Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 338/TMDL-DL Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bộ Thương mại và Du lịch Người ký: Tạ Cả
Ngày ban hành: 23/04/1992 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

BỘ THƯƠNG MẠI
VÀ DU LỊCH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 338/TMDL-DL

Hà Nội, ngày 23 tháng 4 năm 1992

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH BẢN QUI ĐỊNH TỐI THIỂU VỀ CƠ SỞ VẬT CHẤT VÀ TIÊU CHUẨN PHỤC VỤ DU LỊCH

BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH

- Căn cứ Quyết định số 244/NQ - HĐNN 8 ngày 31 tháng năm 1990 của Hội đồng Nhà nước về việc thành lập Bộ Thương nghiệp (nay là Bộ Thương mại và Du lịch)

- Căn cứ Nghị định số 387/HĐBT ngày 9 tháng 11 năm 1990 của Hội đồng Bộ trưởng qui định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Thương nghiệp (nay là Bộ Thương mại và Du lịch)

- Căn cứ Nghị định số 37/HĐBT ngày 28 tháng 1 năm 1992 của Hội đồng Bộ trưởng về việc ban hành qui chế quản lý kinh doanh dịch vụ du lịch

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1

Nay ban hành kèm theo quyết định này bản qui định tối thiểu về cơ sở vật chất và tiêu chuẩn phục vụ du lịch

Điều 2

Bản qui định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành và thay thế các văn bản trước đây trái với qui định này

Điều 3

Các ông Chánh Văn phòng, thủ trưởng các đơn có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này

 

 

K/T BỘ TRƯỞNG
BỘ THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH
THỨ TRƯỞNG




Tạ Cả

 

QUI ĐỊNH TỐI THIỂU

VỀ CƠ SỞ VẬT CHẤT VÀ TIÊU CHUẨN PHỤC VỤ DU LỊCH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 338/TMDL - DL ngày 23 tháng 4 năm 1992 của Bộ trưởng Bộ Thương mại và Du lịch

Chương I

QUI ĐỊNH VỀ CƠ SỞ VẬT CHẤT, KỸ THUẬT PHỤC VỤ DU LỊCH

A. Đối với các cơ sở lưu trú:

Căn cứ vào vị trí, qui mô, hình thức kiến trúc, trang thiết bị nội thất, tiện nghi phục vụ, các loại dịch vụ và chức năng sử dụng, các cơ sở lưu trú phục vụ khách du lịch bao gồm:

1. Khách sạn (Hotel)

2. Motel

3. Làng du lịch

4. Biệt thự

5. Bungalow

6. Camping (cắm trại)

7. Nhà trọ, nhà dân có căn hộ, phòng ngủ cho khách du lịch thuê

Những tiêu chuẩn tối thiểu đối với từng loại hình trên được qui định như sau:

1. Khách sạn (hotel):

- Là cơ sở kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch trong thời gian ngắn, đáp ứng yêu cầu các mặt ăn, ngủ, vui chơi giải trí, và các dịch vụ cần thiết khác

- Khách sạn du lịch phải đảm bảo các yêu cầu tối thiểu ở bảng 2, 3

- Riêng tiêu chuẩn đối với phòng ăn, quầy bar và khu chế biến phải đảm bảo yêu cầu như đối với cơ sở ăn uống phục vụ khách du lịch (số chỗ ngồi trong phòng ăn tùy thuộc vào số giường có trong khách sạn)

a. Đối với khách sạn du lịch quốc tế:

- Buồng khách sạn: Bao gồm buồng ngủ, buồng vệ sinh. Buồng ngủ có ban công rộng tối thiểu 1,10 m. Số lượng buồng đơn chiếm tỷ lệ 5% tổng số buồng ngủ khách sạn

+ Buồng ngủ có kích thước tối thiểu là:

Chiều dài: 4,20 m - 4,40 m

Chiều cao từ sàn đến trần nhà: 2,50 m

Diện tích: 13,40 m2 - 13,70 m2

+ Buồng vệ sinh diện tích tối thiểu là 3,40 m2 - 3,60 m2

- Dịch vụ tối thiểu: Giặt là, điện thoại, bưu điện, quầy thương nghiệp, bảo quản tư trang quí, đổi tiền

b. Đối với khách du lịch nội địa:

Buồng khách sạn: bao gồm buồng ngủ, buồng vệ sinh, ban công rộng 1 m

+ Buồng ngủ phải đảm bảo kích thước tối thiểu:

Chiều dài: 4,00 m - 4,40 m

Chiều cao: 2,5 m

Diện tích: 11,8 m2 - 12,10 m2

+ Buồng vệ sinh: Diện tích tối thiểu 2,30 m - 2,50 m2

- Dịch vụ tối thiểu: Giặt là, điện thoại, bưu điện, quầy thương nghiệp, bảo quản tư trang quí

2. Motel:

- Là cơ sở lưu trú, được xây dựng bên ngoài thành phố, thị xã, ở gần đường quốc lộ, đảm bảo các dịch vụ phục vụ khách du lịch bằng ô tô và những người lái xe.

- Tiêu chuẩn tối thiểu của Motel cũng như tiêu chuẩn về buồng ngủ trong Motel được áp dụng theo tiêu chuẩn của khách sạn, (diện tích buồng ngủ giảm 10 - 15% so với khách sạn).

- Motel phải có gara để xe ôtô, có cây xăng và các dịch vụ bảo tu, bảo dưỡng, sửa chữa xe.

- Yêu cầu cụ thể (xem bảng 2, 3)

3. Làng du lịch: (Tourist village)

- Bao gồm một quần thể các biệt thự, Bungalow ... có số lượng giường tối thiểu là 500 giường, được qui hoạch, xây dựng với đầy đủ các cơ sở dịch vụ sinh hoạt và vui chơi giải trí cần thiết

- Làng du lịch có thể được xây dựng ở vùng ven biển, vùng núi và những địa điểm có nguồn nước khoáng

- Các buồng ngủ, buồng vệ sinh, đồ dùng trong các biệt thự hoặc Bungalow phục vụ khách quốc tế phải đảm bảo những yêu cầu tối thiểu. Mỗi phòng có thể trang bị thêm bếp và các dụng cụ nấu ăn để khách tự phục vụ

- Các cơ sở dịch vụ trong làng du lịch gồm:

+ Trung tâm đón tiếp, giao dịch, thông tin, đổi tiền và cung cấp các dịch vụ khác

+ Nhà hàng (Restaurant)

+ Bar hoặc Dicothek

+ Nhà hàng đặc sản

+ Các quán cà phê, giải khát

+ Trạm bưu điện, điện thoại, thông tin

+ Trạm y tế

- Các sân thể thao (bóng chuyền, bóng rổ, tenis, gold)

+ Bể bơi

+ Nhà tắm nước khoáng (ở những nơi có nguồn nước khoáng)

+ Sân chơi cho trẻ em

+ Các cơ sở giải trí khác (rạp chiếu phim, video, sàn nhảy)

+ Mạng lưới thương nghiệp bán lẻ

+ Bãi đỗ xe ô tô, xe máy

+ Cho thuê ô tô (Rent-a car)

- Yêu cầu cụ thể (xem bảng 2, 3)

4. Biệt thự:

- Là cơ sở lưu trú, được xây dựng trong các khu du lịch nghỉ biển, nghỉ núi, khu điều dưỡng, làng du lịch hoặc bãi cắm trại (camping)

- Yêu cầu tối thiểu cho một biệt thự: có phòng ngủ, phòng tiếp khách, bếp được trang bị các đồ dùng cần thiết, hệ thống vệ sinh, vườn cây xanh, ban công và nơi đỗ xe

- Buồng ngủ và buồng vệ sinh: đảm bảo yêu cầu tối thiểu như một khách sạn quốc tế

- Thiết bị và dụng cụ cho bếp

+ Bếp điện hoặc bếp gas

+ Tủ lạnh

+ Lavabo

+ Tủ ngăn chứa thực phẩm

+ Bàn ăn và ghế ngồi (theo số giường được bố trí trong biệt thự)

+ Dụng cụ nấu và bộ đồ ăn đủ cho mọi người (theo số giường)

- Yêu cầu cụ thể xem bảng 2, 3

5. Bungalow

- Là cơ sở được làm bằng gỗ hoặc các vật liệu đa dạng khác theo phương pháp lắp ghép, giản tiện, Bungalow có thể được làm đơn chiếc hoặc thành dãy, thành cụm (khối) và thường được xây dựng trong các khu du lịch nghỉ biển, nghỉ núi hoặc làng du lịch

- Buồng (buồng đôi): Diện tích tối thiểu là 11,80 12,10 m2 chiều cao từ sàn đến trần là 2,5 m

+ Buồng vệ sinh (đối với khách nội địa, buồng vệ sinh có thể dùng chung, đặt ở những nơi thuận tiện)

- Yêu cầu cụ thể (xem bảng 2, 3)

6. Camping (cắm trại)

- Camping là khu vực được qui hoạch hoặc xây dựng có trang bị phục vụ cho khách du lịch đến cắm trại hoặc khách có phương tiện vận chuyển (ô tô, xe máy...) đến nghỉ

- Camping phải có nơi đỗ xe riêng, có khu vực cho khách cắm trại (bằng lều) hoặc buồng ngủ lưu động do ô tô kéo (Caravan)

- Một khoảnh đất đủ bố trí cho một buồng ngủ lưu động hoặc một lều dựng trại đảm bảo diện tích thoải mái tối thiểu cho 3 người được gọi là một đơn vị camping

- Công suất (sức chứa) của khu cắm trại (camping) được xác định bởi tổng số đơn vị camping

- Diện tích của camping bao gồm:

+ Công suất (tổng số đơn vị camping)

+ Nơi lắp đặt các cơ sở, thiết bị phục vụ cho các nhu cầu sinh hoạt (hệ thống vệ sinh, cắt uốn tóc, may mặc, trang điểm...), mạng lưới thương nghiệp bán lẻ, thông tin liên lạc...

+ Sân chơi thể thao, vui chơi giải trí, bể bơi, bãi tắm (nếu ở ven biển, ven sông) khu vực vườn hoa, cây cảnh

- Diện tích tối thiểu cho một đơn vị camping là 100 m2 (quốc tế) và 80 m2 (nội địa)

- Diện tích tối thiểu cho một khách quốc tế là 30 m2 (quốc tế) và 20 m2 (nội địa)

- Diện tích trên được co giãn trên dưới 20%

- Camping phải có hệ thống cấp thoát nước theo yêu cầu qui hoạch

+ Nước lạnh 24/24 giờ

+ Nước lạnh tối thiểu cho một khách quốc tế 60 l/ngày

+ Nước lạnh tối thiểu cho một khách nội địa 50 l/ngày

+ Nước nóng tối thiểu cho một khách quốc tế 20 l/ngày

- Các bungalow thuộc khu cắm trại (camping) phải được bố trí riêng biệt với khu cắm trại. Bungalow có thể được lắp đặt ở khu vực đón tiếp của camping. Tổng số giường của Bungalow không được vượt qúa 20% công suất của camping

- Yêu cầu cụ thể (xem bảng 1, 2, 3)

7. Nhà trọ, nhà có phòng, căn hộ cho khách sạn du lịch thuê:

* Đối với buồng cho khách quốc tế:

a. Diện tích buồng tối thiểu:

- Buồng có 1 giường 9 m2

- Buồng có 2 giường 10 m2

- Nếu có thêm 1 giường phụ thì diện tích tối thiểu cộng thêm 2m2

b. Buồng vệ sinh: phải có buồng vệ sinh riêng cho khách

c. Bếp gia đình: (khách có thể tự nấu)

- Tủ lạnh

- Bếp điện

- Các dụng cụ chế biến thông dụng khác

d. Phòng khách: (dùng chung)

- Bàn sa lông, 2 ghế, 1 đi văng

- Tranh phong cảnh

- Gạt tàn thuốc lá, lọ hoa

- Vô tuyến mầu

- Điện thoại

e. Dịch vụ tối thiểu:

- Giặt là, ăn sáng, trưa, tối (theo thỏa thuận)

- Bảo quản tư trang quí (theo thỏa thuận)

- Các dịch vụ du lịch khác do Văn phòng du lịch đảm nhận

g. Yêu cầu cụ thể khác (xem bảng 2, 3)

- Đối với buồng cho khách nội địa

a. Diện tích buồng tối thiểu:

- Buồng 2 giường 9 m2

- Nếu thêm 1 giường phụ 11m2

b. Bếp dùng chung với gia đình (khách có thể tự nấu lấy)

c. Phòng khách (dùng chung)

- Bàn sa lông, 2 ghế rời, 1 đi văng

- Bộ ấm chén trà

- Gạt tàn thuốc lá

- Bô đổ nước

d. Dịch vụ tối thiểu

- Giặt là, ăn uống (theo thỏa thuận)

- Bảo quản tư trang quí

- Các thông tin khác về du lịch

e. Các yêu cầu cụ thể khác (xem bảng 2, 3)

B. Đối với các cơ sở ăn uống phục vụ khách du lịch

Căn cứ vào mặt hàng sản xuất, chế biến, các cơ sở ăn uống chủ yếu được phân thành 2 nhóm:

1. Nhà hàng ăn uống (Restaurant)

2. Quán cà phê, quán bar, điểm tâm giải khát

Tiêu chuẩn tối thiểu đối với từng loại trên được qui định như sau:

I. NHÀ HÀNG ĂN UỐNG

- Phòng ăn

1. Yêu cầu và thiết kế trang trí:

- Đảm bảo tiêu chuẩn 1,2 m2 trở lên cho một chỗ ngồi

- Sàn nhà lát đá hoa, đá ốp lát hoặc lát gỗ

- Trang trí: Có bố trí các chậu cây cảnh, lọ hoa, tranh phong cảnh. Nếu phòng ăn rộng từ 60 m2 trở lên thì phải có một số tấm bình phong (paravăng) để ngăn cách bàn ăn

2. Trang thiết bị phục vụ:

a. Đồ gỗ: phải đảm bảo chắc chắn tiện lợi

- Bàn ăn: Các loại bàn ăn vuông, tròn, chữ nhật phải đảm bảo chiều cao 74 cm

- Ghế ngồi: Các loại ghế tựa gỗ, ghế mây... có chiều cao 45 cm (từ đất đến mặt ghế)

- Bàn phục vụ có kích thước trung bình ;

60 x 40 x 75 cm

- Tủ đựng dụng cụ ăn uống và đồ

- Mắc treo quần áo cho khách

b. Đồ vải:

- Khăn trải bàn: May bằng vải sợi lanh, sợi bông, với các kích thước tùy theo loại bàn để đảm bảo khi trải các mép khăn rủ quanh bàn dài 30 cm. Nếu nhà hàng dùng loại bàn fooc - mi - ca thì có thể không cần dùng khăn trải bàn

- Khăn ăn: Cùng loại vải với khăn trải bàn có kích thước 45 x 45 cm hoặc 50 x 50 cm. Nhà hàng dạng thấp có thể dùng giấy ăn

- Khăn lót khay bê

- Khăn lau dụng cụ ăn uống

- Riddô che cửa sổ: bằng vải thường, đăng ten... có màu sắc, kích thước phù hợp với nội thất của gian ăn

c. Dụng cụ ăn uống: phải đảm bảo đẹp và đồng bộ

Cụ thể gồm các loại sau:

- Đồ sành sứ:

+ Đĩa:

: Đĩa lót (kê) loại đường kính 25 cm

: Đĩa lót tách trà, cà phê... loại 13, 15,17 cm

: Địa đựng món ăn loại 17, 19, 21, 23 cm

: Đĩa hình bầu dục

+ Bát: bát ăn cơm, bát canh, bát nhỏ đựng nước chấm

+ Thìa sứ

+ Liễn sứ đựng cơm, súp....

