ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 10/CT-UBND
|
Kiên
Giang, ngày 17 tháng 6 năm 2019
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH VÀ ĐẨY NHANH CÔNG TÁC BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ VÀ TÁI ĐỊNH
CƯ KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG
Thời gian qua, do yêu cầu phát triển
kinh tế và cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh, nhiều dự án đầu tư đã được triển
khai thực hiện, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt
công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư nhằm sớm bàn giao mặt bằng sạch cho
nhà đầu tư thực hiện dự án và Ủy ban nhân dân tỉnh cũng thường xuyên tổ chức khảo
sát thực tế tại các địa phương và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để tháo gỡ khó
khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đồng thời, các
ngành, các cấp dưới sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân
dân tỉnh cũng đã có nhiều cố gắng trong chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện
công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho nhà đầu tư thực hiện
dự án, đã góp phần tích cực cho phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị,
đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công
tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho chủ đầu tư và nhà đầu tư
còn chậm và nhiều hạn chế; khiếu nại về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có xu
hướng tăng và phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn về an ninh, trật tự xã hội cũng
như ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Những hạn chế trong
công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng có nguyên nhân khách quan như: Khối lượng
công việc giải phóng mặt bằng lớn, quy định của pháp luật về chính sách bồi thường,
hỗ trợ và tái định cư vẫn còn có vướng mắc trong thực tế khi triển khai thực hiện...Nguyên
nhân chủ quan là chủ yếu thuộc trách nhiệm của các địa phương, như: Công tác
lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quyết liệt và còn hạn
chế, chưa chủ động nghiên cứu các quy định của pháp luật để giải quyết các khó
khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân cấp huyện;
trình độ chuyên môn một số cán bộ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng còn hạn
chế; một số ngành, đơn vị chưa phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ kịp thời Ủy ban nhân
dân các huyện, thành phố trong việc giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công
tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện công
tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, đáp ứng tốt nhất yêu cầu mặt bằng triển
khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế -
xã hội của địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành, đoàn thể
của tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện tốt các công việc sau
đây:
1. Sở Tài nguyên và
Môi trường:
a) Tiếp tục rà soát để hoàn thiện quy
định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo đúng quy định pháp luật và phù hợp
với tình hình thực tế của địa phương;
b) Chỉ đạo Trung tâm Kỹ thuật tài
nguyên và môi trường thực hiện tốt công tác đo đạc đối với các dự án được giao,
đảm bảo tính chính xác và kịp thời;
c) Chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất
tập trung thực hiện công tác lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối
với các dự án được giao, đảm bảo tiến độ đề ra;
d) Đẩy nhanh công tác xác định giá đất
cụ thể để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án;
e) Hướng dẫn, giải quyết khó khăn vướng
mắc về các chế độ, chính sách liên quan đến bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để
làm cơ sở cho việc lập phương án bồi thường.
2. Sở Xây dựng:
a) Tổ chức công bố, công khai đồ án
quy hoạch vùng tỉnh, vùng liên huyện, vùng huyện và các vùng chức năng khác; đồ
án quy hoạch chung xây dựng đô thị để chính quyền cơ sở thực hiện việc quản lý
và nhân dân biết thực hiện đúng quy định;
b) Hướng dẫn, giải quyết các khó
khăn, vướng mắc về các chế độ, chính sách liên quan đến bồi thường thiệt hại về
nhà, công trình, vật kiến trúc xây dựng trên đất.
3. Sở Tài chính:
a) Bảo đảm kinh phí thực hiện cho công
tác chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trước khi giải phóng mặt bằng
các dự án;
b) Thẩm định kịp thời phương án giá đất
cụ thể để tính tiền bồi thường, giá đất tại khu tái định cư do Sở Tài nguyên và
Môi trường trình làm cơ sở tính tiền sử dụng đất, phê duyệt phương án bồi thường,
hỗ trợ và tái định cư.
4. Sở Kế hoạch và Đầu
tư: Theo dõi, cân đối nguồn vốn ưu tiên bố trí thực hiện giải phóng mặt bằng tạo
lập quỹ đất sạch theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước
có thẩm quyền phê duyệt nhằm chủ động trong công tác bồi thường, bố trí tái định
cư để xúc tiến đầu tư.
5. Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn:
Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố xác định năng suất các loại cây trồng, giá trị hiện có của vườn cây
lâu năm, chi phí đầu tư vào đất, chi phí chăm sóc đến thời điểm thu hồi đất của
vườn cây lâu năm; giá trị thiệt hại của vật nuôi do phải thu hồi sớm do bị thu
hồi đất; hướng dẫn, giải quyết về việc thanh lý rừng trên đất thu hồi.
6. Sở Giao thông vận
tải: Phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh,
Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trong công tác kiểm kê,
lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các dự án được giao.
7. Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội: Phối hợp với các đơn vị liên quan có kế hoạch bố trí đào
tạo nghề cho thành viên các hộ gia đình bị thu hồi đất trong độ tuổi lao động
có nhu cầu.
8. Sở Tư pháp: Hướng
dẫn, kiểm tra về trình tự, thủ tục cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt
buộc; cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất theo đúng quy định của pháp luật.
9. Các Sở, ngành là
chủ đầu tư nâng cao trách nhiệm trong công tác thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ
trợ và tái định cư; phối hợp với các Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng và UBND
các huyện, thành phố tổ chức triển khai nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ và tái định
cư đối với các dự án đầu tư được giao đảm bảo theo quy định pháp luật.
10. Thanh tra tỉnh:
a) Tăng cường công tác kiểm tra, đôn
đốc thực hiện việc giải quyết khiếu nại tố cáo trong công tác thu hồi đất, bồi
thường, hỗ trợ tái định cư thực hiện các dự án đầu tư theo thẩm quyền, đúng
pháp luật;
b) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh và
chỉ đạo thanh tra các huyện, thành phố giải quyết khiếu nại, tố cáo nhanh
chóng, kịp thời, đúng pháp luật về việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; phối
hợp với các ngành, địa phương giải quyết dứt điểm đơn khiếu nại, tố cáo kéo
dài.
11. Đề nghị Ủy ban
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội
Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí
Minh tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến
pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; động viên thuyết phục cán bộ công
chức, viên chức và nhân dân chấp hành pháp luật về đất đai tạo điều kiện thuận
lợi cho công tác giải phóng mặt bằng triển khai các dự án; chỉ đạo các đoàn thể
cấp huyện, xã cùng thực hiện các nhiệm vụ trên.
12. Công an tỉnh:
Tăng cường công tác nắm bắt tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội
tại các khu vực dự án có nguy cơ mất ổn định; có phương án xử lý kịp thời những
đối tượng có hành vi chống đối, cản trở, lôi kéo, xúi giục, kích động nhân
dân,...vi phạm pháp luật. Chỉ đạo công an các huyện, thành phố căn cứ vào
phương án cưỡng chế thu hồi đất, xây dựng kế hoạch bảo vệ trật tự, an toàn
trong quá trình tổ chức thi hành cưỡng chế thu hồi đất theo quy định.
13. Báo Kiên Giang,
Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang thường xuyên đưa tin trên phương tiện
thông tin đại chúng về các chủ trương, chính sách nhà nước về bồi thường, hỗ trợ,
tái định cư để các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân được biết và thực
hiện.
14. Ủy ban nhân dân
các huyện, thành phố:
a) Chủ động phối hợp với các chủ dự
án và tổ chức có liên quan thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng;
thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách pháp luật của
nhà nước về công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất;
đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng và thuận lợi trong quá trình
giải phóng mặt bằng, bàn giao đất thực hiện các dự án;
- Rà soát lại quỹ đất tái định cư, tận
dụng các khu tái định cư đã có để phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định
cư; đồng thời, chủ động nghiên cứu đầu tư xây dựng hạ tầng theo thẩm quyền trên
cơ sở tính toán giá thành đảm bảo các điều kiện (về điện, nước,...) và phù hợp
với mặt bằng tái định cư của địa phương. Dự án tái định cư được lập và phê duyệt
độc lập với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhưng phải bảo đảm có đất
ở, nhà ở tái định cư trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi
đất;
- Việc quyết định thu hồi đất, quyết
định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải bảo đảm trong
cùng một ngày theo quy định của Luật Đất đai năm 2013;
- Kịp thời giải quyết đơn thư khiếu nại,
kiến nghị của người dân về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo thẩm quyền từ
cơ sở, tránh tình trạng đơn thư vượt cấp, kéo dài;
- Tích cực vận động, thuyết phục nhân
dân chấp hành bàn giao mặt bằng theo quy định. Trường hợp các chế độ, chính
sách đã được thực hiện đầy đủ, đã được vận động, thuyết phục nhiều lần nhưng
các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân vẫn không chấp hành bàn giao mặt bằng thì rà
soát về trình tự, thủ tục, hồ sơ, nếu đảm bảo thì phối hợp với lực lượng công
an chủ động triển khai công tác cưỡng chế thu hồi đất theo quy định.
b) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã và
Phòng Tài nguyên và Môi trường:
- Đối với Ủy ban nhân dân xã, phường,
thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời,
kiên quyết đối với các trường hợp lấn chiếm đất, xây dựng công trình trái phép
trên đất nông nghiệp. Trong đó cần lưu ý đất đã quy hoạch theo thẩm quyền hoặc
đề nghị cấp thẩm quyền xử lý, nhằm tránh phức tạp, khó khăn trong công tác giải
phóng mặt bằng; thống kê lao động trong độ tuổi bị mất việc làm, số lao động cần
chuyển đổi nghề nghiệp, số lao động có nhu cầu học nghề tại nơi bị thu hồi đất
sản xuất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội;
- Đối với phòng Tài nguyên và Môi trường
và cán bộ Địa chính - Xây dựng thuộc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn cập
nhật kịp thời các biến động về đất đai để phục vụ công tác quản lý đất đai nói
chung và công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Ủy ban nhân dân các xã, phường,
thị trấn khi tiếp nhận hồ sơ bồi thường do tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải
phóng mặt bằng gửi đến phải nhanh chóng thẩm tra (xác nhận nguồn gốc đất đai,
chính sách ổn định đời sống, hỗ trợ chuyển đổi nghề, tái định cư,...) đảm bảo
đúng thời gian quy định.
15. Đối với Ủy ban
nhân dân huyện Phú Quốc:
a) Chủ động, quyết liệt hơn nữa trong
chỉ đạo điều hành, phối hợp với các chủ dự án và tổ chức có liên quan để đẩy nhanh
công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho nhà đầu tư thực hiện
dự án;
b) Chỉ đạo Hội đồng Thẩm định phương
án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện đẩy nhanh công tác thẩm định phương
án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, đảm bảo đúng quy trình, quy định của pháp
luật;
c) Chỉ đạo Ban bồi thường, hỗ trợ và
tái định cư tập trung thực hiện công tác lập phương án bồi thường, hỗ trợ và
tái định cư đảm bảo tính chính xác, kịp thời và tiến độ đề ra;
d) Định kỳ hàng tháng tổ chức giao
ban công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn để tháo gỡ các khó
khăn, vướng mắc của từng dự án; kịp thời đề xuất, gửi Sở Tài nguyên và Môi trường
tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc
vượt thẩm quyền;
e) Kiện toàn và nâng cao chất lượng đội
ngũ cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai và công tác bồi
thường, hỗ trợ và tái định cư thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường, Ban bồi thường,
hỗ trợ và tái định cư huyện và cán bộ Địa chính - Xây dựng thuộc Ủy ban nhân
dân xã, phường, thị trấn.
16. Tổ chức, hộ gia
đình, cá nhân có đất bị thu hồi chấp hành đầy đủ việc kê khai về đất, tài sản,
cung cấp các giấy tờ liên quan đất, tài sản theo yêu cầu của tổ chức được giao
nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; chấp hành nghiêm quy hoạch do cơ
quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, công bố; bảo đảm bàn giao mặt bằng đúng
thời gian theo quy định pháp luật.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở,
ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; tổ chức, hộ
gia đình, cá nhân có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung Chỉ thị
này. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có phát sinh khó khăn, vướng mắc,
kịp thời phản ánh về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp trình Ủy ban nhân
dân tỉnh xem xét, điều chỉnh cho phù hợp./.
Nơi nhận:
- Bộ Tài nguyên và Môi
trường;
- TT. Tỉnh ủy; TT. HĐND tỉnh;
- CT, các PCT. UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- UBND các xã, phường, thị trấn;
- LĐVP, P.KTCN, P.KTTH;
- Lưu: VT, dtnha.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Mai Anh Nhịn
|