BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM - KHO BẠC
NHÀ NƯỚC
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3328A/LN-BHXH-KBNN
|
Hà Nội, ngày 15 tháng 08 năm 2012
|
THỎA THUẬN LIÊN NGÀNH
VỀ VIỆC QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG
TÀI KHOẢN TIỀN GỬI CỦA HỆ THỐNG BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM MỞ TẠI HỆ THỐNG KHO BẠC
NHÀ NƯỚC
Căn cứ Nghị định số 94/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 của
Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Nghị định
số 116/2011/NĐ-CP ngày 14/12/2011 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều
của Nghị định 94/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008;
Căn cứ Quyết định số 04/2011/QĐ-TTg ngày 20/01/2011 của
Thủ tướng Chính phủ về quản lý tài
chính đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Thông tư số 134/2011/TT-BTC ngày
30/9/2011 của Bộ Tài chính Quy định
chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số Điều của Quyết định số 04/2011/QĐ-TTg;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của
Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài
chính;
Căn cứ Quyết định số 108/2009/QĐ-TTg ngày 26/08/2009 của Thủ tướng Chính phủ Quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Kho bạc Nhà nước trực thuộc Bộ
Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 30/2005/QĐ-BTC ngày 26/05/2005 của
Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban
hành Chế độ mở và sử dụng tài khoản tại KBNN (đối với các đơn vị KBNN chưa thực
hiện triển khai TABMIS);
Căn cứ Thông tư số 109/2011/TT-BTC ngày 01/08/2011 của
Bộ Tài chính về việc hướng dẫn mở và sử dụng tài khoản tại Kho bạc Nhà nước trong điều
kiện áp dụng TABMIS (đối với các đơn vị KBNN đã thực hiện triển khai TABMIS);
Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Kho bạc Nhà nước thống nhất
Thỏa thuận liên ngành việc quản lý và sử dụng
tài khoản tiền gửi của các đơn vị thuộc hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam mở tại
hệ thống Kho bạc Nhà nước như sau:
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
1. Văn bản này quy định sự phối hợp giữa hệ thống Bảo
hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam và hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) trong việc quản
lý, sử dụng tài khoản
tiền gửi của hệ thống BHXH Việt Nam mở tại hệ thống KBNN.
2. BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương (gọi chung là BHXH tỉnh);
BHXH các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là BHXH huyện) mở
01 (một) tài khoản “Tiền gửi chuyên thu” tại đơn vị KBNN cùng cấp để quản lý tiền thu BHXH bắt buộc, bảo hiểm
thất nghiệp (gọi chung là quỹ BHXH), bảo hiểm y tế
(BHYT) của các đơn vị hành chính sự nghiệp, các tổ chức Đảng, đoàn thể, tổ chức
kinh tế xã hội và các đơn vị hưởng lương từ Ngân sách nhà nước (NSNN); tiền thu
của các đối tượng do NSNN hỗ trợ theo quy định.
3. BHXH tỉnh, BHXH huyện thực hiện mở, sử dụng tài khoản và chịu sự quản lý, kiểm tra, kiểm soát của đơn vị
KBNN nơi mở tài khoản theo quy định hiện
hành và những quy định cụ thể trong văn bản thỏa thuận này.
4. Các đơn vị KBNN có trách nhiệm phối hợp với cơ quan BHXH để thực hiện
chuyển tiền theo quy định trong văn bản thỏa thuận này.
5. Định kỳ hàng tháng, năm, cơ quan BHXH và đơn vị KBNN cùng cấp có trách
nhiệm đối chiếu phát sinh, xác nhận số dư (nếu có), thực hiện chế độ thông tin,
báo cáo theo quy định.
6. KBNN các cấp cung ứng các dịch vụ của mình cho cơ quan BHXH theo quy định
của pháp luật.
7. Những nội dung khác ngoài phạm
vi quy định tại văn bản này hệ thống BHXH Việt Nam và hệ thống KBNN thực hiện
theo quy định hiện hành.
Chương 2.
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
I. Nguyên tắc mở và sử dụng tài khoản
BHXH tỉnh, BHXH huyện mở 01 (một) tài khoản “Tiền gửi
chuyên thu” tại KBNN cung cấp. Tài khoản này do
Giám đốc BHXH tỉnh (hoặc người được ủy quyền), Giám đốc BHXH huyện (hoặc người
được ủy quyền) làm chủ tài khoản. BHXH tỉnh, BHXH huyện không được sử dụng số tiền trên tài khoản này vào bất cứ
mục đích nào khác ngoài các nội dung quy định dưới đây.
