ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 163/KH-UBND
|
Hà Nội, ngày 18
tháng 10 năm 2013
|
KẾ HOẠCH
THỰC
HIỆN KẾ HOẠCH SỐ 98-KH/TU CỦA THÀNH ỦY VỀ THỰC HIỆN KẾT LUẬN HỘI NGHỊ LẦN THỨ BẢY
BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG (KHÓA XI) VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẢI CÁCH TIỀN LƯƠNG, BẢO
HIỂM XÃ HỘI, TRỢ CẤP ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG CẢI CÁCH ĐẾN NĂM 2020
Thực hiện Kế hoạch số 98-KH/TU ngày 19/8/2013 của
Thành ủy Hà Nội về việc Thực hiện Kết luận Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành
Trung ương Đảng (khóa XI) về một số vấn đề cải cách chính sách tiền lương, bảo
hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020; Ủy
ban nhân dân thành phố Hà Nội xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Quán triệt sâu sắc Kế hoạch số 98-KH/TU ngày
19/8/2013 của Thành ủy Hà Nội để thực hiện tốt Kết luận số 63-KL/TW ngày 27/5/2013
của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “một số vấn đề
cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công
và định hướng cải cách đến năm 2020”.
- Nắm vững nội dung, chủ trương, giải pháp tại Kế
hoạch số 98-KH/TU ngày 19/8/2013 của Thành ủy Hà Nội để thực hiện một số vấn đề
cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng
cải cách đến năm 2020 góp phần thực hiện có hiệu quả chính sách an sinh xã hội
của Thủ đô.
- Phát triển kinh tế - xã hội để đảm bảo ổn định đời
sống vật chất và tinh thần của mọi người dân; thực hiện tốt chính sách an sinh
xã hội của Đảng, Nhà nước trên địa bàn Thành phố.
2. Yêu cầu
- Quán triệt phương hướng, mục tiêu, yêu cầu và nhiệm
vụ trọng tâm Kế hoạch số 98-KH/TU ngày 19/8/2013 của Thành ủy Hà Nội đến các cấp,
các ngành, địa phương, đơn vị trong toàn Thành phố; căn cứ Kế hoạch của UBND
Thành phố, tình hình thực tiễn của đơn vị để vận dụng, xây dựng kế hoạch triển
khai thực hiện cụ thể của đơn vị và phối hợp thực hiện những nhiệm vụ có liên
quan đến đơn vị, địa phương.
- Tổ chức tuyên truyền, tập huấn, phổ biến chính
sách mới về Luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Pháp lệnh ưu đãi Người có công
với cách mạng, Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam
anh hùng”... đến cán bộ và nhân dân của Thủ đô.
- Xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, phân công tổ chức,
cá nhân chịu trách nhiệm chỉ đạo, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức
thực hiện Kế hoạch của UBND Thành phố.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Về cải cách chính sách tiền
lương
1.1. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, kiện
toàn tổ chức bộ máy, thu gọn đầu mối và tinh giản biên chế khu vực hành chính sự
nghiệp.
- Thành phố tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ và
bố trí sắp xếp bộ máy các cơ quan chuyên môn phù hợp với điều kiện phát triển
kinh tế - xã hội của Thủ đô. Hoàn thiện tổ chức bộ máy chính quyền cấp Thành phố,
cấp huyện theo hướng quy định khung các cơ quan chuyên môn giúp việc cho UBND
Thành phố; đồng thời, căn cứ điều kiện cụ thể và tiêu chí, địa phương có thể
thành lập thêm một số cơ quan khác sau khi được sự đồng ý của cơ quan có thẩm
quyền.
- Từ nay đến năm 2016, cơ bản không tăng thêm biên
chế (trừ trường hợp lập thêm tổ chức hoặc phát sinh nhiệm vụ mới). Tổ chức rà
soát, đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp của
Thành phố để tinh giản biên chế, đưa ra khỏi biên chế những trường hợp năng lực,
phẩm chất, sức khỏe yếu, hiệu quả, chất lượng công tác không đạt yêu cầu; kiên
quyết cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, thay thế những người không đáp ứng
được yêu cầu công việc. Thực hiện nguyên tắc số công chức được tuyển dụng mới
vào công vụ không quá 50% số công chức đã ra khỏi biên chế; 50% biên chế còn lại
để bổ sung cho những lĩnh vực cần tăng.