+ Thuyền đựng sốt

+ Bình đựng nước

+ Tách uống trà, sữa, ca cao... loại 200, 300, 500 ml

+ Gạt tàn thuốc lá

- Đồ thủy tinh:

+ Cốc uống rượu và cốc tay các loại, dung tích từ 25 150 ml

+ Cốc uống bia, nước sôi, nước ngọt... có dung tích từ 150 - 400 ml

+ Cốc thủy tinh loại dày để uống các loại rượu ướp lạnh

+ Cốc ăn kem

+ Cốc ăn hoa qủa hộp

+ Bộ đựng gia vị: dấm, đường, muối, hạt tiêu....

- Đồ kim khí: có thể bằng inox, mạ bạc, hoặc thép không rỉ, gồm:

+ Bộ dao, dĩa, thìa để ăn thịt, cá, cua... (ăn A thì dùng đũa)

+ Bộ dao dĩa ăn tráng miệng

+ Thìa cà phê, thìa cán dài để pha chế

+ Dao cắt bơ, bánh mì, gatô

+ Cặp gắp đá

+ Bộ dao, dĩa, thìa để phục vụ khách

+ Lập là dùng đựng thức ăn

+ Khay bê

+ Liễn dựng súp

3. Trang thiết bị điện, cơ:

- Hệ thống ánh sáng: Phải đảm bảo đủ sáng và dịu

Tùy theo thiết kế có thể làm đèn chùm, đèn nê - ông. Nếu là đèn tròn phải có chụp, chao đèn để tránh ánh sáng trực tiếp. Phải đảm bảo độ chiếu sáng ở cửa ra vào về ban đêm.

- Hệ thống âm thanh: có thể dùng nhạc sống, hoặc qua băng, và video cassette. Nếu có nhạc sống thì cần có sàn gỗ cho ban nhạc, cao hơn 30 cm so với sàn nhà.

- Hệ thống thông gió: Có điều hòa hoặc quạt máy, bố trí ở các vị trí thích hợp

- Hệ thống thông tin: Nhà hàng từ 50 chỗ trở lên phải có điện thoại gọi thẳng ra ngoài

- Xe đẩy phục vụ

4. Nhà vệ sinh: Tiêu chuẩn như phòng vệ sinh công cộng trong cơ sở lưu trú. Nhà hàng có từ 50 chỗ trở lên thì phải có nhà vệ sinh riêng cho nam và nữ

5. Món ăn và đồ uống: Nhà hàng phải có bảng giá thực đơn ghi tên, giá của từng món ăn, đồ uống bán trong ngày. Món ăn phải đảm bảo chất lượng và định lượng

- Khu chế biến:

1. Yêu cầu thiết kế:

- Diện tích bếp tối thiểu bằng 1/4 gian ăn

- Đảm bảo dây chuyền sản xuất 1 chiều từ khâu sơ chế sang khâu chế biến

- Có hệ thống chiếu sáng đủ để đảm bảo làm việc

- Có hệ thống thông gió tự nhiên và trang bị quạt máy

- Đảm bảo cho phòng ăn không bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn, khói và mùi từ nhà bếp

- Sàn bếp đảm bảo không bị trơn trượt, đảm bảo độ nghiêng cần thiết để thông thoát nước

- Có hệ thống cung cấp nước đầy đủ

2. Trang thiết bị dụng cụ:

a. Đồ gỗ:

- Bàn: phải có ít nhất các loại bàn sau:

+ Bàn sơ chế thực phẩm

+ Bàn tinh chế thức ăn

+ Bàn soạn đồ ăn

+ Bàn làm việc

(mặt bàn có thể lát đá hoặc bằng thép không rỉ)

- Ghế: dùng cho kế toán tiêu chuẩn và bếp trưởng

- Tủ: gồm các loại

+ Tủ đựng gia vị, bánh mì

+ Tủ đựng bát, đĩa

+ Tủ đựng tài liệu, sổ sách

+ Tủ đựng quần áo nhân viên nấu bếp

- Giá:

+ Giá để bát đĩa, dụng cụ nhà bếp

+ Giá để hàng hóa trong kho

+ Thớt và chày các loại

b. Đồ vải:

- Khăn lau các loại dụng cụ

- Túi vải thụt hoa làm bánh

c. Đồ kim loại:

- Thùng inox các loại

- Dao, kéo các loại

- Xô, chậu

- Khay đựng các loại thực phẩm

- Khuôn bánh Âu và á các loại

- Nồi loại từ 2 đến 50 lít

- Soong loại 2, 4, 8, 10 lít

- Chảo, ấm đun nước

- Lồng hấp, cù lao, ba xoa, phới, phễu (lọc xúp, lọc sốt, nước dùng....) muôi, bàn vét, bàn nạo nộm, đĩa quay gà, xiên quay thịt, cặp nướng chả...

d. Các loại khác:

- Cân

- Rây bột

- Cối xay hạt tiêu, cối xay bột nước, cối đá...

- Can đựng nước mắm, dầu rán, dấm...

- Đũa cả, lọ để gia vị

e. Thiết bị nhiệt lạnh

- Bếp: có thể dùng bếp điện, bếp gaz, bếp than...

- Lò nướng

- Tủ lạnh

b. Thiết bị cơ:

- Thiết bị sơ chế rau qủa: (máy gọt, cắt khoai tây, su hào, cà rốt....)

- Thiết bị sơ chế thịt cá, gia cầm (máy xay thịt, máy nhổ lông gà....)

II. QUÁN CÀ PHÊ, QUÁN BAR ĐIỂM TÂM GIẢI KHÁT

1. Yêu cầu thiết kế và trang trí:

- Đảm bảo thông số cho 1m2 cho một chỗ ngồi

- Sàn nhà lát đá hoa, đá ốp lát hoặc lát gỗ. Nếu ngồi ngoài trời thì nền phải là bê tông, tráng xi măng hoặc đất nệm rải sỏi.

- Tường: Tùy theo thiết kế có thể quét vôi, hoặc lát gỗ...

- Quán phải có phòng ăn, phòng pha chế (thông với quầy bar)

- Trang trí: Có thể bố trí chậu cây cảnh, lọ hoa, tranh treo tường. Có thể dùng bình phong ngăn thành nhiều lọ nhỏ

2. Trang thiết bị dụng cụ:

a. Đồ gỗ: Phải đảm bảo chắc chắn, tiện lợi

- Bàn ăn: Các loại bàn vuông, tròn, chữ nhật có chiều cao 45 - 52 cm

- Ghế ăn: có chiều cao phù hợp với bàn, tủ 26 - 33 cm gồm các loại ghế tựa gỗ, ghế mây.... Nếu ngồi ngoài trời có thể dùng bàn ghế bằng kim loại hoặc nhựa.

- Quầy bar: Đóng bằng gỗ, mặt quầy có thể ốp fooc - mi - ca, đặt kính... có chiều cao khoảng 1 m

- Ghế quầy bar: đặt trước quầy bar cho khách ngồi. Ghế có mặt tròn, có thể xoay tròn, hoặc cố định cao 80 cm

- Mắc treo quần áo cho khách

- Bàn, giá để cốc chén, dụng cụ pha chế

b. Đồ vải:

- Khăn trải bàn, khăn ăn, khăn lót khay bê, khăn lau dụng cụ ăn uống, ridô: tương tự như ở cửa hàng ăn

c. Dụng cụ ăn uống: Đảm bảo đẹp, đồng bộ

- Đồ sành sứ:

+ Đĩa loại 10, 17, 21 cm

+ Đĩa lót tách trà, cà phê, nước chè loại 13 - 15 cm

+ Bát: bát cơm, bát canh

+ Tách uống nước trà, cà phê, sữa, ca cao loại 100, 200, 250 ml

+ ấm sứ loại 200, 300, 500 ml dùng để đựng sữa, cà phê, pha trà

+ Bình đựng đường

+ Gạt tàn thuốc lá

+ Lọ hoa

- Đồ thủy tinh

+ Cốc uống các loại rượu mạnh gồm loại 25, 50, 100 ml

+ Cốc uống vang trắng, đỏ loại 100, 150 ml

+ Cốc sâm banh

+ Cốc uống rượu cốc tay loại 100, 150, 200 ml

+ Cốc uống bia, nước suối, nước ngọt, nước hoa qủa loại 200, 250 ml

+ Cốc uống rượu ướp lạnh

+ Cốc ăn kem

+ Bình đựng nước lọc

+ Cốc đong rượu khi pha chế loại 25, 50, 100 ml

+ Dụng cụ để vắt cam, chanh

- Đồ kim khí:

+ Bộ dao, dĩa, loại trung bình

+ Bộ dao, dĩa ăn hoa qủa, bánh ga tô

+ Thìa uống cà phê

+ Thìa cán dài dùng để pha chế

+ Bộ gắp đá

+ Dao ăn các loại

+ Cắp gắp bánh các loại

+ Lặp là nhỏ đựng món ăn

+ Khay bê các loại

+ Bình đựng giấy ăn

+ Bình dùng ướp lạnh rượu

+ Dụng cụ để pha chế rượu

+ Nồi nước sôi loại 10, 15 lít

+ Bình đựng đá

+ Phin pha cà phê

3. Trang thiết bị điện, cơ

- Tủ lạnh để đảm bảo thực phẩm và đồ uống

- Bếp điện

- Máy đánh cốc tay, máy xay sinh tố

- Hệ thống ánh sáng: Tuy không đòi hỏi mức độ như nhà hàng nhưng đảm bảo đủ cho khách đi lại, nhân viên phục vụ... có thể kết hợp giữa đèn cố định (có công suất thấp) với đèn nhấp nháy. Chủ yếu sử dụng đèn màu nhưng cần chọn màu và tỉ lệ phối màu cho phù hợp. Về ban đêm, cửa ra vào và bảng tên hiệu phải chiếu sáng để thu hút sự chú ý của khách hàng

- Hệ thống âm thanh, hệ thống thông gió, hệ thống thông tin: như nhà hàng

4. Hệ thống cấp nước: Đảm bảo có hệ thống dẫn nước đến khu pha chế

5. Nhà vệ sinh: tương tự như nhà hàng

6. Món ăn, đồ uống: phải có bảng ghi tên các đồ uống, món ăn trong ngày. Phải đảm bảo chất lượng, định lượng, vệ sinh trong khâu pha chế, chế biến

C. Tiêu chuẩn phương tiện chuyên doanh khách du lịch đường thủy, đường thủy

Phương tiện sử dụng vào việc vận chuyển khách du lịch phải đảm bảo những yêu cầu tối thiểu sau:

1. Đối với xe ô tô:

- Xe có hình thức đẹp, đảm bảo vệ sinh, thân xe được kẻ tên và biểu tượng của đơn vị (nếu có)

- Tình trạng kỹ thuật an toàn (có giấy chứng nhận của cơ quan kỹ thuật)

- Có ghế ngồi thoải mái, lịch sự, sạch sẽ

- Cửa sổ xe phải lắp kính màu, nếu là kính không màu thì phải có ridô che nắng

- Xe phải có hệ thống thông gió tốt, có hệ thống loa, micrô, và radio - cassette để phục vụ khách

- Có hệ thống đền chiếu sáng trong xe

- Có bình chữa cháy và cửa cứu nạn dự phòng

- Lái xe phải có bằng, trang phục làm vịệc phải chỉnh tề, sạch sẽ theo đúng qui định

2. Đối với tàu thủy, ca nô, thuyền phục vụ khách du lịch tham quan trên sông, vịnh, biển:

- Có hình thức đẹp, đảm bảo vệ sinh

- Tình trạng kỹ thuật an toàn. Được trang bị đầy đủ phao, xuồng cứu nạn, và hệ thống chữa cháy

- Có đủ ghế ngồi thoải mái, lịch sự, có mái che và diện tích trên boong để khách ngắm cảnh

- Có quầy Bar phục vụ khách (nếu là tàu thủy hoặc ca nô)

- Có hệ thống loa phục vụ khách

- Nhân viên điều khiển phương tiện phải có bằng, (giấy chứng nhận) nghề nghiệp và phải mặc trang phục chỉnh tề, sạch sẽ đúng qui định

3. Đối với các loại phương tiện thô sơ dùng để vận chuyển khách du lịch (xe ngựa, xe xích lô...)

- Có hình thức đẹp, đảm bảo vệ sinh

- Kỹ thuật an toàn, có đèn chiếu sáng, và số đăng ký được phép kinh doanh

- Có ghế ngồi bọc đệm, thoải mái, lịch sự, có mui che nắng, mưa

- Người điều khiển phương tiện phải mặc quần áo chỉnh tể, sạch sẽ

D. Hãng lữ hành (Văn phòng du lịch)

- Là nơi giao dịch, ký kết hợp đồng về tổ chức các chương trình du lịch cho khách và các dịch vụ cần thiết khác

1. Địa điểm:

- Nằm ở vị trí thuận tiện cho khách đến giao dịch và thu nhận thông tin về các chương trình du lịch

- Phải có biểu hiện và giờ làm việc, được chiếu sáng vào ban đêm

2. Trang bị:

- Có hệ thống điện thoại, telex hoặc telefax

- Có máy vi tính

- Máy chữ và máy photocopy

- Có đủ bàn ghế tiếp khách và cho nhân viên

- Có các tủ, giá để các loại tài liệu, ấn phẩm quảng cáo

- Két sắt để bảo quản tiền và các chứng từ thanh toán

- Các loại văn phòng phẩm thiết yếu: máy dập ghim, băng dính, phong bì, giấy tiêu đề, hộp giấy....

- Các tài liệu ấn phẩm cần thiết: Bản đồ thành phố, khu vực, sách hướng dẫn danh bạ điện thoại, danh mục các khách sạn, nhà hàng, cơ sở vui chơi giải trí, bảng giờ giấc hoạt động của các phương tiện vận chuyển, các tài liệu về thủ tục xuất nhập cảnh, hải quan, tỷ giá hối đoái....

- Hệ thống thông thoáng: dùng điều hòa nhiệt độ, hoặc quạt điện

- Có hệ thống vệ sinh đúng qui cách

Chương II

TIÊU CHUẨN VỆ SINH CỦA CÁC CƠ SỞ PHỤC VỤ DU LỊCH

1. Vệ sinh cơ sở và môi trường xung quanh:

1.1 Phải cách xa khu vệ sinh công cộng, bãi rác, xí nghiệp công nghiệp thải ra chất độc hại hoặc phát ra tiếng ồn lớn

1.2 Tùy điều kiện cụ thể, cần đảm bảo cơ sở vệ sinh làm việc cho nhân viên phục vụ như: phòng thay quần áo, tủ đựng tư trang, buồng tắm, buồng vệ sinh

1.3 Cần bố trí nơi để các dụng cụ làm vệ sinh như: xà phòng, thuốc tẩy, thuốc sát trùng, khăn lau, bàn chải, chổi, thùng, xô, chậu, máy hút bụi

1.4 Khu vệ sinh không có mùi hôi và các vũng ứ đọng

1.5 Rác sau khi quét dọn được cho vào thùng rác bằng chất dẻo hoặc kim loại, có nắp đậy) đặt ở nơi qui định. Rác phải được đổ ra hố rác công cộng hoặc xe rác ít nhất mỗi ngày 1 lần

1.6 Nguồn nước sinh hoạt phải đảm bảo 24/24 giờ trong ngày, Mẫu nước phải do cơ quan y tế kiểm nghiệm và chấp nhận bằng văn bản. Nếu không có nguồn nước máy của thành phố thì có thể sử dụng nước giếng đào theo đúng qui cách theo tiêu chuẩn qui định của Bộ Y tế (Điều lệ vệ sinh năm 1977 của Bộ Y tế). Nếu sử dụng bể chứa nước thì các bể này phải được che kín và thau rửa theo định kỳ (bể nổi 3 tháng 1 lần, bề chìm một năm một lần)

1.7 Hệ thống thải nước phải đảm bảo thông thoáng nhưng kín đáo, không gây ứ đọng, hôi thối, không gây ô nhiễm cho nguồn nước sinh hoạt và môi trường xung quanh, không tạo điều kiện cho phát triển ruồi, muỗi, chuột....

1.8 Các bộ phận sơ chê, tính chế, nhận thức ăn, gian ăn, nơi rửa bát... phải riêng biệt và cần bố trí lối đi hợp lý để đảm bảo sự đi lại cần thiết tối thiểu

1.9 Chỉ được quét dọn, lau chùi đúng giờ qui định

1.10 Trần và tường nhà cần được quét vôi ít nhất một năm một lần

1.11 Cảnh quan phụ cấp (vườn hoa, cây cảnh, hàng rào, lối đi....) phải được dọn vệ sinh và chăm sóc, xén tỉa thường xuyên

1.12 Bố trí diện tích đậu đỗ xe hợp lý và vệ sinh tùy theo điều kiện cụ thể

1.13 Tổ chức diệt ruồi muỗi, gián, chuột ít nhất ba tháng 1 lần

1.14 Phải có các phương tiện cứu hỏa cần thiết đảm bảo đúng qui định

2. Vệ sinh cá nhân của các nhân viên phục vụ

2.1 Khi phục vụ phải mặc trang phục làm việc, bảo đảm lành lặn, được là phẳng, không có vết nhơ, nơ, caravat, ruy băng phải thắt cẩn thận, đeo số hiệu theo qui định của khách sạn

2.2 Đi giày hoặc dép có quai hậu, giày phải thường xuyên đánh xi bóng, bít tất phải sạch sẽ, lành lặn

2.3 Móng tay, móng chân cắt ngắn, sạch, không bôi màu lòe loẹt. Tóc cắt ngắn, chải gọn, nữ buộc kẹp tóc cao, gọn ghẽ. Nam nhân viên cần cạo râu sạch

2.4 Thường xuyên tắm rửa sạch, tránh mùi mồ hôi qúa nặng, không dùng nước hoa qúa gắt, không đeo nhẫn mặt to trong khi phục vụ

2.5 Quần áo, tư trang thường ngày để gọn trong tủ theo qui định

2.6 Không ăn hành tỏi, uống rượu và trong khi phục vụ không hút thuốc lá, không khạc nhổ ra sàn nhà, không cho tay vào túi quần, túi áo, không gài hoặc lau chùi tay trước mặt khách. Khi đi lại phải nhẹ nhàng, không kéo lê chân, không dựa, không ngồi, không cười đùa, nói to trước mặt khách

2.7 Rửa tay bằng xà phòng trước khi làm việc, sau khi đi vệ sinh, hoặc chuyển từ khâu này sang khâu khác. Không được dùng tay bốc thức ăn. Mỗi nhân viên phải có khăn tay riêng.

2.8 Những người mắc bệnh sau đây không được trực tiếp chế biến thức ăn, giữ kho thực phẩm và phục vụ khách

- Người lành mang vi trùng lỵ, thương hàn, tả, lao, phong, giang mai, lậu

- Người bị bệnh ngoài da, phụ nữ có khí hư ra nhiều

- Người bị viêm mũi có mủ, viêm phế quản, hở van dạ dày, rò hậu môn

2.9 Tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ cho các nhân viên trực tiếp phục vụ khách hàng 3 tháng 1 lần. Các phiếu kiểm tra sức khỏe của từng người phải có xác nhận của cơ quan y tế và do lãnh đạo cơ sở quản lý tập trung để tiện kiểm tra

3. Vệ sinh nơi đón tiếp khách

3.1 Nhà thoáng, mát, sạch, khô. Không có mùi hôi, không có ruồi, gián, kiến, mạng nhện

3.2 Sàn nhà, tủ, bàn, ghế phải được lau chùi, khô hàng ngày

3.3 Đèn, quạt, cửa kính, cửa chớp, cửa ra vào, các để chìa khóa, phải thường xuyên lau chùi sạch, không có bụi và mạng nhện

3.4 Rèm cửa ridô các loại sạch, lành, khô, không có mùi hôi hay mốc (thay giặt theo định kỳ)

3.5 Sổ sách, giấy tờ, phẳng, sạch, rõ ràng

3.6 Cây cảnh, hoa, tranh ảnh trang trí phải đẹp, tươi mát, không có bụi và mạng nhện

3.7 Biển số đeo ở các chìa khóa buồng sạch sẽ, rõ

4. Vệ sinh quầy bán:

4.1 Khu vực quầy bar phải được sắp xếp gọn gàng, hợp lý và có thẩm mỹ, bảo đảm thoáng, sạch, khô, không có mùi hôi, không có ruồi, gián, kiến, mạng nhện

Sàn nhà, quầy bar, ghế, bàn, tủ, giá bày hàng, điện thoại, quạt máy, đèn, lavabô phải được lau chùi, quét dọn hàng ngày

Ridô, khăn trải bàn các loại phải sạch, lành, khô, không bị hoen ố, không có mùi hôi và được thay giặt thường xuyên

Cây cảnh, hoa, tranh ảnh và các vật dụng trang trí phải đẹp, tươi mát, và không có bụi

4.2 Vệ sinh dụng cụ và đồ dùng

- Cốc tách các loại phải sạch, khô bóng, không có vết bẩn, không có dấu tay và không bị sứt mẻ

- Thìa, dao, dĩa, đĩa, khay, giá để hoa qủa, dụng cụ lọc, đựng nước, máy xay sinh tố, máy đánh cốc tay, sackê, tủ lạnh... phải thường xuyên được lau chùi rửa đảm bảo sạch, khô, sáng bóng, không có mùi hôi và vết bẩn

Dụng cụ đựng nước phải là thùng tráng men hoặc thủy tinh, có rôminê, tuyệt đối không dùng ca, cốc, bát múc trong thùng

4.3 Vệ sinh trong thao tác kỹ thuật

- Nước làm đá phải là nước sôi để nguội

- Lấy nước đá, bánh ngọt phải cặp gắp, tuyệt đối không dùng tay bốc

- Phải có dụng cụ mở nút chai các loại và khăn lau. Không được mở các loại nút chai bằng dao, thìa, bằng răng hoặc dập vào thành bàn, ghế.

