Ngày 10/02/2025, Chính phủ ban hành Nghị định 19/2025/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư 2020 về thủ tục đầu tư đặc biệt, trong đó có quy định thủ tục đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Theo đó, lĩnh vực áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 36a Luật Đầu tư 2020 (sửa đổi, bổ sung năm 2024), cụ thể:
Trừ các dự án đầu tư quy định tại Điều 30 Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư được quyền lựa chọn đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều này đối với các dự án tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu thương mại tự do và khu chức năng trong khu kinh tế trong các lĩnh vực sau đây:
- Đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, vật liệu bán dẫn;
- Đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, sản xuất sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Mục tiêu hoạt động của dự án đầu tư áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt theo Nghị định này phải thuộc lĩnh vực quy định tại khoản này.
Dự án đầu tư tại khu công nghệ cao phải đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chí đối với dự án thực hiện hoạt động công nghệ cao theo Luật Công nghệ cao 2008 và quy định của Chính phủ về khu công nghệ cao.
Xem thêm Nghị định 19/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/02/2025.
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 05/2025/TT-BTC ngày 24/01/2025 sửa đổi Thông tư 202/2012/TT-BTC; Thông tư 203/2012/TT-BTC; Thông tư 157/2014/TT-BTC.
Trong đó, sửa đổi, bổ sung các trường hợp kiểm toán viên bị đình chỉ hành nghề kiểm toán.
Cụ thể, kiểm toán viên hành nghề bị đình chỉ hành nghề kiểm toán trong các trường hợp sau:
- Bị xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động kiểm toán độc lập hai lần trong thời gian 36 tháng liên tục;
- Sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán đã hết hiệu lực hoặc không còn giá trị trong các hoạt động nghề nghiệp kiểm toán (nếu thời điểm phát hiện hành vi vi phạm đang là kiểm toán viên hành nghề);
- Không chấp hành quy định của cơ quan có thẩm quyền về việc kiểm tra, thanh tra liên quan đến hoạt động kiểm toán độc lập;
- Sử dụng thông tin có liên quan đến hồ sơ kiểm toán, khách hàng, đơn vị được kiểm toán để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
- Ký báo cáo kiểm toán khi không phải là kiểm toán viên hành nghề (nếu thời điểm phát hiện hành vi vi phạm đang là kiểm toán viên hành nghề);
- Không lập hồ sơ kiểm toán đối với cuộc kiểm toán hoặc dịch vụ đảm bảo khác;
- Thực hiện kiểm toán, ký báo cáo kiểm toán hoặc báo cáo kết quả công tác soát xét cho đơn vị có lợi ích công chúng khi chưa được Bộ Tài chính chấp thuận thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng;
- Ký báo cáo kiểm toán hoặc báo cáo kết quả công tác soát xét cho đơn vị có lợi ích công chúng khi đang bị đình chỉ hoặc hủy bỏ tư cách được chấp thuận thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng;
- Thực hiện kiểm toán, ký báo cáo kiểm toán cho một đơn vị có lợi ích công chúng quá 5 năm tài chính liên tục;
- Không có đủ số giờ cập nhật kiến thức hàng năm theo quy định của Bộ Tài chính;
- Vi phạm về các trường hợp kiểm toán viên hành nghề không được thực hiện kiểm toán theo quy định tại Điều 19 Luật kiểm toán độc lập 2011;
- Cho tổ chức, cá nhân khác ngoài đơn vị mình đang làm việc thuê, mượn, sử dụng Chứng chỉ kiểm toán viên của mình để đăng ký hành nghề kiểm toán hoặc đăng ký hành nghề kiểm toán tại đơn vị nơi mình thực tế không làm việc theo hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian;
- Có sai phạm nghiêm trọng về chuyên môn hoặc vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực kiểm toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp về kế toán, kiểm toán.
Xem thêm Thông tư 05/2025/TT-BTC có hiệu lực từ ngày ký ban hành.
Ngày 11/02/2025, Chính phủ ban hành Nghị định 22/2025/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 37/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quy hoạch đã được sửa đổi theo Nghị định 58/2023/NĐ-CP.
Theo đó, sửa đổi tiêu chí đánh giá thực hiện quy hoạch theo định kỳ 05 năm như sau:
- Đánh giá tình hình thực hiện định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực và tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội trong quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia; phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực và tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội trong quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng; phương án phát triển các ngành, lĩnh vực và tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội trong quy hoạch tỉnh.
- Đánh giá tình hình thực hiện các dự án theo các nội dung sau:
+ Danh mục các dự án đã và đang triển khai thực hiện;
+ Danh mục dự kiến các dự án quan trọng, dự án ưu tiên trong thời kỳ quy hoạch chưa triển khai thực hiện; nguyên nhân.
- Đánh giá tình hình thực hiện định hướng, phương hướng, phương án phát triển hệ thống đô thị và nông thôn, phát triển các khu chức năng (nếu có).
- Đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu và hiệu quả sử dụng đất (nếu có).
- Đánh giá tình hình sử dụng tài nguyên, kết quả công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu (nếu có).
- Đánh giá tình hình huy động nguồn lực để thực hiện quy hoạch.
- Đánh giá việc ban hành và thực hiện các cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện quy hoạch.
- Đánh giá chung kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu quy hoạch; những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân ảnh hưởng đến kết quả thực hiện quy hoạch; đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện quy hoạch; kiến nghị điều chỉnh quy hoạch (nếu có).
Xem thêm Nghị định 22/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 11/02/2025.
Ngày 06/02/2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết 67/2025/UBTVQH15 quy định về bậc, điều kiện của từng bậc, việc nâng bậc và số lượng, cơ cấu tỷ lệ các bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân.
Theo đó, quy định về nguyên tắc nâng bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân như sau:
- Việc nâng bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân được thực hiện thông qua việc xét nâng bậc; bảo đảm điều kiện của từng bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân; căn cứ vào vị trí việc làm, số lượng, cơ cấu tỷ lệ các bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân tại mỗi cấp Tòa án được giao và các quy định khác tại Nghị quyết này;
- Bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật;
- Chỉ thực hiện xét nâng bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân lên bậc cao hơn liền kề với bậc đang giữ;
- Không thực hiện xét nâng bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân đối với trường hợp đang trong thời hạn xử lý kỷ luật hoặc đang trong thời gian bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử hoặc đang trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước
Xem thêm Nghị quyết 67/2025/UBTVQH15 có hiệu lực từ ngày 06/02/2025.