Việc chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu của chủ sở hữu nhãn hiệu cho cá nhân, tổ chức khác phải đảm bảo thực hiện theo các quy định cụ thể sau đây:
>> Cấp lại hoặc cấp phó bản đối với văn bằng bảo hộ nhãn hiệu
>> Thu hẹp phạm vi bảo hộ nhãn hiệu
(i) Chủ sở hữu nhãn hiệu có thể chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu của mình cho tổ chức, cá nhân khác theo các hình thức sau:
- Chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu: là việc chủ sở hữu nhãn hiệu chuyển giao quyền sở hữu của mình cho tổ chức, cá nhân khác.
- Chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu: là việc chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng nhãn hiệu thuộc phạm vi quyền sử dụng của mình.
(ii) Việc chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu và chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản (cụ thể là hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu và hợp đồng sử dụng nhãn hiệu).
(Căn cứ Điều 138 và Điều 141 Luật sở hữu trí tuệ 2005).
Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet
Theo quy định tại Điều 139 và Điều 142 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được bổ sung bởi khoản 55 Điều 1 Luật số 07/2022/QH15), việc chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu phải tuân thủ các quy định hạn chế sau đây:
(i) Trường hợp chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu:
- Chủ sở hữu nhãn hiệu chỉ được chuyển nhượng quyền của mình trong phạm vi được bảo hộ.
- Việc chuyển nhượng quyền đối với nhãn hiệu không được gây ra sự nhầm lẫn về đặc tính, nguồn gốc của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu.
- Quyền đối với nhãn hiệu chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký nhãn hiệu đó.
(ii) Trường hợp chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu:
- Quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể không được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể đó.
- Bên được chuyển quyền không được ký kết hợp đồng thứ cấp với bên thứ ba, trừ trường hợp được bên chuyển quyền cho phép.
- Bên được chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu có nghĩa vụ ghi chỉ dẫn trên hàng hoá, bao bì hàng hoá về việc hàng hoá đó được sản xuất theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu.
Hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu phải đảm bảo đáp ứng các quy định sau đây:
(i) Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
- Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng;
- Căn cứ chuyển nhượng;
- Giá chuyển nhượng;
- Quyền và nghĩa vụ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng.
(ii) Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu chỉ có hiệu lực khi đã được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ (xem chi tiết tại Mục 3 bên dưới).
(Căn cứ Điều 140 và khoản 1 Điều 148 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 9 Điều 2 Luật số 42/2019/QH14).
(i) Các dạng hợp đồng sử dụng nhãn hiệu:
- Hợp đồng độc quyền: là hợp đồng mà theo đó trong phạm vi và thời hạn chuyển giao, bên được chuyển quyền được độc quyền sử dụng nhãn hiệu, bên chuyển quyền không được ký kết hợp đồng sử dụng nhãn hiệu với bất kỳ bên thứ ba nào và chỉ được sử dụng nhãn hiệu đó nếu được phép của bên được chuyển quyền;
- Hợp đồng không độc quyền: là hợp đồng mà theo đó trong phạm vi và thời hạn chuyển giao quyền sử dụng, bên chuyển quyền vẫn có quyền sử dụng nhãn hiệu, quyền ký kết hợp đồng sử dụng nhãn hiệu không độc quyền với người khác;
- Hợp đồng sử dụng nhãn hiệu thứ cấp: là hợp đồng mà theo đó bên chuyển quyền là người được chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu đó theo một hợp đồng khác.
(Căn cứ theo quy định tại Điều 143 Luật sở hữu trí tuệ 2005).
(ii) Các nội dung chủ yếu phải có trong hợp đồng sử dụng nhãn hiệu:
- Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền.
- Căn cứ chuyển giao quyền sử dụng.
- Dạng hợp đồng.
- Phạm vi chuyển giao, gồm giới hạn quyền sử dụng, giới hạn lãnh thổ.
- Thời hạn hợp đồng.
- Giá chuyển giao quyền sử dụng.
- Quyền và nghĩa vụ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền.
(Căn cứ khoản 1 Điều 144 Luật sở hữu trí tuệ 2005).
(iii) Hợp đồng sử dụng nhãn hiệu không được có các điều khoản hạn chế bất hợp lý quyền của bên được chuyển quyền, đặc biệt là các điều khoản không xuất phát từ quyền của bên chuyển quyền sau đây:
- Buộc bên được chuyển quyền phải chuyển giao miễn phí cho bên chuyển quyền các cải tiến nhãn hiệu do bên được chuyển quyền tạo ra hoặc quyền đăng ký nhãn hiệu, quyền sở hữu công nghiệp đối với các cải tiến đó.
- Trực tiếp hoặc gián tiếp hạn chế bên được chuyển quyền xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ được sản xuất hoặc cung cấp theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu sang các vùng lãnh thổ không phải là nơi mà bên chuyển quyền nắm giữ quyền sở hữu nhãn hiệu tương ứng hoặc có độc quyền nhập khẩu hàng hoá đó.
- Buộc bên được chuyển quyền phải mua toàn bộ hoặc một tỷ lệ nhất định các nguyên liệu, linh kiện hoặc thiết bị của bên chuyển quyền hoặc của bên thứ ba do bên chuyển quyền chỉ định mà không nhằm mục đích bảo đảm chất lượng hàng hoá, dịch vụ do bên được chuyển quyền sản xuất hoặc cung cấp.
- Cấm bên được chuyển quyền khiếu kiện về hiệu lực của quyền sở hữu nhãn hiệu hoặc quyền chuyển giao của bên chuyển quyền.