Nội dung, kết cấu tài khoản như sau:
Phát sinh bên Nợ:
- Số tiền thu BHXH, BHYT; số tiền lãi chậm đóng BHXH, BHYT; số tiền lãi của
tài khoản “Tiền gửi chuyên thu” của BHXH tỉnh, BHXH huyện mở tại KBNN chuyển về
tài khoản “Tiền gửi thu BHXH” của BHXH tỉnh mở tại ngân hàng (thuộc danh mục
nêu trong phụ lục số 01 và 02 kèm theo văn bản này).
- Hoàn trả lại cho các đơn vị sử dụng lao động, cá nhân trong các trường hợp:
nộp thừa, chuyển nhầm vào tài khoản tiền gửi của BHXH tỉnh, của BHXH huyện; hoặc
đơn vị sử dụng lao động chuyển địa bàn, thay đổi nơi đăng ký tham gia BHXH,
BHYT, giải thể, phá sản, chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật (hồ sơ, chứng từ thanh toán gồm: ủy nhiệm
chi chuyển tiền và văn bản của Giám đốc BHXH tỉnh).
- Chuyển tiền về một tài khoản khác (hồ sợ, chứng từ thanh toán gồm: ủy
nhiệm chi chuyển tiền và văn bản của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam).
Phát sinh bên Có:
- Số tiền thu BHXH, BHYT, lãi chậm đóng BHXH, BHYT của các đơn vị chuyển nộp
theo quy định của Luật BHXH và Luật BHYT;
- Số tiền thu BHXH, BHYT do Ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng cho các đối
tượng tham gia BHXH, BHYT;
- Số tiền lãi nhận được từ số dư trên tài khoản "Tiền gửi chuyên thu” do KBNNtrả.
Số dư bên Có:
Phản ánh số tiền thu BHXH, BHYT, số tiền lãi chưa
chuyển về tài khoản “Tiền gửi thu BHXH” của BHXH tỉnh mở tại ngân hàng.
II. Nội dung ủy quyền của cơ quan BHXH với đơn vị KBNN nơi mở tài khoản
1. BHXH huyện, BHXH tỉnh ủy quyền cho KBNN cùng cấp thực hiện chuyển tiền từ
tài khoản “Tiền gửi chuyên thu” của BHXH huyện, BHXH tỉnh về tài khoản “Tiền gửi
thu BHXH” của BHXH tỉnh mở tại Ngân hàng (thuộc danh mục nêu trong phụ lục số
01 và 02 kèm theo văn bản này) mà không cần có chứng từ chuyển tiền của Chủ tài khoản.
2. Căn cứ số dư Có tài khoản “Tiền gửi chuyên thu” của cơ quan BHXH, KBNN
cùng cấp được quyền chủ động trích Nợ tài khoản “Tiền gửi chuyên thu” của cơ quan BHXH (TK 943.10 -
Tiền gửi chuyên thu BHXH, đối với KBNN chưa thực hiện triển khai TABMIS hoặc TK
3741 - Tiền gửi có mục đích, đối với KBNN đã thực hiện triển khai TABMIS) để
chuyển tiền về tài khoản "Tiền gửi thu BHXH” của BHXH
tỉnh mở tại ngân hàng (thuộc danh mục nêu trong phụ lục số 01 và 02 kèm theo
văn bản này).
III. Tài liệu, chứng từ đối chiếu, quyết toán
1. Đối với giao dịch nộp tiền vào tài khoản của cơ quan BHXH
Khi nhận được chứng từ giao dịch của khách hàng nộp tiền BHXH,
BHYT vào tài khoản “Tiền gửi chuyên thu” của cơ quan BHXH, đơn vị KBNN thực hiện:
a) Sau khi ghi Có vào tài khoản "Tiền gửi chuyên thu” của cơ quan BHXH, KBNN chuyển cho cơ quan BHXH cùng cấp cấp 01 liên chứng
từ gốc để làm căn cứ ghi sổ kế toán.
b) Trường hợp KBNN hạch toán sai cần điều chỉnh số liệu: KBNN lập Phiếu điều
chỉnh sai lầm (Mẫu C6-07/KB) để hạch toán điều
chỉnh và trả cho cơ quan BHXH cùng cấp 01 liên Phiếu điều chỉnh sai lầm để làm
căn cứ ghi sổ kế toán.
2. Đối với giao dịch thực hiện theo nội dung ủy quyền của cơ quan BHXH:
KBNN chủ động chuyển tiền theo nội dung ủy quyền quy
định tại mục II nêu trên, kế toán Kho bạc lập 02 Phiếu chuyển khoản (ghi rõ nội
dung chuyển tiền, mã cơ quan BHXH): 01 liên hạch toán và lưu; 01 liên gửi cơ
quan BHXH (báo Nợ).
(Trường hợp thanh toán thủ công với ngân hàng: kế toán lập thêm
02 liên gửi ngân hàng).
3. Đối với giao dịch thực hiện hoàn trả, chuyển tiền
Đối với chứng từ hoàn trả hoặc chuyển tiền về tài khoản
khác theo văn bản của Giám đốc BHXH tỉnh hoặc Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, các
đơn vị thực hiện:
a) Cơ quan BHXH phải lập Ủy nhiệm
chi chuyển tiền theo đúng mẫu quy định của Bộ Tài chính; ghi rõ nội dung chuyển tiền; ký tên chủ tài khoản,
kế toán trưởng; đóng dấu đơn vị theo đúng mẫu dấu và chữ ký đã đăng ký tại KBNN; ủy nhiệm chi phải được
ký bằng bút có mực màu xanh.
b) Cơ quan BHXH chuyển Ủy nhiệm
chi sang KBNN cùng cấp để chuyển tiền phải gửi kèm theo theo văn bản của Giám đốc
BHXH tỉnh cho phép hoàn trả hoặc văn bản của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho
phép chuyển tiền.
c) KBNN các cấp thực hiện thanh toán trong ngày trước thời điểm 15 giờ 30 phút; các giao dịch phát sinh
sau thời điểm 15 giờ 30 phút thì thực hiện thanh toán vào ngày làm việc kế tiếp.
4. Chậm nhất ba (03) ngày làm việc đầu tiên của tháng kế tiếp, đơn vị KBNN
cung cấp cho cơ quan BHXH cùng cấp sổ chi tiết của các giao dịch phát sinh
trong tháng. Trường hợp cần thiết, KBNN cung cấp sổ chi tiết các giao dịch phát
sinh trong ngày.
IV. Trả lãi các tài khoản tiền gửi
1. Số dư Có trên các tài khoản “Tiền gửi chuyên thu” của BHXH tỉnh, BHXH
huyện mở tại KBNN cùng cấp (nếu có) được trả lãi theo mức lãi suất tiền gửi
không kỳ hạn của Ngân hàng Nhà nước trả cho KBNN trong cùng kỳ.
2. Tiền lãi được trả hàng tháng và tính theo phương pháp tích số. KBNN lập
bảng kê tính lãi trả cho cơ quan BHXH cùng với sổ chi tiết trong đó có số lãi
phát sinh trong tháng.
3. Khi có thay đổi về mức lãi suất
tiền gửi không kỳ hạn của Ngân hàng Nhà nước, đơn vị KBNN thông báo kịp thời
cho cơ quan BHXH cùng cấp về sự thay đổi này.
V. Phí chuyển tiền
1. Mức thu phí dịch vụ thanh toán được tính theo mức phí Ngân hàng Nhà nước
thu của KBNN tại thời điểm thực hiện dịch vụ thanh toán.
2. Đơn vị KBNN thu phí chuyển tiền theo phương thức thu định kỳ.
3. Phí được tính cho từng món và được thanh toán định kỳ hàng tháng (vào ngày đầu tháng sau). Cuối mỗi tháng, đơn vị
KBNN lập “Bảng kê tính phí chuyển tiền” trong tháng gửi cơ quan BHXH cùng cấp.
4. Nhận được “Bảng kê tính phí chuyển tiền”, cơ quan BHXH chuyển tiền từ
tài khoản “Tiền gửi chi quản lý bộ máy” của mình để chuyển trả KBNN vào đầu
tháng sau. Đơn vị KBNN không tự ý khấu trừ số tiền trên tài khoản “Tiền gửi
chuyên thu” của cơ quan BHXH để thu phí chuyển tiền.
VI. Thời
điểm chuyển tiền thu theo ủy quyền của cơ quan BHXH
1. Vào các ngày làm việc, trước thời điểm 15 giờ 30 phút KBNN chủ động chuyển
toàn bộ số dư trên tài khoản “Tiền gửi chuyên thu” của BHXH huyện, BHXH tỉnh về
tài khoản “Tiền gửi thu BHXH” của BHXH tỉnh mở tại Ngân hàng (thuộc danh mục
nêu trong phụ lục số 01 và 02 kèm theo văn bản
này), cụ thể:
- Việc chuyển tiền được thực hiện 01 (một) lần/ngày.
- Riêng các ngày 30 và 31 tháng 12 hàng năm được chuyển nhiều lần trong
ngày.
2. Đối với các giao dịch phát sinh sau thời điểm 15 giờ 30 phút, KBNN thực
hiện chuyển tiền về tài khoản “Tiền gửi thu BHXH” của BHXH tỉnh mở tại Ngân
hàng vào thời điểm trước thời điểm 15 giờ 30 phút của ngày làm việc kế tiếp.
VII. Các dịch
vụ khác
Trong điều kiện cho phép, các đơn vị KBNN tạo điều kiện
để cơ quan BHXH cùng cấp truy cập, tra cứu số dư tài khoản “Tiền gửi chuyên
thu” mở tại KBNN.
VIII. Trách nhiệm quản lý, sử dụng và kiểm soát tài
khoản tiền gửì của hệ thống BHXH Việt Nam mở tại hệ thống KBNN
1. Đối với cơ quan BHXH
1.1. Phải thực hiện đầy đủ thủ tục mở tài khoản, giao dịch, chuyển
tiền đối với các tài khoản tiền gửi của mình và thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa
vụ của đơn vị mở tài khoản theo quy định hiện hành. Hàng tháng, hàng quý lập và
gửi KBNN 02 bản xác nhận số dư tài khoản (Mẫu ĐC-04/BK kèm theo văn bản này).
1.2. Không được sử dụng tiền trên các tài khoản “Tiền gửi chuyên
thu” mở tại hệ thống KBNN trái với các nội dung quy định về việc quản lý, sử dụng
các tài khoản tiền gửi nêu tại Mục I, Chương II văn bản này.
1.3. Chịu trách nhiệm về các nội dung thanh toán ghi trên chứng từ
chuyển tiền (ủy nhiệm chi), chịu trách nhiệm về những thiệt hại, vi phạm, lợi dụng trên các tài khoản tiền gửi của
BHXH các cấp mở tại KBNN phát sinh do lỗi của cơ quan BHXH.
1.4. Hàng tháng chịu trách nhiệm đối chiếu số liệu giữa chứng từ
gốc và sổ chi tiết do KBNN cung cấp; số liệu giữa chứng từ gốc do BHXH các cấp lập với báo Nợ, báo Có của đơn vị
KBNN (nếu có).
1.5. Thông báo, cập nhật kịp thời, đầy đủ bằng văn bản các thông
tin về tên tài khoản, số hiệu tài khoản, tên, địa chỉ của Ngân hàng nơi BHXH tỉnh
mở tài khoản, mã của cơ quan BHXH để KBNN chủ động chuyển tiền theo quy định tại
văn bản thỏa thuận này.
1.6. Phối hợp chặt chẽ với KBNN trong việc
thanh toán, chuyển tiền để kịp thời xử lý sai sót khi
phát sinh.
2. Đối với các đơn vị KBNN có tài khoản của cơ quan BHXH
2.1. Hướng dẫn cơ quan BHXH cùng cấp thủ tục mở tài khoản, quản
lý, sử dụng tài khoản tiền gửi theo quy định hiện hành.
2.2. Chỉ chủ động thực hiện chuyển tiền từ tài khoản “Tiền gửi
chuyên thu” của BHXH huyện, BHXH tỉnh mở tại hệ thống KBNN về tài khoản “Tiền gửi
thu BHXH” của BHXH tỉnh mở tại ngân hàng thuộc danh mục (nêu trong phụ lục số
01 và 02 kèm theo văn bản này) và thông báo thay đổi, bổ sung bằng văn bản của cơ
quan BHXH.
2.3. Hạch toán đầy đủ, chính xác, kịp thời các nghiệp vụ kinh tế
phát sinh vào tài khoản “Tiền gửi chuyên thu” của BHXH theo đúng quy định tại Mục
I, Chương II văn bản này.
2.4. Thực hiện báo Có, báo Nợ kịp thời cho cơ quan BHXH cùng cấp.
2.5. Tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan BHXH cùng cấp tra cứu, đối chiếu số liệu thường
xuyên và đột xuất trong điều kiện kỹ thuật cho
phép.
2.6 Chậm nhất 03 (ba) ngày kể từ khi nhận bảng xác nhận
số dư tài khoản của cơ quan BHXH, sau khi kiểm tra, đối chiếu khớp đúng, KBNN
ký xác nhận đóng dấu “KẾ TOÁN” (01 bản lưu tại KBNN, 01 bản gửi đơn vị);
2.7. Trường hợp KBNN chuyển tiền không đúng tên người nhận tiền,
số tài khoản do cơ quan BHXH cung cấp, chuyển tiền vào tài khoản khác không phải
là tài khoản “Tiền gửi thu BHXH” của BHXH tỉnh mở tại ngân hàng (nêu trong phụ lục số 01 và 02 kèm theo văn bản này), KBNN chịu trách nhiệm
hoàn trả số tiền đã chuyển sai và lãi phát sinh trong thời gian tiền chuyển sai
với mức lãi suất bằng mức lãi suất đầu tư hiện hành BHXH Việt Nam cho các ngân
hàng thương mại nhà nước vay như sau
Tiền lãi phát sinh
|
=
|
Số tiền gốc chuyển sai
|
x
|
Mức lãi suất đầu tư hiện hành BHXH
Việt Nam cho các ngân hàng thương mại nhà nước vay
|
:
|
360 ngày
|
x
|
Số ngày chuyển sai
|
Chương 3.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Văn bản này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2012.
2. BHXH Việt Nam, KBNN có trách nhiệm thông báo, hướng dẫn, phổ biến và triển
khai thực hiện các quy định tại văn bản này tới các đơn vị trong toàn hệ thống.
3. Trong trường hợp có sự thay đổi về cơ chế thu, chi BHXH và những thay đổi
khác từ phía BHXH Việt Nam hay những thay đổi về Quy chế mở, quản lý và sử dụng
tài khoản tiền gửi từ phía KBNN làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các nội dung
trong văn bản này, BHXH Việt Nam và KBNN có trách nhiệm thông báo cho nhau để cùng phối hợp, thống nhất hướng giải quyết.
Trường hợp không thống nhất được hoặc
một trong hai bên có yêu cầu chấm dứt các thỏa thuận quy định tại văn bản này thì phải thông báo trước cho bên kia tối thiểu
là 03 (ba) tháng.
4. BHXH tỉnh, BHXH huyện và các đơn vị KBNN tỉnh, huyện có trách nhiệm tổ
chức thực hiện đầy đủ, đúng các nội dung quy định tại Thỏa thuận này, không được
ban hành các quy định riêng trái với quy định tại Thỏa thuận này. Trong quá
trình hoạt động nếu có khó khăn, vướng mắc, báo cáo kịp thời về BHXH Việt Nam
và KBNN để xem xét, phối hợp giải
quyết.
5. Hàng năm, KBNN và BHXH phối hợp để tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện thỏa thuận liên ngành để
kịp thời sửa đổi, bổ sung những khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực
hiện.
6. Mọi sửa đổi, bổ sung văn bản thỏa thuận này do hai bên BHXH Việt Nam và KBNN thống nhất bằng văn bản.
KHO BẠC NHÀ NƯỚC
KT. TỔNG GIÁM ĐỐC
PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC
Nguyễn Đại Trí
|
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
KT. TỔNG GIÁM ĐỐC
PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC
Nguyễn Đình Khương
|
Nơi nhận:
- Bộ Tài chính;
- Hội đồng quản lý
BHXHVN;
- Kiểm toán Nhà nước;
- TGĐ, các PTGĐ
BHXH Việt Nam;
- TGĐ, các
PTGĐKBNN;
- Sở GD, KBNN tỉnh,
thành phố trực thuộc TW;
- BHXH tỉnh, thành
phố trực thuộc TW;
- Các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam;
- Lưu: VT, Ban
Chi- BHXH (5 bản);
- Lưu: VT, Vụ KTNN (5 bản).
|
|