24/02/2012 23:03 PM

Không được phép trông giữ xe trên các tuyến phố chính, người dân tràn vào các ngõ nhỏ, đường ngang dừng đỗ khiến giao thông khó khăn.

Để giải quyết nhu cầu gửi xe của người dân, cuối giờ chiều 22/2, Liên ngành Sở Giao thông Vận tải - Công an Thành phố đã thống nhất ký Tờ trình số 151 gửi Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội về việc phê duyệt danh mục các tuyến phố đủ điều kiện cấp phép, các tuyến phố cấm tổ chức trông giữ phương tiện xe đẹp, xe mô tô, ô tô trên vỉa hè, lòng đường.

Tờ trình có kèm theo danh mục các tuyến phố đủ điều kiện cấp phép trông giữ xe. Tờ trình cũng đề ra danh mục 54 tuyến phố cấm để xe đạp, xe máy, ôtô trên hè phố, lòng đường.Trong đó quận Hoàn Kiếm có 11 tuyến phố (Lê Thái Tổ, Tràng Tiền, Hàng Bông, Lương Văn Can…), quận Ba Đình có 24 tuyến (Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Chu Văn An, Phan Đình Phùng, Vạn Bảo…), quận Đống đa có 10 tuyến (Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Phạm Ngọc Thạch, Đê La Thành…), quận Hai Bà Trưng có 4 tuyến, Cầu Giấy 3 tuyến và Thanh Xuân 2 tuyến phố.

Việc xóa sổ các bãi giữ xe trên một số tuyến phố đang bộc lộ nhiều bất cập cần giải quyết. Ảnh: Khôi Nguyên.

Bên cạnh các tuyến phố có đủ điều kiện, liên ngành cũng chỉ ra các điểm kiên quyết không cấp phép đỗ xe, bãi đỗ xe là các trục giao thông chính yếu, các tuyến hướng tâm, đường vành đai, các tuyến đường có lưu lượng phương tiện giao thông lớn, các tuyến tổ chức phân làn tách dòng phương tiện hoặc cac điểm dừng đỗ xe nằm cạnh các ngã ba, ngã tư đường, các tuyến phố đưa đón đoàn ngoại giao, các khu vực bảo vệ và phố đi bộ. Không cấp phép trông giữ xe trên các tuyến phố có mặt cắt ngang nhỏ hơn 7,5m, các phố có vỉa hè để trông giữ xe mô tô, xe máy khi có bề rộng nhỏ hơn 5m.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cho phép được sắp xếp phương tiện cá nhân để đáp ứng nhu cầu bức thiết của nhân dân song phải đảm bảo không được cản trở giao thông của người đi bộ, phải đảm bảo bề rộng tối thiểu còn lại dành cho người đi bộ là 1,5m; không để xe trước mặt tiền của cơ quan văn hóa, giáo dục, thể thao…

Đặc biệt, liên ngành đề xuất Thành phố thống nhất giao cho một doanh nghiệp nhà nước có chức năng để quản lý khai các các điểm trông giữ xe trên cả vỉa hè và lòng đường đô thị, trước mắt, toàn bộ lòng đường các tuyến phố được phê duyệt, đề nghị cấp phép cho Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội để tập trung quản lý.

Chỉ đạo tại cuộc họp chiều qua, ông Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội cũng đề nghị các quận, huyện chủ động khai thác các quỹ đất hiện có, tổ chức trông giữ xe theo quy định, không thu phí quá giá, tăng cường xử lý và xử lý nghiêm những trường hợp này...

Cấm tuyến chính, ngõ nhỏ, đường ngang thoải mái đỗ

Chiều 22/2 liên ngành Sở Giao thông Vận tải, Công an Thành phố Hà Nội cùng 9 quận nội thành đã họp báo cáo kết quả sau gần một tuần ra quân thu hồi các giấy phép sử dụng lòng đường, vỉa hè trông giữ phương tiện.

Tuy nhiên, sau một tuần thực hiện, mặc dù các đơn vị đều đánh giá hè phố đã thoáng đãng, góp phần tích cực vào việc giảm ùn tắc nhưng quy định này đang phát sinh nhiều vấn đề bất cập, khó giải quyết.

Tại cuộc họp, đại diện công an quận Cầu Giấy cho biết, sau khi cấm trông giữ phương tiện, dừng đỗ tại các tuyến phố chính trên địa bàn quận, không còn chỗ đỗ xe nên các chủ xe đã chui vào các đường ngang, ngõ nhỏ khiến giao thông khó khăn, ùn ứ tại các điểm này làm người dân trong khu vực rất bức xúc.

Nhu cầu gửi xe của người dân lớn nhưng lại không có bãi trông giữ nên nhiều người đã lợi dụng để mở các điểm trông giữ xe “chặt chém” khách.

Thượng tá Trần Đình Cường, Phó trưởng công an quận Hai Bà Trưng cho biết, sau khi rút giấy phép trông giữ phương tiện, khu vực vỉa hè phố Bà Triệu trước cổng Bệnh viện Mắt Trung ương đã thông thoáng hơn. Tuy nhiên, xung quanh khu vực này đã phát sinh nhiều điểm trông xe tự phát, khó xử lý. Nhiều cửa hàng xung quanh khu Bệnh viện Mắt đã dẹp hàng hóa, bỏ bán hàng để làm điểm trông giữ xe trong nhà, và thu tiền với giá cao.

Việc xử lý các xe vi phạm cũng đang gây khó khăn cho các lực lượng làm nhiệm vụ như người vi phạm chây ỳ, thiếu xe chuyên dụng để cẩu, kéo xe vi phạm, lực lượng mỏng. “Có trường hợp chủ xe ngồi uống nước hoặc có mặt ngay gần đó, nhưng khi lực lượng chức năng đến xử lý xe vi phạm, họ vẫn không ra mặt. Chỉ khi có xe chuyên dụng đến thì họ mới xuất đầu lộ diện. Để xử lý được một trường hợp ô tô như vậy cũng phải mất đến một tiếng đồng hồ”, thượng tá Cường cho hay.

Theo Đất Việt

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,879

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn