CHỈ THỊ
VỀ TẬP TRUNG CHỈ ĐẠO VÀ TĂNG CƯỜNG
BIỆN PHÁP THỰC HIỆN ĐỂ CƠ BẢN HOÀN THÀNH CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT,
QUYỀN SỞ HỮU NHÀ Ở VÀ TÀI SẢN KHÁC GẮN LIỀN VỚI ĐẤT LẦN ĐẦU TRONG
NĂM 2013 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Trong thời gian qua, công tác cấp Giấy chứng
nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn
liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) trên địa bàn
tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được kết quả khá. Tính đến
30/4/2013, toàn tỉnh đã cấp được 855.592 giấy, với tổng diện tích
228.064,97 ha, đạt 74,1% diện tích đất cần cấp Giấy chứng nhận. Kết quả cấp
Giấy chứng nhận đã góp phần tăng cường công tác quản lý nhà nước
về đất đai, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, thúc
đẩy kinh tế, xã hội phát triển. Tuy nhiên so với yêu cầu và mục tiêu đề
ra, tiến độ cấp Giấy chứng nhận đến nay còn chậm, nhất là đất của các tổ chức,
mới đạt 15,1% diện tích cần cấp; các trường hợp chưa được cấp Giấy chứng nhận
lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân còn nhiều, khoảng trên 84.000 thửa tập trung ở
các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Yên Thế, Hiệp Hòa; tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận đối
với đất nông nghiệp mới đạt khoảng 75% diện tích cần cấp; kết quả cấp Giấy
chứng nhận lần đầu của năm 2013 đến nay mới đạt khoảng 14% kế hoạch.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng
trên là do chính quyền một số địa phương, cơ quan, đơn vị thiếu
quyết tâm, chưa thật sự tập trung chỉ đạo, triển khai và giải
quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác cấp Giấy chứng nhận; sự tham gia, phối
hợp của các cấp, các ngành chưa chặt
chẽ; việc thực hiện các giải pháp theo Chỉ thị số
1474/CT-TTg ngày 24/8/2011 của Thủ trướng Chính phủ chưa
được triển khai đồng bộ, kịp
thời; việc đầu tư kinh phí đo đạc, cấp Giấy
chứng nhận ở các huyện, thành phố vẫn
còn hạn chế; hệ thống Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất chưa
được đầu tư đúng mức; đội ngũ cán bộ địa chính cấp xã còn
hạn chế về năng lực; việc giải quyết thủ tục hành chính có lúc có nơi còn chậm,
còn có biểu hiện cán bộ gây phiền hà cho người sử dụng đất; nhận thức và ý thức
chấp hành pháp luật về đất đai của một bộ phận người sử dụng đất chưa cao.
Để đẩy nhanh
tiến độ cấp Giấy chứng nhận lần đầu cơ bản hoàn thành trong năm 2013 theo Nghị
quyết số 30/2012/QH13 ngày 13/7/2012 của Quốc hội khoá XIII; Chỉ thị số
05/CT-TTg ngày 04/4/2013 của Thủ trướng Chính phủ; Kế hoạch số 06/KH-UBND ngày
25/01/2013 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2013
của Chính phủ và Nghị quyết của HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:
1. UBND các huyện, thành phố:
- Xây dựng và khẩn trương triển khai kế hoạch
thực hiện cấp Giấy chứng nhận lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân với mục tiêu đạt
trên 85% diện tích cần cấp Giấy chứng nhận. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố,
UBND cấp xã và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc phải coi đây là nhiệm
vụ trọng tâm, là chỉ tiêu đánh giá người đứng đầu trong năm 2013.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán
triệt để nâng cao nhận thức, xác định rõ quyền, nghĩa vụ của cán bộ và nhân
dân, của người sử dụng đất về công tác đăng ký, cấp Giấy chứng nhận;
- Chỉ đạo UBND cấp xã tiếp tục và thực hiện
nghiêm túc việc rà soát, thống kê số lượng thửa đất tồn đọng cần cấp Giấy chứng
nhận theo từng loại đất, đối tượng, nguồn gốc sử dụng đất xong trước ngày
20/6/2013 từ đó đề ra các giải pháp chỉ đạo cho phù hợp.
- Thực hiện
ngay việc cấp Giấy chứng nhận đối với các trường hợp đủ điều kiện; tập trung
chỉ đạo thực hiện Quyết định số 191/2012/QĐ-UBND ngày 27/6/2012 của UBND tỉnh.
Các trường hợp vượt quá thẩm quyền thì tổng hợp, báo cáo, đề xuất giải pháp xử
lý gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để tham mưu UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo.
Thực hiện việc ghi nợ tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ khi cấp Giấy chứng
nhận lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân có nguyện vọng ghi nợ theo quy định
tại Điều 2 Nghị định 120/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 của Chính phủ. Ngân sách
nhà nước đảm bảo hoạt động cho cơ quan Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp
huyện.
- Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ
sung hoặc bãi bỏ các quy định không đúng pháp luật hiện hành. Việc đăng ký, xét duyệt hồ sơ cấp Giấy chứng nhận, thực hiện
nghĩa vụ tài chính, trao Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân thực hiện tại
trụ sở UBND cấp xã. UBND cấp xã có trách nhiệm công khai các thủ tục, quy định,
thành phần hồ sơ, thời gian thực hiện, thời gian trao Giấy chứng nhận cụ thể
trong tháng, để tạo điều kiện cho người sử dụng đất biết và thực hiện.
- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chủ động phát
hiện và xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Xử
lý nghiêm những cán bộ, công chức có biểu hiện tiêu cực, gây phiền hà trong quá
trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đăng ký, cấp Giấy chứng nhận.
- Định kỳ hàng tháng báo cáo kết quả cấp Giấy
chứng nhận gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh
tại phiên họp giao ban của Chủ tịch UBND tỉnh với Chủ tịch UBND các huyện,
thành phố.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Chỉ đạo, đôn đốc UBND các huyện, thành phố tổ
chức thực hiện đồng bộ các giải pháp, đáp ứng yêu cầu theo Chỉ
thị số 1474/CT-TTg ngày 24/8/2011, Chỉ thị số 05/CT-TTg
ngày 04/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh.
Tiếp nhận, tổng hợp và kịp thời đề xuất giải quyết các vướng mắc trong cấp Giấy
chứng nhận; những trường hợp vượt quá thẩm quyền chủ động phối hợp với các
ngành tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết. Tập huấn nâng cao trình độ chuyên
môn, nghiệp vụ cho cán bộ địa chính, cán bộ Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất
các cấp.
- Đẩy nhanh tiến độ đo đạc bản đồ, lập hồ sơ địa
chính và cơ sở dữ liệu đất đai theo dự án tổng thế đã được UBND tỉnh phê duyệt,
gắn kết quả đo đạc với cấp Giấy chứng nhận; xây dựng kế hoạch đo đạc bản đồ, lập hồ sơ địa chính trên địa bàn tỉnh cho
giai đoạn tiếp theo báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước khi triển khai thực hiện.
- Đề ra các giải pháp, biện pháp
kỹ thuật phù hợp để đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận
đối với các tổ chức sử dụng đất có
diện tích lớn (Công ty lâm nghiệp; Ban quản lý rừng; các
đơn vị quân đội...). Trước mắt lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận cho phần diện tích không vướng mắc, đủ điều kiện.
- Tập trung cấp Giấy chứng nhận cho các tổ chức
(trụ sở UBND cấp xã, trạm y tế, trường học) trên địa bàn tỉnh.
- Định kỳ hàng tháng tổng
hợp kết quả cấp Giấy chứng nhận báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh tại phiên họp giao
ban của Chủ tịch UBND tỉnh với Chủ tịch UBND các huyện, thành phố
3. Sở Tài chính
- Tổng hợp, đề xuất Chủ tịch UBND
tỉnh bổ sung kinh phí từ ngân sách nhà nước để thực hiện công tác cấp Giấy
chứng nhận theo mục tiêu, kế hoạch.
- Hướng dẫn thực hiện cơ chế chính
sách tài chính liên quan công tác cấp Giấy chứng nhận cho các Công ty lâm
nghiệp, Ban quản lý rừng phòng hộ theo hướng ngân sách tỉnh hỗ trợ phí đo đạc
bản đồ địa chính.
-
Nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh trình Thường trực HĐND tỉnh cho miễn lệ phí
trước bạ khi cấp Giấy chứng nhận đối với hộ nghèo và giảm 50% cho hộ cận nghèo.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tham mưu UBND tỉnh cân đối bố trí kinh phí từ ngân
sách địa phương để đầu tư cho công tác đo đạc, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai
và đăng ký biến động, chỉnh lý hồ sơ địa chính theo quy định hiện hành.
5. Sở Tư pháp: Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi
trường, UBND các huyện, thành phố thực hiện việc rà soát các quy định về đăng ký cấp Giấy chứng nhận của địa phương để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực
tế, quy định của pháp luật.
6. Cục Thuế Bắc Giang: Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài
chính, Kho bạc Nhà nước hướng dẫn các
huyện, thành phố việc luân chuyển hồ sơ của người sử dụng đất để thực hiện
nghĩa vụ tài chính cho phù hợp với thực tế, đảm bảo yêu cầu công khai thông tin
với người nộp thuế. Chỉ đạo các Chi cục thuế phối hợp với
UBND cấp xã để tổ chức thu các khoản tiền liên quan của người sử dụng đất khi
được cấp Giấy chứng nhận ngay tại xã.
7. Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn: Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm phối hợp chặt chẽ với
UBND cấp huyện, UBND cấp xã thực hiện
đề án giao đất, giao rừng và hoàn thiện hồ sơ để cấp Giấy chứng nhận cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân theo đề án đã
duyệt.
8. Các Sở, ngành, cơ quan, địa phương liên quan: Tập trung rà soát các đơn vị trực thuộc chưa được cấp
Giấy chứng nhận; Chỉ đạo, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các tổ
chức, đơn vị sự nghiệp trực thuộc phải thiết lập hồ sơ để cấp Giấy chứng nhận
xong trong năm 2013.
9. Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh
và Truyền hình tỉnh: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp
luật về đất đai để người dân nhận thức được quyền lợi và trách nhiệm trong việc
đăng ký đất đai, tự giác làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận, thủ tục đăng ký biến
động đất đai theo quy định của pháp luật hiện hành. Phản ánh đầy đủ, kịp thời
tình hình cấp Giấy chứng nhận trên địa bàn tỉnh.
Yêu cầu Giám đốc Sở, Thủ trưởng
các cơ quan thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tổ chức thực
hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp
với các cơ quan liên quan kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, báo cáo kết quả thực
hiện với Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định./.