Tại Điều 15 Công ước về chống tham nhũng của Liên Hợp Quốc (UNCAC) có nêu hành vi làm giàu bất hợp pháp như sau:
Trên cơ sở tuân thủ Hiến pháp và các nguyên tắc cơ bản của hệ thống pháp luật nước mình, mỗi Quốc gia thành viên sẽ áp dụng các biện pháp lập pháp và các biện pháp cần thiết khác nhằm quy định là tội phạm, nếu được thực hiện một cách cố ý, hành vi làm giàu bất hợp pháp, nghĩa là việc tài sản của một công chức tăng đáng kể so với thu nhập hợp pháp của công chức mà công chức này không giải thích được một cách hợp lý về lý do tăng đáng kể như vậy.
Đề xuất tội làm giàu bất chính? Hành vi làm giàu bất hợp pháp theo Công ước về chống tham nhũng của Liên Hợp Quốc (Hình từ internet)
Làm giàu bất hợp pháp theo nghĩa rộng là việc giàu có hay gia tăng tài sản một cách đáng kể của bất kì người nào mà họ không lí giải được nguồn gốc hợp pháp của tài sản đó.
Thực chất nguồn gốc hay cách thức tạo ra các tài sản là việc thực hiện những hành vi bất hợp pháp. Ở góc độ hẹp hơn, trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, theo UNCAC làm giàu bất hợp pháp là việc tài sản của công chức tăng lên một cách đáng kể so với thu nhập hợp pháp của họ mà không giải thích được một cách hợp lý cho việc tăng tài sản đó.
Thực tiễn chống tội phạm trên thế giới cho thấy, làm giàu bất hợp pháp chủ yếu bắt nguồn từ việc thực hiện tội phạm có tổ chức và tội phạm tham nhũng. Chính vì vậy, bên cạnh việc đặt ra nghĩa vụ hình sự hóa các hành vi tham nhũng truyền thống như tham ô, biển thủ hoặc các dạng chiếm đoạt tài sản khác, hối lộ, lợi dụng ảnh hưởng để trục lợi,... UNCAC coi hành vi làm giàu bất hợp pháp là một loại hành vi có bản chất tham nhũng và khuyến nghị các quốc gia thành viên hình sự hóa hành vi này.
Vì thế, Điều 20 UNCAC quy định “Trên cơ sở tuân thủ Hiến pháp và các nguyên tắc cơ bản của hệ thống pháp luật nước mình, mỗi Quốc gia thành viên sẽ áp dụng các biện pháp lập pháp và các biện pháp cần thiết khác nhằm quy định là tội phạm, nếu được thực hiện một cách cố ý, hành vi làm giàu bất hợp pháp, nghĩa là việc tài sản của một công chức tăng đáng kể so với thu nhập hợp pháp của công chức mà công chức này không giải thích được một cách hợp lý về lý do tăng đáng kể như vậy”.
Hiện nay trên thế giới, nhiều quốc gia đã quy định về hành vi làm giàu bất chính, như Achentian, Zambia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Brunây, Singapore …
Có thể thấy, để phòng ngừa tội phạm tham nhũng có hiệu quả, phù hợp với chuẩn mực quốc tế cũng như xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới, đồng thời phòng ngừa sớm, ngăn chặn sớm nguy cơ xảy ra tội rửa tiền có nguồn gốc từ tham nhũng thì cần có giải pháp căn cơ, mang tính đột phá. Vì thế, việc nghiên cứu để hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp trong thời gian là hết sức cần thiết.
Tuy nhiên, để thực hiện được giải pháp này thì cần hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật để bảo đảm sự đồng bộ về thể chế, cơ chế trong việc đăng ký tài sản, giao dịch; kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập; đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất cho các giao dịch thanh toán chuyển khoản, thanh toán không dùng tiền mặt; đảm bảo điều kiện về nhận thức của người dân trong việc tuân thủ quy định pháp luật về đăng ký tài sản; hạn chế thói quen dùng tiền mặt; trách nhiệm của công chức trong việc kê khai tài sản, thu nhập.
Theo báo cáo "Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về xử lý hình sự đối với tội phạm rửa tiền có nguồn gốc từ tham nhũng" của Bộ Tư pháp.
Như vậy, hiện nay chưa có tội làm giàu bất chính mà thông tin này chỉ mới được nêu ra tại báo cáo "Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về xử lý hình sự đối với tội phạm rửa tiền có nguồn gốc từ tham nhũng" của Bộ Tư pháp.