Quy tắc ứng xử chung về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (Hình từ internet)
Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quyết định 88/QĐ-BTTTT ngày 21/1/2025 về ban hành Bộ Quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Đối tượng áp dụng Bộ Quy tắc gồm 05 nhóm đối tượng:
(i) Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và giáo viên;
(ii) Người dùng trên môi trường mạng;
(iii) Tổ chức, doanh nghiệp truyền thông và người sáng tạo nội dung trên môi trường mạng;
(iv) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet và doanh nghiệp cung cấp nền tảng;
(v) Trẻ em.
Trong đó, Quy tắc ứng xử chung áp dụng cho tất cả các nhóm đối tượng như sau:
- Tuân thủ pháp luật Việt Nam về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em; luôn vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.
- Ứng xử lành mạnh, tích cực, phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục của Việt Nam và phù hợp với độ tuổi trẻ em trên môi trường mạng.
- Không sử dụng các hình ảnh và thông tin cá nhân của trẻ mà chưa được sự đồng ý của trẻ, cha, mẹ và người chăm sóc trẻ em theo quy định của pháp luật.
- Không sử dụng các hình ảnh và thông tin cá nhân của trẻ em cho các mục đích có nguy cơ ảnh hưởng tới sự an toàn, phát triển lành mạnh của trẻ em.
- Tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức cộng đồng, xã hội thực hiện bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
- Khi nghi ngờ hoặc phát hiện các hành vi xâm hại trẻ em, rủi ro đối với trẻ em trên môi trường mạng, nội dung độc hại đối với trẻ em cần khẩn trương, kịp thời phản ánh, tố giác tới các địa chỉ sau:
+ Tổng đài điện thoại quốc gia về bảo vệ trẻ em (số 111);
+ Cơ quan công an nơi gần nhất;
+ Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (VN-COP) (https://vn-cop.vn/bao-cao-xam-pham; email: [email protected]).
(Điều 2, Điều 4 Bộ Quy tắc ban hành kèm theo Quyết định 88/QĐ-BTTTT)
Mục đích của Bộ Quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng nhằm:
- Xây dựng chuẩn mực ngôn ngữ, hành vi, ứng xử cho người sử dụng Internet (người dùng trên môi trường mạng) nhằm thúc đẩy môi trường mạng an toàn, lành mạnh, văn minh, góp phần bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.
- Nâng cao nhận thức của xã hội về các rủi ro mà trẻ em phải đối mặt khi hoạt động trên môi trường mạng (hoặc không gian mạng). Nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, giáo viên và toàn xã hội trong việc chung tay bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
- Thúc đẩy việc phản ánh, thông báo các nội dung độc hại và các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng tới các cơ quan chức năng.
(Điều 1 Bộ Quy tắc ban hành kèm theo Quyết định 88/QĐ-BTTTT)
Một số thuật ngữ tại Bộ quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên mạng - Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (hay còn gọi là “bảo vệ trẻ em trên không gian mạng”, “bảo vệ trẻ em trên môi trường trực tuyến”) là việc thực hiện các biện pháp phù hợp nhằm bảo đảm cho trẻ em được an toàn khi sử dụng Internet và các dịch vụ trực tuyến, bao gồm các hoạt động giáo dục nhận thức; phòng ngừa, phát hiện, xử lý, ngăn chặn các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và các nguy cơ khác gây tổn hại cho trẻ em trên môi trường mạng. - Rủi ro đối với trẻ em trên môi trường mạng là những yếu tố, những hành vi, nội dung tiêu cực, những nguy cơ mà trẻ em có thể gặp phải khi tham gia hoạt động trên môi trường mạng có khả năng tác động, gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm, quyền riêng tư của trẻ em khi tham gia hoạt động trên môi trường mạng. - Nội dung độc hại cho trẻ em trên mạng là những thông tin có thể trực tiếp hoặc có nguy cơ gây tổn hại tới thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm và sự phát triển lành mạnh của trẻ em, bao gồm (nhưng không giới hạn) các nội dung sau: thông tin giả mạo, sai sự thật; cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy; miêu tả hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn; hàng hóa, dịch vụ bị cấm, các trò chơi, thử thách nguy hiểm và các thông tin khác không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, trái quy định của pháp luật. - Xâm hại trẻ em trên không gian mạng là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em được thực hiện trên không gian mạng dưới các hình thức: đăng tải bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em trái quy phạm pháp luật; gửi, cung cấp nội dung độc hại cho trẻ em; bắt nạt; bạo lực; bóc lột tình dục, xâm hại tình dục, lừa đảo, mua bán và các hình thức gây tổn hại khác. |
Xem thêm Quyết định 88/QĐ-BTTTT có hiệu lực từ ngày 21/01/2025.