- Hoa qủa phải rửa sạch, lau khô, kiểm tra trước đủ tiêu chuẩn mới pha chế, phục vụ

- Kiểm tra chất lượng giải khát, rượu bia, trước khi phục vụ khách

- Hàng hóa bán cho khách phải đóng gói, bao bì hợp qui cách vệ sinh

- Các loại đồ hộp phải được kiểm tra chất lượng trước khi bán cho khách. Đồ hộp đã mở ra phải bán hết trong ngày

- Tất cả các loại rượu, bia, đồ hộp đều phải có nhãn hiệu ghi hạn dùng rõ ràng

- Hàng hóa trong kho, quầy bar được để trên giá, kê cách tường và cách mặt đất từ 30 - 50 cm

- Các loại cốc tách, dụng cụ pha chế phải để trong tủ, nếu để trên giá phải có khăn phủ

5. Vệ sinh nhà bàn:

5.1 Vệ sinh phòng ăn, phòng tiệc

5.1.1 Thoáng, mát, sạch, khô không có mùi hôi, không có ruồi, dán, kiến, mạng nhện, khói. Có đủ các phương tiện chống bụi

5.1.2 Sàn nhà, tủ bàn ghế, quầy hàng, lavabô... được lau chùi sạch, khô, sắp xếp gọn đẹp

5.1.3 Đèn, quạt, cửa kính, cửa chớp, cửa ra vào, gương soi thường xuyên được lau chùi sạch, không có vết xước, không có bụi, mạng nhện

5.1.4 Rèm cửa, ridô, các loại sạch, lành, khô, không có mùi, không có bụi

5.1.5 Hoa cây cảnh ,tranh ảnh tươi mát, đẹp, không có bụi

5.1.6 Không được quét nhà hoặc hút bụi trong và sau khi bày bán hoặc khách hàng đang ngồi ăn

5.1.7 Làm vệ sinh không xếp ghế lên mặt bàn

5.2 Vệ sinh dụng cụ

5.2.1 Khăn ăn, khăn bàn, phải sạch, lành, khô, không có mùi hôi, không bị hoen ố, được là phẳng

5.2.2 Bát đĩa, cùi chìa, phuốc sét, dao ăn các loại sạch, khô, sáng bóng, không có dầu mỡ, và tinh bột. Các dụng cụ này được rửa qua 4 bước:

- Tráng thức ăn

- Rửa xà phòng

- Rửa nước ấm

- Nhúng nước sôi 80 độ có pha thêm ít dấm

5.2.3 Rửa cốc chén dùng các dụng cụ có bàn chải xoáy hình nón, sau đó chuyển sang thùng bằng tia nước

5.2.4 Dụng cụ sau khi rửa sạch, được để trong khay, đúng qui cách và có khăn phủ

5.2.5 Cốc, tách các loại sạch, khô, bóng, không có vết mẻ, không có vết bẩn

5.2.6 Không được rửa lẫn lộn bát, đũa, cốc, tách đồ sành sứ và thủy tinh

5.2.7 Nhân viên không được chùi tay vào mép trong của cốc, chén, bát, thìa, cùi chìa, phuốc sét... mà chỉ được cầm cán. Tất cả dụng cụ nói trên đều không có dấu tay.

5.2.8 Lọ muối tiêu, dầu dấm,lọ tăm.... thường xuyên lau chùi sạch, không có bụi ở bên trong, không có cặn bám, không mốc, tất cả đều phải có nắp đậy. Hàng ngày được thau rửa khi giao ca.

5.2.9 Không bày hoa giấy lên bàn để tránh bụi

5.3 Vệ sinh thức ăn và hoa qủa

5.3.10 Trước khi nhận thức ăn và hoa qủa phải kiểm tra dụng cụ và có khăn lót tay

5.3.11 Các món ăn đảm bảo tinh khiết, nước uống phải sôi và lọc kỹ, bình đựng nước phải trong và có nắp đậy. Các loại nước giải khát, rượu bia, đóng chai bị hở, bị đục, không được bán cho khách

5.3.12 Hoa qủa sạch, lau khô, kiểm tra trước, bảo đảm chất lượng mới đưa ra phục vụ khách

5.3.13 Khi bưng bê thức ăn, không để ngón tay chạm vào mặt trong của cốc, chén, bát đĩa....

6. Vệ sinh buồng ngủ:

6.1 Mỗi khu nhà phải có phương tiện chống hỏa hoạn

6.2 Có sơ đồ hướng dẫn sử dụng các phương tiện trong buồng ngủ

6.3 Khu vực hành lang, cầu thang, không có bụi, thảm trải lối đi sạch, khô. Cầu thang, hành lang, sàn nhà nếu bằng gỗ, 1 tuần đánh si 1 lần

6.4 Buồng ngủ thoáng, đủ ánh sáng (cụ thể cần ít nhất cửa sổ và ánh sáng tối thiểu 10% diện tích đất)

6.5 Sàn nhà, thảm trải, tủ, bàn, ghế, giường đệm, quạt, cửa kính, cửa chợp, cửa ra vào không có bụi

6.6 Đường điện và ổ cắm phải đảm bảo an toàn, cứ 5 m có 1 ổ cắm điện, Mỗi buồng cần có 2 ổ cắm, 1 ổ cắm cạnh giường

6.7 Rèm cửa, ri đô các loại sạch, màu mát dịu, sạch không bị hoen ố, không có mùi hôi

6.8 Ga trải giường, vỏ gối, khăn mặt, khăn tắm, màu sạch, trắng

6.8.1 Ga trải giường, vỏ chăn, áo gối, ngày phải thay lần, ri đô, màn 2 tuần phải thay 1 lần nếu là k

6.8.2 Sau khi khách ra về phải thay giặt ngay, kể cả khách ở đột xuất

6.8.3 Gối và đệm phải phơi, đập cho hết bụi (tối thiểu tháng 1 lần, chú ý đệm phải có vỏ đệm)

6.9 Trang thiết bị trong buồng ngủ: dép đi trong nhà, cốc, chén, ấm tích, gạt tàn, lọ hoa, đều phải đánh rửa sạch

6.10 Tủ lạnh sạch, không có mùi hôi, máy điều hòa không có bụi, không phát ra tiếng động mạnh và luôn giữ nhiệt độ trong phòng là 20 độ C

6.11 Phòng tắm sạch, không có mùi hôi, có thảm trải cửa ra vào

6.12 Hố xí máy, chậu rửa mặt (lavabô), bồn tắm (baignostre), hương sen, nồi nước nóng (chauffebain), bàn trang điểm, được nối với nhau đúng qui cách và hoạt động tốt hơn

6.13 Phòng tắm, bể tắm, lavabô... sạch, không có mùi hôi, gạch men ốp tường, men bể tắm, chậu rửa mặt, lavabô không bị hoen ố, không nhờn bẩn, thường xuyên được cọ rửa hàng ngày. Cống Si phông sạch, không có cặn bám, không có mùi

6.14 Xà phòng, giấy vệ sinh khăn lau tay sạch, mềm, đủ, được để trên giá, giấy tự tiêu tốt

6.15 Khăn mặt, khăn tắm sạch, không rách, không hôi, không hoen ố, được thay giặt hàng ngày

6.16 Vòi nước nóng, lạnh cho phép người dùng điều chỉnh nhiệt độ thích hợp. Nước nóng cần có đủ dung tích để đáp ứng mức tiêu thụ đã dự tính

