BỘ Y TẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 36/2021/TT-BYT
|
Hà Nội, ngày 31
tháng 12 năm 2021
|
THÔNG TƯ
QUY
ĐỊNH KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH VÀ THANH TOÁN CHI PHÍ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH BẢO HIỂM Y
TẾ LIÊN QUAN ĐẾN KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH LAO
Căn cứ Luật Bảo hiểm
y tế ngày 14 tháng 11 năm 2008 đã được sửa đổi,
bổ sung một số điều theo Luật Bảo hiểm y tế ngày 13 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng
10 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một
số điều của Luật Bảo hiểm y tế;
Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng
6 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Y tế;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế,
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định
khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế
liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh lao.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về:
1. Khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán chi phí khám
bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh lao.
2. Mua sắm tập trung cấp quốc gia thuốc chống lao sử
dụng nguồn kinh phí theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35 của
Luật Bảo hiểm y tế (sau đây gọi tắt là thuốc chống lao sử dụng nguồn Quỹ bảo
hiểm y tế).
Điều 2. Nguyên tắc chung
1. Người tham gia bảo hiểm y tế nghi mắc bệnh lao,
mắc bệnh lao, mắc bệnh lao kháng thuốc, lao tiềm ẩn và người sử dụng các dịch vụ
y tế liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh lao:
a) Được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh,
chữa bệnh theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế và quy định tại Thông tư
này;
b) Khi sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến chẩn
đoán, điều trị lao được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả các chi phí khám bệnh, chữa bệnh
theo Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao của Bộ Y tế;
c) Được chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm
y tế theo các quy định về chuyển tuyến và quy định tại Thông tư này.
2. Việc quy định mua sắm tập trung cấp quốc gia thuốc
chống lao sử dụng nguồn Quỹ bảo hiểm y tế thực hiện theo quy định tại Thông tư
này. Các nội dung chưa quy định tại Thông tư này thì thực hiện theo quy định về
đấu thầu mua sắm thuốc tại Thông tư số 15/2019/TT-BYT ngày 11 tháng 7 năm 2019
của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập
(sau đây gọi tắt là Thông tư số 15/2019/TT-BYT).
Chương II
KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH VÀ
THANH TOÁN CHI PHÍ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH BẢO HIỂM Y TẾ LIÊN QUAN ĐẾN KHÁM BỆNH,
CHỮA BỆNH LAO
Điều 3. Phân tuyến cơ sở khám bệnh,
chữa bệnh thực hiện khám bệnh, chữa bệnh lao đối với người tham gia bảo hiểm y
tế
1. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã và tương
đương (sau đây gọi tắt là tuyến xã) thực hiện khám bệnh, chữa bệnh lao đối với
người tham gia bảo hiểm y tế theo quy định tại Điều 3 Thông tư số
40/2015/TT-BYT ngày 16 tháng 11 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định
đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh,
chữa bệnh bảo hiểm y tế (sau đây gọi tắt là Thông tư số 40/2015/TT-BYT).
2. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện và
tương đương (sau đây gọi tắt là tuyến huyện) thực hiện khám bệnh, chữa bệnh lao
đối với người tham gia bảo hiểm y tế, bao gồm:
a) Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện theo
quy định tại Điều 4 Thông tư số 40/2015/TT-BYT;
b) Trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố
thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương có đơn vị được cấp
giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và có đủ điều kiện cung cấp các dịch vụ
khám bệnh, chữa bệnh lao theo quy định;
c) Bệnh viện tư nhân xếp hạng tương đương hạng III,
tương đương hạng IV hoặc chưa được xếp hạng tương đương.
3. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh và
tương đương (sau đây gọi tắt là tuyến tỉnh) thực hiện khám bệnh, chữa bệnh lao
đối với người tham gia bảo hiểm y tế, bao gồm:
a) Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
tuyến tỉnh và tương đương theo quy định tại Điều 5 Thông tư
số 40/2015/TT-BYT;
b) Bệnh viện Lao và bệnh phổi; Bệnh viện Phổi; Bệnh
viện có chuyên khoa lao và bệnh phổi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
c) Bệnh viện tư nhân được xếp hạng tương đương hạng
I, tương đương hạng II có chuyên khoa lao, phổi;
d) Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác được cơ quan
nhà nước có thẩm quyền giao nhiệm vụ đầu mối chỉ đạo công tác phòng, chống lao
tuyến tỉnh.
4. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trung ương
và tương đương (sau đây gọi tắt là tuyến trung ương) thực hiện khám bệnh, chữa
bệnh lao đối với người tham gia bảo hiểm y tế, bao gồm:
a) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 40/2015/TT-BYT;
b) Các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ
Y tế.
Điều 4. Chuyển tuyến trong khám
bệnh, chữa bệnh lao đối với người tham gia bảo hiểm y tế
1. Việc chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh lao đối với
người tham gia bảo hiểm y tế được thực hiện theo quy định tại Thông tư số
40/2015/TT-BYT và một trong các trường hợp cụ thể quy định tại các khoản 2, 3,
4 và 5 Điều này.
2. Người tham gia bảo hiểm y tế bị nghi mắc bệnh
lao, mắc bệnh lao, mắc bệnh lao kháng thuốc, lao tiềm ẩn được xác định là đúng
tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế khi thuộc các trường hợp quy định tại Điều 6 Thông tư số 30/2020/TT-BYT ngày 31 tháng 12 năm 2020 của
Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều
của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ quy định
chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
3. Người nghi mắc bệnh lao, mắc bệnh lao và lao tiềm
ẩn được xác định là đúng tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong các trường
hợp sau đây:
a) Thực hiện đúng quy định tại các khoản 1 và 2 Điều
này;
b) Đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại tuyến
xã được chuyển lên tuyến tỉnh và ngược lại.
4. Người mắc bệnh lao kháng thuốc được xác định là
đúng tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong các trường hợp sau đây:
a) Thực hiện đúng quy định tại các khoản 1 và 2 Điều
này;
b) Đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại tuyến
xã được chuyển lên tuyến tỉnh và ngược lại;
c) Đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại tuyến
huyện được chuyển lên tuyến trung ương và ngược lại.
5. Trường hợp người tham gia bảo hiểm y tế chưa biết
mình bị mắc bệnh lao mà lần đầu đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và được chẩn đoán
xác định mắc bệnh lao, sau đó người bệnh được chuyển tuyến theo quy định tại
các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này.
Điều 5. Thanh toán chi phí khám
bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với người nghi mắc bệnh lao, mắc bệnh lao, mắc
bệnh lao kháng thuốc, lao tiềm ẩn và người sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến
khám bệnh, chữa bệnh lao
1. Việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo
hiểm y tế đối với người nghi mắc bệnh lao, mắc bệnh lao, mắc bệnh lao kháng thuốc,
lao tiềm ẩn, người sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh
lao thực hiện theo quy định pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh và bảo hiểm y tế.
Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh
nêu trên khi được chỉ định bởi:
a) Người có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh
có phạm vi hoạt động chuyên môn là khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa lao hoặc phổi;
b) Người có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh
không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này thì phải được tập huấn điều
trị bệnh lao theo Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao của Bộ Y tế;
c) Người thực hiện việc kê đơn thuốc trong các trường
hợp quy định tại Điều 6 Thông tư này.
2. Người nghi mắc bệnh lao, mắc bệnh lao, mắc bệnh
lao kháng thuốc, lao tiềm ẩn sau khi được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên
chuyển về tuyến y tế cơ sở để tiếp tục theo dõi, điều trị duy trì thì cơ sở
khám bệnh, chữa bệnh tuyến y tế cơ sở có trách nhiệm lập hồ sơ theo dõi, quản
lý, tham gia điều trị theo quy định. Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán đối với chi
phí của thuốc điều trị lao và vật tư y tế đi kèm để sử dụng thuốc đó theo quy định;
không thanh toán tiền khám bệnh trong mỗi lần cấp, phát thuốc điều trị lao cho
người bệnh đó.
Điều 6. Hướng dẫn cấp thuốc chống
lao sử dụng nguồn Quỹ bảo hiểm y tế đối với người tham gia bảo hiểm y tế điều
trị nội trú
Trường hợp người bệnh đang điều trị ngoại trú bằng
thuốc chống lao mà phải vào điều trị nội trú các bệnh liên quan đến lao hoặc
các bệnh không liên quan đến lao, trong quá trình điều trị nội trú hết thuốc hoặc
không sẵn có thuốc chống lao thì được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán trong một số
trường hợp sau đây:
1. Trường hợp khoa điều trị nội trú cùng cơ sở khám
bệnh, chữa bệnh nơi người bệnh đang điều trị ngoại trú lao:
a) Người bệnh có thể tiếp tục nhận thuốc tại nơi điều
trị ngoại trú lao hoặc được nhận thuốc tại khoa điều trị nội trú nếu bác sỹ
khoa điều trị nội trú đủ điều kiện kê đơn thuốc chống lao theo quy định tại các
điểm a và b khoản 1 Điều 5 Thông tư này;
b) Trường hợp bác sỹ khoa điều trị nội trú không đủ
điều kiện kê đơn thuốc chống lao thì phải hội chẩn, thống nhất với bác sĩ nơi
điều trị ngoại trú để kê đơn thuốc chống lao cho người bệnh.
Thuốc chống lao sử dụng cho người bệnh quy định tại
các điểm a và b khoản này phải được ghi chép trong bệnh án, sổ khám bệnh và
phát cùng với thuốc điều trị nội trú.
2. Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi người
bệnh điều trị nội trú khác với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi người bệnh đang
điều trị ngoại trú lao:
a) Nếu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi người bệnh
đang điều trị nội trú là cơ sở điều trị có thuốc chống lao thì người bệnh được
nhận để sử dụng thuốc chống lao tại cơ sở này. Người bệnh cần xuất trình sổ
khám bệnh có ghi cụ thể phác đồ điều trị, số lượng thuốc chống lao đã cấp để
làm cơ sở cho việc cấp thuốc tiếp theo. Bác sĩ khoa điều trị nội trú thực hiện
kê đơn thuốc chống lao nếu đủ điều kiện kê đơn theo quy định tại các điểm a và b khoản 1 Điều 5 Thông tư này.
Trường hợp bác sĩ khoa điều trị nội trú không đủ điều
kiện kê đơn thuốc chống lao theo quy định tại các điểm a và b
khoản 1 Điều 5 Thông tư này thì kê đơn thuốc chống lao theo đúng phác đồ
người bệnh đang sử dụng đã được ghi trong sổ khám bệnh của người bệnh. Thuốc chống
lao được ghi chép trong bệnh án, sổ khám bệnh và phát cùng với thuốc điều trị nội
trú.
b) Nếu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
nơi người bệnh đang điều trị nội trú không phải là cơ sở điều trị thuốc chống
lao thì người đại diện của người bệnh thực hiện việc lĩnh thuốc chống lao tại
cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi đang cấp thuốc chống lao cho người bệnh để bảo đảm
việc điều trị lao được đầy đủ, liên tục, kịp thời. Khi nhận thuốc người đại diện
của người bệnh phải xuất trình giấy tờ tùy thân còn thời hạn (Chứng minh nhân
dân hoặc thẻ căn cước hoặc hộ chiếu), Giấy xác nhận điều trị nội trú theo mẫu
quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
Chương III
MUA SẮM TẬP TRUNG CẤP QUỐC
GIA THUỐC CHỐNG LAO SỬ DỤNG NGUỒN QUỸ BẢO HIỂM Y TẾ
Điều 7. Trách nhiệm xây dựng kế
hoạch và tổ chức lựa chọn nhà thầu
1. Đơn vị được Bộ trưởng Bộ Y tế giao nhiệm vụ tổ
chức mua sắm tập trung cấp quốc gia thuốc chống lao sử dụng nguồn Quỹ bảo hiểm
y tế có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với các
thuốc chống lao sử dụng nguồn Quỹ bảo hiểm y tế theo quy định tại Thông tư số 15/2019/TT-BYT
và quy định tại Thông tư này.
2. Đơn vị được Bộ trưởng Bộ Y tế giao nhiệm vụ đầu
mối chịu trách nhiệm chỉ đạo công tác phòng, chống lao và bệnh phổi trong phạm
vi toàn quốc (sau đây gọi tắt là Đơn vị đầu mối cấp quốc gia) có trách nhiệm
ban hành văn bản hướng dẫn lập kế hoạch nhu cầu thuốc chống lao sử dụng nguồn
Quỹ bảo hiểm y tế chi trả để gửi Đơn vị được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
hoặc Giám đốc Sở Y tế giao nhiệm vụ đầu mối chỉ đạo công tác phòng, chống lao
và bệnh phổi trên địa bàn tỉnh (sau đây gọi tắt là Đơn vị đầu mối cấp tỉnh) để
hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thực hiện.
3. Đơn vị đầu mối cấp tỉnh có trách nhiệm rà soát,
tổng hợp nhu cầu thuốc chống lao sử dụng nguồn Quỹ bảo hiểm y tế của tất cả các
cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh và báo cáo Sở Y tế để thẩm định
trước khi gửi đề xuất nhu cầu về Đơn vị đầu mối cấp quốc gia.
