Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 số 08/2022/QH15 áp dụng năm 2024

Số hiệu: 08/2022/QH15 Loại văn bản: Luật
Nơi ban hành: Quốc hội Người ký: Vương Đình Huệ
Ngày ban hành: 16/06/2022 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

05 loại Hợp đồng bảo hiểm theo Luật kinh doanh bảo hiểm 2022

Đây là nội dung đáng chú ý tại Luật kinh doanh bảo hiểm 2022 được thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV ngày 16/06/2022.

Theo đó, 05 loại Hợp đồng bảo hiểm được quy định như sau:

- Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ;

- Hợp đồng bảo hiểm sức khỏe;  

- Hợp đồng bảo hiểm tài sản;

- Hợp đồng bảo hiểm thiệt hại;

- Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm.

Trong đó, Hợp đồng bảo hiểm tài sản; Hợp đồng bảo hiểm thiệt hại; Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm thuộc loại hình bảo hiểm phi nhân thọ.

Như vậy, so với hiện hành thì đã mở rộng hơn các loại Hợp đồng bảo hiểm hơn, tại Luật kinh doanh bảo hiểm 2000 chỉ quy định 03 loại là:

- Hợp đồng bảo hiểm con người;

- Hợp đồng bảo hiểm tài sản;

- Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự.

Đối với loại Hợp đồng bảo hiểm hàng hải được thực hiện theo quy định của Bộ luật Hàng hải; nội dung không quy định tại Bộ luật Hàng hải thì thực hiện theo quy định của Luật này.

Luật kinh doanh bảo hiểm 2022 có hiệu lực từ 01/01/2023, trừ Khoản 3 Điều 86, khoản 4 và khoản 5 Điều 94, Điều 95, khoản 3 và khoản 4 Điều 99, các điều 109, 110, 111, 112, 113, 114 và 116 của Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2028.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số: 08/2022/QH15

Hà Nội, ngày 16 tháng 6 năm 2022

LUẬT

KINH DOANH BẢO HIỂM

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Luật này quy định về tổ chức và hoạt động kinh doanh bảo hiểm; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

2. Luật này không áp dụng đối với bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tiền gửi và các loại bảo hiểm khác do Nhà nước thực hiện không mang tính kinh doanh.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô.

2. Chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài (sau đây gọi là chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam).

3. Văn phòng đại diện của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài, tập đoàn tài chính, bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi là văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam).

4. Bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, người thụ hưởng.

5. Cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

6. Tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Điều 3. Áp dụng Luật Kinh doanh bảo hiểm, luật khác có liên quan và tập quán quốc tế

1. Trường hợp luật khác ban hành sau ngày Luật này có hiệu lực thi hành cần quy định khác với quy định của Luật này về hợp đồng bảo hiểm, thành lập, tổ chức hoạt động, hoạt động nghiệp vụ, tài chính, hạch toán kế toán và báo cáo tài chính, khả năng thanh toán và biện pháp can thiệp đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm thì phải xác định cụ thể nội dung thực hiện hoặc không thực hiện theo quy định của Luật này.

2. Các bên tham gia hợp đồng bảo hiểm, tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm có thể thỏa thuận áp dụng tập quán quốc tế trong trường hợp có ít nhất một trong các bên tham gia là tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc các bên tham gia là tổ chức Việt Nam, công dân Việt Nam nhưng đối tượng bảo hiểm hoặc việc thực hiện hợp đồng ở nước ngoài. Nếu hậu quả của việc áp dụng tập quán quốc tế trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam thì pháp luật Việt Nam được áp dụng.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm bao gồm kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm và các hoạt động có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm bao gồm đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

2. Kinh doanh bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô chấp nhận rủi ro của người được bảo hiểm, trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

3. Kinh doanh tái bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam nhận một khoản phí tái bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam khác, doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, tổ chức bảo hiểm nước ngoài để cam kết bồi thường cho các trách nhiệm đã nhận bảo hiểm.

4. Nhượng tái bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam chuyển giao một phần trách nhiệm đã nhận tái bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam khác, doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, tổ chức bảo hiểm nước ngoài trên cơ sở thanh toán phí nhượng tái bảo hiểm.

5. Hoạt động đại lý bảo hiểm là một hoặc một số hoạt động theo ủy quyền của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, bao gồm: tư vấn sản phẩm bảo hiểm; giới thiệu sản phẩm bảo hiểm; chào bán sản phẩm bảo hiểm; thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm; thu phí bảo hiểm; thu thập hồ sơ để phục vụ việc giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm.

6. Hoạt động môi giới bảo hiểm là hoạt động cung cấp thông tin, tư vấn cho bên mua bảo hiểm về loại hình bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm, chương trình bảo hiểm, điều kiện, điều khoản, phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam; các hoạt động liên quan đến việc đàm phán, thu xếp giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm, tái bảo hiểm.

7. Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm bao gồm tư vấn, đánh giá rủi ro bảo hiểm, tính toán bảo hiểm, giám định tổn thất bảo hiểm, hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm. Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm không bao gồm việc doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô tự thực hiện để triển khai hoạt động kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm của chính tổ chức đó.

8. Tư vấn là hoạt động cung cấp dịch vụ tư vấn về chương trình bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm, quản trị rủi ro bảo hiểm, đề phòng, hạn chế tổn thất bảo hiểm.

9. Đánh giá rủi ro bảo hiểm là hoạt động nhận diện, phân loại, đánh giá tính chất và mức độ rủi ro, đánh giá việc quản trị rủi ro về con người, tài sản, trách nhiệm dân sự làm cơ sở tham gia bảo hiểm, tái bảo hiểm.

10. Tính toán bảo hiểm là hoạt động thu thập, phân tích số liệu thống kê, tính phí bảo hiểm, dự phòng nghiệp vụ, vốn, khả năng thanh toán, đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh, xác định giá trị doanh nghiệp để bảo đảm an toàn tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô.

11. Giám định tổn thất bảo hiểm là hoạt động xác định hiện trạng, nguyên nhân, mức độ tổn thất và tính toán phân bổ trách nhiệm bồi thường tổn thất làm cơ sở giải quyết bồi thường bảo hiểm.

12. Hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm là hoạt động hỗ trợ bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, người thụ hưởng hoặc doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô thực hiện các thủ tục giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm.

13. Bảo hiểm nhân thọ là loại hình bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm sống hoặc chết.

14. Bảo hiểm phi nhân thọ là loại hình bảo hiểm cho những thiệt hại về tài sản và những tổn thất khác hoặc trách nhiệm dân sự đối với người thứ ba.

15. Bảo hiểm sức khỏe là loại hình bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm bị thương tật, tai nạn, ốm đau, bệnh tật hoặc chăm sóc sức khỏe.

16. Hợp đồng bảo hiểm là sự thoả thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng.

17. Doanh nghiệp bảo hiểm là doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và luật khácliên quan để kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm bao gồm doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe.

18. Doanh nghiệp tái bảo hiểm là doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và luật khác có liên quan để kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm.

19. Chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, không có tư cách pháp nhân, được doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài bảo đảm và chịu trách nhiệm về mọi nghĩa vụ, cam kết trong thời gian hoạt động tại Việt Nam.

20. Chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, không có tư cách pháp nhân, được doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài bảo đảm và chịu trách nhiệm về mọi nghĩa vụ, cam kết trong thời gian hoạt động tại Việt Nam.

21. Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm là doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và luật khác có liên quan để thực hiện các hoạt động môi giới bảo hiểm.

22. Bảo hiểm vi mô là bảo hiểm hướng tới các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp nhằm bảo vệ họ trước những rủi ro về tính mạng, sức khỏe và tài sản.

23. Tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô là tổ chức có tư cách pháp nhân, hạch toán độc lập, do các thành viên hoặc tổ chức đại diện thành viên thành lập để triển khai bảo hiểm vi mô không vì mục đích lợi nhuận nhằm tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên tham gia bảo hiểm trên nguyên tắc tự nguyện, tự chủ tài chính và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật trong phạm vi tài sản hình thành từ hoạt động bảo hiểm vi mô.

24. Bên mua bảo hiểm là tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng bảo hiểm với doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô và đóng phí bảo hiểm.

25. Người được bảo hiểm là tổ chức, cá nhân có tài sản, trách nhiệm dân sự, sức khỏe, tính mạng, nghĩa vụ hoặc lợi ích kinh tế được bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm.

26. Người thụ hưởng là tổ chức, cá nhân được bên mua bảo hiểm hoặc người được bảo hiểm chỉ định để nhận tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

27. Sự kiện bảo hiểm là sự kiện khách quan do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật quy định mà khi sự kiện đó xảy ra thì doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

28. Phí bảo hiểm là khoản tiền mà bên mua bảo hiểm phải đóng cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô theo quy định của pháp luật hoặc do các bên thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

29. Đồng bảo hiểm là trường hợp các doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài cùng thống nhất giao kết với bên mua bảo hiểm trên một hợp đồng bảo hiểm, trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài nhận phí bảo hiểm và bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo tỷ lệ đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

Điều 5. Chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm

1. Nhà nước bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm và các tổ chức hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

2. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô nghiên cứu, phát triển sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

3. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô đầu tư trở lại nền kinh tế, tái đầu tư, xây dựng thị trường bảo hiểm.

4. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện đối với việc triển khai và tham gia các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, các sản phẩm bảo hiểm vi mô và các sản phẩm bảo hiểm vì mục tiêu an sinh, xã hội.

Điều 6. Nguyên tắc cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm

1. Tổ chức, cá nhân tại Việt Nam có nhu cầu tham gia bảo hiểm chỉ được tham gia bảo hiểm tại doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô được cấp giấy phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam, trừ trường hợp sử dụng dịch vụ bảo hiểm qua biên giới theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

2. Chính phủ quy định chi tiết việc cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm qua biên giới, dịch vụ môi giới bảo hiểm qua biên giới, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới phù hợp với các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 7. Các loại hình bảo hiểm

1. Các loại hình bảo hiểm bao gồm:

a) Bảo hiểm nhân thọ;

b) Bảo hiểm sức khỏe;

c) Bảo hiểm phi nhân thọ.

2. Chính phủ quy định chi tiết các nghiệp vụ bảo hiểm tương ứng với các loại hình bảo hiểm quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 8. Bảo hiểm bắt buộc

1. Bảo hiểm bắt buộc là sản phẩm bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội.

2. Bảo hiểm bắt buộc bao gồm:

a) Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới;

b) Bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc;

c) Bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng;

d) Bảo hiểm bắt buộc quy định tại luật khác đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc có nghĩa vụ mua bảo hiểm bắt buộc và được lựa chọn tham gia bảo hiểm bắt buộc tại doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được phép triển khai.

4. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được phép triển khai bảo hiểm bắt buộc không được từ chối bán khi tổ chức, cá nhân đáp ứng đủ điều kiện mua bảo hiểm bắt buộc theo quy định của pháp luật.

5. Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với bảo hiểm bắt buộc quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 9. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm khi không có giấy phép thành lập và hoạt động.

2. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm không đúng phạm vi được cấp phép.

3. Hoạt động đại lý bảo hiểm, hoạt động dịch vụ phụ trợ bảo hiểm khi không đáp ứng điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật.

4. Thực hiện các hành vi gian lận bao gồm:

a) Thông đồng với người thụ hưởng để giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật;

b) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm;

c) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;

d) Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm.

5. Đe dọa, cưỡng ép giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Điều 10. Tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm

1. Tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật về hội, có trách nhiệm tuân thủ quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm và chịu sự giám sát của Bộ Tài chính.

2. Tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm có trách nhiệm ban hành bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp, các quy tắc, chuẩn mực để áp dụng chung cho các thành viên của tổ chức; phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.

Điều 11. Cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm

1. Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm xây dựng, quản lý và vận hành cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhằm phục vụ hoạt động quản lý nhà nước, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

2. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô có trách nhiệm cung cấp thông tin về bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, đại lý bảo hiểm và thông tin khác có liên quan để xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

3. Việc thu thập, sử dụng, lưu giữ và cung cấp thông tin cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm phải bảo đảm bảo mật, an toàn thông tin, tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh.

Cơ quan nhà nước, tổ chức khác, cá nhân phải sử dụng thông tin được cung cấp đúng mục đích và không được cung cấp cho bên thứ ba mà không có sự chấp thuận của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, trừ trường hợp cung cấp theo quy định của pháp luật.

4. Cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm được kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.

5. Chính phủ quy định chi tiết về xây dựng, thu thập, sử dụng, lưu giữ, quản lý và cung cấp thông tin cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, việc kết nối giữa cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm với các cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.

Điều 12. Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm

1. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhằm mục đích sau đây:

a) Nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh bảo hiểm, bao gồm: xây dựng, thiết kế sản phẩm bảo hiểm, đánh giá rủi ro, thẩm định, giao kết hợp đồng, quản lý hợp đồng, giám định tổn thất, giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm; quản trị doanh nghiệp và phương thức cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm;

b) Hiện đại hóa công tác thống kê, báo cáo; cắt giảm thủ tục hành chính; xây dựng hệ thống công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhằm phục vụ công tác quản lý, giám sát, phân tích, dự báo về thị trường bảo hiểm và phòng, chống gian lận bảo hiểm.

2. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm phải tuân thủ quy định của Luật này, pháp luật về giao dịch điện tử, công nghệ thông tin, an ninh mạng, phòng, chống rửa tiền và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Chính phủ quy định những vấn đề mới phát sinh liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Điều 13. Yêu cầu về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm

Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm chủ động thiết lập, duy trì và vận hành hệ thống công nghệ thông tin phù hợp với quy mô hoạt động và đáp ứng yêu cầu tối thiểu sau đây:

1. Có hệ thống máy chủ, hệ thống phần mềm và các giải pháp kỹ thuật để cập nhật, thống kê, xử lý, lưu trữ thông tin đáp ứng yêu cầu quản lý hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đáp ứng yêu cầu an ninh mạng, an toàn thông tin mạng;

2. Có hệ thống công nghệ thông tin tạo thuận lợi cho việc điều hành, kiểm soát rủi ro của doanh nghiệp và công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý;

3. Có giải pháp về công nghệ thông tin để dự phòng thảm họa và bảo đảm không bị gián đoạn hoạt động kinh doanh.

Điều 14. Cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng

1. Tổ chức, cá nhân được phép cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng bao gồm:

a) Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô;

b) Đại lý bảo hiểm;

c) Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.

2. Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng thực hiện các quy định sau đây:

a) Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô được chủ động lựa chọn các hình thức cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng;

b) Đại lý bảo hiểm chỉ được cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng trong phạm vi hợp đồng đại lý bảo hiểm;

c) Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô thực hiện cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng phải chịu trách nhiệm với bên mua bảo hiểm nếu hoạt động cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm đó làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm;

d) Tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng bảo hiểm trên môi trường mạng có trách nhiệm cung cấp trung thực, chính xác các thông tin theo quy định tại Điều 22 của Luật này.

3. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết Điều này.

Chương II

HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM

Mục 1. QUY ĐỊNH CHUNG VỀ HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM

Điều 15. Hợp đồng bảo hiểm

1. Các loại hợp đồng bảo hiểm bao gồm:

a) Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ;

b) Hợp đồng bảo hiểm sức khỏe;

c) Hợp đồng bảo hiểm tài sản;

d) Hợp đồng bảo hiểm thiệt hại;

đ) Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm.

Hợp đồng bảo hiểm quy định tại các điểm c, d và đ khoản này thuộc loại hình bảo hiểm phi nhân thọ.

2. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và bên mua bảo hiểm có thể thỏa thuận giao kết một loại hợp đồng bảo hiểm hoặc kết hợp nhiều loại hợp đồng bảo hiểm quy định tại khoản 1 Điều này và bảo đảm phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 63 của Luật này.

3. Hợp đồng bảo hiểm hàng hải được thực hiện theo quy định của Bộ luật Hàng hải; nội dung không quy định tại Bộ luật Hàng hải thì thực hiện theo quy định của Luật này.

4. Nội dung liên quan đến hợp đồng bảo hiểm không được quy định trong Luật này thì thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Điều 16. Nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm

Việc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và các nguyên tắc sau đây:

1. Nguyên tắc trung thực tuyệt đối: các bên tham gia hợp đồng bảo hiểm phải cung cấp thông tin, thực hiện các quyền và nghĩa vụ một cách trung thực nhất, trên cơ sở tin tưởng tuyệt đối lẫn nhau trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm;

2. Nguyên tắc quyền lợi có thể được bảo hiểm: bên mua bảo hiểm phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm phù hợp với từng loại hợp đồng bảo hiểm theo quy định của Luật này;

3. Nguyên tắc bồi thường: số tiền bồi thường mà người được bảo hiểm nhận được không vượt quá thiệt hại thực tế trong sự kiện bảo hiểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm;

4. Nguyên tắc thế quyền: người được bảo hiểm có trách nhiệm chuyển giao cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài quyền yêu cầu người thứ ba có hành vi gây thiệt hại chịu trách nhiệm bồi hoàn trong phạm vi số tiền bồi thường bảo hiểm. Nguyên tắc này không áp dụng đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và hợp đồng bảo hiểm sức khỏe;

5. Nguyên tắc rủi ro ngẫu nhiên: rủi ro được bảo hiểm phải là những rủi ro bất ngờ, không lường trước được.

Điều 17. Nội dung của hợp đồng bảo hiểm

1. Hợp đồng bảo hiểm phải có những nội dung chủ yếu sau đây:

a) Bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, người thụ hưởng (nếu có), doanh nghiệp bảo hiểm hoặc chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài;

b) Đối tượng bảo hiểm;

c) Số tiền bảo hiểm hoặc giá trị tài sản được bảo hiểm hoặc giới hạn trách nhiệm bảo hiểm;

d) Phạm vi hoặc quyền lợi bảo hiểm; quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm;

đ) Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và bên mua bảo hiểm;

e) Thời hạn bảo hiểm, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm;

g) Mức phí bảo hiểm, phương thức đóng phí bảo hiểm;

h) Phương thức bồi thường, trả tiền bảo hiểm;

i) Phương thức giải quyết tranh chấp.

2. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết khoản 1 Điều này đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và hợp đồng bảo hiểm sức khỏe.

Điều 18. Hình thức, bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm

Hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản. Bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng, giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Điều 19. Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm

1. Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm quy định các trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm.

2. Trường hợp có điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm, phải giải thích rõ ràng, đầy đủ và có bằng chứng xác nhận việc bên mua bảo hiểm đã được doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài giải thích đầy đủ và hiểu rõ nội dung này khi giao kết hợp đồng bảo hiểm.

3. Trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan dẫn đến bên mua bảo hiểm chậm thông báo sự kiện bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài không được áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm về việc chậm thông báo.

Điều 20. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài

1. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có các quyền sau đây:

a) Thu phí bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm;

b) Yêu cầu bên mua bảo hiểm cung cấp đầy đủ, trung thực mọi thông tin có liên quan đến việc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm;

c) Hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm quy định tại khoản 2 Điều 22 hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm quy định tại Điều 26 của Luật này;

d) Từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm trong trường hợp không thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm hoặc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm;

đ) Yêu cầu bên mua bảo hiểm áp dụng các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

e) Yêu cầu người thứ ba bồi hoàn số tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài đã bồi thường cho người được bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản; lợi ích kinh tế hoặc nghĩa vụ thực hiện hợp đồng hoặc nghĩa vụ theo pháp luật; trách nhiệm dân sự do người thứ ba gây ra;

g) Quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có các nghĩa vụ sau đây:

a) Cung cấp cho bên mua bảo hiểm bản yêu cầu bảo hiểm, bảng câu hỏi liên quan đến rủi ro được bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm;

b) Giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyềnnghĩa vụ của bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm;

c) Cung cấp cho bên mua bảo hiểm bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm quy định tại Điều 18 của Luật này;

d) Cấp hóa đơn thu phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm và quy định của pháp luật có liên quan;

đ) Bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm;

e) Giải thích bằng văn bản lý do từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm;

g) Phối hợp với bên mua bảo hiểm để giải quyết yêu cầu của người thứ ba đòi bồi thường về những thiệt hại thuộc trách nhiệm bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm;

h) Lưu trữ hồ sơ hợp đồng bảo hiểm theo quy định của pháp luật;

i) Bảo mật thông tin do bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm cung cấp, trừ trường hợp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc được sự đồng ý của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm;

k) Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 21. Quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm

1. Bên mua bảo hiểm có các quyền sau đây:

a) Lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài để giao kết hợp đồng bảo hiểm;

b) Yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài cung cấp bản yêu cầu bảo hiểm, bảng câu hỏi liên quan đến rủi ro được bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm và giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm;

c) Yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài cung cấp bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm quy định tại Điều 18 của Luật này;

d) Yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài cấp hóa đơn thu phí bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm và quy định của pháp luật có liên quan;

đ) Hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm quy định tại khoản 3 Điều 22 và Điều 35 hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm quy định tại Điều 26 của Luật này;

e) Yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm;

g) Chuyển giao hợp đồng bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm hoặc theo quy định của pháp luật;

h) Quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Bên mua bảo hiểm có các nghĩa vụ sau đây:

a) Kê khai đầy đủ, trung thực mọi thông tin có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài;

b) Đọc và hiểu rõ điều kiện, điều khoản bảo hiểm, quyền, nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm và nội dung khác của hợp đồng bảo hiểm;

c) Đóng phí bảo hiểm đầy đủ, đúng hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm;

d) Thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài những trường hợp có thể làm tăng rủi ro hoặc giảm rủi ro hoặc làm phát sinh thêm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài trong quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm;

đ) Thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài về việc xảy ra sự kiện bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm; phối hợp với doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài trong giám định tổn thất;

e) Áp dụng các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

g) Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 22. Trách nhiệm và hậu quả pháp lý do vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin

1. Khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm; bên mua bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin liên quan đến đối tượng bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.

2. Trường hợp bên mua bảo hiểm cố ý cung cấp không đầy đủ thông tin hoặc cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm để được bồi thường, trả tiền bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có quyền hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm và phải hoàn lại phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm sau khi trừ đi các chi phí hợp lý (nếu có) theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Bên mua bảo hiểm phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài (nếu có).

3. Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài cố ý không thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm có quyền hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm, được hoàn lại phí bảo hiểm đã đóng. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho bên mua bảo hiểm (nếu có).

Điều 23. Thay đổi mức độ rủi ro được bảo hiểm

1. Khi có sự thay đổi những yếu tố làm cơ sở để tính phí bảo hiểm dẫn đến giảm các rủi ro được bảo hiểm, căn cứ thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm có quyền yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài thực hiện một trong các nội dung sau đây:

a) Giảm phí bảo hiểm cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm;

b) Tăng số tiền bảo hiểm cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm;

c) Kéo dài thời hạn bảo hiểm;

d) Mở rộng phạm vi bảo hiểm cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm.

2. Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài không chấp nhận yêu cầu tại khoản 1 Điều này, bên mua bảo hiểm có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm nhưng phải thông báo ngay bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.

3. Khi có sự thay đổi những yếu tố làm cơ sở để tính phí bảo hiểm dẫn đến tăng các rủi ro được bảo hiểm, căn cứ thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có quyền thực hiện một trong các nội dung sau đây:

a) Tính lại phí bảo hiểm cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm;

b) Giảm số tiền bảo hiểm cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm;

c) Rút ngắn thời hạn bảo hiểm;

d) Thu hẹp phạm vi bảo hiểm cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm.

4. Trường hợp bên mua bảo hiểm không chấp nhận yêu cầu tại khoản 3 Điều này, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm nhưng phải thông báo ngay bằng văn bản cho bên mua bảo hiểm.

Điều 24. Giải thích hợp đồng bảo hiểm

Trường hợp hợp đồng bảo hiểm có điều khoản không rõ ràng dẫn đến có cách hiểu khác nhau thì điều khoản đó được giải thích theo hướng có lợi cho bên mua bảo hiểm.

Điều 25. Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu

1. Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu trong trường hợp sau đây:

a) Bên mua bảo hiểm không có quyền lợi có thể được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm;

b) Không có đối tượng bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm;

c) Tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm biết sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;

d) Mục đích, nội dung hợp đồng bảo hiểm vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội;

đ) Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và bên mua bảo hiểm giao kết hợp đồng bảo hiểm giả tạo;

e) Bên mua bảo hiểm là người chưa thành niên; người mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

g) Hợp đồng bảo hiểm được giao kết có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng, trừ trường hợp mục đích giao kết hợp đồng của các bên đã đạt được hoặc các bên có thể khắc phục ngay được sự nhầm lẫn làm cho mục đích của việc giao kết hợp đồng vẫn đạt được;

h) Hợp đồng bảo hiểm được giao kết do bị lừa dối, trừ trường hợp quy định tại Điều 22 của Luật này;

i) Hợp đồng bảo hiểm được giao kết do bị đe dọa, cưỡng ép;

k) Bên mua bảo hiểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình khi giao kết hợp đồng bảo hiểm;

l) Hợp đồng bảo hiểm không tuân thủ quy định về hình thức quy định tại Điều 18 của Luật này.

2. Khi hợp đồng bảo hiểm vô hiệu thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và bên mua bảo hiểm hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Điều 26. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm

Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài hoặc bên mua bảo hiểm có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm trong trường hợp sau đây:

1. Bên mua bảo hiểm không đóng phí bảo hiểm hoặc không đóng đủ phí bảo hiểm theo thời hạn thỏa thuận hoặc sau thời gian gia hạn đóng phí;

2. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, bên mua bảo hiểm không chấp nhận yêu cầu về thay đổi mức độ rủi ro được bảo hiểm quy định tại Điều 23 của Luật này;

3. Người được bảo hiểm không thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho đối tượng bảo hiểm quy định tại khoản 3 Điều 55 của Luật này;

4. Bên mua bảo hiểm không đồng ý chuyển giao danh mục hợp đồng bảo hiểm quy định tại khoản 4 Điều 92 của Luật này.

Điều 27. Hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm

1. Trường hợp đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm quy định tại khoản 1 Điều 26 của Luật này thì thực hiện như sau:

a) Bên mua bảo hiểm vẫn phải đóng đủ phí bảo hiểm đến thời điểm đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm. Quy định này không áp dụng đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, hợp đồng bảo hiểm sức khỏe, trừ hợp đồng bảo hiểm nhóm;

b) Đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và hợp đồng bảo hiểm sức khỏe, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có trách nhiệm trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra trước thời điểm đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm và có quyền khấu trừ phí bảo hiểm đến thời điểm đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm;

c) Đối với hợp đồng bảo hiểm tài sản, hợp đồng bảo hiểm thiệt hại và hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có trách nhiệm bồi thường cho người được bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra trước thời điểm đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm và có quyền khấu trừ phí bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

2. Trường hợp đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 26 của Luật này, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có trách nhiệm hoàn phí bảo hiểm đã đóng cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có trách nhiệm bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra trước thời điểm đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm.

3. Trường hợp đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 26 của Luật này, đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có giá trị hoàn lại, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho bên mua bảo hiểm giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

4. Trường hợp đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm quy định tại khoản 4 Điều 26 của Luật này, bên mua bảo hiểm được nhận lại giá trị hoàn lại hoặc phí bảo hiểm đã đóng tương ứng với thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm phù hợp với từng sản phẩm bảo hiểm. Trường hợp giá trị tài sản thấp hơn so với dự phòng nghiệp vụ của danh mục hợp đồng bảo hiểm được chuyển giao, số tiền bên mua bảo hiểm nhận lại được tính toán trên cơ sở tỷ lệ giữa giá trị tài sản và dự phòng nghiệp vụ của danh mục hợp đồng bảo hiểm được chuyển giao.

Điều 28. Chuyển giao hợp đồng bảo hiểm

1. Bên mua bảo hiểm có quyền chuyển giao hợp đồng bảo hiểm. Đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, việc chuyển giao phải được sự đồng ý bằng văn bản của người được bảo hiểm hoặc người đại diện theo pháp luật của người được bảo hiểm.

2. Bên nhận chuyển giao hợp đồng bảo hiểm phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm, được kế thừa quyền và nghĩa vụ của bên chuyển giao.

3. Việc chuyển giao hợp đồng bảo hiểm chỉ có hiệu lực khi bên mua bảo hiểm thông báo bằng văn bản và được doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài đồng ý bằng văn bản, trừ trường hợp việc chuyển giao được thực hiện theo tập quán quốc tế hoặc theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

Điều 29. Trách nhiệm trong trường hợp tái bảo hiểm

1. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài chịu trách nhiệm duy nhất đối với bên mua bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm, kể cả trong trường hợp tái bảo hiểm những trách nhiệm đã nhận bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài không được từ chối hoặc trì hoãn thực hiện trách nhiệm của mình đối với bên mua bảo hiểm kể cả trường hợp doanh nghiệp, tổ chức nhận tái bảo hiểm không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tái bảo hiểm những trách nhiệm đã nhận.

2. Doanh nghiệp, tổ chức nhận tái bảo hiểm không được yêu cầu bên mua bảo hiểm trực tiếp đóng phí bảo hiểm cho mình, trừ trường hợp có thoả thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm.

3. Bên mua bảo hiểm không được yêu cầu doanh nghiệp, tổ chức nhận tái bảo hiểm bồi thường, trả tiền bảo hiểm cho mình, trừ trường hợp có thoả thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm.

Điều 30. Thời hạn nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm

1. Thời hạn nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm là 01 năm kể từ ngày xảy ra sự kiện bảo hiểm. Thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan không tính vào thời hạn nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm.

2. Trường hợp người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng chứng minh được rằng không biết thời điểm xảy ra sự kiện bảo hiểm thì thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này được tính từ ngày người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng biết việc xảy ra sự kiện bảo hiểm đó.

3. Trường hợp người thứ ba yêu cầu bên mua bảo hiểm bồi thường về những thiệt hại thuộc trách nhiệm bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm thì thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này được tính từ ngày người thứ ba yêu cầu.

Điều 31. Thời hạn bồi thường, trả tiền bảo hiểm

1. Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Trường hợp không có thỏa thuận về thời hạn thì doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ về yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm.

2. Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài chậm bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo quy định tại khoản 1 Điều này thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất đối với số tiền chậm trả được xác định theo thỏa thuận của các bên theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Điều 32. Phương thức giải quyết tranh chấp

Tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm được giải quyết thông qua thương lượng giữa các bên. Trường hợp không thương lượng được thì tranh chấp được giải quyết thông qua hòa giải hoặc Trọng tài hoặc Tòa án theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm và quy định của pháp luật.

Mục 2. HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM NHÂN THỌ, HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM SỨC KHỎE

Điều 33. Đối tượng bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, hợp đồng bảo hiểm sức khỏe

1. Đối tượng bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là tuổi thọ, tính mạng con người.

2. Đối tượng bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm sức khỏe là sức khoẻ con người.

Điều 34. Quyền lợi có thể được bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, hợp đồng bảo hiểm sức khỏe

1. Bên mua bảo hiểm có quyền lợi có thể được bảo hiểm đối với những người sau đây:

a) Bản thân bên mua bảo hiểm;

b) Vợ, chồng, cha, mẹ, con của bên mua bảo hiểm;

c) Anh ruột, chị ruột, em ruột hoặc người khác có quan hệ nuôi dưỡng, cấp dưỡng với bên mua bảo hiểm;

d) Người có quyền lợi về tài chính hoặc quan hệ lao động với bên mua bảo hiểm;

đ) Người được bảo hiểm đồng ý bằng văn bản cho bên mua bảo hiểm mua bảo hiểm sức khỏe cho mình.

2. Tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm.

Điều 35. Thời gian cân nhắc tham gia bảo hiểm

Đối với các hợp đồng bảo hiểm có thời hạn trên 01 năm, trong thời hạn 21 ngày kể từ ngày nhận được hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm có quyền từ chối tiếp tục tham gia bảo hiểm. Trường hợp bên mua bảo hiểm từ chối tiếp tục tham gia bảo hiểm thì hợp đồng bảo hiểm sẽ bị hủy bỏ, bên mua bảo hiểm được hoàn lại phí bảo hiểm đã đóng sau khi trừ đi chi phí hợp lý (nếu có) theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm; doanh nghiệp bảo hiểm không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

Điều 36. Bảo hiểm tạm thời trong bảo hiểm nhân thọ

Doanh nghiệp bảo hiểm cấp bảo hiểm tạm thời cho bên mua bảo hiểm kể từ thời điểm nhận được yêu cầu bảo hiểm và phí bảo hiểm tạm tính của bên mua bảo hiểm. Thời hạn bảo hiểm, số tiền bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm tạm thời do doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận. Bảo hiểm tạm thời kết thúc sau khi doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận hoặc từ chối bảo hiểm hoặc trường hợp khác theo thỏa thuận.

Điều 37. Đóng phí bảo hiểm nhân thọ

1. Bên mua bảo hiểm có thể đóng phí bảo hiểm một lần hoặc nhiều lần theo thời hạn, phương thức thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

2. Trường hợp phí bảo hiểm được đóng nhiều lần và bên mua bảo hiểm đã đóng một hoặc một số kỳ phí bảo hiểm nhưng không thể đóng được các khoản phí bảo hiểm tiếp theo thì thời gian gia hạn đóng phí là 60 ngày.

3. Các bên có thể thỏa thuận khôi phục hiệu lực hợp đồng bảo hiểm đã bị đơn phương chấm dứt thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 26 của Luật này trong thời hạn 02 năm kể từ ngày bị chấm dứt và bên mua bảo hiểm đã đóng số phí bảo hiểm còn thiếu.

4. Trường hợp bên mua bảo hiểm không đóng hoặc không đóng đủ phí bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm không được tự ý khấu trừ phí bảo hiểm từ giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm khi chưa có sự đồng ý của bên mua bảo hiểm và không được khởi kiện đòi bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm. Quy định này không áp dụng đối với bảo hiểm nhóm.

Điều 38. Không được yêu cầu người thứ ba bồi hoàn

Trường hợp người được bảo hiểm chết, bị thương tật hoặc đau ốm do hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp của người thứ ba gây ra, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài vẫn có nghĩa vụ bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm mà không có quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn khoản tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài đã trả cho người thụ hưởng. Người thứ ba vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người được bảo hiểm theo quy định của pháp luật.

Điều 39. Giao kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, hợp đồng bảo hiểm sức khỏe cho trường hợp chết của người khác

1. Khi bên mua bảo hiểm giao kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, hợp đồng bảo hiểm sức khỏe cho trường hợp chết của người khác thì phải được người đó đồng ý bằng văn bản, trong đó ghi rõ số tiền bảo hiểm và người thụ hưởng.

2. Không được giao kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, hợp đồng bảo hiểm sức khỏe cho trường hợp chết của những người sau đây:

a) Người chưa thành niên, trừ trường hợp cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó đồng ý bằng văn bản;

b) Người mất năng lực hành vi dân sự;

c) Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;

d) Người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Điều 40. Các trường hợp không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm

1. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm trong trường hợp sau đây:

a) Người được bảo hiểm chết do tự tử trong thời hạn 02 năm kể từ ngày nộp khoản phí bảo hiểm đầu tiên hoặc kể từ ngày hợp đồng bảo hiểm khôi phục hiệu lực;

b) Người được bảo hiểm chết do lỗi cố ý của bên mua bảo hiểm hoặc lỗi cố ý của người thụ hưởng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này;

c) Người được bảo hiểm bị thương tật vĩnh viễn do lỗi cố ý của chính bản thân người được bảo hiểm hoặc bên mua bảo hiểm hoặc người thụ hưởng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này;

d) Người được bảo hiểm chết do bị thi hành án tử hình;

đ) Trường hợp khác theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

2. Trường hợp có nhiều người thụ hưởng, nếu một hoặc một số người thụ hưởng cố ý gây ra cái chết hay thương tật vĩnh viễn cho người được bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài vẫn phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm cho những người thụ hưởng khác theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

3. Trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải trả cho bên mua bảo hiểm giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm hoặc toàn bộ số phí bảo hiểm đã đóng sau khi trừ các chi phí hợp lý (nếu có) theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. Nếu bên mua bảo hiểm chết thì số tiền trả lại được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế.