6.17 Các loại gương soi không có bụi, không bị hoen ố

7. Vệ sinh bếp

7.1 Thông, thoáng, đủ ánh sáng, có đủ phương tiện chống nóng, chống bụi. Trần nhà không có mạng nhện, sàn nhà khô, sạch. Cửa ra vào, cửa sổ phải có lưới chắn ruồi

7.2 Có bảng phân công khu vực vệ sinh của từng cá nhân, có chậu nước sát trùng, khăn lau tay trước khi tiếp xúc với thực phẩm

7.3 Nơi sơ chế, tinh chế và quầy giao nhận thức ăn riêng biệt và được ốp đá men từ chân tường cao 1,5 m

Việc chế biến và bàn kê các món ăn từ nhà bếp, lên nhà bàn theo dây chuyền một chiều

7.4 Các bể rửa bát, bể sơ chế, được ốp đá men và được cọ rửa hàng ngày

7.5 Các bể chứa nước ăn phải có nắp đậy, và được thay rửa hàng tuần. Cống rãnh thông thoát, kín và không vũng ứ đọng

7.6 Thùng đựng các thải loại có nắp đậy và để cách nơi chế biến khoảng 50 - 60 m, mỗi ngày được xử lý một lần hoặc nhiều lần nếu có nhiều rác

7.7 Qui định nơi để thực phẩm sơ chế, tươi khô, sống chín riêng biệt. Dụng cụ, thiết bị sản xuất chế biến song, nồi, dao, thớt, sống chín không dùng chung lẫn lộn

7.8 Chai lọ đựng gia vị dễ thấy, dễ lấy và có ký hiệu nắp đậy

7.9 Thiết bị dùng để sản xuất, chế biến làm xong, phải rửa, lau chùi sạch, bóng để đúng nơi qui định

Rửa theo 4 bước ;

- Tráng thức ăn

- Rửa xà phòng

- Rửa nước ấm

- Nhúng nước sôi

- Thớt rửa nước lã, cạo sạch, rửa nước sôi, dội nước sôi

7.10 Có bàn riêng biệt để sơ chế thực phẩm, không chế sát mặt đất

7.11 Tủ lạnh phải có ký hiệu sống chín, thịt, cá, rau riêng biệt và lau chùi hàng ngày, bảo đảm không có mùi hôi

7.12 Đĩa cân, qủa cân sạch, không han rỉ

8. Vệ sinh thực phẩm

8.1 Trong các loại thực phẩm cần chú ý những loại sau

8.1.1 Các loại thực phẩm chín hoặc ăn ngay như thịt quay, thịt luộc, giò nem, đậu, bánh mì....

8.1.2 Loại thực phẩm thịt, cá, sữa, bơ...

8.1.3 Loại thực phẩm dễ ôi thiu: thịt, cá, lòng....

8.2 Tuyệt đối không được nhận thực phẩm ôi, thiu, kém phẩm chất để chế biến cho khách

8.3 Thực phẩm:

- Không có mùi khác thường

- Không nhiễm trùng giun sán

- Không nhiễm bẩn, nhiễm độc, cụ thể như không dùng phẩm, đường hóa học, thịt súc vật ốm chết, rau có nhiều thuốc trừ sâu

8.4 Nhận thực phẩm thịt, rau, cá.... trên đường đi phải bảo quản tốt, có che đậy, đảm bảo chống độc, bụi ruồi. Thực phẩm vận chuyển bằng xe lạnh, phải bảo đảm nhiệt độ không qúa độ C

8.5 Thực phẩm tươi, sống, chín phải riêng biệt dưới bất kỳ hình thức nào, để không ảnh hưởng đến phẩm chất, mùi vị của thực phẩm

8.6 Tủ lạnh dự trữ thức ăn bảo đảm nhiệt độ liên tục dưới 7 độ C. Thức ăn chế biến hàng ngày được lưu mẫu trong 24 giờ. Thức ăn nóng giữ nhiệt độ từ 60 độ C trở lên

8.7 Qúa trình chế biến thực phẩm được làm sạch đến mức tối đa ngay ở giai đoạn đầu sơ chế

8.8 Thức ăn sau khi chế biến xong phải bảo đảm tinh khiết sạch, ngon, trình bày hấp dẫn, đạt yêu cầu về số và chất lượng món ăn

8.9 Sò, ốc, hến, tôm, cua mua về chưa sử dụng phải bảo quản ở nhiệt độ 7 độ C

8.10 Thực phẩm nhận về phải ghi rõ ngày nhập và xuất hàng để bảo đảm không bị lưu lâu (biết được ngày nhập trước, xuất trước, nhập sau, xuất sau)

8.11 Có tủ lưới để thực phẩm chín và khô

9. Vệ sinh kho lương thực, nguyên liệu

9.1 Phải có bảng nội qui của kho

9.2 Nhân viên làm việc trong kho được học tập nghiệp vụ giữ kho, được trang bị quần, áo, giày, dép... riêng của người giữ kho

9.3 Kho thoáng, sạch, kín, không có chuột, dán, ruồi...

9.4 Kho lương thực phải được thông gió. Các bao được đảo thường xuyên để tránh ẩm và mối mọt

9.5 Nguyên liệu hàng hóa không được có mùi vị khác thường, không nhiễm bẩn chất độc. Nguyên liệu phải đảm bảo đủ các thành phần hóa học và thuộc tính của nó

9.6 Nguyên liệu, hàng hóa, lương thực... để dễ thấy, dễ lấy, dễ kiểm tra. Được sắp xếp gọn trên giá kê, cách mặt đất ít nhất 0,50 m, xa tường 0,50 m để thủ kho đi xung quanh kiểm tra chất lượng hàng hóa

9.7 Dụng cụ chứa đựng có nắp đậy và có ký hiệu rõ ràng

9.8 Những nguyên liệu dễ bắt mùi, như chè, thuốc lá, cà phê... được đựng trong túi ni lông, để trong hòm, có nắp đậy kín, riêng biệt từng loại, và có đèn chống ẩm

9.9 Kiểm tra lương thực, nguyên liệu trước khi xuất nhập kho. Thường xuyên xem xét chất lượng từng loại hàng hóa để có biện pháp xử lý, tiêu thụ kịp thời

9.10 Dụng cụ cân, đong, múc... được rửa sạch và xếp gọn vào nơi qui định

9.11 Lô hàng mà y tế nghi ngờ, tạm thời bảo quản trong các phòng cách ly của kho

9.12 Có các tủ lưới để các loại hoa qủa, củ như đu đủ, dừa cảnh, cà chua, khoai tây... và được riêng biệt với kho khô

10. Vệ sinh kho lạnh

10.1 Phải có bảng nội qui hướng dẫn sử dụng kho lạnh

10.2 Người phụ trách kho lạnh phải biết kiến thức thông thường về sử dụng, bảo quản kho lạnh, kho mát, kho đông lạnh và tủ lạnh

