Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Luật bảo hiểm xã hội 2006 số 71/2006/QH11

Số hiệu: 71/2006/QH11 Loại văn bản: Luật
Nơi ban hành: Quốc hội Người ký: Nguyễn Phú Trọng
Ngày ban hành: 29/06/2006 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

QUỐC HỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

************

Luật số: 71/2006/QH 11

Hà Nội, ngày 29 tháng 6 năm 2006

QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Khoá XI, kỳ họp thứ 9
(Từ ngày 16 tháng 5 đến ngày 29 tháng 6 năm 2006)

LUẬT

BẢO HIỂM XÃ HỘI

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;
Luật này quy định về bảo hiểm xã hội.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Luật này quy định về chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội; quyền và trách nhiệm của người lao động, của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm xã hội; tổ chức bảo hiểm xã hội; quỹ bảo hiểm xã hội; thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội và quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội.

2. Luật này không áp dụng đối với bảo hiểm y tế, bảo hiểm tiền gửi và các loại bảo hiểm mang tính kinh doanh.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là công dân Việt Nam, bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên;

b) Cán bộ, công chức, viên chức;

c) Công nhân quốc phòng, công nhân công an;

d) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân đội nhân dân, công an nhân dân;

đ) Hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội nhân dân và hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn;

e) Người làm việc có thời hạn ở nước ngoài mà trước đó đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

2. Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng và trả công cho người lao động.

3. Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp là công dân Việt Nam làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà các hợp đồng này không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ đủ mười hai tháng đến ba mươi sáu tháng với người sử dụng lao động quy định tại khoản 4 Điều này.

4. Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp là người sử dụng lao động quy định tại khoản 2 Điều này có sử dụng từ mười lao động trở lên.

5. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam trong độ tuổi lao động, không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này.

6. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm xã hội.

Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau đây gọi chung là người lao động.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.

2. Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia.

3. Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội mà người lao động tự nguyện tham gia, được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình để hưởng bảo hiểm xã hội.

4. Người thất nghiệp là người đang đóng bảo hiểm thất nghiệp mà bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng chưa tìm được việc làm.

5. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội là thời gian được tính từ khi người lao động bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội cho đến khi dừng đóng. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.

6. Mức lương tối thiểu chung là mức lương thấp nhất do Chính phủ công bố ở từng thời kỳ.

7. Thân nhân là con, vợ hoặc chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha vợ hoặc cha chồng, mẹ vợ hoặc mẹ chồng của người tham gia bảo hiểm xã hội; người khác mà người tham gia bảo hiểm xã hội phải chịu trách nhiệm nuôi dưỡng.

Điều 4. Các chế độ bảo hiểm xã hội

1. Bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm các chế độ sau đây:

a) ốm đau;

b) Thai sản;

c) Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

d) Hưu trí;

đ) Tử tuất.

2. Bảo hiểm xã hội tự nguyện bao gồm các chế độ sau đây:

a) Hưu trí;

b) Tử tuất.

3. Bảo hiểm thất nghiệp bao gồm các chế độ sau đây:

a) Trợ cấp thất nghiệp;

b) Hỗ trợ học nghề;

c) Hỗ trợ tìm việc làm.

Điều 5. Nguyên tắc bảo hiểm xã hội

1. Mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội và có chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội.

2. Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp được tính trên cơ sở tiền lương, tiền công của người lao động. Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập do người lao động lựa chọn nhưng mức thu nhập này không thấp hơn mức lương tối thiểu chung.

3. Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.

4. Quỹ bảo hiểm xã hội được quản lý thống nhất, dân chủ, công khai, minh bạch, được sử dụng đúng mục đích, được hạch toán độc lập theo các quỹ thành phần của bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm thất nghiệp.

5. Việc thực hiện bảo hiểm xã hội phải đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội.

Điều 6. Chính sách của Nhà nước đối với bảo hiểm xã hội

1. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm xã hội.

2. Nhà nước có chính sách ưu tiên đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội và các biện pháp cần thiết khác để bảo toàn, tăng trưởng quỹ. Quỹ bảo hiểm xã hội được Nhà nước bảo hộ, không bị phá sản.

Lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội được miễn thuế.

Điều 7. Nội dung quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội

1. Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội.

2. Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội.

3. Tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội.

4. Thực hiện công tác thống kê, thông tin về bảo hiểm xã hội.

5. Tổ chức bộ máy thực hiện bảo hiểm xã hội; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm công tác bảo hiểm xã hội.

6. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội.

7. Hợp tác quốc tế về bảo hiểm xã hội.

Điều 8. Cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội.

2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội.

3. Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội.

4. Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội trong phạm vi địa phương theo phân cấp của Chính phủ.

Điều 9. Hiện đại hoá quản lý bảo hiểm xã hội

1. Nhà nước khuyến khích đầu tư phát triển công nghệ và phương tiện kỹ thuật tiên tiến để bảo đảm áp dụng phương pháp quản lý bảo hiểm xã hội hiện đại.

2. Chính phủ quy định cụ thể việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý bảo hiểm xã hội.

Điều 10. Thanh tra bảo hiểm xã hội

1. Thanh tra lao động - thương binh và xã hội thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về bảo hiểm xã hội.

2. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra chuyên ngành về bảo hiểm xã hội được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.

Điều 11. Quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn

1. Tổ chức công đoàn có các quyền sau đây:

a) Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội;

b) Yêu cầu người sử dụng lao động, tổ chức bảo hiểm xã hội cung cấp thông tin về bảo hiểm xã hội của người lao động;

c) Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội.

2. Tổ chức công đoàn có các trách nhiệm sau đây:

a) Tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội đối với người lao động;

b) Kiến nghị, tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội;

c) Tham gia kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Điều 12. Quyền và trách nhiệm của đại diện người sử dụng lao động

1. Đại diện người sử dụng lao động có các quyền sau đây:

a) Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội;

b) Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội.

2. Đại diện người sử dụng lao động có các trách nhiệm sau đây:

a) Tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội đối với người sử dụng lao động;

b) Kiến nghị, tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội;

c) Tham gia kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Điều 13. Chế độ báo cáo, kiểm toán

1. Hằng năm Chính phủ báo cáo Quốc hội về quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội.

2. Định kỳ ba năm, Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán quỹ bảo hiểm xã hội và báo cáo kết quả với Quốc hội. Trong trường hợp cần thiết, theo yêu cầu của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ, quỹ bảo hiểm xã hội được kiểm toán đột xuất.

Điều 14. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Không đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này.

2. Gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện bảo hiểm xã hội.

3. Sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội sai mục đích.

4. Gây phiền hà, trở ngại, làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động.

5. Báo cáo sai sự thật, cung cấp sai lệch thông tin, số liệu về bảo hiểm xã hội.

Chương II

QUYỀN, TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG, NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG, TỔ CHỨC BẢO HIỆM XÃ HỘI

Điều 15. Quyền của ng­ười lao động

Người lao động có các quyền sau đây:

1. Được cấp sổ bảo hiểm xã hội;

2. Nhận sổ bảo hiểm xã hội khi không còn làm việc;

3. Nhận lư­ơng h­ưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội đầy đủ, kịp thời;

4. H­ưởng bảo hiểm y tế trong các trường hợp sau đây:

a) Đang hưởng lư­ơng hư­u;

b) Nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng;

c) Đang hưởng trợ cấp thất nghiệp;

5. Uỷ quyền cho ngư­ời khác nhận lư­ơng h­ưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội;

6. Yêu cầu ngư­ời sử dụng lao động cung cấp thông tin quy định tại điểm h khoản 1 Điều 18; yêu cầu tổ chức bảo hiểm xã hội cung cấp thông tin quy định tại khoản 11 Điều 20 của Luật này;

7. Khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm xã hội;

8. Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Điều 16. Trách nhiệm của ng­ười lao động

1. Người lao động có các trách nhiệm sau đây:

a) Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này;

b) Thực hiện quy định về việc lập hồ sơ bảo hiểm xã hội;

c) Bảo quản sổ bảo hiểm xã hội theo đúng quy định;

d) Các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

2. Ngoài việc thực hiện các quy định tại khoản 1 Điều này, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp còn có các trách nhiệm sau đây:

a) Đăng ký thất nghiệp với tổ chức bảo hiểm xã hội;

b) Thông báo hằng tháng với tổ chức bảo hiểm xã hội về việc tìm kiếm việc làm trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp;

c) Nhận việc làm hoặc tham gia khoá học nghề phù hợp khi tổ chức bảo hiểm xã hội giới thiệu.

Điều 17. Quyền của ngư­ời sử dụng lao động

Người sử dụng lao động có các quyền sau đây:

1. Từ chối thực hiện những yêu cầu không đúng quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;

2. Khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm xã hội;

3. Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Điều 18. Trách nhiệm của ngư­ời sử dụng lao động

1. Người sử dụng lao động có các trách nhiệm sau đây:

a) Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 92 và hằng tháng trích từ tiền lư­ơng, tiền công của ng­ười lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 91 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội;

b) Bảo quản sổ bảo hiểm xã hội của người lao động trong thời gian ngư­ời lao động làm việc;

c) Trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động khi người đó không còn làm việc;

d) Lập hồ sơ để ng­ười lao động được cấp sổ, đóng và hưởng bảo hiểm xã hội;

đ) Trả trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người lao động;

e) Giới thiệu ngư­ời lao động đi giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng Giám định y khoa theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 41, Điều 51điểm b khoản 1 Điều 55 của Luật này;

g) Cung cấp tài liệu, thông tin liên quan theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

h) Cung cấp thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội của ngư­ời lao động khi người lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu;

i) Các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

2. Ngoài việc thực hiện các quy định tại khoản 1 Điều này, hằng tháng người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 102trích từ tiền lương, tiền công của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 102 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Điều 19. Quyền của tổ chức bảo hiểm xã hội

Tổ chức bảo hiểm xã hội có các quyền sau đây:

1. Tổ chức quản lý nhân sự, tài chính và tài sản theo quy định của pháp luật;

2. Từ chối yêu cầu trả bảo hiểm xã hội không đúng quy định;

3. Khiếu nại về bảo hiểm xã hội;

4. Kiểm tra việc đóng bảo hiểm xã hội và trả các chế độ bảo hiểm xã hội;

5. Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội và quản lý quỹ bảo hiểm xã hội;

6. Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội;

7. Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Điều 20. Trách nhiệm của tổ chức bảo hiểm xã hội

Tổ chức bảo hiểm xã hội có các trách nhiệm sau đây:

1. Tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội; hướng dẫn thủ tục thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động, người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội;

2. Thực hiện việc thu bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này;

3. Tiếp nhận hồ sơ, giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội; thực hiện việc trả lương h­ưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đầy đủ, thuận tiện và đúng thời hạn;

4. Cấp sổ bảo hiểm xã hội đến từng người lao động;

5. Quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật;

6. Thực hiện các biện pháp bảo toàn và tăng trư­ởng quỹ bảo hiểm xã hội;

7. Tổ chức thực hiện công tác thống kê, kế toán, hướng dẫn nghiệp vụ về bảo hiểm xã hội;

8. Giới thiệu ng­ười lao động đi giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng Giám định y khoa theo quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 41 của Luật này;

9. ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bảo hiểm xã hội; lưu trữ hồ sơ của người tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật;

10. Định kỳ sáu tháng, báo cáo Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội về tình hình thực hiện bảo hiểm xã hội. Hằng năm, báo cáo Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước về tình hình quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội;

11. Cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin về việc đóng, quyền đư­ợc hưởng chế độ, thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội khi ngư­ời lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu;

12. Cung cấp tài liệu, thông tin liên quan theo yêu cầu của cơ quan nhà n­ước có thẩm quyền;

13. Giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo về việc thực hiện bảo hiểm xã hội;

14. Thực hiện hợp tác quốc tế về bảo hiểm xã hội;

15. Các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Chương III

BẢO HIỂM XÃ HỘI BẮT BUỘC

Mục 1

CHẾ ĐỘ ỐM ĐAU

Điều 21. Đối tượng áp dụng chế độ ốm đau

Đối tượng áp dụng chế độ ốm đau là người lao động quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 2 của Luật này.

Điều 22. Điều kiện hưởng chế độ ốm đau

1. Bị ốm đau, tai nạn rủi ro phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở y tế.

Trường hợp ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự huỷ hoại sức khoẻ, do say rượu hoặc sử dụng ma tuý, chất gây nghiện khác thì không được hưởng chế độ ốm đau.

2. Có con dưới bảy tuổi bị ốm đau, phải nghỉ việc để chăm sóc con và có xác nhận của cơ sở y tế.

Điều 23. Thời gian hưởng chế độ ốm đau

1. Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 2 của Luật này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần và được quy định như sau:

a) Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng ba mươi ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới mười lăm năm; bốn mươi ngày nếu đã đóng từ đủ mười lăm năm đến dưới ba mươi năm; sáu mươi ngày nếu đã đóng từ đủ ba mươi năm trở lên;

b) Làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc thường xuyên ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng bốn mươi ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới mười lăm năm; năm mươi ngày nếu đã đóng từ đủ mười lăm năm đến dưới ba mươi năm; bảy mươi ngày nếu đã đóng từ đủ ba mươi năm trở lên.

2. Người lao động mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau như sau:

a) Tối đa không quá một trăm tám mươi ngày trong một năm tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần;

b) Hết thời hạn một trăm tám mươi ngày mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn.

3. Thời gian hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động quy định tại điểm d khoản 1 Điều 2 của Luật này tuỳ thuộc vào thời gian điều trị tại cơ sở y tế thuộc quân đội nhân dân và công an nhân dân.

Điều 24. Thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau

1. Thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm được tính theo số ngày chăm sóc con tối đa là hai mươi ngày làm việc nếu con dưới ba tuổi; tối đa là mười lăm ngày làm việc nếu con từ đủ ba tuổi đến dưới bảy tuổi.

2. Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội, nếu một người đã hết thời hạn hưởng chế độ mà con vẫn ốm đau thì người kia được hưởng chế độ theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 25. Mức hưởng chế độ ốm đau

1. Người lao động hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 23 và Điều 24 của Luật này thì mức hưởng bằng 75% mức tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

2. Người lao động hưởng tiếp chế độ ốm đau quy định tại điểm b khoản 2 Điều 23 của Luật này thì mức hưởng được quy định như sau:

a) Bằng 65% mức tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ ba mươi năm trở lên;

b) Bằng 55% mức tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ mười lăm năm đến dưới ba mươi năm;

c) Bằng 45% mức tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới mười lăm năm.

3. Người lao động hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại khoản 3 Điều 23 của Luật này thì mức hưởng bằng 100% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

4. Mức hưởng chế độ ốm đau tính theo quy định tại khoản 2 Điều này nếu thấp hơn mức lương tối thiểu chung thì được tính bằng mức lương tối thiểu chung.

Điều 26. Dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau khi ốm đau

1. Người lao động sau thời gian hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại Điều 23 của Luật này mà sức khoẻ còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ năm ngày đến mười ngày trong một năm.

2. Mức hưởng một ngày bằng 25% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại gia đình; bằng 40% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại cơ sở tập trung.

Mục 2

CHẾ ĐỘ THAI SẢN

Điều 27. Đối tượng áp dụng chế độ thai sản

Đối tượng áp dụng chế độ thai sản là người lao động quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 2 của Luật này.

Điều 28. Điều kiện hưởng chế độ thai sản

1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Lao động nữ mang thai;

b) Lao động nữ sinh con;

c) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới bốn tháng tuổi;

d) Người lao động đặt vòng tránh thai, thực hiện các biện pháp triệt sản.

2. Người lao động quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ sáu tháng trở lên trong thời gian mười hai tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

Điều 29. Thời gian hưởng chế độ khi khám thai

Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai năm lần, mỗi lần một ngày; trường hợp ở xa cơ sở y tế hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ hai ngày cho mỗi lần khám thai.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Điều 30. Thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu

Khi sẩy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản mười ngày nếu thai dưới một tháng; hai mươi ngày nếu thai từ một tháng đến dưới ba tháng; bốn mươi ngày nếu thai từ ba tháng đến dưới sáu tháng; năm mươi ngày nếu thai từ sáu tháng trở lên.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Điều 31. Thời gian hưởng chế độ khi sinh con

1. Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định sau đây:

a) Bốn tháng, nếu làm nghề hoặc công việc trong điều kiện lao động bình thường;

b) Năm tháng, nếu làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành; làm việc theo chế độ ba ca; làm việc thường xuyên ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên hoặc là nữ quân nhân, nữ công an nhân dân;

c) Sáu tháng đối với lao động nữ là người tàn tật theo quy định của pháp luật về người tàn tật;

d) Trường hợp sinh đôi trở lên, ngoài thời gian nghỉ việc quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con được nghỉ thêm ba mươi ngày.

2. Trường hợp sau khi sinh con, nếu con dưới sáu mươi ngày tuổi bị chết thì mẹ được nghỉ việc chín mươi ngày tính từ ngày sinh con; nếu con từ sáu mươi ngày tuổi trở lên bị chết thì mẹ được nghỉ việc ba mươi ngày tính từ ngày con chết, nhưng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không vượt quá thời gian quy định tại khoản 1 Điều này; thời gian này không tính vào thời gian nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động.

3. Trường hợp chỉ có cha hoặc mẹ tham gia bảo hiểm xã hội hoặc cả cha và mẹ đều tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ bốn tháng tuổi.

4. Thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Điều 32. Thời gian hưởng chế độ khi nhận nuôi con nuôi

Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới bốn tháng tuổi thì được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ bốn tháng tuổi.

Điều 33. Thời gian hưởng chế độ khi thực hiện các biện pháp tránh thai

1. Khi đặt vòng tránh thai người lao động được nghỉ việc bảy ngày.

2. Khi thực hiện biện pháp triệt sản người lao động được nghỉ việc mười lăm ngày.

3. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Điều 34. Trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi

Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới bốn tháng tuổi thì được trợ cấp một lần bằng hai tháng lương tối thiểu chung cho mỗi con.

Trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết khi sinh con thì cha được trợ cấp một lần bằng hai tháng lương tối thiểu chung cho mỗi con.

Điều 35. Mức hưởng chế độ thai sản

1. Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các điều 29, 30, 31, 32 và 33 của Luật này thì mức hưởng bằng 100% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội của sáu tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Thời gian này người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.

Điều 36. Lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con

1. Lao động nữ có thể đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 31 của Luật này khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Sau khi sinh con từ đủ sáu mươi ngày trở lên;

b) Có xác nhận của cơ sở y tế về việc đi làm sớm không có hại cho sức khoẻ của người lao động;

c) Phải báo trước và được người sử dụng lao động đồng ý.

2. Ngoài tiền lương, tiền công của những ngày làm việc, lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 31 của Luật này.

Điều 37. Dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản

1. Lao động nữ sau thời gian hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 30, khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 31 của Luật này mà sức khoẻ còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ năm ngày đến mười ngày trong một năm.

2. Mức hưởng một ngày bằng 25% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại gia đình; bằng 40% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại cơ sở tập trung.

Mục 3

CHẾ ĐỘ TAI NẠN LAO ĐỘNG, BỆNH NGHỆ NGHIỆP

Điều 38. Đối tượng áp dụng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Đối tượng áp dụng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều 2 của Luật này.

Điều 39. Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động

Người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc;

b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động;

c) Trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;

2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 40. Điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp

Người lao động được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Bị bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành khi làm việc trong môi trường hoặc nghề có yếu tố độc hại;

2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 41. Giám định mức suy giảm khả năng lao động

1. Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định hoặc giám định lại mức suy giảm khả năng lao động khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Sau khi thương tật, bệnh tật đã được điều trị ổn định;

b) Sau khi thương tật, bệnh tật tái phát đã được điều trị ổn định.

2. Người lao động được giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Vừa bị tai nạn lao động vừa bị bệnh nghề nghiệp;

b) Bị tai nạn lao động nhiều lần;

c) Bị nhiều bệnh nghề nghiệp.

Điều 42. Trợ cấp một lần

1. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần.

2. Mức trợ cấp một lần được quy định như sau:

a) Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng năm tháng lương tối thiểu chung, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 tháng lương tối thiểu chung;

b) Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 0,3 tháng tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.

Điều 43. Trợ cấp hằng tháng

1. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng.

2. Mức trợ cấp hằng tháng được quy định như sau:

a) Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương tối thiểu chung, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương tối thiểu chung;

b) Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, hằng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 0,3% mức tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.

Điều 44. Thời điểm hưởng trợ cấp

1. Thời điểm hưởng trợ cấp quy định tại các điều 42, 43 và 46 của Luật này được tính từ tháng người lao động điều trị xong, ra viện.

2. Trường hợp thương tật hoặc bệnh tật tái phát, người lao động được đi giám định lại mức suy giảm khả năng lao động thì thời điểm hưởng trợ cấp mới được tính từ tháng có kết luận của Hội đồng Giám định y khoa.

Điều 45. Cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình

Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà bị tổn thương các chức năng hoạt động của cơ thể thì được cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình theo niên hạn căn cứ vào tình trạng thương tật, bệnh tật.

Điều 46. Trợ cấp phục vụ

Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống hoặc mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần thì ngoài mức hưởng quy định tại Điều 43 của Luật này, hằng tháng còn được hưởng trợ cấp phục vụ bằng mức lương tối thiểu chung.

Điều 47. Trợ cấp một lần khi chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Người lao động đang làm việc bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng ba mươi sáu tháng lương tối thiểu chung.

Điều 48. Dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau khi điều trị thương tật, bệnh tật

1. Người lao động sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp mà sức khỏe còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khoẻ từ năm ngày đến mười ngày.

2. Mức hưởng một ngày bằng 25% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại gia đình; bằng 40% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại cơ sở tập trung.

Mục 4

CHẾ ĐỘ HƯU TRÍ

Điều 49. Đối tượng áp dụng chế độ hưu trí

Đối tượng áp dụng chế độ hưu trí là người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật này.

Điều 50. Điều kiện hưởng lương hưu

1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c và e khoản 1 Điều 2 của Luật này có đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Nam đủ sáu mươi tuổi, nữ đủ năm mươi lăm tuổi;

b) Nam từ đủ năm mươi lăm tuổi đến đủ sáu mươi tuổi, nữ từ đủ năm mươi tuổi đến đủ năm mươi lăm tuổi và có đủ mười lăm năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ mười lăm năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên. Tuổi đời được hưởng lương hưu trong một số trường hợp đặc biệt khác do Chính phủ quy định.

2. Người lao động quy định tại điểm d khoản 1 Điều 2 của Luật này có đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Nam đủ năm mươi lăm tuổi, nữ đủ năm mươi tuổi, trừ trường hợp Luật sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam hoặc Luật công an nhân dân có quy định khác;

b) Nam từ đủ năm mươi tuổi đến đủ năm mươi lăm tuổi, nữ từ đủ bốn mươi lăm tuổi đến đủ năm mươi tuổi và có đủ mười lăm năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ mười lăm năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.

Điều 51. Điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động

Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d và e khoản 1 Điều 2 của Luật này đã đóng bảo hiểm xã hội đủ hai mươi năm trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại Điều 50 của Luật này khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Nam đủ năm mươi tuổi, nữ đủ bốn mươi lăm tuổi trở lên;

2. Có đủ mười lăm năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành.

Điều 52. Mức lương hưu hằng tháng

1. Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 50 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 58, Điều 59 hoặc Điều 60 của Luật này tương ứng với mười lăm năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.

2. Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 51 của Luật này được tính như quy định tại khoản 1 Điều này, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 1%.

3. Mức lương hưu hằng tháng thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung.

Điều 53. Điều chỉnh lương hưu

Lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá sinh hoạt và tăng trưởng kinh tế. Mức điều chỉnh cụ thể do Chính phủ quy định.

Điều 54. Trợ cấp một lần khi nghỉ hưu

1. Người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội trên ba mươi năm đối với nam, trên hai mươi lăm năm đối với nữ, khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.

2. Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội kể từ năm thứ ba mươi mốt trở đi đối với nam và năm thứ hai mươi sáu trở đi đối với nữ. Cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Điều 55. Bảo hiểm xã hội một lần đối với người không đủ điều kiện hưởng lương hưu

1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c và e khoản 1 Điều 2 của Luật này được hưởng bảo hiểm xã hội một lần khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại khoản 1 Điều 50 của Luật này mà chưa đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội;

b) Suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên mà chưa đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội;

c) Sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần mà chưa đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội;

d) Ra nước ngoài để định cư.

2. Người lao động quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 2 của Luật này được hưởng bảo hiểm xã hội một lần khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.

Điều 56. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần

Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Điều 57. Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội

Người lao động khi nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 50 và Điều 51 hoặc chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 của Luật này thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội.

Điều 58. Mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 01 năm 1995

1. Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của năm năm cuối trước khi nghỉ hưu.

2. Người lao động có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.

3. Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội chung của các thời gian; trong đó thời gian đóng theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 59. Mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 đến trước ngày Luật bảo hiểm xã hội có hiệu lực

1. Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương tháng của số năm đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ hưu như sau:

a) Tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 đến ngày 31 tháng 12 năm 2000 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của sáu năm cuối trước khi nghỉ hưu;

b) Tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2001 đến ngày 31 tháng 12 năm 2006 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của tám năm cuối trước khi nghỉ hưu.

2. Người lao động có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.

3. Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội chung của các thời gian; trong đó thời gian đóng theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 60. Mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật bảo hiểm xã hội có hiệu lực

1. Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của mười năm cuối trước khi nghỉ hưu.

2. Người lao động có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.

3. Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội chung của các thời gian; trong đó thời gian đóng theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 61. Điều chỉnh tiền lương, tiền công đã đóng bảo hiểm xã hội

1. Tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội để làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động quy định tại khoản 1 Điều 94 của Luật này được điều chỉnh theo mức lương tối thiểu chung tại thời điểm hưởng chế độ hưu trí.

2. Tiền lương, tiền công đã đóng bảo hiểm xã hội để làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động quy định tại khoản 2 Điều 94 của Luật này được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá sinh hoạt của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.

Điều 62. Tạm dừng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng

Người lao động đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng bị tạm dừng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Chấp hành hình phạt tù nhưng không được hưởng án treo;

2. Xuất cảnh trái phép;

3. Bị Toà án tuyên bố là mất tích.

Mục 5

CHẾ ĐỘ TỬ TUẤT

Điều 63. Trợ cấp mai táng

1. Các đối tượng sau đây khi chết thì người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng:

a) Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật này đang đóng bảo hiểm xã hội;

b) Người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội;

c) Người đang hưởng lương hưu; hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng đã nghỉ việc.

2. Trợ cấp mai táng bằng mười tháng lương tối thiểu chung.

3. Trường hợp đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 64. Các trường hợp hưởng trợ cấp tuất hằng tháng

1. Các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 63 của Luật này thuộc một trong các trường hợp sau đây khi chết thì thân nhân được hưởng tiền tuất hằng tháng:

a) Đã đóng bảo hiểm xã hội đủ mười lăm năm trở lên nhưng chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần;

b) Đang hưởng lương hưu;

c) Chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

d) Đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng với mức suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

2. Thân nhân của các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng, bao gồm:

a) Con chưa đủ mười lăm tuổi; con chưa đủ mười tám tuổi nếu còn đi học; con từ đủ mười lăm tuổi trở lên nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

b) Vợ từ đủ năm mươi lăm tuổi trở lên hoặc chồng từ đủ sáu mươi tuổi trở lên; vợ dưới năm mươi lăm tuổi, chồng dưới sáu mươi tuổi nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

c) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha vợ hoặc cha chồng, mẹ vợ hoặc mẹ chồng, người khác mà đối tượng này có trách nhiệm nuôi dưỡng nếu từ đủ sáu mươi tuổi trở lên đối với nam, từ đủ năm mươi lăm tuổi trở lên đối với nữ;

d) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha vợ hoặc cha chồng, mẹ vợ hoặc mẹ chồng, người khác mà đối tượng này có trách nhiệm nuôi dưỡng nếu dưới sáu mươi tuổi đối với nam, dưới năm mươi lăm tuổi đối với nữ và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

Thân nhân quy định tại các điểm b, c và d khoản này phải không có thu nhập hoặc có thu nhập hằng tháng nhưng thấp hơn mức lương tối thiểu chung.

Điều 65. Mức trợ cấp tuất hằng tháng

1. Mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương tối thiểu chung; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương tối thiểu chung.

2. Trường hợp có một người chết thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 64 của Luật này thì số thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng không quá bốn người; trường hợp có từ hai người chết trở lên thì thân nhân của những người này được hưởng hai lần mức trợ cấp quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Thời điểm hưởng trợ cấp tuất hằng tháng được thực hiện kể từ tháng liền kề sau tháng mà người lao động, người hưởng lương hưu, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chết.

Điều 66. Các trường hợp hưởng trợ cấp tuất một lần

Các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 63 của Luật này thuộc một trong các trường hợp sau đây khi chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần:

1. Người chết không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 64 của Luật này;

2. Người chết thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 64 nhưng không có thân nhân hưởng tiền tuất hằng tháng quy định tại khoản 2 Điều 64 của Luật này.

Điều 67. Mức trợ cấp tuất một lần

1. Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người lao động đang làm việc hoặc người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội; mức thấp nhất bằng ba tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng.

2. Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người đang hưởng lương hưu chết được tính theo thời gian đã hưởng lương hưu, nếu chết trong hai tháng đầu hưởng lương hưu thì tính bằng bốn mươi tám tháng lương hưu đang hưởng; nếu chết vào những tháng sau đó, cứ hưởng thêm một tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng lương hưu, mức thấp nhất bằng ba tháng lương hưu đang hưởng.

Điều 68. Tính hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất đối với người có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện sau đó đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

1. Người lao động đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện sau đó đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được cộng với thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để làm cơ sở tính hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất.

2. Cách tính mức bình quân tiền lương, tiền công tháng hoặc mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động quy định tại khoản 1 Điều này do Chính phủ quy định.

Chương IV

BẢO HIỂM XÃ HỘI TỰ NGUYỆN

Mục 1

CHẾ ĐỘ HƯU TRÍ

Điều 69. Đối tượng áp dụng chế độ hưu trí

Bảo hiểm xã hội tự nguyện áp dụng đối với người lao động quy định tại khoản 5 Điều 2 của Luật này.

Điều 70. Điều kiện hưởng lương hưu

1. Người lao động hưởng lương hưu khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Nam đủ sáu mươi tuổi, nữ đủ năm mươi lăm tuổi;

b) Đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.

2. Trường hợp nam đủ sáu mươi tuổi, nữ đủ năm mươi lăm tuổi nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá năm năm so với thời gian quy định tại điểm b khoản 1 Điều này thì được đóng tiếp cho đến khi đủ hai mươi năm.

Điều 71. Mức lương hưu hằng tháng

1. Mức lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 76 của Luật này tương ứng với mười lăm năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.

2. Việc điều chỉnh lương hưu được thực hiện như quy định tại Điều 53 của Luật này

Điều 72. Trợ cấp một lần khi nghỉ hưu

1. Người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội trên ba mươi năm đối với nam, trên hai mươi lăm năm đối với nữ, khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.

2. Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội kể từ năm thứ ba mươi mốt trở đi đối với nam và năm thứ hai mươi sáu trở đi đối với nữ. Cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Điều 73. Bảo hiểm xã hội một lần đối với người không đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng

Người lao động được hưởng bảo hiểm xã hội một lần khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Nam đủ sáu mươi tuổi, nữ đủ năm mươi lăm tuổi mà chưa đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 70 của Luật này;

2. Không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần mà chưa đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội;

3. Ra nước ngoài để định cư.

Điều 74. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần

Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Điều 75. Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội

Người lao động dừng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 70 hoặc chưa nhận bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại Điều 73 và Điều 74 của Luật này thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội.

Điều 76. Mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội

1. Mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội được tính bằng bình quân các mức thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.

2. Thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội để làm căn cứ tính mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá sinh hoạt của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.

Mục 2

CHẾ ĐỘ TỬ TUẤT

Điều 77. Trợ cấp mai táng

1. Các đối tượng sau đây khi chết thì người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng:

a) Người lao động đã có ít nhất năm năm đóng bảo hiểm xã hội;

b) Người đang hưởng lương hưu.

2. Trợ cấp mai táng bằng mười tháng lương tối thiểu chung.

3. Trường hợp đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 78. Trợ cấp tuất

1. Người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội, người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người đang hưởng lương hưu khi chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần.

2. Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người lao động đang đóng hoặc người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.

3. Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người đang hưởng lương hưu chết được tính theo thời gian đã hưởng lương hưu, nếu chết trong hai tháng đầu hưởng lương hưu thì tính bằng bốn mươi tám tháng lương hưu đang hưởng; nếu chết vào những tháng sau đó, cứ hưởng thêm một tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng lương hưu.

Điều 79. Tính hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất đối với người có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc sau đó đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện

1. Người lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc sau đó đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được cộng với thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để làm cơ sở tính hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất.

2. Cách tính mức bình quân tiền lương, tiền công tháng hoặc mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động quy định tại khoản 1 Điều này do Chính phủ quy định.

Chương V

BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP

Điều 80. Đối tượng áp dụng bảo hiểm thất nghiệp

Bảo hiểm thất nghiệp áp dụng bắt buộc đối người lao động quy định tại khoản 3 và người sử dụng lao động quy định tại khoản 4 Điều 2 của Luật này.

Điều 81. Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Người thất nghiệp được hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ mười hai tháng trở lên trong thời gian hai mươi bốn tháng trước khi thất nghiệp;

2. Đã đăng ký thất nghiệp với tổ chức bảo hiểm xã hội;

3. Chưa tìm được việc làm sau mười lăm ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 82. Trợ cấp thất nghiệp

1. Mức trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của sáu tháng liền kề trước khi thất nghiệp.

2. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định như sau:

a) Ba tháng, nếu có từ đủ mười hai tháng đến dưới ba mươi sáu tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp;

b) Sáu tháng, nếu có từ đủ ba mươi sáu tháng đến dưới bảy mươi hai tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp;

c) Chín tháng, nếu có từ đủ bảy mươi hai tháng đến dưới một trăm bốn mươi bốn tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp;

d) Mười hai tháng, nếu có từ đủ một trăm bốn mươi bốn tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp trở lên.

Điều 83. Hỗ trợ học nghề

Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ học nghề với thời gian không quá sáu tháng. Mức hỗ trợ bằng mức chi phí học nghề ngắn hạn theo quy định của pháp luật về dạy nghề.

Điều 84. Hỗ trợ tìm việc làm

Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí.

Điều 85. Bảo hiểm y tế

1. Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hưởng chế độ bảo hiểm y tế.

2. Tổ chức bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Điều 86. Tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp

Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Không thực hiện quy định tại điểm b khoản 2 Điều 16 của Luật này;

2. Bị tạm giam.

Điều 87. Chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp

1. Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp trong các trường hợp sau đây:

a) Hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp;

b) Có việc làm;

c) Thực hiện nghĩa vụ quân sự;

d) Hưởng lương hưu;

đ) Sau hai lần từ chối nhận việc làm do tổ chức bảo hiểm xã hội giới thiệu mà không có lý do chính đáng;

e) Không thực hiện quy định tại điểm b khoản 2 Điều 16 của Luật này trong ba tháng liên tục;

g) Ra nước ngoài để định cư;

h) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh hoặc chấp hành hình phạt tù nhưng không được hưởng án treo;

i) Bị chết.

2. Các trường hợp chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này sẽ được hưởng khoản trợ cấp một lần bằng giá trị còn lại của trợ cấp thất nghiệp quy định tại Điều 82 của Luật này.

3. Sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp quy định tại khoản 1 Điều này thì thời gian đóng bảohiểm thất nghiệp trước đó không được tính để hưởng trợ cấp thất nghiệp lần sau.

Chương VI

QUỸ BẢO HIỂM XÃ HỘI

Mục 1

QUỸ BẢO HIỂM XÃ HỘI BẮT BUỘC

Điều 88. Nguồn hình thành quỹ

1. Người sử dụng lao động đóng theo quy định tại Điều 92 của Luật này.

2. Người lao động đóng theo quy định tại Điều 91 của Luật này.

3. Tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ.

4. Hỗ trợ của Nhà nước.

5. Các nguồn thu hợp pháp khác.

Điều 89. Các quỹ thành phần

1. Quỹ ốm đau và thai sản.

2. Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

3. Quỹ hưu trí và tử tuất.

Điều 90. Sử dụng quỹ

1. Trả các chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định tại Chương III của Luật này.

2. Đóng bảo hiểm y tế cho người đang hưởng lương hưu hoặc nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng.

3. Chi phí quản lý.

4. Chi khen thưởng theo quy định tại khoản 2 Điều 133 của Luật này.

5. Đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng quỹ theo quy định tại Điều 96 và Điều 97 của Luật này.

Điều 91. Mức đóng và phương thức đóng của người lao động

1. Hằng tháng, người lao động quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 2 của Luật này đóng bằng 5% mức tiền lương, tiền công vào quỹ hưu trí và tử tuất; từ năm 2010 trở đi, cứ hai năm một lần đóng thêm 1% cho đến khi đạt mức đóng là 8%.

2. Người lao động hưởng tiền lương, tiền công theo chu kỳ sản xuất, kinh doanh trong các doanh nghiệp nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp thì mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng theo quy định tại khoản 1 Điều này; phương thức đóng được thực hiện hằng tháng, hằng quý hoặc sáu tháng một lần.

3. Mức đóng và phương thức đóng của người lao động quy định tại điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này do Chính phủ quy định.

Điều 92. Mức đóng và phương thức đóng của người sử dụng lao động

1. Hằng tháng, người sử dụng lao động đóng trên quỹ tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội của người lao động quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 2 của Luật này như sau:

a) 3% vào quỹ ốm đau và thai sản; trong đó người sử dụng lao động giữ lại 2% để trả kịp thời cho người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ quy định tại Mục 1 và Mục 2 Chương III của Luật này và thực hiện quyết toán hằng quý với tổ chức bảo hiểm xã hội;

b) 1% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

c) 11% vào quỹ hưu trí và tử tuất; từ năm 2010 trở đi, cứ hai năm một lần đóng thêm 1% cho đến khi đạt mức đóng là 14%.

2. Hằng tháng, người sử dụng lao động đóng trên mức lương tối thiểu chung đối với mỗi người lao động quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 2 của Luật này như sau:

a) 1% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

b) 16% vào quỹ hưu trí và tử tuất; từ năm 2010 trở đi, cứ hai năm một lần đóng thêm 2% cho đến khi đạt mức đóng là 22%.

3. Người sử dụng lao động thuộc các doanh nghiệp nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả lương theo chu kỳ sản xuất, kinh doanh thì mức đóng hằng tháng theo quy định tại khoản 1 Điều này; phương thức đóng được thực hiện hằng tháng, hằng quý hoặc sáu tháng một lần.

Điều 93. Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất

1. Trong trường hợp người sử dụng lao động gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh hoặc gặp khó khăn do thiên tai, mất mùa dẫn đến việc người lao động và người sử dụng lao động không có khả năng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất thì được tạm dừng đóng trong thời gian không quá mười hai tháng.

2. Chính phủ quy định cụ thể điều kiện, khoảng thời gian tạm dừng đóng và thẩm quyền quyết định việc tạm dừng đóng.

Điều 94. Tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

1. Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có). Tiền lương này được tính trên cơ sở mức lương tối thiểu chung.

2. Đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động.

3. Trường hợp mức tiền lương, tiền công quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này cao hơn hai mươi tháng lương tối thiểu chung thì mức tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội bằng hai mươi tháng lương tối thiểu chung.

Điều 95. Chi phí quản lý

1. Chi phí quản lý bảo hiểm xã hội bắt buộc hằng năm được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ.

2. Chi phí quản lý bảo hiểm xã hội bắt buộc bằng mức chi phí quản lý của cơ quan hành chính nhà nước.

Điều 96. Nguyên tắc đầu tư

Hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội phải bảo đảm an toàn, hiệu quả và thu hồi được khi cần thiết.

Điều 97. Các hình thức đầu tư

1. Mua trái phiếu, tín phiếu, công trái của Nhà nước, của ngân hàng thương mại của Nhà nước.

2. Cho ngân hàng thương mại của Nhà nước vay.

3. Đầu tư vào các công trình kinh tế trọng điểm quốc gia.

4. Các hình thức đầu tư khác do Chính phủ quy định.

Mục 2

QUỸ BẢO HIỂM XÃ HỘI TỰ NGUYỆN

Điều 98. Nguồn hình thành quỹ

1. Người lao động đóng theo quy định tại Điều 100 của Luật này.

2. Tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ.

3. Hỗ trợ của Nhà nước.

4. Các nguồn thu hợp pháp khác.

Điều 99. Sử dụng quỹ

1. Trả các chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định tại Chương IV của Luật này.

2. Đóng bảo hiểm y tế cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đang hưởng lương hưu.

3. Chi phí quản lý.

4. Đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng quỹ theo quy định tại Điều 96 và Điều 97 của Luật này.

Điều 100. Mức đóng và phương thức đóng của người lao động

1. Mức đóng hằng tháng bằng 16% mức thu nhập người lao động lựa chọn đóng bảo hiểm xã hội; từ năm 2010 trở đi, cứ hai năm một lần đóng thêm 2% cho đến khi đạt mức đóng là 22%.

Mức thu nhập làm cơ sở để tính đóng bảo hiểm xã hội được thay đổi tuỳ theo khả năng của người lao động ở từng thời kỳ, nhưng thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung và cao nhất bằng hai mươi tháng lương tối thiểu chung.

2. Người lao động được chọn một trong các phương thức đóng sau đây:

a) Hằng tháng;

b) Hằng quý;

c) Sáu tháng một lần.

Điều 101. Chi phí quản lý

1. Chi phí quản lý bảo hiểm xã hội tự nguyện hằng năm được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ.

2. Chi phí quản lý bảo hiểm xã hội tự nguyện bằng mức chi phí quản lý của cơ quan hành chính nhà nước.

Mục 3

QUỸ BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP

Điều 102. Nguồn hình thành quỹ

1. Người lao động đóng bằng 1% tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp.

2. Người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

3. Hằng tháng, Nhà nước hỗ trợ từ ngân sách bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp và mỗi năm chuyển một lần.

4. Tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ.

5. Các nguồn thu hợp pháp khác.

Điều 103. Sử dụng quỹ

1. Trả trợ cấp thất nghiệp.

2. Hỗ trợ học nghề.

3. Hỗ trợ tìm việc làm.

4. Đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng trợ cấp thất nghiệp.

5. Chi phí quản lý.

6. Đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng quỹ theo quy định tại Điều 96 và Điều 97 của Luật này.

Điều 104. Chi phí quản lý

Chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp bằng mức chi phí quản lý của cơ quan hành chính nhà nước.

Điều 105. Tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp

Tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp được tính như quy định tại Điều 94 của Luật này.

Chương VII

TỔ CHỨC BẢO HIỂM XÃ HỘI

Điều 106. Tổ chức bảo hiểm xã hội

1. Tổ chức bảo hiểm xã hội là tổ chức sự nghiệp, có chức năng thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng các quỹ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này.

2. Cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ của tổ chức bảo hiểm xã hội do Chính phủ quy định.

Điều 107. Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội

1. Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội do Chính phủ thành lập, có trách nhiệm chỉ đạo và giám sát hoạt động của tổ chức bảo hiểm xã hội.

2. Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội gồm đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, Liên minh hợp tác xã Việt Nam, tổ chức bảo hiểm xã hội và một số thành viên khác do Chính phủ quy định.

3. Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội có Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các ủy viên do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.

4. Quy chế làm việc của Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội do Chính phủ quy định.

Điều 108. Nhiệm vụ của Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội

1. Thẩm định kế hoạch hoạt động hằng năm, giám sát, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch của tổ chức bảo hiểm xã hội.

2. Quyết định hình thức đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội theo đề nghị của tổ chức bảo hiểm xã hội.

3. Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, chiến lược phát triển của ngành, kiện toàn hệ thống tổ chức của tổ chức bảo hiểm xã hội, cơ chế quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội.

4. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh lãnh đạo của tổ chức bảo hiểm xã hội.

Chương VIII

THỦ TỤC THỰC HIỆN BẢO HIỂM XÃ HỘI

Điều 109. Sổ bảo hiểm xã hội

1. Sổ bảo hiểm xã hội được cấp đối với từng người lao động để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội và là cơ sở để giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này. Mẫu Sổ bảo hiểm xã hội do tổ chức bảo hiểm xã hội quy định.

2. Sổ bảo hiểm xã hội sẽ được dần thay thế bằng thẻ bảo hiểm xã hội điện tử trong quá trình áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý bảo hiểm xã hội. Chính phủ quy định thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội khi sử dụng thẻ bảo hiểm xã hội điện tử.

Điều 110. Hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội

1. Hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:

a) Tờ khai cá nhân của người lao động theo mẫu do tổ chức bảo hiểm xã hội quy định;

b) Danh sách người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc do người sử dụng lao động lập;

c) Bản sao quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép hoạt động đối với người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội lần đầu; hợp đồng lao động đối với người sử dụng lao động là cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động.

2. Hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là Tờ khai cá nhân theo mẫu do tổ chức bảo hiểm xã hội quy định.

3. Hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm:

a) Tờ khai cá nhân theo mẫu do tổ chức bảo hiểm xã hội quy định;

b) Danh sách người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp do người sử dụng lao động lập.

Điều 111. Cấp Sổ bảo hiểm xã hội

1. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tuyển dụng, người sử dụng lao động nộp hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội cho tổ chức bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 110 của Luật này.

2. Người lao động nộp hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội cho tổ chức bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 2 Điều 110 của Luật này.

3. Tổ chức bảo hiểm xã hội có trách nhiệm cấp sổ bảo hiểm xã hội trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm thất nghiệp; hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; trường hợp không cấp thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 112. Hồ sơ hưởng chế độ ốm đau

1. Sổ bảo hiểm xã hội.

2. Giấy xác nhận nghỉ ốm đối với người lao động điều trị ngoại trú, giấy ra viện đối với người lao động điều trị nội trú tại cơ sở y tế, giấy ra viện hoặc phiếu hội chẩn của bệnh viện đối với người lao động mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày.

3. Xác nhận của người sử dụng lao động về điều kiện làm việc đối với người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc thường xuyên ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên.

4. Giấy xác nhận của người sử dụng lao động về thời gian nghỉ việc để chăm sóc con ốm đau, kèm theo giấy khám bệnh của con đối với người lao động nghỉ việc để chăm sóc con ốm đau.

5. Danh sách người nghỉ ốm và người nghỉ việc để chăm sóc con ốm đau do người sử dụng lao động lập.

Điều 113. Hồ sơ hưởng chế độ thai sản

1. Sổ bảo hiểm xã hội.

2. Bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh của con hoặc giấy chứng tử trong trường hợp sau khi sinh con mà con chết hoặc mẹ chết.

Trường hợp lao động nữ đi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu, người lao động thực hiện các biện pháp tránh thai phải có giấy xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền; nhận nuôi con nuôi dưới bốn tháng tuổi phải có chứng nhận theo quy định của pháp luật.

3. Xác nhận của người sử dụng lao động về điều kiện làm việc đối với người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc theo chế độ ba ca; làm việc thường xuyên ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên hoặc xác nhận của người sử dụng lao động đối với lao động nữ là người tàn tật.

4. Danh sách người hưởng chế độ thai sản do người sử dụng lao động lập.

Điều 114. Hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động

1. Sổ bảo hiểm xã hội.

2. Biên bản điều tra tai nạn lao động, trường hợp bị tai nạn giao thông được xác định là tai nạn lao động thì phải có thêm bản sao Biên bản tai nạn giao thông.

3. Giấy ra viện sau khi đã điều trị tai nạn lao động.

4. Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định y khoa.

5. Văn bản đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động.

Điều 115. Hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp

1. Sổ bảo hiểm xã hội.

2. Biên bản đo đạc môi trường có yếu tố độc hại, trường hợp biên bản xác định cho nhiều người thì hồ sơ của mỗi người lao động có bản trích sao.

3. Giấy ra viện sau khi điều trị bệnh nghề nghiệp, trường hợp không điều trị tại bệnh viện thì phải có giấy khám bệnh nghề nghiệp.

4. Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định y khoa.

5. Văn bản đề nghị giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp.

Điều 116. Hồ sơ hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ

1. Danh sách người đã hưởng chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà sức khoẻ còn yếu do người sử dụng lao động lập.

2. Văn bản đề nghị giải quyết trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ.

Điều 117. Giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau ốm đau, thai sản

1. Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ có liên quan từ người lao động quy định tại Điều 112 và Điều 113 của Luật này, người sử dụng lao động có trách nhiệm giải quyết chế độ ốm đau, thai sản cho người lao động.

2. Hằng quý, người sử dụng lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ của những người lao động đã được giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ cho tổ chức bảo hiểm xã hội theo quy định tại các điều 112, 113 và 116 của Luật này.

3. Tổ chức bảo hiểm xã hội có trách nhiệm quyết toán trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; trường hợp không quyết toán thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 118. Giải quyết hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau khi điều trị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

1. Người sử dụng lao động nộp hồ sơ cho tổ chức bảo hiểm xã hội theo quy định tại các điều 114, 115 và 116 của Luật này.

2. Tổ chức bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 119. Hồ sơ hưởng lương hưu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

1. Sổ bảo hiểm xã hội.

2. Quyết định nghỉ việc đối với người đang đóng bảo hiểm xã hội; đơn đề nghị hưởng lương hưu đối với người bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội.

3. Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định y khoa đối với người nghỉ hưu theo quy định tại Điều 51 của Luật này.

Điều 120. Hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

1. Sổ bảo hiểm xã hội.

2. Quyết định nghỉ việc trong trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 55; quyết định phục viên, xuất ngũ, thôi việc trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 55 của Luật này.

3. Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định y khoa trong trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 55 của Luật này.

4. Bản sao giấy tờ định cư ở nước ngoài trong trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 55 của Luật này.

5. Đơn đề nghị của người lao động trong trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 55 của Luật này.

Điều 121. Hồ sơ hưởng chế độ tử tuất đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

1. Hồ sơ hưởng chế độ tử tuất đối với người đang đóng bảo hiểm xã hội và người bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội bao gồm:

a) Sổ bảo hiểm xã hội;

b) Giấy chứng tử, giấy báo tử hoặc quyết định của Toà án tuyên bố là đã chết;

c) Tờ khai của thân nhân theo mẫu do tổ chức bảo hiểm xã hội quy định;

d) Biên bản điều tra tai nạn lao động, bệnh án điều trị bệnh nghề nghiệp trong trường hợp chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

2. Hồ sơ hưởng chế độ tử tuất của người đang hưởng lương hưu, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng với mức suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên bao gồm:

a) Giấy chứng tử, giấy báo tử hoặc quyết định của Toà án tuyên bố là đã chết;

b) Tờ khai của thân nhân theo mẫu do tổ chức bảo hiểm xã hội quy định.

Điều 122. Giải quyết hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội một lần, chế độ tử tuất đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

1. Người sử dụng lao động nộp hồ sơ cho tổ chức bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 119, Điều 120 và khoản 1 Điều 121 của Luật này.

2. Người lao động không còn quan hệ lao động thì trực tiếp nộp hồ sơ cho tổ chức bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 119 và Điều 120 của Luật này.

3. Thân nhân của người đang hưởng lương hưu, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng với mức suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên nộp hồ sơ cho tổ chức bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 2 Điều 121 của Luật này.

4. Tổ chức bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ đối với người hưởng lương hưu; mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ đối với trường hợp hưởng bảo hiểm xã hội một lần, chế độ tử tuất; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 123. Hồ sơ hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội một lần, chế độ tử tuất đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

1. Hồ sơ hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội một lần bao gồm:

a) Sổ bảo hiểm xã hội;

b) Tờ khai cá nhân theo mẫu do tổ chức bảo hiểm xã hội quy định.

2. Hồ sơ hưởng chế độ tử tuất bao gồm:

a) Sổ bảo hiểm xã hội đối với người đang đóng bảo hiểm xã hội;

b) Giấy chứng tử, giấy báo tử hoặc quyết định của Toà án tuyên bố là đã chết;

c) Tờ khai của thân nhân theo mẫu do tổ chức bảo hiểm xã hội quy định.

Điều 124. Giải quyết hưởng chế độ hưu trí, chế độ tử tuất đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

1. Người lao động nộp hồ sơ cho tổ chức bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều 123, thân nhân của người đang hưởng lương hưu nộp hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều 123 của Luật này.

2. Tổ chức bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ đối với người hưởng lương hưu; mười ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ đối với trường hợp hưởng bảo hiểm xã hội một lần, chế độ tử tuất; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 125. Hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp

1. Đơn đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo mẫu do tổ chức bảo hiểm xã hội quy định.

2. Bản sao hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hết hạn hoặc thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc xác nhận của đơn vị cuối cùng trước khi thất nghiệp về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc đúng pháp luật.

Điều 126. Giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp

1. Người lao động nộp hồ sơ cho tổ chức bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 125 của Luật này.

2. Tổ chức bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 127. Hồ sơ hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối với người chấp hành xong hình phạt tù

1. Đối với người chưa hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, hồ sơ bao gồm:

a) Sổ bảo hiểm xã hội;

b) Bản sao giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù;

c) Đơn đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội.

2. Đối với người đã hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội thì hồ sơ bao gồm:

a) Bản sao giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù;

b) Đơn đề nghị hưởng tiếp bảo hiểm xã hội.

Điều 128. Giải quyết hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội một lần đối với người chấp hành xong hình phạt tù

1. Người lao động nộp hồ sơ cho tổ chức bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 127 của Luật này.

2. Tổ chức bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 129. Di chuyển nơi hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội

Khi người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng chuyển đến nơi ở khác trong nước mà muốn được hưởng bảo hiểm xã hội ở nơi mới thì phải có đơn gửi tổ chức bảo hiểm xã hội nơi đang hưởng.

Tổ chức bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày nhận được đơn; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Chương IX

KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VỀ BẢO HIỂM XÃ HỘI

Điều 130. Khiếu nại về bảo hiểm xã hội

1. Người lao động, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, người đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội và những người khác có quyền khiếu nại quyết định, hành vi của người sử dụng lao động, tổ chức bảo hiểm xã hội khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Người sử dụng lao động có quyền khiếu nại quyết định, hành vi của tổ chức bảo hiểm xã hội khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Điều 131. Thẩm quyền, trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại

1. Việc giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính về bảo hiểm xã hội được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

2. Việc giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi về bảo hiểm xã hội không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện như sau:

a) Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu về bảo hiểm xã hội là người có quyết định, hành vi về bảo hiểm xã hội bị khiếu nại.

Trong trường hợp người có quyết định, hành vi về bảo hiểm xã hội bị khiếu nại không còn tồn tại thì cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện có thẩm quyền giải quyết;

b) Trong trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Toà án hoặc khiếu nại đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh;

c) Trong trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Toà án;

d) Thời hiệu khiếu nại, thời hạn giải quyết khiếu nại được áp dụng theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Điều 132. Tố cáo, giải quyết tố cáo về bảo hiểm xã hội

Việc tố cáo và giải quyết tố cáo vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Chương X

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 133. Khen thưởng

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện Luật này hoặc phát hiện vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

2. Người sử dụng lao động thực hiện tốt công tác bảo hộ lao động, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được khen thưởng từ quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ.

Điều 134. Các hành vi vi phạm pháp luật về đóng bảo hiểm xã hội

1. Không đóng.

2. Đóng không đúng thời gian quy định.

3. Đóng không đúng mức quy định.

4. Đóng không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội.

Điều 135. Các hành vi vi phạm pháp luật về thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội

1. Cố tình gây khó khăn hoặc cản trở việc hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động.

2. Không cấp sổ bảo hiểm xã hội hoặc không trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định của Luật này.

Điều 136. Các hành vi vi phạm pháp luật về sử dụng tiền đóng và quỹ bảo hiểm xã hội

1. Sử dụng tiền đóng và quỹ bảo hiểm xã hội trái quy định của pháp luật.

2. Báo cáo sai sự thật, cung cấp sai lệch thông tin, số liệu tiền đóng và quỹ bảo hiểm xã hội.

Điều 137. Các hành vi vi phạm pháp luật về lập hồ sơ để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội

1. Gian lận, giả mạo hồ sơ.

2. Cấp giấy chứng nhận, giám định sai.

Điều 138. Xử lý vi phạm

1. Cơ quan, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật quy định tại các điều 134, 135, 136 và 137 của Luật này, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật quy định tại các điều 134, 135, 136 và 137 của Luật này, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

3. Người sử dụng lao động có hành vi vi phạm pháp luật quy định tại Điều 134 của Luật này từ ba mươi ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải đóng số tiền lãi của số tiền chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội trong năm.

Trong trường hợp người sử dụng lao động không thực hiện quy định tại khoản này thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này.

Chương XI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 139. Quy định chuyển tiếp

1. Các quy định của Luật này được áp dụng đối với người đã tham gia bảo hiểm xã hội từ trước ngày Luật này có hiệu lực.

2. Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tiền tuất hằng tháng và người bị đình chỉ hưởng bảo hiểm xã hội do vi phạm pháp luật trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn thực hiện theo các quy định trước đây và được điều chỉnh mức hưởng theo quy định của pháp luật.

3. Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng trước ngày Luật này có hiệu lực thì khi chết được áp dụng chế độ tử tuất quy định tại Luật này.

4. Người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 nếu chưa nhận trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, trợ cấp xuất ngũ, phục viên thì thời gian đó được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.

5. Hằng năm, Nhà nước chuyển từ ngân sách một khoản kinh phí vào quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc để bảo đảm trả đủ lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 01 năm 1995; đóng bảo hiểm xã hội cho thời gian làm việc trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 đối với người quy định tại khoản 4 Điều này.

6. Thời gian người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Luật này không được tính để hưởng trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật về lao động, pháp luật về cán bộ, công chức.

Điều 140. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2007; riêng đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện thì từ ngày 01 tháng 01 năm 2008, đối với bảo hiểm thất nghiệp thì từ ngày 01 tháng 01 năm 2009.

2. Những quy định trước đây trái với Luật này đều bị bãi bỏ.

Điều 141. Hướng dẫn thi hành

Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29 tháng 6 năm 2006.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Nguyễn Phú Trọng

THE NATIONAL ASSEMBLY
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom - Happiness
----------

No: 71/2006/QH11

Hanoi, June 29, 2006

 

LAW

ON SOCIAL INSURANCE

Pursuant to the 1992 Constitution of the Socialist Republic of Vietnam, which was amended and supplemented under Resolution No. 51/2001/QH10 of December 25, 2001, of the Xth National Assembly, the 10th session;
This Law provides for social insurance.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1.- Regulation scope

1. This Law provides for social insurance regimes and policies; the rights and responsibilities of insured laborers, agencies, organizations and individuals; social insurance organizations; social insurance funds; procedures for implementation of social insurance and state management of social insurance.

2. This Law does not apply to health insurance, deposit insurance and types of business insurance.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Laborers entitled to participate in compulsory social insurance are Vietnamese citizens, including:

a/ Persons working under contracts of indefinite term or contracts of a term of full three months or longer;

b/ Cadres, officials, public servants;

c/ Defense workers, police workers;

d/ Officers and professional personnel of the people's army; professional officers and non-commissioned officers, technical officers and non-commissioned officers of the people's police; persons engaged in cipher work and enjoying salaries like armymen or policemen;

e/ Non-commissioned officers and soldiers of the people's army and non-commissioned officers and combatants of the people's police on term services;

f/ Persons working overseas for a definite term who previously paid compulsory social insurance premiums.

2. Employers entitled to participate in compulsory social insurance include state agencies, non-business units, people's armed force units; political organizations, socio-political organizations, socio-professional-political organizations, socio-professional organizations, other social organizations; foreign agencies and organizations, international organizations operating in the Vietnamese territory; enterprises, cooperatives, individual business households, cooperative groups, other organizations and individuals hiring, employing and paying wages to laborers.

3. Laborers entitled to participate in unemployment insurance include Vietnamese citizens working under labor contracts or working contracts of indefinite term or a term of between full twelve months and thirty six months for employers specified in Clause 4 of this Article.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. Persons entitled to participate in voluntary social insurance are working-age Vietnamese citizens who are not specified in Clause 1 of this Article.

6. Agencies, organizations and individuals related to social insurance.

Laborers participating in compulsory social insurance, laborers participating in unemployment insurance and persons participating in voluntary social insurance are hereinafter collectively referred to as laborers.

Article 3.- Interpretation of terms

In this Law, the terms below are construed as follows:

1. Social insurance means the guarantee to fully or partially offset a laborer's income that is lost or reduced due to his/her sickness, maternity, labor accident, occupational disease, unemployment, retirement or death, on the basis of his/her contributions to the social insurance fund.

2. Compulsory social insurance means a form of social insurance in which laborer and employer must participate.

3. Voluntary social insurance means a form of social insurance in which a laborer voluntarily participates, may select premium rates and modes of premium payment suitable to his/her income in order to enjoy social insurance coverage.

4. Unemployed person means a person who had paid unemployment insurance premiums then has lost his/her job or terminated his/her labor or working contract and has not yet found a job.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



6. Common minimum salary means the lowest salary promulgated by the Government in each period.

7. Relative means an insured person's child, wife or husband, natural father, natural mother, father-in-law, mother-in-law or other persons whom the insured person is obliged to nurture.

Article 4.- Social insurance regimes

1. Compulsory social insurance covers the following regimes:

a/ Sickness;

b/ Maternity;

c/ Labor accident, occupational disease;

d/ Retirement;

e/ Survivorship allowance.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Retirement;

b/ Survivorship allowance.

3. Unemployment insurance covers the following regimes:

a/ Unemployment allowance;

b/ Job-learning support;

c/ Job-seeking support.

Article 5.- Social insurance principles

1. The level of social insurance entitlement shall be calculated on the basis of the premium rate, the social insurance payment duration and the sharing among social insurance participants.

2. The payable compulsory social insurance or unemployment insurance premium shall be calculated on the basis of laborers' salary or remuneration. The payable voluntary social insurance premium shall be calculated on the basis of the income level selected by laborers, which, however, must be at least equivalent to the common minimum salary.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. The social insurance fund shall be managed in a uniform, democratic, open and transparent manner, be used for proper purposes and be independently accounted according to the component funds of compulsory social insurance, voluntary social insurance and unemployment insurance.

5. Social insurance shall be implemented in a simple, easy and convenient manner, promptly and adequately ensuring the interests of the insured.

Article 6.- State policies on social insurance

1. The State shall encourage and create conditions for agencies, organizations and individuals to participate in social insurance.

2. The State shall adopt preferential policies of investment in the social insurance fund and other necessary measures to preserve and develop the fund. The social insurance fund shall be protected by the State and shall not become bankrupt.

Retirement pensions, social insurance allowances and profits from activities investment of the social insurance fund are tax-free.

Article 7.- Contents of the state management of social insurance

1. To formulate, and organize the implementation of, social insurance strategies, regimes and policies.

2. To promulgate, and organize the implementation of, legal documents on social insurance.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. To perform statistical and information work on social insurance.

5. To organize the social insurance-implementing apparatus; to train human resources for social insurance work.

6. To inspect and check the observance of the law on social insurance; to settle complaints and denunciations about, and handle violations of the law on, social insurance.

7. To promote international cooperation on social insurance.

Article 8.- State management agencies in charge of social insurance

1. The Government shall perform the uniform state management of social insurance.

2. The Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs shall take responsibility before the Government for performing the state management of social insurance.

3. Ministries, ministerial-level agencies shall, within the ambit of their respective tasks and powers, perform the state management of social insurance.

4. People's Committees at all levels shall perform the state management of social insurance within their respective localities under the Government's decentralization.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The State shall encourage investment in development of technologies and advanced technical equipment in order to ensure the application of modern social insurance management methods.

2. The Government shall specify the application of information technology to the social insurance management.

Article 10.- Social insurance inspectorate

1. The labor-war invalid and social affairs inspectorate shall perform the functions of specialized social insurance inspection.

2. The organization, tasks and powers of the specialized social insurance inspectorate shall be as stipulated in the inspection law.

Article 11.- Rights and obligations of trade union organizations

1. Trade union organizations have the following rights:

a/ To protect the legitimate rights and interests of insured laborers;

b/ To request employers, social insurance organizations to supply information on laborers' social insurance;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Trade union organizations have the following responsibilities:

a/ To propagate and disseminate social insurance regimes, policies and law to laborers;

b/ To propose, participate in the elaboration, amendment and supplementation of social insurance regimes, policies and law;

c/ To participate in inspecting and supervising the implementation of the law on social insurance.

Article 12.- Rights and responsibilities of employers' representatives

1. Employers' representatives have the following rights:

a/ To protect the legitimate rights and interests of insured employers;

b/ To propose competent state bodies to handle violations of the law on social insurance.

2. Employers' representatives have the following responsibilities:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ To propose, participate in the elaboration, amendment and/or supplementation of social insurance regimes, policies and law;

c/ To participate in inspecting and supervising the implementation of the law on social insurance.

Article 13.- Reporting and auditing regimes

1. Annually, the Government shall report to the National Assembly on the management and use of the social insurance fund.

2. Once every three years, the state audit shall audit the social insurance fund and report on the results to the National Assembly. In case of necessity, at the request of the National Assembly, the National Assembly Standing Committee or the Government, the social insurance fund shall be audited unexpectedly.

Article 14.- Prohibited acts

1. Not paying social insurance premiums according to the provisions of this Law.

2. Falsifying and forging dossiers in the implementation of social insurance.

3. Using the social insurance fund for improper purposes.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. Making false reports, supplying false information, data on social insurance.

Chapter II

RIGHTS AND RESPONSIBILITIES OF LABORERS, EMPLOYERS, SOCIAL INSURANCE ORGANIZATIONS

Article 15.- Rights of laborers

Laborers have the following rights:

1. To be granted social insurance books;

2. To receive social insurance books when ceasing to work;

3. To receive retirement pensions and social insurance allowances fully and in time;

4. To be covered by health insurance in the following cases:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Being on leave and enjoying monthly labor accident or occupational disease allowance;

c/ Currently enjoying unemployment allowance;

5. To authorize other persons to receive their retirement pension or social insurance allowance.

6. To request employers to supply information specified at Point h, Clause 1, Article 18; to request social insurance organizations to supply information specified in Clause 11, Article 20 of this Law;

7. To lodge complaints or denunciations about social insurance;

8. Other rights provided for by law.

Article 16.- Responsibilities of laborers

1. Laborers have the following responsibilities:

a/ To pay social insurance premiums according to the provisions of this Law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ To preserve social insurance books according to regulations;

d/ Other responsibilities as provided for by law.

2. Apart from the responsibilities specified in Clause 1 of this Article, laborers covered by unemployment insurance also have the following responsibilities:

a/ To register their unemployment with the social insurance organization;

b/ To monthly inform the social insurance organization of the situation of job seeking during the period of enjoying unemployment allowance;

c/ To accept jobs or participate in appropriate job-training courses recommended by the social insurance organization.

Article 17.- Rights of employers

Employers have the following rights:

1. To reject requests contrary to the provisions of law on social insurance;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Other rights as provided for by law.

Article 18.- Responsibilities of employers

1. Employers have the following responsibilities:

a/ To pay social insurance premiums according to the provisions of Article 92 and make monthly deductions from salaries or remuneration of their laborers according to the provisions of Clause 1, Article 91 of this Law for payment at a time into the social insurance fund;

b/ To preserve social insurance books of laborers during their working term;

c/ To return social insurance books to laborers when they cease to work;

d/ To compile dossiers for laborers to be granted social insurance books, pay social insurance premiums and be covered by social insurance;

e/ To pay social insurance allowances to laborers;

f/ To recommend laborers for assessment of their working capacity decrease at the Medical Assessment Council as provided for at Point a, Clause 1, Article 41, Article 51 and Point b, Clause 1, Article 55 of this Law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



h/ To supply information on payment of laborers' social insurance premiums when so requested by laborers or trade union organizations;

i/ Other responsibilities as provided for by law.

2. Apart from complying with the provisions of Clause 1 of this Article, monthly the employers covered by unemployment insurance shall pay unemployment insurance premiums according to the provisions of Clause 2, Article 102 and make deductions from laborers' salaries or remuneration according to the provisions of Clause 1, Article 102 of this Law for payment at a time into the unemployment insurance fund.

Article 19.- Rights of social insurance organizations

Social insurance organizations have the following rights:

1. To organize the management of personnel, finance and property according to provisions of law;

2. To reject claims for social insurance benefits against regulations;

3. To lodge complaints about social insurance;

4. To examine the contribution of social insurance premiums and the payment of social insurance benefits;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



6. To propose competent state bodies to handle violations of the law on social insurance;

7. Other rights as provided for by law.

Article 20.- Responsibilities of social insurance organizations

Social insurance organizations have the following responsibilities:

1. To propagate and disseminate social insurance regimes, policies and law; to guide social insurance implementation procedures for insured laborers and employers;

2. To collect social insurance premiums according to the provisions of this Law;

3. To receive dossiers and settle social insurance regimes; to pay retirement pensions and social insurance allowances in a full, convenient and timely manner;

4. To grant social insurance books to every laborer;

5. To manage and use the social insurance fund according to the provisions of law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



7. To organize statistical and accounting work, to provide professional guidance on social insurance;

8. To recommend laborers for assessment of their working capacity decrease at the Medical Assessment Council as provided for at Point b, Clause 1 and Clause 2, Article 41 of this Law;

9. To apply information technology to social insurance management; to archive the insured's dossiers according to the provisions of law;

10. To biannually report to the Social Insurance Management Board on social insurance implementation. To annually report to the Government and state management bodies on the management and use of the social insurance fund;

11. To adequately and promptly supply information on payment of social insurance premiums, the rights to enjoy social insurance benefits, and social insurance implementation procedures when so requested by laborers or trade union organizations;

12. To supply relevant documents and information at the request of competent state agencies;

13. To settle in time complaints and denunciations about the implementation of social insurance;

14. To establish international cooperation on social insurance;

15. Other responsibilities as provided for by law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



COMPULSORY SOCIAL INSURANCE

Section 1. SICKNESS REGIME

Article 21.- Coverage of the sickness regime

The sickness regime covers laborers specified at Points a, b, c and d, Clause 1, Article 2 of this Law.

Article 22.- Conditions for enjoyment of the sickness regime

1. Taking leave due to sickness or accident, with the certification of a medical establishment.

In case of taking leave due to sickness or accident because of self-infliction, drunkenness, abuse of drug or other addictives, laborers are not entitled to the sickness regime.

2. Taking leave to take care of under-seven children who get sick with the certification of a medical establishment.

Article 23.- Period for enjoying the sickness regime

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ For laborers working under normal conditions, it is thirty days, if they have paid social insurance premiums less than fifteen years; forty days, if they have paid social insurance premiums for between full fifteen years and under thirty years; sixty days, if laborers have paid social insurance premiums for full thirty years or more;

b/ For laborers doing heavy, hazardous or dangerous occupations or jobs on the list promulgated by the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs and the Health Ministry or working regularly in regions with regional allowance coefficient of 0.7 or higher, it is forty days, if they have paid social insurance premiums for less than fifteen year; fifty days, if they have paid social insurance premiums for between full fifteen years and under thirty years; seventy days, if they have paid social insurance premiums for full thirty years or more.

2. Laborers who are infected with a disease on the list of diseases requiring long-term treatment, which is promulgated by the Health Ministry, shall enjoy the sickness regime as follows:

a/ No more than one hundred eighty days in a year, including public holidays, New Year holidays and weekends;

b/ If laborers still need treatment after one hundred eighty days, they shall continue to enjoy the sickness regime at a lower level.

3. The period for enjoying the sickness regime for laborers specified at Point a, clause 1, Article 2 of this Law shall depend on the period of treatment at medical establishments of the people's army or the people's police.

Article 24.- Period for enjoying the regime upon sickness of children

1. The period for enjoying the regime upon sickness of a child in a year shall be calculated according to the number of days taking care of the sick child and be twenty working days at most if the sick child is under three years old, or fifteen working days at most if the sick child is between full three years and under seven years old.

2. When both parents are covered by social insurance, if their child is still sick after either of them has spent the whole period for enjoying the regime, the other parent is entitled to the regime provided for in Clause 1 of this Article.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Laborers entitled to the sickness regime provided for in Clause 1, at Point a of Clause 2 of Article 23, and in Article 24 of this Law enjoy 75% of the salary or remuneration of the month preceding their leave on which social insurance premiums are based.

2. Laborers who continue enjoying the sickness regime provided for at Point b, Clause 2, Article 23 of this Law enjoy the level as follows:

a/ 65% of the salary or remuneration of the month preceding the leave on which social insurance premiums are based, if laborers have paid social insurance premiums for full thirty years or more;

b/ 55% of the salary or remuneration of the month preceding the leave on which social insurance premiums are based, if laborers have paid social insurance premiums for between full fifteen years and under thirty years;

c/ 45% of the salary or remuneration of the month preceding the work leave on which social insurance premiums are based, if laborers have paid social insurance premiums for less than fifteen years.

3. Laborers enjoying the sickness regime provided for in Clause 3, Article 23 of this Law enjoy 100% of the salary of the month preceding the leave on which social insurance premiums are based.

4. If the sickness regime level specified in Clause 2 of this Article is lower than the common minimum salary, it shall be increased to be equivalent to the common minimum salary.

Article 26.- Convalescence and health rehabilitation after sickness

1. If laborers remain weak after the period of enjoying the sickness regime under the provisions of Article 23 of this Law, they are entitled to take a leave of between five days and ten days in a year for convalescence and health rehabilitation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Section 2. MATERNITY REGIME

Article 27.- Coverage of the maternity regime

The maternity regime covers laborers specified at Point a, b, c and d, Clause 1, Article 2 of this Law.

Article 28.- Conditions for enjoying the maternity regime

1. Laborers are entitled to the maternity regime in one of the following cases:

a/ Female laborers get pregnant;

b/ Female laborers give birth to children;

c/ Laborers adopt children of under four months old;

d/ Laborers have IUDs or take sterilization measures.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 29.- Period of leave for prenatal checks-up

Pregnant female laborers are entitled to take leave for five prenatal checks-up, one day for each check-up; in case they live far from medical establishments or have pathological signs or abnormal pregnancies, they are entitled to a two-day leave for each prenatal check-up.

The period of leave for enjoying the maternity regime specified in this Article shall be calculated according to working days, excluding public holidays, New Year holidays and weekends.

Article 30.- Period of leave when having miscarriage, abortion, fetocytosis or stillbirth

When getting miscarriage, abortion, fetocytosis or stillbirth, female laborers are entitled to ten-day leave, for pregnancy of under one month; twenty-day leave, for pregnancy of between one month and three months; forty-day leave, for pregnancy of between three months and under six months; or fifty-day leave, for pregnancy of six months or older.

The period of leave for enjoying the maternity regime specified in this Article includes public holidays, New Year holidays and weekends.

Article 31.- Period of leave after giving birth

1. After giving birth, female laborers are entitled to take leave under the maternity regime according to the following provisions:

a/ Four-month leave, if they perform occupations or jobs under normal working conditions;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ Six-month leave, for female laborers being disabled persons according to the provisions of law on disabled people;

d/ In case of giving birth to twin or more infants, in addition to the leave period specified at Points a, b and c of this Clause, the mother shall enjoy an additional leave of thirty days for each infant from the second.

2. In case the newborn child dies before sixty days of age, the mother is entitled to take leave for ninety days counting from the date of childbirth; if the newborn child die sixty days or more of age, the mother is entitled to take leave for thirty days counting from the date her child dies, but the leave period under the maternity regime shall not exceed the period specified in Clause 1 of this Article; this period shall not be counted into the period of leave for personal reasons under the provisions of the law on labor.

3. In case only the father or the mother is covered by social insurance or both the father and mother are covered by social insurance and the mother dies in childbirth, the father or the person directly nursing the newborn child is entitled to the maternity regime until the child is full four months old.

4. The period of leave under the maternity regime specified in Clauses 1, 2 and 3 of this Article includes public holidays, New Year holidays and weekends.

Article 32.- Period of leave for enjoying the maternity regime upon child adoption

Laborers adopting a child of under four months old are entitled to take leave for enjoying the maternity regime until the child is full four months old.

Article 33.- Period of leave for enjoying the regime when taking contraceptive measures

1. When being implanted with UIDs, laborers are entitled to a seven-day leave.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. The period of leave for enjoying the maternity regime specified in Clauses 1 and 2 of this Article includes public holidays, New Year holidays and weekends.

Article 34.- Lump-sum allowance upon childbirth or child adoption

Female laborers after giving birth or laborers adopting a child of under four months old are entitled to a lump-sum allowance equivalent to two months' common minimum salary for each child.

When only the father is covered by social insurance and the mother dies in childbirth, the father are entitled to a lump-sum allowance equivalent to two months' common minimum salary for each child.

Article 35.- Level of maternity allowance

1. Laborers entitled to the maternity regime under Articles 29, 30, 31, 32 and 33 of this Law are entitled to 100% of the average of the monthly salary or remuneration of six months preceding the leave on which social insurance premiums are based.

2. The period of leave for enjoying the maternity regime shall be counted as the period of payment of social insurance premiums. During this period, laborers and employers are not required to pay social insurance premiums.

Article 36.- Female laborers going to work before the expiry of the maternity leave period

1. Female laborers may go to work before the expiry of the maternity leave period specified in Clause 1 or Clause 2, Article 31 of this Law when the following conditions are fully met:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Having the medical establishment's certification that working shall not harm their health;

c/ Notifying in advance and getting the prior consent of their employers.

2. Apart from the salary or remuneration paid for their working days, the female laborers going to work before the expiry of the maternity leave period is also entitled to the maternity regime until the end of the period specified in Clause 1 or 2 of Article 31 of this Law.

