Tải App trên Android

Bổ sung thẩm quyền Chính phủ ban hành nghị định thí điểm nội dung khác nghị định hiện hành

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Trọng Tín
26/09/2024 18:15 PM

Tại phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9 năm 2024, Chính phủ thống nhất bổ sung thẩm quyền Chính phủ ban hành nghị định thí điểm nội dung khác nghị định hiện hành.

Bổ sung thẩm quyền Chính phủ ban hành nghị định thí điểm nội dung khác nghị định hiện hành

Bổ sung thẩm quyền Chính phủ ban hành nghị định thí điểm nội dung khác nghị định hiện hành (Hình từ Internet)

Bổ sung thẩm quyền Chính phủ ban hành nghị định thí điểm nội dung khác nghị định hiện hành

Ngày 22/9/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết 148/NQ-CP về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9 năm 2024. Tại phiên họp, Chính phủ cho ý kiến đối với đề nghị xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) như sau:

Chính phủ thống nhất về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; hoàn thiện thể chế ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua; đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao về tiến độ và chất lượng xây dựng thể chế, kịp thời đề xuất, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để xử lý những vấn đề cấp bách, phát sinh, tạo cơ chế thu hút các nguồn lực, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của Nhân dân.

- Về chính sách 1: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, bổ sung một số nguyên tắc về kiểm soát quyền lực trong xây dựng và thi hành văn bản quy phạm pháp luật; thu hẹp và xác định rõ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chính phủ cơ bản thống nhất với mục tiêu, nội dung của Chính sách; Bộ Tư pháp nghiên cứu quy định hình thức văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ phù hợp, (Nghị định và Nghị quyết của Chính phủ), bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý để Chính phủ có thể ban hành văn bản quy phạm pháp luật quyết định chính sách cụ thể trong một số trường hợp cần thiết, cấp bách phát sinh trong thực tiễn.

- Về chính sách 2: Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời phản ứng chính sách; xác định rõ vai trò, thẩm quyền, trách nhiệm của các chủ thể tham gia xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chính phủ cơ bản thống nhất với mục tiêu, nội dung của chính sách; Bộ Tư pháp rà soát để cắt giảm hơn nữa các thủ tục phức tạp, không phù hợp, không cần thiết. Đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quân sự, an ninh, cơ yếu, bảo đảm kịp thời, phù hợp với đặc thù lực lượng vũ trang và cơ yếu. Để bảo đảm chất lượng của văn bản quy phạm pháp luật và yêu cầu kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp nghiên cứu, bảo đảm quy trình chặt chẽ trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là quy trình xây dựng luật, đồng thời, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy trình rút gọn để bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời; nghiên cứu, quy định người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật quyết định áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn, không phải xin ý kiến cấp trên và cơ quan khác như quy định hiện hành về việc xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tư pháp về việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn khi xây dựng thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

- Về chính sách 3: Tiếp tục hoàn thiện một số quy định về tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật; bảo đảm nguồn lực, đổi mới cơ chế phân bổ, sử dụng hiệu quả kinh phí xây dựng và thi hành pháp luật.

Chính phủ cơ bản thống nhất với mục tiêu của Chính sách; giao Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, bổ sung nội dung về tổ chức bộ máy, tăng cường nguồn nhân lực và kinh phí cho công tác xây dựng pháp luật, các nội dung về tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật; làm rõ nội dung đánh giá tác động của chính sách, nhất là nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho việc thi hành luật (xây dựng cơ sở dữ liệu pháp luật “thông minh", ứng dụng trí tuệ nhân tạo và kinh phí thuê chuyên gia, tư vấn độc lập trong công tác xây dựng pháp luật...) nhằm tạo cơ chế, hành lang pháp lý cho công tác tổ chức, thi hành pháp luật để sớm đưa pháp luật vào cuộc sống.

- Về 02 nội dung xin ý kiến Chính phủ:

+ Về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ:

Chính phủ ban hành Nghị quyết là văn bản quy phạm pháp luật để xử lý các trường hợp cả biệt, phạm vi hẹp, trong một thời gian nhất định.

Chính phủ thống nhất giữ nguyên quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 19 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bổ sung thẩm quyền của Chính phủ ban hành nghị định thí điểm một số nội dung khác với nghị định hiện hành áp dụng cho đối tượng cụ thể, vụ việc cụ thể trong một thời gian nhất định; quá trình xây dựng nghị định có thể gộp nội dung quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành trong một nghị định để đơn giản hóa thủ tục, dễ làm, dễ thực hiện.

Đối với nghị định quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật: Đây là cơ sở pháp lý để Chính phủ chủ động ban hành nghị định quy định những vấn đề cần thiết thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật hoặc pháp lệnh, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, xã hội. Chính phủ thống nhất giữ quy định tại khoản 3 Điều 19; giao Bộ Tư pháp nghiên cứu để đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian xây dựng, ban hành.

+ Về thực hiện quy trình 02 giai đoạn (xây dựng chính sách và soạn thảo) trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật: Chính phủ cơ bản thống nhất để xuất của Bộ Tư pháp; cân nhắc chỉ áp dụng quy trình 02 giai đoạn đối với các dự án luật mới.

Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu bổ sung các trường hợp được áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn và quy định rõ trình tự, thủ tục rút gọn đối với luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 650

Bài viết về

Xây dựng luật, pháp lệnh

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]