Phương án tinh gọn bộ máy Bộ Giáo dục và Đào tạo theo Báo cáo 219 (Hình từ Internet)
Ngày 11/01/2025, Bộ Nội vụ đã có Báo cáo 219/BC-BNV về bổ sung, hoàn thiện phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ; trong đó có nội dung liên quan đến việc tinh gọn bộ máy Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo Báo cáo 219/BC-BNV ngày 11/01/2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có phương án tinh gọn bộ máy như sau:
- Tiếp tục giữ tên gọi như hiện nay theo đề xuất tại Báo cáo số 3792-BC/BCSĐCP ngày 31/12/2024 của Ban cán sự đảng Chính phủ.
- Hợp nhất Vụ Giáo dục Tiểu học và Vụ Giáo dục Trung học thành Vụ Giáo dục phổ thông; đồng thời tiếp nhận thêm một số nhiệm vụ của Vụ Giáo dục dân tộc.
Cũng tại Báo cáo 219/BC-BNV, Bộ Nội vụ đã đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan mình, trình Chính phủ ban hành ngay sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng có kết luận để kịp thời sau kỳ họp bất thường Quốc hội (dự kiến từ ngày 12-17/02/2025), Chính phủ sẽ công bố Nghị định.
Tại Kế hoạch 141/KH-BCĐTKNQ18 năm 2024 định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ do Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ban hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp nhận nhiều chức năng, nhiệm vụ mới như sau: - Tiếp nhận chuyển chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp khi hợp nhất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ. - Quản lý Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 02 Đại học Quốc gia (Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) xây dựng Đề án kiện toàn cơ cấu tổ chức để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn sau khi tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 02 Đại học Quốc gia (kèm theo dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo sau khi sắp xếp). Đồng thời, chủ động xây dựng phương án tiếp nhận và sắp xếp, cơ cấu lại, thu gọn đầu mối các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển sang), bảo đảm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. |
Được biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, giáo dục đại học, giáo dục thường xuyên về: mục tiêu, chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục; quy chế thi, tuyển sinh, đào tạo và văn bằng, chứng chỉ; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu; cơ sở vật chất và thiết bị trường học; bảo đảm chất lượng, kiểm định chất lượng giáo dục; quản lý nhà nước về tiếng Việt và tiếng các dân tộc; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.
Trong đó, cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo được quy định như sau:
- Vụ Giáo dục Mầm non.
- Vụ Giáo dục Tiểu học.
- Vụ Giáo dục Trung học.
- Vụ Giáo dục Đại học.
- Vụ Giáo dục thể chất.
- Vụ Giáo dục dân tộc.
- Vụ Giáo dục thường xuyên.
- Vụ Giáo dục Quốc phòng và An ninh.
- Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên.
- Vụ Tổ chức cán bộ.
- Vụ Kế hoạch - Tài chính.
- Vụ Cơ sở vật chất.
- Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
- Vụ Pháp chế.
- Văn phòng.
- Thanh tra.
- Cục Quản lý chất lượng.
- Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục.
- Cục Công nghệ thông tin.
- Cục Hợp tác quốc tế.
- Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.
- Báo Giáo dục và Thời đại.
- Tạp chí Giáo dục.