Đã có Chỉ thị 01 về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2025
Ngày 12/12/2024, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có Chỉ thị 01/CT-VKSTC về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2025.
Cụ thể tại Chỉ thị 01/CT-VKSTC, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao yêu cầu toàn Ngành tiếp tục thực hiện phương châm “Đoàn kết, trách nhiệm - kỷ cương, liêm chính - bản lĩnh, hiệu quả”, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, vượt qua thử thách, đề ra các giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến thực chất, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành; sắp xếp tinh gọn bộ máy, tiếp tục hoàn thiện thể chế và đột phá về chuyển đổi số; phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu công tác Quốc hội giao.
Trong đó, tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như sau:
(1) Thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, Nhà nước về công tác tư pháp, về kiểm soát quyền lực và các chỉ thị chuyên đề của Viện trưởng VKSND tối cao. Thực hiện tốt các quy định, hướng dẫn của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; tích cực tham gia góp ý xây dựng các văn kiện trình Đại hội; chủ động lựa chọn, giới thiệu lãnh đạo VKSND các cấp tham gia cấp ủy cùng cấp bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện.
Phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm yêu cầu về “chính trị - pháp luật và nghiệp vụ” xử lý dứt điểm những vụ việc phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ trở thành “điểm nóng”, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tổ chức thành công đại hội đảng các cấp và các ngày lễ lớn của đất nước.
(2) Thực hiện quyết liệt chủ trương về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và Nghị quyết số 181-NQ/BCSĐ ngày 19/11/2024 của Ban cán sự đảng VKSND tối cao bảo đảm “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”.
Gắn sắp xếp tinh gọn bộ máy với đổi mới phương pháp, lề lối làm việc; bảo đảm cơ cấu đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên đủ phẩm chất, năng lực; đánh giá đúng, bố trí sử dụng người có năng lực nổi trội, có sản phẩm, cán bộ trẻ, cán bộ nữ có triển vọng phát triển nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp đủ phẩm chất năng lực, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong giai đoạn hiện nay.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ; đề cao trách nhiệm, nêu gương của người đứng đầu; đồng thời bảo đảm điều kiện, môi trường để cán bộ yên tâm thực hiện nhiệm vụ; bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
(3) Thực hành quyền công tố chủ động hơn với tinh thần 4S: “sớm hơn, sát hơn, sâu hơn, sắc hơn”; không để xảy ra oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự, hành chính và ngược lại.
Tăng cường công tác phối hợp nhằm đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo có liên quan đến cán bộ, đảng viên để phục vụ công tác nhân sự đại hội đảng bộ các cấp.
Áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Chú trọng phát hiện, xử lý nghiêm các vụ án, vụ việc gây lãng phí lớn tài sản công, tội phạm liên quan đến lĩnh vực an ninh, ma túy và tội phạm công nghệ cao.
Xây dựng Cơ quan điều tra VKSND tối cao vững mạnh, toàn diện; tập trung phát hiện, xử lý hành vi vi phạm, tội phạm tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp để góp phần kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Nghiên cứu bổ sung các trang thiết bị và xây dựng đội ngũ chuyên gia về dữ liệu điện tử.
(4) Thực hiện hiệu quả công tác kiểm sát hoạt động tư pháp; đổi mới phương thức kiểm sát, tăng cường kiểm sát đột xuất theo chuyên đề đối với lĩnh vực nổi cộm; các vụ việc đại biểu quốc hội, dư luận quan tâm nhằm phát hiện kịp thời các vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp. Nâng cao chất lượng kháng nghị, tăng cường kiến nghị góp phần bảo đảm pháp chế trong hoạt động tư pháp.
Tiếp tục xác định công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính; vụ, việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động là nhiệm vụ trọng tâm đột phá của Ngành trong năm 2025. Cần tiến hành đánh giá quá trình, kết quả thực hiện và chủ động đề ra các giải pháp, biện pháp, cách làm hay để khắc phục kịp thời những hạn chế, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao.
Xem thêm tại Chỉ thị 01/CT-VKSTC ngày 12/12/2024.