Tải App trên Android

Bỏ quy định về sinh một hoặc hai con trong thực hiện kế hoạch hóa gia đình (Đề xuất)

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
25/02/2025 08:44 AM

Bộ Y tế đang lấy ý kiến về đề xuất bỏ quy định về sinh một hoặc hai con trong thực hiện kế hoạch hóa gia đình với mỗi cặp vợ chồng, cá nhân.

Bỏ quy định về sinh một hoặc hai con trong thực hiện kế hoạch hóa gia đình (Đề xuất)

Bỏ quy định về sinh một hoặc hai con trong thực hiện kế hoạch hóa gia đình (Đề xuất) (Hình từ Internet)

Bộ Y tế đang dự thảo Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh Dân số 2003.

Dự thảo Pháp lệnh

Bỏ quy định về sinh một hoặc hai con trong thực hiện kế hoạch hóa gia đình (Đề xuất)

Tại Điều 1 dự thảo Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh Dân số 2003 đã đề xuất sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh Dân số 2003 về quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động dân số và kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản như sau:

- Quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh;

- Bảo vệ sức khỏe, thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS và thực hiện các nghĩa vụ khác liên quan đến sức khỏe sinh sản.

Trong khi đó, hiện hành theo Điều 10 Pháp lệnh Dân số 2003 (sửa đổi tại Pháp lệnh 08/2008/PL-UBTVQH12) thì quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động dân số và kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản như sau:

- Quyết định thời gian và khoảng cách sinh con;

- Sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định;

- Bảo vệ sức khỏe, thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS và thực hiện các nghĩa vụ khác liên quan đến sức khỏe sinh sản.

Đồng thời, tại Điều 17 Nghị định 104/2003/NĐ-CP cũng quy định về quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện kế hoạch hoá gia đình như sau:

- Quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân không tách rời nhau trong việc thực hiện kế hoạch hoá gia đình. Mỗi cặp vợ chồng, cá nhân có trách nhiệm thực hiện quyền và phải làm tròn nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước và xã hội

- Mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có quyền:

+ Quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với quy mô gia đình ít con, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và chính sách dân số của Nhà nước trong từng giai đoạn; phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khoẻ, điều kiện học tập, lao động, công tác, thu nhập và nuôi dạy con của cặp vợ chồng, cá nhân trên cơ sở bình đẳng.

+ Lựa chọn, sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp với điều kiện kinh tế, sức khoẻ, tâm lý và các điều kiện khác.

+ Được cung cấp thông tin và dịch vụ về kế hoạch hoá gia đình.

- Mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có nghĩa vụ:

+ Thực hiện quy mô gia đình ít con - có một hoặc hai con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững.

+ Sử dụng biện pháp tránh thai, thực hiện kế hoạch hoá gia đình.

+ Tôn trọng lợi ích của Nhà nước, xã hội, cộng đồng và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức trong việc kiểm soát sinh sản và điều chỉnh quy mô dân số.

+ Thực hiện các quy định của pháp luật về dân số; các quy chế, điều lệ hoặc các hình thức khác của cơ quan, tổ chức; quy ước, hương ước của cộng đồng về dân số và kế hoạch hoá gia đình.

+ Thực hiện các nghĩa vụ khác liên quan đến chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hoá gia đình.

Như vậy, Bộ Y tế đang dự thảo về việc bỏ quy định về sinh một hoặc hai con (trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định) trong việc thực hiện cuộc vận động dân số và kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản với mỗi cặp vợ chồng, cá nhân. Đồng thời, đề xuất bổ sung quyền quyết định số con của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân.

Kế hoạch hóa gia đình là gì?

Theo Điều 9 Pháp lệnh Dân số 2003 thì kế hoạch hoá gia đình là biện pháp chủ yếu để điều chỉnh mức sinh góp phần bảo đảm cuộc sống no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Các biện pháp thực hiện kế hoạch hoá gia đình bao gồm:

- Tuyên truyền, tư vấn, giúp đỡ, bảo đảm để mỗi cá nhân, cặp vợ chồng chủ động, tự nguyện thực hiện kế hoạch hoá gia đình;

- Cung cấp các dịch vụ kế hoạch hoá gia đình bảo đảm chất lượng, thuận tiện, an toàn và đến tận người dân;

- Khuyến khích lợi ích vật chất và tinh thần, thực hiện các chính sách bảo hiểm để tạo động lực thúc đẩy việc thực hiện kế hoạch hoá gia đình sâu rộng trong nhân dân.

Nhà nước hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các chương trình, dự án về kế hoạch hoá gia đình; ưu tiên đối với vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn và người chưa đến tuổi thành niên.

Xem thêm tại dự thảo Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh Dân số 2003.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5

Bài viết về

lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]