Doanh nghiệp sau khi đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà vẫn tiếp tục kinh doanh thì phạt vi phạm hành chính như thế nào? – Bảo Quốc (An Giang).
>> Hết thời hạn hoạt động ghi trong Điều lệ, có được không giải thể mà gia hạn hoạt động?
>> Giá bán lẻ điện cho sản xuất, kinh doanh năm 2023 là bao nhiêu?
Việc doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh khi đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Luật Doanh nghiệp 2020.
Bên cạnh đó, tại điểm b khoản 4 Điều 46 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này như sau:
“Điều 46. Vi phạm về thành lập doanh nghiệp
...
4. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
...
b) Tiếp tục kinh doanh khi đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu tạm ngừng kinh doanh, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh.
Trường hợp có vi phạm pháp luật về thuế thì xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế.”
Đồng thời, tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền như sau:
“Điều 4. Mức phạt tiền
...
2. Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với tổ chức (trừ mức phạt quy định tại điểm c khoản 2 Điều 28; điểm a và điểm b khoản 2 Điều 38; Điều 62 và Điều 63 Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với cá nhân). Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 (một phần hai) mức phạt tiền đối với tổ chức.”
Như vậy, doanh nghiệp sẽ bị phạt vi phạm hành chính từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng khi thực hiện hành vi tiếp tục kinh doanh sau khi đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Ngoài ra, trong trường hợp doanh nghiệp có vi phạm pháp luật về thuế thì còn bị xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế.
Luật Doanh nghiệp và văn bản sửa đổi, hướng dẫn (áp dụng từ ngày 05/3/2023) |
Vẫn kinh doanh sau khi bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, bị phạt tiền bao nhiêu?
(Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong trường hợp sau đây:
- Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo.
- Doanh nghiệp do những người bị cấm thành lập doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 thành lập.
- Doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh 01 năm mà không thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế.
- Doanh nghiệp không gửi báo cáo về việc tuân thủ quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 theo yêu cầu cơ quan đăng ký kinh doanh khi xét thấy cần thiết trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày hết hạn gửi báo cáo hoặc có yêu cầu bằng văn bản.
- Trường hợp khác theo quyết định của Tòa án, đề nghị của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của luật.
(Căn cứ theo quy định tại Điều 212 Luật Doanh nghiệp 2020).
Phòng Đăng ký kinh doanh ra quyết định hủy bỏ quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đồng thời khôi phục tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong các trường hợp sau đây:
- Phòng Đăng ký kinh doanh xác định doanh nghiệp không thuộc trường hợp phải thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Phòng Đăng ký kinh doanh nhận được văn bản của Cơ quan quản lý thuế đề nghị khôi phục tình trạng pháp lý của doanh nghiệp sau khi bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do cưỡng chế nợ thuế trong trường hợp doanh nghiệp chưa chuyển sang tình trạng pháp lý đã giải thể trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
(Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 76 Nghị định 01/2021/NĐ-CP).