Phương án tinh gọn bộ máy Kho bạc Nhà nước theo Báo cáo 219/BC-BNV (Hình từ Internet)
Ngày 11/01/2025, Bộ Nội vụ đã có Báo cáo 219/BC-BNV về bổ sung, hoàn thiện phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ; trong đó có đề cập đến phương án tinh gọn bộ máy Kho bạc Nhà nước.
Báo cáo 219/BC-BNV đã có nội dung liên quan đến phương án tinh gọn bộ máy Kho bạc Nhà nước như sau:
- Tổ chức lại Kho bạc Nhà nước (hiện đang tương đương cấp tổng cục) thành Kho bạc Nhà nước là tổ chức tương đương cấp cục (dự kiến sẽ có 10 ban/phòng).
- Sắp xếp, cơ cấu lại 63 Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh thành 20 Kho bạc Nhà nước khu vực, là tổ chức cấp chi cục.
Sau sắp xếp dự kiến sẽ giảm khoảng 431/1049 (đầu mối 41,09%).
Kho bạc Nhà nước là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý nhà nước về quỹ ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước; quản lý ngân quỹ nhà nước; tổng kế toán nhà nước; thực hiện việc huy động vốn cho ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển thông qua hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ theo quy định của pháp luật.
Kho bạc Nhà nước có tư cách pháp nhân, con dấu có hình Quốc huy, được mở tài khoản tại Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại theo quy định của pháp luật, có trụ sở tại thành phố Hà Nội.
Trong đó, Kho bạc Nhà nước được tổ chức thành hệ thống dọc từ Trung ương đến địa phương theo đơn vị hành chính, bảo đảm nguyên tắc tập trung, thống nhất; cụ thể:
- Cơ quan Kho bạc Nhà nước ở Trung ương:
+ Vụ Tổng hợp - Pháp chế;
+ Vụ Kiểm soát chi;
+ Vụ Kho quỹ;
+ Vụ Hợp tác quốc tế;
+ Vụ Thanh tra - Kiểm tra;
+ Vụ Tổ chức cán bộ;
+ Vụ Tài vụ - Quản trị;
+ Văn phòng;
+ Cục Kế toán nhà nước;
+ Cục Quản lý ngân quỹ;
+ Cục Công nghệ thông tin;
+ Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước;
+ Trường Nghiệp vụ Kho bạc;
+ Tạp chí Quản lý Ngân quỹ Quốc gia.
Trong đó: Trường Nghiệp vụ Kho bạc và Tạp chí Quản lý Ngân quỹ Quốc gia là tổ chức sự nghiệp; còn lại là tổ chức hành chính giúp Tổng Giám đốc thực hiện chức năng quản lý nhà nước.
- Cơ quan Kho bạc Nhà nước ở địa phương:
+ Kho bạc Nhà nước ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh) trực thuộc Kho bạc Nhà nước.
+ Kho bạc Nhà nước ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Kho bạc Nhà nước cấp huyện) trực thuộc Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh.
Kho bạc Nhà nước được tổ chức điểm giao dịch tại các địa bàn có khối lượng giao dịch lớn theo quy định của pháp luật.
Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh, Kho bạc Nhà nước cấp huyện có tư cách pháp nhân, con dấu riêng, được mở tài khoản tại Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại theo quy định của pháp luật.
Về lãnh đạo:
- Kho bạc Nhà nước có Tổng Giám đốc và không quá 03 Phó Tổng Giám đốc.
- Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính bổ nhiệm, miễn nhiệm và cách chức theo quy định của pháp luật.
- Tổng Giám đốc là người đứng đầu Kho bạc Nhà nước, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Tài chính và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Kho bạc Nhà nước. Phó Tổng Giám đốc chịu trách nhiệm trước Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước và trước pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công phụ trách.
(Điều 1, Điều 3 và Điều 4 Quyết định 26/2015/QĐ-TTg)