1.2. Đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và
tiền lương gắn với kết quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập
- Tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận
thức trong Đảng và toàn hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở về ý nghĩa,
vai trò của đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và tiền lương đối với
khu vực sự nghiệp công lập. Xác định đây là khâu đột phá và cần có quyết tâm
chính trị cao trong việc ban hành cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện.
- Xác định khung giá, phí các dịch vụ sự nghiệp
công lập, từng bước tính đủ tiền lương, chi thường xuyên theo lộ trình, phù hợp
với thu nhập của người dân Thành phố. Xây dựng giá dịch vụ sự nghiệp công theo
3 mức: (1) Mức giá tính đủ tiền lương; (2) Mức giá tính đủ tiền lương và chi
phí quản lý; (3) Mức giá tính đủ tiền lương, chi phí quản lý và khấu hao tài sản
cố định. Trên cơ sở đó, phân loại các đơn vị sự nghiệp để thực hiện theo 3 mức
giá cho phù hợp. Các đối tượng thụ hưởng phải chi trả theo giá, phí dịch vụ.
Thành phố thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người có công, người nghèo,
đồng bào dân tộc, vùng xa trung tâm Thành phố và người có hoàn cảnh đặc biệt
khó khăn để được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết
yếu.
- Quy định và thực hiện lộ trình đổi mới cơ chế đối
với các đơn vị sự nghiệp công lập; nghiên cứu để thực hiện khoán ổn định kinh
phí hỗ trợ của Nhà nước trong một số năm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập
của Thành phố.
1.3. Các giải pháp tạo nguồn thực hiện cải cách tiền
lương
- Triển khai và thực hiện có hiệu quả Luật Thủ đô,
các mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của
Thành phố; các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất,
kinh doanh, khai thác nguồn thu, chống thất thoát ngân sách.
- Nghiên cứu, từng bước điều chỉnh chính sách tiền
lương phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị, doanh nghiệp và sự
phát triển chung của kinh tế Thủ đô, bảo đảm từng bước nâng cao thu nhập tiền
lương, tiền công người lao động. Hàng năm, dành 50% tăng thu ngân sách Thành phố
(tăng thu dự toán năm sau so với năm trước và tăng thu thực hiện so với dự
toán) cho cải cách tiền lương.
- Xây dựng kế hoạch tổng thể và các đề án, chương
trình cụ thể để tiến hành rà soát chức năng, nhiệm vụ và bố trí, sắp xếp bộ máy
phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, các chính sách đặc
thù về cải cách tiền lương khu vực hành chính sự nghiệp và khu vực sản xuất
kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn Thành phố.
- Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng
ngân sách Nhà nước đối với đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị có
giá trị lớn; tiết kiệm tối đa các khoản chi thường xuyên ngoài lương; giảm dần
một số chế độ phụ cấp, bồi dưỡng làm đề án, hội thảo, hội họp; khoán quỹ lương,
tiến tới đưa tiền lương thành thu nhập chính của cán bộ, công chức, viên chức
Thành phố.
2. Về chính sách bảo hiểm xã hội
- Nâng cao nhận thức, tăng cường vai trò, trách nhiệm
của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị -
xã hội Thành phố trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách, chế độ bảo
hiểm xã hội; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trách nhiệm tự
giác tham gia bảo hiểm xã hội của mọi tầng lớp nhân dân Thành phố.
- Nghiên cứu, tham mưu, đề xuất bổ sung, hoàn thiện
hệ thống chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội; trong đó, quy định rõ vai
trò, trách nhiệm cụ thể của các cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội;
nâng cao năng lực quản lý quỹ bảo hiểm xã hội; mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã
hội đến người lao động; phấn đấu đến năm 2020 có trên 55% số người trong độ tuổi
lao động của Thành phố tham gia bảo hiểm xã hội, trên 45% lực lượng lao động
tham gia bảo hiểm thất nghiệp, trên 85% dân số tham gia bảo hiểm y tế; thực hiện
tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động; bảo đảm công bằng về
lợi ích kinh tế cho người lao động ở các khu vực kinh tế khác nhau.
- Triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các quy
định về bảo hiểm xã hội. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà
cho người tham gia bảo hiểm xã hội; nâng cao chất lượng dịch vụ và công tác thực
hiện các chế độ, chính sách.
- Tăng cường quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội; đẩy
mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo hiểm xã hội; mở
rộng đối tượng, thực hiện thu đúng, kịp thời, chống thất thu, khắc phục tình trạng
nợ đọng bảo hiểm xã hội trên địa bàn Thành phố.
3. Về chính sách ưu đãi người
có công
- Triển khai đồng bộ và thực hiện đầy đủ, kịp thời,
chu đáo kịp thời các chính sách ưu đãi người có công theo quy định tại Pháp lệnh
số 04/2012/UBTVQH13 và Pháp lệnh số 05/2012/UBTVQH13 sửa đổi, bổ sung một số điều
của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, với
các nội dung: Xác nhận đối tượng, chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi mới đối với
người có công.
- Giải quyết tốt số đối tượng không có hồ sơ gốc
theo hướng dẫn của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trong năm 2014-2015. Tổng
kết, rà soát việc công nhận người có công.
- Thực hiện nghiêm túc, kịp thời chế độ, chính sách
trợ cấp ưu đãi người có công. Đưa mức chuẩn của người có công bảo đảm tương ứng
mức chi tiêu bình quân toàn xã hội để người có công có mức sống trung bình khá
trong xã hội; phấn đấu đến năm 2020 Thành phố không còn hộ người có công với
cách mạng thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo; tuyệt đối không để hộ người có công với
cách mạng tái nghèo.
- Năm 2013, tập trung thực hiện các chính sách mới
và điều chỉnh trợ cấp, phụ cấp và bảo hiểm y tế theo Nghị định số 31/2013/NĐ-CP
ngày 09/4/2013 của Chính phủ với các đối tượng người có công và thân nhân của họ;
thực hiện các chế độ ưu đãi khác theo Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg , Quyết định
số 142/2008/QĐ-TTg , Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg , Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg
của Thủ tướng Chính phủ.
- Thực hiện tốt Kế hoạch số 178/KH-UBND ngày
26/12/2012 của UBND thành phố Hà Nội về việc hành động khắc phục cơ bản hậu quả
chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định
hướng đến năm 2020.
- Năm 2014: Tổ chức tốt việc tổng kết 20 năm thực
hiện Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”;
qua đó biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích công lao
trong công tác chăm sóc, đỡ đầu, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
- Năm 2017: Tôn vinh các tập thể, cá nhân làm tốt
công tác “Đền ơn đáp nghĩa” của Thành phố nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương
binh-Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017).
- Nghiên cứu, đề xuất các chính sách đặc thù về trợ
cấp ưu đãi người có công, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thành phố; đồng
thời, tiếp tục rà soát việc công nhận người có công với cách mạng, đảm bảo đúng
quy định.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Lao động Thương binh và Xã hội
- Là cơ quan thường trực, phối hợp với các sở, ban,
ngành, UBND quận, huyện, thị xã, đơn vị liên quan xây dựng các cơ chế, chính
sách cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có
công và định hướng cải cách đến năm 2020, trình UBND Thành phố.
- Tham mưu xây dựng và hoàn thiện các cơ chế quản
lý chính sách về vấn đề cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội khu vực sản xuất
kinh doanh; trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020
trên địa bàn Thành phố.
- Đề xuất các chính sách đặc thù về cải cách tiền
lương khu vực sản xuất kinh doanh; trợ cấp ưu đãi người có công; đảm bảo an sinh
xã hội trên địa bàn Thành phố.
- Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Bộ Luật
lao động, Luật Bảo hiểm xã hội và chính sách ưu đãi người có công theo quy định
của Pháp luật; xử lý kịp thời những sai phạm trong quá trình tổ chức thực hiện
Pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội và chính sách ưu đãi người có công.
- Tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ các sở, ban,
ngành liên quan, UBND quận, huyện, thị xã về Luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội,
Pháp luật ưu đãi Người có công với cách mạng, Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh
dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”...
- Tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát
tình hình thực hiện và định kỳ báo cáo UBND Thành phố; tổ chức sơ kết 5 năm và
tổng kết vào năm 2020 trên địa bàn Thành phố.
- Thường xuyên đôn đốc các đơn vị báo cáo kết quả
thực hiện, tổng hợp báo cáo UBND Thành phố.
2. Sở Nội vụ
- Tham mưu xây dựng và hoàn thiện chính sách cải
cách tiền lương khu vực hành chính sự nghiệp, sự nghiệp có thu, doanh nghiệp
công ích và định hướng cải cách đến năm 2020 trên địa bàn Thành phố.
- Nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện việc kiện toàn
tổ chức bộ máy quản lý, cải cách thủ tục hành chính, đổi mới cơ chế hoạt động,
cơ chế tài chính gắn với chính sách cải cách tiền lương khu vực hành chính sự
nghiệp, sự nghiệp có thu và doanh nghiệp công ích.
- Theo dõi, lập kế hoạch về cải cách tiền lương khu
vực hành chính sự nghiệp, sự nghiệp có thu và doanh nghiệp công ích trên địa
bàn Thành phố.
- Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc bố trí, sắp xếp
bộ máy quản lý và các cơ quan chuyên môn của Thành phố; thực hiện chính sách tiền
lương trong khu vực hành chính sự nghiệp, sự nghiệp có thu, doanh nghiệp công
ích của Thành phố.
- Hàng quý tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về
UBND Thành phố (qua Sở Lao động Thương binh và Xã hội).
3. Bảo hiểm xã hội Thành phố
- Tham mưu xây dựng và hoàn thiện chính sách cải
cách chính sách bảo hiểm xã hội để phấn đấu đạt các mục tiêu về bảo hiểm xã hội
theo Kế hoạch của UBND Thành phố đến năm 2020.
- Theo dõi, lập kế hoạch, đề xuất các chính sách đặc
thù về chế độ bảo hiểm xã hội trên địa bàn Thành phố.
- Tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo
hiểm xã hội; xử lý kịp thời những sai phạm trong quá trình tổ chức thực hiện
Pháp luật về bảo hiểm xã hội trong phạm vi quản lý.
- Hàng quý tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về
UBND Thành phố (qua Sở Lao động Thương binh và Xã hội).
4. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Tổng hợp các nguồn vốn đầu tư đảm bảo cấp đủ kinh
phí cho các kế hoạch, đề án, dự án thuộc Kế hoạch; Xây dựng kế hoạch nguồn vốn
đầu tư thực hiện chương trình từng năm và cả giai đoạn theo Kế hoạch của UBND
Thành phố.
- Bố trí kế hoạch ngân sách hàng năm, hướng dẫn lập
dự toán thực hiện đề án, dự án theo Kế hoạch của UBND Thành phố.
- Theo dõi, lập kế hoạch bảo đảm đủ kinh phí để triển
khai và thực hiện đề án, các chính sách đặc thù về cải cách tiền lương, bảo hiểm
xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, đảm bảo an sinh xã hội.
5. Các Sở, Ban, ngành Thành phố
- Căn cứ Kế hoạch của UBND Thành phố, tình hình thực
tiễn của đơn vị để vận dụng, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và phối hợp
thực hiện kế hoạch hàng năm của đơn vị.
- Định kỳ báo cáo UBND Thành phố kết quả thực hiện
(qua Sở Lao động Thương binh và Xã hội).
6. UBND các quận, huyện, thị xã
- Cụ thể hóa nhiệm vụ, giải pháp về vấn đề cải cách
tiền lương, bảo hiểm xã hội; trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải
cách đến năm 2020 theo Kế hoạch thực hiện của UBND Thành phố vào kế hoạch hàng
năm của địa phương.
