Dùng hình ảnh, video người dân cung cấp để xử phạt hành vi xả rác

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
13/07/2022 14:30 PM

Dùng hình ảnh, video người dân cung cấp để xử phạt hành vi xả rác là điểm mới tại Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Dùng hình ảnh, video người dân cung cấp để xử phạt hành vi xả rác

Dùng hình ảnh, video người dân cung cấp để xử phạt hành vi xả rác (Hình từ internet)

Cụ thể, sử dụng kết quả, dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật trong việc phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (trong đó có hành vi xả rác) được quy định như sau:

- Việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được thực hiện theo Nghị định của Chính phủ.

- Kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật được so sánh với nồng độ tối đa cho phép của các thông số môi trường trong quy chuẩn kỹ thuật hiện hành để xác định hành vi vi phạm hành chính.

Hiện nay, việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính được quy định tại Nghị định 135/2021/NĐ-CP như sau:

* Hình thức cung cấp:

Dữ liệu do cá nhân, tổ chức thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật cung cấp cho cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền xử phạt bằng một trong các hình thức sau:

- Trực tiếp đến trụ sở cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền hoặc hiện trường xảy ra vụ việc để cung cấp;

- Thư điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử, số điện thoại đường dây nóng;

- Dịch vụ bưu chính;

- Kết nối, chia sẻ dữ liệu.

* Xác minh dữ liệu:

Sau khi tiếp nhận dữ liệu từ cá nhân, tổ chức cung cấp thì cơ quan, người có thẩm quyền sẽ tiến hành xác minh. Nội dung xác minh bao gồm:

- Có hay không có hành vi vi phạm hành chính; thời gian, địa điểm xảy ra vi phạm hành chính;

- Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm hành chính; lỗi, nhân thân của cá nhân vi phạm;

- Tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ;

- Tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi vi phạm hành chính gây ra;

- Giấy tờ, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

- Các tình tiết khác có liên quan (nếu có).

* Kết luận vụ việc:

Căn cứ dữ liệu tiếp nhận, thu thập được, kết quả xác minh, người có thẩm quyền phải kết luận nội dung vụ việc, thực hiện như sau:

- Trường hợp phát hiện có vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền hoặc chuyển hồ sơ cho người có thẩm quyền xử phạt theo quy định của pháp luật;

- Trường hợp xác định không có vi phạm hành chính hoặc không đủ căn cứ để chứng minh vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính thuộc trường hợp quy định tại Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì không xử phạt vi phạm hành chính;

- Trường hợp trong và sau quá trình xác minh, nếu xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm hoặc dữ liệu do cá nhân, tổ chức cung cấp có dấu hiệu làm giả, làm sai lệch thì người có thẩm quyền phải chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

 

Ngoài dữ liệu do cơ quan, người có thẩm quyền trực tiếp thu thập được từ việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định, cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được sử dụng kết quả thử nghiệm, hiệu chuẩn, giám định, kiểm định, đo đạc, phân tích mẫu môi trường và dữ liệu do các cá nhân, tổ chức sau đây cung cấp để phát hiện, xác định hành vi vi phạm hành chính:

- Tổ chức được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường theo quy định của pháp luật;

- Tổ chức giám định, kiểm định, quan trắc môi trường được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thành lập, có đủ năng lực thực hiện và được cơ quan có thẩm quyền chỉ định theo quy định của pháp luật chuyên ngành;

- Kết quả thu được bằng thiết bị, hệ thống quan trắc tự động, liên tục khí thải, nước thải của cá nhân, tổ chức đã được thử nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp phải lắp đặt và truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường để kiểm tra, giám sát.

Diễm My

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,290

Bài viết về

lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn