Công ty trừ ngày nghỉ phép năm vào ngày nghỉ Tết năm 2025 có được không? (Hình từ internet)
Căn cứ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 thì người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong 05 ngày nghỉ Tết Âm lịch. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều người lao động sẽ được nghỉ Tết Âm lịch nhiều hơn 5 ngày và số ngày nghỉ nhiều hơn so với quy định (không bao gồm ngày nghỉ hàng tuần) thường sẽ được trừ vào ngày nghỉ phép năm (ngày nghỉ hằng năm) của người lao động.
Căn cứ khoản 4 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động biết. Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên thì các doanh nghiệp có thể trừ ngày nghỉ phép năm đối với những ngày nghỉ Tết Âm lịch dài hơn số ngày quy định (5 ngày) nếu đã tham khảo ý kiến của người lao động tại doanh nghiệp và báo trước cho người lao động biết về vấn đề này.
Theo Thông báo 6150/TB-BLĐTBXH năm 2024 về việc nghỉ Tết Âm lịch và một số dịp nghỉ lễ trong năm 2025, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông báo để các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và những người sử dụng lao động khác thực hiện lịch nghỉ tết Âm lịch.
Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra 03 phương án nghỉ Tết Âm lịch 2025 cho người sử dụng lao động quyết định đối với người lao động (làm việc tại khu vực tư nhân) như sau:
- Phương án 1: 1 ngày cuối năm Giáp Thìn và 4 ngày đầu năm Ất Tỵ (tức là nghỉ từ ngày 28/1 đến hết ngày 1/2/2025).
- Phương án 2: 2 ngày cuối năm Giáp Thìn và 3 ngày đầu năm Ất Tỵ (tức là nghỉ từ ngày 27/1 đến hết ngày 31/1/2025).
- Phương án 3: 3 ngày cuối năm Giáp Thìn và 2 ngày đầu năm Ất Tỵ (tức là nghỉ từ ngày 26/1 đến hết ngày 30/1/2025).
Đồng thời, người sử dụng lao động phải Thông báo phương án nghỉ tết Âm lịch 2025 cho người lao động trước khi thực hiện ít nhất 30 ngày.
Bên cạnh đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khuyến khích người sử dụng lao động áp dụng thời gian nghỉ tết Âm lịch 2025 cho người lao động như quy định đối với công chức, viên chức.
Theo đó, lịch nghỉ tết của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi tắt là công chức, viên chức) được nghỉ dịp tết Âm lịch năm 2025 từ thứ Bảy ngày 25/01/2025 Dương lịch (tức ngày 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn) đến hết Chủ nhật ngày 02/02/2025 Dương lịch (tức ngày mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ). Đợt nghỉ này bao gồm 05 ngày nghỉ tết Âm lịch và 04 ngày nghỉ hằng tuần.
Người lao động có thể nghỉ Tết âm lịch 2025 lâu hơn bằng cách:
(1) Sử dụng phép năm
Cụ thể, theo Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 thì người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:
- 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
- 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
- 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Do đó, người lao động có thể sử dụng ngày phép năm để có kỳ nghỉ Tết âm lịch dài hơn quy định.
(2) Xin nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương
Theo Điều 115 Bộ luật Lao động 2019 thì người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây:
+ Kết hôn: nghỉ 03 ngày;
+ Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;
+ Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.
- Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.
- Ngoài quy định nêu trên, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.
Tóm lại, người lao động có thể kéo dài lịch nghỉ Tết âm lịch bằng cách sử dụng phép năm hoặc nghỉ không hưởng lương, hoặc ngày nghỉ Tết trùng với ngày nghỉ việc riêng có hưởng lương của người lao động.
Tuy nhiên việc sử dụng phép năm hoặc nghỉ không hưởng lương, nghỉ việc riêng đều phải có thỏa thuận và được sự đồng ý của người sử dụng lao động; nếu tự ý nghỉ, người lao động sẽ bị coi là tự ý nghỉ bỏ việc.