- Xây dựng đề án, kế hoạch tổ chức triển khai thực
hiện vấn đề cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công
và định hướng cải cách đến năm 2020; Phát huy vai trò của chính quyền, Mặt trận
Tổ quốc và các đoàn thể ở địa phương, tăng cường phối hợp giữa các cấp, các
ngành trong triển khai thực hiện kế hoạch.
- Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Bộ Luật
lao động, bảo hiểm xã hội và chính sách ưu đãi người có công theo quy định của
Pháp luật; xử lý kịp thời những sai phạm trong quá trình tổ chức thực hiện Pháp
luật về lao động, bảo hiểm xã hội và chính sách ưu đãi người có công.
- Tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát
tình hình thực hiện và định kỳ báo cáo UBND Thành phố; tổ chức sơ kết 5 năm và
tổng kết vào năm 2020 trên địa bàn Thành phố.
- Thường xuyên đôn đốc các đơn vị báo cáo kết quả
thực hiện và báo cáo UBND Thành phố (qua Sở Lao động Thương binh và Xã hội).
7. Đề nghị Ủy ban MTTQ Thành phố và các tổ chức
chính trị - xã hội
Tích cực tham gia thực hiện, tuyên truyền, kiểm
tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch của Thành ủy, Kế hoạch của UBND Thành phố.
8. Các cơ quan báo, đài của Thành phố
Xây dựng chuyên trang, chuyên mục và chương trình,
dành thời lượng tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo diễn đàn trao đổi, đóng
góp ý kiến thực hiện Kế hoạch của Thành ủy và Kế hoạch của UBND Thành phố về “một
số vấn đề cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và
định hướng cải cách đến năm 2020”.
9. Đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy
Chỉ đạo Ban Tuyên giáo các quận, huyện, thị xã; chỉ
đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí của Hà Nội tuyên truyền các nội dung Nghị
quyết, Kế hoạch của Thành ủy, Kế hoạch của UBND Thành phố, các nội dung liên
quan của Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Pháp lệnh ưu đãi người có công với
cách mạng, Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh
hùng”...
10. Đề nghị các Ban Đảng Thành ủy
Phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy hướng dẫn các
tổ chức cơ sở Đảng tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung Nghị quyết, Kế hoạch của
Thành ủy, Kế hoạch thực hiện của UBND Thành phố đến đông đảo cán bộ, đảng viên,
chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện.
IV. THỜI GIAN THỰC HIỆN
1. Từ tháng 10 năm 2013 đến tháng 11 năm 2013: Các
sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch thực hiện của cấp
mình, địa phương mình.
2. Từ tháng 12 năm 2013 đến tháng 12 năm 2017: Các
sở, ban, ngành; UBND các quận, hụyện, thị xã triển khai thực hiện kế hoạch.
3. Năm 2018: Các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện,
thị xã sơ kết 5 năm việc thực hiện kế hoạch.
4. Năm 2020: Thành phố tổng kết việc thực hiện Kế
hoạch.
Ủy ban nhân dân Thành phố đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Thành phố, các đoàn thể; yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện,
thị xã thực hiện tốt Kế hoạch này, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện với UBND
Thành phố (qua Sở Lao động Thương binh và Xã hội) để tổng hợp báo cáo Ban Thường
vụ Thành ủy./.
Nơi nhận:
- Đ/c Bí thư Thành ủy; để báo cáo
- Thường trực Thành ủy; để báo cáo
- Thường trực HĐND TP; để báo cáo
- Đ/c Chủ tịch UBND TP; để báo cáo
- Các đ/c PCT UBND TP;
- Ủy ban MTTQ TP;
- Các Ban Đảng Thành ủy;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể TP;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- Các cơ quan báo, đài HN;
- Văn phòng TU, VP ĐĐBQH&HĐND TP;
- VPUB: CVP, các PVP, các phòng chuyên viên;
- Lưu: VT, VX(Tue).
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thị Bích Ngọc
|