Lưu ý: Các điều khoản trong hợp đồng thuộc các trường hợp nêu trên mặc nhiên bị vô hiệu
(Căn cứ khoản 2, khoản 3 Điều 144 Luật sở hữu trí tuệ 2005).
(iv) Hợp đồng sử dụng nhãn hiệu có hiệu lực theo thỏa thuận giữa các bên và mặc nhiên bị chấm dứt hiệu lực nếu quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu của bên giao bị chấm dứt.
Đồng thời, hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu vẫn sẽ có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba kể cả khi không đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ.
(Căn cứ Điều 148 Luật sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 9 Điều 2 Luật số 42/2019/QH14).
Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 58 và khoản 4 Điều 59 Nghị định 65/2023/NĐ-CP, cụ thể như sau:
- Tờ khai đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp (theo Mẫu số 01 tại Phụ lục IV của Nghị định 65/2023/NĐ-CP).
- 01 bản hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu (bản gốc hoặc bản sao được chứng thực theo quy định); nếu hợp đồng làm bằng ngôn ngữ khác tiếng Việt thì phải kèm theo bản dịch hợp đồng ra tiếng Việt; hợp đồng có nhiều trang thì từng trang phải có chữ ký xác nhận của các bên hoặc đóng dấu giáp lai.
- Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu trong trường hợp được cấp dưới dạng giấy.
- Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu về việc chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu, nếu quyền sở hữu nhãn hiệu tương ứng thuộc sở hữu chung.
- Văn bản ủy quyền (trường hợp yêu cầu được nộp thông qua đại diện).
- Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp).
- Đối với hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, ngoài các tài liệu nêu trên, cần có thêm các tài liệu sau đây:
+ Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận của Bên nhận chuyển nhượng theo quy định tại Điều 105 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bởi Khoản 34 Điều 1 Luật số 07/2022/QH15).
+ Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn của bên nhận chuyển nhượng đối với nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 87 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bởi Khoản 13 Điều 1 Luật số 36/2009/QH12).
Lưu ý:
- Trong trường hợp này, Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định lại về quyền nộp đơn và quy chế sử dụng nhãn hiệu. Người nộp đơn phải nộp phí thẩm định đơn ngoài các khoản phí, lệ phí đối với hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp theo quy định.
- Mỗi hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu chỉ được ghi nhận cho một bước chuyển nhượng. Trường hợp nhãn hiệu được chuyển nhượng nhiều bước thì mỗi bước chuyển nhượng phải nộp một hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu riêng.
Nộp 01 bộ hồ sơ đến Cục Sở hữu trí tuệ theo một trong các cách thức sau:
- Nộp trực tuyến qua Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Khoa học và Công nghệ.
- Trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc 2 Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Thời gian giải quyết thủ tục đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu là 02 tháng kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ (không bao gồm thời gian dành cho người nộp đơn sửa chữa thiếu sót).
- Phí thẩm định hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp (mỗi đối tượng): 230.000 đồng.
- Phí tra cứu nhãn hiệu liên kết (mỗi đối tượng): 180.000 đồng.
- Phí thẩm định đơn (mỗi đối tượng): 550.000 đồng (trường hợp chuyển nhượng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận).
- Phí đăng bạ Quyết định chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp: 120.000 đồng.
- Phí công bố Quyết định chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp: 120.000 đồng.
(Căn cứ Mục 1.5, Mục 3, Mục 1.1 và Mục 4 Phần B của Biển mức thu phí, lệ phí sở hữu công nghiệp ban hành kèm theo Thông tư 263/2016/TT-BTC).
- Tờ khai đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu (Mẫu số 01) Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
- Tờ khai đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu (Mẫu số 02) Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
- Tờ khai yêu cầu ghi nhận việc sửa đổi nội dung/gia hạn/chấm dứt hiệu lực hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu (Mẫu số 03) Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
- Mẫu hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu.
- Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu về việc chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu.
- Mẫu văn bản ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu.
- Mẫu quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể.
- Biểu mức thu phí, lệ phí sở hữu công nghiệp ban hành kèm theo Thông tư 263/2016/TT-BTC.
- Tờ khai đăng ký nhãn hiệu (Mẫu số 08) Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
- Tờ khai đăng ký quốc tế nhãn hiệu có nguồn gốc Việt Nam (bằng Tiếng Việt) (Mẫu số 01) Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
- Tờ khai yêu cầu thực hiện sau khi đơn Madrid có nguồn gốc Việt Nam được cấp số đăng ký quốc tế (bằng Tiếng Việt) (Mẫu số 02) Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
- Tờ khai đăng ký nhãn hiệu được chuyển đổi từ đăng ký quốc tế nhãn hiệu bị mất hiệu lực theo Điều 9quinquies của Nghị định thư Madrid (Mẫu số 03) Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
- Tờ khai sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký sở hữu công nghiệp (Mẫu số 04) Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
- Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (Mẫu số 13) Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
- Tờ khai yêu cầu ghi nhận chuyển nhượng đơn đăng ký nhãn hiệu (Mẫu số 05) Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
- Tờ khai sửa đổi văn bằng bảo hộ nhãn hiệu (Mẫu số 06) Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
-Tờ khai gia hạn/duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ nhãn hiệu (Mẫu số 07) Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
- Tờ khai chấm dứt/hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ nhãn hiệu (Mẫu số 08) Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
- Tờ khai cấp phó bản/cấp lại văn bằng bảo hộ nhãn hiệu (Mẫu số 09) Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.