BỘ
GIAO THÔNG VẬN TẢI-BỘ TÀI CHÍNH
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
2292-TT/GTVT
|
Hà
Nội, ngày 08 tháng 8 năm 1983
|
THÔNG TƯ LIÊN BỘ
CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI - TÀI CHÍNH SỐ 2292-TT/GTVT NGÀY
8-8-1983 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM TAI NẠN HÀNH KHÁCH.
Căn cứ quyết định số 314-CP
ngày 1-10-1980 của Hội đồng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính đã
phối hợp chỉ đạo thực hiện chế độ bảo hiểm tai nạn hành khách trong phạm vi cả
nước. Bước đầu bảo hiểm tai nạn hành khách đã đạt một số kết quả. Nhiều vụ tai
nạn lớn xảy ra, hành khách bị tai nạn đã được giải quyết quyền lợi về bảo hiểm
một cách nhanh chóng và đúng mức. Qua đó quần chúng nhân dân dần dần đã thấy rõ
được sự quan tâm chăm sóc của Đảng và Nhà nước đến tính mạng của con người.
Song có lúc, có nơi việc thực hiện chưa được thống nhất theo các nguyên tắc
của chế độ bảo hiểm tại nạn hành khách. Để việc thực hiện được thống nhất và đạt
kết quả tốt hơn, liên Bộ Giao thông vận tải và Tài chính ra thông tư này hướng
dẫn cụ thể một số điểm sau đây
I. NHẬN THỨC
VỀ TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN BẢO HIỂM VÀ XÍ NGHIỆP VẬN TẢI
1. Theo tinh thần của quy tắc bảo
hiểm tai nạn cho hành khách được ban hành theo quyết định số 284-TC ngày
22-12-1980 của Bộ Tài chính thì bảo hiểm tai nạn hành khách là một chế độ bảo
hiểm được xây dựng trên cơ sở đóng góp của hành khách nhằm mục đích xây dựng quỹ
bảo hiểm Nhà nước để bù đắp một phần thiệt hại cho hành khách, tạo thêm điều kiện
để ổn định đời sống, đồng thời góp phần đẩy mạnh công tác phòng ngừa, hạn chế
tai nạn, bảo vệ tính mạng cho hành khách. Do đó việc hưởng tiền bồi thường về bảo
hiểm tại nạn hành khách là một quyền lợi mà hành khách đã góp bảo hiểm được hưởng
khi bị tai nạn trong lúc đi tàu, đi xe ngoài các chế độ chính sách hiện hành
khác như chế độ bồi thường theo trách nhiệm dân sự của chủ phương tiện, bảo hiểm
xã hội, cứu tế xã hội, v.v...
2. Khi hành khách bị tai nạn, việc
bồi thường của cơ quan bảo hiểm và của các đơn vị vận tải phải được giải quyết
song song. Cần nhận rõ rằng việc bồi thường của cơ quan bảo hiểm và việc bồi
thường theo trách nhiệm dân sự của các đơn vị vận tải là hai vấn đề khác nhau
và độc lập với nhau. Chế độ này không thể thay thế chế độ kia vì mỗi chế độ đều
dựa trên một nguyên tắc hoàn toàn khác nhau. Việc bồi thường của cơ quan bảo hiểm
đối với hành khách đã tham gia bảo hiểm dựa trên quy tắc bảo hiểm đã ban hành
và việc bồi thường của các đơn vị vận tải về thiệt hại cho hành khách là dựa
trên các nguyên tắc của trách nhiệm dân sự.
