Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 27/2001/TT-BTC thực hiện chế độ tài chính Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam

Số hiệu: 27/2001/TT-BTC Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Tài chính Người ký: Lê Thị Băng Tâm
Ngày ban hành: 27/04/2001 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 27/2001/TT-BTC

Hà Nội, ngày 27 tháng 4 năm 2001

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 27/2001/TT-BTC NGÀY 27 THÁNG 4 NĂM 2001 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI BẢO HIỂM TIỀN GỬI VIỆT NAM

Thi hành Quyết định số 145/2000/QĐ-TTg ngày 19/12/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý tài chính đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về chế độ quản lý tài chính đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là tổ chức tài chính Nhà nước, có vốn điều lệ, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo đảm an toàn vốn và tự bù đắp chi phí, được miễn nộp thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động bảo hiểm tiền gửi, được miễn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và thu sử dụng vốn.

2. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là đơn vị hạch toán tập trung toàn hệ thống, thực hiện thu, chi và quyết toán thu chi tài chính theo quy định tại Quy chế quản lý tài chính ban hành kèm theo Quyết định số 145/2000/QĐ-TTg ngày 19/12/2000 của Thủ tướng Chính phủ, các nội dung hướng dẫn tại Thông tư này và các văn bản qui phạm pháp luật về quản lý tài chính khác có liên quan.

3. Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quản lý an toàn vốn và tài sản, về sử dụng vốn, về chấp hành chế độ tài chính, kế toán và kiểm toán theo quy định của pháp luật.

4. Bộ Tài chính thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tài chính, hướng dẫn thực hiện và kiểm tra hoạt động thu, chi tài chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

II. QUẢN LÝ VỐN VÀ TÀI SẢN

1. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thực hiện quản lý vốn và tài sản theo quy định tại Chương II Quy chế quản lý tài chính đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 145/2000/QĐ-TTg ngày 19/12/2000 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có trách nhiệm theo dõi toàn bộ vốn và tài sản hiện có, thực hiện hạch toán theo đúng chế độ kế toán, thống kê hiện hành; phản ánh đầy đủ, chính xác, kịp thời tình hình biến động của vốn và tài sản trong quá trình hoạt động, quy định rõ trách nhiệm của từng bộ phận, cá nhân đối với các trường hợp làm hư hỏng, mất mát tài sản.

3. Quỹ dự phòng nghiệp vụ hình thành từ nguồn thu phí bảo hiểm tiền gửi được dùng để chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền theo quy định của pháp luật.

Số phí thu được từ các tổ chức tham gia bảo hiểm trong 3 năm đầu, từ năm 2001 đến hết năm 2003 được phân chia như sau: 88% số phí thu được hạch toán vào quỹ dự phòng nghiệp vụ, 12% số phí còn lại hạch toán vào thu nhập của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

Khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi mất khả năng thanh toán và có quyết định chấm dứt hoạt động của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được sử dụng quỹ dự phòng nghiệp vụ để chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền theo quy định.

Trường hợp quỹ dự phòng nghiệp vụ không đủ để chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam báo cáo tình hình và đề xuất phương án xử lý với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước. Trên cơ sở đề xuất, kiến nghị của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phương án xử lý.

4. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được sử dụng vốn để phục vụ hoạt động theo quy định của pháp luật, phải đảm bảo nguyên tắc an toàn và phát triển vốn. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được mua sắm, đầu tư vào tài sản cố định của mình theo nguyên tắc giá trị còn lại của tài sản cố định không vượt quá 15% vốn điều lệ.

Việc đầu tư và mua sắm tài sản cố định hàng năm phải tuân thủ các quy định của Nhà nước và trong phạm vi kế hoạch năm đã được duyệt.

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng vốn để mua sắm, đầu tư vào tài sản cố định.

5. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được sử dụng vốn tạm thời nhàn rỗi để đầu tư:

- Gửi tại Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước hoặc các tổ chức tín dụng Nhà nước.

- Mua trái phiếu Chính phủ, trái phiếu, tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước hoặc các tổ chức tín dụng Nhà nước phát hành.

Hình thức đầu tư, mức đầu tư vốn nhàn rỗi theo phương án phê chuẩn của Hội đồng quản trị.

6. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thực hiện việc kiểm kê, đánh giá lại tài sản, trích khấu hao tài sản cố định, xử lý tổn thất, thanh lý nhượng bán tài sản theo quy định tại Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10 Quy chế quản lý tài chính đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 145/2000/QĐ-TTg ngày 19/12/2000 của Thủ tướng Chính phủ.

III. THU NHẬP, CHI PHÍ

1. Các khoản thu nhập của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là các khoản thực thu trong năm, bao gồm:

1.1. Thu hoạt động nghiệp vụ bảo hiểm tiền gửi

- Trong 3 năm đầu từ năm 2001 đến hết năm 2003, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được hạch toán vào thu nhập 12% tổng số phí thu được hàng năm của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.

- Thu lãi từ các khoản cho vay hỗ trợ để chi trả tiền gửi được bảo hiểm.

- Thu phí bảo lãnh cho các khoản vay đặc biệt để có nguồn chi trả tiền gửi được bảo hiểm.

- Thu lãi từ mua lại nợ.

- Thu tiền phạt do vi phạm thời hạn nộp phí theo quy định.

1.2. Thu hoạt động tài chính

- Thu lãi đầu tư vào các giấy tờ có giá.

- Thu lãi tiền gửi.

1.3. Thu hoạt động khác

- Thu thanh lý, nhượng bán tài sản: là toàn bộ số tiền thu được do thanh lý, nhượng bán tài sản (không bao gồm khoản thu từ thanh lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi).

- Thu phí dịch vụ tư vấn, đào tạo cán bộ cho tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.

1.4. Các khoản thu khác

Các khoản thu của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phát sinh trong kỳ phải có hoá đơn hoặc chứng từ hợp lệ và phải được hạch toán đầy đủ vào thu nhập.

2. Chi phí của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là các khoản thực chi cần thiết cho hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, có hoá đơn hoặc chứng từ hợp lệ. Mức chi, đối tượng chi được thực hiện theo qui định của pháp luật. Trường hợp pháp luật chưa có quy định, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam xây dựng định mức, quyết định việc chi tiêu và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Các khoản chi phí phải nằm trong kế hoạch tài chính năm của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, bao gồm:

2.1. Chi hoạt động bảo hiểm tiền gửi

- Chi trả lãi tiền vay.

- Chi phí dịch vụ thanh toán, uỷ thác.

- Chi khác cho hoạt động nghiệp vụ: chi phí cho hoạt động mua bán nợ, hoạt động đầu tư, chi phí cho việc thu hồi các khoản nợ khó đòi và các khoản chi khác cho hoạt động nghiệp vụ.

2.2. Chi cho người lao động, gồm những khoản chi sau:

- Chi phí tiền lương, tiền công và các khoản chi mang tính chất tiền lương phải trả cho người lao động.

- Chi phụ cấp cho thành viên Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát làm việc bán chuyên trách.

- Chi ăn ca do Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam quy định nhưng mức chi hàng tháng cho mỗi cán bộ, nhân viên không vượt quá mức lương tối thiểu Nhà nước quy định đối với công chức Nhà nước.

- Chi cho lao động nữ.

- Chi bảo hộ lao động đối với những đối tượng cần trang bị bảo hộ lao động trong khi làm việc.

- Chi trang phục giao dịch cho cán bộ, nhân viên làm việc tại Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

- Chi trợ cấp thôi việc cho người lao động.

- Chi trợ cấp khó khăn.

2.3. Chi phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và kinh phí công đoàn.

2.4. Chi phí cho hoạt động của tổ chức Đảng, đoàn thể tại Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được lấy từ nguồn kinh phí của tổ chức này, nếu nguồn kinh phí của tổ chức trên không đủ thì phần chênh lệch thiếu được hạch toán vào chi phí của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

2.5. Chi hoạt động quản lý và công vụ

Các khoản chi cho hoạt động quản lý và công vụ bao gồm:

a- Chi vật tư văn phòng: vật liệu, giấy tờ in, văn phòng phẩm, phòng cháy chữa cháy.

b- Chi về cước phí bưu điện và truyền tin: là các khoản chi về bưu phí, truyền tin, điện thoại, điện báo, thuê kênh truyền tin, telex, fax trả theo hoá đơn của cơ quan bưu điện.

Việc trang bị điện thoại tại nhà riêng được áp dụng theo quy định hiện hành của Nhà nước như đối với đơn vị hành chính sự nghiệp.

c- Chi điện, nước, y tế, vệ sinh cơ quan, bảo vệ môi trường.

d- Chi xăng dầu: Chi xăng dầu vận chuyển phục vụ cán bộ đi công tác và cán bộ lãnh đạo đi làm việc.

e- Chi công tác phí cho cán bộ đi công tác trong và ngoài nước: thực hiện theo quy định đối với cán bộ, nhân viên doanh nghiệp Nhà nước đi công tác trong và ngoài nước.

f- Chi lễ tân, giao dịch đối ngoại, khánh tiết, hội nghị, tuyên truyền, quảng cáo theo quy định hiện hành của pháp luật và phải gắn với hoạt động của Bảo hiềm tiền gửi Việt Nam. Các khoản chi này không quá 7% tổng chi phí trong 2 năm đầu mới thành lập và không quá 5% các năm sau đó.

g- Chi đào tạo tập huấn cán bộ và chi nghiên cứu khoa học, công nghệ thực hiện căn cứ vào nhu cầu thực tế và tổng mức chi trong kế hoạch tài chính năm, gồm:

- Chi tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ, vi tính, ngoại ngữ ngắn hạn cho cán bộ, nhân viên Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

- Chi mua tài liệu, sách báo, in ấn, biên dịch tài liệu phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng huấn luyện nghiệp vụ, nghiên cứu.

- Chi tổ chức các cuộc hội thảo khoa học.

- Chi nghiên cứu đề tài khoa học.

- Chi triển khai ứng dụng khoa học, công nghệ.

- Các khoản chi khác theo quy định của Nhà nước.

Kế hoạch đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ, hội thảo khoa học do Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam quyết định và duyệt dự toán.

h- Chi về thuê chuyên gia trong nước và ngoài nước thực hiện căn cứ vào nhu cầu thực tế và tổng mức chi trong kế hoạch tài chính năm.

i- Chi phí thanh tra, kiểm toán.

j- Chi tiền phạt do vi phạm hợp đồng kinh tế do nguyên nhân khách quan bất khả kháng.

k- Chi phí quản lý khác.

2.6. Chi về tài sản:

- Chi khấu hao tài sản cố định theo quy chế quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định quy định đối với doanh nghiệp Nhà nước.

- Chi về mua bảo hiểm tài sản.

- Chi mua sắm công cụ lao động.

- Chi bảo dưỡng và sửa chữa tài sản: mức chi hàng năm tối đa không quá 5% giá trị tài sản cố định bình quân trong năm.

- Chi phí thuê tài sản: Là số tiền thuê tài sản căn cứ vào hợp đồng thuê tài sản giữa bên cho thuê và Bảo hiểm tiền gửi.

- Chi về thanh lý, nhượng bán tài sản (bao gồm giá trị còn lại của tài sản và các chi phí thanh lý, nhượng bán).

- Chi cho khoản tổn thất tài sản còn lại sau khi đã được bù đắp bằng các nguồn quy định.

2.7. Chi nộp thuế, phí, lệ phí.

2.8. Chi khen thưởng cho cá nhân và đơn vị ngoài ngành có đóng góp cho hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam: đối tượng, hình thức khen do Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam quyết định. Mức chi tối đa không quá 1/2 tháng lương thực hiện trong năm.

2.9. Các khoản chi phí khác gồm các khoản chi cần thiết cho hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phát sinh trong quá trình hoạt động, chưa nằm trong các quy định nêu trên.

3. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thực hiện hạch toán thu nhập, chi phí đúng chế độ quy định, chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự chính xác của các khoản thu, chi và thực hiện các quy định về chế độ hoá đơn, chứng từ kế toán.

4. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam không được hạch toán vào chi phí hoạt động các khoản sau:

- Các khoản thiệt hại đã được Chính phủ hỗ trợ hoặc cơ quan bảo hiểm, bên gây thiệt hại bồi thường;

- Các khoản chi phạt do vi phạm hành chính, vi phạm môi trường, phạt nợ vay quá hạn do nguyên nhân chủ quan, phạt vi phạm chế độ tài chính;

- Các khoản tiền phạt mà tập thể, cá nhân phải nộp do vi phạm pháp luật trong khi thi hành nhiệm vụ;

- Các khoản chi không liên quan đến hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi như chi đầu tư xây dựng cơ bản; chi ủng hộ tổ chức cá nhân khác;

- Các khoản chi thuộc nguồn kinh phí khác đài thọ: chi sự nghiệp, chi khen thưởng phúc lợi và các khoản chi do nguồn kinh phí khác đài thọ.

- Các khoản chi không hợp lệ khác.

IV. CHÊNH LỆCH THU CHI TÀI CHÍNH VÀ TRÍCH LẬP CÁC QUỸ

1. Chênh lệch thu chi tài chính thực hiện trong năm là kết quả hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, được xác định giữa tổng thu nhập trừ đi tổng chi phí hợp lý, hợp lệ phát sinh trong năm quy định tại mục III của Thông tư này.

2. Việc phân phối chênh lệch thu chi của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thực hiện theo quy định tại điều 17 và điều 18 Quy chế quản lý tài chính đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

V. CHẾ ĐỘ KẾ TOÁN, THỐNG KÊ, KIỂM TOÁN VÀ KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH

1. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thực hiện chế độ kế toán, thống kê hiện hành và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.

2. Năm tài chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 và kết thúc vào ngày 31 tháng 12 dương lịch.

3. Hàng năm Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có trách nhiệm lập và gửi cho Bộ Tài chính kế hoạch tài chính đã được Hội đồng quản trị thông qua, gồm:

- Kế hoạch thu nhập - chi phí (kèm theo thuyết minh chi tiết về các mục thu - chi và các định mức chi tiêu cụ thể dự kiến cho năm kế hoạch).

- Kế hoạch xây dựng cơ bản và mua sắm tài sản cố định (kèm theo thuyết minh chi tiết về dự kiến xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản cố định và cân đối các nguồn vốn).

- Kế hoạch lao động, tiền lương - thu nhập.

Kế hoạch tài chính năm là căn cứ để Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tổ chức thực hiện trong năm. Trong năm tài chính, nếu do những biến động khách quan không dự kiến trước dẫn đến phải điều chỉnh kế hoạch tài chính năm, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phải gửi báo cáo bổ sung cho Bộ Tài chính.

Kế hoạch tài chính được gửi cho cơ quan tài chính trước ngày 15 tháng 11 năm trước năm kế hoạch.

4. Định kỳ (quý, năm) hoặc khi cần thiết, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có trách nhiệm gửi báo cáo tài chính đến Bộ Tài chính, cơ quan thống kê và Ngân hàng Nhà nước.

4.1. Các loại báo cáo:

- Bảng cân đối tài khoản cấp III.

- Bảng cân đối kế toán (bảng tổng kết tài sản).

- Báo cáo kết quả hoạt động.

- Thuyết minh báo cáo tài chính:

+ Tình hình tăng giảm tài sản cố định.

+ Thực hiện lao động, tiền lương - thu nhập

+ Tình hình tăng, giảm biến động nguồn vốn, sử dụng vốn

+ Tình hình bảo lãnh, cho vay, mua lại nợ.

+ Tình hình lập và sử dụng quỹ dự phòng nghiệp vụ.

4.2. Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính trung thực của các báo cáo này.

4.3. Thời hạn gửi báo cáo:

- Báo cáo quý gửi chậm nhất trong vòng 30 ngày kể từ ngày kết thúc quý.

- Báo cáo năm của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được Hội đồng quản trị thông qua và gửi cho Bộ Tài chính chậm nhất trong vòng 45 ngày từ ngày kết thúc năm tài chính.

5. Hàng năm, trên cơ sở báo cáo quyết toán tài chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Bộ Tài chính sẽ xem xét, kiểm tra tài chính theo chức năng của cơ quan quản lý Nhà nước.

6. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thực hiện chế độ kiểm toán nội bộ theo quy định.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

- Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

- Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, xem xét, giải quyết.

 

 

Lê Thị Băng Tâm

(Đã ký)

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 27/2001/TT-BTC ngày 27/04/2001 thực hiện chế độ tài chính đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam do Bộ Tài Chính ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


6.177

DMCA.com Protection Status
IP: 3.137.216.109
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!