Tải App trên Android

Sửa Luật Cán bộ, công chức đáp ứng công cuộc tinh gọn bộ máy

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
25/12/2024 10:00 AM

Trên cơ sở kết quả đánh giá, tổng kết việc thi hành Luật Cán bộ, công chức, Bộ Nội vụ sẽ sửa đổi Luật Cán bộ, công chức để đáp ứng công cuộc tinh gọn bộ máy.

Sửa Luật Cán bộ, công chức đáp ứng công cuộc tinh gọn bộ máy (Hình từ internet)

Bộ Nội vụ đã có đề nghị xây dựng Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) nhằm đáp ứng công cuộc tinh gọn bộ máy.

Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)​

Sửa Luật Cán bộ, công chức đáp ứng công cuộc tinh gọn bộ máy

Luật Cán bộ, công chức được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 13/11/2008, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2010; được sửa đổi, bổ sung năm 2019 tại Luật số 52/2019/QH14 ngày 25/11/2019 (sau đây gọi chung là Luật Cán bộ, công chức). 

Sau hơn 15 năm thực hiện, Luật Cán bộ, công chức đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống cơ quan nhà nước các cấp, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả. 

Việc thực hiện các quy định của Luật và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành góp phần quan trọng thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước. 

Tuy nhiên, sau 05 năm được sửa đổi, bổ sung, một số quy định của Luật Cán bộ, công chức bộc lộ hạn chế nhất định, cần tiếp tục được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, cần phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đồng bộ với các quy định mới của Đảng.

Một số chủ trương mới của Đảng về công tác cán bộ cần tiếp tục thể chế hóa, bảo đảm thực hiện bằng quy định của luật, bao gồm: Cơ chế tạo nguồn, thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao; Cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; Cơ chế sàng lọc, thay thế cán bộ, công chức, viên chức thiếu trách nhiệm, năng lực hạn chế, uy tín thấp.

Một số quy định của Luật chưa thống nhất, đồng bộ với quy định của Đảng. Ngoài ra, một số quy định của Luật Cán bộ, công chức chưa đồng bộ, thống nhất với pháp luật chuyên ngành khác.

Thực tiễn phát sinh nhiều vấn đề mới chưa được pháp luật quy định, như: 

- Các quy định cụ thể về đạo đức công vụ; biểu hiện hành vi và chế tài xử lý đối với cán bộ, công chức vi phạm quy định về đạo đức công vụ; 

- Việc áp dụng cơ chế quản lý thống nhất giữa cán bộ, công chức cấp huyện trở lên và cán bộ, công chức cấp xã; 

- Quy định về việc tiếp nhận vào công chức, trong đó cần bổ sung đối tượng là sinh viên tốt nghiệp hệ cử tuyển; 

- Chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý sau khi bị kỷ luật. 

Theo Bộ Nội vụ, cán bộ và công tác cán bộ là vấn đề “rất trọng yếu”, “quyết định mọi việc”, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. 

Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy, gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Do vậy, yêu cầu và cơ chế quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức cần được nghiên cứu, quy định phù hợp với thực tiễn quản lý trong giai đoạn hiện nay.

Dự kiến, Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) sẽ sửa đổi, bổ sung một số quy định về:

(1) Thống nhất nền công vụ thống nhất từ trung ương, đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã;

(2) Đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm;

(3) Hoàn thiện quy định về quyền, nghĩa vụ của cán bộ, công chức và những việc cán bộ, công chức không được làm; đạo đức, văn hóa công vụ;

(4) Hoàn thiện các quy định để đổi mới phương thức quản lý cán bộ, công chức phù hợp với yêu cầu đẩy mạnh chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ số, bảo đảm tăng tính hiện đại, công khai, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước;

(5) Hoàn thiện các quy định về quản lý cán bộ, công chức bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định của Đảng và đảm bảo tính thống nhất với hệ thống pháp luật.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5

Bài viết về

Xây dựng luật, pháp lệnh

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]