Điều 8. Căn cứ lập kế hoạch nhu
cầu thuốc chống lao sử dụng nguồn Quỹ bảo hiểm y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
Việc lập kế hoạch nhu cầu thuốc chống lao sử dụng
nguồn Quỹ bảo hiểm y tế chi trả tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh căn cứ vào một
hoặc các thông tin sau đây:
1. Số lượng người nghi mắc bệnh lao, mắc bệnh lao,
mắc bệnh lao kháng thuốc, lao tiềm ẩn ước tính đang điều trị tính đến hết ngày
31 tháng 12 của năm trước liền kề của năm lập kế hoạch và dự kiến số lượng người
mắc bệnh lao trong năm lập kế hoạch.
2. Ước tính số lượng thuốc chống lao còn tồn kho
theo từng phác đồ điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tính đến hết ngày 31
tháng 12 của năm trước liền kề với năm lập kế hoạch. Thuốc chống lao tồn kho tại
các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đến cuối năm được chuyển năm tiếp theo để sử dụng
và được trừ vào kế hoạch mua sắm thuốc của năm tiếp theo. Tình hình mua, sử dụng,
tồn kho thuốc chống lao từ các nguồn kinh phí khác của năm trước liền kề với
năm lập kế hoạch.
3. Phác đồ điều trị lao theo hướng dẫn chẩn đoán,
điều trị và dự phòng bệnh lao hiện hành.
4. Danh mục thuốc chống lao quy định tại Phụ lục 1
ban hành kèm theo Thông tư số 30/2018/TT-BYT ngày 30 tháng 10 năm 2018 của Bộ
trưởng Bộ Y tế ban hành danh mục thuốc hóa dược, sinh phẩm và chất đánh dấu thuộc
phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế và danh mục thuốc thuộc
Danh mục thuốc sử dụng cho Dự án phòng, chống một số bệnh có tính chất nguy hiểm
đối với cộng đồng (bệnh lao) theo quy định tại Mục III Phần C Phụ lục II ban
hành kèm theo Thông tư số 15/2020/TT-BYT ngày 10 tháng 8 năm 2020 của Bộ trưởng
Bộ Y tế về việc ban hành Danh mục thuốc đấu thầu, Danh mục thuốc đấu thầu tập
trung, Danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá.
5. Hướng dẫn lập kế hoạch nhu cầu thuốc chống lao sử
dụng nguồn Quỹ bảo hiểm y tế, định hướng chuyển đổi phác đồ của Đơn vị đầu mối
cấp quốc gia.
Điều 9. Xây dựng, tổng hợp nhu
cầu thuốc chống lao sử dụng nguồn Quỹ bảo hiểm y tế
1. Trước kỳ lập kế hoạch, Đơn vị đầu mối cấp quốc
gia gửi văn bản hướng dẫn lập kế hoạch nhu cầu thuốc chống lao sử dụng nguồn Quỹ
bảo hiểm y tế đến Sở Y tế và Đơn vị đầu mối cấp tỉnh.
2. Căn cứ hướng dẫn lập kế hoạch nhu cầu thuốc chống
lao sử dụng nguồn Quỹ bảo hiểm y tế của Đơn vị đầu mối cấp quốc gia, Đơn vị đầu
mối cấp tỉnh gửi hướng dẫn lập kế hoạch nhu cầu thuốc chống lao sử dụng nguồn
Quỹ bảo hiểm y tế đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đóng trên địa bàn.
3. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xây dựng nhu cầu
về danh mục, số lượng chi tiết đến từng thuốc, từng nhóm và tiến độ cung cấp gửi
về Đơn vị đầu mối cấp tỉnh. Đơn vị đầu mối cấp tỉnh có trách nhiệm rà soát, tổng
hợp nhu cầu của tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn, báo cáo Sở
Y tế thẩm định danh mục, nhóm thuốc, số lượng thuốc và gửi kế hoạch sử dụng thuốc
về Đơn vị đầu mối cấp quốc gia kèm theo các tài liệu yêu cầu trong hướng dẫn
theo quy định tại khoản 1 Điều này.
4. Đơn vị đầu mối cấp quốc gia có trách nhiệm tổ chức
rà soát, tổng hợp nhu cầu thuốc chống lao sử dụng nguồn Quỹ bảo hiểm y tế trên
toàn quốc.
Điều 10. Thực hiện kết quả lựa
chọn nhà thầu cung ứng thuốc chống lao sử dụng nguồn Quỹ bảo hiểm y tế
1. Dự trù thuốc chống lao:
a) Căn cứ hợp đồng đã ký, kế hoạch sử dụng thuốc và
nhu cầu điều trị trong quý, trước ngày 15 của tháng liền kề trước quý dự trù hoặc
trong trường hợp đột xuất theo yêu cầu, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh lập dự trù số
lượng thuốc chống lao cần tiếp nhận, bảo đảm không vượt quá 20% (hai mươi phần
trăm) so với số lượng thuốc được phân bổ trong thỏa thuận khung đã ký để gửi
nhà thầu trúng thầu, đồng thời gửi đơn vị đầu mối cấp tỉnh để theo dõi;
b) Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có nhu cầu
sử dụng thuốc vượt quá 20% (hai mươi phần trăm) so với số lượng thuốc phân bổ
trong thỏa thuận khung hoặc hợp đồng đã ký kết, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực
hiện theo quy định tại Điều 11 Thông tư này.
2. Cung ứng thuốc chống lao:
a) Trong vòng 10 (mười) ngày kể từ khi nhận được dự
trù của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, nhà thầu trúng thầu có trách nhiệm vận chuyển
thuốc chống lao đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo số lượng đã dự trù hoặc
số lượng điều chỉnh (nếu có) trên cơ sở thông tin, nội dung thực hiện quy định
tại khoản 1 Điều này;
b) Trường hợp nhà thầu trúng thầu không cung ứng
thuốc đầy đủ hoặc không đúng thời hạn theo hợp đồng đã ký kết, các cơ sở khám bệnh,
chữa bệnh trên địa bàn báo cáo Đơn vị đầu mối cấp tỉnh để tổng hợp, báo cáo Sở
Y tế và Đơn vị đầu mối cấp quốc gia để giải quyết.
3. Báo cáo tình hình sử dụng thuốc chống lao:
a) Trước ngày 10 tháng đầu tiên của mỗi quý hoặc
trong trường hợp đột xuất, cơ sở y tế lập báo cáo tình hình sử dụng thuốc chống
lao trong quý trước liền kề, kèm theo văn bản thuyết minh nếu có thiếu hoặc thừa
thuốc cần phải điều tiết để gửi cho Đơn vị đầu mối cấp tỉnh;
b) Trước ngày 15 tháng đầu tiên của mỗi quý hoặc
trong trường hợp đột xuất, Đơn vị đầu mối cấp tỉnh báo cáo tình hình sử dụng
thuốc chống lao của quý trước liền kề, bao gồm cả thông tin về việc điều tiết
giữa các cơ sở trên địa bàn tỉnh. Trong trường hợp thiếu thuốc hoặc thừa thuốc
cần phải điều tiết từ tuyến trung ương, Đơn vị đầu mối cấp tỉnh cần có văn bản
thuyết minh gửi Sở Y tế và Đơn vị đầu mối cấp quốc gia;
c) Nhà thầu trúng thầu báo cáo kế hoạch cung ứng
thuốc cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên cơ sở đề nghị của Đơn vị đầu mối
cấp quốc gia, bảo đảm cung ứng đủ số lượng, chất lượng và tiến độ như đúng hợp
đồng đã ký kết.
Điều 11. Điều tiết quá trình
thực hiện thỏa thuận khung đối với thuốc chống lao sử dụng nguồn Quỹ bảo hiểm y
tế
1. Điều tiết thuốc trong phạm vi tỉnh:
a) Đơn vị đầu mối cấp tỉnh thực hiện điều tiết số
lượng thuốc tăng thêm trong phạm vi không vượt quá 20% (hai mươi phần trăm) so
với tổng số lượng thuốc được phân bổ trong thỏa thuận khung cho tất cả các cơ sở
khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn;
b) Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có nhu cầu
sử dụng thuốc tăng thêm vượt quá 20% (hai mươi phần trăm) so với số lượng đã được
phân bổ trong thỏa thuận khung, việc điều tiết thuốc trên địa bàn tỉnh thực hiện
như sau:
- Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn gửi văn bản
đề nghị điều tiết thuốc đến đơn vị đầu mối cấp tỉnh, trong đó nêu rõ số lượng
thuốc cần điều tiết tăng, giảm và thuyết minh lý do;
- Trong thời gian 10 (mười) ngày làm việc kể từ
ngày nhận được văn bản đề nghị điều tiết của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Đơn vị
đầu mối cấp tỉnh có trách nhiệm rà soát số lượng thuốc đã sử dụng, số lượng thuốc
còn tồn kho, số lượng thuốc còn lại trong thỏa thuận khung của các cơ sở khám bệnh,
chữa bệnh trên địa bàn để quyết định việc điều tiết. Đơn vị đầu mối cấp tỉnh có
văn bản điều tiết gửi đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được điều tiết (gồm cả cơ
sở khám bệnh, chữa bệnh nhận thuốc điều tiết và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh điều
tiết thuốc đi), nhà thầu trúng thầu để thực hiện điều tiết và cơ quan Bảo hiểm
xã hội cấp tỉnh để phối hợp thực hiện;
- Trong thời gian 10 (mười) ngày làm việc kể từ
ngày nhận được văn bản của Đơn vị đầu mối cấp tỉnh, nhà thầu trúng thầu thực hiện
điều tiết thuốc theo đúng yêu cầu của Đơn vị đầu mối cấp tỉnh và có trách nhiệm
thực hiện ký phụ lục hợp đồng với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhận thuốc điều tiết
và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh điều tiết thuốc đi.
2. Điều tiết thuốc trên phạm vi toàn quốc:
a) Đơn vị đầu mối cấp quốc gia thực hiện điều tiết
số lượng thuốc tăng thêm trong phạm vi không vượt quá 30% (ba mươi phần trăm) tổng
số lượng thuốc đã được phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu;
b) Trường hợp số lượng thuốc tăng thêm vượt quá 30%
(ba mươi phần trăm) tổng số lượng đã được phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn nhà
thầu, đơn vị được Bộ Y tế giao nhiệm vụ mua sắm tập trung cấp quốc gia thuốc chống
lao sử dụng nguồn Quỹ bảo hiểm y tế tiến hành các thủ tục mua sắm bổ sung theo
quy định của pháp luật về đấu thầu và các quy định tại Thông tư này.
c) Quá trình thực hiện điều tiết thuốc trên phạm vi
toàn quốc:
- Khi vượt quá phạm vi điều tiết thuốc quy định tại
khoản 1 Điều này, Đơn vị đầu mối cấp tỉnh có văn bản đề nghị điều tiết thuốc gửi
cho Đơn vị đầu mối cấp quốc gia;
- Trong thời gian 07 (bảy) ngày làm việc kể từ ngày
nhận được văn bản đề nghị của Đơn vị đầu mối cấp tỉnh, Đơn vị đầu mối cấp quốc
gia có trách nhiệm rà soát số lượng thuốc đã sử dụng, số lượng thuốc còn tồn
kho, số lượng thuốc còn lại trong thỏa thuận khung của các cơ sở khám bệnh, chữa
bệnh trên toàn quốc để quyết định việc điều tiết. Đơn vị đầu mối cấp quốc gia
có văn bản điều tiết gửi đến Đơn vị đầu mối cấp tỉnh, nhà thầu trúng thầu để thực
hiện điều tiết và cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh để phối hợp thực hiện;
- Trong thời gian 10 (mười) ngày làm việc kể từ
ngày nhận được văn bản của Đơn vị đầu mối cấp quốc gia, nhà thầu trúng thầu có
trách nhiệm điều tiết thuốc theo yêu cầu của Đơn vị đầu mối cấp quốc gia.
3. Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có nhu cầu
thuốc chống lao sử dụng nguồn Quỹ bảo hiểm y tế nhưng chưa được tổng hợp nhu cầu
khi xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua thuốc, quy trình điều tiết được thực
hiện như sau:
a) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gửi văn bản đề nghị
điều tiết thuốc gửi về Đơn vị đầu mối cấp tỉnh để tổng hợp và gửi báo cáo Đơn vị
đầu mối cấp quốc gia. Trong vòng 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày nhận được
văn bản của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Đơn vị đầu mối cấp tỉnh phải gửi nhu cầu
của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về Đơn vị đầu mối cấp quốc gia;
b) Trong vòng 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày nhận
được văn bản của đơn vị đầu mối cấp tỉnh, Đơn vị đầu mối cấp quốc gia tổng hợp,
rà soát nhu cầu sử dụng, số lượng thuốc đã mua, số lượng thuốc còn lại trong thỏa
thuận khung của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc để quyết định việc
điều tiết;
c) Trong vòng 07 (bảy) ngày làm việc kể từ ngày ký
kết bổ sung phụ lục thỏa thuận khung, nhà thầu trúng thầu thực hiện việc ký hợp
đồng bổ sung cung ứng thuốc chống lao cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phát
sinh nhu cầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu;
d) Nhà thầu trúng thầu có trách nhiệm gửi các hợp đồng
đã ký với từng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được bổ sung, kèm theo danh sách các
cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mà nhà thầu đã thực hiện ký bổ sung hợp đồng cung ứng
thuốc chống lao đến Đơn vị đầu mối cấp quốc gia, Đơn vị đầu mối cấp tỉnh, Bảo
hiểm xã hội tỉnh. Danh sách bao gồm các thông tin: Mã cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
tên và địa chỉ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ký hợp đồng; số hiệu, ngày ký hợp đồng
bổ sung; thời gian hiệu lực của hợp đồng; giá trị thực hiện hợp đồng bổ sung.
