THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 34/CT-TTg
|
Hà
Nội, ngày 26 tháng 12 năm 2016
|
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN ĐỒNG BỘ CÁC NHÓM GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN ĐỐI TƯỢNG
THAM GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI
Bảo hiểm xã hội là chính sách quan trọng
trong chính sách an sinh xã hội, đã được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm chỉ
đạo, được các bộ, ngành và địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện. Chính
sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất
nghiệp (sau đây gọi chung là bảo hiểm xã hội) đã từng bước
được hoàn thiện, góp phần ổn định việc làm, thu nhập và đời sống của người lao
động, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế. Nhiều kết quả quan trọng đã đạt
được như: Số người tham gia bảo hiểm xã hội hàng năm đều
tăng; các chế độ bảo hiểm xã hội được bổ sung, hoàn thiện theo hướng bảo đảm
hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động; lương hưu của người nghỉ hưu từng bước được cải thiện, bảo hiểm thất nghiệp
đã bù đắp được một phần thu nhập cho người lao động khi bị mất việc làm, đồng
thời tạo điều kiện để người lao động có cơ hội tìm kiếm được việc làm mới phù hợp
để tiếp tục tham gia thị trường lao động. Cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp
tục được kiện toàn và phát triển đáp ứng yêu cầu thực hiện
chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được,
công tác bảo hiểm xã hội cũng bộc lộ một số hạn chế như: Đối tượng tham gia bảo
hiểm xã hội có tăng nhưng tỷ lệ bao phủ còn thấp, mới chỉ đạt khoảng 23% lực lượng
lao động, đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp chỉ đạt gần 20% lực lượng lao
động; nhận thức của một số người sử dụng lao động, người lao động về lĩnh vực bảo
hiểm xã hội còn hạn chế, tình trạng người lao động ngừng tham gia và yêu cầu nhận
bảo hiểm xã hội một lần còn phổ biến; tính tuân thủ pháp luật bảo hiểm xã hội
chưa cao, tình trạng trốn đóng, nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội còn diễn ra ở
nhiều doanh nghiệp, nhiều địa phương. Tính đến tháng 10 năm 2016, tổng số nợ bảo
hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp là 14,26 nghìn tỷ đồng, chiếm
6,05% so với kế hoạch giao thu.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên,
Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, Luật việc làm đã bổ sung nhiều quy định nhằm mở
rộng diện bao phủ của chính sách bảo hiểm xã hội; tăng cường sự công khai, minh
bạch và tính tuân thủ pháp luật bảo hiểm xã hội bắt buộc; tăng độ linh hoạt, tính hấp dẫn của chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện như hạ mức thu nhập tối thiểu
làm căn cứ đóng, bổ sung phương thức đóng 12 tháng một lần, một lần cho nhiều
năm, có chính sách hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện,...
để nhiều người có cơ hội, khả năng tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội.
Nhằm tổ chức thực hiện hiệu quả chính
sách bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, Luật việc
làm hướng tới mục tiêu phát triển đối tượng
tham gia bảo hiểm xã hội tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01 tháng 6 năm 2012 Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020 và Nghị quyết số 21-NQ/TW
ngày 22 tháng 11 năm 2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối
với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 - 2020, Thủ tướng
Chính phủ yêu cầu:
1. Bộ trưởng, Thủ
trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương quán triệt, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ,
nhóm giải pháp tại Nghị quyết số 15-NQ/TW và Nghị quyết số 21-NQ/TW; nỗ lực phấn
đấu hướng tới mục tiêu có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội,
35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp vào năm 2020 theo yêu cầu
Nghị quyết số 15-NQ/TW và Nghị quyết số 21-NQ/TW đã đề ra.
2. Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội
a) Chỉ đạo các địa phương chấn chỉnh
công tác khai trình lao động của các doanh nghiệp; yêu cầu các doanh nghiệp thực
hiện khai trình việc sử dụng lao động theo đúng quy định tại Nghị định số
03/2014/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi
hành một số điều của Bộ luật lao động về việc làm, Thông tư số
23/2014/TT-BLĐTBXH ngày 29 tháng 8 năm 2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã
hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 03/2014/NĐ-CP ngày 16
tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ
luật lao động về việc làm; thông báo
tình hình biến động lao động theo quy định tại Điều 32 Nghị định
số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết
thi hành một số điều của Luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp và Điều
16 Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31 tháng 7 năm 2015 của Bộ Lao động
- Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Điều 52 của Luật việc
làm và một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015
của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về bảo
hiểm thất nghiệp.
b) Xây dựng phần mềm quản lý lao động,
tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc khai trình, cập nhật
tình hình biến động lao động trong doanh nghiệp và kết nối với cơ sở dữ liệu của
cơ quan bảo hiểm xã hội để thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm
xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
c) Phối hợp chặt chẽ với Bảo hiểm xã
hội Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách
pháp luật về bảo hiểm xã hội, trong đó tập trung vào các
hoạt động đối thoại chính sách với người lao động, người sử dụng lao động.
d) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm
tra về bảo hiểm xã hội, trong đó tập trung thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm
đối với các đơn vị, doanh nghiệp cố tình trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội.
đ) Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện
chính sách bảo hiểm xã hội, trong đó có cơ chế, chính sách khuyến khích người
lao động bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, hạn chế nhận bảo hiểm xã hội một
lần; tạo điều kiện cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
3. Các bộ, ngành
liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình thực hiện chia sẻ, kết nối
thông tin, dữ liệu liên quan cần thiết với cơ quan bảo hiểm xã hội để quản lý
lao động, đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ
thông tin, dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh
nghiệp đăng ký lao động, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.
b) Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) chia
sẻ, kết nối thông tin, dữ liệu liên quan đến đơn
vị, doanh nghiệp đang hoạt động; số lao động đang làm việc tại các đơn vị,
doanh nghiệp.
4. Bảo hiểm xã hội
Việt Nam
a) Chỉ đạo cơ quan bảo hiểm xã hội
các địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn
vị chức năng xác định số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt
buộc, bảo hiểm thất nghiệp để đôn đốc, yêu cầu đơn vị, doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đầy đủ cho người lao động.
Kết nối thông tin, dữ liệu với các bộ,
ngành liên quan để quản lý được đơn vị,
doanh nghiệp đang hoạt động, thành lập mới; người lao động đang làm việc, thuộc
diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông trên
phạm vi cả nước, tiến tới thực hiện giao dịch điện tử đối với tất cả các hoạt động
trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
b) Triển khai đồng bộ, có hiệu quả
các hình thức thông tin, tuyên truyền về chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo
hiểm thất nghiệp.
c) Thực hiện thanh tra chuyên ngành
việc đóng bảo hiểm xã hội, trong đó tập trung thanh tra các đơn vị, doanh nghiệp
đang cố tình trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội, chưa tham gia đầy đủ cho số
lao động thuộc diện phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
d) Đổi mới cơ chế tổ chức thực hiện,
chuyển đổi tác phong phục vụ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hệ thống quản lý bảo hiểm xã hội; cải
cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ đảm bảo việc giải quyết
các chế độ bảo hiểm xã hội đầy đủ, kịp thời, đúng quy định của pháp luật.
đ) Mở rộng mạng lưới đại lý thu bảo
hiểm xã hội tự nguyện; có giải pháp khuyến khích các địa
phương vận động, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, đặc biệt là bảo hiểm xã hội tự nguyện.
5. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
a) Xây dựng chỉ tiêu phát triển đối
tượng tham gia bảo hiểm xã hội trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng
năm của địa phương, trình Hội đồng nhân dân quyết định;
xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm đạt được chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội đã đặt ra.
b) Chỉ đạo các cơ quan chức năng ở
địa phương thực hiện các giải pháp quản lý được số doanh nghiệp
đang hoạt động, số lao động đang làm việc và số lao động thuộc diện tham gia bảo
hiểm xã hội bắt buộc.
c) Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm
tăng tính tuân thủ trong tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, yêu cầu doanh nghiệp
tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đầy đủ cho người lao động.
d) Phát huy vai trò của các cấp ủy đảng,
chính quyền, đoàn thể địa phương trong đôn đốc, chỉ đạo và giám sát việc thực
hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội; đặc biệt
tăng cường vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
6. Bộ Thông tin và
Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, có kế hoạch tuyên truyền,
phổ biến sâu, rộng và dành thời lượng phù hợp để tuyên truyền, phổ biến pháp luật
về bảo hiểm xã hội, nhất là về trách nhiệm và quyền lợi của người sử dụng lao động,
người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội.
7. Đề nghị Tổng Liên
đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo tổ chức công đoàn các cấp tăng cường tuyên truyền,
vận động người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, giám sát việc thực thi pháp
luật tại các đơn vị, doanh nghiệp; thực
hiện khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội
gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
8. Đề nghị Phòng
Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Hiệp hội
Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phối hợp với các cơ quan Nhà nước, Bảo hiểm xã
hội Việt Nam tăng cường tuyên truyền, vận động người sử dụng lao động tham gia
bảo hiểm xã hội bắt buộc đầy đủ cho người lao động.
9. Đề nghị Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ
chức xã hội - nghề nghiệp tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện chính
sách bảo hiểm xã hội; tuyên truyền, vận động người lao động tham gia bảo hiểm
xã hội tự nguyện.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ,
Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, triển khai
thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Chỉ thị này. Bộ Lao động
- Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra,
tổng hợp tình hình thực hiện Chỉ thị, báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ
tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn
phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn
thể;
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
- Liên minh Hợp tác xã Việt Nam;
- Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục,
Công báo;
- Lưu: VT, KTTH (3b). KN
154
|
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc
|