Nhiệm vụ, quyền hạn của phòng Tổ chức cán bộ thuộc TAND cấp tỉnh năm 2025 (Hình từ internet)
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thông tư 04/2024/TT-TANDTC ngày 31/12/2024 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng, phòng thuộc Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương.
Theo đó, phòng Tổ chức cán bộ có chức năng tham mưu, giúp Đảng ủy, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh trong công tác tổ chức xây dựng Đảng, công tác cán bộ và quản lý các Tòa án nhân dân cấp huyện về tổ chức theo phân cấp quản lý cán bộ.
Phòng Tổ chức cán bộ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Quản lý, sử dụng hiệu quả biên chế công chức được Tòa án nhân dân tối cao phân bổ; thực hiện tuyển dụng, bố trí, sắp xếp, cơ cấu công chức theo vị trí việc làm gắn với thực hiện tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh, chức vụ thuộc thẩm quyền quản lý theo phân cấp;
- Thực hiện quy trình công tác cán bộ, đánh giá, phân loại, kế hoạch sử dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng; thực hiện chế độ, chính sách, thôi việc, nghỉ hưu, bảo hiểm xã hội và chế độ, chính sách khác đối với công chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý theo phân cấp;
- Xây dựng hồ sơ, cập nhật, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu công chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định; phối hợp với cơ quan tham mưu của cấp ủy địa phương thẩm tra về lịch sử chính trị, chính trị hiện nay đối với công chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền;
- Lựa chọn, cử công chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị và đào tạo, bồi dưỡng khác theo kế hoạch của cấp có thẩm quyền; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho Hội thẩm nhân dân, Hòa giải viên và đối tượng khác theo quy định;
- Thực hiện nhiệm vụ trong công tác tổ chức xây dựng Đảng;
- Thực hiện công tác chính trị, tư tưởng, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý theo phân cấp;
- Thực hiện thống kê, báo cáo về số lượng, chất lượng đội ngũ công chức, người lao động và báo cáo khác theo quy định;
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo phân công của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
(Điều 4 Thông tư 04/2024/TT-TANDTC)
Theo Điều 2 Thông tư 04/2024/TT-TANDTC, văn phòng, phòng thuộc Tòa án nhân dân cấp tỉnh gồm:
- Văn phòng;
- Phòng Tổ chức cán bộ;
- Phòng Thanh tra, Kiểm tra và Thi hành án.
Chức vụ, chức danh trong Văn phòng, phòng thuộc Tòa án nhân dân cấp tỉnh có Trưởng phòng hoặc tương đương, Phó Trưởng phòng hoặc tương đương, Thẩm phán Tòa án nhân dân, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án, công chức khác và người lao động;
Theo quy định tại Điều 56 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 thì cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bao gồm:
- Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Các Tòa chuyên trách gồm Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Hành chính, Tòa Kinh tế, Tòa Lao động, Tòa Gia đình và người chưa thành niên.
Trường hợp cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập Tòa chuyên trách khác theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Căn cứ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 56 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 và yêu cầu của thực tiễn xét xử ở mỗi Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định việc tổ chức các Tòa chuyên trách;
- Văn phòng;
- Phòng và các đơn vị tương đương.
- Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có Chánh án, các Phó Chánh án, Chánh tòa, các Phó Chánh tòa, Thẩm phán Tòa án nhân dân, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án, công chức khác và người lao động.