LIÊN TỊCH
SỞ GIÁO DỤC ĐÀO TẠO - BẢO HIỂM XÃ HỘI TP. HỒ CHÍ MINH
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3281/LT-SGD&ĐT-BHXH
|
Tp. Hồ Chí
Minh, ngày 14 tháng 08 năm 2012
|
HƯỚNG DẪN
THỰC HIỆN BẢO HIỂM
Y TẾ HỌC SINH SINH VIÊN
- Căn cứ Luật bảo hiểm y tế ngày 14 tháng 11
năm 2008;
- Căn cứ Nghị định số 62/2009/NĐ-CP ngày 27 tháng
7 năm 2009 của Chính phủ “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều
của Luật bảo hiểm y tế”; Thông tư liên tịch số 09/2009/TTLT-BYT-TC ngày 14 tháng
8 năm 2009 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính; Quyết định số 1111/QĐ-BHXH ngày 25/10/2011
của Tổng giám đốc BHXH Việt Nam về việc ban hành Quy định quản lý thu bảo hiểm
xã hội, bảo hiểm y tế; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế;
- Căn cứ Chỉ thị số 25/2011/CT-UBND ngày 01/8/2011
của Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về việc tăng cường thực hiện Luật Bảo
hiểm xã hội và Luật Bảo hiểm y tế trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Liên Sở Giáo dục – Đào tạo và Bảo hiểm xã hội
thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn thực hiện công tác Bảo hiểm y tế Học sinh, sinh
viên (BHYT HSSV) tại các trường học trên địa bàn thành phố như sau:
I/ Đối tượng tham gia, mức đóng, phương thức đóng
tiền BHYT:
1. Đối tượng tham gia: Học sinh, sinh viên
(ngoại trừ những em đã tham gia BHYT theo các nhóm đối tượng khác theo quy định
của Luật BHYT) đang theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục
quốc dân trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, đều là đối tượng có trách nhiệm
tham gia BHYT bắt buộc.
2. Mức đóng BHYT HSSV:
- Theo quy định mức đóng BHYT HSSV là 3% mức lương tối thiểu chung.
+ Áp dụng cho năm học 2012-2013 (12 tháng) là: 378.000 đồng.
Trong đó:
* HSSV đóng: 264.600 đồng.
* Ngân sách nhà nước hỗ trợ: 113.400
đồng.
+ Đối với HSSV thuộc diện cận nghèo,
nếu chưa tham gia BHYT tại địa phương và có xác nhận của Ban chỉ đạo giảm hộ
nghèo tăng hộ khá, thì mức đóng BHYT là 189.000 đồng, ngân sách nhà nước sẽ hỗ
trợ phần còn lại
- Khi Nhà nước quy định mức đóng BHYT
mới, cơ quan BHXH sẽ có thông báo cụ thể cho các trường.
- Đối với HSSV có thẻ BHYT bắt buộc
thuộc nhóm đối tượng khác: lưu học sinh; thân nhân của các đối tượng theo quy
định pháp luật (sĩ quan Quân đội nhân dân, nghĩa vụ quân sự, Công an nhân dân,
Cơ yếu); HSSV thuộc hộ nghèo, cận nghèo…đã được cấp thẻ BHYT bắt buộc theo quy
định của Chính phủ, nhà trường lập danh sách riêng kèm theo bản photocopy thẻ
BHYT (còn giá trị) theo dõi và tính chung vào tỷ lệ tham gia của nhà trường để
được cấp kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu.
- HSSV có thẻ BHYT thuộc nhóm đối tượng
khác (Trẻ em dưới 6 tuổi; Thân nhân sĩ quan, hạ sĩ quan chiến sĩ; Thân nhân
CAND, nghèo…) nếu hết hạn sử dụng (và không tiếp tục tham gia theo nhóm đối
tượng khác nữa) thì tiếp tục tham gia BHYT theo nhóm HSSV ngay từ tháng tiếp
theo đến hết thời hạn chung là ngày 30 tháng 9 hằng năm.
3. Phương thức đóng: Các trường tổ chức thu tiền đóng BHYT-HSSV theo quy định tại khoản 2, Mục
I trên đây, chuyển nộp cho cơ quan BHXH kèm danh sách HSSV tham gia BHYT (theo
mẫu đính kèm).
II/ Phạm vi, quyền lợi BHYT:
1. Phạm vi bảo hiểm y tế HSSV bao gồm:
Chăm sóc sức khỏe ban đầu – Khám chữa bệnh Ngoại trú – Nội trú – Tai nạn giao
thông.
2. Quyền lợi của HSSV khi tham gia BHYT:
- Theo quy định của Luật BHYT, Nghị định số 62/2009/NĐ-CP
và Thông tư liên tịch số 09/2009/TTLT-BYT-TC.
- Học sinh, sinh viên được đăng ký khám chữa bệnh
KCB ban đầu tại các Bệnh viện quận, huyện và tương đương; các Bệnh viện đa khoa
tuyến Tỉnh và tương đương theo danh sách của cơ quan BHXH cung cấp.
- Trường hợp đi KCB trái tuyến (không đúng cơ sở
y tế đăng ký ban đầu) và có trình thẻ, thì được hưởng quyền lợi KCB theo hạng Bệnh
viện như sau:
+ Được thanh toán 70% chi phí nếu KCB tại các Bệnh
viện hạng III.
+ Được thanh toán 50% chi phí nếu KCB tại các Bệnh
viện hạng II.
+ Được thanh toán 30% chi phí nếu KCB tại các Bệnh
viện hạng I.
- Thẻ BHYT có thời hạn sử dụng là 12 tháng từ ngày
01 tháng 10 đến ngày 30 tháng 9 năm sau.
- Trường hợp trường có nhiều khóa học ngắn hạn khác
nhau dưới 12 tháng thì nhà trường tổ chức thu tiền BHYT theo từng khóa học, thẻ
BHYT được cấp có giá trị sử dụng từ ngày đầu tháng nhập học đến kết thúc khóa
học. Nếu khóa học trên 12 tháng thì tổ chức thu tiền BHYT đến ngày 30 tháng 9
năm sau, từ ngày 01 tháng 10 năm sau sẽ tổ chức thu chung với các học sinh khác
đến khi kết thúc khóa học.
3. Trích, quản lý, sử dụng kinh phí chăm sóc sức
khỏe ban đầu:
- Kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu bằng 10,8% tổng
số tiền đóng BHYT HSSV (bao gồm số tiền do HSSV đóng và phần do ngân sách Nhà
nước hỗ trợ), được cơ quan BHXH cấp ngay sau khi nhà trường chuyển tiền và nộp
danh sách đóng BHYT của HSSV.
- Tất cả các HSSV đã tham gia BHYT theo các nhóm
đối tượng khác cũng được cơ quan BHXH cấp 10,8% kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu
như những HSSV đóng tiền tại trường.
Mức kinh phí CSSK ban đầu, áp dụng cho năm học 2012-2013
là 40.824 đồng/1 HSSV.
- Các trường lập hồ sơ (theo mẫu đính kèm) chuyển
cho cơ quan BHXH, đồng thời với việc chuyển tiền và danh sách đóng BHYT của
HSSV, để được nhận kịp thời khoản kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu theo quy
định trên đây.
4. Nội dung chi kinh phí
chăm sóc sức khỏe ban đầu:
Nội dung chi kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu được
thực hiện theo Thông tư số 14/2007/TT-BTC ngày 08/3/2007 của Bộ Tài chính, các
nội dung chi ưu tiên theo thứ tự sau:
4.1- Chi tiền tiền lương và các khoản đóng góp theo
lương đối với người làm công tác y tế trường học theo chế độ hợp đồng; chi tiền
làm việc ngoài giờ và tiền công tác phí đối với cán bộ phụ trách y tế trường
học.
