BẢO HIỂM XÃ HỘI
VIỆT NAM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 624/QĐ-BHXH
|
Hà Nội, ngày 19
tháng 04 năm 2017
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ
100/NQ-CP NGÀY 18 THÁNG 11 NĂM 2016 CỦA CHÍNH PHỦ BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG
CỦA CHÍNH PHỦ NHIỆM KỲ 2016-2021.
TỔNG GIÁM ĐỐC BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
Căn cứ Nghị định số 01/2016/NĐ-CP ngày 05 tháng
01 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
Căn cứ Nghị quyết số 100/NQ-CP ngày 18 tháng 11
năm 2016 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ
2016-2021;
Xét đề nghị của Chánh Văn phòng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Chương trình hành động của Bảo hiểm xã hội Việt Nam
thực hiện Nghị quyết số 100/NQ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ ban hành Chương
trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam và
Giám đốc Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách
nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- HĐQL BHXH Việt Nam (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- TGĐ và các Phó TGĐ;
- Lưu: VT, VP.
|
TỔNG GIÁM ĐỐC
Nguyễn Thị Minh
|
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG
THỰC
HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 100/NQ-CP NGÀY 18/11/2016 CỦA CHÍNH PHỦ BAN HÀNH CHƯƠNG
TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ NHIỆM KỲ 2016-2021
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 624/QĐ-BHXH ngày 19 tháng 4 năm 2017 của Tổng
Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam)
Thực hiện Nghị quyết số 100/NQ-CP ngày 18 tháng 11
năm 2016 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ
2016 - 2021, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam ban hành Chương trình hành động với
những nội dung sau:
I. MỤC TIÊU VÀ YÊU CẦU
1. Mục tiêu
Xây dựng chương trình hành động của BHXH Việt Nam
phù hợp với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định trong Nghị quyết
số 100/NQ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ (Nghị quyết 100) cũng như
các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ
tướng Chính phủ và các Chương trình, Kế hoạch của Ngành nhằm tổ chức thực hiện
có hiệu quả chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) và xây dựng hệ thống BHXH,
BHYT hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại
hóa và hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ và tổ chức thực
hiện chính sách BHXH, BHYT; góp phần mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho
người dân, doanh nghiệp tham gia, thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT và đảm bảo an
sinh xã hội của đất nước; phấn đấu đến năm 2020 cả nước có trên 90% dân số tham
gia BHYT, 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia
bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); sử dụng an toàn và bảo đảm cân đối Quỹ BHXH trong
dài hạn; quản lý, sử dụng có hiệu quả và bảo đảm cân đối Quỹ BHYT; Hoàn thiện
mô hình tính toán cân đối quỹ BHXH, BHYT và các quỹ thành phần khác làm cơ sở
hoạch định chiến lược phát triển đối tượng và phát triển Ngành; Tiếp tục triển
khai có hiệu quả công tác cải cách hành chính; nâng cao hiệu quả công tác phòng
chống tham nhũng, lãng phí.
2. Yêu cầu
a) Đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện
các mục tiêu về BHXH, BHYT, BHTN. Linh hoạt, sáng tạo, chủ động tổ chức thực hiện
các nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực
tiễn.
b) Xác định vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn
vị trực thuộc BHXH Việt Nam trong việc triển khai chương trình hành động của
Chính phủ và của BHXH Việt Nam.
c) Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao chất
lượng đội ngũ công chức, viên chức để các hoạt động của Ngành đồng bộ, hiệu quả
đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Nhiệm vụ
a) Tiếp tục bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải
pháp đề ra tại Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22 tháng 11 năm 2012 của Bộ Chính trị
về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn
2012-2020; Đề án “Lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012 - 2015 và
2020"; “Chiến lược phát triển ngành BHXH đến năm 2020 trong quá trình tổ
chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN"; Tổ chức thực hiện tốt Luật
BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm, Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Dược và kịp
thời đánh giá, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, đề xuất các giải pháp triển khai có
hiệu quả chính sách BHXH, BHYT, BHTN.
b) Thực hiện tốt chính sách BHXH, tập trung tăng
nhanh diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN theo chỉ đạo của Thủ tướng
Chính phủ tại Chỉ thị 34/CT-TTg ngày 26/12/2016 về tăng cường đồng bộ các nhóm
giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH và Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày
28/6/2016 về điều chỉnh giao chỉ tiêu BHYT giai đoạn 2016-2020, phấn đấu đến
năm 2020 cả nước có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động
tham gia BHTN, trên 90% dân số tham gia BHYT; tiếp tục thực hiện điều chỉnh
lương hưu và trợ cấp BHXH phù hợp với tình hình thực tế, khắc phục triệt để
tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN và lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT; Tập trung
triển khai công tác bàn giao sổ BHXH cho người lao động quản lý theo quy định của
Luật BHXH năm 2014; Phấn đấu đến 31/12/2017 bàn giao 60% tổng số sổ BHXH phải
bàn giao và đến 31/12/2018 hoàn thành việc bàn giao sổ BHXH cho người lao động.
c) Tiếp tục tăng cường, triển khai có hiệu quả công
tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính gắn với ứng dụng
công nghệ thông tin theo Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về
Chính phủ điện tử và Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP ngày 6/2/2017 của Chính phủ về
tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh
doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020;
Nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa,
một cửa liên thông; tập trung rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm cắt
giảm thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục hành chính về BHXH, BHYT, BHTN
cho tổ chức và cá nhân; Kịp thời công bố, công khai các thủ tục hành chính được
sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới và theo dõi chặt chẽ việc tổ chức thực thi
trên thực tế; Triển khai đa dạng các hình thức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả
giải quyết thủ tục hành chính về BHXH, BHYT, BHTN nhằm cung cấp nhiều lựa chọn
cho tổ chức, cá nhân tham gia; Đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ, giảm phiền
hà cho tổ chức và cá nhân tham gia BHXH, BHYT; Phấn đấu đến năm 2020, giảm số
giờ thực hiện thủ tục hành chính về BHXH cho doanh nghiệp đạt mức trung bình của
các nước ASEAN 4 và mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết
thủ tục hành chính đạt trên 80%.
d) Triển khai hiệu quả các quy định thanh tra
chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN theo quy định của pháp luật, trong đó tập
trung thanh tra, kiểm tra nhằm làm giảm nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN và lạm dụng quỹ
khám, chữa bệnh BHYT; Thực hiện việc tiếp công dân, xử lý giải quyết đơn thư
khiếu nại, tố cáo kịp thời, đúng quy định của pháp luật; Tăng cường công tác kiểm
toán nội bộ nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, đảm bảo an toàn tài
chính, tài sản của Ngành.
đ) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt
động của Ngành, tập trung hoàn thành việc ứng dụng công nghệ thông tin trong
công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý và giải quyết công việc liên quan đến người
dân, doanh nghiệp; Nghiên cứu thực hiện cấp thẻ BHYT điện tử, tiến tới tích hợp
các thông tin BHXH, BHYT vào một thẻ điện tử chung; Đẩy mạnh phát triển dịch vụ
công trực tuyến, giao dịch điện tử và có giải pháp khuyến khích người dân,
doanh nghiệp sử dụng; Bảo đảm hiệu quả, kịp thời, công khai, minh bạch trong thực
thi công vụ, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công; Hoàn thiện cơ sở dữ liệu
tập trung, đồng bộ, thống nhất làm nền tảng hiện đại hóa các hoạt động quản lý
và nghiệp vụ của Ngành.
e) Tăng cường quản lý tài chính các quỹ BHXH, BHYT,
BHTN và các nguồn kinh phí bảo đảm công khai, minh bạch, đúng mục đích, tiết kiệm,
hiệu quả và an toàn; Tổ chức điều hành dự toán chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả,
đúng chế độ quy định; Tăng cường giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng
các nguồn kinh phí; Đảm bảo đầy đủ và kịp thời các nguồn kinh phí để các đơn vị
thực hiện chi trả BHXH, BHYT, BHTN cho người hưởng và tổ chức thực hiện các nhiệm
vụ của đơn vị; Tổ chức thực hiện tốt các quy định của pháp luật và của Ngành về
công tác quản lý tài chính, tài sản, kế toán, chi tiêu nội bộ và chi trả các chế
độ BHXH, BHYT, BHTN; Thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Thực hành tiết
kiệm, chống lãng phí và Chương trình tổng thể của Ngành về thực hành tiết kiệm,
chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2020.
g) Thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Đầu
tư công, bao gồm: chuẩn bị dự án, thẩm định quyết định đầu tư chương trình dự
án; lập và thẩm định kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm, xử lý nghiêm
những trường hợp vi phạm, gây thất thoát, lãng phí nguồn vốn của nhà nước. Thực
hiện phân bổ, giao dự toán chi đầu tư phát triển theo đúng các quy định của Luật
Ngân sách nhà nước; nâng cao chất lượng công tác thẩm định dự án và quyết toán
vốn đầu tư; tăng cường kiểm tra, giám sát trong từng khâu thực hiện dự án để đảm
bảo việc quản lý và sử dụng nguồn vốn đầu tư công đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu
quả.
h) Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền
theo hướng chuyên nghiệp hóa cả về nội dung và phương pháp tiếp cận người tham
gia, phát huy vai trò của các cơ quan thông tin đại chúng trong công tác tuyên
truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN. Tích cực phối hợp với
các Bộ, ngành liên quan tổ chức công tác tuyên truyền theo các nhóm đối tượng tại
cơ sở trong giai đoạn 2016 - 2020 theo tinh thần của Nghị quyết số 21-NQ/TW
ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với
công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020.
i) Đẩy mạnh hoạt động hợp tác, đối ngoại đa phương
theo hướng chủ động đóng góp, tích cực tham gia các đề xuất, cơ chế hợp tác phù
hợp với Việt Nam thông qua các diễn đàn an sinh xã hội khu vực và thế giới; mở
rộng các mối quan hệ hợp tác song phương thiết thực với các tổ chức an sinh xã
hội nước ngoài, trong đó ưu tiên các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, các quốc
gia có hệ thống an sinh xã hội phát triển trên thế giới; triển khai thực hiện
có hiệu quả Chiến lược Hội nhập quốc tế của ngành BHXH đến năm 2020, định hướng
đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 146/QĐ-TTg
ngày 20/01/2016 và Kế hoạch số 3635/KH-BHXH ngày 21/9/2016 thực hiện chiến lược
hội nhập quốc tế giai đoạn 2016 - 2020 của ngành BHXH.
k) Xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả; nâng cao chất
lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo có năng lực, phẩm chất, tinh
thần trách nhiệm và tính chuyên nghiệp cao, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược;
tăng cường và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng.
2. Giải pháp
a) Thống nhất công tác chỉ đạo triển khai thực hiện
Chương trình hành động của Ngành từ Trung ương đến địa phương; gắn bó, tranh thủ
sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp chặt chẽ với
các sở, ngành có liên quan tổ chức có hiệu quả nhiệm vụ được giao.
b) Thủ trưởng các đơn vị, Giám đốc BHXH các tỉnh,
thành phố trong phạm vi quản lý của mình có trách nhiệm tăng cường công tác chỉ
đạo điều hành theo hướng quyết liệt, hiệu quả, chuyên nghiệp, đề cao vai trò,
trách nhiệm của người đứng đầu, gắn chỉ đạo điều hành với cải cách hành chính
và thực thi công vụ; Xác định cụ thể các mục tiêu, chỉ tiêu của từng nhiệm vụ
nêu trên trong giai đoạn 2016 - 2020 phù hợp với địa phương, đơn vị mình, đồng
thời xây dựng kế hoạch, phân công rõ ràng trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân
và đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc triển khai thực hiện.
c) Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng
liên quan để hoàn thiện về cơ chế, chính sách và tăng cường hơn nữa các biện
pháp quản lý đối với các lĩnh vực thu, chi, giải quyết chế độ, chính sách, quản
lý và sử dụng quỹ BHXH, BHYT, BHTN nhằm làm giảm và đẩy lùi tình trạng tham
nhũng, tiêu cực.
d) Rà soát, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, điều
chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị; Đổi mới công tác tuyển dụng, sử dụng,
đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá công chức, viên chức; Sửa đổi, bổ sung các quy định
về điều kiện tiêu chuẩn đối với công chức, viên chức và quy trình bổ nhiệm cán
bộ quản lý; Thực hiện tinh giảm biên chế gắn với cải cách công vụ, công chức,
viên chức.
đ) Thường xuyên tổng kết, đánh giá, đề xuất cơ quan
chức năng sửa đổi, bổ sung, ban hành cơ chế, chính sách và quy định pháp luật về
BHXH, BHYT, BHTN phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
e) Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ,
công chức, viên chức và người lao động.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Căn cứ Chương trình hành động này, Thủ trưởng
các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương xác định cụ thể mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ chủ yếu của địa
phương, đơn vị mình, đưa việc thực hiện Chương trình hành động vào Chương trình
công tác trọng tâm hàng năm của địa phương, đơn vị và tổ chức kiểm tra, đôn đốc
việc triển khai thực hiện.
2. Giao Văn phòng BHXH Việt Nam chủ trì, phối hợp với
Vụ Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, đôn đốc triển khai thực hiện Chương trình hành
động. Trong quá trình tổ chức thực hiện chủ động báo cáo, kiến nghị với Tổng
Giám đốc về các biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo Chương trình hành động được thực
hiện hiệu quả.
3. Chế độ thông tin, báo cáo: định kỳ hàng năm (trước
ngày 15 tháng 11), các địa phương, đơn vị đánh giá tình hình triển khai thực hiện
và kết quả thực hiện Chương trình hành động, tổng hợp chung vào báo cáo kết quả
thực hiện Chương trình hành động của BHXH Việt Nam thực hiện Nghị quyết
63/NQ-CP ngày 22/7/2016 của Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số
3141/QĐ-BHXH ngày 12/12/2016, gửi về BHXH Việt Nam (qua Vụ Kế hoạch và Đầu tư)
để tổng hợp, báo cáo theo quy định.