Theo theo điểm a, khoản 1, Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, được sửa đổi bởi khoản 34 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định như sau:
Thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính
1. Thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:
a) Đối với vụ việc không thuộc trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản này, thời hạn ra quyết định xử phạt là 07 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính; vụ việc thuộc trường hợp phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 10 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 63 của Luật này;
b) Đối với vụ việc mà cá nhân, tổ chức có yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh các tình tiết có liên quan quy định tại Điều 59 của Luật này thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 01 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính;
c) Đối với vụ việc thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản này mà đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp, cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 02 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.
2. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức liên quan nếu có lỗi trong việc để quá thời hạn mà không ra quyết định xử phạt thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo đó, đối với lỗi vi phạm nồng độ cồn thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 07 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Trong thời gian 07 ngày đó, Người có thẩm quyền xử phạt là Cảnh sát giao thông sẽ ra quyết định xử phạt.
Đồng thời, căn cứ theo khoản 1 Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 về Thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đã có quy định tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Đối với trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.
Như vậy, theo nguyên tắc phải có quyết định xử phạt thì người bị xử phạt mới tiến hành đóng tiền phạt dựa theo quyết định phạt đó, và việc có thể được đóng phạt sớm hay không sẽ được chia thành 02 trường hợp:
* Trường hợp 01:
Nếu thời hạn của quyết định xử phạt được ghi cụ thể là trong 10 ngày tính từ ngày nhận quyết định xử phạt, thì người bị xử phạt có thể đến cơ quan chức năng có thẩm quyền để được đóng phạt sớm và nhận lại xe trước hạn.
* Trường hợp 02:
Nếu thời hạn của quyết định xử phạt được ghi là nhiều hơn 10 ngày tính từ ngày nhận quyết định xử phạt, thì người bị xử phạt đến cơ quan chức năng để đóng phạt theo đúng thời hạn trong quyết định xử phạt.
Bị phạt nồng độ cồn có được đóng phạt và lấy xe ra trước ngày hẹn? (Hình từ internet)
Mức phạt nồng độ cồn mới nhất năm 2025 theo Nghị định 168?
* Đối với ô tô
(1) Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng khi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
(Theo điểm c khoản 6 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP)
Phạt bổ sung: Trừ 04 điểm giấy phép lái xe
(Điểm b khoản 16 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP)
(2) Phạt tiền từ 18.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng khi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.
(Theo điểm a khoản 9 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP)
Phạt bổ sung: Trừ 10 điểm giấy phép lái xe
(Điểm d khoản 16 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP)
(3) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng khi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.
(Theo điểm a khoản 11 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP)
Phạt bổ sung: Tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng
(Điểm c khoản 15 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP)
* Đối với xe máy
(1) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
(Theo điểm a khoản 6 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP)
Phạt bổ sung: Trừ 04 điểm giấy phép lái xe
(Điểm b khoản 13 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP)
(2) Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng khi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.
(Theo điểm b khoản 8 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP)
Phạt bổ sung: Trừ 10 điểm giấy phép lái xe
(Điểm d khoản 13 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP)
(3) Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.
(Theo điểm d khoản 9 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP)
Phạt bổ sung: Tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng
(Điểm c khoản 12 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP)