Cho tôi hỏi tôi có buộc phải viết đơn xin nghỉ việc theo yêu cầu của sếp không? Và nếu tôi viết đơn thì có được công ty bồi thường không? – Hạ My (Hà Nội).
>> Năm 2023, NLĐ được gọi đi huấn luyện quân sự 01 tháng, công ty có phải trả lương?
>> Năm 2023, khi tăng lương thì công ty nên ký phụ lục hay hợp đồng lao động?
Chi tiết hơn, tôi ký hợp đồng lao động có thời hạn 36 tháng, đến tháng 4/2024 mới hết hạn. Tôi đang làm rất tốt công việc được giao, không vi phạm kỷ luật gì. Nhưng tuần trước, Giám đốc đã gặp và đề nghị tôi viết đơn xin nghỉ việc từ tháng 4/2023.
Tôi không biết mình có phải viết đơn xin nghỉ việc theo yêu cầu của Giám đốc không? Nếu tôi chấp nhận viết thì có được bồi thường gì không? Nếu không được bồi thường thì tôi sẽ gặp nhiều khó khăn tài chính sau khi nghỉ việc.
Viết đơn xin nghỉ việc theo yêu cầu của sếp, có được công ty bồi thường? (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Tại một số công ty, khi không muốn người lao động tiếp tục làm việc cho công ty, Giám đốc hoặc người quản lý khác sẽ chủ động yêu cầu người lao động viết đơn xin nghỉ việc.
Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, công ty đang đưa ra đề nghị chấm dứt hợp đồng lao động trước hạn với người lao động theo khoản 3 Điều 34 Bộ luật Lao động 2019:
Điều 34. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động
…
3. Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
Theo quy định trên, người lao động và công ty có quyền thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động. Trong đó, sự thỏa thuận của các bên thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện, thiện chí, bình đẳng, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của nhau.
Như vậy, khi sếp yêu cầu người lao động viết đơn xin nghỉ việc, người lao động không buộc phải thực hiện theo yêu cầu của sếp mà có quyền lựa chọn:
- Đồng ý viết đơn xin nghỉ việc và chấm dứt hợp đồng lao động trước hạn theo khoản 3 Điều 34 Bộ luật Lao động 2019.
- Hoặc không đồng ý viết đơn xin nghỉ việc và tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết với công ty.
Khi viết đơn xin nghỉ việc theo yêu cầu của sếp, người lao động có thể nhận được các khoản tiền sau đây:
Như đã nêu rõ tại mục 1, việc người lao động có viết đơn xin nghỉ việc theo yêu cầu của sếp hay không sẽ phụ thuộc vào ý chí của người lao động, trên cơ sở cân nhắc nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố về quyền lợi.
Để đề nghị chấm dứt hợp đồng lao động từ phía công ty có tính thuyết phục hơn đối với người lao động, nhiều công ty sẵn sàng trả cho người lao động một khoản tiền “bồi thường” nếu người lao động đồng ý nghỉ việc. Ví dụ: Nếu người lao động viết đơn xin nghỉ việc trước hạn, công ty sẽ trả cho người lao động 03 tháng tiền lương thực nhận.
Mặt khác, phía người lao động cũng có thể chủ động đề nghị công ty trả cho người lao động một khoản tiền “bồi thường” để người lao động viết đơn xin nghỉ việc trước hạn.
Bản chất, khoản tiền “bồi thường” nêu trên là khoản tiền công ty trả nhằm đạt thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động trước hạn với người lao động, mà không phải khoản tiền công ty phải trả do vi phạm nghĩa vụ. Việc có hay không có khoản tiền bồi thường này và mức bồi thường là bao nhiêu sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào thỏa thuận của các bên (Pháp luật không có quy định về vấn đề này).
Khi đã thỏa thuận xong mức tiền “bồi thường”, người lao động đồng ý viết đơn xin nghỉ việc, thì công ty có nghĩa vụ trả tiền “bồi thường” đã thỏa thuận với người lao động.
Theo Điều 48, Điều 46, khoản 3 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019, trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày người lao động chấm dứt hợp đồng lao động trước hạn với công ty (theo đơn xin nghỉ việc của người lao động), công ty có trách nhiệm thanh toán các khoản tiền sau đây cho người lao động:
- Tiền lương, tiền làm thêm giờ (nếu có) cho những ngày người lao động đã làm việc.
- Tiền lương những ngày nghỉ hằng năm (hay thường được gọi là ngày phép năm) mà người lao động chưa nghỉ.
- Tiền trợ cấp thôi việc (lưu ý là nếu công ty đã đóng bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ thời gian người lao động làm việc thì người lao động sẽ không nhận được tiền trợ cấp thôi việc – xem chi tiết cách tính trợ cấp thôi việc TẠI ĐÂY).
- Các khoản tiền khác liên quan đến quyền lợi của người lao động.