BAN BÍ THƯ
-------
|
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------
|
Số:
47-CT/TW
|
Hà Nội, ngày 31
tháng 08 năm 1988
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT
MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẤP BÁCH VỀ RUỘNG ĐẤT
I- Một số tình hình ruộng đất
Tình hình ruộng đất ở các vùng trong cả nước ta
trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, diễn biến phức tạp, có nơi xáo trộn lớn. Từ sau
ngày giải phóng miền nam, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chính sách quan trọng
về ruộng đất. Tuy nhiên, ở một số vùng nông thôn còn nhiều vấn đề phức tạp về ruộng
đất phải tiếp tục giải quyết. Hiện nay ở một số địa phương, nhất là ở miền tây
và miền đông Nam Bộ, một số nông dân đang đòi lại ruộng đất cũ, có nơi xảy ra
những vụ tranh chấp gay gắt.
Những ruộng đất nông dân đòi lại phổ biến là: ruộng
đất đã qua mấy lần điều chỉnh, ruộng đất bị cắt bớt và bị "xáo canh"
khi thực hiện khoán sản phẩm; ruộng đất xâm canh bị cắt; ruộng đất do lâm
trường, nông trường và đơn vị quân đội quản lý nhưng không sử dụng hết, trong
đó có cả ruộng đất của nông dân trước đây đã khai phá; ruộng đất do một số cán
bộ, đảng viên chiếm vì tư lợi. ở trung du, miền núi có sự tranh chấp ruộng đất
giữa đồng bào dân tộc tại chỗ với đồng bào các địa phương khác đến sản xuất và
khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới. Ngoài ra, còn có tranh chấp giữa đất
trồng lúa với đất nuôi tôm; giữa đất trồng cao-su với đất trồng cây tiêu,
cà-phê, cây điều; đất hương hỏa, đất thổ cư...
Sở dĩ có tình hình nói trên là do:
1- Sau ngày giải phóng miền nam, chỉ thị Bộ Chính
trị số 57-CT/TW ngày 15-11-1978, các chỉ thị Ban Bí thư số 19-CT/TW ngày
3-5-1983 và số 100-CT/TW ngày 13-1-1981 đã đề ra những chủ trương đúng: xóa bỏ
các hình thức bóc lột của phú nông, tư sản nông thôn và tàn dư bóc lột phong
kiến, tịch thu ruộng đất của ngụy quân, ngụy quyền và tay sai ác ôn đem chia
cho nông dân, điều chỉnh ruộng đất vượt quá mức lao động của những hộ trung
nông lớp trên nhường cho các gia đình bần nông, trung nông nghèo và gia đình
thương binh, liệt sĩ theo tinh thần "nhường cơm, sẻ áo" trong nội bộ
nông dân lao động, giao ruộng khoán đến hộ và người lao động.
Nhưng trong các chỉ thị nói trên, nhất là trong chỉ
thị Ban Bí thư số 19-CT/TW ngày 3-5-1983 về hoàn thành điều chỉnh ruộng đất,
đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp ở các tỉnh Nam Bộ đã có
những điểm không đúng như: Chủ trương "chia cấp đất cho những hộ nông dân
chưa có hoặc thiếu ruộng đất, tính theo bình quân nhân khẩu của xã";
"ở những nơi đã điều chỉnh ruộng đất song còn chênh lệch ít nhiều về ruộng
đất trong nội bộ nông dân thì kết hợp với xây dựng tập đoàn và thực hiện khoán
sản phẩm để giải quyết tiếp", đã dẫn đến tình trạng "xáo canh",
"cào bằng" về ruộng đất ở nông thôn, gây xáo động lớn về ruộng đất
đối với nhiều hộ nông dân. Chủ trương chia ruộng đất cho cả các hộ làm nghề
buôn bán hoặc đã có ngành nghề khác, không xem xét khả năng sản xuất nông
nghiệp của mỗi hộ đã làm cho những hộ nông dân có khả năng sản xuất nông sản
hàng hóa thiếu ruộng đất để sản xuất.