Điều 41. Chỉ định, thay đổi người thụ hưởng

1. Bên mua bảo hiểm có quyền chỉ định người thụ hưởng, trừ hợp đồng bảo hiểm nhóm. Trường hợp bên mua bảo hiểm không đồng thời là người được bảo hiểm, bên mua bảo hiểm phải có sự đồng ý bằng văn bản của người được bảo hiểm khi chỉ định người thụ hưởng; trường hợp người được bảo hiểm chưa thành niên hoặc mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì việc chỉ định người thụ hưởng phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

2. Trường hợp có nhiều người thụ hưởng, những người được quyền chỉ định người thụ hưởng theo quy định của Luật này có thể xác định thứ tự hoặc tỷ lệ thụ hưởng của những người thụ hưởng. Trường hợp thứ tự hoặc tỷ lệ thụ hưởng không được xác định thì tất cả những người thụ hưởng được hưởng quyền lợi thụ hưởng theo tỷ lệ như nhau.

3. Bên mua bảo hiểm có thể thay đổi người thụ hưởng nhưng phải được sự đồng ý bằng văn bản của người được bảo hiểm và phải thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài. Trường hợp người được bảo hiểm chưa thành niên hoặc mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì việc thay đổi người thụ hưởng phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải xác nhận tại hợp đồng bảo hiểm hoặc văn bản khác đính kèm hợp đồng bảo hiểm sau khi nhận được thông báo của bên mua bảo hiểm.

Điều 42. Hợp đồng bảo hiểm nhóm

1. Hợp đồng bảo hiểm nhóm là sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài để bảo hiểm cho những người được bảo hiểm thuộc nhóm tham gia bảo hiểm trong cùng một hợp đồng bảo hiểm.

2. Nhóm tham gia hợp đồng bảo hiểm phải là nhóm đã được hình thành không phải vì mục đích tham gia bảo hiểm.

3. Bên mua bảo hiểm và người được bảo hiểm có thể thỏa thuận cùng đóng phí bảo hiểm.

4. Người được bảo hiểm có quyền chỉ định người thụ hưởng cho trường hợp chết của người được bảo hiểm.

5. Bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có quyền sửa đổi, bổ sung hợp đồng bảo hiểm nhóm trong trường hợp sau đây:

a) Khi có ít nhất một người được bảo hiểm không còn là thành viên của nhóm;

b) Phí bảo hiểm tính cho từng người được bảo hiểm không được đóng theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm;

c) Trường hợp khác theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

6. Ngoài những nội dung quy định tại Điều 17 của Luật này, hợp đồng bảo hiểm nhóm phải có các nội dung sau đây:

a) Điều kiện tham gia bảo hiểm đối với người được bảo hiểm;

b) Điều kiện, thủ tục chuyển đổi thành hợp đồng bảo hiểm cá nhân.

Mục 3. HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM TÀI SẢN, HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM THIỆT HẠI

Điều 43. Đối tượng bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm tài sản, hợp đồng bảo hiểm thiệt hại

1. Đối tượng bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm tài sản là tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự.

2. Đối tượng bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm thiệt hại là bất kỳ lợi ích kinh tế hoặc nghĩa vụ thực hiện hợp đồng hoặc nghĩa vụ theo pháp luật mà người được bảo hiểm phải gánh chịu khi xảy ra tổn thất.

Điều 44. Quyền lợi có thể được bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm tài sản, hợp đồng bảo hiểm thiệt hại

1. Đối với hợp đồng bảo hiểm tài sản, bên mua bảo hiểm có quyền lợi có thể được bảo hiểm khi có quyền sở hữu; quyền khác đối với tài sản; quyền chiếm hữu, quyền sử dụng của người không phải là chủ sở hữu.

2. Đối với hợp đồng bảo hiểm thiệt hại, bên mua bảo hiểm có quyền lợi có thể được bảo hiểm khi có quyền lợi về tài chính; nghĩa vụ, trách nhiệm về tài chính; thiệt hại kinh tế đối với đối tượng bảo hiểm.

3. Tại thời điểm xảy ra tổn thất, bên mua bảo hiểm hoặc người được bảo hiểm phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm.

Điều 45. Số tiền bảo hiểm

Số tiền bảo hiểm là số tiền mà bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm để bảo hiểm cho tài sản và thiệt hại trên cơ sở yêu cầu của bên mua bảo hiểm theo quy định của Luật này.

Điều 46. Thông báo khi sự kiện bảo hiểm xảy ra

1. Bên mua bảo hiểm phải thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài khi biết sự kiện bảo hiểm xảy ra theo thời hạn thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Trường hợp bên mua bảo hiểm không thực hiện hoặc chậm thực hiện nghĩa vụ này, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có quyền giảm trừ số tiền phải bồi thường bảo hiểm tương ứng với thiệt hại mà doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải chịu, trừ trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan.

2. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài không được áp dụng quy định tại khoản 1 Điều này nếu hợp đồng bảo hiểm không có thỏa thuận về trách nhiệm của bên mua bảo hiểm, các biện pháp chế tài trong việc không thực hiện hoặc chậm thực hiện nghĩa vụ thông báo về sự kiện bảo hiểm.

Điều 47. Hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị

1. Hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị là hợp đồng trong đó số tiền bảo hiểm cao hơn giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và bên mua bảo hiểm không được cố ý giao kết hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị.

2. Trường hợp hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị được giao kết do lỗi vô ý của bên mua bảo hiểm thì thực hiện như sau:

a) Nếu chưa xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải hoàn lại cho bên mua bảo hiểm số phí bảo hiểm đã đóng tương ứng với số tiền bảo hiểm vượt quá giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng sau khi trừ các chi phí hợp lý (nếu có) theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm;

b) Nếu xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài chỉ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại tương ứng với giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm xảy ra thiệt hại và phải hoàn lại cho bên mua bảo hiểm số phí bảo hiểm đã đóng tương ứng với số tiền bảo hiểm vượt quá giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng sau khi trừ các chi phí hợp lý (nếu có) theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

Điều 48. Hợp đồng bảo hiểm tài sản dưới giá trị

1. Hợp đồng bảo hiểm tài sản dưới giá trị là hợp đồng trong đó số tiền bảo hiểm thấp hơn giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng.

2. Trường hợp hợp đồng bảo hiểm tài sản dưới giá trị được giao kết, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài chỉ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo tỷ lệ tương ứng với số tiền bảo hiểm và giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hoặc thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

Điều 49. Hợp đồng bảo hiểm trùng

1. Hợp đồng bảo hiểm trùng là trường hợp có từ hai hợp đồng bảo hiểm trở lên để bảo hiểm cho cùng phạm vi, đối tượng, thời hạn và sự kiện bảo hiểm mà tổng số tiền bảo hiểm vượt quá giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm.

2. Trường hợp các bên giao kết hợp đồng bảo hiểm trùng, khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, số tiền bồi thường của mỗi hợp đồng bảo hiểm được tính tương ứng theo tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm đã thoả thuận trên tổng số tiền bảo hiểm của tất cả các hợp đồng mà bên mua bảo hiểm đã giao kết. Tổng số tiền bồi thường của các hợp đồng bảo hiểm không vượt quá giá trị thiệt hại thực tế của tài sản.

Điều 50. Tổn thất do hao mòn tự nhiên hoặc do bản chất vốn có của tài sản

Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài không chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tài sản được bảo hiểm bị tổn thất do hao mòn tự nhiên hoặc do bản chất vốn có của tài sản, trừ trường hợp có thoả thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm.

Điều 51. Căn cứ bồi thường

1. Số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải trả cho người được bảo hiểm được xác định trên cơ sở giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm, nơi xảy ra tổn thất và mức độ thiệt hại thực tế, trừ trường hợp có thoả thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm. Chi phí để xác định giá thị trường và mức độ thiệt hại do doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài chi trả.

2. Số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài trả cho người được bảo hiểm không vượt quá số tiền bảo hiểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm.

3. Ngoài số tiền bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài còn phải trả cho người được bảo hiểm những chi phí cần thiết, hợp lý theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm để đề phòng, hạn chế tổn thất và những chi phí phát sinh mà bên mua bảo hiểm hoặc người được bảo hiểm phải chịu để thực hiện theo hướng dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.

Điều 52. Hình thức bồi thường

1. Bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có thể thoả thuận một trong các hình thức bồi thường sau đây:

a) Sửa chữa tài sản bị thiệt hại;

b) Thay thế tài sản bị thiệt hại bằng tài sản khác;

c) Trả tiền bồi thường.

2. Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và bên mua bảo hiểm không thoả thuận được về hình thức bồi thường thì việc bồi thường được thực hiện bằng tiền.

3. Trường hợp bồi thường quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có quyền thu hồi tài sản bị thiệt hại sau khi đã thay thế hoặc bồi thường toàn bộ theo giá thị trường của tài sản.

Điều 53. Giám định tổn thất

1. Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài hoặc người được doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài ủy quyền thực hiện việc giám định tổn thất để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất. Chi phí giám định tổn thất do doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài chi trả.

2. Trường hợp các bên không thống nhất về nguyên nhân và mức độ tổn thất thì có thể thỏa thuận thuê giám định viên độc lập, trừ trường hợp có thoả thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm. Trường hợp các bên không thoả thuận được việc thuê giám định viên độc lập thì một trong các bên có quyền yêu cầu Toà án có thẩm quyền hoặc Trọng tài trưng cầu giám định viên độc lập. Kết luận của giám định viên độc lập có giá trị bắt buộc đối với các bên.

Điều 54. Chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn

1. Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, trường hợp người thứ ba có trách nhiệm bồi thường do hành vi gây thiệt hại cho người được bảo hiểm thì thực hiện như sau:

a) Sau khi doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài trả tiền bồi thường, người được bảo hiểm có trách nhiệm chuyển cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn số tiền mà doanh nghiệp đã bồi thường;

b) Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có quyền khấu trừ số tiền bồi thường tùy theo mức độ lỗi của người được bảo hiểm nếu người được bảo hiểm từ chối chuyển quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn.

2. Khi doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài thực hiện quyền yêu cầu bồi hoàn đối với người thứ ba, người được bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài các tài liệu cần thiết và thông tin liên quan theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

3. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài không được yêu cầu cha, mẹ, vợ, chồng, con của người được bảo hiểm bồi hoàn khoản tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài đã trả cho người được bảo hiểm, trừ trường hợp những người này cố ý gây ra tổn thất.

Điều 55. Các quy định về an toàn

1. Người được bảo hiểm phải thực hiện các quy định về phòng cháy, chữa cháy, an toàn lao động, vệ sinh lao động và những quy định khác của pháp luật có liên quan nhằm bảo đảm an toàn cho đối tượng bảo hiểm.

2. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có quyền kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn cho đối tượng bảo hiểm hoặc khuyến nghị, yêu cầu người được bảo hiểm áp dụng các biện pháp đề phòng, hạn chế rủi ro.

3. Trường hợp người được bảo hiểm không thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho đối tượng bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có quyền ấn định một thời hạn để người được bảo hiểm thực hiện các biện pháp đó. Nếu hết thời hạn này mà các biện pháp bảo đảm an toàn vẫn không được thực hiện thì doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có quyền tăng phí bảo hiểm hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm.

Điều 56. Không được từ bỏ tài sản được bảo hiểm

Trường hợp xảy ra tổn thất, người được bảo hiểm không được từ bỏ tài sản được bảo hiểm và phải áp dụng các biện pháp cần thiết mà khả năng cho phép để ngăn chặn hoặc giảm thiểu tổn thất, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc các bên có thỏa thuận khác.

Mục 4. HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM TRÁCH NHIỆM

Điều 57. Đối tượng bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm

Đối tượng bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm là trách nhiệm dân sự của người được bảo hiểm đối với người thứ ba theo quy định của pháp luật.

Điều 58. Trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài

1. Trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài chỉ phát sinh nếu người thứ ba yêu cầu người được bảo hiểm bồi thường do có hành vi gây thiệt hại cho người thứ ba trong thời hạn bảo hiểm.

2. Người thứ ba không có quyền trực tiếp yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài bồi thường, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Điều 59. Giới hạn trách nhiệm bảo hiểm

1. Giới hạn trách nhiệm bảo hiểm là số tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải trả cho người được bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

2. Trong phạm vi giới hạn trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải trả cho người được bảo hiểm những khoản tiền mà theo quy định của pháp luật người được bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường cho người thứ ba.

3. Ngoài việc trả tiền bồi thường quy định tại khoản 2 Điều này, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài còn phải trả các chi phí liên quan đến việc giải quyết tranh chấp về trách nhiệm đối với người thứ ba và lãi phải trả cho người thứ ba do người được bảo hiểm chậm trả tiền bồi thường theo chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.

4. Tổng số tiền bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này không vượt quá giới hạn trách nhiệm bảo hiểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm.

5. Trường hợp người được bảo hiểm phải đóng tiền bảo lãnh hoặc ký quỹ để bảo đảm cho tài sản không bị lưu giữ hoặc để tránh việc khởi kiện tại tòa án thì theo yêu cầu của người được bảo hiểm và thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải thực hiện việc bảo lãnh hoặc ký quỹ trong phạm vi giới hạn trách nhiệm bảo hiểm.

Điều 60. Quyền đại diện cho người được bảo hiểm

Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có quyền thay mặt người được bảo hiểm để thương lượng với người thứ ba về mức độ bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm.

Điều 61. Phương thức bồi thường

Theo yêu cầu của người được bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có thể bồi thường trực tiếp cho người được bảo hiểm hoặc cho người thứ ba bị thiệt hại.

Chương III

DOANH NGHIỆP BẢO HIỂM, DOANH NGHIỆP TÁI BẢO HIỂM, CHI NHÁNH NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

Mục 1. GIẤY PHÉP THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG

Điều 62. Các hình thức tổ chức hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm

1. Công ty cổ phần.

2. Công ty trách nhiệm hữu hạn.

Điều 63. Nội dung hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam

1. Nội dung hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài bao gồm:

a) Kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm;

b) Quản lý các quỹ và đầu tư vốn từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm;

c) Cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm;

d) Hoạt động khác liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

2. Nội dung hoạt động của doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài bao gồm:

a) Kinh doanh tái bảo hiểm; nhượng tái bảo hiểm;

b) Quản lý các quỹ và đầu tư vốn từ hoạt động kinh doanh tái bảo hiểm;

c) Hoạt động khác liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh tái bảo hiểm.

3. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài chỉ được phép kinh doanh một loại hình bảo hiểm quy định tại khoản 1 Điều 7 của Luật này, trừ các trường hợp sau đây:

a) Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ kinh doanh bảo hiểm sức khỏe;

b) Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài kinh doanh các sản phẩm thuộc loại hình bảo hiểm sức khỏe có thời hạn từ 01 năm trở xuống và các sản phẩm bảo hiểm cho rủi ro tử vong có thời hạn từ 01 năm trở xuống;

c) Doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe kinh doanh các sản phẩm bảo hiểm cho rủi ro tử vong có thời hạn từ 01 năm trở xuống.

Điều 64. Điều kiện chung cấp giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm

1. Điều kiện về cổ đông, thành viên góp vốn thành lập:

a) Tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật Doanh nghiệp;

b) Tổ chức có tư cách pháp nhân, đang hoạt động hợp pháp; trường hợp tham gia góp từ 10% vốn điều lệ trở lên thì phải kinh doanh có lãi trong 03 năm tài chính liên tục gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép và đáp ứng các điều kiện về tài chính theo quy định của Chính phủ;

c) Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm đã được cấp giấy phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam góp vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm mới phải kinh doanh có lãi trong 03 năm tài chính liên tục gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép và đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của Luật này.

2. Điều kiện về vốn:

a) Vốn điều lệ được góp bằng Đồng Việt Nam và không thấp hơn mức tối thiểu theo quy định của Chính phủ;

b) Cổ đông, thành viên góp vốn thành lập không được sử dụng vốn vay, nguồn vốn ủy thác đầu tư của tổ chức, cá nhân khác để tham gia góp vốn.

3. Điều kiện về nhân sự: có Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật, Chuyên gia tính toán dự kiến đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn về năng lực quản lý, kinh nghiệm và chuyên môn nghiệp vụ quy định tại Điều 81 của Luật này.

4. Có hình thức tổ chức hoạt động theo quy định của Luật này và có dự thảo điều lệ phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp.

Điều 65. Điều kiện của thành viên góp vốn thành lập của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn

Thành viên góp vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn phải là tổ chức, đáp ứng điều kiện chung quy định tại Điều 64 của Luật này và các điều kiện sau đây:

1. Điều kiện đối với tổ chức thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài:

a) Là doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, tập đoàn tài chính, bảo hiểm nước ngoài;

b) Được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài xác nhận doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, tập đoàn tài chính, bảo hiểm nước ngoài không vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm của nước nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính trong thời hạn 03 năm liên tục gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép;

c) Lĩnh vực dự kiến đề nghị cấp giấy phép thực hiện tại Việt Nam là lĩnh vực mà doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, tập đoàn tài chính, bảo hiểm nước ngoài đang trực tiếp thực hiện hoặc có công ty con thực hiện tối thiểu trong 07 năm liên tục gần nhất;

d) Có tổng tài sản không thấp hơn 02 tỷ Đô la Mỹ vào năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập và hoạt động;

đ) Cam kết hỗ trợ về tài chính, công nghệ, quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro, điều hành, hoạt động cho doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm dự kiến thành lập tại Việt Nam; bảo đảm doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm này thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn tài chính, quản trị rủi ro theo quy định của Luật này;

e) Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, tập đoàn tài chính, bảo hiểm nước ngoài đáp ứng điều kiện quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản này có thể ủy quyền cho công ty con chuyên thực hiện chức năng đầu tư ra nước ngoài để thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm tại Việt Nam. Công ty con chuyên thực hiện chức năng đầu tư ra nước ngoài phải đáp ứng điều kiện quy định tại điểm d khoản này;

2. Điều kiện đối với tổ chức kinh tế thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam: có tổng tài sản không thấp hơn 2.000 tỷ Đồng Việt Nam vào năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép;

3. Căn cứ quy định tại điểm d khoản 1 và khoản 2 Điều này, Chính phủ quy định cụ thể mức tổng tài sản tối thiểu phù hợp với từng thời kỳ.

Điều 66. Điều kiện về cơ cấu cổ đông góp vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm dưới hình thức công ty cổ phần

Việc thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm dưới hình thức công ty cổ phần phải đáp ứng điều kiện chung quy định tại Điều 64 của Luật này và các điều kiện sau đây:

1. Có tối thiểu 02 cổ đông là tổ chức và mỗi cổ đông đó đáp ứng điều kiện sau đây:

a) Phải góp từ 10% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm;

b) Điều kiện quy định tại Điều 65 của Luật này;

2. Một cổ đông cá nhân không được góp vượt quá 10% vốn điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm.

Điều 67. Điều kiện cấp giấy phép thành lập và hoạt động chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam

1. Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài khi thành lập chi nhánh tại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Có trụ sở chính tại quốc gia mà Việt Nam và quốc gia đó đã ký kết các điều ước quốc tế, trong đó có thỏa thuận về thành lập chi nhánh tại Việt Nam; cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm nước ngoài nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính đã ký kết thỏa thuận quốc tế với Bộ Tài chính Việt Nam về quản lý, giám sát hoạt động của chi nhánh;

b) Được cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm nước ngoài nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính cho phép thành lập chi nhánh tại Việt Nam để hoạt động trong phạm vi các nghiệp vụ bảo hiểm mà doanh nghiệp được phép kinh doanh;

c) Có ít nhất 07 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dự kiến đề nghị cấp giấy phép thực hiện tại Việt Nam;

d) Có tổng tài sản tối thiểu đáp ứng điều kiện quy định tại điểm d khoản 1 và khoản 3 Điều 65 của Luật này;

đ) Hoạt động kinh doanh có lãi trong 03 năm tài chính liên tục gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ và đáp ứng các điều kiện về tài chính theo quy định của Chính phủ;

e) Cam kết bảo đảm và chịu trách nhiệm về mọi nghĩa vụ, cam kết của chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam.

2. Chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài dự kiến thành lập và hoạt động tại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Có vốn được cấp bằng Đồng Việt Nam và không thấp hơn mức tối thiểu theo quy định của Chính phủ;

b) Nguồn vốn thành lập chi nhánh là nguồn hợp pháp, không sử dụng vốn vay hoặc nguồn vốn ủy thác đầu tư dưới bất kỳ hình thức nào;

c) Có Giám đốc chi nhánh, Chuyên gia tính toán dự kiến đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn về năng lực quản lý, kinh nghiệm và chuyên môn nghiệp vụ quy định tại Điều 81 của Luật này.

3. Chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam sau khi được cấp giấy phép thành lập và hoạt động được phép hoạt động như doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm được thành lập và hoạt động tại Việt Nam theo quy định của Luật này.

Điều 68. Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài

Nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu cổ phần, phần vốn góp đến 100% vốn điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm.

Điều 69. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập và hoạt động

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập và hoạt động bao gồm:

1. Văn bản đề nghị cấp giấy phép thành lập và hoạt động;

2. Dự thảo điều lệ đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm; dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động đối với chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam;

3. Phương án hoạt động 05 năm đầu, trong đó nêu rõ các nghiệp vụ bảo hiểm dự kiến triển khai, mô hình quản trị rủi ro, phương thức trích lập dự phòng nghiệp vụ, chương trình tái bảo hiểm, đầu tư vốn, khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam;

4. Sơ yếu lý lịch, Phiếu lý lịch tư pháp, bản sao các văn bằng, chứng chỉ chứng minh năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người dự kiến được bổ nhiệm là Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật, Chuyên gia tính toán;

5. Mức vốn góp và phương thức góp vốn, danh sách những tổ chức, cá nhân sáng lập hoặc thành viên, cổ đông dự kiến góp từ 10% số vốn điều lệ trở lên và các tài liệu chứng minh việc đáp ứng điều kiện tương ứng với từng loại hình doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam quy định tại các điều 64, 65, 66 và 67 của Luật này của các tổ chức, cá nhân đó;

6. Danh sách các chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm. Chính phủ quy định tiêu chí xác định chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm.

Điều 70. Thời hạn cấp giấy phép thành lập và hoạt động

1. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính cấp hoặc từ chối cấp giấy phép thành lập và hoạt động. Trường hợp từ chối cấp giấy phép thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

2. Trường hợp cấp giấy phép thành lập và hoạt động, Bộ Tài chính đồng thời có văn bản chấp thuận về nguyên tắc đối với người dự kiến được bổ nhiệm là Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Chuyên gia tính toán.

Điều 71. Thẩm quyền cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động, đình chỉ nội dung hoạt động

1. Giấy phép thành lập và hoạt động đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

2. Bộ Tài chính có thẩm quyền cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động, đình chỉ một phần hoặc toàn bộ nội dung hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Sau khi cấp, sửa đổi, bổ sung hoặc thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động, Bộ Tài chính có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam đặt trụ sở chính để cập nhật vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

4. Chính phủ quy định chi tiết về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động, đình chỉ một phần hoặc toàn bộ nội dung hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 72. Công bố nội dung giấy phép thành lập và hoạt động

1. Bộ Tài chính có trách nhiệm công bố các nội dung của giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cấp giấy phép.

2. Ít nhất 30 ngày trước ngày chính thức hoạt động, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam đã được cấp giấy phép thành lập và hoạt động phải công bố các nội dung của giấy phép và ngày dự kiến chính thức hoạt động trên 01 tờ báo in trong 03 số liên tiếp hoặc trên báo điện tử của Việt Nam.

Điều 73. Điều kiện trước khi chính thức hoạt động

1. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải chính thức hoạt động trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép thành lập và hoạt động, trừ trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan. Đối với trường hợp bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải báo cáo bằng văn bản và được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản về việc gia hạn thời gian chính thức hoạt động; thời gian gia hạn tối đa là 12 tháng.

2. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải đáp ứng các quy định sau đây để chính thức hoạt động:

a) Chuyển số vốn gửi tại tài khoản phong tỏa thành vốn điều lệ hoặc vốn được cấp;

b) Xây dựng cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý, kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, hệ thống quản trị rủi ro phù hợp với hình thức hoạt động theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; bầu, bổ nhiệm người đại diện theo pháp luật; bầu, bổ nhiệm các chức danh đã được Bộ Tài chính chấp thuận về nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 70 của Luật này;

c) Ban hành các quy chế quản lý nội bộ về tổ chức hoạt động, quy chế nội bộ về quản trị rủi ro và các quy trình nghiệp vụ cơ bản theo quy định pháp luật;

d) Ký quỹ đầy đủ theo quy định của Luật này tại ngân hàng thương mại hoạt động tại Việt Nam;

đ) Có trụ sở, cơ sở vật chất, kỹ thuật, hệ thống công nghệ phù hợp với quy trình nghiệp vụ về kinh doanh bảo hiểm;

e) Thực hiện công bố nội dung giấy phép thành lập và hoạt động quy định tại khoản 2 Điều 72 của Luật này.

3. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải thông báo cho Bộ Tài chính về việc đáp ứng các quy định tại khoản 2 Điều này ít nhất 15 ngày trước ngày chính thức hoạt động. Bộ Tài chính có quyền đình chỉ việc chính thức hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam khi chưa đáp ứng các quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam không được tiến hành hoạt động kinh doanh bảo hiểm trước ngày chính thức hoạt động.

Điều 74. Những thay đổi phải được chấp thuận hoặc phải thông báo

1. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản trước khi thay đổi một trong các nội dung sau đây:

a) Tên, địa điểm đặt trụ sở chính;

b) Mức vốn điều lệ; vốn được cấp;

c) Nội dung, phạm vi và thời hạn hoạt động;

d) Chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp dẫn đến có cổ đông, thành viên góp vốn sở hữu từ 10% vốn điều lệ trở lên hoặc giảm xuống dưới 10% vốn điều lệ;

đ) Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Chuyên gia tính toán;

e) Chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, chuyển đổi hình thức doanh nghiệp;

g) Đầu tư ra nước ngoài, bao gồm việc mở chi nhánh, văn phòng đại diện và các hình thức hiện diện thương mại khác tại nước ngoài.

2. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày Bộ Tài chính chấp thuận việc thay đổi theo quy định tại khoản 1 Điều này, Bộ Tài chính có trách nhiệm công bố các nội dung thay đổi trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính.

3. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải thông báo cho Bộ Tài chính bằng văn bản trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có những thay đổi sau đây:

a) Thay đổi điều lệ hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, quy chế tổ chức và hoạt động của chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam;

b) Mở, chấm dứt, thay đổi địa điểm chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm;

c) Mở, chấm dứt, thay đổi địa điểm kinh doanh;

d) Thay đổi các chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm.

4. Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận các thay đổi quy định tại khoản 1 và hồ sơ, trình tự, thủ tục ghi nhận các thay đổi quy định tại điểm b khoản 3 Điều này.

Điều 75. Thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động

1. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam bị thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây:

a) Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập và hoạt động có thông tin gian lận để có đủ điều kiện được cấp giấy phép;

b) Quá thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 73 của Luật này mà không bắt đầu chính thức hoạt động;

c) Bị chia, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, chấm dứt hoạt động;

d) Hoạt động không đúng với nội dung tại giấy phép thành lập và hoạt động;

đ) Sau khi Tòa án quyết định tuyên bố doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm phá sản;

e) Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài của chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam bị phá sản hoặc bị thu hồi giấy phép.

2. Đối với các trường hợp bị thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động quy định tại các điểm a, c, d và e khoản 1 Điều này, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải dừng ngay việc giao kết hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng tái bảo hiểm mới; doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải thực hiện chuyển giao danh mục hợp đồng bảo hiểm; việc chuyển giao danh mục hợp đồng bảo hiểm không áp dụng đối với các hợp đồng bảo hiểm vô hiệu theo quy định của Luật này.

3. Quyết định thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam được Bộ Tài chính công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính.

Điều 76. Văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam

1. Doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, tập đoàn tài chính, bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài được đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam. Văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, tập đoàn tài chính, bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài và không được thực hiện hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam.

2. Văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện các hoạt động sau đây:

a) Làm chức năng văn phòng liên lạc;

b) Nghiên cứu thị trường;

c) Xúc tiến xây dựng các dự án đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, tập đoàn tài chính, bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam;

d) Thúc đẩy và theo dõi việc thực hiện các dự án do doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, tập đoàn tài chính, bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài tài trợ tại Việt Nam;

đ) Hoạt động khác phù hợp với pháp luật Việt Nam.

3. Thời hạn hoạt động của văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam không quá 05 năm và có thể được gia hạn.

4. Báo cáo hoạt động, thông báo thay đổi và công bố thông tin của văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Điều 77. Cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt, thu hồi giấy phép đặt văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam

1. Doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, tập đoàn tài chính, bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài khi đặt văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Hoạt động tối thiểu trong 05 năm gần nhất;

b) Được cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm nước ngoài nơi đặt trụ sở chính cho phép đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam.

2. Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt, thu hồi giấy phép đặt văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam.

3. Bộ Tài chính có thẩm quyền cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, thu hồi giấy phép đặt văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam, chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam.

Mục 2. TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG

Điều 78. Tổ chức hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam

1. Tổ chức hoạt động ở trong nước của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm bao gồm trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh.

2. Tổ chức hoạt động ở nước ngoài của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm bao gồm chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc các hình thức hiện diện thương mại khác theo quy định của pháp luật.

3. Tổ chức hoạt động của chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam bao gồm trụ sở chính, địa điểm kinh doanh.

Điều 79. Cơ cấu tổ chức quản lý của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm

1. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm được thành lập dưới hình thức công ty cổ phần có quyền lựa chọn cơ cấu tổ chức quản lý theo một trong hai mô hình sau đây:

a) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Ban kiểm soát có từ 03 đến 05 Kiểm soát viên theo quy định tại Điều lệ công ty;

b) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, trong đó ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ủy ban kiểm toán trực thuộc Hội đồng quản trị. Cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban kiểm toán quy định tại Điều lệ công ty hoặc quy chế hoạt động của Ủy ban kiểm toán do Hội đồng quản trị ban hành.

2. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm được thành lập dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn có cơ cấu tổ chức quản lý bao gồm Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm có thể quyết định thành lập Ban kiểm soát bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật.

Điều 80. Người quản lý, người kiểm soát của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam

1. Người quản lý của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm bao gồm các chức danh sau đây:

a) Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên;

b) Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Phó giám đốc hoặc Phó Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật;

c) Kế toán trưởng, Giám đốc chi nhánh, Trưởng văn phòng đại diện, các trưởng bộ phận nghiệp vụ và các chức danh tương đương theo quy định tại Điều lệ công ty.

2. Người quản lý của chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam bao gồm các chức danh sau đây:

a) Giám đốc, Phó giám đốc;

b) Kế toán trưởng, các trưởng bộ phận nghiệp vụ và các chức danh tương đương theo quy định tại quy chế tổ chức và hoạt động của chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam.

3. Người kiểm soát tại doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam có quyền độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, bao gồm các chức danh sau đây:

a) Trưởng Ban kiểm soát, Kiểm soát viên;

b) Trưởng bộ phận quản trị rủi ro, Trưởng bộ phận kiểm soát tuân thủ, Trưởng bộ phận kiểm toán nội bộ;

c) Chuyên gia tính toán.

4. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải bảo đảm duy trì Giám đốc và Chuyên gia tính toán hoặc Tổng giám đốc và Chuyên gia tính toán. Trường hợp có thay đổi, trong thời hạn 75 ngày kể từ ngày Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Chuyên gia tính toán thôi giữ chức vụ, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải nộp hồ sơ hợp lệ đề nghị Bộ Tài chính chấp thuận Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Chuyên gia tính toán mới.

Điều 81. Điều kiện, tiêu chuẩn đối với người quản lý, người kiểm soát của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam

1. Điều kiện, tiêu chuẩn chung:

a) Có quyền quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp;

b) Không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, không bị xử lý kỷ luật dưới hình thức sa thải do vi phạm quy trình nội bộ trong 03 năm liên tục trước thời điểm được bổ nhiệm; không bị cơ quan có thẩm quyền khởi tố theo quy định của pháp luật tại thời điểm được bầu, bổ nhiệm.

2. Điều kiện, tiêu chuẩn đối với Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên:

a) Các điều kiện, tiêu chuẩn chung quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Có bằng đại học trở lên;

c) Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên có ít nhất 05 năm trực tiếp làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, ngân hàng hoặc có ít nhất 03 năm giữ vị trí là người quản lý, điều hành, kiểm soát tại doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, ngân hàng; thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên có ít nhất 03 năm trực tiếp làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, ngân hàng hoặc có ít nhất 03 năm giữ vị trí là người quản lý, điều hành, kiểm soát tại doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, ngân hàng.

3. Điều kiện, tiêu chuẩn đối với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật:

a) Các điều kiện, tiêu chuẩn chung quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Có bằng đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm. Trường hợp không có bằng đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm thì phải có bằng đại học trở lên về chuyên ngành khác và có chứng chỉ bảo hiểm do các cơ sở đào tạo về bảo hiểm được thành lập và hoạt động hợp pháp trong nước hoặc ngoài nước cấp;

c) Có ít nhất 05 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, ngân hàng, trong đó có ít nhất 03 năm giữ vị trí là người quản lý, người kiểm soát của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài;

d) Cư trú tại Việt Nam trong thời gian đương nhiệm.

4. Điều kiện, tiêu chuẩn đối với người quản lý khác không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam:

a) Các điều kiện, tiêu chuẩn chung quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Có bằng đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm. Trường hợp không có bằng đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm thì phải có bằng đại học trở lên về chuyên ngành khác và có chứng chỉ bảo hiểm phù hợp với loại hình bảo hiểm mà doanh nghiệp được phép triển khai do các cơ sở đào tạo về bảo hiểm được thành lập và hoạt động hợp pháp trong nước hoặc ngoài nước cấp;

c) Có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, ngân hàng hoặc lĩnh vực chuyên môn dự kiến đảm nhiệm. Riêng đối với các trưởng bộ phận nghiệp vụ, có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm hoặc lĩnh vực chuyên môn dự kiến đảm nhiệm;

d) Cư trú tại Việt Nam trong thời gian đương nhiệm.

5. Người kiểm soát của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn chung quy định tại khoản 1 Điều này và điều kiện, tiêu chuẩn khác theo quy định của Chính phủ.

6. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết điểm b khoản 3 và điểm b khoản 4 Điều này, nội dung đào tạo, hồ sơ, trình tự, thủ tục thi, cấp, thu hồi, cấp đổi chứng chỉ bảo hiểm do cơ sở đào tạo về bảo hiểm được thành lập và hoạt động hợp pháp trong nước cấp.

Điều 82. Nguyên tắc đảm nhiệm chức vụ

1. Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm không được đồng thời làm thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm khác hoạt động trong cùng lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe hoặc tái bảo hiểm tại Việt Nam.

2. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam không được đồng thời làm việc cho doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài khác hoạt động trong cùng lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe hoặc tái bảo hiểm tại Việt Nam.

3. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Giám đốc chi nhánh, Trưởng Văn phòng đại diện của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm chỉ được kiêm nhiệm tối đa Giám đốc của 01 chi nhánh hoặc Trưởng 01 văn phòng đại diện hoặc Trưởng 01 bộ phận nghiệp vụ của cùng một doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm. Giám đốc của chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam là người đại diện theo pháp luật và chỉ được kiêm nhiệm tối đa Trưởng 01 bộ phận nghiệp vụ của chi nhánh đó.

4. Các chức danh Chuyên gia tính toán, Trưởng bộ phận quản trị rủi ro, Trưởng bộ phận kiểm soát tuân thủ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam không được kiêm nhiệm bất kỳ chức danh quản lý nào tại cùng tổ chức; không được đồng thời làm việc tại doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài khác hoạt động tại Việt Nam. Chuyên gia tính toán thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

5. Trưởng ban kiểm soát, Kiểm soát viên không được kiêm nhiệm bất kỳ chức danh quản lý nào tại cùng tổ chức. Trưởng Ban kiểm soát không được đồng thời là Kiểm soát viên, người quản lý của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm khác hoạt động tại Việt Nam.

6. Kế toán trưởng, Trưởng bộ phận kiểm toán nội bộ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam không được kiêm nhiệm bất kỳ chức danh nào tại cùng tổ chức; không được đồng thời làm việc tại doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài khác hoạt động tại Việt Nam.

Điều 83. Đình chỉ, tạm đình chỉ việc thực thi quyền, nghĩa vụ của Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Chuyên gia tính toán

1. Bộ Tài chính có quyền đình chỉ, tạm đình chỉ việc thực thi quyền, nghĩa vụ của Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Chuyên gia tính toán của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam vi phạm nguyên tắc đảm nhiệm chức vụ quy định tại Điều 82 của Luật này hoặc không còn đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại Điều 81 của Luật này.

2. Trong thời hạn 75 ngày kể từ ngày Bộ Tài chính ban hành văn bản đình chỉ, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải nộp hồ sơ hợp lệ đề nghị Bộ Tài chính chấp thuận Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Chuyên gia tính toán mới.

3. Người bị đình chỉ, tạm đình chỉ quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm tham gia xử lý các tồn tại và vi phạm có liên quan đến trách nhiệm cá nhân khi có yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam.

4. Chính phủ quy định chi tiết việc đình chỉ, tạm đình chỉ việc thực thi quyền, nghĩa vụ của Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Chuyên gia tính toán quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Mục 3. KIỂM SOÁT NỘI BỘ, KIỂM TOÁN NỘI BỘ, QUẢN TRỊ RỦI RO

Điều 84. Kiểm soát nội bộ

1. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải thực hiện kiểm soát nội bộ để bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Hiệu quả, an toàn trong hoạt động và trong bảo vệ, quản lý, sử dụng tài sản, các nguồn lực;

b) Trung thực, hợp lý, đầy đủ, kịp thời trong hệ thống thông tin tài chính và thông tin quản lý;

c) Tuân thủ pháp luật, các quy chế, quy trình, quy định nội bộ.

2. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải thiết lập các tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục kiểm soát nội bộ; bảo đảm người quản lý, người kiểm soát, người lao động hiểu rõ và nghiêm túc thực hiện.

3. Hoạt động kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải được kiểm toán nội bộ đánh giá định kỳ hằng năm.

4. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết Điều này.

Điều 85. Kiểm toán nội bộ

1. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm phải thành lập bộ phận kiểm toán nội bộ. Chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam có thể thành lập bộ phận kiểm toán nội bộ hoặc sử dụng bộ phận kiểm toán nội bộ của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài.

2. Định kỳ hằng năm, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải thực hiện kiểm toán nội bộ theo các nội dung sau đây:

a) Rà soát, đánh giá độc lập, khách quan đối với hoạt động kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro;

b) Đánh giá độc lập về tính thích hợp và sự tuân thủ quy định, chính sách nội bộ, thủ tục, quy trình đã được thiết lập trong doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam;

c) Đưa ra kiến nghị sửa chữa, khắc phục sai sót, đề xuất biện pháp nhằm hoàn thiện, nâng cao hiệu quả của các hệ thống, quy trình, quy định, góp phần bảo đảm doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam hoạt động an toàn, hiệu quả, đúng pháp luật.

3. Kết quả kiểm toán nội bộ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm phải được báo cáo kịp thời cho Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên và gửi Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp.

Kết quả kiểm toán nội bộ của chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải được báo cáo kịp thời cho doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài và gửi Giám đốc của chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam.

4. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết Điều này.

Điều 86. Quản trị rủi ro

1. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm thiết lập hệ thống quản trị rủi ro nhằm xác định, đo lường, đánh giá, báo cáo và kiểm soát một cách hiệu quả các rủi ro phát sinh từ hoạt động kinh doanh.

2. Quản trị rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Có khả năng xác định và lượng hóa rủi ro phù hợp với tính chất, phạm vi và mức độ phức tạp của các rủi ro phát sinh từ hoạt động kinh doanh, các tác động đến vốn, an toàn hoạt động và an toàn tài chính;

b) Quy định rõ ràng vai trò, trách nhiệm của từng bộ phận, cá nhân trong hoạt động quản trị rủi ro và cơ cấu quản trị rủi ro;

c) Có chính sách quản trị rủi ro rõ ràng, minh bạch, trong đó xác định rõ các loại rủi ro trọng yếu và các rủi ro có liên quan phát sinh từ hoạt động kinh doanh, khẩu vị rủi ro và cách thức quản lý đối với từng loại rủi ro. Chính sách quản trị rủi ro phải được Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm hoặc được doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài của chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam thông qua;

d) Thiết lập đầy đủ các giới hạn chấp nhận rủi ro đối với từng loại rủi ro trọng yếu và các rủi ro có liên quan, mối tương quan giữa các rủi ro đó. Các giới hạn chấp nhận rủi ro phải phù hợp với chính sách quản trị rủi ro, chiến lược kinh doanh, nguồn nhân lực, điều kiện công nghệ thông tin;

đ) Thiết lập đầy đủ các quy trình quản trị rủi ro, trong đó có quy trình giám sát, tiếp nhận và phản hồi kịp thời bất kỳ thay đổi rủi ro nào.

3. Định kỳ hằng năm, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm lập báo cáo đánh giá khả năng thanh toán và quản trị rủi ro, trong đó đánh giá mức độ đầy đủ của quản trị rủi ro, khả năng thanh toán hiện tại và dự kiến trong tương lai với khung thời gian thống nhất với kế hoạch kinh doanh; xác định tổng thể các nguồn lực tài chính cần có để quản lý hoạt động kinh doanh trong khả năng chấp nhận rủi ro và các kế hoạch kinh doanh; kiểm tra sức chịu đựng và phân tích khả năng tiếp tục hoạt động.

4. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết Điều này.

Mục 4. HOẠT ĐỘNG NGHIỆP VỤ

Điều 87. Xây dựng, thiết kế, phát triển và cung cấp sản phẩm bảo hiểm

1. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được chủ động, tự chịu trách nhiệm trong xây dựng, thiết kế và phát triển sản phẩm bảo hiểm.

2. Quy tắc, điều khoản, biểu phí do doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài xây dựng phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Tuân thủ pháp luật, phù hợp với thông lệ, chuẩn mực đạo đức, văn hóa và phong tục, tập quán của Việt Nam;

b) Ngôn ngữ sử dụng trong quy tắc, điều khoản bảo hiểm phải chính xác, cách diễn đạt đơn giản, dễ hiểu, các thuật ngữ chuyên môn cần được định nghĩa rõ trong quy tắc, điều khoản bảo hiểm;

c) Thể hiện rõ ràng, minh bạch quyền lợi được bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, phạm vi và các rủi ro được bảo hiểm, quyền lợi và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm và người được bảo hiểm, trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, phương thức trả tiền bảo hiểm, các quy định giải quyết tranh chấp;

d) Phí bảo hiểm phải được xây dựng dựa trên số liệu thống kê, tương ứng với điều kiện, trách nhiệm bảo hiểm và bảo đảm khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.

3. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải đăng ký và được Bộ Tài chính chấp thuận phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm của các sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm xe cơ giới, trừ bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

4. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được chủ động cung cấp sản phẩm bảo hiểm dưới các hình thức sau đây:

a) Trực tiếp;

b) Thông qua đại lý bảo hiểm hoặc môi giới bảo hiểm;

c) Thông qua đấu thầu;

d) Thông qua giao dịch điện tử;

đ) Các hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật.

5. Chính phủ quy định chi tiết về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm quy định tại khoản 3 Điều này.

6. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm quy định tại khoản 3 Điều này và việc cung cấp sản phẩm bảo hiểm quy định tại khoản 4 Điều này.

Điều 88. Sản phẩm bảo hiểm có sự hỗ trợ của Nhà nước

1. Việc triển khai và tham gia các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và các sản phẩm bảo hiểm vì mục tiêu an sinh, xã hội được Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thông qua một hoặc một số biện pháp sau đây:

a) Đơn giản hoá thủ tục hành chính;

b) Tuyên truyền các chính sách bảo hiểm;

c) Thiết lập các quỹ rủi ro bảo hiểm;

d) Xây dựng cơ sở dữ liệu, hỗ trợ ứng dụng công nghệ trong thiết kế, xây dựng sản phẩm bảo hiểm, giám định tổn thất, bồi thường bảo hiểm;

đ) Thiết lập các kênh phân phối theo chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp;

e) Hỗ trợ một phần phí bảo hiểm, kinh phí hỗ trợ được bảo đảm từ nguồn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm hoặc các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật;

g) Xây dựng cơ chế liên kết hợp tác, chia sẻ thông tin quản lý, giám sát giữa các Bộ, ngành có liên quan để triển khai liên kết, hợp tác về hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

2. Chính phủ quy định chi tiết các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều này phù hợp với định hướng phát triển và điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.

Điều 89. Tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm, đồng bảo hiểm, Quỹ bảo hiểm xe cơ giới, quỹ rủi ro bảo hiểm

1. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam có thể chia sẻ rủi ro với các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, tổ chức bảo hiểm nước ngoài dưới hình thức tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm.

Doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, tổ chức bảo hiểm nước ngoài nhận tái bảo hiểm phải đạt kết quả xếp hạng của các tổ chức đánh giá tín nhiệm quốc tế và các điều kiện khác theo quy định của Chính phủ.

2. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có thể đồng bảo hiểm trên cơ sở cùng thống nhất giao kết với bên mua bảo hiểm trên một hợp đồng bảo hiểm, trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài nhận phí bảo hiểm và bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo tỷ lệ đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài tham gia đồng bảo hiểm phải là doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài đã được cấp giấy phép thành lập và hoạt động theo quy định của Luật này.

3. Quỹ bảo hiểm xe cơ giới được hình thành từ nguồn đóng góp của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài triển khai bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và các nguồn hợp pháp khác để thực hiện chi hỗ trợ nhân đạo và các hoạt động khác nhằm tăng cường thực hiện bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Quỹ bảo hiểm xe cơ giới được quản lý tập trung; cơ chế quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm xe cơ giới thực hiện theo quy định của Chính phủ.

4. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam có thể thỏa thuận thành lập quỹ rủi ro bảo hiểm để phân tán, chia sẻ bảo hiểm cho những rủi ro lớn, rủi ro mang tính thảm họa hoặc rủi ro mới phát sinh chưa được hoặc ít được bảo hiểm trên thị trường. Các thỏa thuận thành lập quỹ rủi ro bảo hiểm có sự tham gia, hỗ trợ của Nhà nước thực hiện theo quy định của Chính phủ; trường hợp có sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước thì phải thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

5. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết về tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm, đồng bảo hiểm.

Điều 90. Hoạt động thuê ngoài

1. Hoạt động thuê ngoài là việc doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam thỏa thuận giao kết hợp đồng thuê ngoài với tổ chức, cá nhân khác để thực hiện một phần quy trình, hoạt động, trừ các hoạt động sau đây:

a) Kiểm soát nội bộ;

b) Kiểm toán nội bộ;

c) Quản trị rủi ro;

d) Tư vấn, giới thiệu, chào bán sản phẩm bảo hiểm, thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm.

2. Trường hợp thực hiện thuê ngoài đối với một phần quy trình, hoạt động liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam vẫn phải chịu trách nhiệm cuối cùng và duy nhất đối với bên mua bảo hiểm và có các nghĩa vụ sau đây:

a) Xây dựng quy chế quản lý hoạt động thuê ngoài, trong đó có các quy định về phạm vi các hoạt động có thể thuê ngoài, khung đánh giá rủi ro liên quan, tiêu chí phê duyệt các hợp đồng thuê ngoài và điều kiện đối với bên cung cấp dịch vụ thuê ngoài bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật. Quy chế quản lý hoạt động thuê ngoài phải được Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm hoặc cấp có thẩm quyền của của chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phê duyệt;

b) Thiết lập quy trình thuê ngoài, quy trình quản trị rủi ro, kiểm soát nội bđối với hoạt động thuê ngoài và thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm phòng ngừa, giảm thiểu và xử lý kịp thời rủi ro phát sinh từ việc thuê ngoài, đặc biệt là rủi ro liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm;

c) Tạm dừng thực hiện, điều chỉnh hoặc chấm dứt hoạt động thuê ngoài trong trường hợp phát hiện hoạt động thuê ngoài có ảnh hưởng bất lợi đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm;

d) Có phương án dự phòng bảo đảm hoạt động kinh doanh không bị gián đoạn trong trường hợp bên cung cấp dịch vụ thuê ngoài không thể thực hiện hoặc không thực hiện đúng trách nhiệm đối với hoạt động thuê ngoài theo quy định tại hợp đồng thuê ngoài;

đ) Thường xuyên kiểm tra, giám sát bên cung cấp dịch vụ thuê ngoài trong quá trình thực hiện thỏa thuận thuê ngoài nhằm bảo đảm chất lượng, tiến độ thực hiện theo quy định tại hợp đồng thuê ngoài. Bên cung cấp dịch vụ thuê ngoài phải bảo đảm tự thực hiện tối thiểu 75% giá trị công việc nhận thuê ngoài; trường hợp thuê nhà thầu phụ thực hiện một phần công việc thì phải được sự đồng ý trước bằng văn bản của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam và phải bảo đảm không làm thay đổi các trách nhiệm, nghĩa vụ của bên cung cấp dịch vụ thuê ngoài;

e) Bảo mật dữ liệu và thông tin của khách hàng theo quy định của pháp luật;

g) Theo dõi, hạch toán tách biệt đối với hoạt động thuê ngoài.

3. Hợp đồng thuê ngoài phải được lập thành văn bản và bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Phạm vi, nội dung của hoạt động thuê ngoài;

b) Thời gian, địa điểm thực hiện hoạt động thuê ngoài;

c) Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam và bên cung cấp dịch vụ thuê ngoài;

d) Tiêu chuẩn, yêu cầu về chất lượng kết quả thực hiện hoạt động thuê ngoài;

đ) Cơ chế, trách nhiệm cung cấp thông tin, báo cáo của bên cung cấp dịch vụ thuê ngoài đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam trong quá trình thực hiện hoạt động thuê ngoài;

e) Phương án dự phòng, khắc phục thiệt hại, bồi thường của bên cung cấp dịch vụ thuê ngoài trong trường hợp bên cung cấp dịch vụ thuê ngoài không thể thực hiện hoặc thực hiện không đúng thỏa thuận trong hợp đồng thuê ngoài;

g) Cơ chế giám sát, kiểm soát và kiểm toán việc thực hiện hoạt động thuê ngoài của bên cung cấp dịch vụ thuê ngoài; yêu cầu bên cung cấp dịch vụ thuê ngoài theo dõi, hạch toán tách biệt giữa hoạt động nhận thuê ngoài từ lĩnh vực bảo hiểm với các hoạt động khác, giữa các hoạt động nhận thuê ngoài từ các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam khác nhau;

h) Quy định về việc hạn chế ký hợp đồng thầu phụ;

i) Cơ chế bảo mật dữ liệu và thông tin khách hàng;

k) Phương thức giải quyết tranh chấp.

Mục 5. CHUYỂN GIAO DANH MỤC HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM

Điều 91. Các trường hợp chuyển giao danh mục hợp đồng bảo hiểm

Việc chuyển giao toàn bộ danh mục hợp đồng bảo hiểm của một hoặc một số nghiệp vụ bảo hiểm, tài sản và trách nhiệm tương ứng giữa các doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được thực hiện trong trường hợp sau đây:

1. Theo yêu cầu của Bộ Tài chính quy định tại điểm c và điểm d khoản 8 Điều 113 của Luật này;

2. Thu hẹp nội dung, phạm vi hoạt động;

3. Chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, chấm dứt hoạt động;

4. Các trường hợp quy định tại các điểm a, d và e khoản 1 Điều 75 của Luật này.

Điều 92. Điều kiện chuyển giao danh mục hợp đồng bảo hiểm

1. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được nhận chuyển giao danh mục hợp đồng bảo hiểm khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Đang kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm nhận chuyển giao;

b) Bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn, khả năng thanh toán theo quy định của Luật này;

c) Bảo đảm điều kiện triển khai nghiệp vụ bảo hiểm sau khi nhận chuyển giao.

2. Việc chuyển giao danh mục hợp đồng bảo hiểm phải kèm theo việc chuyển giao các tài sản tương ứng với dự phòng nghiệp vụ của toàn bộ danh mục hợp đồng bảo hiểm được chuyển giao.

3. Các quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng bảo hiểm được chuyển giao không thay đổi cho đến khi hết thời hạn hợp đồng bảo hiểm. Trường hợp chuyển giao danh mục hợp đồng bảo hiểm quy định tại khoản 1 Điều 91 của Luật này, nếu giá trị tài sản thấp hơn so với dự phòng nghiệp vụ của danh mục hợp đồng bảo hiểm được chuyển giao, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài nhận chuyển giao phải thỏa thuận với bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm về việc giảm số tiền bảo hiểm hoặc quyền lợi bảo hiểm và các nghĩa vụ khác theo hợp đồng bảo hiểm.

4. Trường hợp không đồng ý với việc chuyển giao, bên mua bảo hiểm có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm.

Điều 93. Thủ tục chuyển giao danh mục hợp đồng bảo hiểm

1. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài chuyển giao danh mục hợp đồng bảo hiểm phải có văn bản đề nghị chuyển giao danh mục hợp đồng bảo hiểm gửi đến Bộ Tài chính, trong đó nêu rõ lý do chuyển giao, kèm theo kế hoạch và hợp đồng chuyển giao. Việc chuyển giao danh mục hợp đồng bảo hiểm chỉ được tiến hành sau khi được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản.

2. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Bộ Tài chính chấp thuận việc chuyển giao danh mục hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài chuyển giao danh mục hợp đồng bảo hiểm phải công bố trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài đó về việc chuyển giao và thông báo cho bên mua bảo hiểm bằng văn bản.

3. Chính phủ quy định chi tiết hồ sơ, trình tự, thủ tục chuyển giao danh mục hợp đồng bảo hiểm.

Mục 6. TÀI CHÍNH, HẠCH TOÁN KẾ TOÁN VÀ BÁO CÁO TÀI CHÍNH

Điều 94. Vốn

1. Vốn điều lệ là tổng số tiền do thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần và được ghi vào điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm.

2. Vốn được cấp của chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam là số vốn do doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài cấp cho chi nhánh tại Việt Nam.

3. Vốn chủ sở hữu bao gồm vốn điều lệ đã góp, vốn được cấp của chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, các quỹ dự trữ, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, các quỹ thuộc chủ sở hữu được trích lập từ lợi nhuận sau thuế theo quy định.

4. Vốn thực có bao gồm vốn chủ sở hữu và các nguồn khác được phép ghi nhận hoặc giảm trừ theo quy định của Bộ Tài chính.

5. Vốn trên cơ sở rủi ro được xác định dựa trên quy mô và lượng hóa tác động của các nhóm rủi ro đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, bao gồm:

a) Rủi ro bảo hiểm bao gồm các rủi ro phát sinh do biến động các yếu tố kỹ thuật tương ứng với loại hình bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe;

b) Rủi ro thị trường bao gồm các rủi ro phát sinh từ thị trường đối với hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam;

c) Rủi ro hoạt động bao gồm các rủi ro phát sinh từ quy trình hoạt động, hệ thống, quản lý của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam;

d) Rủi ro khác bao gồm các rủi ro phát sinh từ các đối tác khác hoặc các yếu tố khác chưa được tính toán trong rủi ro bảo hiểm, rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động.

6. Chính phủ quy định chi tiết mức vốn điều lệ tối thiểu, vốn được cấp tối thiểu đối với từng loại hình doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 95. Tỷ lệ an toàn vốn

1. Tỷ lệ an toàn vốn là tỷ lệ giữa vốn thực có và vốn trên cơ sở rủi ro.

2. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải luôn duy trì tỷ lệ an toàn vốn không thấp hơn quy định.

3. Khi xác định tỷ lệ an toàn vốn, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam không được tính vào vốn thực có số tiền đầu tư dưới hình thức góp vốn, mua cổ phần vào doanh nghiệp bảo hiểm khác, doanh nghiệp tái bảo hiểm khác, công ty con của doanh nghiệp bảo hiểm, công ty con của doanh nghiệp tái bảo hiểm.

4. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết về tỷ lệ an toàn vốn, vốn trên cơ sở rủi ro, vốn thực có.

Điều 96. Ký quỹ

1. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải sử dụng một phần vốn điều lệ, vốn được cấp để ký quỹ tại một ngân hàng thương mại hoạt động tại Việt Nam.

2. Mức tiền ký quỹ bằng 02% vốn điều lệ tối thiểu, vốn được cấp tối thiểu tại thời điểm thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam.

3. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam chỉ được sử dụng tiền ký quỹ để đáp ứng các cam kết đối với bên mua bảo hiểm khi khả năng thanh toán bị thiếu hụt và phải được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản. Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày sử dụng tiền ký quỹ, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm bổ sung tiền ký quỹ đã sử dụng.

4. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam chỉ được rút toàn bộ tiền ký quỹ khi chấm dứt hoạt động.

Điều 97. Dự phòng nghiệp vụ

1. Dự phòng nghiệp vụ là khoản tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải trích lập nhằm mục đích thanh toán cho những trách nhiệm bảo hiểm có thể phát sinh từ các hợp đồng bảo hiểm đã giao kết.

2. Việc trích lập dự phòng nghiệp vụ phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Trích lập riêng cho từng nghiệp vụ bảo hiểm;

b) Tương ứng với phần trách nhiệm đã cam kết theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm;

c) Tách biệt giữa các hợp đồng bảo hiểm của đối tượng bảo hiểm trong và ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam, kể cả trong cùng một nghiệp vụ bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

d) Luôn có tài sản tương ứng với dự phòng nghiệp vụ đã trích lập, đồng thời tách biệt tài sản tương ứng với dự phòng quy định tại điểm c khoản này;

đ) Sử dụng Chuyên gia tính toán để tính toán, trích lập dự phòng nghiệp vụ;

e) Thường xuyên rà soát, đánh giá việc trích lập dự phòng nghiệp vụ; kịp thời có các biện pháp nhằm bảo đảm trích lập đầy đủ dự phòng để chi trả cho các trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam.

3. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải đăng ký và được Bộ Tài chính chấp thuận phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ.

4. Chính phủ quy định chi tiết về việc trích lập dự phòng nghiệp vụ và hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ.

Điều 98. Quỹ dự trữ

1. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải trích lập quỹ dự trữ bắt buộc để bổ sung vốn chủ sở hữu và bảo đảm khả năng thanh toán.

2. Quỹ dự trữ bắt buộc được trích hằng năm theo tỷ lệ 05% lợi nhuận sau thuế cho đến khi bằng mức tối đa theo quy định của Chính phủ.

3. Ngoài quỹ dự trữ bắt buộc, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam có thể lập các quỹ dự trữ khác từ lợi nhuận sau thuế của năm tài chính theo quy định tại điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, quy chế tổ chức và hoạt động của chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 99. Quy định chung về đầu tư

1. Các nguồn đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam bao gồm:

a) Vốn chủ sở hữu;

b) Phần vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ theo quy định của Chính phủ;

c) Các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

2. Việc đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

a) Bảo đảm an toàn, thanh khoản, hiệu quả; tuân thủ quy định pháp luật, tự chịu trách nhiệm về hoạt động đầu tư;

b) Dự phòng nghiệp vụ chỉ được đầu tư tại Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 100 của Luật này;

c) Không được vay để đầu tư, ủy thác đầu tư vào chứng khoán, kinh doanh bất động sản hoặc góp vốn vào doanh nghiệp khác;

d) Không được đầu tư quá 30% nguồn vốn đầu tư vào các công ty trong cùng một nhóm công ty có quan hệ sở hữu lẫn nhau. Quy định này không áp dụng với việc gửi tiền vào các tổ chức tín dụng và nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài dưới hình thức thành lập doanh nghiệp hoặc thành lập chi nhánh tại nước ngoài;

đ) Không được đầu tư trở lại dưới mọi hình thức cho các cổ đông, thành viên góp vốn hoặc người có liên quan với cổ đông, thành viên góp vốn theo quy định của Luật Doanh nghiệp, trừ tiền gửi tại các cổ đông, thành viên là tổ chức tín dụng;

e) Không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành;

g) Trường hợp ủy thác đầu tư, tổ chức nhận ủy thác phải được cấp phép thực hiện hoạt động nhận ủy thác đầu tư phù hợp với nội dung nhận ủy thác đầu tư.

3. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam không được phép thực hiện các hoạt động đầu tư sau đây:

a) Kinh doanh bất động sản, trừ các trường hợp: mua cổ phiếu của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, chứng chỉ quỹ của quỹ đại chúng; mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ; cho thuê trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng; nắm giữ bất động sản do xử lý trái phiếu có bảo đảm bằng bất động sản, do đối trừ công nợ phải thu bằng bất động sản trong thời hạn 03 năm kể từ ngày nắm giữ;

b) Đầu tư kim khí quý, đá quý;

c) Đầu tư tài sản cố định vô hình, trừ trường hợp phục vụ cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm của doanh nghiệp, chi nhánh;

d) Đầu tư chứng khoán phái sinh hoặc hợp đồng phái sinh, trừ trường hợp chứng khoán phái sinh niêm yết nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro phát sinh từ hợp đồng bảo hiểm, tái bảo hiểm và từ danh mục đầu tư chứng khoán doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam đang nắm giữ.

4. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam thực hiện xác định giá trị tài sản đầu tư theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

5. Chính phủ quy định chi tiết về hạn mức đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 100. Đầu tư ra nước ngoài

1. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm chỉ được đầu tư ra nước ngoài dưới các hình thức sau đây:

a) Thành lập hoặc góp vốn thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm ở nước ngoài; thành lập chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm ở nước ngoài; mở văn phòng đại diện và hình thức hiện diện thương mại khác tại nước ngoài;

b) Mua, bán chứng khoán, các giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài theo quy định của Chính phủ.

2. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm được đầu tư ra nước ngoài từ các nguồn sau đây:

a) Phần vốn chủ sở hữu còn lại sau khi trừ đi phần vốn đáp ứng yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn và khả năng thanh toán theo quy định của Luật này;

b) Phần vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ của các hợp đồng bảo hiểm có quyền lợi liên kết với các chỉ số đầu tư của nước ngoài và phần vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ của các hợp đồng bảo hiểm được giao kết với các tổ chức, cá nhân tại nước ngoài.

3. Việc đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm phải bảo đảm tuân thủ các quy định chung về đầu tư quy định tại Điều 99 của Luật này và các quy định sau đây:

a) Bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn và khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm;

b) Tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, pháp luật về đầu tư, pháp luật về quản lý ngoại hối;

c) Thực hiện dưới tên của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm đó;

d) Thực hiện quản lý và theo dõi tách biệt nguồn vốn đầu tư, tài sản đầu tư, doanh thu, chi phí của hoạt động đầu tư ra nước ngoài;

đ) Không được sử dụng tiền, tài sản của bên mua bảo hiểm trong nước để bù đắp lỗ, thiếu hụt tiền của hoạt động đầu tư ra nước ngoài, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

e) Được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện đầu tư ra nước ngoài.

4. Chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam không được đầu tư ra nước ngoài.

5. Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện, hạn mức, hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận việc đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm.

Điều 101. Tách nguồn vốn chủ sở hữu và nguồn phí bảo hiểm, phân chia thặng dư

1. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải đăng ký nguyên tắc với Bộ Tài chính và thực hiện việc tách, ghi nhận và theo dõi riêng đối với:

a) Nguồn vốn chủ sở hữu, nguồn phí bảo hiểm và tài sản tương ứng của từng nguồn vốn;

b) Doanh thu, chi phí, kết quả từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm, hoạt động đầu tư của nguồn vốn chủ sở hữu và nguồn phí bảo hiểm;

c) Nguồn phí bảo hiểm từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong và ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam; doanh thu, chi phí, dự phòng nghiệp vụ, các khoản chi phí tương ứng từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong và ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam.

2. Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ phải tách, ghi nhận và theo dõi riêng tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí, kết quả hoạt động của các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có chia lãi theo phương pháp được Bộ Tài chính chấp thuận.

3. Chính phủ quy định chi tiết về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký, chấp thuận quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

4. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết việc tách nguồn vốn chủ sở hữu và nguồn phí bảo hiểm, nguyên tắc phân chia thặng dư đối với các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có chia lãi.

Điều 102. Chế độ tài chính

1. Chế độ tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Chính phủ quy định chi tiết về chế độ tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 103. Năm tài chính

1. Năm tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 và kết thúc vào ngày 31 tháng 12 cùng năm dương lịch.

2. Năm tài chính đầu tiên của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam bắt đầu từ ngày được cấp giấy phép thành lập và hoạt động và kết thúc vào ngày cuối cùng của năm đó.

Điều 104. Chế độ kế toán

Chế độ kế toán áp dụng đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải thực hiện theo quy định của pháp luật về kế toán.

Điều 105. Kiểm toán độc lập

1. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải thực hiện kiểm toán độc lập hằng năm đối với báo cáo tài chính năm.

2. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải có ý kiến xác nhận của tổ chức kiểm toán độc lập đối với báo cáo đánh giá khả năng thanh toán và quản trị rủi ro; báo cáo tách nguồn vốn chủ sở hữu, nguồn phí bảo hiểm; báo cáo hoạt động của quỹ liên kết chung, quỹ liên kết đơn vị, quỹ hưu trí.

3. Tổ chức kiểm toán độc lập khi thực hiện kiểm toán, xác nhận đối với báo cáo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này có trách nhiệm sau đây:

a) Tuân thủ quy định của pháp luật về kiểm toán độc lập;

b) Sử dụng Chuyên gia tính toán khi kiểm toán tỷ lệ an toàn vốn, dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm; chuyên gia về quản trị rủi ro khi kiểm toán quản trị rủi ro và các chuyên gia khác tương ứng với nội dung kiểm toán độc lập;

c) Giải trình, cung cấp thông tin, số liệu liên quan đến hoạt động kiểm toán doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam trong trường hợp có yêu cầu của Bộ Tài chính;

d) Thông báo bằng văn bản cho Bộ Tài chính khi phát hiện doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam có sai phạm trọng yếu trong các báo cáo được kiểm toán, xác nhận do không tuân thủ pháp luật, có gian lận bảo hiểm, có giao dịch bất thường có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn tài chính hoặc quyền lợi của người tham gia bảo hiểm;

đ) Bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật.

4. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết khoản 2 Điều này.

Điều 106. Báo cáo và cung cấp thông tin

1. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải gửi Bộ Tài chính các báo cáo sau đây:

a) Báo cáo tài chính; trường hợp có ý kiến hoặc kết luận không phải là chấp nhận toàn phần của tổ chức kiểm toán độc lập đối với bất kỳ báo cáo, hoạt động nào được kiểm toán, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải báo cáo Bộ Tài chính nguyên nhân, thực trạng;

b) Báo cáo hoạt động nghiệp vụ;

c) Báo cáo tách nguồn vốn chủ sở hữu, nguồn phí bảo hiểm;

d) Báo cáo đánh giá khả năng thanh toán và quản trị rủi ro;

đ) Báo cáo thay đổi về vốn liên quan đến từng loại rủi ro.

2. Ngoài báo cáo quy định tại khoản 1 Điều này, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải báo cáo Bộ Tài chính trong trường hợp sau đây:

a) Khi xảy ra những diễn biến bất thường có ảnh hưởng đến khả năng thanh toán, uy tín của doanh nghiệp, chi nhánh trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm;

b) Khi không đáp ứng yêu cầu về tài chính và các yêu cầu khác theo quy định.

3. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết về báo cáo và cung cấp thông tin quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Điều 107. Chuyển lợi nhuận, tài sản ra nước ngoài

1. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam được chuyển lợi nhuận, tài sản ra nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam và quy định sau đây:

a) Chuyển số lợi nhuận còn lại thuộc sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài sau khi đã trích lập các quỹ, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính và bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn, khả năng thanh toán theo quy định của Luật này;

b) Chuyển số tài sản còn lại thuộc sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài sau khi kết thúc hoạt động tại Việt Nam.

2. Việc chuyển tiền, tài sản khác ra nước ngoài được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Điều 108. Quản trị tài chính

1. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam tự chủ về tài chính, tự chịu trách nhiệm về việc quản lý, giám sát hiệu quả hoạt động; thực hiện các nghĩa vụ, cam kết với bên mua bảo hiểm, các tổ chức, cá nhân có liên quan và Nhà nước theo quy định của pháp luật.

2. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải xây dựng chiến lược, quy trình, quy chế, thủ tục, cơ cấu tổ chức để thực hiện việc quản lý, giám sát hoạt động tài chính, bảo đảm an toàn, hiệu quả, đúng pháp luật; chủ động phòng, ngừa và giảm thiểu rủi ro.

Mục 7. KHẢ NĂNG THANH TOÁN VÀ BIỆN PHÁP CAN THIỆP

Điều 109. An toàn tài chính

1. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam được coi là bảo đảm an toàn tài chính khi đáp ứng các quy định về vốn, khả năng thanh toán và đầu tư.

2. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải chủ động rà soát các quy trình, quy chế, hệ thống quản trị rủi ro, kế hoạch kinh doanh, đánh giá hoạt động kinh doanh bảo hiểm, tái bảo hiểm, hoạt động tài chính, bảo đảm an toàn hiệu quả và tuân thủ pháp luật nhằm đáp ứng an toàn tài chính theo quy định của Luật này.

3. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định các trường hợp áp dụng biện pháp cải thiện, biện pháp can thiệp sớm, biện pháp kiểm soát quy định tại các điều 111, 112 và 113 của Luật này để bảo đảm an toàn tài chính.

Điều 110. Khả năng thanh toán

1. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải duy trì khả năng thanh toán trong suốt quá trình hoạt động.

2. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam được coi là có đủ khả năng thanh toán khi đáp ứng đồng thời các điều kiện sau đây:

a) Trích lập dự phòng nghiệp vụ đầy đủ;

b) Bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn.

Điều 111. Biện pháp cải thiện

1. Trường hợp phải áp dụng biện pháp cải thiện, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam chủ động lựa chọn, tổ chức triển khai thực hiện một hoặc một số biện pháp cải thiện quy định tại khoản 2 Điều này và thông báo bằng văn bản cho Bộ Tài chính về thực trạng, nguyên nhân, biện pháp cải thiện được áp dụng.

2. Biện pháp cải thiện bao gồm:

a) Tăng vốn điều lệ, vốn được cấp;

b) Tăng cường hiệu quả hoạt động kinh doanh bao gồm tập trung khai thác các sản phẩm bảo hiểm có hiệu quả; rà soát phí bảo hiểm tương ứng với điều kiện và trách nhiệm bảo hiểm; cơ cấu lại chương trình tái bảo hiểm; giảm chi phí hoạt động, chi phí quản lý, chi phí bán hàng; hạn chế chi trả thù lao, lương, thưởng đối với người quản lý;

c) Cơ cấu lại danh mục đầu tư bao gồm tăng cường nắm giữ các tài sản có tính thanh khoản cao; bán, chuyển nhượng tài sản không hiệu quả hoặc có mức độ rủi ro cao;

d) Tăng cường quản trị rủi ro; tổ chức lại bộ máy quản lý, nhân sự; hạn chế mua tài sản cố định; hạn chế trích lập và sử dụng các quỹ;

đ) Biện pháp khác phù hợp với quy định của pháp luật.

3. Trong quá trình thực hiện biện pháp cải thiện, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam không được thực hiện các hoạt động sau đây:

a) Chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, phân phối lợi nhuận, chi trả cổ tức;

b) Tăng nhận tái bảo hiểm.

Điều 112. Biện pháp can thiệp sớm

1. Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam tỷ lệ an toàn vốn ở mức phải áp dụng biện pháp can thiệp sớm hoặc đã áp dụng biện pháp cải thiện quy định tại Điều 111 của Luật này trong thời gian 12 tháng liên tục mà vẫn không khắc phục được tỷ lệ an toàn vốn, Bộ Tài chính ban hành văn bản áp dụng biện pháp can thiệp sớm.

2. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày Bộ Tài chính ban hành văn bản áp dụng biện pháp can thiệp sớm, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm xây dựng phương án khắc phục tỷ lệ an toàn vốn theo quy định tại khoản 4 Điều này và tổ chức triển khai thực hiện, đồng thời báo cáo Bộ Tài chính về thực trạng, nguyên nhân, phương án khắc phục tỷ lệ an toàn vốn. Bộ Tài chính ban hành văn bản yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam điều chỉnh phương án khắc phục nếu xét thấy cần thiết.

3. Thời hạn thực hiện phương án khắc phục tối đa là 12 tháng kể từ ngày Bộ Tài chính ban hành văn bản áp dụng biện pháp can thiệp sớm.