Trong vòng 07 (bảy) ngày làm việc kể từ ngày ký hợp đồng, nhà thầu trúng thầu
có trách nhiệm thực hiện cung ứng thuốc chống lao cho các cơ sở khám bệnh, chữa
bệnh được bổ sung;
e) Trường hợp không điều tiết thì Đơn vị đầu mối cấp
quốc gia gửi văn bản đến Sở Y tế và Đơn vị đầu mối cấp tỉnh để thông tin đến cơ
sở khám bệnh, chữa bệnh biết. Trong văn bản nêu rõ lý do không điều tiết.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 12. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15
tháng 02 năm 2022.
2. Thông tư này thay thế Thông tư số 04/2016/TT-BYT
ngày 26 tháng 02 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định khám bệnh, chữa bệnh
và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế liên quan đến khám bệnh,
chữa bệnh lao.
Điều 13. Điều khoản tham chiếu
Trường hợp các văn bản dẫn chiếu trong Thông tư này
bị thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung thì áp dụng theo văn bản đã được thay thế hoặc
văn bản đã được sửa đổi, bổ sung.
Điều 14. Trách nhiệm thi hành
1. Trách nhiệm của Đơn vị đầu mối cấp quốc gia:
a) Rà soát, tổng hợp nhu cầu thuốc chống lao sử dụng
nguồn Quỹ bảo hiểm y tế;
b) Điều tiết thuốc chống lao sử dụng nguồn Quỹ bảo
hiểm y tế trong phạm vi toàn quốc;
c) Kiểm tra, giám sát định kỳ hoặc đột xuất hệ thống
kho của nhà thầu trúng thầu để bảo đảm chất lượng thuốc, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu
sử dụng của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo hợp đồng đã ký kết;
d) Chỉ đạo, triển khai đào tạo,
đào tạo lại, tập huấn cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc hệ thống phòng,
chống lao để đáp ứng việc khám bệnh, chữa bệnh lao theo quy định của Bộ trưởng
Bộ Y tế và quy định tại Thông tư này.
2. Trách nhiệm của Sở Y tế:
a) Lựa chọn, giao trách nhiệm
hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định giao trách nhiệm cho Đơn vị
đầu mối cấp tỉnh để thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Thông tư này;
b) Thẩm định kế hoạch nhu cầu thuốc chống lao sử dụng
nguồn Quỹ bảo hiểm y tế của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn;
c) Chỉ đạo Đơn vị đầu mối cấp tỉnh triển khai đào tạo,
đào tạo lại, tập huấn cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc quyền quản lý và
trên địa bàn để đáp ứng việc khám bệnh, chữa bệnh lao theo quy định của Bộ trưởng
Bộ Y tế và quy định tại Thông tư này.
3. Trách nhiệm của Đơn vị đầu mối cấp tỉnh:
a) Căn cứ hướng dẫn của Đơn vị đầu mối cấp quốc
gia:
- Hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa
bàn lập kế hoạch nhu cầu thuốc chống lao sử dụng nguồn Quỹ bảo hiểm y tế;
- Rà soát, tổng hợp nhu cầu thuốc chống lao sử dụng
nguồn Quỹ bảo hiểm y tế của tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn;
- Trình Sở Y tế thẩm định kế hoạch nhu cầu thuốc chống
lao sử dụng nguồn Quỹ bảo hiểm y tế của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa
bàn;
b) Điều tiết thuốc chống lao sử dụng nguồn Quỹ bảo
hiểm y tế trong phạm vi tỉnh theo quy định tại khoản 1 Điều 11
Thông tư này;
c) Tổ chức đào tạo, đào tạo lại, tập huấn cho các
cán bộ của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn để đáp ứng nhu cầu khám
bệnh, chữa bệnh lao;
d) Thực hiện kiểm tra, giám sát định kỳ hoặc đột xuất
việc thực hiện các quy định tại Thông tư này và các quy định khác liên quan đến
quản lý, sử dụng, thuốc lao tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn
(bao gồm tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến xã).
4. Trách nhiệm Bảo hiểm xã hội Việt Nam:
a) Hướng dẫn Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương tổ chức thực hiện các quy định tại Thông tư này;
b) Tham gia vào quá trình đấu thầu, mua sắm thuốc
chống lao sử dụng nguồn Quỹ bảo hiểm y tế theo đúng quy định của pháp luật về đấu
thầu, Thông tư số 15/2019/TT-BYT , Thông tư số 15/2020/TT-BYT và các quy định tại
Thông tư này;
c) Tiếp nhận, quản lý và phản hồi dữ liệu điện tử kịp
thời, đầy đủ cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định hiện hành;
d) Chia sẻ các thông tin liên quan về:
- Dữ liệu sử dụng và thanh quyết toán chi phí thuốc
chống lao sử dụng nguồn Quỹ bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh cho đơn vị đầu mối
cấp tỉnh để thực hiện quản lý, theo dõi, tổng hợp nhu cầu và điều tiết thuốc
thuộc địa bàn quản lý;
- Dữ liệu sử dụng và thanh quyết toán chi phí thuốc
chống lao sử dụng nguồn Quỹ bảo hiểm y tế trên phạm vi toàn quốc cho Đơn vị đầu
mối cấp quốc gia để thực hiện quản lý, theo dõi, tổng hợp nhu cầu và điều tiết
thuốc thuộc nhiệm vụ được giao.
5. Trách nhiệm của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:
a) Nghiên cứu, tổ chức thực hiện việc khám bệnh, chữa
bệnh, phòng, chống lao theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh, bảo
hiểm y tế và các quy định tại Thông tư này;
b) Lập hồ sơ theo dõi, quản lý, tham gia điều trị đối
với người nghi mắc bệnh lao, mắc bệnh lao, mắc bệnh lao kháng thuốc, lao tiềm ẩn
sau khi được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên chuyển về;
c) Lập kế hoạch nhu cầu sử dụng thuốc chống lao sử
dụng nguồn Quỹ bảo hiểm y tế tại cơ sở và gửi Đơn vị đầu mối cấp tỉnh;
d) Định kỳ hằng tháng, hằng quý, tổng hợp, báo cáo
chi phí thuốc chống lao sử dụng nguồn Quỹ bảo hiểm y tế gửi về Đơn vị đầu mối cấp
tỉnh;
đ) Tuân thủ thực hiện các quy định về trích chuyển
dữ liệu điện tử phục vụ công tác quản lý và giám định, thanh toán chi phí khám
bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
6. Trách nhiệm của nhà thầu trúng thầu:
a) Bảo đảm cung ứng thuốc chống lao đầy đủ, kịp thời,
đúng tiến độ theo thỏa thuận khung và hợp đồng đã ký với các cơ sở khám bệnh,
chữa bệnh;
b) Thực hiện việc điều tiết thuốc chống lao kịp thời
theo các quy định tại Thông tư này;
c) Định kỳ hằng quý, báo cáo kết quả cung ứng thuốc
chống lao của quý trước liền kề và kế hoạch cung ứng thuốc của quý tiếp theo
cho Đơn vị đầu mối cấp quốc gia về việc thực hiện hợp đồng với các cơ sở khám bệnh,
chữa bệnh.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn,
vướng mắc đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Y tế (Vụ Bảo hiểm
y tế) để xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
- Ủy ban Xã hội của Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ (Vụ Khoa giáo - Văn xã, Công báo, Cổng thông tin điện tử
Chính phủ);
- Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra VBQPPL);
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để phối hợp);
- Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
- UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Y tế các Bộ, ngành;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ;
- Các Vụ, Cục, Tổng cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ;
- Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế;
- Lưu: VT, PC, BH (05 bản).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trần Văn Thuấn
|
PHỤ LỤC
MẪU GIẤY XÁC NHẬN ĐIỀU TRỊ NỘI TRÚ
(Ban hành kèm theo Thông tư số /2021/TT-BYT
ngày tháng năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế)
CƠ QUAN CHỦ QUẢN...
CƠ SỞ ĐIỀU TRỊ....
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
GIẤY XÁC NHẬN ĐIỀU
TRỊ NỘI TRÚ
Họ và tên người bệnh ……………………………………………………………………………
Giới tính ……………………………………………………………………………………………
Ngày, tháng, năm sinh ……………………………………………………………………………
Số thẻ BHYT ………………………………………………………………………………………
Chẩn đoán bệnh ………………………………………………………………………………….
Đang điều trị nội trú tại Khoa:
……………………………………………………………………
|
……, ngày …… tháng
…… năm ...
Xác nhận của cơ sở điều trị
(Ký tên, đóng dấu)
|