II. THU NỘP
PHÍ BẢO HIỂM
Cơ quan bảo hiểm tuy có nhiệm vụ
quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm vào việc bồi thường cho hành khách nhưng không
trực tiếp thu phí bảo hiểm của hành khách. Việc thu phí bảo hiểm Nhà nước đã
giao cho ngành giao thông vận tải. Các đơn vị vận tải có trách nhiệm thu phí bảo
hiểm trong giá vé cùng với giá cước, sau đó tách phần phí bảo hiểm ra khỏi giá
vé và chuyển nộp cho cơ quan bảo hiểm để đưa vào quỹ bảo hiểm. Như vậy, phí bảo
hiểm hành khách là tiền hành khách góp vào quỹ bảo hiểm thông qua các đơn vị vận
tải, chứ không phải là tiền của đơn vị vận tải. Các công ty, xí nghiệp vận tải,
các hợp tác xã vận tải có trách nhiệm thu và nộp đầy đủ, kịp thời phí bảo hiểm
hành khách cho cơ quan bảo hiểm theo đúng quy định trong thông tư số 3270-TV
ngày 9-12-1980 của Bộ Giao thông vận tải.
Mức phí bảo hiểm thực hiện theo
quyết định số 603-BH/TC ngày 26-11-1982 của Bộ Tài chính và các thông tư số
150-TT/VTGC ngày 18-11-1982 hướng dẫn thi hành giá cước vận tải hành khách đi
ô-tô và tàu sông và thông tư số 151-TT/VTGC ngày 18-11-1982 hướng dẫn thi hành
giá cước xe lửa và quyết định số 1232-QĐ/VTGC ngày 26-8-1982 của Bộ Giao thông
vận tải về giá cước tàu biển. Mức quy định 0,10đ/lượt quy định đối với xe buýt
trong thông tư số 150-TT/VTGC được vận dụng đối với tất cả các loại xe chở
khách chạy theo từng chặng ngắn trong thành phố, thị trấn hoặc chạy ra ngoại ô
hoặc vùng phụ cận như xe buýt, xe lam, tắcxi...
Sau khi nhận được phí bảo hiểm,
các đơn vị bảo hiểm địa phương có trách nhiệm thanh toán tiền hoa hồng thu nộp
phí bảo hiểm cho các đơn vị vận tải theo tỷ lệ đã được Bộ Giao thông vận tải và
Bộ Tài chính thống nhất quy định trong văn bản số 3270-TV ngày 9-12-1980 của Bộ
Giao thông vận tải, cụ thể như sau:
- Vận tải đường sắt: 1% trên số
phí bảo hiểm thu được.
- Vận tải ô-tô: 1,5% trên số phí
bảo hiểm thu được.
- Vận tải sông, biển: 2% trên số
phí thu được.
Để thực hiện nghiệm chỉnh chế độ
bảo hiểm và nguyến tắc quản lý tài chính của Nhà nước, liên Bộ quy định:
- Trường hợp đơn vị vận tải chuyển
nộp phí bảo hiểm không đầy đủ, không đúng kỳ hạn thì từ ngày nộp chậm thứ 11 trở
đi phải chịu phạt mỗi ngày 0,08% số phí chưa nộp hoặc nộp chưa đầy đủ. Trường hợp
đơn vị bảo hiểm thanh toán tiền hoa hồng chậm hoặc thiếu cho các đơn vị vận tải
thì cũng phải chịu phạt theo đúng quy định trên.
- Trường hợp vi phạm nghiêm trọng
hoặc tái phạm nhiều lần chế độ thu nộp phí bảo hiểm thì ngoài việc phải chịu phạt
tiền theo quy định trên, thủ trưởng đơn vị và người có lỗi còn phải chịu kỷ luật
hành chính hoặc có thể phải phạt trừ tiền thưởng xí nghiệp, xem như một hành động
phạm tới chế độ chính sách chung của Nhà nước.
III. GIẢI QUYẾT
HẬU QUẢ TAI NẠN VÀ BỒI THƯỜNG.
Khi hành khách bị tai nạn, đơn vị
vận tải và đơn vị bảo hiểm đều có trách nhiệm giải quyết hậu quả tai nạn và bồi
thường cho hành khách. Để việc phân định trách nhiệm được rõ ràng, các đon vị vận
tải đường bộ, đường sắt, đường thuỷ và các đơn vị bảo hiểm cần chú ý thực hiện
các nguyên tắc sau đây:
1. Khai báo:
Với trách nhiệm của người vận tải,
khi tai nạn xảy ra, các đơn vị vận tải cần phải chủ động thực hiện các trách
nhiệm đã qui định như khai báo ngay với cơ quan công an, hoặc chính quyền địa
phương, tổ chức việc cấp cứu nạn nhân, bảo vệ hiện trường và hành lý của hành
khách. Đồng thời đơn vị vận tải phải tìm cách thông báo nhanh nhất cho cơ quan
bảo hiểm ở địa phương đó biết.
