Cho tôi hỏi việc xử lý tài sản của công ty có tranh chấp khi có quyết định tuyên bố phá sản năm 2023 được tiến hành như thế nào? – Thành Khải (Lâm Đồng).
>> Năm 2023, khi nào Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản doanh nghiệp?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1, 2 và 4 Điều 114 Luật Phá sản 2014, trong quá trình giải quyết phá sản của công ty mà phát sinh tranh chấp về tài sản công ty trước khi có quyết định tuyên bố công ty phá sản, Tòa án nhân dân đang giải quyết vụ việc phá sản phải xem xét tách phần tài sản công ty đang tranh chấp để giải quyết bằng vụ án khác theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự (*).
Sau khi có bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án nhân dân giải quyết tranh chấp tài sản theo mục (*) nêu trên thì Tòa án nhân dân giải quyết phá sản xử lý tài sản như sau:
- Trước khi có quyết định tuyên bố phá sản thì tài sản có được từ bản án, quyết định có hiệu lực được nhập vào tài sản của công ty;
- Sau khi có quyết định tuyên bố phá sản thì tài sản công ty có được từ bản án, quyết định có hiệu lực được phân chia theo quyết định tuyên bố phá sản trước đó.
Khi công ty bị tuyên bố phá sản thì Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đại diện cho công ty tham gia giải quyết tranh chấp về tài sản.
Việc xử lý tài sản công ty khi có tranh chấp khi có quyết định tuyên bố phá sản năm 2023 (Ảnh minh họa)
Căn cứ khoản 3 Điều 114 Luật Phá sản 2014, việc tách tài sản đang tranh chấp thành vụ án khác theo mục (*) được thông báo theo quy định tại khoản 1 Điều 43 Luật Phá sản 2014.
Cụ thể, thông báo tách tài sản đang tranh chấp thành vụ án khác trước khi có quyết định tuyên bố phá sản phải được gửi cho người nộp đơn, công ty mất khả năng thanh toán, chủ nợ, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh nơi công ty có trụ sở chính và đăng trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân và 02 số báo địa phương liên tiếp nơi công ty mất khả năng thanh toán có trụ sở chính.
Theo quy định tại Điều 115 Luật Phá sản 2014, quá trình thực hiện việc thanh lý tài sản theo quyết định tuyên bố công ty phá sản mà có tranh chấp hoặc không thể thi hành được thì Chấp hành viên, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, người tham gia thủ tục phá sản đề nghị Tòa án nhân dân đã giải quyết vụ việc phá sản xem xét.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của Chấp hành viên, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, người tham gia thủ tục phá sản, Tòa án nhân dân phải xem xét ra một trong các văn bản sau:
(1) Văn bản trả lời không chấp nhận đề nghị của Chấp hành viên, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, người tham gia thủ tục phá sản;
(2) Chuyển đơn đề nghị đến người có thẩm quyền để xem xét kháng nghị quyết định tuyên bố công ty phá sản theo quy định của pháp luật.
Trường hợp Chấp hành viên, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, người tham gia thủ tục phá sản không đồng ý với văn bản trả lời tại mục (1) nêu trên thì có quyền đề nghị người có thẩm quyền xem xét kháng nghị quyết định tuyên bố công ty phá sản theo quy định của pháp luật.
Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đại diện cho công ty tham gia giải quyết tranh chấp về tài sản.
>> Xem thêm bài viết:
>> Lệ phí phá sản công ty/doanh nghiệp năm 2023 là bao nhiêu?
>> Chi phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản năm 2023 được quy định thế nào?