UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HOÁ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 09/CT-UBND
|
Thanh Hoá, ngày 19 tháng 4 năm 2011
|
CHỈ THỊ
VỀ CHẤN CHỈNH VÀ TĂNG CƯỜNG CÔNG
TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐẤT ĐAI
Thực hiện Chỉ thị số
03/CT-BTNMT ngày 01/12/2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc chấn chỉnh
và tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu
Giám đốc các Sở, Trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị
xã, thành phố thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
1.
Tập trung rà soát các văn bản pháp luật về đất đai đã ban hành theo thẩm quyền;
kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, hệ thống hoá các quy định nhằm nâng
cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai.
a) Sở Tư pháp chủ trì,
phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi tiến hành rà soát các văn bản pháp luật về
đất đai của tỉnh đã ban hành, kịp thời tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung cho
phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật và tình hình thực tế ở địa
phương, nhất là về giá đất, về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu
hồi đất, về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,…
b) Sở Tài chính khẩn
trương hoàn chỉnh Quy chế đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử
dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh, báo cáo UBND tỉnh xem xét, ban
hành để triển khai thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
c) Sở Tài nguyên và
Môi trường:
- Hệ thống hoá các quy
định của pháp luật về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất,
đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, chuyển đổi mục đích
sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất,...tạo thuận lợi cho việc tra cứu,
giải quyết công việc của các cán bộ, công chức và các tổ chức, cá nhân có nhu
cầu sử dụng đất.
- Trên cơ sở những hạn
chế, yếu kém, khó khăn, vướng mắc đã được sơ kết, tổng kết và tình hình thực tế
công tác quản lý, sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi tham mưu
cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, nhắc nhở
các ngành, các địa phương giải quyết.
2.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đất đai.
- Sở Tư pháp chủ trì,
phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin và Truyền thông, Báo
Thanh Hoá, Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hoá, đẩy mạnh công tác tuyên
truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai bằng các hình thức phù hợp,
thiết thực và hiệu quả; kịp thời phản ánh, nêu gương các cơ quan, tổ chức, cá
nhân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất
đai; đồng thời phê phán, lên án các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó
khăn, phiền hà trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính về đất đai hoặc vi
phạm pháp luật đất đai.
- Sở Tư pháp chủ trì,
phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các ngành liên quan biên soạn, xuất
bản các ấn phẩm tuyên truyền pháp luật về đất đai bằng tiếng Việt và một số
tiếng dân tộc để phổ biến, nâng cao kiến thức pháp luật về đất đai cho đồng bào
dân tộc thiểu số, vùng miền núi, dân tộc.
3.
Tập trung chỉ đạo xây dựng, công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
và các khu vực phải thu hồi đất phục vụ dự án.
a) Sở Tài nguyên và
Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan và
UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
- Tập trung chỉ đạo
khẩn trương hoàn thành Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2020 và kế hoạch
sử dụng đất 5 năm 2011 - 2015 cấp tỉnh bảo đảm chất lượng và phù hợp với Quy hoạch
tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các quy hoạch khác liên quan;
chú trọng việc đảm bảo nhu cầu đất cho phát triển công nghiệp, dịch vụ, thương
mại, quốc phòng, an ninh, phát triển đô thị, vừa phải dành quỹ đất hợp lý để
trồng lúa, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh.
- Hướng dẫn, theo dõi,
kiểm tra, đôn đốc UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai xây dựng, công
bố công khai quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011- 2020 và kế hoạch sử dụng đất
5 năm 2011 - 2015 của địa phương.
- Chủ trì, phối hợp
với Sở Xây dựng, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các ngành liên quan tiến
hành rà soát toàn bộ quỹ đất đô thị hiện hữu và đô thị quy hoạch mới, trên cơ
sở đó tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả quỹ
đất.
b) UBND các huyện, thị
xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn tập trung chỉ đạo hoàn thành việc
lập quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm
2011 - 2015 theo yêu cầu của Quyết định số 3778/QĐUB ngày 22/10/2009 của UBND
tỉnh.
- Việc lập quy hoạch,
kế hoạch sử dụng đất phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổng thể, kế hoạch phát
triển kinh tế - xã hội của địa phương; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp
trên và các chỉ tiêu sử dụng đất do cấp trên phân bổ, nhất là chỉ tiêu sử dụng
đất lúa.
- Việc lập quy hoạch
sử dụng đất chi tiết phải tổ chức lấy ý kiến của nhân dân; đồng thời phải công
bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
4.
Đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và
tài sản gắn liền với đất.
a) Sở Tài nguyên và
Môi trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục chỉ đạo thực hiện có
hiệu quả Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 02/02/2009 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc
thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành kế hoạch cấp giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất và lập hồ sơ địa chính; thực hiện việc ghi nợ tiền sử dụng
đất trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với trường hợp hộ gia đình, cá
nhân chưa có khả năng nộp tiền sử dụng đất; đồng thời tăng cường kiểm tra, đôn
đốc việc thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và
tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày
19/10/2009 của Chính phủ.
b) UBND cấp huyện,
UBND cấp xã công khai việc xác minh nguồn gốc sử dụng đất và thời điểm sử dụng
đất để làm cơ sở cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho những trường hợp
không đủ giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định.
5.
Quản lý chặt chẽ đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng sản xuất, đặc biệt là đất
chuyên trồng lúa nước.
a) UBND các huyện, thị
xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn quản lý chặt chẽ việc chuyển
nhượng quyền sử dụng đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng sản xuất, đặc biệt là
đất chuyên trồng lúa nước; tuyệt đối không cho phép chuyển nhượng đất chuyên
trồng lúa nước trong các trường hợp sau:
- Hộ gia đình, cá nhân
không trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì không được nhận chuyển nhượng quyền sử
dụng đất chuyên trồng lúa nước.
- Tổ chức kinh tế
không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất chuyên trồng lúa nước của hộ
gia đình, cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy
hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Không thực hiện các giao
dịch về quyền sử dụng đất đối với các khu vực đất nằm trong quy hoạch sử dụng
đất, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt mà đã có thông báo thu hồi của cơ
quan nhà nước có thẩm quyền.
b) UBND các huyện, thị
xã, thành phố, các sở, ban, ngành cấp tỉnh không giải quyết, hoặc đề nghị UBND
tỉnh giải quyết các thủ tục về giao dịch quyền sử dụng đất và chuyển mục đích
sử dụng đất đối với các trường hợp tự ý chuyển nhượng đất nông nghiệp, đất rừng
sản xuất của các hộ gia đình, cá nhân để lập dự án đầu tư khi chưa có ý kiến
chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tại khu vực không nằm trong
quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; mặt khác phải tham mưu cho
UBND tỉnh xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm.
6.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.
a) Sở Tài nguyên và
Môi trường phối hợp với các ngành liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra việc
quản lý, sử dụng đất theo Kế hoạch số 12/KH-UBND ngày 29/3/2009 của UBND tỉnh;
tập trung vào thanh tra, kiểm tra trách nhiệm quản lý nhà nước, giải quyết các
tranh chấp, đơn thư khiếu nại, tố cáo về đất đai của UBND cấp huyện, cấp xã.
b) UBND các huyện, thị
xã, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm quản lý nhà nước về
đất đai ở địa phương; phát hiện sớm và xử lý nghiêm các sai phạm hoặc đề nghị
cơ quan có thẩm quyền xử lý; tổ chức thực hiện tốt việc tiếp dân, xử lý và giải
quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân theo quy định của
pháp luật.
7.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai.
Các sở, ban, ngành,
UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn thường xuyên
rà soát, sửa đổi, bổ sung các thủ tục hành chính có liên quan đến đất đai theo
Đề án 30 của Thủ tướng Chính phủ để công bố công khai theo quy định; tăng cường
kiểm tra, giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong quản lý đất
đai; xử lý nghiêm các cán bộ, công chức nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn,
phiền hà cho tổ chức, công dân khi giải quyết thủ tục hành chính hoặc cản trở
việc cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đất đai.
8.
Về xây dựng và ban hành bảng giá đất năm 2011.
Trên cơ sở giá đất ban
hành theo Quyết định số 4555/QĐ-UBND ngày 20/12/2010 của UBND tỉnh, Hướng dẫn
số 01/HD-STNMT ngày 06/01/2011 của Sở Tài nguyên và Môi trường về quy định giá
các loại đất năm 2011 và tình hình thực tế, UBND các huyện, thị xã, thành phố
khẩn trương hoàn thành việc phân loại đường, vị trí các khu đất để áp giá các
loại đất, làm cơ sở thực hiện áp giá bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ dự
án và xác định nghĩa vụ, quyền lợi tài chính về đất của các tổ chức, cá nhân ở
địa phương.
9.
Tổ chức thực hiện.
Giám đốc các sở,
Trưởng các ban, ngành cấp tỉnh có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã,
thành phố tổ chức triển khai thực hiện nghiêm các nội dung công việc nêu trong
Chỉ thị này; định kỳ 6 tháng và hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Sở Tài
nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
Sở Tài nguyên và Môi
trường thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các ngành, các địa phương triển khai thực
hiện Chỉ thị này; định kỳ 6 tháng và hàng năm tổng hợp báo cáo UBND tỉnh kết
quả thực hiện./.
Nơi
nhận:
- TTr Tỉnh
uỷ, HĐND tỉnh (b/c);
- Bộ TN&MT (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Các Sở, ngành liên quan;
- Lưu: VT, NN.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Đức Quyền
|