2. Giải quyết cấp cứu, chôn cất
nạn nhân:
Yêu cầu cấp bách khi tai nạn xảy
ra là phải tổ chức việc cấp cứu và chôn cất người bị nạn kịp thời và chu đáo.
Lái xe hoặc đại diện của đơn vị vận tải là người có mặt sớm nhất tại nơi xảy ra
tai nạn, do đó có trách nhiệm đứng ra giải quyết hậu quả, liên hệ với chính quyền
địa phương tổ chức cấp cứu hoặc chôn cất những người bị nạn. Trường hợp người
lái xe, phụ xe bị thương hoặc bị chết thì hành khách đi trên xe có trách nhiệm
tìm mọi biện pháp báo cho chính quyền địa phương ở nơi gần nhất biết để đến
giúp đỡ giải quyết hậu quả tai nạn.
Việc thanh toán các chi phí cho
cấp cứu, chôn cất được giải quyết như sau:
- Trước hết cần xác định rõ các
chi phí nói ở đây phải nằm trong phạm vi cần thiết và hợp lý.
- Nếu chủ phương tiện có lỗi
(phóng nhanh, vượt ẩu, phương tiện thiếu an toàn ...) thì các chi phí bỏ ra cho
cấp cứu, chôn cất, chủ phương tiện phải gánh chịu.
- Nếu chủ phương tiện không có lỗi,
nhưng tai nạn thuộc phạm vi được bảo hiểm(thiên tai, hành khách bị kẻ xấu hành
hung, ném đá...) thì cơ quan bảo hiểm phải thanh toán lại các chi phí về cấp cứu
và chôn cất cho các đơn vị vận tải hoặc cơ quan, đơn vị đã bỏ tiền ứng trước.
- Nếu chủ phương tiện không có lỗi,
đồng thời tai nạn cũng không thuộc phạm vi bồi thường của bảo hiểm (hành khách
tự tử, nhảy tàu, nhảy xe...) trước hết chủ phương tiện hoặc địa phương vẫn phải
giải quyết việc cấp cứu, chôn cất. Việc thanh toán những chi phí này sẽ do cơ
quan bảo hiểm, chủ phương tiện vận tải và địa phương bàn bạc thống nhất giải
quyết.
3. Bồi thường:
Việc bồi thường của các đơn vị vận
tải dựa trên các nguyên tắc của trách nhiệm dân sự mà pháp luật đã quy định.
Còn việc bồi thường của cơ quan bảo hiểm dựa trên cơ sở quy tắc bảo hiểm. Do đó
có trường hợp hành khách được hưởng bồi thường của các đơn vị vận tải và của cả
cơ quan bảo hiểm. Nhưng cũng có trường hợp chỉ được hưởng bồi thường của cơ
quan bảo hiểm mà không được hưởng bồi thường của đơn vị vận tải hoặc không được
hưởng bồi thường của một bên nào cả. Mức bồi thường và nội dung bồi thường của
hai loại bồi thường trên cũng hoàn toàn khác nhau. Cụ thể như sau:
a) Được hưởng bồi thường của cả
đơn vị vận tải và của cơ quan bảo hiểm:
Đó là trường hợp đơn vị vận tải
có lỗi đã gây ra tai nạn cho hành khách (phóng nhanh, vượt ẩu, phương tiện thiếu
an toàn...).
b) Chỉ được hưởng bồi thường của
cơ quan bảo hiểm:
Thông thường đó là những tai nạn
do thiên tai hoặc do người khác gây nên (hành khách bị hành hung, ném đá...) mà
đơn vị vận tải không chịu trách nhiệm.
c) Không được hưởng bồi thường của
bảo hiểm cũng như của đơn vị vận tải:
Đó là trường hợp hành khách tự tử,
chết do bệnh tật hoặc cố ý vi phạm một cách nghiêm trọng những quy tắc an toàn
(nhảy tàu, nhảy xe...).
