BẢO HIỂM XÃ HỘI
VIỆT NAM
HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
3885/CTr-BHXH-HND
|
Hà Nội, ngày 28
tháng 09 năm 2012
|
CHƯƠNG TRÌNH
PHỐI
HỢP THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH BHXH, BHYT GIỮA BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM VÀ HỘI NÔNG
DÂN VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2012-2015
Căn cứ Nghị định số 94/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008
quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội
Việt Nam và Nghị định số 116/2011/NĐ-CP ngày 14/12/2011 của Chính phủ sửa đổi một
số điều của Nghị định số 94/2008/NĐ-CP;
Căn cứ Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam;
Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam
thống nhất ký Chương trình phối hợp tuyên truyền thực hiện chính sách bảo hiểm
xã hội, bảo hiểm y tế (BHXH, BHYT) giai đoạn 2012-2015 như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền, nâng cao
nhận thức cho người dân ở khu vực nông thôn hiểu rõ hơn về quyền lợi và trách
nhiệm khi tham gia BHXH, BHYT nhất là BHXH, BHYT tự nguyện; vai trò trụ cột của
chính sách BHXH, BHYT trong nền an sinh xã hội của đất nước để người dân ở nông
thôn tự nguyện tham gia và hưởng quyền lợi về BHXH, BHYT được bình đẳng như những
đối tượng khác trong xã hội.
- Xây dựng cơ chế phối hợp giữa Hội Nông dân Việt
Nam và ngành Bảo hiểm xã hội từ trung ương đến địa phương nhằm phát huy khả
năng và thế mạnh của mỗi bên trong công tác phổ biến, tuyên truyền, thực hiện tốt
chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT cho người dân ở khu vực nông thôn.
- Chương trình phối hợp là cơ sở để Bảo hiểm xã hội
Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam chỉ đạo phối hợp thống nhất chặt chẽ ở các cấp
Bảo hiểm xã hội, Hội Nông dân địa phương thực hiện chính sách, pháp luật BHXH,
BHYT cho nông dân.
2. Yêu cầu
- Phát huy tính chủ động của các cấp Hội Nông dân
và cơ quan Bảo hiểm xã hội trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình phối
hợp.
- Phổ biến chính sách BHXH, BHYT qua đó giúp nông
dân hiểu biết hơn về những chính sách này để tham gia.
- Chú trọng bồi dưỡng kiến thức pháp luật về BHXH,
BHYT cho đội ngũ cán bộ Hội Nông dân từ trung ương đến địa phương.
- Đảm bảo tính kế hoạch, sự phối hợp đồng bộ giữa
các đơn vị chức năng thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam.
II. NỘI DUNG PHỐI HỢP
1. Đẩy mạnh công tác phối hợp
thực hiện chính sách BHXH, BHYT, trọng tâm là tuyên truyền nâng cao nhận thức
pháp luật về BHXH, BHYT, vận động nông dân tham gia BHXH, BHYT tự nguyện.
- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến những
nội dung cơ bản của Luật BHXH, Luật BHYT cho cán bộ, hội viên Hội Nông dân để
cán bộ Hội các cấp nắm vững mọi chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và
Nhà nước về BHXH, BHYT. Trên cơ sở đó tuyên truyền, vận động bà con nông dân
tham gia BHXH, BHYT.
- Phối hợp tuyên truyền những quy định của chính
sách BHXH, BHYT về quyền, nghĩa vụ, điều kiện, mức đóng, mức hưởng của người
tham gia.
- Phối hợp tuyên truyền những quy định về thủ tục,
hồ sơ, quy trình, phương thức đăng ký tham gia BHXH, BHYT.
- Tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng kỹ năng nghiệp
vụ tuyên truyền BHXH, BHYT cho đội ngũ cán bộ Hội Nông dân các cấp.
- Xây dựng nội dung, cải tiến hình thức tuyên truyền,
vận động nhân dân tham gia BHXH, BHYT phù hợp với các nhóm đối tượng.
2. Chỉ đạo Hội Nông dân và Bảo
hiểm xã hội các cấp triển khai thực hiện BHXH, BHYT đến mọi người dân ở khu vực
nông thôn.
- Gắn việc tuyên truyền thực hiện chính sách, pháp
luật về BHXH, BHYT với nội dung cuộc vận động xây dựng nông thôn mới.
- Phối hợp với các ngành: Lao động - Thương binh
& Xã hội, Tài chính, Y tế theo dõi và thực hiện chính sách hỗ trợ BHYT cho
đối tượng thuộc hộ cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, các đối tượng chính sách xã hội
thực hiện BHYT trong khu vực nông thôn.
3. Phối hợp xây dựng và thực hiện
mô hình thí điểm về BHXH, BHYT tự nguyện, bao gồm:
- Mô hình thí điểm tuyên truyền, vận động tham gia
BHXH, BHYT tự nguyện đối với các thành viên, người lao động tại các mô hình
kinh tế trang trại ở nông thôn.
- Mô hình thí điểm tuyên truyền, vận động tham gia
BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo.
- Mô hình thí điểm tuyên truyền, vận động tham gia
BHXH tự nguyện đối với xã viên hợp tác xã.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Căn cứ vào nội dung Chương trình phối hợp
tuyên truyền, hai bên phối hợp xây dựng chương trình kế hoạch tuyên truyền cụ
thể cho từng năm và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức thực hiện.
2. Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao Ban Tuyên
truyền; Hội Nông dân Việt Nam giao Ban Xã hội - Dân số, Gia đình là đơn vị đầu
mối phối hợp giữa hai cơ quan. Đơn vị đầu mối có trách nhiệm xây dựng kế hoạch
và giám sát việc thực hiện của các bên để thực hiện đúng mục tiêu kế hoạch hàng
năm.
3. Hằng năm, Hội Nông dân Việt Nam và Bảo hiểm
xã hội Việt Nam tổ chức tổng kết đánh giá kết quả thực hiện thỏa thuận phối hợp
thực hiện chính sách BHXH, BHYT và kết quả triển khai thực hiện các mô hình thí
điểm để kiến nghị những giải pháp thực hiện cho các năm tiếp theo.
IV. TRÁCH NHIỆM CỦA MỖI BÊN
1. Bảo hiểm xã hội Việt Nam
- Hằng năm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông báo với
Hội Nông dân Việt Nam về kinh phí hỗ trợ phối hợp tuyên truyền trong năm đồng
thời ký thỏa thuận hợp tác tuyên truyền; hỗ trợ kinh phí để triển khai thực hiện
các mô hình thí điểm.
- Hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ giúp cho các cấp Hội
Nông dân triển khai nội dung của Chương trình phối hợp.
- Chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các cấp có trách nhiệm phối
hợp với các cấp Hội Nông dân triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình
phối hợp.
2. Hội Nông dân Việt Nam
- Chủ trì triển khai thực hiện Chương trình phối hợp.
- Chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền chính
sách BHXH, BHYT theo nội dung chủ đề đã được hai bên thống nhất.
- Chỉ đạo Hội Nông dân các cấp xây dựng chương
trình phối hợp với Bảo hiểm xã hội các cấp phát triển đối tượng nông dân tham
gia BHXH, BHYT đạt kết quả cao.
- Sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí Bảo hiểm xã hội
Việt Nam hỗ trợ để thực hiện Chương trình phối hợp.
V. THỎA THUẬN CHUNG
- Chương trình phối hợp tuyên truyền thực hiện
chính sách BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2015 là cơ sở pháp lý để Bảo hiểm xã hội
Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam triển khai thực hiện kế hoạch phối hợp hàng
năm.
- Chương trình phối hợp có hiệu lực kể từ ngày ký
và sẽ chấm dứt hiệu lực khi được thay thế bằng Ghương trình hợp tác tiếp theo.
- Trong quá trình phối hợp, nếu phát sinh nhu cầu mới
về nội dung hợp tác, hai bên sẽ cùng xem xét, thống nhất giải quyết.
- Văn bản ký kết được lập thành 04 bản, có giá trị
pháp lý như nhau, mỗi bên giữ 02 bản./.
BẢO HIỂM XÃ HỘI
VIỆT NAM
KT. TỔNG GIÁM ĐỐC
PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC
Đỗ Văn Sinh
|
HỘI NÔNG DÂN VIỆT
NAM
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lều Vũ Điều
|
Nơi nhận:
- Lãnh đạo BHXHVN, Hội Nông dân VN (để
chỉ đạo);
- BHXH Việt Nam: các đơn vị trực thuộc, BHXH các tỉnh, thành phố (để phối hợp
thực hiện);
- HND Việt Nam: các đơn vị trực thuộc, HND các cấp (để phối hợp thực hiện);
- Lưu: VT, Ban TT.
|
|