Article 37.- Convalescence and health rehabilitation after childbirth

1. If female laborers remain weak after the maternity leave period provided for in Article 30, Clause 1 or Clause 2 of Article 31 of this Law, they may take leave for convalescence and health rehabilitation for between five and ten days a year.

2. The daily benefit level shall be equivalent to 25% of the common minimum salary, if they take leave for convalescence and health rehabilitation at home; or 40% of the common minimum salary, if they have convalescence and health rehabilitation at a rest home.

Section 3. LABOR ACCIDENT AND OCCUPATIONAL DISEASE REGIMES

Article 38.- Coverage of the labor accident and occupational disease regimes

The labor accident and occupational disease regimes covers laborers specified at Points a, b, c, d and e of Clause 1, Article 2 of this Law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Laborers are entitled to the labor accident regime when fully satisfying the following conditions:

1. Getting an accident in one of the following cases:

a/ At workplace and during working hours;

b/ Outside the workplace or beyond working hours while on assignment by their employers;

c/ En route to and from residence and workplace within a reasonable time and on the reasonable route;

2. Suffering from a working capacity decrease of at least 5% due to accidents provided for in Clause 1 of this Article.

Article 40.- Conditions for enjoying the occupational disease regime

Laborers are entitled to the occupational disease regime when fully satisfying the following conditions:

1. Suffering from a disease on the list of occupational diseases, promulgated by the Health Ministry and the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs when working in the environment or performing a job involving hazardous elements;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 41.- Assessment of working capacity decrease

1. Laborers suffering from a labor accident or an occupational disease are entitled to assessment or re-assessment of their working capacity decrease when falling into one of the following cases:

a/ Their health conditions have become stable after treatment of an injury or a disease;

b/ Their health conditions have become stable after treatment of a recurring injury or disease.

2. Laborers are entitled to thorough assessment of their working capacity decrease when falling into one of the following cases:

a/ Suffering both a labor accident and an occupational disease;

b/ Getting labor accidents repeatedly;

c/ Suffering from various occupational diseases.

Article 42.- Lump-sum allowance

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The lump-sum allowance levels are specified as follows:

a/ Laborers with a 5% working capacity decrease are entitled to five months' common minimum salary, which shall be added with 0.5 of the monthly common minimum salary for more 1% of working capacity decrease;

b/ Apart from the allowance level specified at Point a of this Clause, laborers are entitled to an additional allowance calculated according to the number of years of paying social insurance premiums, which is equivalent to 0.5 of the salary or remuneration of the month preceding the leave on which social insurance premiums are based, for one year or less, and added with 0.3 of such salary or remuneration for each more year of paying social insurance premiums.

Article 43.- Monthly allowance

1. Laborers suffering from a working capacity decrease of at least 31% are entitled to a monthly allowance.

2. The monthly allowance levels are provided for as follows

a/ Laborers with a 31% working capacity decrease are entitled to a monthly allowance equivalent to 30% of the common minimum salary, which shall be added with 2% of the common minimum salary for each additional 1% of decrease;

b/ Apart from the allowance level specified at Point a of this Clause, laborers are entitled to a monthly allowance calculated according to the number of yeas of paying social insurance premiums, which is equivalent to 0.5% of the salary or remuneration of the month preceding the leave on which social insurance premiums are based, for one year or less, and added with 0.3 of such salary or remuneration for each more year of paying social insurance premiums.

Article 44.- Starting time for enjoying allowances

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. When their injury or sickness recurs and laborers have their working capacity decrease level re-assessed, the starting time for enjoying new allowances is the month when the Medical Assessment Council conclusions are available

Article 45.- Supply of daily-life aid equipment and orthopedic devices

Laborers suffering from a labor accident or occupational disease which damages the function of their body shall be provided with daily-life aid equipment and/or orthopedic devices, depending on the status of their injury or sickness.

Article 46.- Attendance allowance

Laborers who suffer from a working capacity decrease of at least 81% due to rachioplegia, total blindness, paraplegia, amputation of two legs or a mental disease are entitled to a monthly attendance allowance equivalent to the common minimum salary in addition to the allowance specified in Article 43 of this Law.

Article 47.- Lump-sum allowance for death due to labor accident or occupational disease

For working laborers who die from a labor accident or of an occupational disease or die during the period of first-time medical treatment due to a labor accident or an occupational disease, their relatives are entitled to a lump-sum allowance equivalent to thirty six months' common minimum salary.

Article 48.- Convalescence and health rehabilitation after treatment of injury or sickness

1. Laborers who remain weak though their health conditions have become stable after treatment of injury caused by labor accident or of sickness caused by occupational disease are entitled to take leave for convalescence and health rehabilitation for between five and ten days.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Section 4. RETIREMENT REGIME

Article 49.- Coverage of the retirement regime

The retirement regime covers laborers specified in Clause 1, Article 2 of this Law.

Article 50.- Conditions for enjoying retirement pension

1. Laborers specified at Points a, b, c and f of Clause 1, Article 2 of this Law, who have paid social insurance premiums for full twenty years or more are entitled to retirement pension when falling into one of the following cases:

a/ Being sixty years old for men or fifty five years old for women;

b/ Being between full fifty five years and full sixty years old for men or between full fifty years and full fifty five years old for women and having performed heavy, hazardous or dangerous occupations or jobs on the list of those promulgated by the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs and the Health Ministry for full fifteen years, or having worked in regions with regional allowance coefficient of 0.7 or more for full fifteen years. In a number of other special cases, the retirement age of persons entitled to retirement pension shall be as stipulated by the Government.

2. Laborers specified at Point d, Clause 1, Article 2 of this Law and having paid social insurance premiums for full twenty years or more are entitled to retirement pension when falling into one of the following cases:

a/ Being full fifty five years old for men or full fifty years old for women, unless otherwise provided for by the Law on Officers of the Vietnam People's Army or the Law on People's Police.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 51.- Conditions for enjoying retirement pension upon working capacity decrease

Laborers specified at Points a, b, c, d and f, Clause 1, Article 2 of this Law, who have paid social insurance premiums for full twenty years or more and suffered from working capacity decrease of at least 61%, are entitled to retirement pensions lower than those for qualified persons specified in Article 50 of this Law when falling into one of the following cases:

1. Being full fifty years old for men or forty five years old for women;

2. Having performed especially heavy, hazardous or dangerous occupations or jobs on the list of those promulgated by the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs and the Health Ministry for full fifteen years or more.

Article 52.- Monthly retirement pension

1. The monthly retirement pension of qualified laborers specified in Article 50 of this Law is equivalent to 45% of the average monthly salary or remuneration on which social insurance premiums are based specified in Article 58, Article 59 or Article 60 of this Law, corresponding to fifteen years of paying social insurance premiums, which shall be added with 2% for men or 3% for women for each additional year of paying social insurance premiums; the maximum rate is equivalent to 75%.

2. The monthly retirement pension of qualified laborers specified in Article 51 of this Law shall be calculated as provided for in Clause 1 of this Article, which shall be then reduced by 1% for each year of early retirement.

3. The lowest monthly retirement pension is equivalent to the common minimum salary.

Article 53.- Adjustment of retirement pensions

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 54.- Lump-sum allowance upon retirement

1. Laborers who have paid social insurance premiums for more than thirty years for men or for more than twenty five years for women are, upon retirement, entitled to a lump-sum allowance besides their retirement pension.

2. The lump-sum allowance level shall be calculated according to the number of years of paying social insurance premiums, counting from the thirty-first year on for men and the twenty-sixth year on for women. For each year of paying social insurance premiums, laborers are entitled to 0.5 of the average monthly salary or remuneration on which social insurance premiums are based.

Article 55.- Lump-sum social insurance benefit for persons ineligible for enjoying retirement pension

1. Laborers specified at Points a, b, c and f, Clause 1, Article 2 of this Law are entitled to lump-sum social insurance benefit when falling into one of the following cases:

a/ They have reached the retirement age specified in Clause 1, Article 50 of this Law while having paid social insurance premiums for less than twenty years;

b/ They have suffered from working capacity decrease of at least 61% while having paid social insurance premiums for less than twenty years;

c/ They discontinue paying social insurance premiums after one-year leave and request lump-sum social insurance benefit while having paid social insurance premiums for less than twenty years;

d/ They settle abroad.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 56.- Levels of lump-sum social insurance benefit

The level of lump-sum social insurance benefit shall be calculated based on the number of years of paying social insurance premiums; for each year, laborers are entitled to one month and a half of the average monthly salary or remuneration on which social insurance premiums are based.

Article 57.- Reservation of social insurance premium payment period

Laborers, when leaving their jobs but ineligible for enjoying retirement pension provided for in Articles 50 and 51 or having not yet enjoyed lump-sum social insurance benefit provided for in Articles 56 and 56 of this Law are entitled to reserve their social insurance premium payment period.

Article 58.- Average of monthly salaries or remuneration on which social insurance premiums are based for calculation of retirement pension and lump-sum allowance for laborers participating in social insurance before January 1, 1995

1. For laborers subject to the salary regime set by the State and having the entire period of social insurance premium payment under such salary regime, the calculation shall be based on the average of monthly salaries or remuneration on which social insurance premiums are based in the last five years prior to their retirement.

2. For laborers having the entire period of social insurance premium payment under the salary regime decided by their employers, the calculation shall be based on the average of monthly salaries or remuneration on which social insurance premiums are based in the entire period.

3. For laborers who have both a social insurance premium payment period under the salary regime set by the State and a social insurance premium payment period under the salary regime decided by their employers, the calculation shall be based on the average of monthly salaries or remuneration on which social insurance premiums are based in these periods, for the payment period under the salary regime set by the State, the average of monthly salaries on which social insurance premiums are based shall be calculated according to the provisions of Clause 1 of this Article.

Article 59.- Average of monthly salaries or remuneration on which social insurance premiums are based for calculation of retirement pension and lump-sum allowance for laborers participating in social insurance from January 1, 1995, to before the effective date of the Law on Social Insurance

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ If they paid social insurance premiums for the period from January 1, 1995, to December 31, 2000, the calculation shall be based on the average of monthly salaries on which social insurance premiums are based in the last six years prior to their retirement;

b/ If they paid social insurance premiums for the period from January 1, 2001, to December 31, 2006, the calculation shall be based on the average of monthly social salaries on which social insurance premiums are based in the last eight years prior to their retirement.

2. For laborers having the entire period of social insurance premium payment under the salary regime decided by their employers, the calculation shall be based on the average of monthly salaries or remuneration on which social insurance premiums are based in the entire period.

3. For laborers with both a period of social insurance premium payment under the salary regime set by the State and a period of social insurance premium payment under the salary regime decided by their employers, the calculation shall be based on the average of monthly salaries or remuneration on which social insurance premiums are based in these periods, in which for the period of social insurance premium payment under the salary regime set by the State, the calculation shall be based on the average of monthly salaries on which social insurance premiums are paid under the provisions of Clause 1 of this Article.

Article 60.- Average of monthly salary or remuneration on which social insurance premiums are based for calculation of retirement pension and lump-sum allowance for laborers participating in social insurance from the effective date of the Law on Social Insurance

1. For laborers subject to the salary regime set by the State and having the entire period of social insurance premium payment under such salary regime, the calculation shall be based on the average of monthly salaries on which social insurance premiums are based in the last ten years prior to their retirement.

2. For laborers having the entire period of social insurance premium payment under the salary regime decided by their employers, the calculation shall be based on the average of monthly salary or remuneration on which social insurance premiums are based in the entire period.

3. For laborers with both a period of social insurance premium payment under the salary regime set by the State and a period of social insurance premium payment under the salary regime decided by their employers, the calculation shall be based on the average of monthly salary or remuneration on which social insurance premiums are based of these periods; for the period of social insurance premium payment under the salary regime set by the State, the calculation shall be based on the average of monthly salaries on which social insurance premiums are based according to the provisions of Clause 1 of this Article.

Article 61.- Adjustment of salaries and remuneration for which social insurance premiums have been paid

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Salaries and remuneration for which social insurance premiums have been paid, which serve as the basis for calculation of the average monthly salary or remuneration on which social insurance premiums are based for laborers specified in Clause 2, Article 94 of this Law shall be adjusted on the basis of the cost-of living index of each period under regulations of the Government.

Article 62.- Suspension from enjoyment of monthly retirement pension or social insurance allowance

Laborers enjoying a monthly retirement pension or social insurance allowance shall be suspended from enjoying such retirement pension or social insurance allowance in one of the following cases:

1. They are subject to an imprisonment sentence, which is not suspended;

2. They illegally leave the country;

3. They are declared missing by the court.

Section 5. SURVIVORSHIP REGIME

Article 63.- Funeral allowance

1. When the following subjects die, the persons who take care of their funeral are be entitled to a funeral allowance:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Laborers who reserve a period of social insurance premium payment;

c/ Persons who are on retirement pension; monthly labor accident or occupational disease allowance and have ceased working.

2. The funeral allowance is equivalent to ten months' common minimum salary.

3. When the subjects specified in Clause 1 of this Article are declared dead by the court, their relatives are entitled to receive the allowance specified in Clause 2 of this Article.

Article 64.- Cases of eligibility for monthly survivorship allowance

1. When subjects specified in Clause 1, Article 63 of this Law, who fall into one of the following cases, die, their relatives are entitled to a monthly survivorship allowance:

a/ They have paid social insurance premiums for full fifteen years or more but have not yet received a lump-sum social insurance benefit;

b/ They are on retirement pension;

c/ They die of a labor accident or an occupational disease;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Relatives of the subjects specified in Clause 1 of this Article who are eligible for monthly survivorship allowance include:

a/ Children of under fifteen years old; children of under eighteen who are still going to school; children of full fifteen years or older who suffer from working capacity decrease of at least 81%;

b/ Wives of full fifty five years or older or husbands of full sixty years or older; wives of under fifty five years old or husbands of under sixty years old, who suffer from working capacity decrease of at least 81%;

c/ Natural fathers, natural mothers, fathers-in-law, mothers-in-law, other persons whom these subjects are obliged to nurture, who are full sixty years or older for men or full fifty five years or older for women;

d/ Natural fathers, natural mothers, fathers-in-law, mothers-in-law, other persons whom these subjects are obliged to nurture, who are under sixty years old for men or under fifty five years old for women and suffer from working capacity decrease of at least 81%.

The relatives specified at Points b, c and d of this Clause must have no income or have monthly incomes lower than the common minimum salary.

Article 65.- Levels of monthly survivorship allowance

1. The monthly survivorship allowance for each relative is equivalent to 50% of the common minimum salary; a relative who has no direct raiser is entitled to a monthly survivorship allowance equivalent to 70% of the common minimum salary.

2. For dead persons specified in Clause 1, Article 64 of this Law, the number of relatives entitled to a monthly survivorship allowance shall not exceed four; in cases of two or more dead persons, their relatives are entitled to two times the allowance specified in Clause 1 of this Article.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 66.- Cases of eligibility for lump-sum survivorship allowance

When the subjects specified in Clause 1, Article 63 of this Law, who fall into one of the following cases, die, their relatives are entitled to a lump-sum survivorship allowance:

1. The dead persons do not fall into the cases specified in Clause 1, Article 64 of this Law;

2. The dead persons fall into one of the cases specified in Clause 1 of Article 64 but have no relative eligible for monthly survivorship allowance specified in Clause 2, Article 64 of this Law.

Article 67.- Level of lump-sum survivorship allowance

1. The level of lump-sum survivorship allowance for relatives of laborers who are working or laborers who reserve a social insurance premium payment period before their death shall be calculated on the basis of the number of years of paying social insurance premiums, with each year equivalent to one and a half month of the average monthly salary or remuneration on which social insurance premiums are based; the lowest level shall be equivalent to three months' average monthly salary or remuneration.

