Chính phủ thống nhất dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) (Hình từ internet)
Ngày 21/01/2025, Chính phủ ban hành Nghị quyết 18/NQ-CP về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Cụ thể, Chính phủ cơ bản thống nhất nội dung dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) do Bộ Nội vụ trình tại Tờ trình số 412/TTr-BNV ngày 19 tháng 01 năm 2025 về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật.
Đồng thời, Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm về nội dung tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội; chủ động báo cáo, giải trình trong quá trình thẩm tra, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật.
Trên cơ sở tiếp thu, hoàn hiện dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), giao Bộ trưởng Bộ Nội vụ thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và các văn bản liên quan trình Quốc hội theo tiến độ tại Văn bản số 1144/UBTVQH15-PL ngày 13 tháng 01 năm 2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cụ thể, Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (ngày 09/01/2025) sẽ sửa toàn diện các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành, quy định về đơn vị hành chính và tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính.
Đối tượng tác động của Luật Tổ chức chính quyền địa phương mới nhất này sẽ là toàn bộ cơ quan nhà nước từ Trung ương (Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ) và chính quyền địa phương, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc của chính quyền địa phương các cấp.
Dự thảo Luật gồm 08 chương, 70 điều (giảm 73 điều so với Luật hiện hành), cụ thể như sau:
- Chương I: Những quy định chung, gồm 8 điều (từ Điều 1 đến Điều 8).
- Chương II: Tổ chức ĐVHC, gồm 8 điều (từ Điều 9 đến Điều 16).
- Chương III: Phân định thẩm quyền giữa chính quyền địa phương các cấp, gồm 5 điều (từ Điều 17 đến Điều 21).
- Chương IV: Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương, gồm 16 điều (từ Điều 22 đến Điều 37).
- Chương V: Tổ chức và hoạt động của HĐND, gồm 14 điều (từ Điều 38 đến Điều 51).
- Chương VI: Tổ chức và hoạt động của UBND, gồm 10 điều (từ Điều 52 đến Điều 61).
- Chương VII: Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương trong một số trường hợp đặc biệt, gồm 6 điều (từ Điều 62 đến Điều 67).
- Chương VIII: Hiệu lực thi hành, gồm 3 điều (từ Điều 68 đến Điều 70).
Dự kiến nếu được Quốc hội thông qua thì Luật này sẽ có hiệu lực trong năm 2026, trừ một số nội dung như sau:
- Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, xã, phường, thị trấn nhiệm kỳ 2021 - 2026 kết thúc nhiệm vụ vào ngày 30/6/2026.
- Kể từ ngày 01/7/2026, Ủy ban nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, xã, phường, thị trấn thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Luật này.
Trường hợp chưa bổ nhiệm được Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, xã, phường, thị trấn thì Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, xã, phường, thị trấn nhiệm kỳ 2021 - 2026 tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này cho đến khi Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, xã, phường, thị trấn mới được bổ nhiệm.
- Văn bản của chính quyền địa phương ở quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, xã, phường, thị trấn được ban hành trước ngày 01/7/2026, nếu chưa được cơ quan có thẩm quyền thay thế hoặc bãi bỏ thì vẫn được áp dụng.