>>> Xem công việc pháp lý mới tại đây.

Quy định về việc tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc trong Công ty Cổ Phần

đối thoại định kỳ

Ảnh minh họa (Nguồn từ Internet)

Định kỳ ít nhất 01 năm một lần, khi có yêu cầu của các bên hoặc khi có vụ việc cần thiết được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 63 Bộ Luật Lao động 2019, công ty cổ phần căn cứ vào quy chế dân chủ tại cơ sở, tổ chức việc đối thoại với những người lao động đang làm việc về các nội dung sau:

1. Những vụ việc cần thiết tổ chức đối thoại định kỳ

- Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.

 - Trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế.

- Phương án sử dụng lao động.

- Xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động.

- Thưởng.

- Nội quy lao động.

- Tạm đình chỉ công việc.

2. Những nội dung khác mà các bên có thể lựa chọn để tiến hành đối thoại

- Tình hình sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động.

- Việc thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế và cam kết, thỏa thuận khác tại nơi làm việc.

- Điều kiện làm việc.

- Yêu cầu của người lao động, tổ chức đại diện người lao động đối với người sử dụng lao động.

- Yêu cầu của người sử dụng lao động đối với người lao động, tổ chức đại diện người lao động.

- Nội dung khác mà một hoặc các bên quan tâm.

Nếu không tổ chức việc đối thoại định kỳ; thì công ty sẽ bị phạt tiền từ 10,000,000 đồng đến 20,000,000 đồng với hành vi không tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc; không thực hiện đối thoại khi có yêu cầu; không phối hợp tổ chức hội nghị người lao động theo quy định của pháp luật..

Công ty cổ phần quy định chi tiết về việc đối thoại định kỳ trong quy chế dân chủ cơ sở. Khi xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, công ty phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (nếu có) và nhóm đại diện đối thoại của người lao động (nếu có) để hoàn thiện và ban hành và phải công khai minh bạch tại nơi làm việc. Đối với những góp ý của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở và nhóm đại diện đối thoại của người lao động mà người sử dụng lao động không tiếp thu thì phải nêu rõ lý do.

Công đoàn cơ sở và công ty cổ phần lựa chọn quyết định số lượng thành viên đại diện của mình tham gia đối thoại, nhưng phải đảm bảo ít nhất mỗi bên có 3 thành viên tham gia đối thoại. Nguyên tắc chung, công đoàn cơ sở lựa chọn số người tham gia đối thoại nhiều hơn phía công ty cổ phần.

Tiêu chuẩn thành viên đại diện cho người lao động hoặc công đoàn cơ sở tham gia đối thoại do ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc đại diện tập thể người lao động quyết định. Đại diện người lao động phải là những thành viên có hợp đồng lao động từ đủ 3 tháng trở lên, am hiểu về pháp luật lao động, công đoàn, chế độ, chính sách lao động, việc làm, tình hình doanh nghiệp, có khả năng thuyết phục và được người lao động tín nhiệm.

3. Quy trình đối thoại định kỳ được thực hiện như sau:

(i) Chuẩn bị đối thoại:

- Xây dựng kế hoạch tham gia tổ chức đối thoại; dự kiến thời gian, địa điểm, thành phần tham gia đối thoại bên phía người lao động; cách thức lấy ý kiến người lao động về nội dung dự kiến đối thoại định kỳ; cơ chế phối hợp, phân công trách nhiệm thực hiện giữa công đoàn, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, nhóm đại diện đối thoại của người lao động; cách thức phổ biến kết quả đối thoại...

- Trên cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, lựa chọn những nội dung phù hợp với đặc thù, tình hình doanh nghiệp, ưu tiên các nội dung như: Tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, chất lượng bữa ăn ca, chính sách BHXH, BHTN, BHYT; sáng kiến, giải pháp của người lao động góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, cải thiện môi trường làm việc; trách nhiệm của các bên trong việc tổ chức thực hiện kết quả đối thoại trước đó (nếu có)... để dự kiến nội dung đề nghị đối thoại định kỳ.

- Chủ tịch công đoàn chủ động gặp công ty, trao đổi để thống nhất về nội dung, địa điểm, thời gian, số lượng, thành phần tham gia đối thoại của mỗi bên và công khai cho tập thể người lao động biết.

