Từ 2021, hợp đồng thử việc vẫn không bắt buộc tham gia BHXH

23/02/2021 09:27 AM

“Tôi đang thử việc tại một công ty bất động sản theo hợp đồng thử việc 2 tháng, xin hỏi trong thời gian thử việc có phải tham gia BHXH không? Nếu không tham gia thì tôi có được nhận thêm khoản tiền tương ứng?” – Đây là câu hỏi của bạn Trọng Hiếu đến từ TP.HCM.

Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thụy Hân, Phụ trách mạng Cộng Đồng Ngành Luật của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định người lao động thuộc trường hợp sau đây phải tham gia BHXH bắt buộc:

- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

- Cán bộ, công chức, viên chức;

- Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;

- Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;

- Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

- Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;

- Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.

Như vậy, người lao động làm việc trong thời gian thử việc theo Hợp đồng thử việc thì không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Lưu ý, trường hợp thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà hợp đồng lao động thuộc diện đóng BHXH bắt buộc thì người sử dụng lao động và người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho cả thời gian thử việc (Tham khảo Mục 4 Công văn 2447/LĐTBXH-BHXH của BHXH Việt Nam).

hợp đồng thử việc không phải đóng bảo hiểm xã hội

2. Về việc trả khoản tiền tương đương với mức đóng BHXH, BHTN,BHYT đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo Khoản 3 Điều 168 Bộ luật Lao động 2019

Khoản 3 Điều 168 Bộ luật Lao động 2019 quy định:

Điều 168. Tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp

....

3. Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 24 Bộ luật Lao động 2019, nội dung của hợp đồng thử việc bao gồm:

- Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;

- Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;

- Công việc và địa điểm làm việc;

- Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;

- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;

- Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động

Trong nội dung của Hợp đồng thử việc không có nội dung về đóng BHXH nên trong trường hợp này người sử dụng lao động không phải trả thêm khoản tiền này vào lương cho NLĐ trong thời gian thử việc.

Tham khảo ý kiến của Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội TẠI ĐÂY.

Trước đây tại Khoản 3 Điều 186 Bộ luật Lao động 2012 cũng quy định “Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thì ngoài việc trả lương theo công việc, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và tiền nghỉ phép hằng năm theo quy định”.

Tuy nhiên nội dung này được Khoản 1 Điều 4 Nghị định 44/2013/NĐ-CP hướng dẫn áp dụng đối với trường hợp sau:

- Người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động mà người lao động và người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.

- Người sử dụng lao động của các hợp đồng lao động còn lại có trách nhiệm chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 194,157

Bài viết về

lĩnh vực Bảo hiểm

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn