Chính sách tài nguyên môi trường có hiệu lực giữa tháng 02/2018

05/02/2018 16:10 PM

Nhiều chính sách mới về lĩnh vực tài nguyên môi trường chính thức có hiệu lực từ ngày 11 - 20/02/2018. Trong đó, nổi bật là:

1. Thời gian nghỉ bù của người làm công tác phòng chống thiên tai

Nội dung nổi bật này được đề cập tại Thông tư 31/2017/TT-BNNPTNT về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động (NLĐ) làm công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực phòng chống thiên tai.

Theo đó, NLĐ làm việc theo chế độ thường trực 24/24 giờ được nghỉ hưởng nguyên lương theo quy định sau:

- Thường trực vào ngày thường: được nghỉ bù 01 ngày vào ngày làm việc sau phiên thường trực;

- Thường trực vào ngày nghỉ hàng tuần, lễ, tết: được nghỉ bù 02 ngày vào ngày làm việc sau phiên thường trực.

Nếu do yêu cầu công việc phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn mà không thể bố trí nghỉ bù, NLĐ được trả tiền lương làm thêm giờ tương ứng với số giờ vượt quá thời gian làm việc trong chế độ thường trực.

Thông tư 31/2017/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 20/02/2018.

Thiên tai

2. Điều kiện mới để hoãn thu dọn công trình dầu khí

Ngày 21/12/2017, Thủ tướng ban hành Quyết định 49/2017/QĐ-TTg về thu dọn công trình, thiết bị và phương tiện phục vụ hoạt động dầu khí.

Theo đó, tổ chức, cá nhân tiến hành tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu khí hoặc sở hữu công trình khí liên quan, để được xem xét hoãn thu dọn công trình dầu khí phải đáp ứng các điều kiện nhất định, đơn cử như:

- Đảm bảo duy trì tính toàn vẹn của công trình, không gây rủi ro đến các hoạt động thu dọn trong tương lai;

- Việc hoãn thu dọn phải đáp ứng yêu cầu về an toàn chung, an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường theo pháp luật Việt Nam và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế;

- Việc hoãn thu dọn có ý nghĩa đối với nghiên cứu khoa học, quốc phòng, an ninh hoặc trường hợp cần thiết khác,...

Quyết định 49/2017/QĐ-Tg có hiệu lực từ ngày 12/02/2018 và thay thế Quyết định 40/2007/QĐ-TTg ngày 21/3/2007.

3. Hướng dẫn mới về phân loại dự án kho xăng dầu, khí hóa lỏng

Thông tư 34/2017/TT-BCT sửa đổi Thông tư 39/2013/TT-BCT về trình tự, thủ tục bổ sung, điều chỉnh quy hoạch và quản lý đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng công trình kho xăng dầu, khí hóa lỏng, khí thiên nhiên hóa lỏng.

Theo đó, dự án đầu tư xây dựng công trình kho xăng dầu, kho LPG, kho LNG được phân loại như sau:

- Theo quy mô, bao gồm 04 hạng mục:

+ Dự án quan trọng quốc gia: áp dụng theo Điều 7 Luật Đầu tư công;

+ Dự án nhóm A: tổng mức đầu tư từ 1.000 tỷ đồng trở lên;

+ Dự án nhóm B: tổng mức đầu tư từ 60 đến dưới 1.000 tỷ đồng;

+ Dự án nhóm C: tổng mức đầu tư từ dưới 60 tỷ đồng.

- Dự án có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng (không bao gồm tiền sử dụng đất) chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế kỹ thuật.

- Theo nguồn vốn sử dụng, bao gồm:

+ Dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước;

+ Dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách;

+ Dự án sử dụng vốn khác.

4. Bổ sung nhiều trường hợp phải trám lấp giếng

Ngày 12/02/2018, Thông tư 72/2017/TT-BTNMT về xử lý trám lấp giếng không sử dụng chính thức có hiệu lực thi hành.

Theo đó, bổ sung 03 trường hợp giếng không sử dụng phải phân loại để trám lấp so với quy định hiện hành, cụ thể bao gồm:

- Giếng thuộc công trình khai thác nước dưới đất đã có giấy phép nhưng chủ giấy phép trả lại hoặc điều chỉnh giấy phép;

- Giếng thuộc công trình khai thác nước dưới đất phải xin phép theo quy định mà không có giấy phép và bị cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp buộc phải trám lấp;

- Giếng thuộc công trình khai thác nước dưới đất phải xin phép theo quy định mà không đủ điều kiện để được cấp, gia hạn giấy phép và có yêu cầu phải trám lấp giếng.

Thông tư 72/2017/TT-BTNMT thay thế Quyết định 14/2007/QĐ-BTNMT ngày 04/9/2007.

Nguyễn Liên

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,036

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]