07 nhiệm vụ mới của Bộ Công an theo Báo cáo 219 (Hình từ Internet)
Ngày 11/01/2025, Bộ Nội vụ đã có Báo cáo 219/BC-BNV về bổ sung, hoàn thiện phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ; trong đó có đề cập đến việc đề xuất bổ sung thêm các nhiệm vụ mới của Bộ Công an.
Theo Báo cáo 219/BC-BNV ngày 11/01/2025, dự kiến Bộ Công an sẽ có 07 nhiệm vụ mới như sau:
(i) Chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy và phòng chống tệ nạn xã hội (đang giao cho Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội quản lý).
(ii) Nhiệm vụ quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp và thực hiện dịch vụ công cấp Phiếu lý lịch tư pháp (đang giao cho Bộ Tư pháp quản lý).
(iii) Nhiệm vụ về sát hạch, cấp Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ (đang giao cho Bộ Giao thông vận tải quản lý).
(iv) Nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, cửa khẩu;
(v) Nhiệm vụ quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh;
(vi) Nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng;
(vii) Nhiệm vụ bảo đảm an ninh hàng không;
Lưu ý:
- Việc chuyển nhiệm vụ (i), (ii), (iii) từ các Bộ đang quản lý sang cho Bộ Công an sẽ không tăng đầu mối của Bộ này.
- Các nhiệm vụ (iv), (v), (vi), (vii) là các nhiệm vụ theo đề xuất của Bộ Công an tại Văn bản số 3838-CV/ĐUCA ngày 18/12/2024. Ban Chỉ đạo của Chính phủ sẽ cho ý kiến về nội dung này để làm cơ sở hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công an và các Bộ, ngành có liên quan.
Được biết, Bộ Công an là một trong 08 Bộ, cơ quan ngang Bộ vẫn được duy trì, chỉ có sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong.
Theo Kế hoạch 141/KH-BCĐTKNQ18 năm 2024 định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ do Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ban hành, sẽ duy trì 08 Bộ, cơ quan ngang Bộ (có sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong) như sau:
- Đối với các Bộ, gồm: (1) Bộ Quốc phòng; (2) Bộ Công an; (3) Bộ Tư pháp; (4) Bộ Công Thương; (5) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
- Đối với các cơ quan ngang Bộ, gồm: (1) Văn phòng Chính phủ; (2) Thanh tra Chính phủ; (3) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Việc đề xuất duy trì các bộ, cơ quan ngang Bộ nêu trên là cần thiết, bảo tính ổn định, kế thừa và phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay.
Công an nhân dân là lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Công an nhân dân có chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, các loại tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Về nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Công an nhân dân: - Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý nhà nước của Chính phủ và sự chỉ huy, quản lý trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công an. - Được tổ chức tập trung, thống nhất, chuyên sâu, tinh gọn và theo cấp hành chính từ trung ương đến cơ sở. - Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; cấp dưới phục tùng cấp trên; dựa vào Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. (Theo Luật Công an nhân dân 2018) |