Do đó, nền sản xuất nông sản hàng hóa ở nông thôn
Nam Bộ trước đó đã phát triển một bước, nay giảm sút. Các hộ nông dân nghèo
hoặc các hộ không quen làm nghề nông được chia cấp ruộng đất nhưng thiếu vốn,
thiếu kinh nghiệm nên sản xuất kém hiệu quả và nhà nước chưa đủ điều kiện để
đầu tư tiếp sức cho nông dân. Trong khi đó, lợi dụng chủ trương điều chỉnh
ruộng đất, một số đảng viên, cán bộ dựa vào chức quyền chiếm dụng ruộng đất
trái phép. Một số cơ quan, đơn vị chiếm nhiều ruộng đất nhưng dùng không hết,
nông dân đã nhiều lần đòi lại nhưng chưa được giải quyết, nông dân rất thắc
mắc.
2- Khi xây dựng các tập đoàn sản xuất, hợp tác xã
nông nghiệp, một số nơi nóng vội, gò ép, chưa thật sự tôn trọng nguyên tắc để
nông dân tự nguyện tham gia; chưa chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, nhất là về cán
bộ; chưa xác định nội dung, bước đi, hình thức phù hợp. Thêm vào đó, cơ chế
quản lý và chính sách của Đảng, Nhà nước trước đây chưa thật sự khuyến khích
nông dân và sản xuất nông nghiệp, dẫn đến tình trạng nhiều tập đoàn sản xuất,
hợp tác xã làm ăn kém hiệu quả, đời sống nông dân khó khăn.
3- Một số cấp ủy đảng và cấp chính quyền giải quyết
việc tranh chấp ruộng đất trong nội bộ nông dân còn chậm; Nhà nước chậm ra
những văn bản cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp (nhất là Nghị
quyết Hội nghị lần thứ tư của Trung ương Đảng, Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị
Trung ương Đảng khóa VI). Nhiều nơi chưa kịp thời uốn nắn những nhận thức không
đúng trong cán bộ và nông dân về chính sách ruộng đất. Một số cơ sở, địa
phương, khi giải quyết kiến nghị của nông dân còn thiên về biện pháp mệnh lệnh,
hành chính.
4- Gần đây, được tiếp thu Luật đất đai, Nghị quyết
10 Bộ Chính trị, Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm của Trung ương Đảng khóa VI,
đối chiếu với thực tế, nông dân biết được nhiều việc làm sai trái, không đúng
với chính sách về quản lý và sử dụng ruộng đất của một số cấp ủy đảng và cấp
chính quyền, nên đã có những đòi hỏi giải quyết vấn đề ruộng đất theo đúng
những chính sách mới của Đảng và Nhà nước.
II- Phương hướng giải quyết vấn đề ruộng đất
Các cấp ủy đảng phải nghiên cứu kỹ và chấp hành
đúng Luật đất đai và Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, vận dụng cho phù hợp với
hoàn cảnh và đặc điểm cụ thể của địa phương.
Tư tưởng chỉ đạo là:
1- Bảo đảm phát triển sản xuất nông sản, hàng hóa,
ổn định và từng bước cải thiện đời sống nông dân, phát huy tinh thần đoàn kết,
tương trợ trong nội bộ nông dân lao động và tăng cường khối liên minh công -
nông, làm cho tình hình ruộng đất sớm ổn định và nông dân yên tâm, phấn khởi
sản xuất.
2- Giải quyết vấn đề ruộng đất gắn với việc thực
hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương (khóa VI),
làm trong sạch, nâng cao sức chiến đấu của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tổ
chức cơ sở đảng ở nông thôn.
Những cán bộ, đảng viên chiếm dụng ruộng đất trái
phép, chiếm ruộng đất tốt và gần nhà, đưa ruộng đất xấu và xa nhà cho nông dân
thì phải sửa sai ngay; tùy theo mức độ sai lầm của từng trường hợp mà xử lý kỷ
luật nghiêm minh.
3- Phải làm cho cán bộ, đảng viên thông suốt với
các chủ trương, chính sách của Đảng về ruộng đất, khắc phục những điều bất hợp
lý do một số cán bộ, đảng viên gây ra, làm gương cho nông dân giải quyết những
vấn đề phức tạp về ruộng đất trong nội bộ nông dân lao động.
III- Những chủ trương, biện pháp
Ruộng đất là một vấn đề khó khăn và phức tạp, khi
giải quyết phải theo đúng nguyên tắc:
+ Không giũ rối, không dỡ ra toàn bộ mọi vấn đề,
mọi trường hợp đòi lại và tranh chấp về ruộng đất để xử lý (trong nội bộ nông
dân hoặc giữa nông dân với các tổ chức kinh tế quốc doanh và cơ quan, đơn vị
của Nhà nước). Chỉ xem xét và giải quyết từng trường hợp cụ thể một cách thấu
đáo, thận trọng.
+ Trên cơ sở quán triệt các chính sách của Đảng và
Nhà nước về ruộng đất, điều tra, nắm chắc tình hình ruộng đất và các hộ sử dụng
ruộng đất ở địa phương, cấp ủy đảng và cấp chính quyền cơ sở phải dựa vào dân,
bàn bạc dân chủ, công khai với nông dân để giải quyết các vấn đề về ruộng đất,
giáo dục, giải thích, thuyết phục nông dân, giải quyết có lý, có tình, không gò
ép, mệnh lệnh, không được ức hiếp hoặc có hành vi thô bạo đối với nông dân, bảo
đảm tăng cường đoàn kết trong nội bộ nông dân lao động, ổn định sinh hoạt trong
nông thôn.
+ Đối với những trường hợp vi phạm Luật đất đai và
ngang ngược chiếm đất của người khác, tuy đã được giải thích, thuyết phục nhiều
lần nhưng không tự giác chấp hành, cũng như đối với những trường hợp khi tranh
chấp ruộng đất đã vi phạm Luật pháp Nhà nước thì phải dùng biện pháp hành chính
hoặc luật pháp để xử lý.
+ Gắn việc giải quyết vấn đề ruộng đất với tổ chức
lại sản xuất, bố trí lại cơ cấu sản xuất hàng hóa theo hướng thâm canh, tăng
vụ, kinh doanh tổng hợp, mở mang ngành nghề, phân bố lại lao động, dân cư phù
hợp với đặc điểm và quy hoạch của từng địa phương, xây dựng và củng cố quan hệ
sản xuất mới, làm cho nông dân có đủ việc làm, phát triển sản xuất và sử dụng
ruộng đất ngày càng có hiệu quả kinh tế cao.
Những chủ trương, biện pháp chủ yếu:
1- Giải quyết những việc tranh chấp ruộng đất trong
nội bộ nông dân và các tập đoàn sản xuất, hợp tác xã phải dựa vào đơn vị kinh
tế tập thể (tập đoàn sản xuất, hợp tác xã nông nghiệp) và dựa vào nông dân, lấy
dân làm gốc, trên cơ sở điều tra, nắm chắc tình hình ruộng đất ở địa phương,
bàn bạc dân chủ, công khai với nông dân ở cơ sở, giáo dục, thuyết phục, động
viên đoàn kết và tương trợ trong nội bộ nông dân.
Đối với những hộ hiện nay sống bằng các nghề buôn
bán, lao động tự do, tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp hoặc dịch vụ nông nghiệp
trước đây đã được chia cấp ruộng đất, song sử dụng ruộng đất kém hiệu quả hoặc
không lao động sản xuất lại thuê người khác làm, thì nay cần động viên họ giao
lại ruộng đất cho tập thể và họ được bồi hoàn giá trị sản phẩm đang trồng trên
đất đai đó, công sức họ đã bỏ ra để tăng thêm độ màu mỡ của đất so với khi nhận
ruộng khoán của tập thể.
Số ruộng đất nói trên cùng với những ruộng đất khác
do cá nhân, cơ quan, đơn vị chiếm dụng trái phép hoặc bao giữ quá mức đã được
thu hồi, ruộng đất hoang hóa, bãi bồi... hợp thành quỹ ruộng đất để giao thêm
cho các hộ có khả năng và kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp nhưng thiếu ruộng
đất để sản xuất.
Đối với những hộ khi điều chỉnh lần thứ hai theo
chỉ thị của Ban Bí thư số 19-CT/TW ngày 3-5-1983 và thực hiện việc giao ruộng
khoán theo chỉ thị Ban Bí thư số 100-CT/TW ngày 13-1-1981, ruộng đất đã bị cắt
bớt và bị ”xáo canh", nay thật sự thiếu đất để sản xuất và yêu cầu xin lại
ruộng cũ thì cấp chính quyền địa phương bàn bạc với nông dân để xem xét, giải
quyết từng trường hợp cụ thể nhưng nói chung không xáo trộn lại ruộng đất ở địa
phương.
Đối với ruộng đất của những gia đình thương binh,
liệt sĩ, chiến sĩ, gia đình có công với cách mạng, giải quyết theo đúng chính
sách của Đảng và Nhà nước, bảo đảm đời sống của các gia đình đó.
Đối với những người đã thoát ly nông thôn làm các
ngành nghề hoặc công tác trong các cơ quan Nhà nước, ruộng đất của họ đã được
chia cấp cho nông dân thì nay họ không được đòi lại, trừ trường hợp thật đặc
biệt do chính quyền và nhân dân địa phương xem xét.
2- Đối với ruộng đất xâm canh.
Đối với nông dân ở cư trú không có ruộng đất phải
đi đến nơi khác sản xuất, nguyên tắc chung là không được cắt ruộng đất xâm
canh.
Những người xâm canh ở nơi khác nếu sau khi bị cắt
bớt ruộng đất mà đời sống hiện nay đã ổn định do đã có ruộng đất ở nơi cư trú
hoặc đã có ngành nghề khác để sinh sống thì không được đòi lại ruộng đất đã bị
cắt; những người được cấp ruộng đất xâm canh đúng đối tượng và sản xuất đã ổn
định thì giữ nguyên hiện trạng. Những người bị cắt ruộng đất xâm canh, đời sống
đang khó khăn, nhưng ruộng đất bị cắt đã giao cho người khác thì vận động,
thuyết phục họ nhận đất mới; nếu ở địa phương quá thiếu ruộng đất, quỹ ruộng
đất không còn thì vận động thực hiện "nhường cơm, sẻ áo" trong nội bộ
nông dân.
Đối với những ruộng đất cắt từ các hộ xâm canh đã
giao lại cho nông dân sở tại phù hợp với khả năng sản xuất của họ thì giữ
nguyên hiện trạng.
3- Đối với những vụ tranh chấp ruộng đất giữa nông
dân địa phương với các tổ chức kinh tế Nhà nước (nông trường, lâm trường, cơ
quan, đơn vị của Nhà nước nói chung) phải giải quyết theo đúng tinh thần Nghị
quyết 10 của Bộ Chính trị.
- Đối với những khu vực rộng lớn (như miền đông Nam
Bộ, Tây Nguyên và một số vùng khác) trước đây quy hoạch phân bố đất đai không
hợp lý (giữa các tổ chức kinh tế Trung ương và địa phương, giữa quốc doanh, tập
thể và các thành phần kinh tế khác), hoặc xác định phương hướng sản xuất và
phân bố cây trồng, vật nuôi chưa phù hợp, đang có hiện tượng tranh chấp giữa
các cây, con thì Hội đồng Bộ trưởng chỉ đạo các ngành có liên quan phối hợp với
địa phương kiểm tra và quy hoạch lại để có thêm đất đai cho nông dân sở tại sản
xuất.
- Những khu doanh trại, căn cứ quân sự và các đất
đai khác do quân đội đang quản lý phải quy hoạch lại để sử dụng đất đai một
cách hợp lý, số diện tích đất đai dôi ra phải giao cho địa phương cấp cho nông
dân.
4- Đối với ruộng đất chiếm dụng trái phép hoặc sử
dụng quá nhiều, không hợp lý.
- Ruộng đất do các cá nhân (bao gồm cả cán bộ, đảng
viên) chiếm dụng trái phép dưới các hình thức (như đổi ruộng xấu và xa nhà lấy
ruộng tốt và gần nhà, sử dụng ruộng đất dôi ra sau điều chỉnh ruộng đất vì lợi
ích riêng...) đều phải được thu hồi.
- Những cá nhân bao giữ ruộng đất hoang hóa, bãi
bồi quá nhiều, không hợp lý, sử dụng không hết và kém hiệu quả, phải trả bớt
cho địa phương để chia cấp cho nông dân.
5- Đối với những vụ tranh chấp ruộng đất giữa đồng
bào đến xây dựng vùng kinh tế mới với đồng bào dân tộc địa phương.
- Phải căn cứ vào quy hoạch từng vùng để giải quyết
đất ruộng, đất rừng cho đồng bào dân tộc sở tại sản xuất, kết hợp mở rộng khai hoang
ở những nơi có điều kiện để tạo đủ công ăn việc làm thực hiện định canh, định
cư.
- Cần giáo dục, vận động, thuyết phục đồng bào dân
tộc sở tại "nhường cơm, sẻ áo", giúp đỡ lẫn nhau đối với đồng bào nơi
khác đến, đang sinh sống và sản xuất xen ghép với đồng bào dân tộc địa phương,
đồng thời các nông trường, lâm trường cần có kế hoạch giao bớt đất ruộng, đất
rừng không sử dụng hết cho nhân dân sản xuất hoặc thu hút đồng bào vào sản xuất
trong nông trường, lâm trường theo những hình thức thích hợp.
6- Đối với ruộng đất do xóa bỏ tàn dư bóc lột phong
kiến của phú nông, tư sản nông thôn, do tịch thu, trưng thu của các loại phản
động và ruộng đất hiện qua các thời kỳ cách mạng, đã được chia cấp cho nông dân
thì không trả lại. Nếu đời sống họ khó khăn, không có ruộng đất sản xuất thì
giải quyết như mọi công dân khác.
7- Các vụ tranh chấp ruộng đất hương hỏa, thổ cư...
phải căn cứ vào Luật đất đai để xử lý hành chính hoặc theo pháp luật.
8- Gắn việc giải quyết vấn đề ruộng đất hiện nay
với việc phát triển vùng kinh tế mới ở các địa phương trung du, miền núi và
vùng đồng bằng còn nhiều ruộng đất hoang hóa (như Đồng Tháp Mười, tứ giác Long
Xuyên và một số vùng khác...) với những phương hướng khai thác, sử dụng ruộng
đất hợp lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường, đưa lại hiệu quả kinh tế nhanh và
cao, có chính sách đầu tư hỗ trợ của Nhà nước.
Trên đây là một số chủ trương, biện pháp chủ yếu để
giải quyết một số vấn đề cấp bách về ruộng đất. Nhưng mỗi địa phương, mỗi cơ sở
sản xuất nông nghiệp đều có những đặc điểm, hoàn cảnh và điều kiện cụ thể khác nhau,
rất đa dạng và rất phức tạp, nên việc chỉ đạo phải hết sức sâu sát từng trường
hợp, từng địa phương, cơ sở thì mới ổn định được tình hình trong nông dân và
nông thôn.
IV- Tổ chức chỉ đạo
1- Giải quyết một số vấn đề cấp bách về ruộng đất
là một công tác đột xuất ở một số địa phương cần được các cấp ủy đảng tập trung
chỉ đạo đúng mức, gắn công tác này với việc thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ
Chính trị, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, gắn với việc xây dựng và củng cố các
hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, hoàn thiện cơ chế khoán sản phẩm, phân công lao
động theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa.
