ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 13/CT-UBND
|
Thái Nguyên, ngày 28 tháng 5 năm 2012
|
CHỈ THỊ
VỀ TẬP TRUNG CHỈ ĐẠO
CÔNG TÁC BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ VÀ TÁI ĐỊNH CƯ ĐỂ TRIỂN KHAI CÁC DỰ ÁN TRÊN ĐỊA BÀN
TỈNH THÁI NGUYÊN.
Năm 2011 Uỷ
ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các Sở, Ban, Ngành, Uỷ ban Nhân dân các huyện, thị
xã Sông Công và thành phố Thái Nguyên tập trung cao độ cho công tác giải phóng
mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản trên
địa bàn. Với quyết tâm cao, phương pháp chỉ đạo khoa học, quyết liệt cùng với
việc kiểm tra, đôn đốc, giám sát thường xuyên tiến độ giải phóng mặt bằng các
dự án cho nên các dự án trọng điểm, những dự án lớn có ý nghĩa quan trọng của
tỉnh cơ bản đảm bảo được tiến độ bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư và các nhà
thầu thi công như các công trình, dự án phục vụ liên hoan trà Quốc tế Thái
Nguyên lần thứ nhất, dự án Khu đô thị Xương Rồng, dự án Xây dựng đường Quốc lộ
3 mới Hà Nội - Thái Nguyên, dự án Tăng cường ATGT trên các Quốc lộ phía Bắc
Việt Nam..... Nhiều dự án có khó khăn vướng mắc và tồn tại kéo dài đến nay cơ
bản đã được tháo gỡ, giải quyết như dự án Khai thác và Chế biến khoáng sản Núi
Pháo, dự án Xây dựng Nhà hát ca múa dân gian Việt Bắc...
Tuy nhiên trên
địa bàn toàn tỉnh vẫn còn các dự án tiến độ giải phóng mặt bằng chậm, kéo dài, tình
trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo về việc bồi thường giải phóng mặt bằng còn nhiều.
Năm 2012 là
năm thứ 2 tỉnh Thái Nguyên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ
XI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVIII và kế hoạch phát triển kinh tế -
xã hội 5 năm 2011 - 2015. Uỷ ban Nhân dân tỉnh tiếp tục tập trung cao độ cho
công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, làm tiền
đề cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, đồng thời tạo mặt bằng sạch
thu hút đầu tư. Để thực hiện tốt các mục tiêu trên, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã Sông Công và thành phố Thái Nguyên; Giám
đốc các Sở, Ban, Ngành các Đoàn thể của tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện các
nội dung sau:
1. Đối với Uỷ ban
nhân dân các huyện, thị xã Sông Công và thành phố Thái Nguyên:
1.1. Công tác giải
phóng mặt bằng là một nhiệm vụ chính trị của địa phương, các địa phương cần xây
dựng kế hoạch tổng thể và kế hoạch chi tiết cho công tác bồi thường, hỗ trợ và
tái định cư của từng dự án.
1.2. Kiện toàn
công tác tổ chức của Ban bồi thường giải phóng mặt bằng cấp huyện theo hướng: Đối
với các huyện đã thành lập Ban bồi thường giải phóng mặt bằng nay thực hiện chuyển
đổi thành Tổ chức phát triển quỹ đất (cấp huyện); địa phương chưa thành lập Ban
bồi thường giải phóng mặt bằng ( huyện Võ Nhai) thì thành lập Tổ chức phát
triển quỹ đất (theo Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-BTNMT-BNV-BTC ngày 08/01/2010
của Bộ Tài nguyên và Môi trường - Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính); Lựa chọn cán bộ có
đủ phẩm chất, năng lực trình độ để tăng cường cho Tổ chức phát triển quỹ đất
cấp huyện và cán bộ địa chính cấp xã ( phường) để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ
đặt ra.
1.3. Tích cực,
chủ động trong công tác giải phóng mặt bằng, phối kết hợp chặt chẽ với các ngành
của tỉnh phát hiện kịp thời những bất hợp lý trong công tác giải phóng mặt bằng
để đề xuất hướng giải quyết. Báo cáo kết quả thực hiện công tác bồi thường, hỗ
trợ và tái định cư cho Ban chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng tỉnh và Sở
Tài nguyên và Môi trường theo quy định; Tăng cường công tác tuyên truyền
phổ biến chính sách pháp luật và công tác dân vận, phát huy sức mạnh của toàn
bộ hệ thống chính trị để vận động nhân dân chấp hành chính sách bồi thường, hỗ
trợ và tái định cư của Nhà nước và của tỉnh. Tập trung giải quyết khiếu nại, tố
cáo về việc bồi thường giải phóng mặt bằng ngay từ cơ sở, tránh tình trạng đơn
thư vượt cấp, kéo dài.
1.4. Khẩn
trương quy hoạch, xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu tái định cư để bố trí ngay
đất ở tái định cư cho các hộ dân phải di chuyển để giải phóng mặt bằng cho các
dự án.
1.5. Tăng
cường kiểm tra, giám sát để công tác kiểm đếm, lập và thẩm định, phê duyệt
phương án bồi thường giải phóng mặt bằng đảm bảo tính đúng, đủ khối lượng, đúng
chính sách và đơn giá quy định của Nhà nước. Thực hiện việc công khai
phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo đúng quy định.
1.6. Tập trung
chỉ đạo giải quyết dứt điểm những tồn tại và đẩy nhanh tiến độ GPMB các công trình,
dự án trọng điểm. Kiên quyết xử lý những tổ chức và cá nhân thiếu tinh thần
trách nhiệm, vụ lợi cá nhân, những người có hành vi chống đối, lôi kéo, xúi
giục nhân dân làm ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng.
2. Đối với các
Sở, Ban, Ngành các Đoàn thể của tỉnh.
Căn cứ chức năng,
nhiệm vụ được giao kịp thời giải quyết các vướng mắc, tồn tại trong quá trình
thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của các địa phương theo
thẩm quyền và lĩnh vực ngành, đơn vị quản lý. Trường hợp vượt thẩm quyền báo
cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết.
2.1. Thường
trực Ban Chỉ đạo công tác GPMB tỉnh: Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên
quan thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát tiến độ giải phóng mặt bằng của
UBND cấp huyện và của các chủ đầu tư; phát hiện những vướng mắc tồn tại để kịp
thời chỉ đạo hoặc đề xuất hướng giải quyết.
2.2. Sở Tài nguyên
và Môi trường: Kiểm tra quá trình tổ chức thực hiện công tác GPMB các dự án
trên địa bàn; Chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết những vướng mắc về cơ
chế, chính sách liên quan đến bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
2.3. Sở Tài chính,
Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm bố trí đủ kinh phí để chi trả cho công tác
bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các dự án của tỉnh.
2.4. Sở Xây dựng:
Tăng cường công tác lập và quản lý quy hoạch; Chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ
nhà đất tiến hành giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch ngay sau khi quy hoạch,
kế hoạch sử dụng đất được duyệt, nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có đất
để đầu tư cũng như chủ động trong việc xây dựng khu tái định cư tập trung.
2.5. Sở Lao
động Thương binh và Xã hội: Thiết lập hệ thống tổ chức hỗ trợ tư vấn đào tạo
nghề nghiệp – việc làm cho người dân trước và sau khi bị thu hồi đất; Xây dựng
các chương trình đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh
nơi người dân bị thu hồi đất và nơi chuyển đến tái định cư; Hỗ trợ đầu tư các
cơ sở dạy nghề và các chương trình phát triển sản xuất, dịch vụ và việc làm ở
các vùng bị thu hồi đất; Định hướng, đào tạo kỹ năng, hỗ trợ vốn cho người dân
bị thu hồi đất tự tạo việc làm chuyển đổi nghề nghiệp.
2.6 Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan đẩy
nhanh tiến độ lập và phê duyệt quy hoạch nông thôn mới; Do diện tích đất sản
xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp vì vậy cần có kế hoạch sản xuất nông –
lâm nghiệp theo hướng phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có năng suất và
chất lượng cao phù hợp với điều kiện tự nhiên và thị trường.
2.7. Thanh tra
tỉnh: Nâng cao chất lượng công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đặc biệt
là đơn thư về lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; Phối hợp với các ngành,
các địa phương giải quyết dứt điểm đơn thư còn tồn đọng, hạn chế tình trạng đơn
thư kéo dài, vượt cấp.
2.8. Sở Tư
pháp, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tỉnh: Phối hợp chặt chẽ với các
cơ quan chuyên môn và các chủ đầu tư trong việc tham gia công tác giải phóng
mặt bằng. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; Tham mưu cho
UBND tỉnh chỉ đạo và hướng dẫn các cấp, ngành trong việc xử lý các trường hợp
vi phạm, nhất là các trường hợp đã thực hiện đầy đủ chế độ bồi thường, hỗ trợ
và tái định cư nhưng không chấp hành bàn giao mặt bằng.
2.9. Ban chỉ
đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh: Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc xử lý khiếu
nại tố cáo về hành vi tham nhũng và các thông tin về vụ, việc có dấu hiệu tiêu
cực, tham nhũng liên quan đến công tác đầu tư và bồi thường hỗ trợ, tái định cư
ở địa phương.
2.10. Công an tỉnh:
Tăng cường công tác nắm bắt tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội
đặc biệt tại khu vực có dự án; có phương án xử lý kịp thời những đối tượng có
hành vi lôi kéo, xúi giục, chống đối, cản trở, kích động nhân dân....vi phạm
pháp luật.
2.11. Sở Nội
vụ: Hướng dẫn các địa phương thực hiện việc đổi tên Ban bồi thường giải phóng
mặt bằng huyện và thành lập Tổ chức phát triển quỹ đất theo quy định tại Thông
tư số 01/2010/TTLT-BTNMT-BNV-BTC ngày 08/01/2010 của Bộ Tài nguyên và Môi
trường - Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính; Tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh khen thưởng
các tập thể, cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ.
2.12. Đề nghị Mặt
trận Tổ quốc tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội: Theo chức năng, nhiệm vụ
có trách nhiệm tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân
thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và địa
phương về công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; Tích cực giám sát các hoạt
động của các cơ quan chuyên môn, đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ và các lợi ích
chính đáng của nhân dân trong công tác giải phóng mặt bằng.
2.13. Các Báo
và Đài Truyền thanh Truyền hình Thái Nguyên: Bám sát địa bàn để nắm đúng - đủ thông
tin, thực hiện định hướng dư luận rõ ràng, đúng tình hình, phục vụ nhiệm vụ
chính trị của địa phương.
3. Đối với các
chủ đầu tư: Phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Nhân dân các địa phương để thực hiện tốt
công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, đảm bảo đủ kinh phí để thực hiện dự
án đầu tư.
Uỷ ban Nhân
dân tỉnh yêu cầu các Sở, Ban, Ngành của tỉnh các Đoàn thể chính trị - xã hội và
Uỷ ban Nhân dân các huyện, thị xã Sông Công và thành phố Thái Nguyên triển khai
thực hiện Chỉ thị này và định kỳ báo cáo kết quả với UBND tỉnh.
Chỉ thị này
được phổ biến đến các Sở, Ban, Ngành, các Đoàn thể chính trị - xã hội; UBND các
cấp và toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh đặc biệt là nhân dân trong quy hoạch
dự án nơi đang thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư ./.
Nơi
nhận:
- Thường
trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể của tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã SC và TPTN;
- Báo và Đài PTTH Thái Nguyên;
- Công báo, cổng thông tin điện tử TN;
- Lưu: VT, GPMB.
|
CHỦ TỊCH
Dương Ngọc Long
|