- Tổ chức lấy ý kiến người lao động về những nội dung dự kiến đề nghị đối thoại định kỳ (có thể qua các hình thức như phát phiếu lấy ý kiến, nghe người lao động phản ánh, họp tổ công đoàn, công đoàn bộ phận, công đoàn cơ sở thành viên để tập hợp ý kiến, khảo sát trực tuyến, khảo sát qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo (do công đoàn lập), mạng thông tin nội bộ của doanh nghiệp...

- Tổng hợp, quyết định lựa chọn nội dung đề nghị đối thoại định kỳ (lưu ý: sắp xếp nội dung theo thứ tự ưu tiên, phù hợp với từng cuộc, hình thức đối thoại). Không nên đề nghị quá nhiều nội dung. Các vấn đề lựa chọn đối thoại phải bảo đảm tính khả thi, được số đông người lao động quan tâm.

- Phân công nhiệm vụ cho từng thành viên tham gia đối thoại như: Chuẩn bị ý kiến, lập luận, tài liệu liên quan...

- Gửi nội dung đề nghị đối thoại bằng văn bản cho công ty chậm nhất 05 ngày làm việc trước ngày bắt đầu tổ chức đối thoại định kỳ.

- Nếu có ý kiến phản hồi hoặc nội dung đề nghị đối thoại từ phía công ty, công đoàn chủ trì, cùng tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, nhóm đại diện đối thoại của người lao động xem xét, bàn bạc để chuẩn bị các lập luận, phản biện, tài liệu... Có thể thông tin lại với công ty để tạo sự đồng thuận cao trước khi đối thoại.

- Họp các thành viên tham gia đối thoại trước khi diễn ra cuộc đối thoại định kỳ để rà soát công việc, nội dung phân công, hoàn thiện các tài liệu, số liệu liên quan đến nội dung đối thoại, các ý kiến và ý kiến phản biện, đồng thời dự kiến các tình huống phát sinh và phương án xử lý.

(ii) Tiến hành đối thoại:

- Khi tiến hành đối thoại, các thành viên tham gia đối thoại thể hiện tinh thần hợp tác, chia sẻ, vì lợi ích chung để thảo luận đạt được đồng thuận đối với các nội dung đối thoại. Trường hợp phát sinh những nội dung mới thì đề nghị công ty cho hội ý trao đổi nội bộ hoặc tạm dừng đối thoại để thống nhất ý kiến, sau đó trở lại đối thoại tiếp hoặc chuyển nội dung sang cuộc đối thoại tiếp theo.

- Đề xuất người ghi biên bản cuộc đối thoại là đại diện của hai bên, mỗi bên một người. Biên bản đối thoại phải có chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền và chữ ký của người đại diện công đoàn, người đại diện tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp (nếu có) và của người đại diện cho nhóm đại diện đối thoại của người lao động (nếu có). Cuộc đối thoại được phép ghi âm, ghi hình theo thống nhất của hai bên, giao thư ký hoặc kỹ thuật viên thực hiện.

- Ngay sau khi cuộc đối thoại kết thúc, công đoàn phối hợp với công ty hoàn thiện biên bản đối thoại, đồng thời đề xuất hưởng giải quyết các nội dung chưa đạt kết quả trong cuộc đối thoại (nếu có).

(iii) Công bố kết quả đối thoại:

Trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ khi đối thoại kết thúc, công đoàn chủ trì, phối hợp với tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp (nếu có) và nhóm đại diện đối thoại của người lao động (nếu có) phổ biến kết quả đối thoại tới toàn thể người lao động; đề nghị công ty công khai những nội dung chính của cuộc đối thoại.

Lưu ý: Công đoàn tham gia đối thoại và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc theo Hướng dẫn 11/HD-TLĐ năm 2024 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Ngoài đối thoại định kỳ, đối thoại tại nơi làm việc còn có thể được tiến hành khi một bên có quyền yêu cầu. Số lượng, thành phần, tiêu chuẩn tham gia đối thoại đột xuất thực hiện như đối thoại định kỳ nhưng quy trình, thủ tục, thời gian cần nhanh, gọn, khẩn trương hơn. Đối thoại đột xuất cần tránh để bên yêu cầu đối thoại phải chờ đợi, tạo ra những bức xúc trong quá trình giải quyết. Thời hạn trả lời đối thoại của bên được đề xuất tối đa không quá 24 giờ kể từ khi một bên gửi yêu cầu đối thoại cho bên kia.

Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chưa xem được Căn cứ pháp lý được sử dụng, lịch công việc.

Nếu chưa là Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây

52,692
Bài viết liên quan:
Câu hỏi thường gặp: