Những điểm mới nổi bật tại Luật Đầu tư 2020 áp dụng từ 2021

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Thanh Lợi
03/08/2020 09:15 AM

Ngày 17/6/2020, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 và thay thế Luật Đầu tư 2014.

Dưới đây là những điểm mới nổi bật được đề cập tại Luật Đầu tư 2020:

1. Chính thức cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ (Điều 6)

Từ ngày 01/01/2021, cấm các hoạt động đầu tư kinh doanh sau đây:

- Kinh doanh dịch vụ đòi nợ (quy định mới);

- Kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I Luật Đầu tư 2020;

- Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II Luật Đầu tư 2020;

- Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III Luật Đầu tư 2020;

- Kinh doanh mại dâm;

- Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người (bổ sung việc cấm mua, bán xác, bào thai người);

- Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;

- Kinh doanh pháo nổ.

Như vậy, từ ngày 01/01/2021, chính thức cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

2. Số lượng ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện giảm còn 227

Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hiện nay được áp dụng theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư 2014, bao gồm 243 ngành, nghề.

Tuy nhiên, từ ngày 01/01/2021 thì số lượng này sẽ được giảm xuống còn 227 ngành nghề theo Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Luật Đầu tư 2020.

3. Bổ sung nhiều ngành, nghề ưu đãi đầu tư (Khoản 1 Điều 16)

Luật Đầu tư 2020 bổ sung một số ngành, nghề ưu đãi đầu tư so với hiện nay, gồm:

- Giáo dục đại học;

- Sản xuất các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ;

- Sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển;

- Bảo quản thuốc, sản xuất trang thiết bị y tế;

- Sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành.

4. Thêm hình thức ưu đãi đầu tư (Khoản 1 Điều 15)

Các hình thức ưu đãi đầu tư áp dụng từ ngày 01/01/2021 bao gồm:

+ Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư; miễn thuế, giảm thuế và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp;

+ Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;

+ Miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất;

+ Khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế (quy định mới).

5. Điểm mới về chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt (Điều 20)

Theo đó, việc áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt nhằm khuyến khích phát triển một số dự án đầu tư có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội do Chính phủ quyết định và được áp dụng đối với các đối tượng sau đây

- Dự án đầu tư thành lập mới (bao gồm cả việc mở rộng dự án thành lập mới đó) các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển có tổng vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư; trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

- Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 10.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư.

Mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt: Mức ưu đãi và thời hạn áp dụng ưu đãi đặc biệt thực hiện theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và pháp luật về đất đai. Hỗ trợ đầu tư đặc biệt được thực hiện theo các hình thức quy định tại Khoản 1 Điều 18 của Luật Đầu tư 2020.

Chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt trên không áp dụng đối với các trường hợp sau đây:

+ Dự án đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành;

+ Dự án đầu tư quy định tại khoản 5 Điều 15 của Luật Đầu tư 2020.

Trong trường hợp cần khuyến khích phát triển một dự án đầu tư đặc biệt quan trọng hoặc đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Chính phủ trình Quốc hội quyết định áp dụng các ưu đãi đầu tư khác với ưu đãi đầu tư được quy định tại Luật Đầu tư 2020 và các luật khác.

6. Sẽ ban hành Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với NĐT nước ngoài (Điều 9)

Cơ bản NĐT nước ngoài được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với NĐT trong nước;

Tuy nhiên, trường hợp căn cứ luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, Chính phủ công bố Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với NĐT nước ngoài, bao gồm:

- Ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường;

- Ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện.

Do đó, trong thời gian sắp tới Chính phủ sẽ ban hành Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với NĐT nước ngoài để áp dụng khi Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực thi hành.

7. Điều kiện thành lập tổ chức kinh tế tại Việt Nam của NĐT nước ngoài (Điều 22)

NĐT nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với NĐT nước ngoài được quy định tại Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với NĐT nước ngoài:

- Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của NĐT nước ngoài trong tổ chức kinh tế;

- Hình thức đầu tư;

- Phạm vi hoạt động đầu tư;

- Năng lực của NĐT; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư;

- Điều kiện khác theo quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Ngoài ra, trước khi thành lập tổ chức kinh tế, NĐT nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

8. Điểm mới về tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ của NĐT nước ngoài trong tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động đầu tư (Điều 23)

Tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với NĐT nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC nếu tổ chức kinh tế đó thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Có NĐT nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh (hiện hành quy định là từ 51% vốn điều lệ trở lên);

- Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (hiện hành quy định là từ 51% vốn điều lệ trở lên);

- Có NĐT nước ngoài và tổ chức kinh tế có NĐT nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (hiện hành quy định là từ 51% vốn điều lệ trở lên).

9. Điều kiện để NĐT nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế tại Việt Nam (Điều 24)

NĐT nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khi đáp ứng đủ các quy định, điều kiện sau đây:

- Điều kiện tiếp cận thị trường đối với NĐT nước ngoài quy định tại Điều 9 của Luật Đầu tư 2020;

- Bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Đầu tư 2020;

- Quy định của pháp luật về đất đai về điều kiện nhận quyền sử dụng đất, điều kiện sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, xã, phường, thị trấn ven biển.

10. Chỉ còn 4 trường hợp NĐT không phải ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư (Điều 43)

NĐT phải ký quỹ hoặc phải có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, trừ các trường hợp sau đây:

- NĐT trúng đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê;

- NĐT trúng đấu thầu thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất;

- NĐT được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trên cơ sở nhận chuyển nhượng dự án đầu tư đã thực hiện ký quỹ hoặc đã hoàn thành việc góp vốn, huy động vốn theo tiến độ quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;

- NĐT được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư trên cơ sở nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất khác.

(Hiện nay, ngoài bốn trường hợp kể trên thì còn có thêm trường hợp "NĐT là đơn vị sự nghiệp có thu, công ty phát triển khu công nghệ cao được thành lập theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu chức năng trong khu kinh tế")

11. Thêm nhiều đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư (Điều 15)

So với quy định hiện nay, Luật Đầu tư 2020 đã bổ sung thêm nhiều đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư.

Cụ thể, các đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư từ ngày 01/01/2021 sẽ bao gồm:

- Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư quy định tại Khoản 1 Điều 16 Luật Đầu tư 2020;

- Dự án đầu tư tại địa bàn ưu đãi đầu tư quy định tại Khoản 2 Điều 16 Luật Đầu tư 2020;

- Dự án đầu tư có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời có một trong các tiêu chí sau: có tổng doanh thu tối thiểu đạt 10.000 tỷ đồng mỗi năm trong thời gian chậm nhất sau 03 năm kể từ năm có doanh thu hoặc sử dụng trên 3.000 lao động;

- Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên; dự án đầu tư sử dụng lao động là người khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật;

- Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ; dự án có chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ; cơ sở ươm tạo công nghệ, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về công nghệ cao, pháp luật về khoa học và công nghệ; doanh nghiệp sản xuất, cung cấp công nghệ, thiết bị, sản phẩm và dịch vụ phục vụ các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

- Dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển;

- Đầu tư kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

12. Điểm mới về nơi nộp hồ sơ dự án đầu tư (Điều 34, 35, 36)

- Đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội: NĐT nộp hồ sơ dự án đầu tư cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (hiện hành nộp cho cơ quan đăng ký đầu tư nơi thực hiện dự án đầu tư).

- Đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ: NĐT nộp hồ sơ dự án đầu tư cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (hiện hành nộp cho cơ quan đăng ký đầu tư nơi thực hiện dự án đầu tư).

- Đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: NĐT nộp hồ sơ dự án đầu tư cho cơ quan đăng ký đầu tư.

13. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư (Điều 38)

Đối với dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư quy định tại các điều 30, 31 và 32 Luật Đầu tư 2020, NĐT được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Dự án đầu tư không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh;

- Có địa điểm thực hiện dự án đầu tư;

- Dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch quy định tại điểm a khoản 3 Điều 33 của Luật Đầu tư 2020;

- Đáp ứng điều kiện về suất đầu tư trên một diện tích đất, số lượng lao động sử dụng (nếu có);

- Đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với NĐT nước ngoài.

14. Các ngành nghề cấm đầu tư ra nước ngoài (Điều 53)

Từ 01/01/2021, các NĐT Việt Nam khi đầu tư ra nước ngoài, không được đầu tư kinh doanh vào các ngành nghề sau:

- 08 ngành, nghề bị cấm đầu tư kinh doanh tại Mục 1. kể trên và các điều ước quốc tế có liên quan.

- Ngành, nghề có công nghệ, sản phẩm thuộc đối tượng cấm xuất khẩu theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại thương.

- Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.

15. Các ngành nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện (Điều 54)

Từ 01/01/2021, các NĐT Việt Nam khi đầu tư vào các ngành, nghề sau đây ở nước ngoài phải đáp ứng những điều kiện nhất định theo pháp luật:

- Ngân hàng;

- Bảo hiểm;

- Chứng khoán;

- Báo chí, phát thanh, truyền hình;

- Kinh doanh bất động sản.

Điều kiện đầu tư ra nước ngoài được quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế về đầu tư mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Thanh Lợi

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 223,568

Bài viết về

lĩnh vực Đầu tư

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]