Bị CSGT lập biên bản: Không ký thì có phải nộp phạt không?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Trung Tài
05/07/2021 08:51 AM

Với nhiều lý do khác nhau, người vi phạm giao thông không chịu ký vào biên bản. Vậy, nếu không ký vào biên bản vi phạm giao thông có cần nộp phạt không?

Bị CSGT lập biên bản: Không ký thì có phải nộp phạt không? (ảnh minh họa)

Theo Điều 56 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì không lập biên bản vi phạm giao thông trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.

Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản.

Như vậy, cảnh sát giao thông sẽ lập biên bản đối với những lỗi từ 250.000 đồng trở lên đối với cá nhân và từ 500.000 đồng trở lên đối với tổ chức.

Hiện nay, có 16 lỗi bị phạt tại chỗ, không lập biên bản theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP.  (Xem chi tiết 16 lỗi phạt tại chỗ, không lập biên bản tại đây.)

Không ký vào biên bản có phải nộp phạt không?

Theo Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bổ sung bởi Luật Xử lý vi phạm hành chính 2020 thì:

Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất 01 người chứng kiến xác nhận việc cá nhân, tổ chức vi phạm không ký vào biên bản; trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.

Như vậy, dù người vi phạm, đại điện tổ chức vi phạm không ký vào biên bản vi phạm giao thông thì vẫn phải nộp phạt vì biên bản đó sẽ được làm chứng bởi đại diện chính quyền cấp xã hoặc người chứng kiến xác nhận.. Ngoài ra, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP không có quy định nào về việc không chịu ký vào biên bản xử phạt sẽ bị xử lý thêm về lỗi khác.

Không ký vào biên bản là chống người thi hành công vụ?

Theo Điều 330 Bộ luật Hình sự 2015 thì

Điều 330. Tội chống người thi hành công vụ

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.”

Để cấu thành tội chống người thi hành công vụ thì người phạm tội phải có một trong các hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ.

Bên cạnh đó, tại Nghị định 100/20219/NĐ-CP, không có quy định xử phạt hành vi không ký vào biên bản của người vi phạm giao thông.

Như vậy, việc không ký vào biên bản vi phạm giao thông không được xem là hành vi chống người thi hành công vụ nếu người này không sử dụng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực…

Trung Tài

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 35,796

Bài viết về

lĩnh vực Vi phạm hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn