Chính sách y tế, giao thông, xã hội có hiệu lực giữa tháng 02

06/02/2018 10:55 AM

THƯ VIỆN PHÁP LUẬT trân trọng giới thiệu đến quý thành viên một vài điểm mới của những văn bản nổi bật về y tế, giao thông, văn hóa - xã hội bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11 - 20/02/2018.

1. Yêu cầu kỹ thuật công nghệ thông tin đối với hoạt động y tế từ xa

Đây là một trong những nội dung nổi bật tại Thông tư 49/2017/TT-BYT (có hiệu lực từ ngày 15/02/2018) quy định về hoạt động y tế từ xa.

Theo đó, để thực hiện hoạt động y tế từ xa, tổ chức, cá nhân phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật công nghệ thông tin sau đây:

- Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và biện pháp bảo đảm an toàn bảo mật thông tin phải đáp ứng đầy đủ quy định tại Điều 3 và Điều 4 của Thông tư 53/2014/TT-BYT;

- Bên tư vấn và bên xin ý kiến tư vấn phải bảo đảm đường truyền thông suốt, liên tục trong thời gian hoạt động y tế từ xa;

- Hệ thống ghi dữ liệu phải có dung lượng lưu trữ tối thiểu 10 năm;

- Hệ thống công nghệ thông tin phải do người được đào tạo hoặc bồi dưỡng kiến thức về vận hành hệ thống công nghệ thông tin vận hành;

- Có quy chế quản lý hoạt động y tế từ xa do Thủ trưởng cơ sở y tế phê duyệt.

2. Cách xác định điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường thủy

Tiêu chí xác định vị trí nguy hiểm trên đường thủy nội địa được quy định tại Thông tư 50/2017/TT-BGTVT (có hiệu lực từ 15/02/2018).

Theo đó, điểm tiểm ẩn tai nạn giao thông thuộc một trong những trường hợp sau:

- Một trong các kích thước luồng thực tế nhỏ hơn trị số tối thiểu của cấp kỹ thuật tương ứng theo quy định (chiều sâu, bề rộng, bán kính cong) tại các bãi đá ngầm, bãi cạn, đoạn cạn và vật chướng ngại.

- Một trong các kích thước: khẩu độ khoang thông thuyền, chiều cao tĩnh không, chiều sâu tại vị trí cầu và công trình khác trên sông, kênh nhỏ hơn trị số thấp nhất của cấp kỹ thuật tương ứng theo quy định.

- Dòng chảy xiên so với trụ cầu, khoang thông thuyền.

- Dòng chảy xiết, xoáy, tầm nhìn hạn chế.

- Khu vực giao cắt giữa các tuyến đường thủy nội địa hoặc tuyến luồng hàng hải, vùng nước cảng biển có tầm nhìn hạn chế.

Những điểm tiềm ẩn này sẽ trở thành điểm đen khi tình hình tai nạn tại đó thuộc một trong những trường hợp sau:

- Xảy ra 01 vụ tai nạn có chết người.

- Xảy ra 02 vụ tai nạn trở lên.

- Có đồng thời từ 02 tiêu chí của điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trở lên và xảy ra 01 vụ tai nạn giao thông trở lên.

3. Quy trình trợ giúp xã hội

Các cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện việc trợ giúp theo quy trình tại Thông tư 33/2017/TT-BLĐTBXH (có hiệu lực từ 12/02/2018), cụ thể như sau:

- Bước 1: Tiếp nhận thông tin, nhu cầu của đối tượng; sàng lọc và phân loại đối tượng;

- Bước 2: Đánh giá về tâm sinh lý, tình trạng sức khoẻ và các nhu cầu của đối tượng;

- Bước 3: Lập kế hoạch trợ giúp;

- Bước 4: Thực hiện kế hoạch trợ giúp;

- Bước 5: Thu thập dữ liệu, tổng hợp, phân tích và đánh giá sự tiến triển của đối tượng; giám sát, đánh giá các hoạt động chăm sóc và điều chỉnh kế hoạch chăm sóc nếu cần thiết;

- Bước 6: Lập kế hoạch dừng trợ giúp và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho các đối tượng.

4. Quy định về quy tắc xử trí phản vệ

Phản vệ hay một phản ứng dị ứng, xuất hiện sau khi cơ thể tiếp xúc với yếu tố lạ gây ra các bệnh lâm sàng khác nhau và có thể dẫn đến tử vong; để xử trí trường hợp này, Thông tư 51/2017/TT-BYT (có hiệu lực từ 15/02/2018) quy định như sau:

- Khi được chẩn đoán bị phản vệ từ cấp độ II trở lên, người bị phản vệ cần tiêm bắp ngay thuốc adrenalin;

- Bác sĩ, y sỹ, điều dưỡng viên, hộ sinh viên, kỹ thuật viên phải xử trí cấp cứu phản vệ theo quy định tại Phụ lục III, Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này;

- Người có tiền sử phản vệ, có mang sẵn adrenalin trong người, thì người bệnh hoặc người không phải nhân viên y tế có thể sử dụng thuốc trong trường hợp khẩn cấp khi không có nhân viên y tế.

Tài Giỏi

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,337

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]