4. Phương án khắc phục bao gồm một hoặc một số biện pháp sau đây:

a) Biện pháp quy định tại khoản 2 Điều 111 của Luật này;

b) Bãi nhiệm, miễn nhiệm người quản lý;

c) Thu hẹp nội dung, phạm vi hoạt động không hiệu quả; tạm dừng khai thác mới sản phẩm bảo hiểm hoặc nghiệp vụ bảo hiểm không hiệu quả.

5. Trong quá trình thực hiện biện pháp can thiệp sớm, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam không được thực hiện các hoạt động sau đây:

a) Các hoạt động quy định tại khoản 3 Điều 111 của Luật này;

b) Mua cổ phiếu quỹ;

c) Mở rộng nội dung, phạm vi và thời hạn hoạt động.

6. Trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này mà doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam không xây dựng được phương án khắc phục tỷ lệ an toàn vốn hoặc hết thời hạn quy định tại khoản 3 Điều này mà không khắc phục được tỷ lệ an toàn vốn thì tùy theo tính chất, mức độ rủi ro, Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam thực hiện một hoặc một số biện pháp quy định tại khoản 4 Điều này.

7. Bộ Tài chính công khai danh sách doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải áp dụng biện pháp can thiệp sớm trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính.

8. Bộ Tài chính xem xét, quyết định ban hành văn bản chấm dứt áp dụng biện pháp can thiệp sớm đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Được tổ chức kiểm toán độc lập xác nhận khắc phục được tỷ lệ an toàn vốn;

b) Bị áp dụng biện pháp kiểm soát quy định tại Điều 113 của Luật này.

Điều 113. Biện pháp kiểm soát

1. Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam có tỷ lệ an toàn vốn ở mức phải áp dụng biện pháp kiểm soát, Bộ Tài chính xem xét, quyết định ban hành văn bản áp dụng biện pháp kiểm soát và gửi văn bản áp dụng biện pháp kiểm soát đến doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam.

2. Bộ Tài chính thông báo về việc áp dụng biện pháp kiểm soát đến các chủ thể sau đây:

a) Chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông góp vốn từ 10% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm; doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài có chi nhánh tại Việt Nam;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm nước ngoài có thẩm quyền quản lý công ty sở hữu 100% vốn điều lệ, vốn được cấp của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam.

3. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Bộ Tài chính ban hành văn bản áp dụng biện pháp kiểm soát, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải thuê tổ chức kiểm toán độc lập rà soát, đánh giá thực trạng tài chính, xác định giá trị thực của vốn điều lệ, vốn được cấp và khả năng thanh toán. Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam không hoàn thành việc thuê tổ chức kiểm toán độc lập trong thời hạn quy định, Bộ Tài chính chỉ định tổ chức kiểm toán độc lập. Chi phí kiểm toán do doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam chi trả.

4. Trong thời hạn 120 ngày kể từ ngày Bộ Tài chính ban hành văn bản áp dụng biện pháp kiểm soát, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm xây dựng phương án khắc phục tỷ lệ an toàn vốn và tổ chức triển khai thực hiện, đồng thời báo cáo Bộ Tài chính về thực trạng, nguyên nhân, phương án khắc phục tỷ lệ an toàn vốn. Bộ Tài chính ban hành văn bản yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam điều chỉnh phương án khắc phục nếu xét thấy cần thiết.

5. Thời hạn thực hiện phương án khắc phục tối đa là 18 tháng kể từ ngày Bộ Tài chính ban hành văn bản áp dụng biện pháp kiểm soát.

6. Phương án khắc phục bao gồm một hoặc một số biện pháp sau đây:

a) Biện pháp quy định tại khoản 4 Điều 112 của Luật này;

b) Dừng hoạt động có thể dẫn đến không bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn.

7. Trong quá trình thực hiện biện pháp kiểm soát, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam không được thực hiện các hoạt động sau đây:

a) Các hoạt động quy định tại khoản 5 Điều 112 của Luật này;

b) Tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp; mua bất động sản để sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ;

c) Đầu tư vào các tài sản có mức độ rủi ro cao hoặc thực hiện các hoạt động kinh doanh làm giảm tỷ lệ an toàn vốn.

8. Trong thời hạn quy định tại khoản 4 Điều này mà doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam không xây dựng được phương án khắc phục hoặc hết thời hạn quy định tại khoản 5 Điều này mà không khắc phục được tỷ lệ an toàn vốn thì tùy theo tính chất, mức độ, rủi ro, Bộ Tài chính thực hiện một hoặc một số biện pháp sau đây:

a) Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ nội dung hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam;

b) Yêu cầu chia, tách, sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm;

c) Yêu cầu chuyển giao danh mục hợp đồng bảo hiểm;

d) Chỉ định doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài khác góp vốn, mua cổ phần, nhận chuyển giao danh mục hợp đồng bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài bị kiểm soát.

9. Trong thời gian bị đình chỉ quy định tại điểm a khoản 8 Điều này, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam vẫn phải thực hiện trích lập đầy đủ dự phòng nghiệp vụ theo quy định của pháp luật; theo dõi chặt chẽ các hợp đồng bảo hiểm còn hiệu lực; bảo đảm chi trả bồi thường, trả tiền bảo hiểm kịp thời, đầy đủ theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm và quy định của pháp luật; thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế; tiếp tục thanh toán các khoản nợ, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với bên mua bảo hiểm và người lao động theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

10. Bộ Tài chính công khai danh sách doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải áp dụng biện pháp kiểm soát trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính.

11. Bộ Tài chính xem xét, quyết định ban hành văn bản chấm dứt áp dụng biện pháp kiểm soát đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam bị kiểm soát được tổ chức kiểm toán độc lập xác nhận khắc phục được tỷ lệ an toàn vốn;

b) Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm được hợp nhất, sáp nhập hoặc giải thể;

c) Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam không khắc phục được tình trạng bị áp dụng biện pháp kiểm soát.

Điều 114. Trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam trong trường hợp bị áp dụng biện pháp cải thiện, can thiệp sớm, kiểm soát

Ngoài các trách nhiệm quy định tại các điều 111, 112 và 113 của Luật này, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam bị áp dụng biện pháp cải thiện, can thiệp sớm, kiểm soát còn có trách nhiệm sau đây:

1. Thực hiện quản trị, kiểm soát, điều hành hoạt động kinh doanh và bảo đảm an toàn tài sản;

2. Chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin, tài liệu, hồ sơ, các vấn đề về tổ chức, hoạt động và các vấn đề liên quan;

3. Báo cáo Bộ Tài chính kết quả thực hiện và mức độ cải thiện theo định kỳ hằng tháng hoặc theo yêu cầu của Bộ Tài chính;

4. Trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Điều 115. Giải thể doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chấm dứt hoạt động chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam

1. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm giải thể; chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam chấm dứt hoạt động trong trường hợp sau đây:

a) Tự nguyện đề nghị giải thể, chấm dứt hoạt động;

b) Khi hết thời hạn hoạt động quy định trong giấy phép thành lập và hoạt động;

c) Bị thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động quy định tại các điểm a, b, d và e khoản 1 Điều 75 của Luật này;

d) Chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam không khắc phục được tỷ lệ an toàn vốn sau thời gian áp dụng biện pháp kiểm soát;

đ) Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

2. Việc giải thể doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chấm dứt hoạt động chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản.

3. Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chấm dứt hoạt động chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 116. Phá sản doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm

1. Sau khi Bộ Tài chính ban hành văn bản chấm dứt áp dụng biện pháp kiểm soát quy định tại điểm c khoản 11 Điều 113 của Luật này, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản theo quy định của Luật Phá sản; trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì Bộ Tài chính nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

2. Khi nhận được yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản, tuyên bố doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm phá sản và áp dụng ngay thủ tục thanh lý tài sản của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm mà không tổ chức hội nghị chủ nợ và thực hiện thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh.

3. Việc phân chia tài sản của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm trong trường hợp phá sản được thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau đây:

a) Chi phí phá sản;

b) Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động;

c) Khoản trả tiền bồi thường, trả tiền bảo hiểm đối với các yêu cầu đòi bồi thường, trả tiền bảo hiểm đã được doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm chấp thuận chi trả giá trị hoàn lại, giá trị tài khoản hợp đồng bảo hiểm hoặc hoàn phí bảo hiểm;

d) Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ;

đ) Chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm.

4. Trường hợp giá trị tài sản không đủ để thanh toán quy định tại khoản 3 Điều này thì các đối tượng thuộc cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ.

5. Nội dung về phá sản doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm không được quy định tại Điều này thì thực hiện theo quy định của Luật Phá sản.

Mục 8. CÔNG KHAI THÔNG TIN

Điều 117. Trách nhiệm công khai thông tin

1. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải công khai các thông tin quy định tại các điều 118, 119 và 120 của Luật này và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin công khai. Việc công khai thông tin phải chính xác, kịp thời, đầy đủ, dễ theo dõi và tuân thủ quy định của pháp luật.

Trường hợp có thay đổi nội dung thông tin đã công khai, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải cập nhật kịp thời, đầy đủ nội dung thay đổi và lý do thay đổi so với thông tin đã công khai trước đó.

2. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải đăng tải thông tin cần công khai trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, chi nhánh đó. Việc đăng tải thông tin thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Thời hạn công khai thông tin thực hiện theo quy định sau đây:

a) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thời hạn gửi báo cáo quy định tại Điều 118 của Luật này hoặc kể từ khi xảy ra một trong các sự kiện liên quan tới các thông tin cần công khai quy định tại Điều 119 của Luật này;

b) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ khi xảy ra một trong các sự kiện liên quan tới các thông tin cần công khai quy định tại Điều 120 của Luật này.

3. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày công khai thông tin, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm thông báo cho Bộ Tài chính về nội dung thông tin công khai.

4. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm là công ty đại chúng thực hiện công khai thông tin theo quy định của Luật này và quy định của Luật Chứng khoán.

Điều 118. Thông tin công khai định kỳ

1. Báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán, báo cáo tài chính bán niên.

2. Báo cáo đánh giá khả năng thanh toán và quản trị rủi ro.

3. Vốn thực có và tỷ lệ an toàn vốn.

Điều 119. Thông tin công khai thường xuyên

1. Thông tin về hồ sơ doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam bao gồm:

a) Thông tin trong giấy phép thành lập và hoạt động;

b) Thông tin về Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật và Chuyên gia tính toán;

c) Địa chỉ trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh;

d) Đường dây nóng.

2. Thông tin về hoạt động nghiệp vụ bao gồm:

a) Quy tắc, điều khoản, biểu phí của từng sản phẩm bảo hiểm đang cung cấp, nội dung khách hàng cần lưu ý đối với từng sản phẩm bảo hiểm;

b) Quy trình, hồ sơ yêu cầu và thời hạn giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm;

c) Các mục tiêu, chính sách quản lý đầu tư;

d) Các mục tiêu, chính sách đánh giá tỷ lệ an toàn vốn.

Điều 120. Thông tin công khai bất thường

1. Thông tin công khai bất thường bao gồm:

a) Việc tạm ngừng kinh doanh hoặc bị đình chỉ nội dung hoạt động, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động;

b) Việc chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, đầu tư ra nước ngoài, thành lập, đóng cửa chi nhánh, văn phòng đại diện;

c) Chấm dứt hoạt động của chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam;

d) Việc thay đổi chính sách kế toán áp dụng; kết quả điều chỉnh hồi tố báo cáo tài chính; ý kiến không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần của tổ chức kiểm toán độc lập đối với báo cáo tài chính; việc lựa chọn hoặc thay đổi tổ chức kiểm toán độc lập;

đ) Việc chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp dẫn đến có cổ đông, thành viên góp vốn sở hữu từ 10% vốn điều lệ trở lên hoặc giảm xuống dưới 10% vốn điều lệ;

e) Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động kinh doanh bảo hiểm;

g) Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam;

h) Quyết định của Tòa án về mở thủ tục phá sản doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm;

i) Quyết định khởi tố đối với doanh nghiệp, người quản lý, người kiểm soát liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam;

k) Sự kiện ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia bảo hiểm;

l) Thông tin liên quan đến doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam gây ảnh hưởng trọng yếu đến vốn, khả năng thanh toán, quản trị rủi ro và quản trị doanh nghiệp;

m) Tổn thất tài sản có giá trị từ 10% vốn chủ sở hữu trở lên;

n) Chuyển giao danh mục hợp đồng bảo hiểm;

o) Thông tin khác theo quy định của pháp luật.

2. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết nội dung thông tin công khai bất thường tại điểm k và điểm l khoản 1 Điều này.

Mục 9. ĐỀ PHÒNG, HẠN CHẾ TỔN THẤT, PHÒNG, CHỐNG GIAN LẬN BẢO HIỂM

Điều 121. Trách nhiệm trong việc đề phòng, hạn chế tổn thất và phòng, chống gian lận bảo hiểm

Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm và các bên có liên quan có trách nhiệm trong việc đề phòng, hạn chế tổn thất và phòng, chống gian lận bảo hiểm.

Điều 122. Đề phòng, hạn chế tổn thất

1. Đề phòng, hạn chế tổn thất trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm là việc thực hiện các biện pháp để phòng ngừa, giảm thiểu những tổn thất có thể xảy ra đối với đối tượng bảo hiểm.

2. Bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm có trách nhiệm chủ động thực hiện các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất; thông báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài về việc xảy ra sự kiện bảo hiểm; thực hiện các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất theo hướng dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm (nếu có).

3. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có trách nhiệm thực hiện các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất sau đây:

a) Tổ chức tập huấn, tuyên truyền, đào tạo; hỗ trợ công tác tổ chức tập huấn, tuyên truyền chính sách về kinh doanh bảo hiểm;

b) Tài trợ, hỗ trợ các phương tiện, vật chất để đề phòng, hạn chế rủi ro;

c) Hỗ trợ xây dựng các công trình nhằm mục đích đề phòng, giảm nhẹ mức độ rủi ro cho các đối tượng bảo hiểm;

d) Thuê các tổ chức, cá nhân khác giám sát, đề phòng, hạn chế tổn thất.

4. Cơ quan, tổ chức có liên quan hướng dẫn, tổ chức tuyên truyền về việc thực hiện các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất.

Điều 123. Phòng, chống gian lận bảo hiểm

1. Phòng, chống gian lận bảo hiểm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm là việc thực hiện các biện pháp nhằm ngăn ngừa, hạn chế các hành vi gian lận trong quá trình giao kết, thực hiện hợp đồng bảo hiểm nhằm chiếm đoạt tiền, tài sản từ doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, bên mua bảo hiểm.

2. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có trách nhiệm chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện các biện pháp nhằm phòng ngừa, phát hiện, giảm thiểu các hành vi gian lận bảo hiểm; tổ chức tuyên truyền về phòng, chống gian lận bảo hiểm.

3. Bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm chủ động tham gia vào công tác phòng, chống gian lận bảo hiểm; trường hợp phát hiện các hành vi gian lận bảo hiểm thì kịp thời thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và các cơ quan có thẩm quyền.

4. Cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp với doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm tổ chức công tác phòng, chống gian lận bảo hiểm.

Chương IV

ĐẠI LÝ BẢO HIỂM, DOANH NGHIỆP MÔI GIỚI BẢO HIỂM, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN CUNG CẤP DỊCH VỤ PHỤ TRỢ BẢO HIỂM

Mục 1. ĐẠI LÝ BẢO HIỂM

Điều 124. Đại lý bảo hiểm

Đại lý bảo hiểm là tổ chức, cá nhân được doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô ủy quyền trên cơ sở hợp đồng đại lý bảo hiểm để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm.

Điều 125. Điều kiện hoạt động đại lý bảo hiểm

1. Cá nhân hoạt động đại lý bảo hiểm phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam;

b) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

c) Có chứng chỉ đại lý bảo hiểm phù hợp theo quy định tại Điều 130 của Luật này.

2. Tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam;

b) Đã đăng ký ngành, nghề kinh doanh hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Đối với các tổ chức hoạt động trong ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thì giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ hoặc văn bản xác nhận, chấp thuận khác (nếu có) của cơ quan có thẩm quyền có nội dung hoạt động đại lý bảo hiểm;

c) Có nhân viên trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này;

d) Điều kiện về nhân sự và điều kiện khác theo quy định của Chính phủ.

3. Tổ chức, cá nhân không được giao kết, thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm trong các trường hợp sau đây:

a) Tổ chức là pháp nhân thương mại đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tổ chức đang bị đình chỉ hoạt động có thời hạn, đang bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn hoặc đang bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến bảo hiểm;

b) Cá nhân đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành hình phạt cấm hành nghề liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm.

Điều 126. Nội dung hợp đồng đại lý bảo hiểm

Hợp đồng đại lý bảo hiểm phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Tên, địa chỉ của đại lý bảo hiểm;

2. Tên, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô;

3. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, đại lý bảo hiểm;

4. Nội dung và phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm;

5. Hoa hồng đại lý bảo hiểm, thưởng, hỗ trợ đại lý bảo hiểm và các quyền lợi khác (nếu có);

6. Thời hạn hợp đồng;

7. Phương thức giải quyết tranh chấp.

Điều 127. Nguyên tắc hoạt động của đại lý bảo hiểm

1. Cá nhân không được đồng thời làm đại lý bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài khác hoạt động trong cùng loại hình bảo hiểm với doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài mà cá nhân đó đang làm đại lý. Cá nhân đang làm đại lý bảo hiểm cho một tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô không được đồng thời làm đại lý bảo hiểm cho tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô khác.

2. Tổ chức không được đồng thời làm đại lý bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô khác nếu không được chấp thuận bằng văn bản của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô mà tổ chức đó đang làm đại lý.

3. Cá nhân hoạt động đại lý bảo hiểm, nhân viên trong tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm chỉ được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm đối với những sản phẩm bảo hiểm đã được đào tạo.

4. Thông tin của cá nhân hoạt động đại lý bảo hiểm và nhân viên trong tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm phải được đăng ký và cập nhật tại cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm quy định tại Điều 11 của Luật này.

5. Cá nhân đã được cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm nhưng không hoạt động đại lý bảo hiểm trong thời hạn 03 năm liên tục phải thực hiện thi lấy chứng chỉ đại lý bảo hiểm mới trước khi hoạt động đại lý.

Điều 128. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô trong hoạt động đại lý bảo hiểm

1. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô có các quyền sau đây:

a) Tổ chức hệ thống đại lý bảo hiểm phù hợp với chiến lược kinh doanh;

b) Tuyển dụng đại lý bảo hiểm và giao kết hợp đồng đại lý bảo hiểm;

c) Quyết định mức chi trả hoa hồng đại lý bảo hiểm, thưởng, hỗ trợ đại lý bảo hiểm và quyền lợi khác trong hợp đồng đại lý bảo hiểm không vượt quá mức tối đa theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

d) Nhận và quản lý tiền ký quỹ hoặc tài sản thế chấp của đại lý bảo hiểm nếu có thỏa thuận trong hợp đồng đại lý bảo hiểm;

đ) Yêu cầu đại lý bảo hiểm thanh toán phí bảo hiểm thu được theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm;

e) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm, đánh giá chất lượng tư vấn, giới thiệu sản phẩm bảo hiểm của đại lý bảo hiểm và nhân viên trong tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm;

g) Được hưởng quyền, lợi ích hợp pháp khác từ hoạt động đại lý bảo hiểm;

h) Quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô có các nghĩa vụ sau đây:

a) Chịu trách nhiệm về việc tổ chức, quản lý, sử dụng đại lý bảo hiểm;

b) Tổ chức đào tạo và cập nhật kiến thức cho đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật;

c) Hướng dẫn và cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu cần thiết liên quan đến hoạt động đại lý bảo hiểm;

d) Thực hiện các trách nhiệm phát sinh theo hợp đồng đại lý bảo hiểm đã giao kết;

đ) Thanh toán, chi trả hoa hồng đại lý bảo hiểm, thưởng, hỗ trợ đại lý bảo hiểm và quyền lợi khác theo thỏa thuận trong hợp đồng đại lý bảo hiểm không vượt quá mức tối đa theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

e) Hoàn trả cho đại lý bảo hiểm tiền ký quỹ hoặc tài sản thế chấp theo thỏa thuận;

g) Chịu trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm do đại lý bảo hiểm, nhân viên trong tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm thu xếp giao kết. Trường hợp đại lý bảo hiểm, nhân viên trong tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm vi phạm hợp đồng đại lý bảo hiểm gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người được bảo hiểm, bên mua bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô vẫn phải chịu trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm do đại lý bảo hiểm thu xếp giao kết;

h) Chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với hoạt động đại lý bảo hiểm;

i) Bảo đảm và không được cản trở các quyền, lợi ích hợp pháp của đại lý bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng đại lý bảo hiểm và quy định của pháp luật;

k) Báo cáo về việc đào tạo và sử dụng đại lý bảo hiểm theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

l) Đăng ký và cập nhật thông tin của cá nhân hoạt động đại lý bảo hiểm và nhân viên trong tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm tại cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm quy định tại Điều 11 của Luật này;

m) Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 129. Quyền và nghĩa vụ của đại lý bảo hiểm

1. Đại lý bảo hiểm có các quyền sau đây:

a) Lựa chọn và giao kết hợp đồng đại lý bảo hiểm đối với doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô theo quy định của pháp luật;

b) Được cung cấp thông tin và điều kiện cần thiết để thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm;

c) Hưởng hoa hồng đại lý bảo hiểm, thưởng, hỗ trợ đại lý bảo hiểm và các quyền lợi khác từ hoạt động đại lý bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng đại lý bảo hiểm;

d) Yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô hoàn trả tiền ký quỹ hoặc tài sản thế chấp theo thỏa thuận trong hợp đồng đại lý bảo hiểm;

đ) Quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Đại lý bảo hiểm có các nghĩa vụ sau đây:

a) Thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng đại lý bảo hiểm;

b) Ký quỹ hoặc thế chấp tài sản cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô nếu có thỏa thuận trong hợp đồng đại lý bảo hiểm;

c) Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật;

d) Tư vấn, giới thiệu, chào bán sản phẩm bảo hiểm; cung cấp các thông tin về sản phẩm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô đầy đủ, chính xác cho bên mua bảo hiểm và giải thích rõ ràng, đầy đủ về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm; không được tự ý kê khai thông tin cho bên mua bảo hiểm khi chưa có sự đồng ý của bên mua bảo hiểm; thực hiện các nghĩa vụ khác theo phạm vi được ủy quyền trong hợp đồng đại lý bảo hiểm;

đ) Tham dự các khóa đào tạo, cập nhật kiến thức do doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô tổ chức;

e) Chịu sự kiểm tra, giám sát của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô;

g) Bồi hoàn cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô các khoản tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô đã bồi thường cho người được bảo hiểm, bên mua bảo hiểm trong trường hợp đại lý bảo hiểm, nhân viên trong tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm vi phạm hợp đồng đại lý bảo hiểm gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người được bảo hiểm, bên mua bảo hiểm;

h) Thực hiện đúng tiêu chuẩn hoạt động đại lý bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô quy định;

i) Giữ bí mật thông tin khách hàng, sử dụng thông tin khách hàng đúng mục đích và không được cung cấp cho bên thứ ba mà không có sự chấp thuận của khách hàng, trừ trường hợp cung cấp theo quy định của pháp luật;

k) Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

3. Đại lý bảo hiểm không được thực hiện các hành vi sau đây:

a) Thông tin, quảng cáo sai sự thật về nội dung, phạm vi hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, điều kiện và điều khoản bảo hiểm làm tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm;

b) Ngăn cản bên mua bảo hiểm cung cấp các thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm hoặc xúi giục bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm không kê khai các thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm;

c) Tranh giành khách hàng dưới các hình thức ngăn cản, lôi kéo, mua chuộc, đe dọa nhân viên hoặc khách hàng của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm khác;

d) Xúi giục khách hàng hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm đang có hiệu lực dưới mọi hình thức.

4. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết điểm d khoản 2 Điều này.

Điều 130. Chứng chỉ đại lý bảo hiểm

1. Chứng chỉ đại lý bảo hiểm bao gồm:

a) Chứng chỉ đại lý bảo hiểm nhân thọ;

b) Chứng chỉ đại lý bảo hiểm phi nhân thọ;

c) Chứng chỉ đại lý bảo hiểm sức khỏe.

2. Nội dung chủ yếu đào tạo chứng chỉ đại lý bảo hiểm bao gồm:

a) Kiến thức chung về bảo hiểm; các nguyên lý về nghiệp vụ bảo hiểm phù hợp với từng loại chứng chỉ đại lý bảo hiểm;

b) Quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp đại lý bảo hiểm;

c) Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, đại lý bảo hiểm trong hoạt động đại lý bảo hiểm;

d) Pháp luật Việt Nam về hoạt động kinh doanh bảo hiểm;

đ) Kỹ năng và thực hành hành nghề đại lý bảo hiểm.

3. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết về các loại chứng chỉ đại lý bảo hiểm; nội dung đào tạo, hồ sơ, trình tự, thủ tục thi, cấp, thu hồi, cấp đổi chứng chỉ đại lý bảo hiểm.

Mục 2. DOANH NGHIỆP MÔI GIỚI BẢO HIỂM

Điều 131. Nội dung hoạt động của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm

1. Hoạt động môi giới bảo hiểm gốc, hoạt động môi giới tái bảo hiểm.

2. Cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

3. Hoạt động khác liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của bên mua bảo hiểm.

Điều 132. Nguyên tắc hoạt động môi giới bảo hiểm

1. Trung thực, khách quan, minh bạch; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên liên quan.

2. Tuân theo quy tắc đạo đức nghề nghiệp do tổ chức xã hội - nghề nghiệp ban hành.

3. Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải thỏa thuận bằng văn bản với khách hàng khi thực hiện cung cấp dịch vụ môi giới bảo hiểm.

Điều 133. Điều kiện cấp giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm

1. Điều kiện về cổ đông, thành viên góp vốn thành lập bao gồm:

a) Tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật Doanh nghiệp;

b) Tổ chức có tư cách pháp nhân, đang hoạt động hợp pháp và đáp ứng các điều kiện về tài chính theo quy định của Chính phủ.

2. Điều kiện về vốn bao gồm:

a) Vốn điều lệ được góp bằng Đồng Việt Nam và không thấp hơn mức tối thiểu theo quy định của Chính phủ;

b) Cổ đông, thành viên góp vốn không được sử dụng vốn vay, nguồn vốn ủy thác đầu tư của tổ chức, cá nhân khác để tham gia góp vốn.

3. Điều kiện về nhân sự: có Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật dự kiến đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn về năng lực quản lý, kinh nghiệm và chuyên môn nghiệp vụ theo quy định tại Điều 138 của Luật này.

4. Có hình thức tổ chức hoạt động theo quy định của Luật này và có dự thảo điều lệ phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp.

5. Tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài tham gia góp vốn thành lập, mua cổ phần, phần vốn góp từ 10% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Là tổ chức được thành lập theo pháp luật nước ngoài đang trực tiếp thực hiện hoặc có công ty con thực hiện hoạt động môi giới bảo hiểm trong 05 năm liên tục gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập và hoạt động;

b) Được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cho phép thành lập doanh nghiệp môi giới bảo hiểm tại Việt Nam và xác nhận không vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về môi giới bảo hiểm của nước nơi tổ chức đặt trụ sở chính trong 03 năm liên tục gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập và hoạt động.

Điều 134. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập và hoạt động doanh nghiệp môi giới bảo hiểm

1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập và hoạt động bao gồm:

a) Văn bản đề nghị cấp giấy phép thành lập và hoạt động;

b) Dự thảo điều lệ công ty;

c) Phương án hoạt động 05 năm đầu, trong đó nêu rõ các nội dung hoạt động dự kiến triển khai;

d) Sơ yếu lý lịch, Phiếu lý lịch tư pháp, bản sao các văn bằng, chứng chỉ chứng minh năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người dự kiến được bổ nhiệm là Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật;

đ) Mức vốn góp và phương thức góp vốn, danh sách những tổ chức, cá nhân sáng lập hoặc thành viên, cổ đông dự kiến góp từ 10% vốn điều lệ trở lên và các tài liệu chứng minh việc đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 133 của Luật này.

2. Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy phép thành lập và hoạt động doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.

Điều 135. Tổ chức và hoạt động

Các quy định về tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm bao gồm: hình thức tổ chức hoạt động; tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài; thời hạn cấp giấy phép thành lập và hoạt động; thẩm quyền cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động, đình chỉ nội dung hoạt động; công bố nội dung giấy phép thành lập và hoạt động; thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động được thực hiện theo quy định tại các điều 62, 68, 70, 71, 72khoản 1, khoản 3 Điều 75 của Luật này.

Điều 136. Những thay đổi phải được chấp thuận hoặc phải thông báo

1. Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản trước khi thay đổi một trong các nội dung sau đây:

a) Tên, địa điểm đặt trụ sở chính;

b) Mức vốn điều lệ;

c) Nội dung, phạm vi và thời hạn hoạt động;

d) Chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp dẫn đến có cổ đông, thành viên góp vốn sở hữu từ 10% vốn điều lệ trở lên hoặc giảm xuống dưới 10% vốn điều lệ;

đ) Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc;

e) Chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, chuyển đổi hình thức doanh nghiệp; mở chi nhánh, văn phòng đại diện và các hình thức hiện diện thương mại khác tại nước ngoài.

2. Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải thông báo cho Bộ Tài chính bằng văn bản trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có những thay đổi sau đây:

a) Thay đổi điều lệ hoạt động;

b) Mở, chấm dứt, thay đổi địa điểm chi nhánh, văn phòng đại diện.

3. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày Bộ Tài chính chấp thuận việc thay đổi quy định tại khoản 1 Điều này, Bộ Tài chính có trách nhiệm công bố các nội dung thay đổi trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính.

4. Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận các thay đổi quy định tại khoản 1 Điều này và hồ sơ, trình tự, thủ tục ghi nhận quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.

Điều 137. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm

1. Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm có các quyền sau đây:

a) Hưởng hoa hồng môi giới bảo hiểm gốc, hoa hồng môi giới tái bảo hiểm theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

b) Thu từ cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm;

c) Thu từ thực hiện các công việc khác liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của bên mua bảo hiểm;

d) Quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm có các nghĩa vụ sau đây:

a) Bảo mật thông tin do khách hàng, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam cung cấp, trừ trường hợp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc được sự đồng ý của khách hàng, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam;

b) Bồi thường thiệt hại cho khách hàng do hoạt động môi giới bảo hiểm gây ra;

c) Công khai thông tin cho khách hàng các nội dung theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

d) Hạch toán và theo dõi tách biệt các khoản thu hộ, chi hộ doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam;

đ) Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp phù hợp với hoạt động môi giới bảo hiểm;

e) Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

3. Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm không được thực hiện các hành vi sau đây:

a) Ngăn cản bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm cung cấp các thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm hoặc xúi giục bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm không kê khai các chi tiết liên quan đến hợp đồng bảo hiểm;

b) Khuyến mại dưới hình thức hứa hẹn cung cấp các quyền lợi bất hợp pháp để xúi giục khách hàng giao kết hợp đồng bảo hiểm;

c) Xúi giục bên mua bảo hiểm hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm đang có hiệu lực để mua hợp đồng bảo hiểm mới;

d) Tư vấn cho khách hàng mua bảo hiểm tại một doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài với các điều kiện, điều khoản kém cạnh tranh hơn so với doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài khác nhằm thu được hoa hồng môi giới cao hơn;

đ) Cung cấp cho khách hàng thông tin sai lệch, không phù hợp nội dung điều kiện, điều khoản bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.

Điều 138. Nhân sự, vốn, tài chính, chế độ kế toán và báo cáo tài chính của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm

1. Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật, Phó Giám đốc hoặc Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng, trưởng bộ phận nghiệp vụ của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn về văn bằng, chứng chỉ, kinh nghiệm và các điều kiện khác theo quy định của Chính phủ.

2. Người trực tiếp thực hiện hoạt động môi giới bảo hiểm phải có bằng đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm hoặc có chứng chỉ bảo hiểm phù hợp với loại hình bảo hiểm hoặc chứng chỉ môi giới bảo hiểm do các cơ sở đào tạo được thành lập và hoạt động hợp pháp trong nước hoặc ngoài nước cấp theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

3. Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải duy trì vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu không thấp hơn mức vốn điều lệ tối thiểu và thực hiện chế độ tài chính theo quy định của Chính phủ.

4. Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm thực hiện năm tài chính, chế độ kế toán quy định tại Điều 103 và Điều 104 của Luật này và thực hiện kiểm toán độc lập hằng năm đối với báo cáo tài chính.

5. Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải thực hiện chế độ báo cáo theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính đối với các báo cáo sau đây:

a) Báo cáo tài chính;

b) Báo cáo hoạt động nghiệp vụ định kỳ, báo cáo đột xuất, cung cấp thông tin, số liệu khác.

6. Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài được phép chuyển lợi nhuận, chuyển tài sản ra nước ngoài quy định tại Điều 107 của Luật này.

7. Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm thực hiện quản trị tài chính quy định tại Điều 108 của Luật này.

8. Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm thực hiện công khai trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp các thông tin về báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán và những thay đổi phải được Bộ Tài chính chấp thuận quy định tại khoản 1 Điều 136 của Luật này và thông tin quy định tại các điểm a, b và e khoản 1 Điều 120 của Luật này. Trách nhiệm công khai thông tin thực hiện theo quy định tại Điều 117 của Luật này.

Điều 139. Chứng chỉ môi giới bảo hiểm

1. Nội dung đào tạo môi giới bảo hiểm chủ yếu bao gồm:

a) Kiến thức chung về bảo hiểm và nghiệp vụ bảo hiểm;

b) Nguyên tắc, trách nhiệm, đạo đức hành nghề môi giới bảo hiểm;

c) Pháp luật Việt Nam về hoạt động kinh doanh bảo hiểm;

d) Kỹ năng và thực hành hành nghề môi giới bảo hiểm.

2. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết nội dung đào tạo, hồ sơ, trình tự, thủ tục thi, cấp, thu hồi, cấp đổi chứng chỉ môi giới bảo hiểm do cơ sở đào tạo về bảo hiểm được thành lập và hoạt động hợp pháp trong nước cấp.

Mục 3. TỔ CHỨC, CÁ NHÂN CUNG CẤP DỊCH VỤ PHỤ TRỢ BẢO HIỂM

Điều 140. Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm

1. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô.

2. Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô và các tổ chức, cá nhân khác.

3. Tổ chức khác có tư cách pháp nhân được cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô.

4. Cá nhân được cung cấp dịch vụ tư vấn cho doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô.

Điều 141. Nguyên tắc cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm

1. Trung thực, khách quan, minh bạch; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên liên quan.

2. Tuân theo tiêu chuẩn trong lĩnh vực phụ trợ bảo hiểm.

3. Tuân theo quy tắc đạo đức nghề nghiệp do tổ chức xã hội - nghề nghiệp ban hành.

4. Hợp đồng cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải được lập thành văn bản.

Điều 142. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm

1. Giữ bí mật thông tin khách hàng, sử dụng thông tin khách hàng đúng mục đích và không được cung cấp cho người thứ ba mà không có sự chấp thuận của khách hàng, trừ trường hợp cung cấp theo quy định của pháp luật.

2. Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm không được cung cấp dịch vụ giám định tổn thất bảo hiểm cho hợp đồng bảo hiểm mà doanh nghiệp đó thực hiện thu xếp giao kết hợp đồng bảo hiểm.

3. Tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm không được cung cấp dịch vụ giám định tổn thất bảo hiểm và hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm cho hợp đồng bảo hiểm mà tổ chức đó đồng thời là bên mua bảo hiểm hoặc người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng.

4. Cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho việc cung cấp dịch vụ tư vấn; tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp phù hợp với từng loại hình dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

Điều 143. Điều kiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm

1. Cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

b) Có bằng đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm. Trường hợp không có bằng đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm thì phải có bằng đại học trở lên về chuyên ngành khác và có chứng chỉ phụ trợ bảo hiểm về tư vấn do các cơ sở đào tạo được thành lập và hoạt động hợp pháp trong nước hoặc ngoài nước cấp.

2. Tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Có tư cách pháp nhân, được thành lập và hoạt động hợp pháp;

b) Cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động phụ trợ bảo hiểm trong tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có văn bằng, chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm phù hợp với loại hình dịch vụ phụ trợ bảo hiểm do các cơ sở đào tạo được thành lập và hoạt động hợp pháp trong nước hoặc ngoài nước cấp;

c) Cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động giám định tổn thất bảo hiểm trong tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải đáp ứng điều kiện quy định tại điểm b khoản này và các tiêu chuẩn của giám định viên theo quy định của pháp luật về thương mại;

d) Cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động tính toán bảo hiểm trong tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải đáp ứng điều kiện quy định tại điểm b khoản này và điều kiện, tiêu chuẩn đối với Chuyên gia tính toán.

3. Chính phủ quy định chi tiết các điểm b, c và d khoản 2 Điều này.

4. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết các loại chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm, nội dung đào tạo, hồ sơ, trình tự, thủ tục thi, cấp, cấp đổi, thu hồi chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm.

Chương V

BẢO HIỂM VI MÔ

Điều 144. Đặc điểm của sản phẩm bảo hiểm vi mô

Sản phẩm bảo hiểm vi mô có các đặc điểm cơ bản sau đây:

1. Được thiết kế ngắn gọn, dễ hiểu, có thủ tục thẩm định bảo hiểm đơn giản hoặc không cần thẩm định bảo hiểm;

2. Chỉ bao gồm các quyền lợi nhằm đáp ứng nhu cầu bảo vệ cơ bản trước các rủi ro về tính mạng, sức khỏe và tài sản của người tham gia bảo hiểm với thời hạn bảo hiểm không quá 05 năm;

3. Số tiền bảo hiểm trên từng hợp đồng và phí bảo hiểm hằng năm cho từng người được bảo hiểm của một hợp đồng không vượt quá mức tối đa theo quy định của Chính phủ.

Điều 145. Xây dựng, thiết kế, phát triển sản phẩm bảo hiểm vi mô

1. Việc triển khai và tham gia các sản phẩm bảo hiểm vi mô được Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thông qua một hoặc một số biện pháp quy định tại các điểm a, b, d và e khoản 1 Điều 88 của Luật này.

2. Tổ chức cung cấp bảo hiểm vi mô phải đăng ký và được Bộ Tài chính chấp thuận phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm của các sản phẩm bảo hiểm vi mô.

3. Chính phủ quy định chi tiết các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều này phù hợp với định hướng phát triển và điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ; hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký phương pháp, cơ sở tính phí của các sản phẩm bảo hiểm vi mô.

4. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết phương pháp, cơ sở tính phí của các sản phẩm bảo hiểm vi mô.

Điều 146. Tổ chức cung cấp bảo hiểm vi mô

1. Tổ chức cung cấp bảo hiểm vi mô bao gồm:

a) Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài thành lập và hoạt động tại Việt Nam;

b) Tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô thành lập và hoạt động tại Việt Nam.

2. Chính phủ quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động, đình chỉ nội dung hoạt động của tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô.

3. Bộ Tài chính có thẩm quyền cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung và thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động, đình chỉ nội dung hoạt động của tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô.

Điều 147. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài cung cấp bảo hiểm vi mô

1. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được quyền chủ động cung cấp bảo hiểm vi mô phù hợp với nghiệp vụ bảo hiểm được phép triển khai dưới các hình thức sau đây:

a) Trực tiếp;

b) Thông qua đại lý bảo hiểm;

c) Thông qua cá nhân là nhân viên hoặc thành viên của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, hợp tác xã được doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài ủy quyền để tư vấn, thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm vi mô cho chính các thành viên của tổ chức đó;

d) Hình thức khác theo quy định của pháp luật.

2. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải theo dõi, tách và hạch toán riêng doanh thu, chi phí của hoạt động cung cấp bảo hiểm vi mô với các hoạt động khác của doanh nghiệp.

Điều 148. Tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô

1. Tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô chỉ được cung cấp bảo hiểm vi mô cho chính các thành viên của mình. Thành viên tham gia bảo hiểm vừa là chủ sở hữu của tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, vừa là bên mua bảo hiểm.

2. Hợp đồng bảo hiểm giữa tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô và các thành viên tham gia bảo hiểm tuân thủ các quy định chung về hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, hợp đồng bảo hiểm sức khỏe và hợp đồng bảo hiểm tài sản quy định tại Chương II của Luật này.

3. Chính phủ quy định chi tiết việc cung cấp bảo hiểm vi mô của tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô.

Điều 149. Điều kiện cấp giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô

1. Điều kiện về thành viên sáng lập bao gồm:

a) Cá nhân là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và là thành viên của tổ chức dự kiến thành lập tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô;

b) Là tổ chức đại diện thành viên theo quy định của pháp luật.

2. Vốn thành lập được góp bằng Đồng Việt Nam và không thấp hơn mức tối thiểu theo quy định của Chính phủ.

3. Có nhân sự dự kiến làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật, Chuyên gia tính toán bảo hiểm vi mô đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Chính phủ.

4. Có kế hoạch triển khai bảo hiểm vi mô phù hợp với số lượng thành viên, mạng lưới của tổ chức.

5. Có dự thảo điều lệ phù hợp với mục tiêu hoạt động của tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô và quy định của Chính phủ.

6. Có hệ thống công nghệ thông tin phù hợp, bảo đảm hỗ trợ, theo dõi đến từng hợp đồng bảo hiểm vi mô, theo dõi tài chính, kế toán của hoạt động bảo hiểm vi mô.

Điều 150. Nguyên tắc hoạt động của tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô

1. Tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô tự chủ về tài chính, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật trong phạm vi tài sản hình thành từ hoạt động cung cấp bảo hiểm vi mô.

2. Tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô có trách nhiệm quản lý, giám sát hiệu quả hoạt động, tuân thủ các quy định về chế độ tài chính nhằm bảo đảm an toàn tài chính, bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ, cam kết với các thành viên tham gia bảo hiểm, các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật.

3. Tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô có trách nhiệm thực hiện quản trị rủi ro nhằm kiểm soát một cách hiệu quả các rủi ro phát sinh từ hoạt động cung cấp bảo hiểm vi mô.

4. Toàn bộ lợi nhuận thu được từ hoạt động cung cấp bảo hiểm vi mô của tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô được sử dụng để phục vụ lợi ích cho các thành viên tham gia bảo hiểm thông qua việc giảm trừ phí bảo hiểm, gia tăng quyền lợi bảo hiểm của người được bảo hiểm, hỗ trợ cho các thành viên và các mục tiêu khác theo điều lệ của tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô.

5. Chính phủ quy định chi tiết về tổ chức hoạt động, quản trị rủi ro, hoạt động nghiệp vụ, công khai thông tin, chế độ tài chính, hạch toán kế toán và báo cáo tài chính của tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô.

Chương VI

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH BẢO HIỂM

Điều 151. Quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

2. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm và có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Ban hành, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành và hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, xây dựng chiến lược, đề án và chính sách phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam;

b) Thực hiện thống kê, dự báo về thị trường bảo hiểm;

c) Giám sát doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm thông qua hoạt động nghiệp vụ, tình hình tài chính, quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro và việc chấp hành pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm; giám sát hoạt động của văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam;

d) Giám sát hoạt động đại lý bảo hiểm, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm thông qua doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam;

đ) Thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm; kiểm tra hoạt động của văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam;

e) Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm;

g) Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm hành chính về hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Điều 152. Cơ chế phối hợp trong quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm

1. Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm nước ngoài trong việc quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam theo quy định của Chính phủ.

2. Bộ Tài chính thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin quản lý, giám sát với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các Bộ, ngành khác và tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

3. Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan để triển khai liên kết, hợp tác giữa hoạt động kinh doanh bảo hiểm và bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế do Nhà nước thực hiện.

4. Cơ quan đăng ký kinh doanh không được chấp thuận trong tên doanh nghiệp có sử dụng cụm từ hoặc thuật ngữ “bảo hiểm”, “tái bảo hiểm” hoặc các cụm từ, thuật ngữ khác nếu việc sử dụng cụm từ, thuật ngữ này có thể gây nhầm lẫn đó là doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam.

5. Cơ quan đăng ký kinh doanh không được chấp thuận trong tên doanh nghiệp có sử dụng cụm từ hoặc thuật ngữ “môi giới bảo hiểm”, “môi giới tái bảo hiểm” hoặc các cụm từ, thuật ngữ khác nếu việc sử dụng cụm từ, thuật ngữ này có thể gây nhầm lẫn đó là doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.

Điều 153. Quyền yêu cầu cung cấp thông tin của Bộ Tài chính trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về hoạt động kinh doanh bảo hiểm

1. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật về thanh tra, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và quy định khác của pháp luật có liên quan, Bộ Tài chính còn có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Yêu cầu các cổ đông, thành viên góp vốn, người quản lý, người kiểm soát, nhân viên của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm giải thích và cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu có liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra;

b) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu, dữ liệu có liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh bảo hiểm cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu đó hoặc yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình, đến làm việc liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra;

c) Yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, công ty quản lý quỹ của doanh nghiệp bảo hiểm, văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam và các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 9 của Luật này hoặc vi phạm các quy định về tỷ lệ an toàn vốn, hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, an toàn tài chính, khả năng thanh toán quy định tại các điều 95, 99, 100, 109 và 110 của Luật này. Trình tự, thủ tục yêu cầu và cung cấp thông tin thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân hàng.

2. Việc yêu cầu tổ chức, cá nhân phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu, giải trình, đến làm việc theo quy định tại Điều này phải được thực hiện bằng văn bản, nêu rõ mục đích, căn cứ, nội dung, phạm vi yêu cầu.

3. Các thông tin do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức, cá nhân cung cấp theo quy định tại Điều này phải được bảo mật theo quy định của pháp luật và chỉ được sử dụng cho mục đích thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 154. Thanh tra hoạt động kinh doanh bảo hiểm

1. Cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành kinh doanh bảo hiểm.

2. Khi xét thấy cần thiết, để thực hiện thanh tra chuyên ngành kinh doanh bảo hiểm, cơ quan quy định tại khoản 1 Điều này có quyền thuê tổ chức kiểm toán độc lập, công ty tư vấn hoặc chuyên gia đánh giá, có ý kiến về chuyên môn đối với một số nội dung có dấu hiệu ảnh hưởng tới sự an toàn, lành mạnh của đối tượng thanh tra khi xét thấy cần thiết bao gồm:

a) Dự phòng nghiệp vụ;

b) Khả năng thanh toán;

c) Tái bảo hiểm;

d) Đầu tư;

đ) Tách nguồn vốn chủ sở hữu và nguồn phí bảo hiểm, phân chia thặng dư;

e) Quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm.

3. Tổ chức kiểm toán độc lập, công ty tư vấn hoặc chuyên gia được thuê chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, khách quan của số liệu, tài liệu đánh giá, ý kiến về các nội dung đưa ra.

4. Tổ chức và hoạt động của thanh tra chuyên ngành kinh doanh bảo hiểm theo quy định của Luật này và pháp luật về thanh tra.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 155. Sửa đổi, bổ sung Phụ lục IV của Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 03/2022/QH15

Sửa đổi, bổ sung ngành, nghề số thứ tự 29 và bổ sung ngành, nghề số thứ tự 29a vào sau số thứ tự 29 của Phụ lục IV về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như sau:

“29. Môi giới bảo hiểm

29a. Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm”

Điều 156. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Khoản 3 Điều 86, khoản 4 và khoản 5 Điều 94, Điều 95, khoản 3 và khoản 4 Điều 99, các điều 109, 110, 111, 112, 113, 114 và 116 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2028.

3. Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 61/2010/QH12Luật số 42/2019/QH14 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp sau đây:

a) Khoản 1 Điều 157 của Luật này;

b) Các điều 77, 78, 79, 80, 81, 83, 94 và 98 của Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 61/2010/QH12Luật số 42/2019/QH14 có hiệu lực đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2027.

Điều 157. Điều khoản chuyển tiếp

1. Các hợp đồng bảo hiểm đã giao kết trước ngày Luật này có hiệu lực và còn thời hạn hợp đồng thì tiếp tục thực hiện theo quy định của pháp luật tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng bảo hiểm có thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng để phù hợp với Luật này và để áp dụng quy định của Luật này.

2. Chứng chỉ đại lý bảo hiểm được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết việc chuyển đổi chứng chỉ đại lý bảo hiểm được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực sang chứng chỉ đại lý bảo hiểm theo quy định của Luật này.

3. Chứng chỉ bảo hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm, chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực được tiếp tục sử dụng.

4. Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài dừng trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm.

5. Việc xử lý số dư Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm quy định tại Điều 97 của Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 61/2010/QH12Luật số 42/2019/QH14 được thực hiện như sau:

a) Toàn bộ số dư của Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm được Bộ Tài chính quản lý để sử dụng cho mục đích bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm mất khả năng thanh toán hoặc phá sản;

b) Chính phủ quy định chi tiết về quản lý và sử dụng số dư của Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm.

Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 16 tháng 6 năm 2022.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Vương Đình Huệ

NATIONAL ASSEMBLY OF VIETNAM
--------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

Law No. 08/2022/QH15

Hanoi, June 16, 2022

 

LAW

INSURANCE BUSINESS

Pursuant to the Constitution of the Socialist Republic of Vietnam;

The National Assembly herein passes the Law on Insurance Business.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope

1. This Law provides for organization and operation of insurance business; rights and obligations of entities and persons participating in insurance; state management of insurance business activities.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 2. Subjects of application

1. Insurers; reinsurers; insurance agents; brokers; entities and persons providing ancillary benefit services; mutuals providing microinsurance products.

2. Branches of foreign non-life insurers, foreign reinsurers’ branches (hereinafter referred to as foreign insurance branches in Vietnam).

3. Representative offices of foreign insurers, foreign reinsurers, foreign insurance brokers and foreign financial and insurance corporations in Vietnam (hereinafter referred to as foreign representative offices in Vietnam).

4. Policyholders/the assured, the insured, beneficiaries.

5. State regulatory authorities in charge of insurance business affairs.

6. Entities and persons involved in insurance business.

Article 3. Application of the Law on Insurance Business, other relevant laws and international practices

1. If any other law passed after the entry into force of this Law needs to contain regulations other than those laid down herein pertaining to insurance contracts; establishment, management and provision of insurance services, financial, bookkeeping, accounting and financial reporting activities; payment capabilities; and intervention measures to be applied to insurers, reinsurers, foreign branches in Vietnam, mutuals providing microinsurance products and insurance brokers, cases of compliance or non-compliance with regulations of this Law must be specified.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 4. Interpretation

For the purposes of this Law, terms used herein are construed as follows:

1. Insurance business industry (also insurance industry) covers a range of such sectors as insurance, reinsurance, cession and others related to insurance business, including insurance agent, broker and insurance ancillary services.

2. Insurance service (also insurance business sector) refers to an activity of an insurer, non-life insurer’s foreign branch, mutual providing microinsurance product that insures the risk of the insured. That activity is performed by the policyholder’s paying insurance premiums in order for the aforesaid entity to pay indemnity or insurance coverage in case of any policy event that occurs under terms and conditions of an insurance contract.

3. Reinsurance service refers to the practice whereby an insurer, a reinsurer or an insurer’s foreign branch in Vietnam is paid a sum of reinsurance premium by another insurer, reinsurer or insurer’s foreign branch in Vietnam; by a foreign insurer, reinsurer or foreign insurance organization to undertake to cover the insured liability.

4. Cession refers to the practice whereby an insurer, a reinsurer or an insurer’s foreign branch in Vietnam transfers a portion of their insured liability and pay reinsurance premium to another insurer, reinsurer or insurer’s foreign branch in Vietnam; to a foreign insurer, reinsurer or foreign insurance organization.

5. Insurance agent service refers to one or several fiduciary duties assigned by an insurer, a foreign non-life insurer’s branch or a mutual providing microinsurance product, including giving advice or counsels on insurance products (also insurance plans or schemes); introducing insurance products; marketing insurance products; making arrangements preparatory to the conclusion of insurance contracts; collecting insurance premiums; gathering related documents necessary for settlement of claims and payment of insurance.

6. Insurance brokerage refers to the practice of providing a policyholder with information and advice or counsel on type of insurance, line of insurance business, insurance product, insurance schemes, terms and conditions, insurance premium, insurer, reinsurer, foreign insurance branch in Vietnam; other service activities related to the negotiation, arrangement for conclusion and execution of insurance or reinsurance contracts or policies.

7. Ancillary insurance service covers a range of activities, such as insurance consulting, underwriting, actuary, loss assessment, and facilitation for settlement of insurance claims. Ancillary insurance service does not comprise any service that an insurer, a reinsurer, a foreign insurance branch in Vietnam or a mutual providing microinsurance product renders on their own account to do their insurance or reinsurance business.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



9. Insurance risk assessment refers to an act of identification, classification, assessment, evaluation or quantification of risks in people, property and civil liability which serves as the prerequisite for participation in insurance and reinsurance.

10. Insurance actuarial service refers to the function of collecting and analyzing statistical data; calculating insurance premiums, reserves, assets and solvency; assessing income; valuing insurance companies in order to ensure that an insurer, reinsurer, foreign insurance branch in Vietnam or mutual providing microinsurance product is financially prudent.

11. Insurance loss assessment refers to the act of identifying the actual state, causes and degree of loss; calculating the distribution in liability for compensation for the covered loss. This service shall serve as the prerequisite to settlement of insurance claims.

12. Support for settlement of insurance claims refers to the act of assisting the policyholder, insured, beneficiary or insurer, reinsurer, foreign insurance branch in Vietnam, mutual providing microinsurance product in insurance claims settlement or payout process.

13. Life insurance refers to a type of insurance designed to offer protection for an insured person who is alive or dead.

14. Non-life insurance refers to a type of insurance designed to offer protection against property and other losses or to provide third-party civil liability cover.

15. Health insurance refers to a type of insurance designed to provide the insured with insurance benefits when the insured suffers injury, accident or illness, or needs medical care.

16. Insurance contract (also insurance policy) refers to an arrangement between a policyholder and an insurer or a foreign non-life insurer’s branch or a mutual providing microinsurance product whereunder the policyholder is bound to pay insurance premiums; the insurer, the foreign non-life insurer’s branch or the mutual providing microinsurance service is bound to pay indemnity or insurance benefits or coverage under contractual terms and conditions.

17. Insurer (also insurance company) refers to an enterprise that is established, managed and run as per this Law and other relevant laws to do business in the insurance, reinsurance and reinsurance cession sector. Insurance companies are classified into life insurance, non-life insurance and health insurance companies.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



19. Foreign non-life insurer’s branch (also foreign non-life insurance branch) refers to the subsidiary of a parent foreign non-life insurer that has no legal personality and is offered guarantee from the parent foreign non-life insurer for their obligations and commitments arising during their existence period in Vietnam.

20. Foreign reinsurer’s branch refers to the subsidiary of a parent foreign insurer that has no legal personality and is offered guarantee from the parent reinsurer for their obligations and commitments arising during their existence period in Vietnam.

21. Insurance broker (also insurance brokerage company) refers to an enterprise that is established, managed and run as per this Law and other relevant laws to do business in the insurance brokerage sector.

22. Microinsurance refers to the insurance service meant for low-income individuals and families in order to offer them protection against life, health and property risks.

23. Mutual providing microinsurance product refers to an entity that has legal personality, independent accounting regime; is founded by members or institutional representatives of members to render not-for-profit microinsurance product in order for members participating in insurance to offer mutual aid or support to each other according to the mechanism of voluntary contribution, financial autonomy and self-responsibility before law if such aid or support is restricted to their assets generated from microinsurance product.

24. Policyholder (also the assured) refers to an entity or person entering into an insurance contract with an insurer, foreign non-life insurer's branch or mutual providing microinsurance product and paying insurance premiums.

25. Insured person (also the insured) refers to an entity and person whose property, civil liability, health, life, obligations or economic benefit is insured under an insurance contract.

26. Beneficiary refers to an entity or person that is designated to receive insurance payout as agreed upon in an insurance contract.

27. Insured or policy event refers to an unexpected event agreed upon between contracting parties or prescribed in law in which, when occurring, an insurer, a foreign non-life insurer’s branch or a mutual providing microinsurance product is bound to pay compensation or insurance cover or benefit under contractual terms and conditions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



29. Coinsurance refers to the situation where insurers and foreign non-life insurers’ branches jointly agree with the policyholder to conclude an insurance contract under which insurers and foreign non-life insurers’ branches can receive insurance premiums and pay indemnity or insurance at the agreed-upon percentage rate.

Article 5. Policies for development of the insurance industry

1. The Government shall provide protection for legitimate rights and interests of entities and persons participating in insurance and organizations rendering insurance services.

2. The Government shall provide insurers, reinsurers, foreign insurance branches in Vietnam and mutuals providing microinsurance product with incentive and facilitation measures for research and development of products, services, application of advanced technologies in the insurance industry.

3. The Government shall provide insurers, reinsurers, foreign insurance branches in Vietnam and mutuals providing microinsurance product with incentive and facilitation measures for resumption of investment in the economy, re-investment and development of the insurance market.

4. The Government shall provide incentive and facilitation measures for launching, offering and participating in agricultural, forestry, fishery or aquaculture insurance, microinsurance and other insurance products serving social welfare and security purposes.

Article 6. Principles of provision and use of insurance services

1. Entities and persons in Vietnam wishing to participate in insurance schemes can only participate in insurance with insurers, foreign non-life insurers’ branches or mutuals providing microinsurance products obtaining establishment permits or business licenses in Vietnam, except in case of using cross-border insurance services under the international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.

2. The Government shall provide detailed regulations on provision and use of cross-border insurance, insurance brokerage and insurance ancillary services in conformity with the international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. There are the following types of insurance:

a) Life insurance;

b) Health insurance;

c) Non-life insurance.

2. The Government shall elaborate on regulations on insurance operations of respective types of insurance referred to in clause 1 of this Article.

Article 8. Compulsory insurance

1. Compulsory insurance means an insurance product or plan serving the purposes of protection of public interest, environment and social safety.

2. Classes of compulsory insurance, including:

a) Compulsory insurance against civil liability of vehicle owner;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Compulsory insurance in the construction industry;

d) Classes of compulsory insurance prescribed in other laws that meet the regulations laid down in clause 1 of this Article.

3. Entities and persons eligible for participation in compulsory insurance schemes shall be obliged to buy compulsory insurance schemes and may opt to take compulsory insurance with authorized insurers and foreign non-life insurers' branches.

4. Insurers and foreign non-life insurers’ branches obtaining permission to provide compulsory insurance shall not be allowed to refuse to sell their insurance to entities and persons fully meeting the eligibility conditions for buying compulsory insurance under law.

5. The Government shall impose detailed regulations on conditions binding upon extent of cover, insurance premiums, minimum amounts required for compulsory insurance coverage prescribed in clause 2 of this Article.

Article 9. Prohibited acts

1. Insurance, reinsurance, reinsurance ceding and insurance brokerage business activities are performed when none of establishment permits or business licences is obtained.

2. Insurance, reinsurance, reinsurance ceding and insurance brokerage business activities are performed outside of the permissible scope of business.

3. Insurance brokerage, insurance ancillary service business is done when eligibility conditions for doing so as prescribed in law are not met.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Conspire with insurance beneficiaries to settle insurance claims and pay insurance illegally;

b) Forge documents, intentionally falsify information shown in documents required for filing claims for insurance coverage and payout;

c) Forge documents, deliberately falsify information to reject payment of insurance indemnities and insurance when insurable events happen;

d) Cause self-harm or bodily self-injury or deliberately self-inflicted loss or damage to property to claim insurance benefits.

5. Using threats and force to obtain the consent to insurance contracts.

Article 10. Socio-professional organizations involved in the insurance industry

1. Socio-professional organizations engaged in the insurance industry must be incorporated and operated under law on associations; shall comply with regulatory provision regarding the insurance industry and be kept under the supervision of the Ministry of Finance.

2. Socio-professional organizations involved in the insurance industry shall issue the professional code of conduct and ethics, rules and standards to be applied to all of their members; shall cooperate with state regulatory authorities in charge of the insurance industry on promulgation, dissemination and enhancement of awareness of law on insurance business.

Article 11. Insurance industry database

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Insurers; reinsurers; foreign insurance branches in Vietnam; insurance brokers; insurance ancillary service providers; mutuals providing microinsurance product shall be responsible for providing policyholder, the insured, subject matter insured, insurance agent and other relevant information used as inputs into the database in the insurance industry.

2. According to the principle of insurable interest, a policyholder must be entitled to the insurable benefit varying according to specific types of insurance contract under this Law;

3. According to the principle of indemnity, the amount of coverage or indemnity that the insured can get shall not exceed the actual loss incurred in a policy event, unless otherwise agreed upon in an insurance contract;

4. According to the principle of subrogation, the insured shall be responsible for giving the insurer or foreign non-life insurer the right to claim the amount of loss from the third party responsible for such loss if such amount falls within the permissible loss limit. This principle shall not apply to life and health insurance policies;

5. According to the principle of unpredictable risk, in order for a risk to be covered or insured against, it must be an unexpected and unanticipated one.

Article 17. Contents of insurance contracts

1. An insurance contract must include but not limited to the followings:

a) The policyholder, the insured, the beneficiary (if any), the insurer or the foreign non-life insurer's branch;

b) Subject matter insured;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Scope of insurance coverage and insurance benefits; insurance rules, terms and conditions;

dd) Rights and obligations of the insurer, the foreign non-life insurer’s branch and the policyholder;

e) Insurance policy period, date of entry into force of the insurance contract;

g) Insurance premium, premium payment option;

h) Insurance coverage and payment option;

i) Dispute resolution method.

2. Minister of Finance shall elaborate on clause 1 of this Article with respect to life and health insurance contracts.

Article 18. Presentation and proof of conclusion of insurance contracts

Insurance contracts must be made in writing. Proof of conclusion of an insurance contract shall comprise insurance contract, certificate of insurance, insurance policy or others prescribed in law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Disclaimer clauses shall prescribe cases in which insurers or foreign non-life insurers’ branches can refuse to pay claims and insurance.

2. In the presence of clauses on disclaimer of insured liability, insurers and foreign non-life insurers’ branches must clearly elaborate them in insurance contracts, give explicit, adequate explanations and evidence about the fact that insurers have already received full and clear explanations of these disclaimer clauses by insurers and foreign non-life insurers’ branches when concluding insurance contracts.

3. Where any force majeure event or circumstantial obstacle results in the policyholder's late notice of any policy event, the insurer or foreign non-life insurer’s branch is not allowed to apply disclaimer clauses.

Article 20. Rights and obligations of insurers and foreign non-life insurers’ branches

1. An insurer and foreign non-life insurer’s branch shall have the following rights:

a) Collect insurance premiums under contractual terms and conditions;

b) Request the policyholder to provide full and accurate information related to conclusion and execution of the insurance contract;

c) Revoke the insurance contract as per clause 2 of Article 22 or unilaterally terminate the insurance contract under Article 26 herein;

d) Reject payment of insurance claims or insurance if insurance claims fall outside of the limit of insured liability or fall within the scope of application of the disclaimer clause as provided in the insurance contract;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



e) Request the third party to repay the amount that the insurer or the foreign non-life insurer’s branch pay as indemnity or coverage to the insured in case of loss or damage to property; economic interests or contractual or lawful obligations; civil liability that the third party causes;

g) Other rights prescribed by law.

2. An insurer and a foreign non-life insurer’s branch shall take on the following obligations:

a) Provide the policyholder with proposal and questionnaire related to insurable risks, subject matters insured, rules, terms and conditions of insurance;

b) Give the policyholder with clear and full explanations about insurance benefits, clauses on disclaimer of insured liability, rights and obligations of the policyholder when concluding the insurance contract;

c) Provide the policyholder with the proof of conclusion of the insurance contract prescribed in Article 18 herein;

d) Issue premium invoices to the policyholder as agreed upon in the insurance contract and stipulated in regulatory provisions of relevant law;

dd) Pay indemnity and insurance in case of policy event that occurs;

e) Give written explanations as to why payment of any insurance claim or coverage is rejected;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



h) Store and retain insurance contract-related documents and records under law;

i) Ensure confidentiality and security for information provided by the policyholder or the insured, except as requested by competent regulatory authorities or agreed by the policyholder or the insured;

k) Other obligations prescribed by law.

Article 21. Rights and obligations of the policyholder

1. The policyholder shall have the following rights:

a) Decide on the insurer or the foreign non-life insurer’s branch with which the policyholder may conclude the insurance contract;

b) Request the insurer or the foreign non-life insurer’s branch to provide proposal and questionnaire related to risks covered against, subject matters insured, rules, terms and conditions of insurance, and interpret contractual terms and conditions;

c) Request the insurer or the foreign non-life insurer's branch to provide proof of conclusion of the insurance contract referred to in Article 18 herein;

d) Request the insurer or the foreign non-life insurer's branch to issue premium invoices as agreed upon in the insurance contract and stipulated in regulatory provisions of relevant law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



e) Request the insurer or the foreign non-life insurer's branch to pay insurance claims or coverage or indemnity in case of any policy event that occurs;

g) Transfer the insurance contract under contractual terms and conditions or as provided by law;

h) Other rights stipulated by law.

2. The policyholder shall take on the following obligations:

a) Provide all full and accurate information related to the insurance contract upon the request of the insurer or the foreign non-life insurer's branch;

b) Carefully read and understand policy terms and conditions, rights and obligations of the policyholder when entering into the insurance contract, and other contents of the insurance contract;

c) Pay insurance premiums in full and on time under contractual terms and conditions;

d) Inform the insurer or the foreign non-life insurer’s branch of cases in which it is likely to assume aggregated or alleviated risks or additional liability during the contract term as agreed upon in the insurance contract;

dd) Inform the insurer or the foreign non-life insurer’s branch of occurrence of any policy event as agreed upon in the insurance contract; cooperate with the insurer or the foreign non-life insurer’s branch on insurance loss assessment;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



g) Other obligations prescribed by law.

Article 22. Responsibilities and legal consequences for breach of information disclosure obligations

1. When entering into insurance contracts, insurers and foreign non-life insurers’ branches shall have the burden of providing full and accurate information related to insurance contracts; give explanations about contractual terms and conditions to policyholders. Meanwhile, policyholders shall have the burden of providing full and accurate information related to subject matters of insurance for insurers and foreign non-life insurers’ branches.

2. Where any policyholder deliberately provides inadequate or untrue information with the aim of concluding an insurance contract to receive insurance indemnity or coverage, the insurer or foreign non-life insurer’s branch may nullify the insurance contract. To such extent, the insurer or the foreign non-life insurer’s branch shall not be obliged to pay insurance indemnity or coverage and must reimburse insurance premiums that the policyholder pays after deducting reasonable expenses (if any) under contractual terms and conditions. The policyholder is bound to compensate for any possible loss that the insurer or the foreign non-life insurer's branch incurs due to such act.

3. Where the insurer or the foreign non-life insurer’s branch deliberately fails to discharge its information disclosure obligations or provides untrue information with the intention of obtaining the insurance contract, the policyholder can terminate the insurance contract and be repaid insurance premiums. The insurer or the foreign non-life insurer’s branch is bound to compensate for any loss that the policyholder may suffer due to such act.

Article 23. Changes in levels of insurable risks

1. Whenever there is any change in threshold factors used for calculation of insurance premium that leads to any decrease in risks insured, under contractual terms and conditions, the policyholder may request the insurer or the foreign non-life insurer’s branch to perform one of the following tasks:

a) Reduce insurance premiums during days left to the expiry date of the insurance contract;

b) Increase the sum insured during days left to the expiry date of the insurance contract;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Expand the scope of insurance cover during days left to the expiry date of the insurance contract.

2. Where the insurer or the foreign non-life insurer’s branch fails to accept the request specified in clause 1 of this Article, the policyholder may unilaterally terminate the insurance contract by promptly notifying it of the intention of such termination.

3. Whenever there is any change in threshold factors used for calculation of insurance premium that results in any increase in insurable risks, under contractual terms and conditions, the insurer or the foreign non-life insurer’s branch may take one of the following actions:

a) Re-compute insurance premiums during days left to the expiry date of the insurance contract;

b) Decrease the sum insured during days left to the expiry date of the insurance contract;

c) Shorten the insurance policy period;

d) Limit the scope of insurance cover during days left to the expiry date of the insurance contract.

4. Where the policyholder refuses to accept the request specified in clause 3 of this Article, the insurer or the foreign non-life insurer’s branch may unilaterally terminate the insurance contract by promptly notifying the policyholder of the intention of such termination.

Article 24. Interpretation of insurance contracts

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 25. Null and void insurance contracts

1. An insurance contract shall be made null and void in the following cases:

a) The policyholder has no insurable interest at the time of conclusion of an insurance contract;

b) No subject matter of insurance exists at the time of conclusion of an insurance contract;

c) At the time of conclusion of the insurance contract, the policyholder has the knowledge of the policy event that occurs;

d) Objectives and contents of an insurance contract are in contravention of prohibition clauses and social ethics;

dd) The insurer, the foreign non-life insurer’s branch and the policyholder enter into the fraudulent insurance policy;

e) The policyholder is a minor; the person who is incapable of civil acts; the person who have cognitive and behavioral difficulties; the person whose capacity to perform civil acts is restricted;

g) When being entered into, an insurance contract contains any confusion that causes one or more parties to fail to achieve the purposes of entering into that contract, unless the contractual purposes of the contracting parties have been achieved, or the contracting parties can take immediate remedial actions against such confusion to make the purposes of entering into the contract successfully achieved;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



i) The insurance contract is concluded under threat or pressure;

k) The policyholder lives with health condition related to cognitive disability and impulse control disorder when entering into the insurance contract;

l) The insurance contract is in contravention of regulations on presentation of insurance contracts laid down in Article 18 herein.

2. When an insurance contract is null and void, it is no longer in effect from the date of conclusion. The insurer or the foreign non-life insurer’s branch and the policyholder shall be obliged to return what they have received to each other. The party at fault must be liable to pay compensation.

Article 26. Unilateral termination of insurance contracts

The insurer, the foreign non-life insurer’s branch or the policyholder may unilaterally terminate the insurance contract in the following cases:

1. The policyholder defaults on insurance premiums or does not pay insurance premiums in full by the agreed due date or after the extended due date;

2. The insurer, the foreign non-life insurer’s branch or the policyholder does not accept the request for change in the level of insurable risk under Article 23 herein;

3. The insured fails to apply safety measures to protect subject matters insured as provided in clause 3 of Article 55 herein;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 27. Legal consequences of unilateral termination of insurance contracts

1. In case of unilateral termination of an insurance contract prescribed in clause 1 of Article 26 herein, the following actions shall be taken as follows:

a) Insurance premiums remain to be paid in full by the policyholder till the time of unilateral termination of the insurance contract. This regulation shall not apply to life insurance contracts and health insurance contracts, except group insurance contracts;

b) When unilaterally terminating a life insurance contract or health insurance contract in this case, the insurer or the foreign non-life insurer’s branch shall be responsible for paying insurance to the insured if the policy event occurs before the time of unilateral termination of the insurance contract, and may deduct insurance premiums paid till the time of unilateral termination of the insurance contract;

c) When unilaterally terminating a property insurance contract, a property damage liability insurance contract or a liability insurance contract, the insurer or the foreign non-life insurer’s branch shall be responsible for indemnifying the insured if the policy event occurs before the time of unilateral termination of the insurance contract, and may deduct insurance premiums as agreed upon in the insurance contract.

2. When unilaterally terminating an insurance contract as provided in clause 2 and 3 of Article 26 herein, the insurer or the foreign non-life insurer’s branch shall be responsible for refunding insurance premiums paid in advance for days left to the expiry date of the insurance contract as agreed upon in the insurance contract. The insurer or the foreign non-life insurer’s branch shall be responsible for paying insurance indemnity or coverage as agreed upon in the insurance contract if the policy event occurs before the time of unilateral termination of the insurance contract.

3. When unilaterally terminating a life insurance contract involving cash surrender value in the cases stipulated in clause 1 and 2 of Article 26 herein, the insurer shall be obliged to pay the policyholder the cash surrender value agreed in the insurance contract, unless otherwise agreed by contracting parties.

4. When unilaterally terminating an insurance contract as stipulated in clause 4 of Article 26 herein, the policyholder may be refunded the cash surrender value or insurance premiums that he/she already pays in advance in proportion to the days left to the expiry date of the policy term, depending on specific types of insurance products. Where the property value is less than technical provisions in the transferred portfolio of insurance contracts, the refund that the policyholder receives shall be calculated according to the proportion of property value to technical provisions in the transferred portfolio of insurance contracts.

