ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH
GIA LAI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------
|
Số: 06/2010/CT-UBND
|
Pleiku, ngày 07 tháng 5
năm 2010
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC
QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI, TRẬT TỰ XÂY DỰNG ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Trong thời gian qua, công tác quản và sử dụng đất đai
trên địa bàn toàn tỉnh đã có tiến bộ, từng bước đi vào nề nếp và đã đạt được
một số kết quả. Song vẫn còn một số cơ quan, doanh nghiệp sử dụng đất không
hiệu quả, sai mục đích, tình trạng lấn chiếm đất công chưa được ngăn chặn kịp
thời. Hiện nay tình hình giá cả về nhà ở và đất đai trên địa bàn toàn tỉnh có
nhiều biến động phức tạp, đặc biệt là thành phố Pleiku và các thị xã, thị trấn
của các huyện. Một số đối tượng đã lợi dụng, tiến hành mua bán nhà, chuyển
nhượng đất nhằm mục đích đầu cơ, tạo ra thị trường không lành mạnh; việc mua
bán nhà, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp
trái pháp luật dưới nhiều hình thức diễn ra trên diện rộng, nhất là vùng ven thành
phố Pleiku và các phường của thị xã, thị trấn của các huyện, khu vực dự kiến
phát triển đô thị, phát triển khu công nghiệp và dọc hai bên đường giao thông.
Các hiện tượng trên hầu như chưa được chính quyền xã, phường, thị trấn và
huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, xử lý, ngăn chặn kịp thời.
Tình trạng trên đã gây khó khăn cho công tác quản lý
Nhà nước về đất đai, về quy hoạch phát triển đô thị, gây mất ổn định trong đời
sống của nhân dân, ảnh hưởng xấu đến sản xuất, gây bức xúc trong công luận. Để
tăng cường quản lý Nhà nước về đất đai, quản lý quy hoạch- kế hoạch sử dụng
đất, ngăn chặn tình trạng mua bán nhà ở; chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng
đất trái pháp luật và xây dựng các công trình trái phép trên đất nông nghiệp,
đất lâm nghiệp không đúng quy hoạch và chưa được phép chuyển đổi; đồng thời
nhanh chóng khắc phục tình trạng sử dụng không hiệu quả, sai mục đích được giao
của các cơ quan, doanh nghiệp, Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. UBND huyện, thị xã, thành phố:
1.1. Thực hiện các công việc thuộc thẩm quyền:
a) Cần tiến hành ngay việc tổ chức rà soát tất cả các
quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt trên địa bàn, kiểm tra tiến độ triển khai,
tính khả thi, những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện, báo cáo UBND
tỉnh (qua Sở Xây dựng) trước ngày 30/6/2010. Sở Xây dựng có trách nhiệm tổng
hợp báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15/7/2010.
b) Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong công
tác cấp giấy phép xây dựng; tăng cường công tác kiểm tra thường xuyên và xử lý
nghiêm theo pháp luật việc xây dựng không phép, sai phép; các vi phạm về trật
tự xây dựng đô thị trên địa bàn.
c) Lập, ban hành quy chế quản lý quy hoạch và kiến
trúc đô thị theo phân cấp tại Điều 24 Nghị định số 38/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị.
Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố chịu trách
nhiệm trước UBND tỉnh về những vi phạm pháp luật về đất đai, quản lý quy
hoạch, trật tự xây dựng xảy ra trên địa bàn; xử lý kịp thời các vi phạm và giải
quyết dứt điểm các tranh chấp, không để tình trạng khiếu nại, khiếu kiện vượt
cấp.
Trường hợp cố tình vi phạm luật pháp, lợi dụng chuyển
nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép,... UBND huyện, thị xã, thành phố
xem xét, chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định pháp
luật.
Các tổ chức, cá nhân trong quá trình thẩm tra hồ sơ,
cố tình trình cấp có thẩm quyền để hợp thức hoá cấp giấy chứng nhận quyền sử
dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với các
trường hợp chuyển nhượng hoặc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, đất lâm
nghiệp trái pháp luật thì tuỳ từng trường hợp vi phạm cụ thể, phải xử lý nghiêm
theo quy định pháp luật.
