Việc bổ nhiệm kế toán trưởng, người phụ trách kế toán được quy định cụ thể như sau:
>> Đăng ký thành lập doanh nghiệp
>> Đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử, mua hóa đơn do cơ quan thuế đặt in
Ảnh minh họa (Nguồn từ Internet)
Tùy thuộc vào quy mô hoạt động, yêu cầu quản lý mà doanh nghiệp sẽ tổ chức bộ máy kế toán sao cho phù hợp, có thể là Phòng/Ban Kế toán, thuê dịch vụ làm kế toán bên ngoài,…
Tuy nhiên, doanh nghiệp có cơ cấu tổ chức, quy mô ra sao thì vẫn yêu cầu có Kế toán trưởng, trừ trường hợp là doanh nghiệp siêu nhỏ. Tức là doanh nghiệp siêu nhỏ được bố trí phụ trách kế toán mà không bắt buộc phải bố trí kế toán trưởng (Căn cứ khoản 1 Điều 20 Nghị định 174/2016/NĐ-CP).
* Doanh nghiệp siêu nhỏ:
- Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng.
- Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng.
(Căn cứ khoản 1 Điều 5 Nghị định 81/2021/NĐ-CP)
Nếu chưa bổ nhiệm được ngay Kế toán trưởng thì doanh nghiệp phải bố trí người phụ trách kế toán hoặc thuê dịch vụ làm kế toán trưởng. Thời gian bố trí người phụ trách kế toán tối đa là 12 tháng, sau thời gian này doanh nghiệp phải bố trí người làm kế toán trưởng.
Trách nhiệm bố trí người làm kế toán trưởng hoặc quyết định thuê dịch vụ làm kế toán trưởng theo quy định thuộc về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Kế toán trưởng là người đứng đầu bộ máy kế toán của doanh nghiệp có nhiệm vụ tổ chức thực hiện công tác kế toán trong doanh nghiệp. Kế toán trưởng chịu sự lãnh đạo của người đại diện theo pháp luật, nhưng có quyền độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ kế toán
Lưu ý: Trường hợp doanh nghiệp cử người phụ trách kế toán thay kế toán trưởng thì phụ phụ trách kế toán phải có các tiêu chuẩn, điều kiện như đối với kế toán trưởng và phải thực hiện trách nhiệm và quyền quy định cho kế toán trưởng (nêu bên dưới).
(Căn cứ khoản 1 và khoản 4 Điều 53 Luật Kế Toán 2015)
Căn cứ khoản 1 Điều 55 Luật Kế Toán 2015, kế toán trưởng có các trách nhiệm sau:
- Thực hiện các quy định của pháp luật về kế toán, tài chính trong đơn vị kế toán;
- Tổ chức điều hành bộ máy kế toán theo quy định của Luật Kế toán 2015;
- Lập báo cáo tài chính tuân thủ chế độ kế toán và chuẩn mực kế toán.
Xem thêm mẫu: Báo cáo năng lực tài chính.
Căn cứ khoản 1 Điều 54 Luật Kế Toán 2015 và điểm g khoản 3, khoản 5 Điều 21 Nghị định 174/2016/NĐ-CP, tiêu chuẩn và điều kiện đối với kế toán trưởng được quy định như sau:
(i) Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật;
(ii) Có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán từ trình độ đại học trở lên (trừ trường hợp doanh nghiệp không có vốn nhà nước, có vốn điều lệ nhỏ hơn 10 tỷ đồng thì kế toán trưởng chỉ cần có chuyên môn nghiệp vụ về kế toán từ trình độ trung cấp chuyên nghiệp trở lên).
(iii) Có Chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng;
(iv) Có thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất là 02 năm đối với người có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán từ trình độ đại học trở lên và thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất là 03 năm đối với người có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán trình độ trung cấp, cao đẳng.
(v) Đối với kế toán trưởng của công ty mẹ là doanh nghiệp nhà nước hoặc là doanh nghiệp có vốn nhà nước chiếm trên 50% vốn điều lệ phải có thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất là 05 năm.
Đồng thời, kế toán trưởng không thuộc những đối tượng không được làm kế toán sau đây:
- Người chưa thành niên; người bị Tòa án tuyên bố hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự; người đang phải chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
- Người đang bị cấm hành nghề kế toán theo bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đang phải chấp hành hình phạt tù hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội phạm về chức vụ liên quan đến tài chính, kế toán mà chưa được xóa án tích.
- Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, anh, chị, em ruột của người đại diện theo pháp luật, của người đứng đầu, của giám đốc hoặc tổng giám đốc và của cấp phó của người đứng đầu, phó giám đốc hoặc phó tổng giám đốc phụ trách công tác tài chính - kế toán, kế toán trưởng trong cùng một doanh nghiệp, trừ doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu, doanh nghiệp thuộc loại hình khác không có vốn nhà nước và là doanh nghiệp siêu nhỏ.
- Người đang làm quản lý, điều hành, thủ kho, thủ quỹ, người được giao nhiệm vụ thường xuyên mua, bán tài sản trong cùng một doanh nghiệp, trừ trường hợp trong cùng doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu và các doanh nghiệp thuộc loại hình khác không có vốn nhà nước và là doanh nghiệp siêu nhỏ.
(Căn cứ Điều 19 Nghị định 174/2016/NĐ-CP và Điều 52 Luật Kế Toán 2015)
Ngoài ra, đối với trường hợp thuê dịch vụ làm kế toán trưởng, doanh nghiệp thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 22 Nghị định 174/2016/NĐ-CP.