IV. TĂNG CƯỜNG
NHỮNG BIỆN PHÁP TỔ CHỨC QUẢN LÝ NHẰM NGĂN NGỪA HẠN CHẾ TAI NẠN GIAO THÔNG.
Việc đề phòng, ngăn ngừa tai nạn
giao thông là nhiệm vụ rất quan trọng của các ngành, các cấp. Đó cũng là một
trong những nhiệm vụ hàng đầu của ngành giao thông vận tải và ngành bảo hiểm. Sự
kết hợp giữa giao thông vận tải, bảo hiểm, công an cũng như đối với các ngành từ
trung ương đến địa phương trong công tác bảo đảm an toàn giao thông, ngăn ngừa
tai nạn xảy ra là điều cần thiết và lâu dài.
Để bảo đảm an toàn giao thông,
các cấp lãnh đạo, các đơn vị trong ngành giao thông vận tải có trách nhiệm phải
giáo dục anh em lái tàu, lái xe nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông, tăng
cường kiểm tra về mặt an toàn kỹ thuật của phương tiện vận tải, các thiết bị
thông tin tín hiệu, đường sá, cầu phà... Kết hợp với công an tăng cường kiểm
tra, kiểm soát việc chấp hành luật lệ giao thông trên đường, tổ chức tốt việc
đi lại của nhân dân và định kỳ sơ kết, tổng kết công tác an toàn giao thông.
Các đơn vị bảo hiểm có trách nhiệm
phối hợp chặt chẽ với các đơn vị giao thông vận tải trong công tác kiểm tra an
toàn giao thông và kiến nghị với các ngành, các cấp những biện pháp bảo đảm an
toàn giao thông.
- Tuyên truyền sâu rộng trong quần
chúng nhân dân về luật lệ giao thông bằng các hình thức như panô, ápphích, triển
lãm...
- Theo dõi động viên phong trào
giữ gìn an toàn giao thông, khen thưởng những đơn vị, cá nhân có thành tích nổi
bật trong công tác an toàn giao thông.
Đóng góp một phần kinh phí để hỗ
trợ các đơn vị vận tải mua sắm một số trang thiết bị cần thiết nhằm bảo đảm an
toàn cho hành khách, hoặc đề xuất xây dựng những công trình nhỏ nhưng có tác dụng
thiết thực làm tăng thêm an toàn trong giao thông.
Nhận được thông tư hướng dẫn
này, các tổng cục, cục, sở giao thông vận tải, sở tài chính, công ty bảo hiểm
và các chi nhánh cần tổ chức trao đổi quán triệt ý nghĩa, mục đích, nguyên tắc
của chế độ bảo hiểm tai nạn hành khách, nhận rõ trách nhiệm cụ thể của mỗi
ngành và phổ biến sâu rộng cho cán bộ, công nhân viên thuộc ngành mình.
Ở địa phương, nơi nào còn mắc mứu
về thực hiện chế độ bảo hiểm hành khách thì ngành giao thông vận tải và bảo hiểm
địa phương cần bàn bạc, có biện pháp giải quyết sớm. Những khó khăn tồn tại
không giả quyết được ở địa phương cần báo cáo phản ảnh cho Bộ Giao thông vận tải
và Bộ Tài chính giải quyết.
Hàng năm, giữa hai ngành cần có
tổng kết việc thực hiện chế độ bảo hiểm tai nạn hành khách nhằm nhanh chóng đưa
chế độ bảo hiểm này vào nền nếp, góp phần phục vụ tốt sự đi lại của nhân dân.
Thông tư này có hiệu lực thi
hành từ ngày ký. Những quy định trước đây của liên Bộ trái với thông tư này đều
bãi bỏ.
Ngô
Thiết Thạch
(Đã
ký)
|
Nguyễn
Đình Doãn
(Đã
ký)
|