, sử dụng đất đai gắn với quản lý dân cư giai đoạn 2016-2020.
Trên đây là Chương trình hành động thực
hiện Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 01/3/2020 của Chính phủ về ổn định dân di cư tự
do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường trên địa bàn tỉnh.
Căn cứ nhiệm vụ cụ thể được giao trong Chương trình hành động này, các Sở, Ban,
ngành, UBND các huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện
cho địa phương, đơn vị để thực hiện đạt hiệu quả và gửi kết quả về UBND tỉnh
(thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trước ngày 30/7/2020 để theo
dõi, tổng hợp./.
Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT
(báo cáo);
- Thường trực Tỉnh ủy (báo cáo);
- Thường trực HĐND tỉnh (báo cáo);
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban, ngành;
- UBND các huyện, thành phố;
- Văn phòng UBND tỉnh: CVP, các PCVP, Cổng TTĐT tỉnh, các phòng, đơn vị trực
thuộc;
- Lưu: VT, KTN (Va).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trương Thanh Tùng
|