Sở Giáo dục – Đào tạo và Bảo hiểm xã hội thành phố
Hồ Chí Minh sẽ có văn bản hướng dẫn riêng cụ thể nội dung, định mức khoản chi
này.
4.2- Chi hỗ trợ khám sức khỏe định kỳ đầu năm học
theo quy định hiện hành cho các trường hợp tham gia BHYT.
4.3- Chi mua thuốc thiết yếu cho Trạm y tế các trường
tại danh mục ban hành theo Quyết định số 1220/QĐ-BYT ngày 07/4/2008 của Bộ Y tế.
4.4- Chi mua trang thiết bị, vật tư y tế cho phòng
y tế các trường học tại danh mục ban hành theo Quyết định số 1221/QĐ-BYT ngày
07/4/2008 của Bộ Y tế.
4.5- Chi hỗ trợ tổ chức các hoạt động tư vấn giáo
dục sức khỏe, phòng bệnh.
4.6- Chi tham gia tập huấn, học tập nâng cao kiến
thức chuyên môn cho cán bộ phụ trách y tế trường học theo văn bản hướng dẫn
liên tịch riêng.
4.7- Chi mua văn phòng phẩm, tài liệu phục vụ giáo
dục và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV.
5. Quyết toàn kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu:
5.1- Tiền lương (và các khoản đóng góp theo lương);
tiền làm việc ngoài giờ, tiền công tác phí của cán bộ y tế trường học. Hồ sơ
gồm: Hợp đồng lao động, bảng thanh toán tiền lương; tiền lương ngoài giờ, phiếu
chi tiền công tác phí.
5.2- Tổ chức khám sức khỏe định kỳ và phân loại sức
khỏe cho HSSV 01 lần/năm theo mức giá tại Thông tư số 14/TTLB ngày 30/9/1995
của Liên Bộ Y tế - Tài chính – Lao động Thương binh và Xã hội – Ban Vật giá
Chính phủ. Hồ sơ gồm: Hợp đồng và bảng tổng hợp số lượng HSSV được khám sức
khỏe; phiếu thu hoặc hóa đơn.
5.3- Chi mua thuốc, vật tư y tế. Hồ sơ gồm: Hóa đơn
mua thuốc, vật tư yế tế.
5.4- Chi hỗ trợ các hoạt động (tư vấn, giảng dạy,
tuyên truyền, phòng dịch vệ sinh môi trường…). Hồ sơ gồm: Danh sách người dự,
giảng viên; phiếu chi.
5.5- Chi khác (tập huấn, hội nghị phí, văn phòng
phẩm, hồ sơ bệnh án, tủ tài liệu, tủ thuốc). Hồ sơ gồm: Hóa đơn; phiếu chi.
- Chậm nhất đến hết ngày 30 tháng 7 hằng năm, khi
kết thúc niên học, nhà trường có trách nhiệm tập hợp các chi phí trên vào mẫu
số 03/QT (04 bản) kèm theo hóa đơn, chứng từ quyết toán lại với cơ quan BHXH.
- Nguồn kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu trong
năm học nếu chưa sử dụng hết, được chuyển sang năm học sau để sử dụng tại trường.
6. Hỗ trợ thu:
Các trường được nhận khoản kinh phí tính bằng 2%
trên tổng số tiền BHYT thực thu từ HSSV để chi hỗ trợ cho những người thực hiện
công tác thu BHYT HSSV tại đơn vị.
III/ Tổ chức thực hiện:
1. Nhà trường thực hiện BHXH cho CBCNV và giáo viên
tại cơ quan BHXH nào thì đăng ký tham gia BHYT cho HSSV tại cơ quan BHXH đó
(các trường hợp khác với quy định trên, sẽ có văn bản hướng dẫn phân cấp
riêng).
2. Căn cứ các văn bản, tài liệu, hướng dẫn, các thông
báo, tờ rơi…do cơ quan BHXH cung cấp, nhà trường tổ chức phổ biến đến HSSV và
phụ huynh học sinh để phối hợp chặt chẽ với nhà trường triển khai thực hiện.
3. Các trường thành lập bộ phận thu BHYT HSSV để
thực hiện:
- Tổ chức thu tiền đóng BHYT của HSSV theo mức quy
định.
- Lập danh sách HSSV tham gia BHYT theo mẫu đính
kèm (bao gồm cả số HSSV đã tham gia BHYT theo các nhóm đối tượng khác).
- Chuyển tiền đóng BHYT, hồ sơ, dữ liệu cho cơ quan
BHXH để phát hành thẻ cho HSSV đồng thời tiếp nhận kinh phí chăm sóc sức khỏe
ban đầu cho HSSV.
Để bảo đảm việc phát hành thẻ BHYT cho HSSV trước
ngày thẻ có hiệu lực ngày 01 tháng 10, nhà trường cần nộp danh sách HSSV tham
gia BHYT và chuyển nộp tiền vào tài khoản của cơ quan BHXH trước ngày 20 tháng
9 hằng năm.
Để tránh áp lực các khoản thu đầu năm cho phụ huynh
học sinh, nhà trường có thể thu nhiều đợt BHYT nộp cho cơ quan BHXH. Trường hợp
các trường lập danh sách và chuyển nộp tiền vào tài khoản của cơ quan BHXH sau
ngày 20 tháng 9 hoặc nộp bổ sung đợt 2, đợt 3 (nếu có) sau ngày 01 tháng 10 năm
trước thì vẫn tiếp nhận giải quyết và thẻ BHYT được cấp vẫn có giá trị sử dụng
từ ngày 01 tháng 10 đến ngày 30 tháng 9 năm sau. Thời gian chưa có thẻ nếu có
phát sinh chi phí KCB thì sẽ được cơ quan BHXH thanh toán theo quy định.
4. Theo Luật BHYT, người tham gia BHYT khi đến KCB
phải xuất trình thẻ BHYT cùng với giấy tờ chứng minh nhân thân của người đó có
dán ảnh, do vậy, đối với HSSV dưới 14 tuổi chưa được cấp Chứng minh nhân dân (kể
cả những em đã được cấp thẻ BHYT theo các nhóm đối tượng khác theo Luật BHYT),
nhà trường cung cấp danh sách, dữ liệu, để cơ quan BHXH in thẻ học sinh chuyển
lại cho nhà trường dán hình và đóng dấu giáp lai. Khi đi khám bệnh xuất trình
thẻ BHYT và thẻ học sinh có dán hình để được hưởng quyền lợi BHYT theo quy định.
5. Cơ quan BHXH quận, huyện phối hợp chặt chẽ với
Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các đơn vị trường học
trên địa bàn để thực hiện BHYT cho HSSV theo đúng Luật BHYT và hướng dẫn trên
đây; kịp thời báo cáo về Bảo hiểm xã hội thành phố (Phòng Thu) – Sở Giáo dục và
Đào tạo (Phòng Công tác Học sinh Sinh viên) những vấn đề vượt quá thẩm quyền để
được hướng dẫn giải quyết.
Nhằm thực hiện tốt Luật bảo hiểm y tế, khi nhận được
hướng dẫn này đề nghị Ban giám hiệu các trường phối hợp với cơ quan BHXH, tổ
chức cho HSSV tham gia BHYT theo quy định./.
GIÁM ĐỐC
SỞ GIÁO DỤC ĐÀO TẠO
Lê Hồng Sơn
|
GIÁM ĐỐC
BẢO HIỂM XÃ HỘI
Cao Văn Sang
|
Nơi nhận:
- BHXH Việt Nam; UBND TP. HCM (để báo
cáo);
- Sở Y Tế; Sở Tài chính (để phối hợp);
- Các trường học trên địa bàn thành phố;
- Các phòng chức năng Sở GD&ĐT; BHXH/TP;
- Phòng GD&ĐT, BHXH quận, huyện;
- Đăng tải trên website BHXH/TP, Sở GD&ĐT;
- Lưu VT, P.Thu (T, 02b).
|