2- Hội đồng Bộ trưởng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và
Công nghiệp thực phẩm, Tổng cục quản lý ruộng đất phối hợp chặt chẽ với Ban
Nông nghiệp Trung ương và Hội Nông dân Việt Nam thảo luận và ban hành ngay
những văn bản pháp quy cụ thể hóa Luật đất đai và Nghị quyết 10 của Bộ Chính
trị, làm cơ sở pháp lý cho nông dân, các cơ sở và địa phương thực hiện; cử cán
bộ về các vùng trọng điểm hướng dẫn thực hiện các văn bản của Nhà nước về chính
sách giải quyết các vấn đề về ruộng đất.
3- Các ngành và các đoàn thể quần chúng, nhất là
Hội Nông dân Việt Nam, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình, cùng với chính
quyền các cấp giải quyết tốt vấn đề ruộng đất và xử lý thỏa đáng các vụ tranh
chấp ruộng đất trong nội bộ nông dân.
4- Tỉnh ủy, thành ủy, huyện ủy, đảng ủy và chi ủy ở
xã là những cấp trực tiếp chỉ đạo giải quyết vấn đề ruộng đất (cũng như các vấn
đề thuyền, lưới, rừng, v.v... của nông dân, ngư dân) ở địa phương. Cần chú ý:
- Vấn đề ruộng đất (cũng như các vấn đề thuyền,
lưới, rừng, v.v...) phải được giải quyết cụ thể tại chỗ, tại tập đoàn sản xuất
và hợp tác xã bằng nhiều biện pháp: kinh tế, hành chính và pháp luật, lấy biện
pháp vận động, thuyết phục và giải quyết lợi ích kinh tế của người lao động là
chủ yếu, trên cơ sở bàn bạc thật sự dân chủ, công khai giữa quần chúng nhân dân
dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự hướng dẫn của Hội Nông dân, của Đoàn thanh niên
và Hội Phụ nữ ở nông thôn.
Tỉnh, thành phố cùng với cơ sở, xã, huyện phải luôn
luôn nắm chắc tình hình ruộng đất, giải quyết tại chỗ kịp thời, tích cực, đúng
đắn nguyện vọng của nông dân, không để ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời
sống của người lao động.
- Có sự phân công cụ thể giữa cơ sở, huyện và tỉnh
để chỉ đạo rút kinh nghiệm, tổ chức tập huấn cán bộ và đưa cán bộ về giúp cơ
sở, nhất là những cơ sở có nhiều trường hợp đòi lại và tranh chấp ruộng đất
cũng như có nhiều vụ việc khác liên quan đến sản xuất, đến đời sống của nông
dân và nông thôn.
5- Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu chấp hành
nghiêm chỉnh chính sách ruộng đất của Đảng và Nhà nước; xử lý nghiêm minh những
cán bộ, đảng viên chiếm dụng trái phép ruộng đất và phải thu hồi số ruộng đất
đó.
6- Cần xử lý hành chính hoặc hình sự đối với những
trường hợp ngang ngược chiếm đất của người khác, cố tình không tuân theo luật
pháp của Nhà nước và đối với những kẻ lợi dụng tình hình phức tạp về ruộng đất
để gây rối, phá hoại trật tự và an toàn xã hội.
7- Các cơ quan thông tin đại chúng, các đài, báo có
nhiệm vụ tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn
đề ruộng đất, những điển hình tốt về giải quyết ruộng đất ở xã, huyện, tỉnh. Khi
đề cập những việc liên quan đến tình hình sản xuất, quan hệ sản xuất và đời
sống ở nông thôn phải đi sâu, nắm chắc tình hình, hiểu rõ quan điểm, chủ
trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bảo đảm phản ánh chính xác và trung
thực.
Các tỉnh ủy, thành ủy thường xuyên báo cáo Ban Bí
thư kết quả giải quyết những vấn đề về ruộng đất ở địa phương mình.
|
T/M BAN BÍ THƯ
Nguyễn Văn Linh
|