- Kho mát thường giữ ở nhiệt độ 18oC

- Kho lạnh thường giữ ở nhiệt độ 7oC

- Kho đông lạnh thường giữ ở nhiệt độ - 10oC đến - 18oC

10.3 Phải có trang thiết bị cần thiết cho người phụ trách kho làm việc như: áo quần chống rét, găng tay, ủng...

10.4 Tủ lạnh hàng ngày làm vệ sinh, kho lạnh 1 tuần tổng vệ sinh 1 lần

10.5 Trong các kho lạnh và tủ lạnh không được để thực phẩm qúa nhiều làm ảnh hưởng đến sự lưu thông khí lạnh

10.6 Thực phẩm bảo quản trong tủ lạnh, kho lạnh phải để sống, chín riêng biệt

10.7 Rau, hoa qủa để vào kho mát, để trên giá, không chồng chất lên nhau

10.8 Bảng bảo quản một số thực phẩm cần thiết

11. Vệ sinh bể bơi:

11.1 Nội qui bể bơi phải rõ ràng và được treo ở nơi dễ nhìn

11.2 Nước bể bơi phải bảo đảm đủ và giữ được mực nước

11.3 Không được nối trực tiếp giữa đường ống nước sạch và hệ thống cấp nước vào bể bơi

11.4 Nước trong bể bơi phải đảm bảo chất lượng sạch, không có nấm vi khuẩn, không để qúa độ nhiễm khuẩn cho phép là 200 trực khuẩn dạng coli trong 100 ml và độ pH 6,5 - 8,3

Việc kiểm tra hàng ngày về độ pH và hàm lượng coli tự do được tiến hành trước giờ mở cửa

11.5 Về mùa hè, bể bơi mỗi tuần phải được thau từ 2-3 lần, về mùa đông 1 tuần một lần vào đúng giờ qui định

11.6 Trước khi thay nước, bể bơi phải được làm vệ sinh sạch bằng bàn chải và giẻ lau, cọ sạch những chất bám dính vào gạch men ở đáy và thành bể, xung quanh bể, sau đó đội sạch nước bẩn rồi mới cho nước vào

11.7 Cần phải kiểm tra mức độ nhất định để ngăn không cho những khách mắc bệnh truyền nhiễm, hoặc những vết thương hở, vết thương nhiễm trùng hoặc bệnh ngoài da

11.8 Bể bơi cần được kiểm tra thường xuyên, có người cấp cứu thành thạo

11.9 Trẻ em khi tắm phải có người lớn kèm theo mới được xuống bể bơi

11.10 Bên cạnh bể bơi, có vòi nước sạch để sau khi bơi xong, khách tắm lại

12. Vệ sinh bãi tắm

12.1 Bãi tắm phải được qui hoạch, bảo đảm chất lượng

- Nước phải không bị ô nhiễm, cụ thể phải xa nơi thải phân - nước thải công nghiệp, nhằm đảm bảo không nhiễm độc và nhiễm khuẩn (trực khuẩn coli không qúa 200 trong 100 ml)

- Độ trong và độ pH của nước từ 6,5 đến 8,3

12.2 Bãi tắm phải được qui hoạch an toàn để tránh xảy ra tai nạn như tránh các dòng nước xoáy, đất lở, đá to và vách đá dốc đứng

12.3 Các bãi biển phải cắm cờ báo hiệu làm mốc, không cho khách ra xa

12.4 Tại bãi biển có đội cấp cứu có kinh nghiệm

12.5 Có đội làm vệ sinh bãi biển

12.6 Trên các bãi tắm, cách 30 mét đặt 1 máy nước để khách tắm lại

13. Khu giặt là:

13.1 Rộng, thoáng, mát, trần cao, nền cao, được lát gạch hoặc lát xi măng, được cọ rửa hàng ngày, không ứ đọng nước và rêu

13.2 Qui trình theo 1 chiều, từ nơi nhận, giặt, vắt, sấy, là giao hàng

13.3 Khu giặt là kiến trúc theo kiểu chữ U

13.4 Nơi nhận hàng được trang bị túi để chứa đồ vải bẩn, được phân loại để tiện cho việc ngâm tay

13.5 Bể giặt tối thiểu có 3 bể chứa nước liên hoàn, thành và đáy bể được lát men và cọ rửa hàng ngày

13.6 Nước phải trong, sạch, đủ tiêu chuẩn

13.7 Hóa chất được trang bị đủ như: xà phòng, bô lạt, cliloramin Ojaven

Sau khi giặt xong, đồ vải được ngâm trong nước Ojaven theo tỷ lệ 100 mg/1 lít nước

13.8 Dụng cụ giặt bằng bàn chải mềm, dễ cầm, không làm xơ đồ vải

13.9 Máy giặt, máy vắt, máy sấy, máy là được để ở nơi qui định được kiểm tra trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn và được làm vệ sinh trước và sau khi sử dụng

13.10 Các đường dây điện và ổ cắm điện được đặt ở vị trí cao, khô, đảm bảo an toàn

13.11 Sân phơi rộng, thoáng, đủ ánh nắng, sàn và sân phơi được lát gạch, có rãnh thoát nước, được cọ rửa thường xuyên

13.12 Đồ vải phơi ở nhiệt độ 7o - 8o/30 là tốt nhất

13.13 Là ẩm hoặc khô ở nhiệt độ 163oC tùy theo vải

13.14 Nơi giao hàng khô, sạch, cao, sàn được lát gạch đá hoa, tường được ốp gạch men xung quanh cao 2m. Ngoài cửa có ghế cho người nhận hàng ngồi chờ

13.15 Trong kho giao hàng có giá kê bằng gỗ cách tường 40 cm, có ký hiệu phân loại rõ ràng

13.16 Chất lượng mặt trắng, sạch, không có vết ố, được là phẳng

14. Vệ sinh phòng cắt, uốn, sấy tóc

14.1 Yêu cầu chung

14.1.1 Tối thiểu phòng có buồng và 1 kho nhỏ

14.1.2 Phòng cao sạch thoáng mát

14.1.3 Trần nhà cao, sạch, không có mạng nhện

14.1.4 Nền nhà lát gạch men

14.1.5 Tường, trần nhà quét vôi màu sáng, mát dịu

14.1.6 Trong phòng sắp xếp theo dây chuyền một chiều, khoa học, đảm bảo vệ sinh

- Đèn, rèm cửa, ri đô, cửa kính, cửa chớp sạch, có đủ ánh sáng (tốt nhất là đèn tuýp)

14.2 Vệ sinh dụng cụ:

14.2.1 Dao, kéo, kẹp... sạch, bóng, sáng, không rỉ và được luộc hàng ngày

14.2.2 Dao, kéo lược... được ngâm trong cồn sát trùng

14.2.3 Máy sấy các loại sạch, bảo đảm an toàn

14.2.4 Khi cặp điện, các dây điện gọn, phích ổ cắm, công tắc cầu dao an toàn, có ký hiệu điện thế rõ ràng

14.2.5 Khăn choàng trắng, sạch, thơm

14.2.6 Khăn tay bảo đảm đủ cho mỗi khách một chiếc, và được giặt sấy hàng ngày

14.3 Phòng đợi gọn sạch, thoáng mát, có bàn ghế đủ để khách chờ ngồi, khăn trải bàn sạch, đẹp, hoa tươi mát, đủ sách báo nhất là các loại tranh ảnh quảng cáo kiểu tóc hợp thời trang

14.4 Phòng uốn tóc gọn sạch, máy và dụng cụ sắp xếp khoa học, dễ tìm, dễ thấy

- Bàn để chải, cắt uốn tóc được ốp kính trong, sạch không bụi, không hoen ố

14.5 Phòng gội thoáng, khô, không hôi hám, mốc

- Hệ thống thông thoát nước tốt

- Lavabô được cọ rửa thường xuyên và có 2 vòi nóng lạnh

 

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 338/TMDL-DL ngày 23/04/1992 ban hành bản quy định tối thiểu về cơ sở vật chất và tiêu chuẩn phục vụ du lịch do Bộ trưởng Bộ Thương mại và Du lịch ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


3.328

DMCA.com Protection Status
IP: 3.149.243.32
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!