1. 2.Chỉ đạo Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn; các
phòng, ban chức năng thuộc huyện, thị xã, thành phố:
a) Tăng cường quản lý đất nông nghiệp, đất lâm
nghiệp, nhất là ở các vùng trong quy hoạch phát triển các khu công nghiệp và đô
thị. Có biện pháp ngăn chặn tình trạng chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng
đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp trái pháp luật. Chủ tịch UBND xã, phường, thị
trấn phải xử lý hoặc kịp thời đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường
hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
b) UBND xã, phường, thị trấn tiến hành kiểm tra, rà
soát, thống kê các trường hợp chuyển nhượng đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp
nhưng không sử dụng đúng mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, báo cáo
UBND tỉnh, đề xuất phương án xử lý.
c) Nghiêm cấm UBND xã, phường, thị trấn và các phòng,
ban chức năng xác nhận việc chuyển nhượng đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp không
đúng đối tượng và các quy định của Luật Đất đai, tuyệt đối không được hợp
thức hoá để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài
sản khác gắn liền với đất đối với các trường hợp chuyển nhượng hoặc chuyển mục
đích sử dụng đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp trái pháp luật.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường có
trách nhiệm:
a) Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh
và UBND các huyện, thị xã, thành phố lập kế hoạch tổ chức rà soát, kiểm tra
hiện trạng sử dụng đất của các tổ chức, đơn vị kinh tế được Nhà nước giao đất,
cho thuê đất, phát hiện các vi phạm, phân loại và đề xuất biện pháp xử lý các
trường hợp để hoang hoá, sử dụng không có hiệu quả, sai mục đích, không thực
hiện nghĩa vụ của người sử dụng đất, báo cáo UBND tỉnh xem xét, xử lý.
b) Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý và sử
dụng đất nói chung, đặc biệt là việc chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất
nông nghiệp, đất lâm nghiệp trái pháp luật; phối hợp với UBND các huyện, thị xã,
thành phố và các ngành chức năng đưa ra xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật
điển hình trong việc quản lý và sử dụng đất.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm
xử lý hoặc báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xử lý những vi phạm pháp luật về đất
đai xảy ra trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Xây dựng có trách nhiệm:
a) Rà soát, kiểm tra năng lực hoạt động của các đơn
vị tư vấn xây dựng, các đơn vị hành nghề xây dựng.
b) Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc xây dựng theo
phân cấp, cương quyết xử lý các trường hợp vi phạm.
Giám đốc Sở Xây dựng chịu trách nhiệm xử lý hoặc báo
cáo, đề xuất UBND tỉnh xử lý những vi phạm pháp luật về quản lý quy hoạch,
trật tự xây dựng xảy ra trên địa bàn tỉnh .
4. Sở Tài chính có trách nhiệm:
Cân đối ngân sách, tham mưu UBND tỉnh phân bổ kinh
phí phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra theo nội dung yêu cầu của Chỉ thị
này.
5. Đề nghị các Huyện uỷ, Thị uỷ, Thành
ủy chỉ đạo các cấp uỷ Đảng và các cấp chính quyền tăng cường quản lý đất đai,
nhất là đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp.
Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Đoàn
thể tỉnh phối hợp cùng các cấp vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân
dân nâng cao nhận thức và chấp hành nghiêm Pháp luật về đất đai.
6. Hàng quý UBND huyện, thị xã, thành
phố; các sở, ban ngành báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị về UBND tỉnh thông qua
Sở Tài nguyên và Môi trường.
7. Đài Phát thanh Truyền hình, Báo Gia
Lai thường xuyên phổ biến các quy định Pháp luật có liên quan trên phương tiện
thông tin đại chúng, đồng thời đưa tin, bài tuyên truyền vận động nhân dân thực
hiện đúng các quy định của Nhà nước về quản lý đất đai, quản lý quy hoạch, quản
lý trật tự xây dựng đô thị.
Công tác quản lý Nhà nước về đất đai trong tình hình
hiện nay là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách của toàn tỉnh, nhằm
tiếp tục tăng cường kỷ cương pháp luật trong lĩnh vực quản lý và sử dụng quỹ
đất có hiệu qủa. UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban ngành, Chủ tịch UBND
huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn tập trung tổ chức
thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.
Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
Phạm
Thế Dũng
|