2. The level of lump-sum survivorship allowance for relatives of laborers who are on retirement pension before their death shall be calculated on the basis of the period of enjoying retirement pension. If they die within the first two months of enjoying the retirement pension, the allowance level is equivalent to forty eight months of the retirement pension they are enjoying; if they die in subsequent months, for each additional month receiving the retirement pension, the allowance level is reduced by 0.5 of the monthly retirement pension; the lowest level is equivalent to three months of the currently enjoyed retirement pension.

Article 68.- Calculation of the retirement regime and survivorship allowance regime for persons who paid voluntary social insurance premiums then paid compulsory social insurance payment

1. For laborers who paid voluntary social insurance premiums then paid compulsory social insurance premiums, the calculation of their retirement regime or survivorship allowance regime shall be based on the period of paying voluntary social insurance premiums plus the period of paying compulsory social insurance premiums.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Chapter IV

VOLUNTARY SOCIAL INSURANCE

Section 1. RETIREMENT REGIME

Article 69.- Coverage the retirement regime

Voluntary social insurance covers laborers specified in Clause 5, Article 2 of this Law.

Article 70.- Conditions for enjoying retirement pension

1. Laborers are entitled to retirement pension when satisfying all the following conditions:

a/ Being full sixty years old for men or full fifty five years old for women;

b/ Having paid social insurance premiums for full twenty years or more.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 71.- Level of monthly retirement pension

1. The level of monthly retirement pension is equivalent to 45% of the monthly income on which social insurance premiums are based specified in Article 76 of this Law corresponding to fifteen years of paying social insurance premiums, which shall be then added by 2% for men and 3% for women for each additional year of paying social insurance premiums; the maximum level is equivalent to 75%.

2. The adjustment of retirement pension shall be as provided for in Article 53 of this Law.

Article 72.- Lump-sum allowance upon retirement

1. Laborers who have paid social insurance premiums for more than thirty years, for men, or for more than twenty five years, for women are, in addition to retirement pension, entitled to a lump-sum allowance upon retirement.

2. The level of lump-sum allowance shall be calculated on the basis of the number of years of paying social insurance premiums, counting from the thirty first year on, for men or from the twenty sixth year on for women. Each year of paying social insurance premiums is equivalent to 0.5 month's average monthly income on which social insurance premiums are based.

Article 73.- Lump-sum social insurance benefit for persons ineligible for monthly retirement pension

Laborers are entitled to a lump-sum social insurance benefit when falling into one of the following cases:

1. Men who are full sixty years old or women who are full fifty five years old fail to have full twenty years of paying social insurance premiums, except for cases specified in Clause 2, Article 70 of this Law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. They settle abroad.

Article 74.- Level of lump-sum social insurance benefit

The level of lump-sum social insurance benefit shall be calculated on the basis of the number of years of paying social insurance premiums; for each year, laborers are entitled to one month and a half of the average monthly income on which social insurance premiums are based.

Article 75.- Reservation of social insurance premium payment period

Laborers who stop paying voluntary social insurance premiums but are still ineligible for retirement pension as provided for in Article 70 or have not yet received a lump-sum social insurance benefit under the provisions in Articles 73 and 74 of this Law are entitled to reserve their social insurance premium payment period.

Article 76.- Average monthly income on which social insurance premiums are based

1. The average monthly income on which social insurance premiums are based is the average of all monthly incomes on which social insurance premiums are based in the entire period.

2. Monthly incomes for which social insurance premiums have been paid, which serve as the basis for calculation of the average monthly income on which social insurance premiums are based, shall be adjusted on the basis of the cost-of-living index of each period stipulated by the Government.

Section 2. SURVIVORSHIP ALLOWANCE REGIME

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. When the following subjects die, the persons who take care of their funeral are entitled to a funeral allowance:

a/ Laborers who have paid social insurance premiums for at least five years;

b/ Persons who are on pension.

2. The funeral allowance is equivalent to ten months' common minimum salary.

3. When the subjects specified in Clause 1 of this Article are declared dead by the court, their relatives are entitled to the allowance specified in Clause 2 of this Article.

Article 78.- Survivorship allowance

1. When laborers who are paying social insurance premiums, laborers who reserve a social insurance premium payment period or persons who are on pension die, their relatives are entitled to a lump-sum survivorship allowance.

2. The level of lump-sum survivorship allowance for relatives of laborers paying social insurance premiums or laborers reserving a social insurance premium payment period shall be calculated on the basis of the number of years of paying social insurance premiums; for each year, relatives are entitled to one month and half of the average monthly income on which social insurance premiums are based.

3. The level of lump-sum survivorship allowance for relatives of persons who are on pension shall be calculated on the basis of such persons' period of enjoying retirement pension; if they die within the first two months of enjoying retirement pension, such allowance is equivalent to forty eight months of the currently enjoyed retirement pensions; if they die in subsequent months, for each additional month of enjoying retirement pension, the allowance shall be reduced by half of the monthly retirement pension.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. For laborers who paid compulsory social insurance premiums then paid voluntary social insurance premiums, the calculation of the retirement regime or survivorship allowance regime shall be based on the period of paying compulsory social insurance premiums plus the period of paying voluntary social insurance premiums.

2. The calculation of the average monthly salary, remuneration or income on which social insurance premiums are based for laborers specified in Clause 1 of this Article shall be stipulated by the Government.

Chapter V

UNEMPLOYMENT INSURANCE

Article 80.- Coverage of unemployment insurance

Unemployment insurance shall compulsorily apply to laborers specified in Clause 3 and employers specified in Clause 4, Article 2 of this Article.

Article 81.- Conditions for enjoying unemployment insurance

Unemployed persons are entitled to unemployment insurance when they fully satisfy the following conditions:

1. Having paid unemployment insurance premiums for full twelve months or more within twenty four months before they become unemployed;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Having not yet found a job within fifteen days after the date of making unemployment registration as provided for in Clause 2 of this Article.

Article 82.- Unemployment allowance

1. The monthly unemployment allowance is equivalent to 60% of the average monthly salary or remuneration of six consecutive months before unemployment on which unemployment insurance premiums are based.

2. The period of enjoying unemployment allowance is stipulated as follows:

a/ Three months, if unemployment insurance premiums have been paid for between full twelve months and under thirty six months;

b/ Six months, if unemployment insurance premiums have been paid for between full thirty six months and under seventy two months;

c/ Nine months, if unemployment insurance premiums have been paid for between full seventy two months and under one hundred and forty four months;

d/ Twelve months, if unemployment insurance premiums have been paid for between full one hundred and forty four months.

Article 83.- Vocational training support

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 84.- Job-seeking support

Persons who are on unemployment allowance shall be provided with employment consultancy and recommendation free of charge.

Article 85.- Health insurance

1. Persons who are on unemployment allowance are entitled to the health insurance regime.

2. Social insurance organizations shall pay health insurance premiums for persons who are on unemployment allowance.

Article 86.- Suspension from enjoyment of unemployment allowance

Persons who are on unemployment allowance shall be suspended from enjoying unemployment allowance in one of the following cases:

1. Failing to observe the provisions of Point b, Clause 2, Article 16 of this Law;

2. Being put in detention.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Persons who are on unemployment allowance are not entitled to such allowance in one of the following cases:

a/ Their period of enjoying unemployment allowance has expired;

b/ They have found a job;

c/ They perform the military service obligation;

d/ They are on retirement pension;

e/ They have twice refused to take up jobs recommended by the social insurance organization without plausible reasons;

f/ They fail to abide by the provisions of Point b, Clause 2, Article 16 of this Law for three months in a row;

g/ They settle abroad;

h/ They serve a decision on application of administrative handling measures at reformatory, education camp, medical establishment or serve an imprisonment sentence which is not suspended;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Cases of termination of enjoyment of unemployment allowances, which are specified at Points b and c, Clause 1 of this Article, are entitled to a lump-sum allowance equivalent to the remaining value of the unemployment allowance specified in Article 82 of this Law.

3. After the termination of enjoyment of unemployment allowances as provided for in Clause 1 of this Article, the previous duration of unemployment insurance premium payment shall not be counted for subsequent enjoyment of unemployment allowances.

Chapter VI

SOCIAL INSURANCE FUNDS

Section 1. COMPULSORY SOCIAL INSURANCE FUND

Article 88.- Sources for formation of the fund

1. Premiums paid by employers under the provisions of Article 92 of this Law.

2. Premiums paid by laborers under the provisions of Article 91 of this Law.

3. Profits from activities of investment from the fund.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. Other lawful sources of revenues.

Article 89.- Component funds

1. Sickness and maternity fund.

2. Labor accident, occupational disease fund.

3. Retirement and survivorship allowance fund.

Article 90.- Use of the fund

1. Payment of social insurance indemnities to laborers under the provisions in Chapter III of this Law.

2. Payment of health insurance premiums for pensioners or persons who are enjoying monthly labor accident or occupational disease allowances during their leave.

3. Expenses for management.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. Investment to preserve and develop the fund according to the provisions of Articles 96 and 97 of this Law.

Article 91.- Levels and modes of payment by laborers

1. Monthly, laborers defined at Points a, b, c and d of Clause 1, Article 2 of this Law shall pay 5% of their salaries or remuneration into the retirement and survivorship allowance funds; and from 2010 on, an additional 1% shall be paid for every two years until the payment level of 8% is achieved.

2. Laborers enjoying salaries or remuneration according to production or business cycles in agricultural, forestry, fishery or salt-making enterprises shall be subject to the monthly social insurance premium payment levels specified in Clause 1 of this Article; payment shall be made on a monthly, quarterly or biannual basis.

3. The levels and modes of payment by laborers defined at Point f, Clause 1, Article 2 of this Law shall be stipulated by the Government.

Article 92.- Levels and modes of payment by employers

1. Monthly, employers shall make payments calculated on the funds of social insurance payment salaries and remuneration of laborers defined at Points a, e, c and d, Clause 1, Article 2 of this Law as follows:

a/ 3% into the sickness and maternity fund; of which 2% shall be withheld by employers to pay in time to laborers entitled to the regime specified in Section 1 and Section 2, Chapter III of this Law and conduct settlement thereof on a quarterly basis with social insurance organizations;

b/ 1% into the labor accident and occupational disease fund;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Monthly, employers shall make payments calculated on the common minimum salary for each laborer defined at Point e, Clause 1, Article 2 of this Law as follows:

a/ 1% into the labor accident and occupational disease fund;

b/ 16% into the retirement and survivorship allowance fund; from 2010 on, an additional 2% shall be paid for every two years until the payment level reaches 22%.

3. Employers of agricultural, forestry, fishery or salt-making enterprises who pay salaries according to production or business cycles shall make monthly payments at the levels specified in Clause 1 of this Article; payments shall be made on a monthly, quarterly or biannual basis.

Article 93.- Temporary cessation of payment into the retirement and survivorship allowance fund

1. When employers meet with difficulties and have to temporarily stop their production or business or meet with difficulties due to natural disasters, crop failure, which render laborers and employers incapable of making payments into the retirement and death allowance fund, the payment can be temporarily ceased for no more than twelve months.

2. The Government shall specify the conditions and duration for temporary cessation of payment and the competence to decide on the temporary cessation of payment.

Article 94.- Monthly compulsory social insurance payment salaries, remuneration

1. For laborers subject to the salary regime set by the State, their monthly social insurance payment salaries shall be their rank- or grade-based salaries, or military rank-based salaries and position allowances, extra-seniority allowances or professional seniority allowances (if any). These salaries shall be calculated on the basis of the common minimum salary.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. When the salaries or remunerations specified in Clauses 1 and 2 of this Article are higher than twenty months' common minimum salary, the monthly salary or remuneration on which social insurance premiums are based is equivalent to twenty months' common minimum salary level.

Article 95.- Management costs

1. Annual compulsory social insurance management costs shall be deducted from the profits from activities of investment from the funds.

2. Compulsory social insurance management costs shall be equivalent to management costs of state administrative agencies.

Article 96.- Investment principles

Activities of investment from the social insurance fund must ensure safety, efficiency and recoverability when necessary.

Article 97.- Investment forms

1. Purchase of debentures, mercantile papers, bonds of the State, state-run commercial banks.

2. Lending to state-run commercial banks.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. Other investment forms provided for by the Government.

Section 2. VOLUNTARY SOCIAL INSURANCE FUND

Article 98.- Sources for formation of the fund

1. Premiums paid by laborers as provided for in Article 100 of this Law.

2. Profits from activities of investment from the fund.

3. The State's supports.

4. Other lawful sources of revenues

Article 99.- Use of the fund

1. To pay social insurance indemnities to laborers under the provisions of Chapter IV of this Law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. To pay management costs.

4. To make investments to preserve and develop the fund under the provisions of Articles 96 and 97 of this Law.

Article 100.- Levels and modes of premium payment by laborers

1. The monthly premium payment level is equivalent to 16% of the incomes laborers select for social insurance premium payment; from 2010 on, an additional 2% shall be paid for every two years until the payment level reaches 22%.

The income level serving as a basis for calculation of payable social insurance premiums may change, depending on laborers' capabilities in each period, but must be at least equivalent to the common minimum salary and not more than twenty months' common minimum salary.

2. Laborers may select one of the following payment modes:

a/ Monthly payment;

b/ Quarterly payment;

c/ Biannual payment.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Annual voluntary social insurance management costs shall be deducted from the profits from activities of investment from the fund.

2. Voluntary social insurance management costs shall be equivalent to management costs of state administrative agencies.

Section 3. UNEMPLOYMENT INSURANCE FUND

Article 102.- Sources for formation of the fund

1. Laborers' payment of 1% of the monthly salary or remuneration on which unemployment insurance premiums are based.

2. Employers' payment of 1% of the fund of monthly salaries and remuneration of laborers who participate in unemployment insurance on which unemployment insurance premiums are based.

3. The state's monthly budgetary support is equivalent to 1% of the fund of the salaries and remuneration of laborers insured by unemployment insurance on which unemployment insurance premiums are based, which is transferred once a year.

4. Profits from activities of investment from the fund.

5. Other lawful sources of revenues.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. To pay unemployment allowances.

2. To support job training.

3. To support job seeking.

4. To pay health insurance premiums for persons enjoying unemployment allowances.

5. To pay management costs.

6. To make investment to preserve and develop the fund under the provisions of Articles 96 and 97 of this Law.

Article 104.- Management costs

The unemployment insurance fund management costs are equivalent to management costs of state administrative agencies.

Article 105.- Monthly salaries or remuneration on which unemployment insurance premiums are based

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Chapter VII

SOCIAL INSURANCE ORGANIZATION

Article 106.- Social insurance organization

1. The social insurance organization is a non-business organization functioning to materialize the social insurance regimes and policies, to manage and use the social insurance funds under the provisions of this Law.

2. The organizational structure and tasks of the social insurance organization shall be stipulated by the Government.

Article 107.- Social Insurance Management Council

1. The Social Insurance Management Council shall be set up by the Government and have the duty to direct and supervise activities of the social insurance organization.

2. The Social Insurance Management Council is composed of representatives of the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs, the Ministry of Finance, the Vietnam Confederation of Labor, the Vietnam Chamber of Commerce and Industry, the Vietnam Union of Cooperatives, the social insurance organization and a number of other members defined by the Government.

3. The Social Insurance Management Council consists of its chairman, vice-chairmen and members, who are appointed, relieved from office and dismissed by the Prime Minister.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 108.- Tasks of the Social Insurance Management Council

1. To appraise annual operation plans of, supervise and inspect the implementation thereof by, the social insurance organization.

2. To decide on the forms of investment from the social insurance funds at the proposal of the social insurance organizations.

3. To propose competent state bodies to elaborate, amend and supplement the social insurance regimes, policies and law, the branch development strategy, the consolidation of the organizational system of the social insurance organization, and the mechanisms for management and use of the social insurance funds.

4. To propose the Prime Minister to appoint, relieve from office or dismiss leading officials of the social insurance organization.

Chapter VIII

SOCIAL INSURANCE IMPLEMENTATION PROCEDURES

Article 109.- Social insurance books

1. Social insurance books shall be granted to individual laborers for monitoring the payment and enjoyment of social insurance regimes and serve as a basis for settlement of social insurance regimes under the provisions of this Law. The form of social insurance books shall be set by the social insurance organization.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 110.- Social insurance participation dossiers

1. A compulsory social insurance participation dossier comprises:

a/ The written personal declaration of the laborer, made according to a form set by the social insurance organization;

b/ The list of laborers insured by compulsory social insurance, made by the employer;

c/ The copy of the founding decision or the business registration certificate or the operation license, for employers participating in social insurance for the first time; the labor contracts, for employers being individuals who hire or employ laborers.

2. A voluntary social insurance participation dossier is the written personal declaration, made according to a form set by the social insurance organization.

3. An unemployment insurance participation dossier comprises:

a/ The written personal declaration, made according to a form set by the social insurance organization;

b/ The list of laborers covered by unemployment insurance, made by the employer.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Within thirty days as from the date of concluding a labor contract, a working or recruitment contract, the employer shall submit social insurance participation dossiers to the social insurance organization as provided for in Clauses 1 and 3, Article 110 of this Law.

2. Laborers shall submit social insurance participation dossiers to the social insurance organization under the provisions of Clause 2, Article 110 of this Law.

3. The social insurance organization shall grant social insurance books within thirty days after the date of receipt of the valid dossiers from persons participating in compulsory social insurance or unemployment insurance; twenty days after the date of receipt of the valid dossiers of persons participating in voluntary social insurance; if refusing to grant, it shall give written replies, clearly stating the reason therefor.

Article 112.- Dossiers for enjoyment of the sickness regime

1. The social insurance book.

2. The written certification of sickness leave for laborers being out-patients, the hospital-discharge paper, for laborers hospitalized at a medical establishment, the hospital discharge paper or diagnosis card of a hospital, for laborers suffering from a disease on the list of those requiring long-term treatment.

3. Employer's written certification of the working conditions of the laborer who performs a heavy, hazardous or dangerous occupation or job, or works regularly in a region with the regional allowance coefficient of 0.7% or more.

4. Employer's written certification of the leave duration to take care of the laborer's sick child, accompanied with the child's medical examination paper, for laborers taking leave to look after their sick children.

5. The lists of persons who take sickness leave and persons who take leave to look after their sick children, made by the employer.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The social insurance book.

2. The copy of the written birth certification or the copy of the birth certificate of the child or the death certificate in case the newborn or the mother dies in childbirth.

When female laborers have prenatal checks-up, miscarriage, abortion, fetocytosis or stillbirth or laborers apply contraceptive measures, the written certification of a competent medical establishment is required; when they adopt children of under four months old, the law-specified certification is required.

3. Employer's certification of the working conditions for the laborer who performs a heavy, hazardous or dangerous occupation or job; works under the three-working shift regime; regularly works in a region with the regional allowance coefficient of 0.7% or more, or the employer's certification that the female laborer is disabled.

4. The list of persons enjoying the maternity regime, made by the employer.

Article 114.- Dossiers for enjoyment of the labor accident regime

1. The social insurance book.

2. The investigation record of the labor accident; when the traffic accident is determined as a labor accident, the record on the traffic accident is additionally required.

3. The hospital-discharge paper after the treatment following the labor accident.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. The written request for settlement of the labor accident regime.

Article 115.- Dossiers for enjoyment of the occupational disease regime

1. The social insurance book.

2. The record on measurement of the contaminated environment; when the record gives certification for many persons, the dossier of each laborer must contain an extract thereof.

3. The hospital discharge paper upon treatment of the occupational disease; in case of treatment not at a hospital, a paper on occupational disease examination is required.

4. The record on examination of the working capacity decrease of the Medical Assessment Council.

5. The written request for settlement of the occupational disease regime.

Article 116.- Dossiers for enjoyment of convalescence, health rehabilitation allowances

1. The list of persons who have enjoyed the sickness, maternity, labor accident or occupational disease regime but remain weak, made by the employer.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 117.- Settlement of the sickness and maternity regimes and convalescence and health rehabilitation allowances after sickness or maternity

1. Within three working days after the date of receipt of the relevant complete and valid dossiers from laborers specified in Articles 112 and 113 of this Law, employers shall settle the sickness or maternity regime for laborers.

2. Quarterly, employers shall submit the dossiers of the laborers for whom the sickness or maternity regime or convalescence and health rehabilitation allowances have been settled to the social insurance organization under the provisions of Articles 112, 113 and 116 of this Law.

3. The social insurance organization shall make the settlement thereof within fifteen days after the date of receipt of the valid dossiers; in case of non-settlement, it shall reply in writing, clearly stating the reason therefor.

Article 118.- Settlement of the labor accident and occupational disease regimes, convalescence and health rehabilitation allowances after treatment following labor accidents or of occupational diseases

1. Employers shall submit the dossiers to the social insurance organization as provided for in Articles 114, 115 and 116 of this Law.

2. The social insurance organization shall settle the regimes within fifteen days after the date of receipt of the valid dossiers; in case of non-settlement, it shall reply in writing, clearly stating the reason therefor.

Article 119.- Dossiers for enjoyment of retirement pensions for persons participating in compulsory social insurance

1. The social insurance book.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. The record on examination of the working capacity decrease, made by the Medical Assessment Council, for pensioners under the provisions of Article 51 of this Law.

Article 120.- Dossiers for enjoyment of lump-sum social insurance indemnities by persons participating in compulsory social insurance

1. The social insurance book.

2. The decision on retirement from work, for cases defined at Point a, Clause 1 of Article 55; the decision on demobilization from the army or job severance, for cases specified in Clause 2, Article 55 of this Law.

3. The record on examination of the working capacity decrease, made by the Medical assessment council, for cases defined at Point b, Clause 1, Article 55 of this Law.

4. A copy of the overseas settlement paper, for cases defined at Point d, Clause 1, Article 55 of this Law.

5. The laborer's written request, for cases defined at Point c, Clause 1, Article 55 of this Law.

Article 121.- Dossiers for enjoyment of the survivorship allowance regime for persons participating in compulsory social insurance

1. For persons participating in social insurance and persons reserving the social insurance payment period, a dossier for enjoyment of the survivorship allowance regime comprises:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ The death certificate, death notification or court decision declaring such person dead;

c/ The relative's declaration, made according to a form set by the social insurance organization;

d/ The record on investigation of the labor accident, the medical records on treatment of occupational disease, for the case of death due to a labor accident or an occupational disease.

2. For persons currently enjoying retirement pensions, monthly labor or occupational disease allowances with the working capacity decrease of 61% or more, a dossier for enjoyment of survivorship allowance comprises:

a/ The death certificate, death notification or court decision declaring such person dead;

b/ The relative's declaration, made according to a form set by the social insurance organization.

Article 122.- Settlement of enjoyment of retirement pensions, lump-sum social insurance indemnities, survivorship allowances for persons participating in compulsory social insurance

1. Employers shall submit dossiers to the social insurance organization under the provisions of Articles 119 and 120 and Clause 1 of Article 121 of this Law.

2. Laborers who are no longer involved in labor relations shall submit dossiers directly to the social insurance organization under the provisions of Articles 119 and 120 of this Law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. The social insurance organization shall settle the case within thirty days after the date of receipt of the valid dossier, for persons enjoying retirement pensions; fifteen days after the date of receipt of the valid dossier, for the case of enjoying lump-sum social insurance indemnities or survivorship allowances; in case of non-settlement, it shall reply in writing, clearly stating the reason therefor.

Article 123.- Dossiers for enjoyment of retirement pensions, lump-sum social insurance indemnities or the survivorship allowance regime for persons participating in voluntary social insurance

1. A dossier for enjoyment of retirement pension or lump-sum social insurance indemnities comprises:

a/ The social insurance book;

b/ The personal declaration, made according to a form set by the social insurance organization.

2. A dossier for enjoyment of the survivorship allowance regime comprises:

a/ The social insurance book, for persons who are paying social insurance premiums;

b/ The death certificate, death notification or court decision declaring such person dead;

c/ The relative's declaration, made according to a form set by the social insurance organization.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Laborers shall submit dossiers to the social insurance organizations under the provisions of Clause 1 of Article 123; relatives of the persons enjoying retirement pensions shall submit dossiers as provided for in Clause 2, Article 123 of this Law.

2. The social insurance organization shall settle the case within twenty days after the date of receipt of the valid dossier, for persons enjoying pensions; ten days after the date of receipt of the valid dossier, for the case of enjoying lump-sum social insurance indemnities or the survivorship allowance regime; in case of non-settlement, it shall reply in writing, clearly stating the reason therefor.

Article 125.- Dossiers for enjoyment of unemployment insurance indemnities

1. The written request for enjoyment of unemployment insurance indemnities, made according to a form set by the social insurance organization.

2. A copy of the expired labor contract, working contract or the agreement on termination of the labor contract, working contract or the certification by the last employing unit of the lawful unilateral termination of the labor contract or working contract.

Article 126.- Settlement of enjoyment of unemployment insurance indemnities

1. Laborers shall submit dossiers to the social insurance organization under the provisions of Article 125 of this Law.

2. The social insurance organization shall settle the case within twenty days after the date of receipt of the valid dossier; in case of non-settlement, it shall reply in writing, clearly stating the reason therefor.

Article 127.- Dossiers for enjoyment of retirement pensions or social insurance allowances, for persons who have completely served imprisonment penalties

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ The social insurance book;

b/ The copy of the certificate of complete serving of the imprisonment penalty;

c/ The written request for enjoyment of social insurance indemnities.

2. For persons who had enjoyed retirement pensions, social insurance allowances, a dossier comprises:

a/ A copy of the certificate of complete serving of the imprisonment penalty;

b/ The written request for continued enjoyment of social insurance indemnities.

Article 128.- Settlement of enjoyment of retirement pensions or lump-sum social insurance indemnities, for persons who have completely served imprisonment penalties

1. Laborers shall submit dossiers to the social insurance organization under the provisions of Article 127 of this Law.

2. The social insurance organization shall settle the case within thirty days after the date of receipt of the valid dossier; in case of non-settlement, they shall reply in writing, clearly stating the reason therefor.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



When persons enjoying retirement pensions or monthly social insurance allowances move to other places of residence within the country and wish to enjoy social insurance at the new place, they must file their applications to the social insurance organization of the old place where they are enjoying social insurance regimes.

The social insurance organization shall settle the case within five days after the date of receipt of the applications; in case of non-settlement, they shall reply in writing, clearly stating the reasons therefor.

Chapter IX

COMPLAINTS AND DENUNCIATIONS ABOUT SOCIAL INSURANCE

Article 130.- Complaints about social insurance

1. Laborers or persons who are enjoying retirement pensions or monthly social insurance allowances, persons who are reserving their social insurance premium payment period and other persons are entitled to complain about decisions or acts of employers or of a social insurance organization when they have grounds to believe that such decisions or acts violate the social insurance law, infringing upon their respective legitimate rights and interests.

2. Employers are entitled to complain about decisions or acts of a social insurance organization when they have grounds to believe that such decisions or acts violate the social insurance law, infringing upon their respective legitimate rights and interests.

Article 131.- Competence, order and procedures for settlement of complaints

1. Settlement of complaints about administrative decisions or administrative acts regarding social insurance shall be as provided for in the law on complaints and denunciations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Persons competent to settle first-time complaints about social insurance are the persons who have issued the complained decisions or performed the complained acts.

When the persons with social insurance-related decisions or acts that are complained about no longer exist, the district-level state management agencies in charge of labor are competent to settle the complaints;

b/ When complainants disagree with the decisions on settlement of the first-time complaints or when at the expiration of the set time limit the complaints have not yet been settled, they are entitled to initiate lawsuits at a court or complain with the provincial-level state management agencies in charge of labor;

c/ When complainants disagree with the complaint-settling decisions of the provincial-level state management agencies in charge of labor or when at the expiration of the set time limit the complaints have not yet been settled, they are entitled to initiate lawsuits at a court.

d/ The statute of limitations for lodging complaints and the time limit for settling complaints shall be as provided for in the law on complaints and denunciations.

Article 132.- Denunciations, settlement of denunciations about social insurance

Denunciations and the settlement of denunciations about violations of law on social insurance shall be as provided for in the law on complaints and denunciations.

Chapter X

COMMENDATION, REWARD, AND HANDLING OF VIOLATIONS

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Agencies, organizations and individuals that record achievements in the implementation of this Law or detect violations of the social insurance law shall be commended and rewarded in accordance with law.

2. Employers that well perform the work of labor protection, labor accident and occupational disease prevention shall be commended and rewarded from the labor accident or occupational disease insurance fund according to the Government's regulations.

Article 134.- Law-breaking acts related to social insurance premium payment

1. Non-payment.

2. Payment not on schedule.

3. Payment not at the set levels.

4. Payment under the level required for the number of people subject to social insurance premium payment.

Article 135.- Law-breaking acts related to procedures for implementation of the social insurance

1. Deliberately hindering or obstructing laborer's enjoyment of social insurance regimes.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 136.- Law-breaking acts related to the use of social insurance premiums and funds

1. Using social insurance premiums and funds in violation of law.

2. Reporting untruthfully, supplying false information and data on social insurance premiums and funds.

Article 137.- Law-breaking acts related to the compilation of dossiers for enjoyment of social insurance regimes

1. Committing frauds and forging dossiers.

2. Granting false certificates or false examination papers.

Article 138.- Handling of violations

1. Agencies and organizations that commit law-breaking acts specified in Articles 134, 135, 136 and 137 of this Law shall, depending on the nature and severity of their violations, be administratively sanctioned; if causing damage, they must pay compensations therefor in accordance with law.

2. Individuals who commit law-breaking acts specified in Articles 134, 135, 136 and 137 of this Law shall be administratively sanctioned, disciplined or examined for penal liability, depending on the nature and severity of their violations; if causing damage, they must pay compensations therefor in accordance with law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



When an employer fails to comply with the provisions of this Clause, at the request of the persons competent to impose administrative sanctions, the bank credit institution or state treasury shall deduct money from the deposit account of the employer to pay the amount not yet paid or paid late and the interest on such amount.

Chapter XI

IMPLEMENTATION PROVISIONS

Article 139.- Transition provisions

1. The provisions of this Law apply to persons who have participated in the social insurance before this Law takes effect.

2. Persons who are enjoying retirement pensions, monthly working capacity loss allowances, labor accident or occupational disease allowances or survivorship allowances and persons suspended from enjoying social insurance due to their law offenses before this Law takes effect shall still comply with the previous regulations and are entitled to the adjustment of the enjoyment levels in accordance with law.

3. Persons who are enjoying retirement pensions, monthly working capacity loss allowances, labor accident or occupational disease allowances before this Law takes effect shall, upon their death, enjoy the survivorship allowance regime provided for by this Law.

4. If laborers who had worked in the state sector before January 1, 1995, for a given duration have not yet received the job severance allowance, lump-sum allowance or demobilization allowance, this duration shall be counted as the duration of social insurance premium payment.

5. Annually, the State shall transfer from the budget an amount into the compulsory social insurance fund to ensure full payment of retirement pensions and social insurance allowances to persons enjoying retirement pensions, social insurance allowances before January 1, 1995; and payment of social insurance premiums for the working duration before January 1, 1995, for persons specified in Clause 4 of this Article.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 140.- Implementation effect

1. This Law takes effect on January 1, 2007; particularly for voluntary social insurance, after January 1, 2008, and unemployment insurance, after January 1, 2009.

2. All provisions contrary to this Law are annulled.

Article 141.- Implementation guidance

The Government shall detail and guide the implementation of this Law.

This Law was passed on June 29, 2006, by the XIth National Assembly of the Socialist

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Law No. 71/2006/QH11 of June 29, 2006, on social insurance

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


6.661

DMCA.com Protection Status
IP: 3.17.174.204
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!