Những quy định cơ bản cần biết về dự án PPP mới nhất (Hình từ internet)
Theo khoản 10 Điều 3 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 quy định về định nghĩa đầu tư theo phương thức đối tác công tư như sau:
…
10. Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Public Private Partnership - sau đây gọi là đầu tư theo phương thức PPP) là phương thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp tác có thời hạn giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân thông qua việc ký kết và thực hiện hợp đồng dự án PPP nhằm thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia dự án PPP.
Căn cứ theo khoản 16 Điều 3 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 (sửa đổi 2024) quy định về các loại hợp đồng dự án PPP như sau:
Hợp đồng dự án PPP là thỏa thuận bằng văn bản giữa cơ quan ký kết hợp đồng với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP về việc Nhà nước nhượng quyền cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP thực hiện dự án PPP theo quy định của Luật này, bao gồm các loại hợp đồng sau đây:
- Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (Build - Operate - Transfer, sau đây gọi là hợp đồng BOT);
- Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh (Build - Transfer - Operate, sau đây gọi là hợp đồng BTO);
- Hợp đồng Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh (Build - Own - Operate, sau đây gọi là hợp đồng BOO);
- Hợp đồng Kinh doanh - Quản lý (Operate - Manage, sau đây gọi là hợp đồng O&M);
- Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Thuê dịch vụ (Build - Transfer - Lease, sau đây gọi là hợp đồng BTL);
- Hợp đồng Xây dựng - Thuê dịch vụ - Chuyển giao (Build - Lease - Transfer, sau đây gọi là hợp đồng BLT);
- Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (Build - Transfer, sau đây gọi là hợp đồng BT)
- Hợp đồng hỗn hợp theo quy định tại khoản 3 Điều 45 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020.
Dựa vào Điều 4 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 (sửa đổi 2024), các lĩnh vực đầu tư, phân loại dự án PPP bao gồm:
- Dự án đầu tư theo phương thức PPP được thực hiện trong các ngành, lĩnh vực đầu tư công nhằm mục đích đầu tư, xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, trừ dự án thuộc trường hợp sau đây:
+ Dự án thuộc trường hợp độc quyền nhà nước theo quy định của pháp luật;
+ Dự án thuộc ngành, lĩnh vực quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
- Dự án PPP được phân loại theo thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư bao gồm:
+ Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội;
+ Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ;
+ Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác quy định tại khoản 1 Điều 5 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020;
+ Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh;
+ Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
+ Dự án không thuộc trường hợp phải quyết định chủ trương đầu tư, gồm các dự án quy định tại các khoản 2a, 2b và 2c Điều 11 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020.
Theo Điều 5 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020, cơ quan có thẩm quyền và ký kết hợp đồng dự án PPP bao gồm:
- Cơ quan có thẩm quyền bao gồm:
+ Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi là Bộ, cơ quan trung ương);
+ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
+ Cơ quan, tổ chức được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập và được giao dự toán ngân sách theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước (sau đây gọi là cơ quan khác).
- Cơ quan ký kết hợp đồng dự án PPP bao gồm:
+ Cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020;
+ Cơ quan, đơn vị được cơ quan có thẩm quyền ủy quyền ký kết hợp đồng theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020.
+ Trường hợp dự án thuộc phạm vi quản lý của nhiều cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 hoặc trong trường hợp thay đổi cơ quan có thẩm quyền, các cơ quan này báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định giao một cơ quan làm cơ quan có thẩm quyền.
+ Cơ quan có thẩm quyền được ủy quyền cho cơ quan, đơn vị trực thuộc làm cơ quan ký kết hợp đồng dự án PPP thuộc thẩm quyền của mình.
Phan Nhật Vy