Article 28. Transfer of insurance contracts

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The transferee of the insurance contract must have insurable benefits and may inherit rights and obligations from the transferor.

3. The transfer of an insurance contract shall only come into effect when the policyholder sends the written notice of such transfer and the written consent is obtained from the insurer or the foreign non-life insurer’s branch, except when the transfer is made according to international practices or as agreed upon in the insurance contract.

Article 29. Responsibilities arising in case of reinsurance

1. The insurer or the foreign non-life insurer’s branch shall bear sole responsibility to the policyholder under the insurance contract, even in case of reinsuring insured liabilities. The insurer or the foreign non-life insurer’s branch shall not be allowed to refuse or delay their assumption of responsibility to the policyholder, even when the reinsurer defaults on their reinsurance payment obligations for liabilities reinsured.

2. The reinsurer shall not be permitted to request the policyholder to pay insurance premiums directly to them, unless otherwise agreed upon in the insurance contract.

3. The policyholder shall not be permitted to request the policyholder to pay insurance premiums directly to them, unless otherwise agreed upon in the insurance contract.

Article 30. Time limits for submission of insurance claims

1. The time limit for submission of an insurance claim under an insurance contract shall be 01 (one) year from the date of occurrence of the policy event. The period during which a force majeure event or circumstantial obstacle occurs shall not make any increase in the time limit for filing an insurance claim.

2. Where the insured or the beneficiary proves that they have no knowledge of the time of occurrence of the policy event, the time limit specified in clause 1 of this Article may start from the day on which the insured or the beneficiary has knowledge of occurrence of that policy event.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 31. Time limits for payment of insurance indemnity and coverage

1. In case of occurrence of the policy event, the insurer or the foreign non-life insurer’s branch shall pay insurance indemnity or coverage within the time limit agreed upon in the insurance contract. In the absence of any agreement on the time limit, the insurer or the foreign non-life insurer’s branch shall pay insurance indemnity or coverage within the time limit of 15 days of receipt of all valid documents concerning request for payment of insurance claims and coverage.

2. If the insurer or the foreign non-life insurer’s branch makes late payment of insurance claims or coverage prescribed in clause 1 of this Article, the amount of interest on the overdue payment must be paid in proportion to the period of late payment. The interest rate of the late payment shall be determined according to the agreement between parties in accordance with the Civil Code.

Article 32. Dispute resolution mechanism

Any dispute about an insurance contract shall be resolved through negotiation between involved parties. In cases where such negotiation fails, the dispute shall be settled through the mediation, arbitration or court process as agreed upon in the insurance contract and according to regulatory provisions.

Section 2. LIFE INSURANCE POLICIES AND HEALTH INSURANCE POLICIES

Article 33. Subject matters

1. Human life and life expectancy is the subject matters of a life insurance policy.

2. Human health is the subject matters of a health insurance policy.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The policyholder shall have insurable interests for the following persons:

a) The policyholder himself;

b) The policyholder’s spouses, parents, offspring;

c) The policyholder’s biological siblings or other persons who are in care or support relationships with the policyholder;

d) The persons having financial interests or labor relations with the policyholder;

dd) Insured persons giving their written consent for purchase of health insurance policies to the policyholder.

2. At the time of conclusion of an insurance contract, the policyholder must have insurable interests.

Article 35. Time limits for consideration of participation in insurance

For a term insurance contract lasting for more than one year, within 21 days of receipt of the insurance contract, the policyholder may refuse to continue to participate in insurance. Where the policyholder refuses to continue to participate in insurance, the insurance contract shall be terminated and the policyholder shall be refunded insurance premiums that they have paid after deducting reasonable costs and expenses (if any) as agreed upon in the insurance contract; the insurer shall not be obliged to pay insurance indemnity or coverage in case of occurrence of a policy event.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The insurer shall offer temporary coverage to the policyholder upon receiving the insurance proposal and advance premiums from the policyholder. Insurance term, sum insured and terms and conditions of temporary coverage shall be negotiated between the insurer and the policyholder. Temporary coverage is terminated after the insurer accepts or refuses insurance, or unless otherwise agreed.

Article 37. Payment of life insurance premiums

1. The insurer can pay insurance premiums on a one-off basis or in installments according to the time limit and approach agreed upon in an insurance contract.

2. In the cases where insurance premiums are paid in installments and the policyholder pays one or several installments of insurance premiums, if the policyholder is unable to proceed to pay further, the extended duration of payment of premiums shall be 60 days.

3. Parties can agree to restore the effect of the insurance contract that is unilaterally terminated under clause 1 of Article 26 herein within 02 years of termination when the policyholder has paid outstanding debts on insurance premiums.

4. Where the policyholder defaults on insurance premiums or fails to pay insurance premiums in full, the insurer shall not be allowed to arbitrarily deduct premiums from the surrender value of the insurance contract without the policyholder’s consent, and take legal action to request the policyholder to pay insurance premiums. This regulation shall not apply in case of group insurance.

Article 38. Prohibition against request for third-party reimbursement

Notwithstanding that the insured is deceased, injured or sick due to direct or indirect acts of the third party, the insurer or the foreign non-life insurer’s branch shall discharge their obligation to pay insurance indemnity or coverage as agreed upon in the insurance contract without having the right to request the third party to reimburse the amount that the insurer or the foreign non-life insurer's branch has already paid to the beneficiary. The third party shall still have the burden of paying indemnity to the insured under law.

Article 39. Conclusion of life insurance contracts and health insurance contracts insuring the death of other person

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Conclusion of a life insurance contract and health insurance contract insuring the death of the following persons shall be prohibited:

a) Minors, except as agreed in writing by their parents or guardians;

b) People incapable of civil acts;

c) Persons who have cognitive and impulse control difficulties;

d) People with restricted capabilities of civil acts.

1. Insurers and foreign non-life insurers’ branches shall not be exempted from paying insurance indemnity and coverage in the following cases:

a) The insured is deceased within 02 years of the first payment of premium or restoration of the insurance contract’s effect;

b) The insured’s death is caused willfully and intentionally by the policyholder or the beneficiary, except as prescribed in clause 2 of this Article;

c) The insured’s permanent injury or impairment is caused willfully and intentionally by the insured himself, the policyholder or the beneficiary, except as prescribed in clause 2 of this Article;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Other cases are stipulated in the insurance contract.

2. In the cases where there are more than one beneficiary, despite the fact that one or more beneficiaries intentionally cause death or permanent injury or impairment for the insured, the insurer or the foreign non-life insurer’s branch shall have the burden of paying insurance indemnity or coverage to the other beneficiaries under contractual terms and conditions.

3. When any situation specified in clause 1 of this Article arises, the insurer or the foreign non-life insurer’s branch shall pay the policyholder the surrender value of the insurance contract or all of the premiums already paid after deducting any reasonable costs and expenses as agreed upon in the insurance contract, except as provided in clause 2 of this Article. In case of the death of the policyholder, all of the refunds shall be treated according to law on inheritance.

1. The policyholder shall have the right to designate the beneficiary, except group insurance contracts. If the policyholder is not the insured, the policyholder must obtain the written consent for designation of the beneficiary from the insured; if the insured is a minor or is incapable of civil acts or faces cognitive or impulse control problems or has restricted capabilities of civil acts, in order to designate a beneficiary, the approval from his/her legal representative must be sought.

2. If there are multiple beneficiaries, the persons entitled to designate beneficiaries as referred to in this Law may determine the beneficiary line or order of precedence or the percentage of benefit that each beneficiary can enjoy. If not doing so, all beneficiaries may be entitled to the equal percentage of benefit.

3. The policyholder can change any beneficiary provided that the written consent for such change from the insured is obtained, and the insurer or the foreign non-life insurer’s branch is informed in writing beforehand of such change. If the insured is a minor or incapable of civil acts or faces cognitive or impulse control problems or has restricted capabilities of civil acts, in order to change a beneficiary, the approval from his/her legal representative must be sought. The insurer or the foreign non-life insurer’s branch must give their certification in the insurance contract or the document attached hereto after receiving the notice of such change from the policyholder.

1. Group insurance contract is the arrangement between the policyholder and the insurer or the foreign non-life insurer’s branch that is made to offer insurance on the insured group members under the same insurance contract.

2. A group of members participating in the insurance contract must be the group set up not to serve the purpose of participation in insurance.

3. The policyholder and the insured may negotiate for the joint payment of premiums.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. The policyholder, the insurer or the foreign non-life insurer’s branch shall have the right to amend and supplement the group insurance contract in the following cases:

a) At least one insured person is no longer the group member;

b) Insurance premiums specific to the insured persons are not paid under terms and conditions of the insurance contract;

c) Other cases are agreed upon in the insurance contract.

6. In addition to those regulations laid down in Article 17 herein, a group insurance contract must contain the followings:

a) Conditions for participation in insurance to be applied to the insured;

b) Conditions and procedures for transformation into the individual insurance contract.

Section 3. PROPERTY INSURANCE CONTRACTS, PROPERTY DAMAGE LIABILITY INSURANCE CONTRACTS

1. The property or assets stipulated in the Civil Code are the subject matters of a property insurance contract.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Under a property insurance contract, the policyholder has insurable interests when acquiring the ownership right; other rights to property or assets; right of possession and use of the non-owner.

2. Under a damage liability insurance contract, the policyholder has insurable interests when they have financial interests; assume financial obligations and liabilities; incur economic losses towards the subject matters insured.

3. At the time of occurrence of insured losses, the policyholder or the insured must have insurable interests.

The sum insured is the amount of money that a policyholder and an insurer or foreign non-life insurer’s branch are agreed upon in the insurance contract to provide insurance for property or assets and against losses upon the policyholder’s request as per this Law.

1. The policyholder is bound to notify the insurer or the foreign non-life insurer’s branch when having the knowledge of an occurrence within the time limit agreed upon in the insurance contract. Where the policyholder fails to comply with the obligation of notification or gives late notification, the insurer or the foreign non-life insurer’s branch can deduct the amount of money that must be paid as insurance in proportion to losses that the insurer or the foreign non-life insurer’s branch incurs, except in force majeure events or objective obstacles.

2. The insurer or the foreign non-life insurer's branch is not allowed to apply the regulations laid down in clause 1 of this Article if the insurance contract does not have any terms and conditions relating to liabilities of the policyholder, sanctions against failure to comply with the obligation of notification or the deferred notification of the policy event.

1. An overinsurance contract is the contract where the sum insured is greater than the market value of the insured property at the time of conclusion of the contract. The insurer, the foreign non-life insurer’s branch and the policyholder shall not be allowed to deliberately enter into an overinsurance contract.

2. Where an overinsurance contract is concluded through the policyholder’s intentional fault, the following actions shall be taken:

a) If there is no policy event that occurs, the insurer or the foreign non-life insurer’s branch shall repay the policyholder the amount of premiums paid in advance in proportion to the sum insured in excess of the market value of the insured property at the time of conclusion of the insurance contract after deducting reasonable costs and expenses (if any) as agreed upon in the insurance contract;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. An underinsurance contract is the contract where the sum insured is less than the market value of the insured property at the time of conclusion of the contract.

2. When entering into a property underinsurance contract, the insurer or the foreign non-life insurer’s branch shall pay losses in proportion to the sum insured and the market value of the insured property at the time of conclusion or as agreed upon in the insurance contract.

1. A double insurance contract is the situation where there are at least two insurance contracts that provide insurance in the same scope of insurance, for the same subject matter, during the same policy term and against the same insured event, and total sum insured of these insurance contracts exceeds the market value of the insured property at the time of conclusion of the insurance contracts.

2. After entering into a double insurance contract, in case of occurrence of a policy event, the amount of the indemnity in each insurance contract is calculated according to the relevant proportion of the agreed sum insured to total of the sums insured in all insurance contracts that the policyholder enters into. Total of the indemnities of all insurance contracts shall not be greater than the actual loss of the insured property.

The insurer or foreign non-life insurer’s branch can disclaim indemnification responsibility for the insured property damaged due to normal wear and tear or inherent vice or nature of that property, unless otherwise agreed upon in the insurance contract.

1. The amount of indemnity that the insurer or the foreign non-life insurer’s branch must pay the insured is calculated on the basis of the market value of the insured property at the time and place of occurrence of loss or damage and actual loss percentage, unless otherwise agreed upon in the insurance contract. Costs and expenses incurred from determination of the market value and loss percentage shall be covered by the insurer or the foreign non-life insurer’s branch.

2. The amount of indemnity that the insurer or the foreign non-life insurer’s branch pays the insured shall not be greater than the sum insured, unless otherwise agreed upon in the insurance contract.

3. In addition to paying indemnity, the insurer or the foreign non-life insurer’s branch shall pay the insured necessary or reasonable expenses agreed upon in the insurance contract to provide and hedge against losses, and claims-arising expenses that the policyholder or the insured must incur to follow the instructions of the insurer or foreign non-life insurer's branch.

1. The policyholder and the insurer or the foreign non-life insurer’s branch can agree on one of the following methods:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Replacing the damaged property with another equivalent one;

c) Paying indemnity.

2. If the insurer, the foreign non-life insurer’s branch and the policyholder are unable to agree on the method of providing indemnity, cash indemnity can be paid.

3. Where either or both of the indemnification methods specified in point b and c of clause 1 of this Article is used, the insurer or the foreign non-life insurer's branch shall be entitled to keep the damaged property after replacing it with another equivalent one or paying the indemnity in full according to the market value of the insured property.

1. In case of the policy event that occurs, the insurer or the foreign non-life insurer’s branch or the person authorized by the insurer or the foreign non-life insurer’s branch shall conduct the assessment of loss and damage in order to determine the causes and levels of loss or damage. Costs and expenses incurred from the loss assessment process shall be covered by the insurer or the foreign non-life insurer’s branch.

2. Where contracting parties fail to reach any agreement on the causes and levels of loss or damage, independent assessors may be hired by mutual consent, unless otherwise agreed upon in the insurance contract. Where the contracting parties disagree on hiring of the independent assessor, one of the parties may request the Court having relevant jurisdiction or the Arbitrator to solicit the independent assessor for their assessment feedback. The independent assessor’s conclusions or consultative opinions shall be binding upon concerned parties.

1. In a policy event that occurs, if the third party carried the burden of paying compensation for any loss or damage to the insured, the following actions shall be taken:

a) After the insurer or foreign non-life insurer’s branch completes their payment of the insured’s insurance claim, the insured shall assign the right to claim reimbursement from the third party for that insurance claim to them;

b) The insurer or the foreign non-life insurer’s branch may deduct the amount of insurance claim, depending on how serious the insured's fault is, if the insured refuses to the right to claim for reimbursement from the third party.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. The insurer or the foreign non-life insurer’s branch is not allowed to request the insured’s parent, spouse or offspring to reimburse the insurance claim that they pay the insured, except as these requested kin cause any loss or damage through their intentional fault.

1. The insured shall be bound to comply with fire prevention and control; occupational safety and hygiene; and other regulations of relevant law in order to ensure their safety.

2. Insurers and foreign non-life insurer's branches shall have the right to inspect safety conditions for the insured or advise and request the insured to apply measures to provide and hedge against risks.

3. Where the insured fails to apply safety measures to provide sufficient protection for the subject matter insured, insurers and foreign non-life insurer's branches shall have the right to set the deadline for the insured’s execution of these measures. After such deadline, if the insured fails to comply, insurers and foreign non-life insurer's branches shall reserve the right to increase insurance premiums or unilaterally terminate the insurance contract.

In case of any loss or damage that occurs, the insured shall not be allowed to abandon the insured property and shall apply necessary measures within their competence to prevent or minimize loss or damage, unless otherwise prescribed in law or agreed upon by parties.

The subject matter of a liability insurance contract is the civil liability of the insured towards the third party under the regulatory provisions of law.

1. Responsibilities of the insurer or the foreign non-life insurer arise only when the third party requests the insured to pay them compensation for any loss or damage occurring within the policy term.

2. The third party shall not be entitled to directly demand compensation from the insurer or the foreign non-life insurer’s branch, unless otherwise provided by law.

1. The limit of liability is the amount of money that an insurer or a foreign non-life insurer’s branch is bound to pay to the insured under terms and conditions of the insurance contract.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. In addition to paying the insurance claim as per clause 2 of this Article, the insurer or the foreign non-life insurer’s branch is bound to pay expenses related to the resolution of disputes over liability towards the third party, together with any interest payable to the third party that is charged on the insured’s late payment of the compensation claim according to the instructions of the insurer or the foreign non-life insurer’s branch.

4. Total amount of insurance claim paid by the insurer or the foreign non-life insurer’s branch as per clause 2 and 3 of this Article must fall within the limit of liability, unless otherwise agreed in the insurance contract.

5. Where the insured is required to provide a pledge or security deposit to ensure that the insured property is not forfeited; or taking legal action in court is not required, upon the request of the insured and under the insurance contract, the insurer or the foreign non-life insurer’s branch shall be obliged to provide a pledge or security deposit within the limit of liability that they insure against.

Insurers and foreign non-life insurers’ branches shall have the right to act on behalf of the insured persons to negotiate with the third party about the amount of compensation for loss or damage, unless otherwise agreed upon in insurance contracts.

As requested by the insured, insurers or foreign non-life insurers' branches can directly pay insurance claims to the insured or pay compensation to the third parties suffering insured loss or damage.

Chapter III

INSURANCE COMPANIES, REINSURANCE COMPANIES, FOREIGN INSURANCE BRANCHES IN VIETNAM

Section 1. BUSINESS PERMITS AND LICENSES

1. Joint-stock company.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Insurers and foreign non-life insurers' branches can be involved in the following range or area of business activities:

a) Insurance, reinsurance or reinsurance cession business;

b) Management of funds and investment of funds generated in the insurance industry;

c) Provision of insurance ancillary services;

d) Other activities directly related to the insurance industry.

2. Reinsurance companies and foreign reinsurance branches can be involved in the following range or area of business activities:

a) Reinsurance, reinsurance cession sector;

b) Management of funds and investment of funds generated from rendering reinsurance services;

c) Other activities directly related to reinsurance services.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Non-life insurance companies are involved in the health insurance sector;

b) Non-life insurance companies and foreign non-life insurance branches are involved in business of health insurance products, each of which has the maximum insurance term of 01 year, and casualty insurance products, each of which has the maximum insurance term of 01 year;

c) Health insurance companies are involved in business of casualty insurance products, each of which has the maximum insurance term of 01 year.

1. Licensing conditions concerning founding shareholders or members:

a) In order to obtain business licences or permits, entities and persons applying for these licenses or permits must have the rights of business incorporation and management in Vietnam under the Corporate Law;

b) In order to obtain business licences or permits, entities applying for these licenses or permits need to have legal personality and is operating in Vietnam; if each entity makes at least 10% of capital contribution, they must ensure that they generate profits within 03 consecutive fiscal years immediately before the date of submission of application packages for these licenses or permits, and must meet financial conditions in accordance with the Government’s regulations;

c) In order to obtain business licences or permits, insurers and reinsurers previously licensed for their establishment and operation in Vietnam that contribute capital to set up insurance companies; new reinsurers must generate business profits during 03 consecutive years immediately before the date of submission of application packages for these licenses and permits, and must meet the prudential ratio or the minimum required capital requirement specified herein.

2. Licensing conditions concerning capital or assets:

a) The amount of Vietnamese-dong contribution to the charter capital must not be less than the minimum required amount of charter capital under the Government’s regulations;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Licensing conditions concerning personnel: Any nominee for a Chairperson of the Board of Directors or Chairperson of the Board of Members, Director or General Director, legal representative or actuary in an entity applying for such business licence and permit must meet managerial competency and qualification conditions and standards prescribed in Article 81 herein.

4. The applicant for such business licence and permit must choose their business type in accordance with this Law and must have the draft charter conforming to the regulations of the Corporate Law.

The founding member of an insurance limited liability company or a reinsurance limited liability company must be an entity and meet general licensing conditions prescribed in Article 64 herein and the following conditions:

1. Regulatory conditions for eligibility as the capital-contributing entity established under foreign law:

a) It must be a foreign insurance company, reinsurance company or finance and insurance corporation;

b) It must obtain certification from a foreign competent regulatory authority that, as a foreign insurance company, reinsurance company or finance and insurance corporation, it has not committed any serious offence against domestic legislation on insurance business of the country where their head office is located during 03 consecutive years immediately before the time of submission of application packages for such license or permit;

c) The business sector in which it proposes to get involved in Vietnam must comprise business activities that the foreign insurance company, reinsurance company or finance and insurance corporation applying for the license or permit is directly performing, or their subsidiaries are performing, within the latest 07 consecutive years;

d) It must own the minimum total asset of USD 02 billion in the year immediately preceding the year of submission of application packages for such business license or permit;

dd) It must be committed to offering financial, technological, corporate management, risk management, governance and operational support for the insurance company or reinsurance company to be incorporated in Vietnam; must ensure that the insurance company or reinsurance company-to-be complies with regulatory provisions concerning compliance with financial prudence and risk management requirements laid down herein;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. In order to meet the licensing conditions, each economic organization established under Vietnam’s law must own their minimum total asset of VND 2,000 billion in the year immediately before the year of application for such business license or permit;

3. Pursuant to the regulations laid down in point d of clause 1 and 2 of this Article, the Government shall impose detailed regulations on the minimum required total assets varying over periods of time.

Article 66. Regulatory conditions concerning the structure of shareholders contributing capital to establish insurance joint-stock companies and reinsurance joint-stock companies

In order to establish an insurance joint-stock company or reinsurance joint-stock company, in addition to conforming to the licensing conditions specified in Article 64 herein, the following conditions must be satisfied:

1. There must be at least two shareholders that are entities and each of which meets the following conditions:

a) Their equity contribution must make up at least 10% of the charter capital of the insurance company or the reinsurance company-to-be;

b) The conditions specified in Article 65 hereof must be satisfied;

2. An individual shareholder's equity contribution shall not exceed 10% of the charter capital of the insurance company or reinsurance company-to-be.

1. In order to obtain a license or permit to establish a branch in Vietnam, a non-life insurance company or a foreign insurance company must meet the following conditions:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) The foreign state insurance authority of the place where the parent company's head office is located gives permission to establish their branch in Vietnam that can render authorized insurance services;

c) It must acquire at least 07 years’ experience in the proposed business activities that it is applying for the license or permit to perform in Vietnam;

d) Their minimum required total of assets must conform to the conditions specified in point d of clause 1 and 3 of Article 65 herein;

dd) It generates profits during 03 consecutive fiscal years immediately before the time of submission and must meet financial conditions prescribed in the Government’s regulations;

e) It must provide guarantee and bear responsibility for all obligations and commitments of their branch in Vietnam.

2. The branch of a foreign non-life insurance company or a foreign reinsurance company to be established and operate in Vietnam must meet the following conditions:

a) The minimum allocated amount of Vietnamese-dong funds must not be less than the minimum limit prescribed in the Government’s regulations;

b) Funding for establishment of the branch must be legitimate and not include borrowed funds or investment funds held in trust in any form;

c) The branch’s nominated Director and actuaries must meet managerial competency and professional qualification conditions and standards specified in Article 81 herein.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Foreign investors may have the ownership interest in shares or contributed capital that makes up as high as 100% of the charter capital of an insurance company or reinsurance company.

Each set or package of application documents for a business licence or permit must be comprised of the followings:

1. Form of request or application for the business license or permit;

2. The draft charter of an insurance company or reinsurance company; the draft regulations on organization and operation of the foreign branch in Vietnam;

3. Business plan to be executed in the first five years. The plan must specify recommended insurance services, risk management model, technical provisioning method, reinsurance scheme, investment of funds, solvency of the insurance company, the reinsurance company or foreign branch in Vietnam;

4. Resume, police record, duplicate copy of certificate or qualification indicating professional competency and expertise of the nominee for the Chairperson of the Managing Board or the Chairperson of the Board of Members, Director or General Director, legal representative or actuary;

5. Rate of contributed capital and method of contributing capital; list of founding entities or persons or members or shareholders that intend to contribute at least 10% of the charter capital, and documents evidencing compliance with conditions relevant to specific business types of insurance company, reinsurance company, foreign branch in Vietnam referred to in Article 64, 65, 66 and 67 of this Law that the institutional or individual applicant chooses to operate;

6. List of beneficial owners of the insurance company or reinsurance company applying for such license or permit. The Government shall establish criteria for determining beneficial owners of insurance companies and reinsurance companies.

1. Within 60 days of receipt of the valid application package, the Ministry of Finance shall decide whether a business license or permit is issued. In case of refusal to issue the business licence or permit, the written notice clearly stating reasons for such refusal must be issued.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Business license or permit is also the business registration certificate.

2. The Ministry of Finance shall be vested with authority to issue, reissue, revise, amend or revoke business licenses or permits; suspend part or all of business activities of insurance companies, reinsurance companies or foreign branches in Vietnam in accordance with this Law and other regulatory provisions of relevant law.

3. After issuance, revision, amendment or revocation of business licenses or permits, the Ministry of Finance shall have the burden of issuing the written notification of these acts in order for registration agencies of the provinces where insurance companies, reinsurance companies or foreign branches in Vietnam are based to keep the National Information System for business registration updated.

4. The Government shall impose detailed regulations regarding application procedures and documentation requirements for issuance, reissuance, revision, modification or revocation of business licenses or permits; suspension of part or all of business activities of insurance companies, reinsurance companies and foreign branches in Vietnam.

1. The Ministry of Finance shall make information about business licences of insurance companies, reinsurance companies or foreign branches in Vietnam available to the public on the Web Portal of the Ministry of Finance within 30 days of issuance of these business licenses or permits.

2. At least 30 days before their business is officially commenced, licensed insurance companies, reinsurance companies or foreign branches in Vietnam must post the most updated information about business licenses or permits and the proposed date of official business on a print newspaper in three successive issues or on an electronic newspaper of Vietnam.

1. Insurance companies, reinsurance companies and foreign branches in Vietnam must officially commence their business within 12 months of issuance of business licenses or permits, except in case of force majeure events or circumstantial obstacles. In case of force majeure events or circumstantial obstacles, insurance companies, reinsurance companies and foreign branches in Vietnam must report on such unexpected events in writing and receive the written consent to extension of the time limit for commencement of their official business from the Ministry of Finance; the extension of the time limit for commencement of official business shall not be longer than 12 months.

2. An insurance company, reinsurance company or foreign branch in Vietnam must meet the following regulations to officially commence their business:

a) Transform funds kept in their escrow account into charter capital or allocation;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Issue internal rules and regulations regarding operations management and governance; internal rules and regulations on risk management and other basic operational procedures in accordance with law;

d) Provide security deposit in full prescribed in this Law at commercial banks that are active in Vietnam;

dd) Have their office, facilities, technical utilities and technological systems tailor-made for operations processes in the insurance industry;

e) Publicly communicate and disseminate information about their business license or permit as provided in clause 2 of Article 72 herein.

3. Insurance companies, reinsurance companies or foreign branches in Vietnam must notify the Ministry of Finance of their compliance with the regulations laid down in clause 2 of this Article at least 15 days before their business is officially commenced. The Ministry of Finance shall be accorded authority to cease the official business commencement of insurance companies, reinsurance companies or foreign branches in Vietnam when regulations laid down in clause 2 of this Article are not satisfied yet.

4. Insurance companies, reinsurance companies and foreign branches in Vietnam shall not be allowed to perform any insurance transactions before the official commencement date.

1. Insurance companies, reinsurance companies or foreign branches in Vietnam need to seek the written approval of any change in the following information from the Ministry of Finance:

a) Their name or their head office’s address;

b) Amount of charter capital; allocated capital;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Assignment of shares or ownership interests that help shareholders or members contributing capital to own at least 10% of their charter capital, or cause shareholders or members contributing capital to own less than 10% of their charter capital;

dd) Chairperson of the Managing Board or Chairperson of the Board of Members, Director or General Director or the Actuary;

e) Split-up, split-off, merger, amalgamation, dissolution of or transformation into other business type or type of business ownership;

g) Outward investment, including the establishment of new branches, representative offices, and other types of commercial establishment in foreign countries.

2. Within 10 days of receipt of the written consent to any change prescribed in clause 1 of this Article from the Ministry of Finance, the Ministry of Finance shall be responsible for posting updated information on the Web Portal of the Ministry of Finance.

3. Insurance companies, reinsurance companies or foreign branches in Vietnam need to notify the Ministry of Finance in writing within 15 days after making the following changes:

a) Changes in the charter of the insurance company or reinsurance company; rules and regulations for operations of the foreign branch in Vietnam;

b) Opening, closing or change of location of the branch or representative office of the insurance company or the reinsurance company;

c) Opening, closing or change of the business location;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. The Government shall impose detailed regulations regarding conditions, application procedures, documentation requirements and processes for approval of changes referred to in point b of clause 3 of this Article.

1. The business license or permit of an insurance company, reinsurance company or foreign branch in Vietnam shall be revoked in the following cases:

a) Application for the business license or permit contains fraudulent information provided with the aim of satisfying licensing conditions;

b) They do not officially commence their business after the expiry date of official commencement of their business prescribed in clause 1 of Article 73 herein;

c) They are split up, split off, amalgamated, resolved or closed;

d) Their business activities are not the same as those specified in the business license or permit that they are holding;

dd) The insurance company or reinsurance company is declared bankrupt by the Court's judgement;

e) The foreign non-life insurance company or the foreign reinsurance company that has their branches established in Vietnam goes bankrupt or has their business license or permit withdrawn or revoked.

2. When having their business licence or permit withdrawn or revoked as stipulated in point a, c, d and e of clause 1 of this Article, the affected insurance companies, reinsurance companies and foreign branches in Vietnam must immediately cease the conclusion of new insurance contracts or reinsurance contracts; the affected insurance companies and branches of foreign non-life insurance companies must transfer the portfolio of insurance contracts; the transfer of the portfolio of insurance contracts shall not be permitted in case of insurance contracts that are made null or void as provided in this Law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Foreign insurance companies; foreign reinsurance companies; foreign finance and insurance corporations; foreign insurance brokerage companies may establish representative offices in Vietnam. Foreign representative offices in Vietnam are dependent units of foreign insurance companies; foreign reinsurance companies; foreign finance and insurance corporations; foreign insurance brokerage companies, and shall not be allowed to conduct insurance business in Vietnam.

2. Foreign representative offices in Vietnam may perform the following functions:

a) Perform the function of a contact office;

b) Conduct market researches;

c) Promote the development of investment projects of foreign insurance companies; foreign reinsurance companies; foreign finance and insurance corporations; foreign insurance brokerage companies in Vietnam;

d) Promote and monitor the implementation of projects financed by foreign insurance companies; foreign reinsurance companies; foreign finance and insurance corporations; foreign insurance brokerage companies in Vietnam;

dd) Perform other activities in compliance with domestic law of Vietnam.

3. The life of a foreign representative office in Vietnam shall not be longer than 05 years and may be extended.

4. Reporting on performance, notifying changes and publicly announcing foreign representative offices in Vietnam shall be subject to the regulations of the Minister of Finance.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Perform their minimum business functions in the latest five years;

b) Obtain permission to establish representative offices in Vietnam from the insurance regulatory authorities in the foreign countries where their head offices are located.

2. The Government shall impose detailed regulations on conditions, application procedures, documentation requirements and processes for issuance, reissuance, revision, supplementation, modification, extension, termination and revocation of licenses or permits for establishment of representative offices in Vietnam.

3. The Ministry of Finance shall be vested with authority to issue, reissue, revise, modify, supplement, extend and revoke or withdraw licenses or permits to establish foreign representative offices in Vietnam, and close or terminate operation of foreign representative offices in Vietnam.

1. The domestic-side structure of an insurance company or reinsurance company shall consist of their head office, branch(es), representative office(s) and business location(s).

2. The foreign-side structure of an insurance company or reinsurance company shall consist of their branch(es), representative office(s) and other types of commercial establishment under regulatory provisions of law.

3. The organizational structure of a foreign branch in Vietnam shall consist of their head office and business location(s).

1. Insurance joint-stock companies and reinsurance joint-stock companies may decide on either of the two governance structures:

a) Shareholders' General Meeting, Managing Board, Supervisory Board, Director or General Director. A Supervisory Board consists of 03 – 05 controllers under the regulatory provisions of the Company’s Charter;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Insurance limited liability companies and reinsurance limited liability companies shall decide on using the corporate governance structure consisting of the Board of Members, Director or General Director. Insurance companies and reinsurance companies may make their own decisions to set up Supervisory Boards in accordance with law.

1. A manager of an insurance company or reinsurance company can hold the following posts:

a) Chairperson of the Managing Board, Member of the Managing Board; Chairperson of the Board of Members, Member of the Board of Members;

b) Director or General Director, Vice Director or Deputy General Director, Legal Representative;

c) Chief Accountant, Director of a branch, Head of a representative office, Head of an operations department and the like under the Company’s Charter.

2. A manager of a foreign branch in Vietnam can hold the following posts:

a) Director, Deputy Director;

b) Chief Accountant, Head of an operations department and the like under the rules and regulations on organization and operation of foreign branches in Vietnam.

3. A controller of an insurance company, reinsurance company or foreign branch in Vietnam shall exercise his/her freedom of making decisions related to insurance services or operations, and can hold the following posts:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Head of the risk management department, Head of the compliance management department, Head of the internal audit department;

c) Actuary.

4. Insurance companies, reinsurance companies and foreign branches in Vietnam must keep at least two titles, including Director and Actuary or General Director and Actuary. Where any change is needed, within the maximum period of 75 days from the date of discharge from the title of Director or General Director or Actuary, insurance companies, reinsurance companies and foreign branches in Vietnam must apply to seek the Ministry of Finance's approval of new Director and Actuary or General Director and Actuary.

1. General requirements and standards:

a) Reserve the corporate governance rights prescribed in the Corporate Law;

b) Not be subject to any penalty for administrative violations arising in the insurance industry; not be disciplined in the form of dismissal for any of their violations against internal regulatory procedures for handling work within 03 consecutive years before the appointment date; not be the object of the decisions on initiation of legal proceedings under the regulatory provisions of law at the election or appointment time.

2. Specific requirements and standards of the Chairperson of the Managing Board, the Chairperson of the Board of Member; the Member of the Managing Board, the Member of the Board of Members:

a) Satisfy the general requirements and standards specified in clause 1 of this Article;

b) Hold at least an undergraduate degree;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Specific requirements and standards of the Director, General Director and Legal Representative:

a) Satisfy the general requirements and standards specified in clause 1 of this Article;

b) Hold at least an undergraduate degree in the insurance major. If not, he/she must hold at least an undergraduate degree in any other major and must complete the practicing certificate in the insurance industry conferred by an legally-licensed domestic or foreign insurance training institution;

c) Have at least 05 years' experience of working in the insurance, finance or banking sector, including 03 years' experience of holding the post as a manager or controller of an insurance company, reinsurance company or foreign branch;

d) Reside in Vietnam during his/her term in office.

4. Specific requirements and standards of the managers other than those specified in clause 2 and 3 of this Article of an insurance company, reinsurance company or foreign branch in Vietnam:

a) Satisfy the general conditions and standards specified in clause 1 of this Article;

b) Hold at least an undergraduate decree on the insurance major. If not, he/she must hold at least an undergraduate degree in any other major and must complete the practicing certificate in the insurance services within the employing enterprise’s scope of business is issued by legally-licensed domestic or foreign insurance training institutions;

c) Spend at least 03 years on working in the insurance, finance or banking sector or holding the post for which he/she is recommended in the past. In particular, the nominee for a head of an operations department must have at least 03 years' experience of working in the insurance, finance or banking sector or holding the post for which he/she is recommended;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. Controllers of insurance companies, reinsurance companies or foreign branches in Vietnam are required to satisfy the general conditions and standards referred to in clause 1 of this Article and others prescribed in the Government’s regulations.

6. The Minister of Finance shall elaborate point b of clause 3 and point b of clause 4 of this Article, and impose detailed regulations regarding training curriculum or program, application requirements, procedures and processes for certification testing, issuance, revocation, withdrawal and reissuance of insurance practising certificates issued by legally-licensed domestic insurance training institutions.

1. Chairperson of the Managing Board, Chairperson of the Board of Members or Member of the Managing Board, Member of the Board of Members of an insurance company or reinsurance company cannot concurrently hold the post as the Member of the Managing Board or the Member of the Board of Members of another insurance company or reinsurance company in the same life insurance, non-life insurance, health insurance or reinsurance sector in Vietnam.

2. Director or General Director of an insurance company, reinsurance company or foreign branch in Vietnam cannot concurrently work for another insurance company, reinsurance company or foreign branch in the same life insurance, non-life insurance, health insurance or reinsurance sector in Vietnam.

3. Director or General Director, Director of a branch or Head of a representative office of an insurance company or reinsurance company can hold only one more post like the Director of a branch or the Head of a representative office or the Head of an operations department in the same insurance company or reinsurance company. The Director of a foreign branch in Vietnam is the legal representative and can hold only one more post as the Head of an operations department of that branch.

4. Meanwhile, the Actuary, Head of the risk management department or Head of the compliance department of an insurance company, reinsurance company or foreign branch in Vietnam shall not be allowed to hold any other executive post at the same host entity; shall not be allowed to concurrently work for any other insurance company, reinsurance company or foreign branch in Vietnam. The Actuary must perform the duties assigned by the Minister of Finance.

5. The Head of the Supervisory Board or the Controller shall not be allowed to hold any other executive post at the same host entity. The Head of the Supervisory Board cannot concurrently hold another post as the Controller or manager of any other insurance company or reinsurance company operating in Vietnam.

6. The Chief Accountant, Head of the internal audit department in an insurance company, reinsurance company or foreign branch in Vietnam shall not be allowed to hold any other post in the same host entity; shall not be allowed to concurrently work for any other insurance company, reinsurance company or foreign branch in Vietnam.

1. The Ministry of Finance shall be accorded authority to termination or temporarily suspend the enforcement of rights and obligations of the Chairperson of the Managing Board, Chairperson of the Board of Members, Director or General Director or Actuary of an insurance company, reinsurance company, foreign branch in Vietnam if he/she commits any violation against the office-holding principles stipulated in Article 82 herein, or no longer meets eligibility requirements and standards prescribed in Article 81 herein.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Persons whose rights and obligations are terminated or temporarily suspended as per clause 1 of this Article shall be responsible for being involved in the process for handling of issues and violations concerning personal liabilities upon the request of insurance companies, reinsurance companies or foreign branches in Vietnam.

4. The Government shall impose detailed regulations on termination and temporary suspension of execution or enforcement of rights and obligations of the Chairperson of the Managing Board, Chairperson of the Board of Members, Director or General Director and Actuary that are prescribed in clause 1 and 2 of this Article.

1. Insurance companies, reinsurance companies or foreign branches in Vietnam must conduct the intracorporate control or supervision in order to ensure compliance with the following requirements:

a) Effectiveness and safety in all operations and security, management and utilization of corporate property and resources;

b) Honesty, reasoning, adequacy, timeliness in financial and executive information systems;

c) Compliance with law, internal rules, regulations and procedures.

2. Insurance companies, reinsurance companies or foreign branches in Vietnam must formulate internal control standards, procedures and procedures; must ensure that managers, controllers, superintendents, employees or staff members clearly understand and strictly comply with them.

3. Internal control activities of insurance companies, reinsurance companies or foreign branches in Vietnam must be assessed annually through the internal audit processes.

4. The Minister of Finance shall elaborate on this Article.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Each year, insurance companies, reinsurance companies or foreign branches in Vietnam must take the following internal audit actions:

a) Review and assess control and risk management activities in an independent and objective manner;

b) Conduct the arm’s-length assessment of relevance and compliance with internal rules, regulations, policies, procedures and processes that have already been made available for use within insurance companies, reinsurance companies or foreign branches in Vietnam;

c) Make requests for actions to be taken to correct or mitigate errors or defects, and give recommendations about solutions to perfecting and improving effectiveness in internal systems, procedures, rules and regulations, contributing to ensuring that insurance companies, reinsurance companies and foreign branches in Vietnam do business safely, effectively and legally.

3. Findings or results of internal audit engagements of or by insurance companies or reinsurance companies must be reported on time to Managing Boards, Boards of Members and sent to Directors or General Directors thereof.

Findings or results of internal audit engagements of or by foreign branches in Vietnam must be reported on time to parent foreign non-life insurers, foreign reinsurers, and sent to Directors thereof.

4. The Minister of Finance shall elaborate on this Article.

1. Insurance companies, reinsurance companies and foreign branches in Vietnam shall have responsibility to establish risk management systems performing the functions of determining, measuring, assessing, reporting and controlling risks arising from business activities in an effective manner.

2. Risk management of and by insurance companies, reinsurance companies and foreign branches in Vietnam must satisfy the following requirements:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Clarify roles and responsibilities of specific departments and persons involved in the risk management process and risk management structure;

c) Adopt explicit and transparent risk management policies that clearly identify material and other associated risks arising from business activities, risk appetite and management methods specific to types of risk. Before being put to use, the approval for risk management policies must be sought from Managing Boards, Boards of Members of insurance companies, reinsurance companies; foreign non-life insurance companies or foreign reinsurance companies that own or control foreign branches in Vietnam;

d) Formulate the full set of risk acceptance criteria to be applied to specific material or other associated risks, allowing for correlation between these risks. Risk acceptance criteria must be aligned with risk management policies, business strategies, human resources and information technology facilities;

dd) Formulate the complete procedures for risk management, including supervision, handling and response steps against any risk changes.

3. On an annual basis, insurance companies, reinsurance companies and foreign branches in Vietnam shall assume responsibility to make reports on assessment of solvency and risk management capabilities, including the rating of completeness of risk management, present and future payment capabilities, within the time frames in line with business plans; determine all of financial resources needed for business management within allowed risk acceptance capabilities and business plans; check their risk tolerance and give the analysis of their business continuity.

4. The Minister of Finance shall elaborate on this Article.

1. Insurance companies and branches of foreign non-life insurance companies shall have the autonomy and sole responsibility towards creating, designing and developing insurance products.

2. Rules, terms, conditions and tariffs of insurance products that are formulated by insurance companies and branches of foreign non-life insurance companies must conform to the following requirements:

a) Complying with law, conforming to practices and standards of ethics, cultural and traditional values and customs of Vietnam;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) They must clearly and transparently show insurable interests; subject matters insured; scope of insurance cover; covered risks; rights and obligations of the policyholder and the insured; liabilities of the insurance company or non-life insurance company’s branch; disclaimer of insured liabilities; methods of payment of insurance claims; other regulations regarding settlement of disputes;

d) Insurance premiums must be calculated or determined according to statistical data; can vary, depending on insurance conditions and insured liabilities and must be matched with payment capabilities of insurance companies or branches of foreign non-life insurance companies.

3. Insurance companies and branches of foreign non-life insurance companies are required to register and seek the Ministry of Finance’s consent to the premium calculation methods and bases of insurance products classified into classes or lines of life insurance, health insurance, vehicle liability coverage or vehicle insurance, except insurance coverage against vehicle owner's civil liability.

4. Insurance companies and branches of foreign non-life insurance companies may have the freedom of supplying insurance products:

a) directly or in person;

b) via insurance agents or brokers;

c) through the tendering or tendering process;

d) via electronic transactions;

dd) in other permissible ways.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. The Minister of Finance shall impose detailed regulations on premium calculation methods and bases specified in clause 3 of this Article and provision of insurance products stipulated in clause 4 of this Article.

1. Launching, offering and participating in agriculture, forestry, fishery or aquaculture insurance and other insurance products serving social welfare and security purposes shall be encouraged, supported and facilitated by the Government through one or several methods as follows:

a) Simplify or streamline administrative formalities;

b) Communicate and propagate insurance policies;

c) Establish insurance risk funds;

d) Build the database, provide support for application of technologies in designing and creating insurance products, assessing loss or damage and paying insurance claims;

dd) Establish distribution channels according to the chain of value in the agriculture, forestry, fishery or aquaculture industry;

e) Give partial grants in the annual central and/or local budget estimates or other legitimate funds prescribed by law to pay insurance premiums;

g) Formulate the mechanism for executive and supervisory information cooperation and sharing between Ministries and central authorities in order to promote connection and collaboration in the insurance business industry.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Insurance companies, reinsurance companies or foreign branches in Vietnam may share risks with other insurance companies, reinsurance companies or foreign branches in Vietnam, foreign insurance companies, foreign reinsurance companies or foreign insurance organizations in the form of reinsurance or reinsurance ceding.

Foreign insurance companies, foreign reinsurance companies or foreign insurance organizations that accept reinsurance must be satisfactorily ranked by international credit rating providers and must meet other conditions under the Government's regulations.

2. Insurance companies or branches of foreign non-life insurance companies can provide coinsurance on the basis of jointly agreeing with the policyholder to conclude an insurance contract under which insurance companies or branches of foreign non-life insurance companies can receive insurance premiums and pay indemnity or insurance at the agreed-upon percentage rate.

Insurance companies or branches of foreign non-life insurance companies participating in coinsurance plans must be insurance companies or branches of foreign non-life insurance companies obtaining business licenses or permits under this Law.

3. The motor vehicle insurance fund may be formed from contributions of non-life insurance companies or branches of foreign non-life insurance companies providing compulsory insurance against civil liability of vehicle owners and other legitimate funds to serve the purposes of paying for offering humanitarian aid or support and other activities in order to boost success in discharging obligations of compulsory insurance against civil liability of motor vehicle owners. The vehicle insurance fund shall be managed in a centralized manner; the mechanism for management and use of the vehicle insurance fund shall be subject to the Government’s regulations.

4. Insurance companies, reinsurance companies and foreign branches in Vietnam can negotiate about establishment of the insurance risk fund to spread and distribute insurance against major risks, catastrophic risks or new risks that are not or are less insured against on the insurance market. Arrangements and agreements on establishment of the state-contributed or state-aided insurance risk fund shall be subject to the Government’s regulations; where the fund is funded by the state budget’s grants, the regulations of the Law on State Budget shall apply.

5. The Minister of Finance shall impose detailed regulations on reinsurance, cession and coinsurance.

1. Outsourcing is an act of entering into an outsourcing contract between an insurance company, reinsurance company or foreign branch in Vietnam and another entity or person to perform part of the procedures or activities, except the followings:

a) Internal control;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Risk management;

d) Insurance product consulting, launching, offering and marketing; arranging for conclusion of insurance contracts.

2. Where part of the procedures or activities directly related to insurance business is outsourced, the insurance company, reinsurance company or foreign branch in Vietnam, as the outsourcing purchaser, shall assume the sole and ultimate responsibility towards the policyholder and take on the following obligations:

a) Formulate regulations on outsourcing management, including rules and regulations binding on the scope of business activities that can be outsourced, framework for assessment of associated risks, criteria for approval of outsourcing contracts and conditions binding upon the outsourcing supplier, ensuring compliance with law. Regulations on outsourcing management must be subject to approval sought from Managing Boards or Boards of Members of insurance companies, reinsurance companies or entities having control over foreign branches in Vietnam;

b) Formulate outsourcing procedures, risk management procedures and procedures for internal control of outsourcing activities and take measures to ensure prevention, mitigation of and timely response to risks arising from outsourcing, especially those related to legitimate rights and interests of the policyholder and the insured;

c) Temporarily suspend, modify or terminate any outsourcing contract when it is established that outsourcing activities may cause adverse impacts on legitimate rights and interests of the policyholder or the insured;

d) Have contingency plans to ensure that business activities are not interrupted in the event that the outsourcing supplier is unable to perform or fails to duly perform responsibilities for outsourcing tasks under terms and conditions of the outsourcing contract;

dd) Conduct regular inspection and supervision of the outsourcing supplier's performance during the effective period of outsourcing agreements in order to ensure outsourced tasks are performed according to quality and progress requirements set out in outsourcing contracts. The outsourcing supplier must manage to perform at least 75% of the outsourced amount of work by itself; if the outsourcing supplier wishes to hire any subcontractor to perform part of their amount of work, they must seek the prior written approval from the insurance company, reinsurance company or foreign branch in Vietnam as the outsourcing client, and must guarantee that their responsibilities and obligations are kept unchanged;

e) Ensure personal data and information security for clients in accordance with law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. An outsourcing contract must be made in writing and include but not limited to the following:

a) Scope of outsourced services, description of outsourced services;

b) Time and location when/where outsourcing takes place;

c) Rights and obligations of the insurance company, reinsurance company or foreign branch in Vietnam as the client and the supplier of outsourced services;

d) Standards and requirements concerning quality of the outsourced services that are completely supplied;

dd) Mechanism and responsibilities for providing information and reports by the outsourcing supplier to the insurance company, reinsurance company or foreign branch in Vietnam as the client during the outsourcing period;

e) Contingency and response plans against loss or damage, compensation paid by the outsourcing supplier in the event that the outsourcing supplier fails to carry out or is in breach of terms and conditions of the outsourcing contract;

g) Supervision, control and audit mechanism for performance of the outsourcing supplier; requirements binding the outsourcing supplier to track outsourcing transactions and ensure that outsourced service transactions in the insurance industry must be accounted for separately from those in other industries; the insurance company, reinsurance company or foreign branch in Vietnam must account for their outsourced service transactions independently;

h) Regulations on restriction on subcontractor agreements;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



k) Dispute settlement facility.

Transfer of the entire portfolio of insurance contracts pertaining to one or several respective lines of insurance, property and liabilities between insurance companies or foreign non-life insurance companies shall occur in the following cases:

1. As requested by the Ministry of Finance as provided in point c and d of clause 8 of Article 113 herein;

2. Service or business shrinking;

3. Split-up, split-off, merger, amalgamation, dissolution, closing or termination of business;

4. Other cases specified in point a, d and e of clause 1 of Article 75 in this Law.

1. An insurance company or foreign non-life insurance company’s branch may receive the transferred portfolio of insurance contracts when meeting the following conditions:

a) They are rendering the insurance service to be transferred;

b) They meet the minimum capital requirements and the capital adequacy or prudential ratios prescribed in this Law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The transfer of the portfolio of insurance contracts must entail the transfer of relevant property put up as technical provisions for all of portfolios of insurance contracts to be transferred.

3. Rights and obligations agreed upon in an insurance contract that are subject to the process of portfolio transfer shall remain unchanged until that insurance contract expires. In the case of transfer of the portfolio of insurance contracts prescribed in clause 1 of Article 91 herein, if the value of property is less than the value of technical provisions for the portfolio of insurance contracts to be transferred, the insurance company or foreign non-life insurance company's branch as the transferee shall agree with the policyholder or the insured on reduction in the sum insured or insurance benefit and other obligations under the insurance contract.

4. In case of disagreeing over the transfer, the policyholder may unilaterally terminate the insurance contract.

1. When transferring the portfolio of insurance contracts, an insurance company or branch of a foreign non-life insurance company shall submit the written request for transfer of the portfolio of insurance contracts to the Ministry of Finance, clearly stating the reasons for such transfer, enclosing the transfer plan and contract. Transfer of the portfolio of insurance contracts shall proceed only after receipt of the written consent to such transfer from the Ministry of Finance.

2. Within 30 days of receipt of the Ministry of Finance’s consent to such transfer, the insurance company or the foreign non-life insurance company’s branch that transfer the portfolio of insurance contracts shall post the news of such transfer on their websites and notify the transfer in writing to the policyholder.

3. The Government shall impose detailed regulations on documentation requirements, application procedures and processes for transfer of portfolios of insurance contracts.

1. Charter capital is total sum that a member already contributes or is committed to contribute when establishing a limited liability company; is total par value of shares that have been sold or of which purchase is registered when establishing a joint-stock company, and that are recorded in the charter of the insurance company or reinsurance company.

2. Allocated capital of a foreign branch in Vietnam is total capital that a foreign non-life insurance company or foreign reinsurance company allocates to their branch in Vietnam.

3. Equity is composed of the amount of contributions to the charter capital and allocated capital of a foreign branch in Vietnam, reserve funds, undistributed post-tax profits and owner’s funds created by pooling after-tax profits in accordance with regulations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. Risk-weighted asset is determined by the measurement and quantitative assessment of impacts of classes of risk on business of an insurance company, reinsurance company or foreign branch in Vietnam, including:

a) Insurance risk class, including risks arising from changes in technical factors in response to lines of life, non-life or health insurance;

b) Market risk class, including risks arising from market activities to investments of an insurance company, reinsurance company or foreign branch in Vietnam;

c) Operational risk class, including risks arising from the operating procedures, system and governance of an insurance company, reinsurance company or foreign branch in Vietnam;

d) Other risks, including risks arising from other partners or other factors that have not yet been allowed for during the process of quantitatively assessing insurance risks, market risks and operational risks.

6. The Government shall impose detailed regulations on the minimum requirements of charter capital and the minimum requirements of allocated capital corresponding to business types of insurance company, reinsurance company or foreign branch in Vietnam.

1. Capital adequacy ratio is the ratio of available capital to risk-weighted assets.

2. Insurance companies, reinsurance companies or foreign branches in Vietnam must always maintain the capital adequacy ratio not less than the prescribed one.

3. When determining the capital adequacy ratio, insurance companies, reinsurance companies or foreign branches in Vietnam shall not be allowed to include sums invested in the form of capital contribution or share purchase in other insurance companies, reinsurance companies, subsidiaries of insurance companies or subsidiaries of reinsurance companies.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Insurance companies, reinsurance companies or foreign branches in Vietnam must set aside part of charter capital or allocated capital as an escrow held at commercial banks operating in Vietnam.

2. The sum held in escrow must make up 02% of the minimum requirement of charter capital or allocated capital at the time of establishment of an insurance company, reinsurance company or foreign branch in Vietnam.

3. Insurance companies, reinsurance companies and foreign branches in Vietnam can use sums held in escrow to meet commitments to the policyholder only when they are short of capability to pay and the written consent to such use is given by the Ministry of Finance. Within 90 days of use of sums held in escrow, insurance companies, reinsurance companies or foreign branches in Vietnam shall be responsible for replenishing escrow accounts with sums equaling the sums that they have withdrawn for use.

4. Insurance companies, reinsurance companies or foreign branches in Vietnam may withdraw all of money left in escrow accounts only when their business is closed or terminated.

1. Technical provision is a sum of money that an insurance company, reinsurance company or foreign branch in Vietnam needs to set aside to serve the purposes of paying for insured liabilities that may arise from insurance contracts that have already been entered into.

2. Technical provisions can be made when the following requirements are satisfied:

a) They vary among insurance services;

b) Each technical provision is equivalent to part of committed liabilities agreed upon in an insurance contract;

c) They vary between insurance contracts against the subject matters insured inside Vietnam and those outside Vietnam, even in the same insurance service or insurance product, unless otherwise prescribed in law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) An actuary may be employed to measure and make the technical provision;

e) Regularly conducting the review and assessment of technical provisioning; taking prompt measures to ensure adequate technical provisions used for paying for liabilities of insurance companies, reinsurance companies or foreign branches in Vietnam.

3. Insurance companies, reinsurance companies or foreign branches in Vietnam must apply to seek the approval of technical provisioning methods from the Ministry of Finance.

4. The Government shall impose detailed regulations on technical provisioning, documentation requirements, application procedures and processes for approval of technical provisioning methods.

1. Insurance companies, reinsurance companies or foreign branches in Vietnam must establish compulsory reserve funds to supplement equity and ensure conformance to solvency requirements.

2. Each year, a compulsory reserve fund shall receive 05% of total after-tax profit set aside until it meets the maximum limit prescribed in the Government’s regulations.

3. In addition to compulsory reserve funds, insurance companies, reinsurance companies and foreign branches in Vietnam may set up other reserve funds that receive fiscal years' after-tax profits set aside according to charters of insurance companies, reinsurance companies, or organizational and operational statutes of foreign branches in Vietnam.

1. Investment funds of insurance companies, reinsurance companies and foreign branches in Vietnam shall be comprised of the followings:

a) Equity;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Other legitimate funds prescribed in law.

2. Investments made by insurance companies, reinsurance companies or foreign branches in Vietnam must adhere to the following principles:

a) Ensure safety, liquidity and efficiency; comply with law and self-responsibility rules applied to investment activities;

b) Technical provisions may be used as investments in Vietnam only, except those specified in point b of clause 2 of Article 100 herein;

c) It is prohibitory that borrowed funds are used for investment and fiduciary investment in securities, real estate business or contribution of capital to other enterprises;

d) It is prohibitory that investment accounting for 30% of the portfolio of investments in companies belonging to the same group of companies having mutual ownership relationship is made. This prohibition clause shall not apply to deposits made at credit institutions and outward investment funds existing in the form of establishment of companies or establishment of foreign branches in the receiving foreign countries;

dd) Investments made in return for those of shareholders or members contributing capital or persons associated with these shareholders or members contributing capital are not allowed, except in case of deposits made at transaction offices of shareholders or members that are credit institutions;

e) Purchase of corporate bonds issued to serve certain purposes of restructuring of loans of issuing companies is not allowed;

g) In case of fiduciary investments, trustees must be licensed to perform fiduciary investment activities falling within the scope of fiduciary investment.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Investment in real estate business, except in the following cases: purchasing stocks of real estate businesses listed on the securities market, fund certificates of public funds; purchasing, investing in or owning real property used as business offices, locations or treasure vaults for direct uses for their insurance business; leasing out unoccupied business establishments under their control or management; seizing real property by managing or disposing of mortgage bonds, or recovering loans secured by real property within 03 years from the lien date;

b) Investment in precious metals, jewels;

c) Investment in intangible fixed assets, except those used for commercial and business purposes of insurance companies or branches;

d) Investment in derivatives or derivative contracts, except those listed as provisions for risks arising from insurance, reinsurance contracts and portfolios of stocks that insurance companies, reinsurance companies or foreign branches in Vietnam are holding.

4. Insurance companies, reinsurance companies and foreign branches in Vietnam shall be in charge of valuation of investment assets as per the regulations imposed by the Minister of Finance.

5. The Government shall impose detailed regulations on investment quotas or limits applicable to insurance companies, reinsurance companies and foreign branches in Vietnam.

1. Insurance companies and reinsurance companies can invest abroad by:

a) Establishing; contributing capital to establish; making equity participation in; purchasing shares of; purchasing ownership interest in insurance companies or reinsurance companies in foreign countries; establishing branches of insurance companies or reinsurance companies in foreign countries; setting up representative offices and other types of commercial establishment in foreign countries;

b) Purchasing and selling stocks, other financial instruments or investing through securities investment funds, financial intermediaries in foreign countries under the Government’s regulatory provisions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Portion of equity left after deducting the portion of funds satisfying the capital adequacy and solvency requirements under the regulatory provisions of this Law;

b) Portion of idle funds from technical provisions for insurance contracts whereunder their interests are associated with domestic investment indices of foreign countries, and portion of idle funds from technical provisions for insurance contracts entered into with overseas entities or persons.

3. Outward investments made by insurance companies and reinsurance companies must conform to general regulations on investment set out in Article 99 herein and the following stipulations:

a) Each outward investment must ensure conformance to the capital adequacy and solvency requirements of insurance companies or reinsurance companies as outward investors;

b) Each outward investment must conform to law on insurance business, law on investment and law on foreign exchange management;

c) Each outward investment must be made in the own name of the insurance company or reinsurance company as the outward investor;

d) Outward investment funds, investment assets, revenues and expenses related to outward investments must be managed and monitored separately;

dd) Using sums of money and/or property of domestic policyholders to compensate for any losses to or deficits in funds for outward investment is prohibited, unless otherwise provided in law;

e) Each outward investment shall be subject to application for the written consent from the Ministry of Finance prior to commencement.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. The Government shall impose detailed regulations on conditions, quotas, documentation requirements, application procedures and processes for approval of outward investments made by insurance companies and reinsurance companies.

1. Insurance companies, reinsurance companies or foreign branches in Vietnam must register implementation principles with the Ministry of Finance and must carry out the process of separately managing, individually recording and tracking:

a) Equity, premiums and assets classified by specific types of capital;

b) Revenues, expenses and incomes arising from insurance business or investment of equity and premiums;

c) Premiums arising from insurance business activities performed inside and outside Vietnam; revenues, expenses, technical provisions and other relevant expenses arising from insurance business conducted inside and outside Vietnam.

2. Life insurance companies must separately manage, individually record and track assets, capital, revenues, expenses or incomes of dividend-paying life insurance contracts according to the methods approved by the Ministry of Finance.

3. The Government shall impose detailed regulations on documentation requirements, application procedures and processes for registration or approval referred to in clause 1 and 2 of this Article.

4. The Minister of Finance shall impose detailed regulations on separate management of equity and premiums, and principles of distribution of surpluses, with regard to dividend-paying life insurance contracts.

1. Financial regimes of insurance companies, reinsurance companies and foreign branches in Vietnam shall be subject to regulatory provisions of this Law and others of relevant law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The fiscal year of insurance companies, reinsurance companies and foreign branches in Vietnam shall start on January 1 and end on December 31 in the same calendar year.

2. The first fiscal year of insurance companies, reinsurance companies and foreign branches in Vietnam shall start from the date of issuance of their license or permit and end on the last day of the year in question.

Accounting regimes applied to insurance companies, reinsurance companies and foreign branches in Vietnam shall be subject to regulatory provisions of legislation on accounting.

1. Annual financial statements of insurance companies, reinsurance companies and foreign branches in Vietnam shall be subject to annual independent audit.

2. Insurance companies, reinsurance companies and foreign branches in Vietnam must receive confirmatory opinions of independent audit bodies on their reports on assessment of their solvency and risk management capabilities; reports on their separate management of equity and premiums; assessment reports on performance of universal life insurance funds, unit-linked insurance funds and pension funds.

3. When conducting audit or giving confirmation of reports specified in clause 1 and 2 of this Article, independent audit bodies shall assume the following responsibilities:

a) Comply with law on independent auditing;

b) Engage actuaries in audit of capital adequacy ratios and technical provisions; risk management specialists in audit of risk management practices and other professionals appropriate for independent audit engagements;

c) Provide, present and account for data and information related to audits of insurance companies, reinsurance companies and foreign branches in Vietnam upon the request of the Ministry of Finance;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Protect information security and privacy in accordance with law.

4. The Minister of Finance shall elaborate on clause 2 of this Article.

1. Insurance companies, reinsurance companies and foreign branches in Vietnam shall have the burden of submitting the following reports and statements to the Ministry of Finance:

a) Financial statements; when getting opinions or conclusions that are not unqualified from independent audit bodies towards any reports or operations that are audited, insurance companies, reinsurance companies and foreign branches in Vietnam are required to report to the Ministry of Finance on causes and current state;

b) Operational reports;

c) Reports on separate management of equity and insurance premiums;

d) Reports on assessment of solvency and risk management capabilities;

dd) Reports on changes in capital and assets associated with specific types of risk.

2. In addition to those reports specified in clause 1 of this Article, insurance companies, reinsurance companies and foreign branches in Vietnam shall be obliged to report to the Ministry of Finance when:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) they fail to meet financial and other regulatory requirements.

3. The Minister of Finance shall imposed detailed regulation on reporting and provision of information prescribed in clause 1 and 2 of this Article.

1. Insurance companies, reinsurance companies and foreign branches in Vietnam shall be allowed to transfer their profits and assets abroad under domestic law of Vietnam and the following regulations:

a) Remitting the amount of profits under the foreign investor's ownership left after earmarking some profits to set up funds, fulfilling financial obligations and ensuring conformance to the capital adequacy and solvency requirements prescribed herein;

b) Remitting the remaining amount of property and assets under the foreign investor’s ownership after termination of their business in Vietnam.

2. Outward transfer or remittance of money and other property or assets shall be subject to domestic law of Vietnam.

1. Insurance companies, reinsurance companies and foreign branches in Vietnam may adopt financial autonomy and self-responsibility practices towards effective management and supervision of their operations and business; carry out the obligations and commitments to policyholders, interested entities or persons and the Government in accordance with law.

2. Insurance companies, reinsurance companies and foreign branches in Vietnam shall be obliged to formulate strategies, procedures, regulations, procedures and organization structures as prerequisites to financial management and supervision, ensuring safety, effectiveness and compliance with law; actively prevent, control and minimize risks.

1. Insurance companies, reinsurance companies and foreign branches in Vietnam may be deemed financially safe and prudent when meeting regulations regarding capital, assets, solvency and investment.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. The Minister of Finance shall impose regulations on subjects of application of enhancement measures, early intervention measures and control measures stipulated in Article 111, 112 and 113 herein for maintenance of financial safety.

1. Insurance companies, reinsurance companies and foreign branches in Vietnam must maintain their conformance to solvency requirements during their business.

2. Insurance companies, reinsurance companies and foreign branches in Vietnam may be deemed fully solvent when meeting both of the following conditions:

a) Make technical provisions in full;

b) Meet capital adequacy ratios.

1. Where it is mandatory to apply enhancement measures, insurance companies, reinsurance companies and foreign branches in Vietnam may have the freedom of deciding on and carrying out one or several enhancement measures prescribed in clause 2 of this Article, and shall notify the Ministry of Finance of the current state, causes and enhancement measures to be applied.

2. Enhancement measures shall comprise the following actions:

a) Increase the amount of charter capital or allocated capital;

b) Improve business performance, including focusing on offering insurance products in an effective manner; reviewing insurance premiums in line with conditions and responsibilities of insurance; restructuring reinsurance plans or schemes; reducing operating expenses, administrative expenses and selling expenses;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Strengthen risk management; reorganize the management and staff machinery; control purchase of fixed assets; control setting-aside of funds for establishment and use of funds;

dd) Take other measures in accordance with law.

3. During the process of implementation of enhancement measures, insurance companies, reinsurance companies and foreign branches in Vietnam shall not be allowed to perform the following acts:

a) Remittance of profits abroad, distribution of profits, payment of dividends;

b) Increase in acceptance of reinsurance.

1. If any insurance company, reinsurance company or foreign branch in Vietnam has their capital adequacy ratio which is not satisfactory to the extent of needing an early intervention measure; or if such capital adequacy ratio remains unsatisfactory even after completing an enhancement measure specified in Article 111 herein during 12 consecutive months, the Ministry of Finance shall issue the written instruction on application of the early intervention measure.

2. Within 60 days from the date of the Ministry of Finance’s issuance of the written instruction on application of the early intervention measure, the receiving insurance company, reinsurance company or foreign branch in Vietnam shall be responsible for formulating the plan for correction of the capital adequacy ratio prescribed in clause 4 of this Article and implementing that plan; concurrently, reporting to the Ministry of Finance on the current state, causes and the plan for correction of the capital adequacy ratio. The Ministry of Finance shall issue the written demand for any modification of the correction plan to the insurance company, reinsurance company or foreign branch in Vietnam where necessary.

3. The maximum time limit for implementation of the correction plan shall be 12 months since the Ministry of Finance has issued the written instruction on application of the early intervention measure.

4. The correction plan shall comprise one or several measures as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Involuntary or voluntary termination of office of managers;

c) Ineffective service and business shrinking; temporary suspension of ineffective new products or services.

5. When any early intervention measure is being taken, insurance companies, reinsurance companies or foreign branches in Vietnam shall be prevented from performing the following acts:

a) Those acts specified in clause 3 of Article 111 herein;

b) Purchase of treasury stocks;

c) Expansion of lines, scope and duration of business.

6. Within the time limit specified in clause 2 of this Article, if the insurance company, reinsurance company or foreign branch in Vietnam fails to formulate the plan for correction of their capital adequacy ratio or has not managed to correct their capital adequacy ratio before expiry of the time limit specified in clause 3 of this Article, depending on the type and level of risk, the Ministry of Finance can request them to take one or several measures stipulated in clause 4 of this Article.

7. The Ministry of Finance shall publicly announce the list of insurance companies, reinsurance companies and foreign branches in Vietnam required to apply the early intervention measure on the website of the Ministry of Finance.

8. The Ministry of Finance can consider issuing the written instruction on termination of the early intervention measure to any insurance company, reinsurance company or foreign branch in Vietnam when:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) They are bound to apply any control measure prescribed in Article 113 in this Law.

1. If any insurance company, reinsurance company or foreign branch in Vietnam has their capital adequacy ratio which is not satisfactory to the extent of needing a control measure, then the Ministry of Finance shall consider deciding to issue the written instruction on application of the control measure to that insurance company, reinsurance company or foreign branch in Vietnam.

2. The Ministry of Finance shall notify application of the control measure to the following recipients:

a) Owners, members or shareholders whose equity participation accounts for at least 10% of the charter capital in insurance companies, reinsurance companies; foreign non-life insurance companies, foreign reinsurance companies whose branches are located in Vietnam;

b) Foreign insurance regulatory authorities having jurisdiction over companies owning 100% of charter capital or allocated capital of foreign insurance companies, reinsurance companies or foreign branches in Vietnam.

3. Within 30 days from the date of the Ministry of Finance’s issuance of the written instruction on application of the control measure, the receiving insurance company, reinsurance company or foreign branch in Vietnam must hire an independent audit body to review and assess the current financial status, determine the real value of charter capital, allocated capital and solvency. Where they fail to hire an independent audit body within the permissible time limit, the Ministry of Finance shall reserve the right to appoint an independent audit body. Audit costs and expenses shall be covered by the insurance company, reinsurance company or foreign branch in Vietnam.

4. Within 120 days from the date of the Ministry of Finance’s issuance of the written instruction on application of the control measure, the receiving insurance company, reinsurance company or foreign branch in Vietnam shall be responsible for formulating the plan for correction of the capital adequacy ratio and implementing that plan; concurrently, reporting to the Ministry of Finance on the current state, causes and the plan for correction of the capital adequacy ratio. The Ministry of Finance shall issue the written demand for any modification of the correction plan to the insurance company, reinsurance company or foreign branch in Vietnam where necessary.

5. The maximum time limit for implementation of the correction plan shall be 18 months since the Ministry of Finance has issued the written instruction on application of the control measure.

6. The correction plan shall comprise one or several measures as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Termination of any business or operation that may result in failure to meet the permissible capital adequacy ratio.

7. During the process of implementation of a control measure, the insurance company, reinsurance company or foreign branch in Vietnam shall not be allowed to perform the following acts:

a) Perform those acts specified in clause 5 of Article 112 herein;

b) Contribute capital to establish a business; purchase real property used as a business office or location or vault facility for direct provision of services;

c) Invest in high-risk property or assets or perform business activities, causing any reduction in their capital adequacy ratio.

8. Within the time limit specified in clause 4 of this Article, if the insurance company, reinsurance company or foreign branch in Vietnam fails to formulate the plan for correction of their capital adequacy ratio or has not managed to correct their capital adequacy ratio before expiry of the time limit specified in clause 5 of this Article, depending on the type and level of risk that such failure may pose, the Ministry of Finance can perform one or several actions as follows:

a) Cease part or all of services provided by the insurance company, reinsurance company or foreign branch in Vietnam at fault;

b) Request implementation of the process of split-up, split-off, merger or amalgamation of the insurance company or reinsurance company at fault;

c) Request the transfer of portfolios of insurance contracts;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



9. During the period of cessation of business stated in point a of clause 8 of this Article, the affected insurance company, reinsurance company or foreign branch in Vietnam shall remain to make technical provisions in full in accordance with law; closely monitor and supervise insurance contracts remaining valid; ensure that insurance claims and coverage must be paid on time and in full under the contractual terms and conditions and regulatory provisions; fulfill their tax obligations; continue to pay debts and finish executing the contract entered into with the policyholder and the employee under law, unless otherwise agreed upon between contracting parties.

10. The Ministry of Finance shall publicly announce the list of insurance companies, reinsurance companies and foreign branches in Vietnam subject to control measures on the website of the Ministry of Finance.

11. The Ministry of Finance can consider issuing the written instruction on termination of application of the control measure to the controlled insurance company, reinsurance company or foreign branch in Vietnam when:

a) Such controlled insurance company, reinsurance company or foreign branch in Vietnam is given confirmation by an independent audit body that their capital adequacy ratio is corrected successfully;

b) The insurance company or reinsurance company under control has been amalgamated, merged or closed;

c) Such controlled insurance company, reinsurance company or foreign branch in Vietnam fails to correct the state causing them to be subject to the control measure.

In addition to the responsibilities specified in Article 111, 112 and 113 herein, insurance companies, reinsurance companies and foreign branches in Vietnam that are bound to apply enhancement measures, intervention measures or control measures shall assume the following responsibilities:

1. Manage, control and administer their business as well as provide protection for their property and assets;

2. Bear responsibility for the accuracy of administrative, operational and other relevant information, documents, records and matters;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Assume other responsibilities prescribed by law.

1. An insurance company, reinsurance company or foreign branch in Vietnam can be terminated in the following cases:

a) They are dissolved or terminated of their own accord;

b) The business life specified in their business license or permit is expired;

c) Their business license or permit is revoked or withdrawn as per point a, b, d and e of clause 1 of Article 75 herein;

d) The foreign branch in Vietnam fails to correct their capital adequacy ratio after being subject to the control measure;

dd) They fall into other cases specified in law.

2. Dissolution of insurance companies, reinsurance companies or termination of foreign branches in Vietnam shall be subject to the written consent from the Ministry of Finance.

3. The Government shall impose detailed regulations on conditions, documentation requirements, application procedures and processes for dissolution of insurance companies, reinsurance companies or termination of foreign branches in Vietnam.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Upon receipt of the petition to initiate the bankruptcy proceedings against the insurance company or reinsurance company as provided in clause 1 of this Article, the Court shall start the procedures for handling of the request for declaring bankruptcy and declare that the insurance company or reinsurance company is bankrupt without resort to any meeting of creditors to be held and business recovery actions to be taken.

3. Property and assets of an insurance company or reinsurance company in case of bankruptcy shall be distributed in the following order of priority to pay:

a) Bankruptcy-related costs;

b) Outstanding wages, salaries, severance allowance, social insurance or health insurance contributions for employees;

c) Insurance indemnities or coverage in insurance claims under which the insurance company or reinsurance company has accepted payment of surrender value, account balance of insurance contracts or insurance premium refunds;

d) Financial obligations to the Government; unsecured debts that need to be repaid to creditors on the list of creditors; secured debts that are not repaid yet due to the imbalance between the value of collateral and the amount of debts payable;

dd) Owners, capital-contributing members and shareholders of the insurance company or reinsurance company.

4. If the value of property or asset is not enough to pay as prescribed in clause 3 of this Article, the payees in the same group of priority may receive payments in percent in proportion to the amount of debts owed.

5. Issues related to bankruptcy of insurance companies and reinsurance companies that are not mentioned in this Article shall be subject to regulatory provisions of the Law on Bankruptcy.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Where there is any change in the piece of information that has been disclosed previously, insurance companies, reinsurance companies and foreign branches in Vietnam shall be required to give full and timely update on such change and reasons for such change.

2. Insurance companies, reinsurance companies or foreign branches in Vietnam shall post information to be disclosed on websites of these companies or branches. Posting information shall be subject to the regulations of the Minister of Finance. Duration of information disclosure shall be subject to the following regulations:

a) Information must be disclosed within 07 working days from the final deadline for submission of reports prescribed in Article 118 in this Law, or from the day on which any of the events related to information to be disclosed as per Article 119 in this Law occurs;

b) Information must be disclosed within 03 working days from the day on which any of the events related to information to be disclosed as per Article 120 in this Law occurs;

3. Within 07 working days from the date of information disclosure, insurance companies, reinsurance companies or foreign branches in Vietnam shall be responsible for notifying the Ministry of Finance of pieces of information to be disclosed.

4. Insurance companies and reinsurance companies that are public companies shall disclose information under this Law and regulatory provisions of the Law on Securities.

1. Full-year financial statements that have been audited; mid-year financial statements.

2. Reports on assessment of solvency and risk management capabilities.

3. Available capital and capital adequacy ratio.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Details given in their business license or permit;

b) Information about the Chairperson of the Managing Board or the Chairperson of the Board of Members, the Director or General Director, the legal representative and the Actuary;

c) Address of their head office, branch, representative office or business location;

d) Hotline.

2. Information about insurance operations and services, including:

a) Rules, terms and conditions, tariff of specific insurance products currently available on the market; attention that clients should pay when participating in each insurance plan;

b) Procedures and documentation requirements for filing insurance claims;

c) Investment management objectives and policies;

d) Objectives and policies of assessment of capital adequacy ratio.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Temporary suspension of business; termination of insurance business lines or services; revocation or withdrawal of the business license or permit;

b) Split-up, split-off, merger, amalgamation, dissolution of or transformation into other business type or type of business ownership; outward investment; establishment or closing of branches or representative offices;

c) Termination of operation of foreign branches in Vietnam;

d) Any changes in applied accounting policies; retroactive adjustments in financial statements; opinions other than unqualified opinions of an independent audit body as to financial statements; designation or substitution of the independent audit body;

dd) Assignment of shares or ownership interests that helps shareholders or members contributing capital to own at least 10% of charter capital, or cause shareholders or members contributing capital to own less than 10% of charter capital;

e) Penalty decisions against administrative offences arising in insurance business sectors;

g) Court judgements or decisions legally in force that are related to operations and services of insurance companies, reinsurance companies and foreign branches in Vietnam;

h) Court decisions on initiation of bankruptcy proceedings against insurance companies or reinsurance companies;

i) Decisions on initiation of legal proceedings against enterprises, managers and controllers that are related to business of insurance companies, reinsurance companies and foreign branches in Vietnam;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



l) Information related to insurance companies, reinsurance companies or foreign branches in Vietnam that causes material effects on capital, assets, solvency, risk management and corporate governance capabilities;

m) Loss or damage to the property whose value makes up at least 10% of equity;

n) Transfer of portfolios of insurance contracts;

o) Other information prescribed in law.

2. The Minister of Finance shall impose detailed regulations on information to be irregularly disclosed as provided in point k and l of clause 1 of this Article.

Insurance companies, branches of foreign non-life insurance companies, policyholders, insured persons and other concerned parties shall assume their responsibilities for prevention and control of loss or damage in insurance; prevention and control of insurance fraud.

1. Prevention and control of loss or damage in insurance is the act of performing measures to prevent and reduce possible loss or damage to the subject matters insured.

2. Policyholders and insured persons shall be responsible for proactively taking measures to prevent and reduce loss or damage; immediately notifying insurance companies or branches of foreign non-life insurance companies of occurrence of insured events; carrying out measures to prevent and reduce loss or damage according to the instructions of insurance companies (if any).

3. Insurance companies and branches of foreign non-life insurance companies shall be responsible for taking the following risk prevention and control measures:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Provide funding for access to and donate equipment and physical resources for prevention and control of risks;

c) Back development of construction structures used for the purposes of preventing and mitigating possible effects of risks to subject matters insured;

d) Hire other entities and persons to monitor, prevent and control loss or damage.

4. Relevant entities shall provide guidance and propagation sessions on implementation of measures to prevent and control loss or damage.

1. Prevention and control of fraudulent or dishonest conduct in the insurance industry is the practice of taking any measures to prevent and control fraudulent acts during the process of concluding and carrying out an insurance contract to illegally take money and property from an insurance company, branch of a non-life insurance company or policyholder.

2. Insurance companies and branches of foreign non-life insurance companies shall be responsible for actively formulating and implementing measures to prevent, detect and minimize insurance frauds; hold propagation sessions on prevention and control of insurance frauds.

3. Policyholders and insured persons shall actively participate in the task of prevention and control of insurance frauds; if any insurance fraud is detected, they must promptly notify these frauds to insurance companies, branches of foreign non-life insurance companies and regulatory authorities.

4. Relevant entities can cooperate with insurance companies, branches of foreign non-life insurance companies, policyholders and insured persons on insurance fraud prevention and control activities.

INSURANCE AGENTS, INSURANCE BROKERAGE COMPANIES, ENTITIES AND PERSONS PROVIDING INSURANCE ANCILLARY SERVICES

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. A person rendering insurance agent services must:

a) be a Vietnamese citizen permanently residing in Vietnam;

b) have full civil capacity;

c) hold the certificate of practising as an insurance agent conforming to Article 130 herein.

2. An entity rendering insurance agent services must:

a) be licensed or permitted for their establishment and operation in Vietnam;

b) obtain registration for their scope of insurance agent services under the regulatory provisions of the Corporate Law. As for any entity engaged in conditional business sectors and industries, a license, certificate and other approval or certification document (if any) containing information about permission for insurance agent services that is issued by a competent agency shall be needed;

c) be staffed by employees directly rendering insurance agent services that meet the conditions specified in clause 1 of this Article;

d) meet personnel and other conditions under the Government’s regulations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) The entity is a commercial legal entity facing the criminal prosecution process; an entity that is subject to the temporary suspension, perpetual termination or prohibition of their business or the prohibition of their engagement in the insurance-related sectors;

b) The person is facing criminal prosecution actions; is serving a prison sentence; is serving the sentence of prohibition of practising in the insurance-related sectors.

An insurance contract must include, but not limited to, the followings:

1. Name and address of the insurance agent;

2. Name and address of the head office of the insurance company, branch of the non-life insurance company or mutual providing microinsurance products;

3. Rights and obligations of the insurance company, branch of the non-life insurance company, mutual providing microinsurance products, insurance agent;

4. Scope of business of the insurance agent;

5. Insurance agent commissions, rewards, support provided for the insurance agent and other interests (if any);

6. Contract term;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Persons cannot be insurance agents for other insurance companies or branches of foreign non-life insurance companies operating in the business lines or sectors that are the same as those in which the principal insurance companies or branches of foreign non-life insurance companies for which these persons are acting as agents are performing transactions. A person acting as an insurance agent for a mutual providing microinsurance products shall not be allowed to act as the insurance agent for the other mutual providing microinsurance products.

2. An entity cannot be an insurance agent for the other insurance company or branch of a foreign non-life insurance company or mutual providing microinsurance products without the written approval from the insurance company, branch of the foreign non-life insurance company or mutual providing microinsurance products for which that entity is acting as the agent.

3. Persons rendering insurance agent services or employees of entities doing insurance agent business can only render insurance agent services for insurance schemes or products in which they are trained.

4. Biodata about persons rendering insurance agent services and staff members of entities rendering insurance agent services that are directly involved in insurance agent services must be registered and updated in the database of insurance agent services according to Article 11 herein.

5. Persons that have obtained certificates of practising in the insurance agent business sector, but have not operated in the insurance agent business sector, during 03 consecutive years must take tests to obtain new ones before commencement of the insurance agent services.

1. Insurance companies, branches of non-life insurance companies and mutuals providing microinsurance products shall have the following rights:

a) Organize insurance agent systems designed for implementation of business strategies;

b) Recruit insurance agents and enter into insurance agent agreements;

c) Decide the amount of insurance agent commissions, rewards and grants for insurance agents and other interests specified in insurance agent agreements provided that such amount is not greater than the limit regulated by the Minister of Finance;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Request insurance agents to remit collections under terms and conditions of insurance agent agreements;

e) Check and supervise execution of insurance agent agreements; measure the performance in insurance product consulting and offering activities of insurance agents and staff members of entities rendering insurance agent services;

g) Enjoy other legitimate rights and benefits arising from rendering insurance agent services;

h) Have other rights stipulated by law.

2. Insurance companies, branches of non-life insurance companies and mutuals providing microinsurance products shall take on the following obligations:

a) Bear responsibility for organization, management and engagement of insurance agents;

b) Organize training and knowledge updating sessions to be provided for insurance agents under law;

c) Fully and accurately provide guidance, necessary information and documents related to the insurance agent business;

d) Perform responsibilities arising in insurance agent agreements that have been entered into;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



e) Return security deposit or collateral to insurance agents under contractual terms and conditions;

g) Bear responsibility to perform obligations agreed upon in insurance contracts that insurance agents or staff members of entities rendering insurance agent services arrange to conclude. Where any insurance agent or staff member of an entity rendering insurance agent services is in breach of an insurance contract, causing any loss or damage to legitimate rights and interests of an insured persons and policyholder, the insurance company, branch of the foreign non-life insurance company or mutual providing microinsurance products, as the principal, must bear responsibility for discharging obligations agreed upon in the insurance contract that such insurance agent arranges to conclude;

h) Have their insurance agent business put under the inspection and supervision of competent regulatory authorities;

i) Protect and avoid encumbering legitimate rights and interests of insurance agents under contractual terms and conditions and in accordance with law;

k) Report on the training and employment of insurance agents under the regulations adopted by the Minister of Finance;

l) Register and update biodata about persons rendering insurance agent services and staff members of entities rendering insurance agent services that are directly involved in insurance agent services in the database of insurance agent services according to Article 11 herein;

m) Assume other obligations prescribed by law.

1. Insurance agents shall have the following rights:

a) Decide on and conclude insurance agent agreements. This right is intended for insurance companies, branches of non-life insurance companies or mutuals providing microinsurance products in accordance with law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Receive insurance agent commissions, rewards and grants for insurance agents and other interests from insurance agent services according to insurance agent agreements;

d) Request insurance companies, branches of non-life insurance companies and mutuals providing microinsurance products to return security deposit or collateral under contractual terms and conditions of insurance agent agreements;

dd) Exercise other rights in accordance with law.

2. Insurance agents shall take on the following obligations:

a) Discharge their contractual obligations;

b) Provide security deposit or collateral on behalf of insurance companies, branches of non-life insurance companies and mutuals providing microinsurance products if this obligation is prescribed in an insurance agent agreement;

c) Fulfill financial obligations in accordance with law;

d) Provide insurance product consulting, offering and marketing services; provide full and accurate information about insurance products, insurance companies, branches of non-life insurance companies or mutuals providing microinsurance products to policyholders and give clear and comprehensive explanations about insurance benefits, disclaimer clauses, rights and obligations of policyholders; avoid providing information for policyholders without approval from policyholders; implement other obligations falling within the scope of authorization specified in insurance agent agreements;

dd) Participate in training and knowledge updating sessions designed for insurance companies, branches of non-life insurance companies and mutuals providing microinsurance products;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



g) Refund insurance companies, branches of foreign non-life insurance companies or mutuals providing microinsurance products sums that they have paid as insurance indemnities or coverage to insured persons or policyholders in the event that insurance agents or staff members of entities rendering insurance agent services are in breach of insurance agent agreements, causing loss or damage to legitimate rights and interests of these insured persons or policyholders;

h) Adhere to eligibility standards for operation of insurance agents that are set by insurance companies, branches of non-life insurance companies and mutuals providing microinsurance products;

i) Protect client privacy and personal information of clients; use client’s information to serve permitted purposes; avoid providing information for any third party without client's consent, except as provided in law;

k) Take on other obligations prescribed by law.

3. Insurance agents shall be prohibited from performing the following acts:

a) Provide false information and advertisements about insurance services and scope of business of insurance companies, branches of non-life insurance companies and mutuals providing microinsurance products; insurance terms and conditions prejudicing legitimate rights and interests of policyholders;

b) Prevent policyholders from providing information related to insurance contracts or incite policyholders or insured persons not to declare information related to insurance contracts;

c) Compete for clients by precluding, enticing, bribing and threatening employees or clients of other insurance companies, branches of foreign non-life insurance companies, mutuals providing microinsurance products, insurance agents or insurance brokerage companies;

d) Incite clients to nullify insurance contracts that are in effect in any form.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Insurance agent practising certificates are classified into the followings:

a) Life insurance agent practising certificate;

b) Non-life insurance agent practising certificate;

c) Health insurance agent practising certificate.

2. Each training course or program that a trainee must take to graduate an insurance agent practising certificate must comprise:

a) General knowledge about insurance; principles of rendering of insurance services that vary depending on types of insurance agent practicing certificate;

b) Code of professional ethics and conduct in the insurance agent business;

c) Rights and obligations of insurance companies, branches of non-life insurance companies, mutuals providing microinsurance products and insurance agents in the insurance agent business sector;

d) Domestic law of Vietnam applicable in the insurance industry;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. The Minister of Finance shall impose detailed regulations on types of insurance agent practising certificate; content of training curriculum or program, documentation requirements, application procedures and processes for certification testing, issuance, revocation and reissuance of insurance agent practising certificates.

1. Root insurance brokerage and reinsurance brokerage.

2. Provision of insurance ancillary services.

3. Other services related to insurance contracts that are rendered upon policyholders’ request.

1. Honesty, objectivity, transparency; ensuring legitimate rights and interests of related parties.

2. Adherence to the rules professional ethics adopted by socio-professional organizations.

3. Insurance brokerage companies must agree in writing with clients when rendering insurance brokerage services.

1. Licensing conditions of founding shareholders or members, including:

a) In order to obtain business licences or permits, entities and persons applying for these licenses or permits must have the rights of business incorporation and management in Vietnam under the Corporate Law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Licensing conditions concerning capital or assets:

a) The amount of Vietnamese-dong contribution to the charter capital must not be less than the minimum required amount of charter capital under the Government’s regulations;

b) Shareholders and capital-contributing members shall not be allowed to contribute borrowed funds or funds or assets held in trust for other entities and persons for equity participation purposes.

3. Licensing conditions concerning personnel: Any nominee for a Chairperson of the Managing Board or Chairperson of the Board of Members, Director or General Director or legal representative must meet managerial competency and professional qualification requirements and credentials prescribed in Article 138 herein.

4. The applicant for such business licence and permit must choose their business type in accordance with this Law and must have the draft charter conforming to the regulations of the Corporate Law.

5. In order to be licensed or permitted to contribute capital to establish; purchase shares or ownership interest making up at least 10% of charter capital of an insurance brokerage company, the entity incorporated under foreign law must satisfy the following conditions:

a) It must be an entity established under domestic law of a foreign country that is directly involved in or has their subsidiary render insurance brokerage services during 05 consecutive years promptly before the date of submission of application for the business license or permit;

b) It must be licensed or permitted to establish their insurance brokerage company in Vietnam, and must be certified not to commit any serious violation against law on insurance brokerage of the country where their head office is located, by the competent authority of the foreign country within 03 consecutive years immediately before the date of submission of application for the business license or permit.

1. Each set or package of application documents for a business licence or permit must be comprised of the followings:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Company’s draft charter;

c) First five years' business plan, including clear description of proposed service activities;

d) Resume, police record, duplicate copy of certificate or qualification indicating professional competency and expertise of the nominee for the Chairperson of the Managing Board or the Chairperson of the Board of Members, Director or General Director or legal representative;

dd) Rate and method of capital contribution; list of founding entities or persons or members or shareholders that intend to contribute at least 10% of the charter capital; and documents evidencing compliance with the conditions set out in Article 133 herein.

2. The Government shall impose detailed regulations on conditions, documentation requirements, procedures and processes for application for business licenses or permits of insurance brokerage companies.

Regulations on organization and operation of an insurance brokerage company, including the business type; ownership percentage of the foreign investor; time limit for issuance of the business license or permit; authority to issue, reissue, revise, modify, revoke or withdraw the business license or permit, or terminate any service or business; announcement of contents of the business license or permit; revocation or withdrawal of the business license or permit, shall be subject to the regulations laid down in Article 62, 68, 70, 71, 72 and clause 1 and 3 of Article 75 herein.

1. In order to make any change in the following information, insurance brokerage companies need to seek the written approval from the Ministry of Finance:

a) Corporate name or head office’s address;

b) Amount of charter capital;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Assignment of shares or ownership interests that helps shareholders or members contributing capital to own at least 10% of charter capital, or cause shareholders or members contributing capital to own less than 10% of charter capital;

dd) Chairperson of the Managing Board or Chairperson of the Board of Members, Director or General Director;

e) Business split-up, split-off, merger, amalgamation and transformation into another business type; establishment of new branches, representative offices, and other types of commercial establishment in foreign countries.

2. Insurance brokerage companies need to notify the Ministry of Finance in writing within 15 days after making the following changes:

a) Company's charter;

b) Opening, termination and relocation of the branch or representative office.

3. Within 10 days of receipt of the written consent to any changes prescribed in clause 1 of this Article from the Ministry of Finance, the Ministry of Finance shall be responsible for posting updated information on the Web Portal of the Ministry of Finance.

4. The Government shall impose detailed regulations regarding application conditions, procedures, documentation requirements and processes for approving changes referred to in clause 1 of this Article, and documentation requirements, application procedures and processes for recording the changes referred to in point b of clause 2 of this Article.

1. Insurance brokerage companies shall have the following rights:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Gain proceeds from provision of insurance ancillary services;

c) Gain proceeds from other activities related to insurance contracts that are requested by policyholders;

d) Reserve other rights prescribed by law.

2. Insurance brokerage companies shall take on the following rights:

a) Ensure privacy and security for information provided by clients, insurance companies, reinsurance companies and foreign branches in Vietnam, except as requested by the competent regulatory authority or agreed by clients, insurance companies, reinsurance companies and foreign branches in Vietnam;

b) Pay clients compensation for any loss or damage caused during the process of rendering insurance brokerage services;

c) Disclose pieces of information authorized by the Minister of Finance to clients;

d) Separately account for and track collections or payments authorized by insurance companies, reinsurance companies or foreign branches in Vietnam;

dd) Purchase professional liability insurance plans tailored for insurance brokerage services;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Insurance brokerage companies shall be prohibited from performing the following acts:

a) Prevent policyholders or insured persons from providing information related to insurance contracts or incite policyholders or insured persons not to give details about insurance contracts;

b) Do promotion in the form of promises to provide illegal benefits to incite clients to enter into insurance contracts;

c) Incite policyholders to nullify insurance contracts remaining in effect to purchase new insurance contracts;

d) Recommend clients to buy insurance bound by less competitive requirements, terms and conditions at insurance companies or branches of foreign non-life insurance companies than those at others in order to earn higher insurance brokerage commission;

dd) Provide clients with false information or information irrelevant to insurance requirements, terms and conditions imposed by insurance companies or branches of foreign non-life insurance companies.

1. Chairpersons of the Managing Boards, Chairpersons of the Boards of Members, members of the Managing Boards, members of the Boards of Members, Directors or General Directors, legal representatives, Vice Directors or Deputy General Directors, Chief Accountants, heads of operations departments of insurance brokerage companies must satisfy qualification, experience and other requirements and credentials under the Government’s regulations.

2. Persons directly involved in the insurance brokerage sector must hold at least undergraduate degrees in the insurance major or insurance practicing certificates appropriate for the types of insurance or insurance brokerage practicing certificates conferred by legally-licensed domestic or foreign training institutions according to the Ministry of Finance’s regulations.

3. Insurance brokerage companies must maintain the rate or amount of their charter capital and equity that is not less than the required minimum requirement of charter capital and must carry out insurance regimes under the Government's regulations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. Insurance brokerage companies shall follow the instructions on reporting regime of the Minister of Finance with respect to the following reports:

a) Financial report;

b) Periodic operations report; irregular, information or other data report.

6. Foreign-invested insurance brokerage companies may remit or transfer earnings and property abroad as per Article 107 herein.

7. Insurance brokerage companies shall follow financial management regulations laid down in Article 108 herein.

8. Insurance brokerage companies shall post information about financial statements that have been audited and any changes relying upon the Ministry of Finance’s approval or consent as prescribed in clause 1 of Article 136 herein and the information prescribed in point a, b and e of clause 1 of Article 120 herein on their websites. Responsibilities for information disclosure shall be subject to Article 117 herein.

1. Insurance brokerage training course or program shall mainly comprise:

a) General knowledge about insurance and insurance services;

b) Principles, responsibilities and code of ethics for practising as an insurance broker;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Insurance brokerage skills and practising as an insurance broker.

2. The Minister of Finance shall impose detailed regulations on training program or curriculum, application requirements, procedures and processes for certification testing, issuance, revocation, withdrawal and reissuance of insurance brokerage practising certificates issued by legally-licensed domestic insurance training institutions.

1. Insurance companies and branches of foreign non-life insurance companies can provide insurance ancillary services for insurance companies, reinsurance companies, foreign branches in Vietnam, insurance brokerage companies or mutuals providing microinsurance products.

2. Insurance brokerage companies can provide insurance ancillary services for insurance companies, reinsurance companies, foreign branches in Vietnam, insurance brokerage companies, mutuals providing microinsurance products, other entities or persons.

3. Other entities having legal personality can provide insurance ancillary services for insurance companies, reinsurance companies, foreign branches in Vietnam, insurance brokerage companies or mutuals providing microinsurance products.

4. Persons can provide consulting services for insurance companies, reinsurance companies, foreign branches in Vietnam, insurance brokerage companies or mutuals providing microinsurance products.

1. Honesty, impartiality, transparency; protecting legitimate rights and interests of stakeholders.

2. Conforming to regulatory standards in the insurance ancillary service sector.

3. Adherence to the rules of professional ethics issued by socio-professional organizations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Protect client’s privacy and information security; use client’s information for permissible purposes; avoid providing information for any third party without client's permission, except as provided in law.

2. Insurance brokerage companies shall not be allowed to provide loss assessment services for insurance contracts that they have arranged to conclude.

3. Entities providing insurance ancillary services can provide loss assessment services and support for payment of insurance claims against insurance contracts whereunder these entities are also policyholders, insured persons or beneficiaries.

4. Persons providing consulting services must buy professional liability insurance providing coverage and protection for provision of consulting services; entities providing insurance ancillary services must buy professional liability insurance specific to types of insurance ancillary service.

1. In order to be licensed to render insurance ancillary services, a person providing consulting services must meet the following conditions:

a) He/she has full civil capacity;

b) He/she holds at least an undergraduate decree on the insurance major. If not, he/she must hold at least an undergraduate degree on any other major and must complete the practicing certificate in the insurance ancillary service, including the consulting activity, issued by legally-licensed domestic or foreign training institutions.

2. In order to be licensed to render insurance ancillary services, an entity providing insurance ancillary services must meet the following conditions:

a) They must have legal personality; be legally permitted or licensed for their establishment and operation;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Their staff members directly involved in loss assessment services must meet the conditions prescribed in point b of this clause and other credentials as assessors in accordance with law on commerce;

d) Their staff members directly involved in actuarial services must meet the conditions prescribed in point b of this clause and other credentials as actuaries.

3. The Government shall elaborate point b, c and d of clause 2 of this Article.

4. The Minister of Finance shall impose detailed regulations on types of practising certificates of insurance ancillary services, training program or curriculum, documentation requirements, application procedures and processes for certification testing, issuance, reissuance, revocation or withdrawal of practising certificates of insurance ancillary services.

MICROINSURANCE

A microinsurance product shall have the following basic characteristics:

1. It must be concise, easy to understand; needs to involve streamlined or simplified actuarial procedures; or requires no actuarial service.

2. It merely includes insurance benefits to meet basic demands for protection against life, health and property risks for participants in coverage plans that last no more than 05 years;

3. The sum insured per an insurance contract and annual costs of coverage for each insured person in a contract shall not exceed the maximum limit specified in the Government’s regulations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Entities providing microinsurance products must register and obtain the Ministry of Finance’s consent to the insurance premium calculation method and basis for microinsurance products.

3. The Government shall impose detailed regulations on measures specified in clause 1 of this Article provided that these regulations are aligned with developmental orientations and socio-economic conditions over periods of time; detailed regulations on documentation requirements, procedures and processes for registration for premium calculation methods and bases to be applied to microinsurance products.

4. The Minister of Finance shall impose detailed regulations on premium calculation methods and bases to be applied to microinsurance products.

1. Entities providing microinsurance products, including:

a) Insurance companies, branches of foreign non-life insurance companies established and operated in Vietnam;

b) Mutuals providing microinsurance products that are established and operated in Vietnam.

2. The Government shall impose detailed regulations on procedures and processes for issuance, reissuance, revision, modification, withdrawal or revocation of business licenses or permits, or termination of services offered by mutuals providing microinsurance products.

3. The Ministry of Finance shall be vested with authority to issue, reissue, revise, modify, withdraw or revoke business licenses or permits, or terminate services offered by mutuals providing microinsurance products.

1. Insurance companies and branches of non-life insurance companies can, on their own account, provide microinsurance products that are relevant to authorized insurance services:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) via insurance agents;

c) via any person who is a staff member or member of a socio-political organization, socio-professional organization or cooperative authorized by insurance companies or branches of foreign non-life insurance companies to provide counsels on or make arrangement for conclusion of insurance contracts on behalf of such organization or cooperative;

d) in other permissible ways.

2. Insurance companies and branches of non-life insurance companies must track, manage and account for revenues and expenses arising from provision of microinsurance products separately from those arising from services rendered by others.

1. Mutuals providing microinsurance products can only provide microinsurance products for their own members. Members participating in insurance plans must be both owners of mutuals providing microinsurance products and policyholders.

2. Insurance contracts between mutuals providing microinsurance products and members participating in insurance plans must conform to general regulations on insurance contracts, life insurance contracts, health insurance contracts and property insurance contracts prescribed in Chapter II herein.

3. The Government shall impose detailed regulations on provision of microinsurance products by mutuals providing microinsurance products.

1. Conditions of a founding member, including:

a) If that member is a person, he/she must be a Vietnamese citizen having full civil capacity and a member of the entity proposing establishment of the mutual providing microinsurance products;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The amount of Vietnamese-dong contribution must not be less than the minimum limit under the Government’s regulations.

3. Any nominee for a Chairperson of the Managing Board, Director or General Director, legal representative or actuary of microinsurance products must meet the conditions and standards under the Government’s regulations.

4. A plan to offer microinsurance products that is in place must allow for the number of members and the network of the mutual to be established.

5. The available draft charter must be in line with business objectives of the mutual providing microinsurance products and conform to the Government’s regulations.

6. The available information technology system must be appropriate; can give support for or track activities of specific microinsurance contracts; can help in financial and accounting matters related to microinsurance.

1. Mutuals providing microinsurance service shall practise their financial autonomy and bear sole responsibility before law within the scope of property formed from rendering of microinsurance services.

2. Mutuals providing microinsurance products shall be responsible for managing and supervising performance; complying with regulations on financial regimes in order to ensure financial security, successful implementation of obligations and commitments to members participating in insurance, concerned entities and persons under law.

3. Mutuals providing microinsurance products shall be responsible for carrying out risk management practice in order to effectively control risks arising from offering microinsurance products.

4. All of profits earned from offering microinsurance products by mutuals providing microinsurance products can be accessible to serve the interest of members participating in insurance plans by means of reduction in insurance premiums, increase in insurance benefits of the insured, support for members and assistance in accomplishment of other objectives as per the charters of mutuals providing microinsurance products.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



STATE MANAGEMENT OF INSURANCE BUSINESS

1. The Government shall carry out its uniform state management of insurance business.

2. The Ministry of Finance shall be held accountable to the Government for its state management of insurance business and shall have the following duties and entitlements:

a) Promulgate or seek competent authorities’ approval of promulgation and instructions on implementation of legislative documents on insurance business, formulation of strategies, projects and policies for development of Vietnam’s insurance market;

b) Conduct statistics and forecast of the insurance market;

c) Supervise insurance companies, reinsurance companies and foreign branches in Vietnam, mutuals providing microinsurance products and insurance brokerage companies through their rendering of services, financial status, corporate management, risk management and compliance with law on insurance business; supervise performance of foreign representative offices in Vietnam;

d) Supervise performance of insurance agents and insurance ancillary services through insurance companies, reinsurance companies and foreign branches in Vietnam;

dd) Examine and inspect insurance companies, reinsurance companies and foreign branches in Vietnam, mutuals providing microinsurance products and insurance brokerage companies; examine performance of foreign representative offices in Vietnam;

e) Ensure international cooperation in the insurance sector;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The Ministry of Finance shall cooperate with state foreign insurance authorities on management, supervision, inspection and examination of foreign branches in Vietnam in accordance with the Government’s regulations.

2. The Ministry of Finance shall establish the mechanism for sharing of administrative and supervisory information with the State Bank of Vietnam, Ministries, other central authorities and socio-professional organization in the insurance industry.

3. The Ministry of Finance shall cooperate with relevant Ministries and central authorities on affiliation and cooperation between the insurance sector and the social or health insurance sector under the state control.

4. Business registration agencies shall not be allowed to accept the use of the phrase or term “insurance", "reinsurance" or the like in a company’s name if such use can result in the confusion to such an extent that the company is wrongly considered an insurance company, reinsurance company or foreign branch in Vietnam.

5. Business registration agencies shall not be allowed to accept the use of the phrase or term “insurance brokerage", "reinsurance brokerage" or the like in a company’s name if such use can result in the confusion to such an extent that the company is wrongly considered an insurance brokerage company.

1. During the process of examination, inspection and handling of administrative offences arising in the insurance business, in addition to the duties and powers prescribed in law on inspection, law on handling of administrative offences and other regulatory provisions of relevant law, the Ministry of Finance shall have the following duties and powers:

a) Request shareholders, capital-contributing members, managers, controllers, staff members of insurance companies, reinsurance companies, foreign branches in Vietnam or insurance brokerage companies to give explanations about and provide information, documents and data related to the scope of inspection and examination activities;

b) Request entities and persons possessing information, documents and data related to the scope of inspection and examination of the insurance business to provide these information, documents and data, or request entities or persons to give explanations about and contact it to deal with issues related to the scope of examination and inspection;

c) Request credit institutions or foreign bank branches to provide information related to accounts of insurance companies, reinsurance companies, foreign branches in Vietnam, insurance agents, insurance brokerage companies, insurance ancillary service providers, fund management companies of insurance companies, foreign representative offices in Vietnam and entities or persons suspected of committing the prohibited acts specified in Article 9 herein, or committing violations against regulations on capital adequacy ratios, investment of insurance companies, reinsurance companies, foreign branches in Vietnam, financial safety and solvency referred to in Article 95, 99, 100, 109 and 110 herein. Procedures and processes for requesting and providing information shall be subject to regulatory provisions on banking.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Information provided by credit institutions, foreign bank branches, entities and persons as per this Article must be secured as per regulatory provisions and can only serve the purposes of inspection, examination and sanctioning of administrative offences of related entities or persons.

1. State insurance business authorities shall perform the functions of specialized inspection of insurance business.

2. Where necessary, in order to carry out the specialized inspection of insurance business, those authorities specified in clause 1 of this Article can hire independent audit bodies, consulting companies or specialists to assess and give professional comments on several matters that are alleged to cause any impacts on inspectees’ safety and health where necessary, including:

a) Technical provisions;

b) Solvency;

c) Reinsurance;

d) Investment;

dd) Separate management of equity and insurance premiums, and distribution of surpluses;

e) Rules, terms and conditions and tariff of insurance premiums.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Organization and operation of insurance business inspectorates shall be subject to regulations of this Law and legislation on inspection.

IMLEMENTATION PROVISIONS

Article 155. Amendments and supplements to Appendix IV to Law on Investment 61/2020/QH14 amended or supplemented by Law No. 03/2022/QH15

Amending, supplementing the sector or industry No. 29 and adding the sector or industry No. 29a underneath No.29 of Appendix IV on the Conditional Industry Classification as follows:

“29. Insurance brokerage

29a. Insurance ancillary services”

1. This Law is entering into force as from January 01, 2023, unless otherwise prescribed in clause 2 of this Article.

2. Clause 3 of Article 86; clause 4 and 5 of Article 94; Article 95; clause 3 and 4 of Article 99; Article 109, 110, 111, 112, 113, 114 and 116 herein shall take effect as of January 1, 2028.

3. Law on Insurance Business No. 24/2000/QH10 amended and supplemented according to the Law No. 61/2010/QH12 and Law No. 42/2019/QH14 shall be expired after the entry into force of this Law, except in the following cases:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Article 77, 78, 79, 80, 81, 83, 94 and 98 of the Law on Insurance Business No. 24/2000/QH10 that have been amended and supplemented according to Law No. 61/2010/QH12 and Law No. 42/2019/QH14 shall be abolished by end of December 31, 2027.

1. Insurance contracts that have been entered into before the effective date of this Law and remain valid can continue to apply in accordance with legislation at the time of conclusion of insurance contracts, except when contracting parties are agreed on amendments and supplements thereto to make them aligned with this Law and apply regulations of this Law.

2. Insurance agent practising certificates issued before the entry into force of this Law can continue to be used till end of December 31, 2025. Minister of Finance shall impose detailed regulations on transformation from insurance agent practising certificates issued before the entry into force of this Law into new ones referred to in this Law.

3. Insurance practising certificates, insurance agent practising certificates and certificates of practising in insurance ancillary services that have been issued before the entry into force of this Law shall continue to be used.

4. As from January 1, 2023, insurance companies and branches of foreign non-life insurance companies shall cease paying into the Fund for protection of insured persons.

5. Disposal and management of balance of the Fund for protection of insured persons stipulated in Article 97 in the Law on Insurance Business No. 24/2000/QH10 amended and supplemented by the Law No. 61/2010/QH12 and the Law No. 42/2019/QH14 shall be subject to the following regulations:

a) All balance existing in the Fund for protection of insured persons shall be in the custody of the Ministry of Finance to serve the purposes of protecting insured persons' interests when insurance companies are declared insolvent or bankrupt;

b) The Government shall impose detailed regulations on management and use of balance of the Fund for protection of insured persons.

This Law is passed in the 3rd plenum of the XVth National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam on June 16, 2022.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

CHAIRMAN




Vuong Dinh Hue

 

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


439.172

DMCA.com Protection Status
IP: 3.137.182.206
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!